Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Con trai GS Khê: TÔI VÀ GIA ĐÌNH TỰ HÀO MÃN NGUYỆN VỀ CHA

Con trai trưởng GS-TS Trần Văn Khê: 
Tôi mãn nguyện và tự hào về Cha

Báo Tuổi trẻ

27/06/2015 17:02 GMT+7

TTO - Sáng 27-6, GS-TS Trần Quang Hải - con trai trưởng của GS-TS Trần Văn Khê - đã từ Pháp trở về ngôi nhà trên đường Huỳnh Đình Hai để chịu tang cha.

Ông luôn túc trực bên linh cữu cha mình trước những đoàn người không ngớt đến chia buồn, tiễn đưa GS-TS Trần Văn Khê.
 
.
Xúc động trước sự ra đi của người cha, nhưng ông không giấu được những niềm tự hào và sự mãn nguyện vì cuộc đời và những cống hiến của cha mình cho sự nghiệp âm nhạc dân tộc nước nhà. 

Đông đảo đoàn thể và cá nhân đến viêng GS-TS Trần Văn Khê trưa 27-6 - Ảnh: Quang Định

* Ông đã thu xếp thế nào để từ Pháp về dự đám tang của cha mình?

- Tôi nhận tin báo từ gia đình khi đang tham gia một hội thảo về âm nhạc quốc tế tại Ý. Tôi phải thu xếp bay từ Ý về Pháp, sau đó lấy vé máy bay từ Pháp về Việt Nam.

Tôi về đến nhà vào sáng nay (27-6), như vậy là vẫn còn kịp cho lễ tang ngày hôm nay và ngày mai cũng như lễ động quan vào ngày 29-6. Trước đó hồi tháng 6 khi nghe tin ba hấp hối, tôi đã về đây túc trực từ ngày 9 đến ngày 21-6.

Sau đó, tôi quay lại Pháp. Chưa được một tuần thì ba đi…!

* Ông có thể cho biết những chia sẻ từ bạn bè, đồng nghiệp... khi có tin GS-TS Trần Văn Khê qua đời?

- Khi nghe tin ba tôi mất, tôi đã thông báo cho tất cả các cơ quan, tổ chức mà tôi và ba tôi từng làm việc. Trong một ngày tôi nhận được hơn 300 thư chia buồn từ các đồng nghiệp, học trò cũ của ba tôi.

Ông có rất nhiều đồng nghiệp, học trò… khắp nơi trên thế giới, và họ đã gửi cho tôi những lời chia buồn sâu sắc nhất. Hội đồng âm nhạc truyền thống quốc tế, tổ chức nơi tôi và ba tôi từng làm việc, thông báo rằng trong hội thảo tháng 7 tại Kazakhstan, họ sẽ dành một phút tưởng niệm ba tôi.

Ông cũng được trao danh hiệu thành viên danh dự suốt đời của tổ chức này.

* GS-TS Trần Văn Khê ra đi là một nỗi mất mát lớn cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà. Còn về tình cảm gia đình, ông đã chuẩn bị thế nào cho sự ra đi này?

- Theo cá nhân tôi, sự ra đi của ba cũng là sự giải thoát về mặt thể xác cho những nỗi đau đớn do bệnh tật mà ông đã chịu đựng từ trước đến nay. Nhưng đó chỉ là sự mất mát về thể xác, còn về tinh thần thì tôi và gia đình có quyền tự hào về những di sản lớn của ông để lại cho nền âm nhạc dân tộc nước nhà.

Đó không chỉ là hàng nghìn đầu sách trong thư viện của cha tôi hiện nay, hàng nghìn bản ghi âm mà cha tôi đã để lại…, mà còn là những kết quả rất thiết thực. Những lần phong tặng như nhạc cung đình Huế được công nhận di sản văn hóa UNESCO năm 2003, nhạc cồng chiêng Tây nguyên năm 2005, quan họ, ca trù năm 2009 đều có sự đóng góp của ba tôi.

Đặc biệt, sự kiện âm nhạc đờn ca tải tử được công nhận di sản văn hóa UNESCO năm 2013, ghi nhận lần đầu tiên âm nhạc Nam bộ được vinh danh quốc tế.

Còn về gia đình, đám tang của mẹ tôi cách đây hai năm, và đám tang của ba tôi bây giờ là hai lần mà gia đình bốn anh em tôi được gặp mặt đầy đủ. Lúc mẹ tôi cấn thai đứa em út Trần Thị Thủy Ngọc năm 1950 thì ba tôi đã qua Pháp.

Phải 20 năm sau, lần đầu tiên Ngọc gặp lại ba tôi ở Pháp thì mới gọi được tiếng ba. Tôi ở Pháp trên 50 năm cũng chỉ về Việt Nam vào năm 2002. Gia đình chưa lúc nào đoàn tụ đông đủ.

Chỉ có đám tang ba mẹ thì bốn anh em tôi là Trần Quang Hải, Trần Quang Minh, Trần Thị Thủy Tiên, Trần Thị Thủy Ngọc cùng các con cháu mới có dịp gặp mặt nhau.

* Ông đã chịu ảnh hưởng từ cha mình những điều sâu sắc nào?

- Tôi giống cha tôi ở cách nói chuyện, giọng nói, niềm say mê âm nhạc dân tộc… lẫn nguyên tắc. Tuy sống ở nước ngoài hơn 50 năm nhưng tôi nói tiếng Việt không pha trộn bất kỳ ngôn ngữ nào. Bởi vì tôi nghĩ rằng tiếng Việt đủ giàu để diễn tả bất cứ suy nghĩ nào.

Nhiều lúc ở Việt Nam tôi đi trên đường, nhiều người xúm lại hỏi tôi có phải con của giáo sư Trần Văn Khê hay không rồi họ tươi cười chụp hình chung với tôi, tặng tôi những món quà nhỏ… Có lúc trên máy bay tôi được ưu tiên đổi ghế ngồi VIP.


Đó là niềm hạnh phúc mà một đứa con được thừa hưởng từ người cha một cách thực tế giữa cuộc đời này chứ không phải ở một ý nghĩa nào khác.
.
GS.TS Trần Quang Hải (con trai cả GS.TS Trần Văn Khê) trò chuyện với các đoàn thể và cá nhân đến viếng cha mình - Ảnh: Quang Định


Bé Chiêu Anh (9 tuổi) viết sổ tang sau khi đến viếng GS.TS Trần Văn Khê cùng cha mình.
Ảnh: Quang Định


Dòng suy nghĩ của bé Chiêu Anh về GS.TS Trần Văn Khê ghi trong sổ tang - Ảnh: Quang Định


GS.TS Trần Quang Hải (con trai cả GS.TS Trần Văn Khê) gửi lời cảm ơn đến các đoàn thể, cá nhân tới viếng cha mình - Ảnh: Quang Định


GS.TS Trần Quang Hải (con trai cả GS.TS Trần Văn Khê) trò chuyện với ông Alain (Pháp) đến viếng cha mình - Ảnh: Quang Định


Ông Alain thắp nhang viếng GS.TS Trần Văn Khê - Ảnh: Quang Định
QUANG THI

1 nhận xét :

  1. P. THƯỜNG DÂN NAM BỘlúc 22:45 27 tháng 6, 2015

    Thật hiếm có một người cha tài năng và đức độ như GSTS Trần Văn Khê . Cũng thật hiếm có người con nào tài giỏi, hiếu thảo như trưởng nam của GSTS Trần Văn Khê là GS Trần Quang Hải . GĐ GSTS Trần Văn Khê đã cống hiến tất cả cho Tổ Quốc VN . Các vị này đã làm rạng danh Tổ Quốc bằng tài năng và đức độ của mình mà không đòi hỏi bất cứ thứ gì, không đòi hỏi vật chất cũng như bất cứ danh hiệu , huân huy chương nào . Một sự cống hiến hoàn toàn vô vị lợi .
    Đúng thật là một tấm gương yêu nước, yêu người, yêu nghệ thuật một cách sáng ngời và hết sức tuyệt vời . Tôi rất cảm phục cha con GSTS Trần Văn Khê xa Tổ Quốc trên nửa thế kỉ và vẫn nói tiếng me đẻ không pha trộn bất cứ ngôn ngữ nào khác nào và như GS Trần Quang Hải nói : cha con tôi nghĩ rằng tiếng Việt đủ giàu để diễn tả bất cứ suy nghĩ nào .
    Tôi nghĩ không phải chỉ các thế hệ sau mà ngay bây giờ, người VN phải học hỏi và tri ân GĐ GSTS Trần Văn Khê . Cám ơn Ong đã để lại cho rất nhiều bài học quí giá về tình yêu quê hương, tình yêu nghệ thuật thuần túy VN , đó là âm nhạc truyền thống dân tộc VN và tình yêu con người !

    Trả lờiXóa