Thứ Hai, 20 tháng 3, 2023

TƯỞNG NHỚ NGUYỄN HUY THIỆP - TRÒN 2 NĂM ÔNG ĐI XA

 Nguyễn Huy Thiệp (1950 - 2021)

THỂ PHÁCH & TINH ANH NGUYỄN HUY THIỆP

2.12.2022: Báo chí vừa loan tin Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho hai tác phẩm truyện ngắn "Tướng về hưu", "Những ngọn gió Hua Tát". 

Tin vừa loan ra trong một chiều đông giá lạnh của Hà Nội, lập tức văn đàn lại rung rinh chao đảo như một cơn rung chấn nhẹ. Có lẽ là Ông Thiệp về, như là “thấy hiu hiu gió thì ông lại về” chăng?

Xin gửi một làn gió, để tưởng nhớ ông, đăng lại bài viết, viết sau khi ông hoá một ngày.

THƯƠNG TIẾC NGUYỄN HUY THIỆP

Nguyễn Xuân Diện

Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) nhà văn tài năng bậc nhất của văn đàn đương đại vừa giã biệt trần gian lúc 16h45 chiều hôm qua (20/3/2021), hưởng thọ 72 tuổi.

Mặc dù ông bị đột quỵ và đau yếu đã lâu, mà tuổi 72 cũng đã là “nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nhưng tin ông ra đi đã làm chấn động văn đàn nước Việt cũng như trong hàng triệu bạn đọc cả trong và ngoài nước. 

Sáng nay, ngồi với bậc trưởng lão Phan Hồng Giang, khi nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp ông vẫn thảng thốt buồn và nói rằng Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc nhất trong cõi văn chương quốc ngữ nước nhà. Chúng tôi cùng nhắc đến Nam Cao và cho rằng Nam Cao đã phẫu thuật để bày ra trước mắt bạn đọc cái thân phận người Việt trước miếng ăn, cái danh và cái lợi. Nguyễn Huy Thiệp với lưỡi dao sắc bén và kỹ thuật điêu luyện đã giải phẫu để bày ra cả ruột gan của dân tộc này, ở nhiều chiều kích và dằng dặc lịch sử.

Bút pháp lạnh lùng, lối hành văn độc đáo, ngôn ngữ huyền ảo, văn chương truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp dứt khoát và quyết liệt đến tàn nhẫn, mổ xẻ đến tận cùng hiện thực xã hội và lịch sử. Những trang viết của ông nhiều tầng ý nghĩa, luôn mới mẻ trong mỗi bạn đọc qua mỗi lần đọc. Bay bổng, lãng mạn, trần trụi, sắc lẹm hoà quyện trong mỗi trang văn, mỗi hình tượng văn học Nguyễn Huy Thiệp tạo ra sự đa thanh, đa sắc, đa nghĩa trong sáng tác của ông.

Mấy hôm nay, người đọc nhớ đến câu văn của ông: "Mỗi người Việt chúng ta không thể sống tủi nhục và đớn hèn như vậy nữa"(NHT). Một bạn đọc viết: "Tài năng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp là ở những thông điệp ông gửi vào xã hội để người đọc suy ngẫm, những thông điệp nóng bỏng được chuyển tải dưới dạng văn chương". Phải rồi! Ông là một nhà văn có tư tưởng và dấn thân! 

Tôi bắt đầu đọc Nguyễn Huy Thiệp ngay từ khi ông xuất hiện, từ khi tôi chưa vào đại học. Lúc ông xuất hiện, bầu trời văn nghệ lúc đó lừng lững vị thần bảo hộ Trần Độ, và bên dưới ông là các chư tướng văn nghệ như Nguyên Ngọc biết phụng thờ cái đẹp của văn chương và tôn trọng sự thật. Làng văn nghệ lúc bấy giờ rộn ràng với các tên tuổi như Lưu Quang Vũ, Phạm Thị Hoài, và tất nhiên là cả Nguyễn Huy Thiệp rồi sau một chút là Tạ Duy Anh. 

Năm 1989, phong trào nghiên cứu khoa học trong sinh viên Văn Khoa khá sôi nổi. Tôi là sinh viên năm thứ 2, góp bài tham luận: “Về tính nhân bản trong các nhân vật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp”. Bài tham luận ấy cũng đã gây tranh luận khá gay gắt giữa tôi và các bạn trong lớp. Rất tiếc bài luận viết tay ấy tôi đã nộp mà không còn giữ lại được.

Nguyễn Huy Thiệp là tác gia truyện ngắn mà dấu ấn ông tạc vào lịch sử văn chương là vĩnh viễn và hơn bất kỳ một giải thưởng văn học nào mà người ta đang rền rứ trao hay không trao cho ông. Và ông cũng chỉ thành công ở truyện ngắn; cho dù là một tài năng trác tuyệt, ông đã không thành công khi thể nghiệm với tiểu thuyết. Có lẽ trên hành trình đến và ở lại với văn chương, sai lầm lớn nhất của ông là viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên và cuối cùng của ông được xuất bản - cuốn “Tuổi hai mươi yêu dấu”.

Ở ngoài đời, tôi có đôi ba lần được gặp ông. Ông là một người ăn nói vụng về nhất trong những nhà văn mà tôi gặp. Vụng về đến tội! Ông không nói được câu nào rành rẽ chứ đừng nói là sắc sảo như trong trang văn ông viết.

Nguyễn Huy Thiệp đã trút bỏ gánh nợ trần gian. Là tướng trên văn đàn, nay ông về hưu vĩnh viễn để như “những ngọn gió Hua Tát” mà đến nơi “không có vua”, chỉ có bạt ngàn hoa trắng - muối của rừng. Thể phách của ông lẫn vào gió và thấm vào vách núi xa, trong tiếng chim kêu đêm nơi rừng vắng, thỉnh thoảng trộn vào khúc hát dật dờ vô nghĩa của một người hành khất mù loà nơi phố thị...

Ông nằm đấy, im lặng. Lúc sống ông đã không cất thành lời rành rọt, nói chi ông đã hoá rồi.

Nhưng từng ấy trang văn vẫn là tinh huyết của ông gửi lại trần gian, cái trần gian mà ông đã sống hơn bảy mươi năm với muôn ngàn cay đắng...

Xin niệm lòng tiễn biệt ông trong tiết tháng hai hoa nở trắng rừng.

Chiều 21.3.2021
N.X.D

7 nhận xét :

  1. Xin chia buồn cùng gia quyến nhà văn! Chúc ông sớm phiêu diêu MIỀN CỰC LẠC!. Tôi chưa gặp ông bao giờ, nhưng có một câu chuyện liên quan đến ông làm tôi buồn và day dứt mãi về thân phận con người xứ sở này. Số là tình cờ tôi có đọc được một bản photo bài thu hoạch đợt thi đua chào mừng gì đó của một anh hộ tịch. Trong bài, anh có kể thành tích theo dõi 1 nhà văn cư trú trên địa bàn mà anh được phân công quản lý. Tôi biết rõ trong địa bàn đó, và địa chỉ nhà văn thì không lẫn vào đâu được: Xóm Cò! Và tôi biết ngay tên nhà văn đó là NHT!

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Du trước khi nhắm mắt còn không biết trăm năm nữa thiên hạ còn ai khóc mình. Một điều chắc chắn rằng: hàng trăm năm nữa người Việt Nam vẫn sẽ còn nhớ NGUYỄN HUY THIỆP!

    Trả lờiXóa
  3. Thành kính chia buồn cùng gia đình nhà văn và xin chia phần bùi ngùi với nỗi buồn chung của gia đình văn chương Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  4. Thành kính chia buồn cùng gia đình nhà văn và nền văn học đương đại của nước nhà !

    Trả lời

    Trả lờiXóa
  5. Xin kính cẩn chia buồn cùng gia đình Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Cầu mong linh hồn ông sớm siêu thoát
    Bài viết của Nguyễn Xuân Diện, tuy không dài nhưng đã khắc họa khá rõ về văn chương và con người Nhà văn. Đồng thời ông cũng nói hộ nỗi niềm kính trọng, ngưỡng mộ của bao người với cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của VN trong nửa cuối thế kỉ 20
    Xin nghiêng mình vĩnh biệt Nhà văn mà tôi trân quý, ngưỡng mộ dù chưa được gặp ông bao giờ!

    Trả lờiXóa
  6. Nguyễn Huy Thiệp sẽ sống mãi trên văn đàn nước ta.
    Những người và đám người đã hành hạ NHThiệp sẽ chết nhục
    Chẳng lâu nữa đâu
    Mong mọi người sẽ sống tới khi đó

    Trả lờiXóa
  7. Còn sống thì chẳng cho ăn, đến khi thác xuống làm văn tế ruồi ...huhuhu

    Trả lờiXóa