Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2023

TRÒN 8 NĂM GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ THUNG DUNG VỀ CÕI THỌ


Trần Văn Khê thung dung cánh hạc 
nhập Thiên Thai

Tưởng nhớ Thầy Trần Văn Khê

Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện

Đã nằm xuống, Trần Văn Khê, cây đại thụ của làng âm nhạc và văn hoá nước nhà, nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam trong thế kỷ XX và 15 năm của thế kỷ XXI; mang trong mình tấm căn cước Việt Nam từng toả bóng mát muôn phương và rợp che mười năm cuối đời tại Đất Việt.


Ông trút hơi thở cuối cùng hồi 2h55 ngày 24/6/2015, và trước đó đã kịp làm bản di chúc gửi lại hậu thế. Như thế, ông đi...

Đêm nay, đêm 28.6 là đêm cuối cùng Trần Văn Khê ngủ trên dương thế. Sớm mai, xe linh cữu kết đầy hoa chầm chậm trong tiên nhạc dặt dìu sẽ đưa ông đi về một thế giới khác an lạc vĩnh hằng.

Biết bao nhiêu nhân sĩ, trí thức, nghệ sỹ, ký giả đã có những bài viết tiễn biệt ông, trong buồn thương kính tiếc. Nhưng Trần Văn Khê là một nhân vật lớn, trí tuệ và tâm hồn Trần Văn Khê là một dòng suối tuôn trào không biết mệt và chưa từng vơi cạn, bao nhiêu môn sinh, bao nhiêu người trong chúng ta đã chịu ơn ông, đã bơi lội tung tăng trong dòng nước đó. Đóng góp của Trần Văn Khê đối với văn hoá và âm nhạc thì hồ sơ Trần Văn Khê do trưởng nam Trần Quang Hải đã kể lại trong một bài viết dài. Bấy nhiêu, cũng chỉ là những dòng chữ văn tắt, khô khan của một bản lý lịch. Đằng sau những sự kiện ấy, là những vui buồn, hồi hộp, là những chia sẻ của ông, thì đã có Hồi ký Trần Văn Khê hai tập đã được in ra. Đó là hơi thở, là tâm tình, là tình tự, là nhật ký tâm hồn Trần Văn Khê...

Người gần gũi với Trần Văn Khê là nhà văn Trần Đông Thức có kể lại trí nhớ mẫn tiệp cho đến trước khi ra đi của Trần Văn Khê. Ông cho biết rằng, cả cuộc đời Trần Văn Khê, đi đâu, gặp ai, sự kiện gì, công việc gì, niềm vui nào, nỗi buồn nào cũng được ông ghi lại hết, đều đặn, chi tiết suốt cả đời ông. Trần Văn Khê còn lưu lại các chứng tích, giữ lại các vé máy bay, ticket, hoá đơn, hợp đồng, như là những tài liệu của sở cẩm. Giờ đây, ông Khê đã nằm đấy trong mấy đêm cuối cùng trên dương thế để chờ phút giây lên đường sang hẳn bên kia thế giới, cho dù nhã nhạc đã và đang tấu lên dìu dặt và êm dịu như khúc nhạc tiên giới vọng về nhưng sao vẫn xót xa quá chừng. Ông Khê nằm đó, đó là giấc ngủ của một ông tiên đã mãn hạn trần gian. Phải rồi, Trần Văn Khê là một vị tiên giáng xuống trần gian để sống một cuộc đời cao quý. Ông cần mẫn ghi lại và giữ lại những chứng tích hiện hữu ở trần gian cứ như là để khi trở lại Lãng Uyển Bồng Hồ nếu chư tiên có hỏi đến thì bảo “đấy, tôi ở đây, ngày này, gặp người này, làm việc này” chăng?

Trần Văn Khê đã từng học nhiều chuyên môn, từng học đại học ngành y, rồi ngành ngoại giao, rồi hành chính nữa. Ông lại cũng làm nhiều công việc tưởng chừng như là chỉ để kiếm sống như đóng phim, lồng tiếng, dạy học, giảng dạy. Về diễn thuyết thì cho đến nay chưa có ai vượt được Trần Văn Khê, và rồi sau nữa liệu có ai bằng được ông chăng?! Ông nói, mà máy ghi âm ghi lại, khi gỡ băng là có ngay văn bản chỉn chu. Ông nói về những vấn đề cao siêu mà trình độ nào nghe cũng hiểu, cũng lĩnh hội được ý ông. Ông nói, mà âm sắc và câu chữ của ông cứ như ông đọc từ trong đầu một áng văn hay, dìu dặt, biền ngẫu, có phong vị cổ kính thanh cao. Ông nói về chuyên môn, dù là khó hay dễ, một khi được phát lên truyền thanh, truyền hình thì ai nghe cũng xúc động về tâm tình, nể trọng về kiến thức và cách diễn đạt. Trần Văn Khê nói say mê, chân thành như một nhà thuyết pháp chinh phục và kéo người nghe về với vấn đề mình đang nói. Trần Văn Khê còn có biệt tài là nói cái gì cũng chi ly, chi tiết đầy đủ chứng lý và minh hoạ. Ông nói chuyện về các truyền thống âm nhạc khắp năm châu, nói đến đâu thì hát, ngâm minh họa đến đó, nói đến nhạc cụ nào thì miệng nói tay đàn, rất linh hoạt, rất tự nhiên, rất tài tình tạo nên một không gian ấm áp lạ thường quanh Trần Văn Khê.


Giáo sư Trần Văn Khê là một nhà bác học, ngoài âm nhạc, ông nói về văn hoá, về ẩm thực, về giáo dục, về tín ngưỡng, phong tục, lời nào chuyện ấy đều rất hấp dẫn, mới mẻ, bằng trải nghiệm của một người từng trải và thuyết phục người nghe bằng cả lý thuyết lần thực hành. Ông là một bậc danh vọng trong làng trí thức, có đời sống thanh cao, lịch sự, nhưng bất cứ ai tìm đến ông vì bất cứ điều gì ông đều đón nhận chân thành. Lắng nghe, giảng giải ôn tồn, nâng đỡ ân cần, Trần Văn Khê là một bậc thạc đức trong làng trí thức gốc Việt trên thế giới cũng như ở Việt Nam. 

Tất cả những hoạt động của ông từ nửa thế kỷ nay đều phụng sự cho văn hóa, âm nhạc Việt Nam, giới thiệu văn hóa, âm nhạc Việt Nam đi khắp năm châu bốn bể. Ông có những việc làm để gìn giữ tất cả những nét đẹp tinh hoa của Việt Nam trong văn hóa và âm nhạc. Chúng ta nhớ là năm 1976, khi mà quan họ, ca trù có một đời sống lay lắt thì GS. Trần Văn Khê trở về và ghi những đĩa hát về quan họ và ca trù, ghi âm với những nghệ nhân giỏi nhất thời bấy giờ, để đi giới thiệu với UNESCO, cho UNESCO in ra 400 đĩa gửi đi khắp nơi. Sau đó, nó có một tiếng vọng rất lớn trở lại Việt Nam. Hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh, đều có sự tham gia của Trần Văn Khê. Những hồ sơ di sản Nhã nhạc cung đình Huế, Ca trù, Quan họ, Đàn ca tài tử v.v. đều có bàn tay chăm sóc của Trần Văn Khê. 

GS. Trần Văn Khê luôn là một người thật sự công tâm, khách quan, minh bạch. GS. Trần Văn Khê được chính phủ Việt Nam mời về để làm cố vấn cho việc trình hồ sơ lên UNESCO cho ca trù Việt Nam, giáo sư đã yêu cầu Viện Âm nhạc và Bộ Văn hóa mời tôi để viết phần lịch sử và sự phát triển của ca trù, mặc dù trước đó Viện Âm nhạc và Bộ Văn hóa đã có dự kiến khác. GS. Trần Văn Khê có gọi tôi đến khách sạn Bàn Cờ (87 Nguyễn Thái Học) là nơi ông lưu lại mỗi khi về Hà Nội và yêu cầu tôi khi viết về lịch sử ca trù là phải đưa ra những tư liệu xác thực nhất, có thể kiểm chứng được trên thực tế, không được dựa trên những huyền thoại, truyền thuyết, mà phải dựa trên những tài liệu xác đáng bằng văn bia và các tài liệu Hán Nôm. Trong một lần khác, chính phủ Việt Nam đề nghị giáo sư tham gia đưa môn đờn ca tài tử (vốn là sở trường của ông) trình lên UNESCO để được công nhân là văn hóa phi vật thể, giáo sư đã từ chối với lý lẽ đờn ca tài tử tuy đặc biệt nhưng vẫn xếp sau một số bộ môn nghệ thuật khác (mãi về sau, khi các di sản âm nhạc khác đã "đăng quang", ông ủng hộ đề cử vinh danh đờn ca tài tử, và làm hồ sơ gửi đi, rồi được UNESCO vinh danh).  

Đến bây giờ, ai mà nói được gì về Trần Văn Khê mà dám nhận đã nói đầy đủ về ông. Trần Văn Khê là một tòa lâu đài đẹp đẽ, nguy nga và cao rộng về chiều kích mà mỗi chúng ta chỉ chiêm ngưỡng từ một góc nhìn, hoặc ngó vào qua một ô cửa nhỏ. Ông có bề dày của cuộc sống bôn ba hải ngoại bảy chục năm, 94 năm tuổi đời. Từ nền tảng văn hóa và âm nhạc Việt, ông đã bồi đắp cho mình về âm nhạc bác học của Phương Tây, rồi quan sát tỷ mỉ về các truyền thống âm nhạc trên thế giới. Từ học tập rồi đến quảng bá, truyền dạy về văn hóa và âm nhạc dân tộc, Trần Văn Khê suốt đời tìm kiếm và quảng bá cho những nét đẹp, nét tinh hoa, tinh anh của truyền thống Việt, với một giọng nói trầm hùng, hào sảng và thiết tha. 

Trần Văn Khê đã bỏ mặc trần gian mà đi…

Bản đàn cuối cùng mà ông nghe là mấy khúc nhạc của người bạn tri âm Vĩnh Bảo đêm 27.6, một ngày trước khi di quan. Đêm đó cũng là đêm các học trò và con cháu ông tụ tập quanh linh cữu ông để hòa nhạc lần cuối tạ ơn ông. Trần Văn Khê, chắc hẳn đã mỉm cười lặng lẽ.

Bản di chúc mà ông để lại, ông chỉ dành cho ông mấy dòng về đám tang ông (theo nghi lễ Phật giáo, có hòa tấu âm nhạc, hỏa táng, tro cốt đưa về nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh…). Ông dành nhiều con chữ trong di chúc để cho việc đào tạo và nâng đỡ các tài năng âm nhạc truyền thống Việt Nam (học bổng, biến nhà ông thành ra thư viện để ai cũng có thể tới đọc, xem và nghe các tư liệu ông để lại, rồi các buổi hòa tấu, thuyết giảng về văn hóa và âm nhạc…). Ông còn dành nói về chị Nguyễn Thị Na (mà tôi đã gặp đầu năm 2010) người đã ân cần và tận tụy chăm sóc cho ông từ năm 2005 đến nay. 

Như mọi người đã biết, khi Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê có ý định trở về nước để sống những năm cuối đời và được ra đi trên đất mẹ Việt Nam, chính quyền TP HCM đã lắng nghe được tâm nguyện ấy, đã dành tặng ông một căn nhà rộng rãi, là biệt thự cũ ở số 32 Huỳnh Đình Hai, Phường 24, quận Bình Thạnh. Ông đã về đó và trồng cây quanh vườn, đã mười năm, trong nhà luôn vang tiếng nhạc hoặc tiếng giảng giải của ông về âm nhạc cổ truyền. Một trong những người có công lớn trong việc thu xếp để GS Khê có được căn nhà này là Bà Nguyễn Thế Thanh, khi ấy là Phó giám đốc Sở Văn hóa Tp HCM. Giáo sư Trần Văn Khê đã mang toàn bộ tài sản của cả đời tích góp của mình về đây. Tài sản của ông là gần 500 kiện/thùng tư liệu sách vở, băng đĩa, vật phẩm văn hóa. Ông dành một căn phòng nhỏ để chứa băng đĩa trong một chế độ nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Ông dành cả phòng khách lớn để tiếp khách ngày thường và là nơi mỗi tháng đều đặn tổ chức một buổi để ông hoặc khách mời của ông nói chuyện về văn hóa và âm nhạc.

Hãng taxi Mai Linh  vì lòng trân trọng và ngưỡng mộ một nhà văn hóa lớn của đất nước đã tặng một chiếc thẻ để được phục vụ miễn phí GS Trần Văn Khê đi lại bất kỳ đâu và bất kỳ giờ giấc nào. Nxb Trẻ TP HCM và công ty Phương Nam thì bàn bạc cùng ông để kịp xuất bản các tập Hồi Ký của ông khi ông còn đang khỏe mạnh.

Ôi! Nghĩa cử này của chính quyền TP Hồ Chí Minh và hãng taxi Mai Linh, Nxb Trẻ và Công ty Phương Nam thật đáng khen ngợi. 

Mừng đấy, nhưng khi Thầy Khê vắng xa thì lại bắt đầu nỗi lo lắng. Bởi vì không biết rồi đây căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai sẽ ra sao? Toàn bộ "di sản Trần Văn Khê" trong căn nhà đó sẽ ra sao? Bởi Tp HCM cũng đã từng có tiền lệ là Vân Đường Phủ của Cụ Vương Hồng Sển nhãn tiền rồi! Cụ Vương đã chắt bóp dành dụm cả đời để mua các cổ vật. Tòa nhà mà Cụ Vương ở cũng là một cổ vật, được gọi tên là Vân Đường Phủ, các tài sản trong đó là đồ gốm sứ, đồ gỗ, sách báo cổ...Trước khi qua đời, ông làm giấy hiến tặng Vân Đường Phủ và các cổ vật cho TP Hồ Chí Minh. Ấy vậy mà khi ông nằm xuống được vài năm thì tất cả đã tan tành khói mây. Sách, đồ sứ, đồ gốm, đồ gỗ ...bỗng chốc thất tán, tan hoang.

GS. Trần Văn Khê đã qua đời nhưng tất cả di sản đồ sộ cũng như những cống hiến lớn lao của ông đã khiến ông trở thành một biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Nhà lưu niệm Trần Văn Khê có thành ra một Vân Đường Phủ của Cụ Vương Hồng Sển, hay Nhà trưng bày Điềm Phùng thị ở Huế? 

GS Trần Văn Khê nay đã ra người thiên cổ. Xót thương, tưởng nhớ, ngưỡng mộ! Thương nhớ Ông, biết rằng Ông "đang di chuyển tâm nguyện của mình sang một hướng khác"(Nguyễn Đăng Hưng) nhưng sao vẫn quá bàng hoàng, trống vắng!

Trong âm hưởng của cuộc tiễn biệt Thầy Trần Văn Khê, xin nhắn TP Hồ Chí Minh đối với di sản Trần Văn Khê, hãy nhớ câu Kiều :"Gìn vàng giữ ngọc cho hay / Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời". 

Di sản Trần Văn Khê là của tin gửi lại của một bậc thiện trí thức đã cả đời bôn ba nước người mà lòng luôn hướng về quê cha đất tổ, về nước Việt thân yêu, giữ nguyên quốc tịch Việt Nam và tranh thủ từng cơ hội để quảng bá, giới thiệu văn hóa âm nhạc Việt Nam; đào tạo và nâng đỡ nhân tài cho đất nước! Lại cũng xin nhớ câu Kiều: "Của tin còn một chút này / Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan"

Đêm cuối cùng của Giáo sư Trần Văn Khê trên dương thế xin khơi đỉnh trầm giãi tỏ tấm lòng thành kính tri ân trước linh sàng. Kính dâng lời cầu nguyện Chư Tiên và Chư Phật, Chư Thánh sáng mai sớm đón anh linh Giáo sư Trần Văn Khê về miền quá khứ trong khúc nhạc dịu êm dìu dặt mà ẩn chứa bao niềm xót thương luyến tiếc của muôn vạn tấm lòng....Để anh linh Thầy thoắt chốc phiêu bồng nơi Tiên cảnh an lạc vĩnh hằng....

Chư vị đọc đến bài văn đạm bạc, nông cạn và sơ giản, khiếm khuyết này, xin niệm lòng thể tất. Xin đa tạ chư vị...
Hà Nội, 23h23, đêm 28.6.2015
Học trò Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện bái đề.

------------
 
Ghi chú: Rất đau lòng là hiện vật trong căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai đã được chuyển đi hết. Chính quyền TP HCM đã lấy lại ngôi nhà này ngay sau đám tang Giáo sư. Vì vậy, di cốt Giáo sư Trần Văn Khê phải đưa về nhà người con trai của Giáo sư.
 
Cùng xem lại các bài viết về sự ra đi của Gs.Trần Văn Khê:
 
CÁO PHÓ: VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT GS TRẦN VĂN KHÊ

Thứ Bảy, ngày 27 tháng 6 năm 2015
NHỮNG LỜI TIỄN BIỆT GIÁO SƯ TRẦN VĂN KHÊ
Con trai GS Khê: TÔI VÀ GIA ĐÌNH TỰ HÀO MÃN NGUYỆN VỀ CHA
GS. Nguyễn Đăng Hưng: THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT GS TRẦN VĂN KHÊ
CUỘC ĐỜI, SỰ NGHIỆP VÀ DI SẢN TRẦN VĂN KHÊ
TRẦN VĂN KHÊ - MỘT BIỂU TƯỢNG LỚN, MỘT NHÂN CÁCH LỚN

Chủ Nhật, ngày 28 tháng 6 năm 2015
NHỮNG CÂU CHUYỆN, NHỮNG KỶ NIỆM VỀ GS TRẦN VĂN KHÊ

Thứ Hai, ngày 29 tháng 6 năm 2015
GIỚI CHUYÊN MÔN NHẬN ĐỊNH VỀ SỰ NGHIỆP GS TRẦN VĂN KHÊ
GS TRẦN VĂN KHÊ VÀ KỶ NIỆM VỚI GIA TỘC NGUYỄN VĂN VĨNH
ĐOÀN XE TANG CHỞ LINH CỮU GS TRẦN VĂN KHÊ ĐÃ RỜI THÀNH PHỐ

Thứ Bảy, ngày 04 tháng 7 năm 2015
Hiệu Minh: CHUYỆN HAI NHÀ NGOẠI GIAO ĐẶC BIỆT HỌ TRẦN
Kỳ Duyên: THƯƠNG NHỚ NHỮNG NGƯỜI VỪA RỜI BỎ THẾ GIAN

Thứ Sáu, ngày 17 tháng 7 năm 2015
MỘT ỨNG XỬ NGOẠI GIAO VĂN HÓA CỦA GS TRẦN VĂN KHÊ

Thứ Bảy, ngày 18 tháng 7 năm 2015
GS TRẦN VĂN KHÊ KỂ CHUYỆN "LÁ RỤNG VỀ CỘI"



3 nhận xét :

  1. Cảm ơn và tri ân TS Nguyễn Xuân Diện bội phần. Đọc lại mà buồn trĩu nặng. Nguyên khí quốc gia - bị xiết bao bỏ phí. Cho nên, Đất nước chắc còn gian nan và cực nhọc kinh hoàng...Khó lường trước được !...

    Trả lờiXóa
  2. Bà con nên vào đây xem Ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai, Q. Bình Thạnh (nay là Trung tâm bảo tồn Di tích LS-VH của Tp.HCM)...bây giờ ra sao ?!
    http://trungtambaotonditichtphcm.com/Trung-tam-bao-ton-di-tich.aspx#featureOperation

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay quá! Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tài năng, đức độ, tầm vóc lớn lao của Giáo sư Trần Văn Khê

    Trả lờiXóa