Thứ Năm, 16 tháng 3, 2023

TÔN TẠO ĐỀN NHÀ LÊ: CỤ NGUYỄN TRÃI HAY ÔNG HOÀNG MƯỜI?

CỤ NGUYỄN TRÃI HAY ÔNG HOÀNG MƯỜI?
 
TS. Nguyễn Xuân Diện
 
Trong ba bức ảnh trên, bức tranh Ức Trai Nguyễn Trãi là tranh lụa cổ vốn ở đền thờ Cụ ở Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Bức tranh này được in trong SGK, trên các sách báo và trở nên vô cùng quen thuộc với tất cả mọi người Việt Nam. 
 
Trong khi tại Thái miếu Nhà Lê (còn gọi là đền Nhà Lê) ở Phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá có một khám thờ và tượng “Công thần Nguyễn Trãi” thì lại là một Nguyễn Trãi hoàn toàn khác, mình khoác áo vàng. 
 
Tượng Nguyễn Trãi ở Di tích Quốc gia (Xếp hạng năm 1995) Thái miếu Nhà Lê có vẻ giống như tượng Quan Hoàng Mười trong các đền phủ của tín ngưỡng thờ Mẫu. 
 
Khi ngắm nhìn tượng Nguyễn Trãi ở Thái miếu Nhà Lê trong tôi có rất nhiều suy nghĩ:
 
1- Có tài liệu lịch sử nào cho biết rằng Thái miếu có phối thờ Nguyễn Trãi (và Lê Lai) cùng 27 vị vua nhà Hậu Lê? 
 
2- Tại sao lại có Nguyễn Trãi và Lê Lai được phối thờ ở đây. Đối với Nguyễn Trãi, ông đã từng bị án “tru di tam tộc”.

Năm 1442, sau cái chết của vua Lê Thái Tông khi ấy 20 tuổi, toàn thể gia đình Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. 
 
Mãi đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu ân xá cho ông.
 
Vậy thì việc đưa Nguyễn Trãi phối thờ ở nơi thờ tổ tiên dòng dõi các vua Lê là Thái Miếu là thể hiện sự chiêu tuyết cho Cụ chăng?
 
3- Thái miếu (Đền Nhà Lê) ở Phường Đông Vệ được Vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805. 
 
“Theo những tài liệu ghi chép lại, để tri ân và tôn vinh công lao to lớn của vương triều Hậu Lê, năm 1805, vua Gia Long đã cho dời Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ (nay là phường Đông Vệ) để phụng thờ các vị Hoàng đế, Hoàng Thái Hậu thời Hậu Lê”(Báo Thanh Hoá).
 
Ngoài ra khi xưa tại Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hoá) cũng có một Thái miếu - dựng ngay trên quê hương phát tích dòng dõi nhà Hậu Lê. 
 
Vậy là có ba nơi từng có Thái miếu nhà Hậu Lê:
 
- Tại Thăng Long
- Tại Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hoá),
- Tại Bố Vệ, Phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.
 
Ba nơi này, có nơi nào đích thực có thờ Công thần Nguyễn Trãi mà sử sách ghi chép lại được?
 
4- Bình luận về tượng và khám thờ Nguyễn Trãi và Lê Lai (đối diện với khám thờ Nguyễn Trãi).
 
- Tượng quá nhỏ, và giống như mua vội ở một cửa hàng bán tượng nào đó chuyên bán đồ thờ và tượng của tín ngưỡng thờ Mẫu để mang về đặt lên đây chứ không có nghiên cứu đặt làm riêng cho một nhân vật lịch sử ( nhất là tượng Nguyễn Trãi).
 
- Khám thờ này lại hình vuông, giống như một kiệu VĂN là loại kiệu chuyên rước lễ ở các làng quê khi mở hội rước xách. Lễ đặt trong kiệu văn là xôi gà, hoa quả… chứ không phải là bài vị.
 
Kiệu VUÔNG cũng chỉ để rước đàn bà - các nữ thần chứ không dùng để rước đàn ông - nam thần.
 
- Vì có nhẽ mua vội ở cửa hàng bán đồ thờ đặt lên cái bàn quá rộng, thành ra khám thờ trông cứ như là… đồ chơi mô hình của trẻ con.
 
- Từ khuôn diện đến áo xống hai tượng Nguyễn Trãi và Lê Lai đều không cho thấy vẻ uy nghi văn võ của hai vị công thần tận trung báo quốc, mà cảm giác như đang lạc vào một điện thờ Tứ phủ.
 
- Tượng Nguyễn Trãi thì giống tượng ông Hoàng Mười, tượng Lê Lai thì giống tượng Đức Thánh Trần. Đều là tượng của điện thờ Tứ phủ.  




5- Phía trước khám thờ có tấm biển nhỏ chỉ ghi: Công thần Nguyễn Trãi, Lê Lai. Ghi như thế ở nơi thờ tự là rất xách mé. 
 
Vì tất cả những điều băn khoăn trên, tôi không hiểu tại sao Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch lại phê duyệt cho làm như thế?
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét