Báo Dân trí
Thứ Hai, 29/06/2015 - 06:10
Lễ động quan GS Trần Văn Khê diễn ra vào 6h sáng nay, 29/6, nhưng từ 4h sáng, gia quyến và thân hữu cố Giáo sư Trần Văn Khê đã chuẩn bị tươm tất để đón khách đến dự lễ truy điệu giáo sư và 6h10 phút linh cữu GS Trần Văn Khê đã rời khỏi cổng tòa nhà 32 Huỳnh Đình Hai...
Thứ Hai, 29/06/2015 - 06:10
Lễ động quan GS Trần Văn Khê diễn ra vào 6h sáng nay, 29/6, nhưng từ 4h sáng, gia quyến và thân hữu cố Giáo sư Trần Văn Khê đã chuẩn bị tươm tất để đón khách đến dự lễ truy điệu giáo sư và 6h10 phút linh cữu GS Trần Văn Khê đã rời khỏi cổng tòa nhà 32 Huỳnh Đình Hai...
.
Gia đình thắp nén nhang thơm cho GS Trần Văn Khê vào sớm 29/6, ngày lễ tang cuối cùng
Cả gia đình tề tựu đông đủ ở tang sảnh, thắp nén nhang thơm cho hương hồn giáo sư, xin phép ông để được đưa di thể về nơi an nghỉ cuối cùng.
4h30, nghệ sĩ Kim Cương cùng các nghệ sĩ trẻ đã có mặt tại lễ tang để chuẩn bị công tác hậu cần, nước uống và đoàn xe để chuẩn bị cho việc di quan. Thấy nghệ sĩ Kim Cương tất bật bưng bê từng thùng nước, phân phát và mời từng vị khách đến dự tang lễ ai cũng nghĩ cô là thân nhân trong gia đình dù không mặc tang phục.
Các học trò, bạn trẻ yêu mến giáo sư đến tham gia đoàn lễ di quan cũng có mặt từ 4h sáng để làm công tác chuẩn bị
Bắt đầu từ 5h sáng, rất nhiều tăng sư chức sắc đã đến tụng niệm cho hương hồn giáo sư Trần Văn Khê được thanh thản ra đi. Bởi ông cũng là một nhân sĩ có quan hệ rất sâu sắc với nhiều chức sắc phật môn uy tín, uyên thâm. Giáo sư cũng từng nghiên cứu và quảng bá rất nhiều về nhạc phật, phát dương quang đại ý nghĩa sâu sắc của dòng nhạc thiền.
Hàng hoa gửi tới viếng GS Trần Văn Khê được xếp kéo dài trên đường Huỳnh Đình Hai
Bà Mai Thị Trinh, 93 tuổi - bạn của GS Trần Văn Khê nhờ người thân đưa tới để tiễn đưa người bạn thân của mình về đất mẹ
Hàng ngàn người dân không thể vào nhà riêng của ông ở ngôi nhà số 32, Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh vì quá đông, nên đứng ngoài ngoài dự lễ
Cũng tại buổi lễ, tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã dâng cúng bài thơ điếu đến người anh, người bạn cùng chí hướng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bác Khê ơi, bác ra đi
Biết bao thương tiếc nói gì giờ đây
Giữ hồn Việt, bản sắc này
Công lao của Bác, càng ngày khắc ghi
Định hình bản sắc phát huy
Âm nhạc truyền thống, những gì Việt Nam
Văn hóa ẩm thực vẻ vang
Văn hóa dân tộc Việt Nam tự hào
Lương sư hưng quốc thuở nào
Bác Khê tiếp bước nêu cao tinh thần
Rồi đây tuổi trẻ rất cần
Noi theo gương Bác giữ hồn Việt Nam
Dựng xây nội lực đàng hoàng
Nguy cơ thuộc quốc sẽ càng đẩy xa
Nhiều tăng sư chức sắc đã đến tụng niệm cho hương hồn giáo sư Trần Văn Khê được thanh thản ra đi.
5h40, đại diện gia đình xúc động bày tỏ lòng biết ơn đối với các lãnh đạo đảng, nhà nước, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo và hơn 500 đơn vị, tổ chức cùng hàng ngàn lượt thân hữu đã đến viếng tang, chia buồn cùng gia đình. Bên ngoài đường đen đặc người đứng tiễn giáo sư vì không thể chen chân vào khuôn viên tổ chức lễ dù khuôn viên nhà giáo sư rộng hàng trăm m2.
Chị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội Quán các bà mẹ là người giúp GS Trần Văn Khê thực hiện các chương trình Hát ru cho bà bầu, Văn hóa ứng xử học đường, Quảng bá áo dài… từ năm 2010 đến nay. Có mặt tại lễ động quan, chị bùi ngùi trách mình vì chị phát hiện có con đường nhỏ mang tên Trần Văn Khê (nối cầu Thủ Thiêm với đường Mai Chí Thọ), đã hứa với thầy sẽ đưa thầy đến thăm con đường này vào ngày 2/5. Chị xúc động nói: “Mình chưa kịp thầy đã lâm trọng bệnh và không qua khỏi!”.
Đứng trước cổng nhà giáo sư Khê từ sáng sớm, cô Tư, từng là hàng xóm của giáo sư chia sẻ: “Hồi trước ở gần nhà bác tôi có qua nhà một lần, thấy bác là người rất đôn hậu. Hiện nay tôi không còn ở đây nữa, tôi chuyển qua Gò Vấp rồi. Nhưng nghe tin bác mất tôi cũng ráng về dự lễ tang chia buồn cùng gia quyến, tiễn bác một đoạn đường”.
6h5phút, nghi thức lễ động quan kết thúc. Tiếng chiêng trống dồn vang như báo với thiên địa giờ lành đã đến, xin phép đưa di thể và hương hồn giáo sư về nơi an nghĩ. Đoàn tăng sư nhẹ nhàng cất bước từ linh đường cùng tiếng mõ và tiếng kinh cầu tiễn biệt người đã khuất. Di ảnh của giáo sư từ được gia quyến đưa ra xe tang cùng đoàn nghi trượng. Đội nghi thức tiến vào linh đường, áo quan được nâng lên, cùng đó là di thể của người con ưu tú đất Việt, người đã bôn ba tứ xứ trong mấy chục năm dài với lý tưởng làm được gì đó cho “nhơn quần xã hội”, cống hiến chút sức mình cho dân tộc. Nhưng với người Việt Nam và cả thế giới, cống hiến của ông cho nền âm nhạc dân tộc Việt Nam và thế giới là vô cùng to lớn.
6h10 phút, linh cữu GS Trần Văn Khê đã rời khỏi cổng tòa nhà 32 Huỳnh Đình Hai, nơi ông gắn bo mấy chục năm trời, nơi diễn ra những buổi tọa đàm giữ gìn truyền thống âm nhạc dân tộc mà ông dành tâm huyết cả đời để gầy dựng. Nơi đây, trong tháng 7/2015, ông đã lên kế hoạch thực hiện buổi nói chuyện về "Đạo của nghề hát", thế nhưng, dù chương trình có diễn ra được thì cũng đã vắng bóng cây đại thụ vốn là linh hồn của âm nhạc dân tộc, người truyền đạo của nghề hát.
6h20, linh cữu được đưa lên xe tang an toàn và bắt đầu tiến về nghĩa trang.
6h30, đoàn xe tang đã bắt đầu rời khỏi thành phố, hướng về Bình Dương. Theo thông báo của ban tổ chức, linh cữu của Giáo sư Trần Văn Khê sẽ được đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Hoa Viên Chánh Phú Hòa (Bến Cát, tỉnh Bình Dương). Sau khi hỏa táng, tro cốt của giáo sư sẽ được đưa về thờ cúng tại tư gia (32 Huỳnh Đình Hai).
Nhóm PV Miền Nam
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét