Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

GS TRẦN VĂN KHÊ VÀ KỶ NIỆM VỚI GIA TỘC NGUYỄN VĂN VĨNH



KÍNH TRỌNG NGƯỜI TÀI
(Viết về những kỷ niệm với giáo sư Trần Văn Khê)

Nguyễn Lân Bình
- cháu nội Tân Nam tử Nguyễn Văn Vĩnh

Mùa Xuân năm 2006, tôi quyết định tiến hành việc làm và xây dựng bộ phim tài liệu về học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936). Không có ai cố vấn (lúc đó tôi cũng không tin rằng có ai đó có thể hiểu tường tận về cuộc đời và sự nghiệp của học giả NVV để có thể cố vấn cho mình), mà cũng không hiểu mình sẽ hỏi ai để biết thêm rằng sẽ phải làm thế nào, làm những gì ? Vậy nhưng tôi vẫn làm !

Bước đầu tiên, sau khi thống nhất được với đạo diễn điện ảnh phim tài liệu Trần Văn Thuỷ và người sẽ nhận việc quay phim, tôi lên kế hoạch vào TP. Hồ Chí Minh. Việc phải vào TP.HCM đơn giản vì ở quận Tân Bình có con phố mang tên học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Lý do thứ hai, vì vợ chồng bác gái tôi (chị liền kề với cha tôi và bà là người con thứ chín của học giả NVV) là Nguyễn Thị Mười và Bùi Tường Trác sống ở trong đó, tôi muốn tâm sự với họ. Vậy thôi!

Tôi băn khoăn lắm, vì cả nhóm làm phim có năm người, cùng toàn bộ các loại trang thiết bị, sẽ hành hương vào tận TP.HCM cả tuần lễ, mà không lẽ, chỉ có hai mục tiêu để ghi hình, liệu có lãng phí không?! Tôi hướng suy nghĩ đến năm người nữa, mà theo tôi, họ là những gương mặt cần quan tâm, vì họ là những người uyên bác (tôi nghĩ thế).

Người thứ nhất: ông Nguyễn Đình Đầu (1920). Tôi vô tình vào một ngày, xem được trên kênh VTV2 một chương trình nói về Nguyễn Đình Đầu, người Việt Nam duy nhất, bằng đồng tiền riêng đã bền bỉ sưu tầm được toàn bộ các loại bản đồ của đất nước Việt Nam qua tất cả các thời kỳ lịch sử! Tôi kinh ngạc, kính phục! Tôi nghĩ đơn giản: một người có lòng đam mê, một thứ đam mê khá khác biệt so với những người khác, nhất thiết phải là một người uyên bác! Cho đến thời điểm đó, tôi không hiểu gì khác về ông.

Người thứ hai: giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê (1921-2015). Tôi nhận thức đơn giản rằng, vị giáo sư này chuyên sâu về âm nhạc dân tộc suốt cả cuộc đời, như vậy hẳn cái hồn quê hương, cái hồn dân tộc của ông phải sâu sắc lắm, mà người nào đã yêu, và biết cách yêu dân tộc này đến độ đắm đuối suốt cả cuộc đời, nhất định sẽ biết và hiểu về Nguyễn Văn Vĩnh phải nhiều hơn những người hiểu biết khác. Mình phải tìm đến người này, vì hẳn đấy là người uyên bác!

Người thứ ba: Nhà văn Sơn Nam (1926-2008). Tôi ấn tượng ghê gớm với tác phẩm “Đất Rừng Phương Nam” của Đoàn Giỏi (1925-1989) từ lúc còn ít tuổi, cho dù hồi nhỏ chẳng phải là đứa ham đọc sách. Tôi đọc được một bài từ hồi nào không nhớ, rằng nhà văn Đoàn Giỏi là người bạn tâm huyết của ông Sơn Nam. Trong bài viết tôi đã đọc, còn khẳng định : “Nhà văn Sơn Nam là nhà Nam Bộ học”. Tôi luận ra rằng, có thể Đoàn Giỏi gần gũi với Sơn Nam, mới sinh ra được “Đất Rừng Phương Nam”... Người mà đã có tình yêu, bất luận là yêu gì đó, mà yêu đến xương tủy như ông Sơn Nam, thường người đó là người sâu sắc , và hẳn phải là người uyên bác!

Người thứ tư: giáo sư Trần Văn Giàu (1911-2010)....

                                                         * * *

Tôi nghĩ đến việc làm sao để biết những con người này đang sống ở những địa chỉ nào ở TP.HCM ? Hiện có ở nhà không ? Mình tìm điện thoại và sẽ xin họ ý kiến qua điện thoại, nếu được phép, mình sẽ xếp lịch đến để tiếp xúc, thăm hỏi trò chuyện.  Nếu được phép nữa, mình sẽ phỏng vấn và ghi hình.... Từ đó, mình sẽ dùng làm tư liệu, nếu hay, mình sẽ dựng thành phim... Tôi nghĩ đơn giản có phần ngây ngô. Bản năng đã mách bảo tôi làm thế!

Tôi gọi điện thoại cho người anh họ là bác sỹ Nguyễn Lân Đính (con trai thứ hai của người anh cả của cha tôi- Bác sỹ Nguyễn Hải, con trai cả của học giả NVV).

Tôi trình bày qua điện thoại với anh Đính về nguyện vọng muốn được gặp những người kể trên. Anh Đính mừng lắm khi nghe nói đến ý định của tôi. Anh nhận lời sẽ giúp tôi tìm kiếm và anh lưu ý: “Anh lâu không được gặp những người này, anh cũng có biết họ, không hiểu hiện họ có ở Việt Nam không, nhưng anh sẽ hỏi thăm...và sẽ báo lại”.

       * * *
Chỉ ít ngày sau, tôi nhận được đầy đủ thông tin. Chúng tôi thu xếp lên đường.

Thứ Bẩy, ngày 15.4.2006, theo lịch hẹn, đoàn làm phim chúng tôi có mặt tại nhà riêng của giáo sư Trần Văn Khê. Gọi là đoàn làm phim vì lúc này chúng tôi có đến tám người chứ không phải chỉ là năm như khi xuất phát từ Hà Nội.

8h30, người trợ lý của giáo sư ra mở cửa. Khi bước vào, giáo sư ra đón chúng tôi. Tôi hơi ngại ngại vì... thấy ông mặc đẹp quá, trang trọng quá, trông đã thấy ông đáng kính rồi !

Nhóm kỹ thuật nhanh chóng đặt máy quay, bố trí ánh sáng, âm thanh. Sau những giây phút làm quen, cách nói chuyện của giáo sư đã làm tôi thật sự thoải mái. Giáo sư vào nội dung câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh một cách tự nhiên nhưng có phảng phất sự thâm trầm. Giáo sư khái quát lại cả một thời quá khứ ấu thơ của ông, nó đã gắn liền với những bài dịch văn học Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh.  Ông kể rằng, cả gia đình ông đã say sưa thế nào khi đọc tác phẩm “Những Người Khốn Khổ” của Victor Hugo mà cụ Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Việt là “Những Kẻ Khốn Nạn”. Giáo sư nói: “Tôi còn kể lại được cho người cô ruột của tôi nghe câu chuyện Những Người Khốn Khổ hay như thế nào”. Sau này, khi trình độ am hiểu tiếng Pháp của ông được nâng cao, ông đã đọc nguyên văn tác phẩm “Những Người Khốn Khổ” (Les Misérables) và ông khẳng định “Khi đọc bằng nguyên văn tiếng Pháp, mới thấy cụ Vĩnh dịch giỏi như thế nào... Rồi tôi còn được đọc Kim Vân Kiều cụ Vĩnh dịch sang tiếng Pháp...Dịch không phải chỉ là đem cái ngôn ngữ này chuyển sang một ngôn ngữ khác, mà đó là sự chuyển tải một nền văn hóa này sang cho một nền văn hóa khác, để họ biết rằng, chúng ta cũng có một truyền thống văn hóa đẹp như thế nào?!”.

Thần thái ông tự nhiên, ngôn ngữ ông dùng mộc mạc, mà không phải chỉ tự nhiên thôi đâu, ông nghẹn ngào khi tâm sự với chúng tôi: “Tôi kính trọng cụ Vĩnh còn vì đó là người làm cho cái chữ Quốc Ngữ trở thành một nền văn chương cho dân tộc mình. Thái độ của cụ Vĩnh với chữ Quốc Ngữ vô cùng trân trọng, cụ không chỉ coi chữ viết là phương tiện mà nó còn là cái chìa khóa để mở ra những cánh cửa cho sự hiểu biết về văn hóa cho dân tộc Việt Nam... Cụ Vĩnh còn làm báo, khi làm tờ Đăng Cổ Tùng Báo cụ còn dám bênh vực cụ Phan Châu Trinh...Dám ký đơn gửi Nhà Cầm quyền đòi thả Phan Châu Trinh. Chuyện ấy ghê gớm quá. Người cô ruột của tôi là giáo viên, khi cụ Phan Châu Trinh mất, chỉ vì để tang cụ Phan Châu Trinh mà cô tôi bị nhà trường đuổi khỏi trường...!”.

Tôi bắt đầu thấy những điều tâm sự của giáo sư Trần Văn Khê ngày càng tỏ ra thân mật. Ông nói thoải mái, không dứt, thực sự là tâm sự, không hề có sự căng thẳng hay nghiêm nghị như ai đó khi ngồi trước ống kính máy quay. Ông cắt nghĩa nhiều điều liên quan đến quan điểm văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh, ông cũng nhắc lại đến hai lần rằng mình không phải là người có chuyên môn nghiên cứu về văn học, ngôn ngữ hay dịch thuât.

Ông kể tiếp “ Phải đọc lại các bài điếu văn khi cụ Vĩnh mất để thấy rằng nếu cụ Vĩnh không phải là người yêu nước, không phải là một nhà văn hóa lớn, thì không thể nào những người như cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng, cụ Trần Trọng Kim, cụ Dương Bá Trạc ...gửi đến những bài điếu, những bài văn tế rất cảm động. Nó nhắc nhở chúng ta biết cụ Vĩnh là ai?!”. Giáo sư nói tiếp với chất giọng nhấn mạnh hơi gay gắt: “ Nói về lòng yêu nước, mỗi người yêu nước có một cách yêu nước... Ai hiểu về cụ Vĩnh thế nào, mặc lòng. Với tôi cụ là người yêu cái dân tộc này, yêu cái nền văn hóa của Việt Nam mình và cụ lại là người sinh ra Nguyễn Nhược Pháp, là một nhà thơ mà tôi yêu mến vô cùng... Năm 1941, tôi nghĩ tới việc tìm đường sang phương Tây. Tôi nhận thấy cần học cụ Vĩnh. Cụ Vĩnh giới thiệu với dân mình văn hóa phương Tây, không phải để lấy cái đó thay cho văn hóa của ta, mà qua văn hóa phương Tây, mình học được cái tư tưởng tiến bộ của họ. Cụ giỏi như thế, cụ có thể chọn một cuộc sống vinh thân phì gia, nhưng cụ lại dấn thân vào con đường đi tìm một sự ngang hàng với người Pháp. Cụ Vĩnh lấy văn hóa làm phương tiện cho cuộc đấu tranh của mình...cụ biết chọn lựa những nội dung, những đề tài của văn hóa Pháp dịch và đem đến cho người Việt Nam”.

Giáo sư Trần Văn Khê hạ giọng: “Tôi cũng học cụ Vĩnh là làm sao mình đưa được những cái giá trị của văn hóa nước mình ra ánh sáng, ra thế giới để họ phải hiểu rằng chúng ta cũng có một nền văn hóa...Tôi càng nghĩ, càng thương cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi nghĩ, lúc cụ Vĩnh qua đời, chưa chắc cụ đã hài lòng với những công việc mình làm còn dang dở, cụ còn muốn làm nhiều nữa. Bây giờ, mình ngồi tính sổ, mình phải công tâm mà thấy rằng: dù có bao nhiêu tư tưởng khác nhau của người này người khác, nhưng tôi không bị những cái đó chi phối hay bị ảnh hưởng. Riêng với tôi, cụ Vĩnh là một nhà văn hóa lớn, là một người biết tôn trọng dân tộc mình, tôn trọng cái đát nước Việt Nam này. Trên nữa, cụ là cha của Nguyễn Nhược Pháp là một người mà tôi yêu mến vô cùng. Tôi cũng thân với các anh Xuân Diệu, anh Huy Cận...Tôi cũng yêu quý các anh, nhưng làm thơ mà như kể chuyện thì không thấy ai làm hay như Nguyễn Nhược Pháp. Chính vì thế mà năm 1946, tôi vô tình thành gắn cuộc đời mình với Nguyễn Nhược Pháp khi tôi phổ nhạc bài Chùa Hương để cô Thái Thanh, rồi sau này cô Ý Lan vừa ngâm, vừa hát suốt ngày. Đó là một đoạn đời tuổi trẻ của tôi”.

Gần một giò đồng hồ trôi qua, vị giáo sư vẫn như bây giờ mới bắt đầu câu chuyện. Tôi áy náy sợ ông mệt. Khi diễn ra cuộc hội ngộ này, ông đã 85 tuổi, cái tuổi mà ở nhiều người thường không dễ để miên man trò chuyện, chưa nói đến việc, vừa trò chuyện, vừa phân tích, lý giải. Đặc biệt, giáo sư đã làm tất cả chúng tôi lặng người khi ông tiếp tục câu chuyện với một nội dung mà chúng tôi không thể không xúc động vì được chứng kiến sự sám hối của ông với tấm lòng trắc ẩn. Nhất định nó phải là sâu lắng đến thế nào khi ông nghĩ về ngày xưa.

Giáo sư tiếp: “Tôi cũng đã từng có những cái sai khi làm các công việc mà lúc đầu mình tưởng rằng như thế sẽ tốt cho nền âm nhạc Việt Nam khi tôi nghĩ tới việc dùng ảnh hưởng của nền âm nhạc Âu châu để tác động, nhưng không phải như vậy. Tôi nghĩ được ra điều này vì lúc tôi trở về nước, năm 1951, tôi nằm bệnh viện 3 năm 2 tháng với 6 lần giải phẫu...Tôi nhận được ra rằng mình đã sai. Sau cơn đau khá dài này, tôi đã nhất quyết trở lại những công việc của mình vì một nền văn hóa của dân tộc mình, dân tộc Việt Nam. Tôi cũng biết thương những sai lầm của chính mình, những sai lầm của sự thái quá của tuổi trẻ. Tôi có một niềm kính trọng lớn với cụ Vĩnh, một nhà văn hóa lớn, có thể sự ảnh hưởng của cụ đối với tôi là trực tiếp hay không trực tiếp, nhưng đó là thày của mình, đó là con người đã soi đường chỉ lối cho những  ai thật sự thiết tha với văn hóa để tìm lấy một con đường đi cho mình, cho dân tộc mình.

Thôi hôm nay tôi đã nói thật sự những tình cảm, suy nghĩ của mình về cụ Vĩnh và cả về Nguyễn Nhược Pháp. Điều tôi nói ra có thể không đúng với ai đó, nhưng đây là tấm lòng của tôi. Tôi nói không có sắp đặt, không chau chuốt hay màu mè gì...Tôi nói từ trong trái tim mình”.

Tất cả chúng tôi ngây người vì diễn biến này đã không thể tưởng tượng trước được. Tôi không dám mơ có một cuộc hội ngộ chân thành và lắng đọng đến như vây... Chúng tôi nghiêng người cảm ơn giáo sư, chúng tôi cố tình tìm một lý do nào khác để lái cái không khí trang trọng bất ngờ này bằng việc xin được hỏi thăm ông về bài hát “Chùa Hương” phổ thơ Nguyễn Nhược Pháp từ năm 1946. Và đúng như tôi dự đoán, giáo sư Trần Văn Khê vui hẳn lên. Ông kể chi tiết việc ngày đó ông đã phổ nhạc cho bài thơ Đi Chùa Hương theo làn điệu nào? Ông đã thay đi thay lại các tiết tấu của bản nhạc trên tinh thần của các thể loại dân ca Việt Nam ra sao...? Ông còn kể ông đã nói gì khi gặp ca sỹ Trung Đức ở Paris trong một cuộc hội ngộ. Ông đề nghị người trợ lý vào nhà lấy một bản nhạc Đi Chùa Hương được sáng tác từ ngày đó và ông ngồi ký để trao tặng tôi. Tôi hãnh diện lắm, khoái chí lắm khi được hiểu một câu chuyện ngọn nghành đến như sự ra đời của bài hát mà ngày hôm nay, cả dân tộc ai nghe cũng thích. Ôi cái sự cộng hưởng về tinh thần, về văn hóa thực không có đơn vị đo lường nào minh chứng được.

Buổi gặp gỡ, trò chuyện và tâm sự với giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê đã qua đi 9 năm rồi, hôm nay giáo sư cũng đã ra đi về với Tổ Tiên, nhưng dù là người được mang dòng máu của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tôi mới càng xấu hổ vì nếu không được gặp giáo sư Trần Văn Khê và những người có tấm lòng với ông nội tôi, chắc gì tôi đã hiểu được cái giá trị sâu sắc của cội nguồn mà mình được sinh ra?!

Đạo diễn điện ảnh tài liệu Trần Văn Thủy, một người già dặn, từng trải với bao va đập trong cuộc đời, đã từng xây dựng bao nhiêu tác phẩm ấn tượng để đời, nhưng khi chứng kiến nội dung giải bày của giáo sư Trần Văn Khê, giáo sư Nguyễn Đình Đầu, bà Phan Thị Minh (cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh), giáo sư sử học Chương Thâu, giáo sư sử học Nguyễn Huệ Chi....nói về học giả Nguyễn Văn Vĩnh, ông Thủy đã phải thốt lên với tôi rằng: “Bình ạ, làm phim về cụ Vĩnh mà không hay mới là lạ! Mọi người hiểu về cụ Vĩnh nhiều hơn chúng ta tưởng”.

Vĩnh biệt giáo sư Trần Văn Khê, vĩnh biệt một người tài cùng với một tâm hồn và tấm lòng trong sáng của một kẻ yêu nước thương nòi! Ông không phải chỉ là một giáo sư âm nhạc dân gian, ông còn là giáo sư sử học, văn học...và trên hết, ông là một giáo sư của đạo đức làm người!

Cầu cho vong linh của giáo sư lúc nào cũng mát mẻ, linh thiêng và luôn che chở con cháu cùng những người thân!

Kính trọng!

Nguyễn Lân Bình
Chủ trang thông tin tannamtu.com.

(Bài viết được dựa trên cuốn băng quay phỏng vấn giáo sư Trần Văn Khê dài hơn 60 phút tại nhà riêng của giáo sư, khi thực hiện bộ phim tài liệu lịch sử về học giả Nguyễn Văn Vĩnh và gia đình Mạn đàm về Người Man di Hiện đại, hoàn thành năm 2007).

 Một số hình ảnh của cuộc gặp gỡ:

 Từ phải sang trái: BS Nguyễn Lân Đính - GS Trần Văn Khê và trợ lý Huỳnh Văn Tươi

 Giáo sư Trần Văn Khê ký vào bản nhạc Đi Chùa Hương sáng tác năm 1946

 Giáo sư Trần Văn Khê trong buổi trò chuyện.

Từ phải sang trái: Đạo diễn Trần Văn Thủy, Nguyễn Lân Bình, BS Nguyễn Lân Đính, 
GS Trần Văn Khê và người trợ lý (ông Huỳnh Văn Tươi - nay đã mất).

.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét