Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

GIỚI CHUYÊN MÔN NHẬN ĐỊNH VỀ SỰ NGHIỆP GS TRẦN VĂN KHÊ

Suy nghĩ về Giáo sư Trần Văn Khê
Hà Mi

BBCVietnamese.com
25 tháng 6 2015
 
Giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu với thế giới về âm nhạc cổ truyền Việt Nam qua làn sóng đài BBC

Giáo sư Tiến sĩ âm nhạc Trần Văn Khê vừa qua đời tại Sài Gòn sau thời gian nằm viện, hưởng thọ 94 tuổi.

Ông du học tại Pháp từ năm 1949 và là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sỹ Âm nhạc học vào năm 1958, với luận án tiến sĩ "Âm nhạc truyền thống Việt Nam". Ông được biết đến là người đã có công quảng bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra thế giới.
Sau đây là ý kiến của một số chuyên gia và nghệ sĩ về âm nhạc dân tộc Việt Nam trong và ngoài nước chia sẻ với BBC về ông.

Truyền bá cái hay cái đẹp của nhạc dân tộc
Gs Ts Khoa học Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam
Vào những năm 1970 công việc nghiên cứu âm nhạc cũng đã làm khá kỹ khá nhiều nhưng chúng tôi đón được cuốn sách Âm nhạc Việt Nam cổ truyền của ông Khê, chúng tôi mừng lắm.
Ông phác cho chúng tôi suốt cả một lịch trình âm nhạc từ thời Lê đến thời kỳ Pháp thuộc. Đó là những tư liệu đầu tiên có sở cứu cho nên chúng tôi rất mừng.
Chúng tôi sau đó được biết ông Khê đã đi khắp nơi trên thế giới, ở nơi nào ông cũng tuyên truyền, trình bày cái hay cái đẹp của âm nhạc dân tộc Việt Nam.
Lúc bấy giờ và ngay cả bây giờ nữa không phải chúng ta muốn tuyên truyền cái gì về âm nhạc dân tộc Việt Nam là được mà phải có điều kiện, phải có tài trình bày, phải có kiến thức hiểu biết và cũng có điều kiện để đi các nơi như ông Khê.
Cho tới những năm 2000 tôi được trực tiếp tiếp xúc với ông Khê, nhất là trong Hội nghị về Nhã nhạc. Lúc bấy giờ chúng tôi chuẩn bị làm hồ sơ cho UNESCO để người ta vinh danh di sản đầu tiên của Việt Nam là Nhã nhạc cung đình Huế.
Phải nói rằng ông Khê đóng góp rất nhiều vì trong công trình nghiên cứu âm nhạc Việt Nam cổ truyền ông đã giành rất nhiều trang cho âm nhạc cung đình, thành ra sự đóng góp để làm nổi bật cái hay cái đẹp cái cổ truyền và tính đặc sắc dân tộc trong âm nhạc cung đình Việt Nam còn lại ở thời Nguyễn, đã góp phần làm cho hồ sơ có tính hấp dẫn và thuyết phục cao và vì thế âm nhạc cung đình Huế là di sản đầu tiên được UNESCO vinh danh.
Sau này về sống trong nước ông tiếp tục góp ý rất nhiều cho các hồ sơ sau.
Ngoài ra ông còn quan tâm đến việc giảng dạy cho các cháu nhỏ. Đấy chính là một biện pháp để duy trì nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Ông tự mình mở nhiều lớp và có các CLB để thu hút các cháu.
Việc làm của ông trong phạm vi không lớn lắm nhưng chúng ta có thể nói rằng ông là con người cả đời đã cống hiến cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam. Nói về một con người thì có lẽ đấy là điểm đậm nhất, đẹp nhất về ông Khê.

Bảo tồn phát huy âm nhạc truyền thống

Tiến sĩ Alexander Cannon, chuyên gia về âm nhạc dân tộc Việt Nam, Đại học Western Michigan, Mỹ
Giáo sư-Tiến sĩ Trần Văn Khê là nhà nghiên cứu vĩ đại của thế giới. Từ thập kỷ 1950, nhiều nhà nghiên cứu về âm nhạc dân tộc học (ethnomusicology) đã đọc các bài viết và sách của ông Trần Văn Khê về lịch sử âm nhạc truyền thống Việt Nam và về âm nhạc Châu Á ảnh hưởng tới âm nhạc Việt Nam như thế nào.
Cho đến nay, cuốn "Âm nhạc truyền thống Việt Nam" (La musique vietnamienne traditionnelle) của ông vẫn là cuốn sách hoàn hảo nhất về âm nhạc Việt Nam. Sở dĩ sinh viên Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Nhật biết về âm nhạc Việt Nam là nhờ những giảng dạy của ông.
Tại Việt Nam, ai cũng biết việc ông Khê bảo tồn, phát huy âm nhạc truyền thống Việt Nam như thế nào.
Năm 2007, tôi bắt đầu làm nghiên cứu về nhạc tài tử Nam bộ (cũng gọi là đờn ca tài tử), một loại nhạc phổ biến ở TP. Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long, khác với nhạc cải lương.
Lúc đó, ít người dân TP. HCM biết về đờn ca tài tử, chỉ biết về cải lương. Nhưng nay đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại và tất cả mỗi người Việt đều biết về đờn ca tài tử. Ngoài ra, nhiều người còn được giải thích đờn ca tài tử và nhạc cải lương khác nhau như thế nào. Lý do: Ông Khê là người đã phổ biến các kiến thức về loại nghệ thuật này.
Tôi may mắn được gặp ông hai lần vào năm 2007 và 2012.
Lần cuối cùng, tôi phỏng vấn ông trong ba tiếng đồng hồ. Lúc bắt đầu nói chuyện, giọng nói của ông Khê mềm mại và có vẻ yếu ớt; nhưng tới cuối ông như chàng trai trẻ với giọng nói mạnh mẽ và cử chỉ cường tráng, với giải thích rõ ràng và lanh lợi.
Trong quá trình nói về hai phương pháp đàn tuỳ hứng của Việt Nam và Ấn Độ giống nhau như thế nào, ông đã hát một bài Ấn Độ, sử dụng các lời sa ri ga ma pa dha ni sa. Lời này tên là "sargam", giống như hò xự xang xê cống của Việt Nam hoặc là sol la do re mi của châu Âu. Có lẽ không có loại nhạc nào mà ông không biết!
Với ông Âm nhạc là nguồn sống. Trong quá trình viết các bài về âm nhạc truyền thống Việt Nam, tôi luôn đọc lại "La musique vietnamienne traditionnelle" hay là bài "Học chân phương mà đờn hoa lá" để nghe tiếng nói hướng dẫn của ông.
Những đóng góp của ông sẽ giúp mỗi nghệ sĩ, ca sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam trong tương lai có thể thể hiện một phần tâm hồn ông qua nghệ thuật của mình.

Cây đại thụ

Nguyễn Văn Khuê, Nghệ sĩ đàn đáy và con trai nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi, gia đình có bảy đời theo nghệ thuật ca trù
Từ những năm 90, mặc dù ở nước ngoài, nhưng ông đã để tâm rất nhiều, nhất là lĩnh vực nghệ thuật ca trù.
Ông đã đưa băng ca trù, như băng của bà Quách Thị Hồ, để thế giới cảm nhận được nghệ thuật ca trù là cao sang, độc nhất vô nhị của dân tộc Việt Nam, gắn liền với văn chương, lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc.
Ông là người có công rất lớn trong việc tìm nhặt lại những nghệ nhân ca trù đích thực của Việt Nam để giới thiệu giúp thế giới có thể cảm nhận vẻ đẹp của nghệ thuật ca trù. Đó là công lao rất lớn.
Khi về nước ông cũng xuống gặp gỡ gia đình nghệ nhân để tìm hiểu và thu thập tài liệu về ca trù để rồi thành một công trình rất lớn giúp sau này UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngoài ra ông còn làm các công việc khác cho nhã nhạc Huế, đờn ca tài tử .v.v. Phải nói ông là một con người tôi vô cùng trân trọng.
Ông mất đi là một tổn thất lớn cho dòng nghệ thuật dân gian của Việt Nam. Ông là người có tâm, có đức, nghiên cứu rất kỹ về nhạc dân tộc.
Để có những người kế cận được thì chắc lớp trẻ chắc cần phải có những năm tháng và rất nhiều học hỏi, nhất là ngành lý luận âm nhạc càng cần phải có trải nghiệm qua nhiều thời kỳ.
Ông Khê là một cây đại thụ, muốn có cây đại thụ như vậy thì phải mất nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi, phải yêu đất nước, âm nhạc, con người và văn hóa Việt Nam thì mới có thể thay thế được.

Tạo cảm hứng và có ảnh hưởng dài lâu

Tiến sĩ Barley Norton, Khoa Âm nhạc, Goldsmiths, ĐHTH London
Ông Trần Văn Khê ra đi là một mất mát lớn cho âm nhạc Việt Nam. Là một nhạc sĩ, học giả và một trí thức, ông Trần Văn Khê đã truyền bá không biết mệt mỏi cho âm nhạc Việt Nam.
Suốt cuộc đời mình ông Khê đã tạo hứng khởi và làm rung động biết bao người và ông cũng là người đã có ảnh hưởng tới quyết định nghiên cứu âm nhạc Việt Nam của tôi.
Khi tôi bắt tay vào việc làm thạc sĩ về âm nhạc dân tộc học tại Đại học Tổng hợp London vào đầu những năm 1990s, một số những băng ghi âm nhạc Việt đầu tiên mà tôi được nghe là do ông Trần Văn Khê thực hiện, và cuốn sách đặt nền tảng của ông La Musique Vietnamienne Traditionelle, đã lần đầu tiên giới thiệu cho tôi về lịch sử, nhạc cụ và các thể loại âm nhạc Việt Nam.
Đọc sách và nghe những băng ghi âm của ông từ thời những năm 1960s và 1970s với các thể loại âm nhạc truyền thống, như ca trù, nhã nhạc và hát bội đã tạo hứng khởi cho tôi tìm hiểu thêm về âm nhạc Việt Nam. Thế là tôi đã liên lạc với ông Trần Văn Khê và tới thăm ông tại gia ở Paris.
Vào lúc đó tôi biết ít về nhạc Việt Nam và chưa từng tới Việt Nam nhưng tôi nhớ ông đã giành cho tôi rất nhiều thời gian của ông và khuyến khích tôi nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
Sau cuộc gặp ở Paris, tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào mùa hè năm 1994 để nghiên cứu về nghệ thuật ca trù và tôi tiếp tục nghiên cứu và viết về âm nhạc Việt Nam kể từ đó.
Tôi gặp lại ông lần nữa tại một hội nghị về âm nhạc ở Hà Nội vào năm 2005, hơn một thập niên sau lần gặp đầu tiên ở Paris, tôi lại được nhắc nhở tới sức hấp dẫn và nhiệt huyết đầy lôi cuốn của ông khi ông cuốn hút khán giả bằng những lời bình uyên bácvề các kỹ thuật hát khác nhau.
Ông Trần Văn Khê là một trong số ít các học giả có khả năng truyền tải những tư tưởng phức tạp theo cách giải trí và thường là hài hước.
Năm 2004 ông trở lại sống tại Việt Nam và tiếp tục làm công việc của một đại sứ cho âm nhạc Việt Nam. Cho tới khi sắp qua đời, ông vẫn là một người viết nhiều và hoạt động tích cực trong việc hỗ trợ phục hồi những thể loại âm nhạc cổ truyền đang bị lãng quên.
Được nhìn nhận là "cha già" của những nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, những bài viết và băng đĩa phong phú của ông sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới các thế hệ tương lai trong nhiều năm nữa.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét