CẤP BÁO: DI TÍCH QUỐC GIA ĐỘNG HỒ CÔNG - VĨNH LỘC - THANH HÓA
BỊ XÂM HẠI RẤT NGHIÊM TRỌNG
BỊ XÂM HẠI RẤT NGHIÊM TRỌNG
Nguyễn Xuân Diện
Động Hồ Công là một danh thắng nổi tiếng của huyện Vĩnh Lộc nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Động này đã được xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.
Động nằm trên núi Xuân Đài, thuộc xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Các sách cổ như: Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Thanh Hóa kỷ thắng đều dành những lời văn đẹp để ca ngợi động này.
Sách “Đại Nam Nhất thống chí” ca ngợi rằng “Nam Thiên tam thập lục động, Hồ Công Đệ Nhất”(Trời Nam có 36 động thì Động Hồ Công là đẹp nhất).
Tên gọi của động gắn với truyền thuyết hai cụ già Hồ Công Long và Phí Trường Phòng luyện thuốc tu tiên rồi hóa ở đây.
Động có chiều dài 45 mét, rộng khoảng 23 mét. Lối lên động có tảng đá khắc bốn chữ “Thanh kỳ khả ái”. Đó là 4 chữ tự tay Chúa Trịnh Sâm – tức Nhật Nam nguyên chủ viết ra vào tháng 10 năm 1770.
Trên vách động còn có các bài thơ Ngự đề của các vua Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông, của chúa Trịnh Sâm và thơ văn bút tích các nhà Đại Nho Nguyễn Nghiễm (thân phụ của Nguyễn Du) và Ngô Thì Sĩ. Bốn chữ “Sơn Bất Tại Cao” là bút tích của Hồng Ngư cư sĩ Hy Tư Nguyễn Nghiễm.
4 chữ: SƠN BẤT TẠI CAO 山不在高
Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh
Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh
Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh
Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh
(Núi không cứ phải cao, có tiên ở thì nổi tiếng.
Nước không cứ phải sâu, có rồng nằm thì linh thiêng).
Đó là câu trong bài “Lậu thất minh” của Lưu Vũ Tích, đời Đường, Trung Quốc.
Nguyên văn chữ Hán:
陋室銘
山不在高,有仙則名。
水不在深,有龍則靈。
斯是陋室,惟吾德馨。
苔痕上階綠 ,草色入簾青。
談笑有鴻儒,往來無白丁。
可以調素琴,閱金經。
無絲竹之亂耳,無案牘之勞形。
南陽諸葛廬,西蜀子雲亭。
孔子云:「何陋之有?」
Phiên âm:
LẬU THẤT MINH
Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh;
Thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh.
Tư thị lậu thất, duy ngô đức hinh.
Ðài ngân thượng giai lục, thảo sắc nhập liêm thanh.
Ðàm tiếu hữu hồng nho, vãng lai vô bạch đinh.
Khả dĩ điều tố cầm, duyệt Kim kinh.
Vô ty trúc chi loạn nhĩ, vô án độc chi lao hình.
Nam Dương Gia Cát lư, Tây Thục Tử Vân đình.
Khổng Tử vân: “Hà lậu chi hữu?”
Ðài ngân thượng giai lục, thảo sắc nhập liêm thanh.
Ðàm tiếu hữu hồng nho, vãng lai vô bạch đinh.
Khả dĩ điều tố cầm, duyệt Kim kinh.
Vô ty trúc chi loạn nhĩ, vô án độc chi lao hình.
Nam Dương Gia Cát lư, Tây Thục Tử Vân đình.
Khổng Tử vân: “Hà lậu chi hữu?”
Bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê:
Núi không tại cao, có tiên thì nổi danh;
Nước không tại sâu, có rồng thì hoá linh.
Ðây là căn nhà quê mùa, chỉ nhờ đức ta mà thơm tho.
Ngấn rêu biếc leo thềm, sắc cỏ xanh chiếu rèm.
Cười nói có đại nho, đi lại không bạch đinh.
Có thể gảy cây đàn mộc mạc, đọc Kim kinh.
Không tiếng tơ tiếng trúc làm loạn tai, không giấy tờ, thư trát làm mệt thân hình.
Thảo lư của Gia Cát ở Nam Dương, nhà mát của Tử Vân ở Tây Thục.
Khổng Tử nói: “Có gì mà quê mùa?”
Nguồn: Cổ văn Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê, Tao Đàn xuất bản, 1966.
Tiểu sử Lưu Vũ Tích: Lưu Vũ Tích 劉禹錫 (772-842) tự Mộng Đắc 夢得, người Bành Thành (nay là huyện Đông Sơn, tỉnh Giang Tô) đỗ tiến sĩ năm Trinh Nguyên thứ 9 (793), làm giám sát ngự sử đời Đức Tông. Thời Thuận Tông cùng tham dự vào những chủ trương chính trị tiến bộ cùng Vương Thúc Vân, Liễu Tông Nguyên, sau Vương Thúc Văn bị bọn cường quyền gièm pha, ông cũng bị đổi thành Lãng Châu thứ sử. Ông làm từ hay dùng tục ngữ địa phương, Bạch Cư Dị từng gọi ông là thi hào. Tác phẩm có Lưu Vũ Tích tập.
Nguồn: Thi viện.
https://www.thivien.net/Lưu-Vũ-T%C3%ADch/Lậu-thất-minh/poem-JWPrmsjRk924UQebHi-U_Q
Lối lên động, phải đi qua chùa Du Anh, là một di tích lịch sử có từ thời Trần (là nơi tu hành của một công chúa đời Trần). Sân chùa còn con sấu đá đời Trần.Ở đây xưa có tấm bia cổ do Hoàng giáp Phùng Khắc Khoan (1528-1613) người làng Bùng (Phùng Xá) huyện Thạch Thất soạn vào năm Hoằng Định thứ 6 (1605).
Rất đắng lòng là chiều ngày 24 tháng 2 năm 2023 mới đây, tôi lên thăm động đã thấy sư trụ trì chùa này tự ý cho triển khai thờ tự trong động khiến cho mọi thứ đang ngổn ngang:
1-Đem các loại tượng (cũ và mới, có cái thì đã có ở đây từ chục năm về trước) về thờ loạn bậy trong động: Tượng Phật, tượng một ma nữ trong Đạo giáo, tượng Quan Công, tượng Ông Thần chữa bệnh, và vô số mãng xà, trong đó có một đôi rắn đang lẹo nhau do một nhà thuốc nào đó cung tiến.
2-Xây 3 bệ thờ dựa vào vách động, bên ngoài ốp bằng gạch men trắng, loại vẫn thường ốp nhà vệ sinh (nhà xí).
3- Ngổn ngang gạch đá, cát và dây điện. Nền và vách núi bị đào để lắp chìm dây điện.
Hôm đó tôi có viết một bài nhỏ để giới thiệu cảnh động Hồ Công, chứ không phản ánh tình trạng hỗn loạn ở nơi này.
Duyên do là vì người em lái xe đưa tôi đi chơi hôm đó nói có người em gái làm lãnh đạo xã này nên không muốn tôi vội làm to chuyện, mà trước hết là "đóng cửa bảo nhau", khắc phục nhanh chóng.
Xuống núi, tôi vào UBND xã để gặp lãnh đạo. Chủ tịch xã Ninh Khang đi vắng (trước xã này tên là Vĩnh Khang, sau sáp nhập Vĩnh Khang, Vĩnh Ninh thành xã Ninh Khang). Tiếp tôi chỉ có một cô gái rất trẻ tên là Hiền, là Bí thư đảng ủy xã.
Tôi trò chuyện và nói cho cô ấy tính chất nghiêm trọng của việc xâm hại di tích đã liệt hạng Quốc gia; đồng thời cũng dặn dò cách khắc phục. Cô hiểu chuyện và thái độ có vẻ thành ý.
Ngay khi đang nói chuyện với tôi, cô Hiền đã xin phép gọi điện chỉ đạo Ủy ban và bên Công an xã lên núi nắm bắt tình hình và yêu cầu dừng thi công ngay.
Nhưng đến nay (15.3.2023) tôi được biết Sư chùa Du Anh mới chỉ dọn dẹp nền động chứ chưa hề dỡ bỏ các bệ gạch kia.
Việc này xã đã báo cáo lên Phòng Văn hóa huyện Vĩnh Lộc. Và hôm qua tôi cũng đã thông báo cho Giám đốc Ban Bảo tồn Di tích danh thắng Thanh Hóa.
Đề nghị Sở Văn hóa Thể thao Du lịch và UBND huyện Vĩnh Lộc chỉ đạo UBND xã Ninh Khang và Sư chùa Du Anh sớm trả lại cảnh quan cho Di tích Quốc gia Động Hồ Công, dẹp hết các bệ thờ và làm sạch sẽ không gian di tích.
Đề nghị các báo chí, truyền hình sớm vào Thanh, đến di tích để đưa tin bài về vụ xâm hại này, để các cơ quan quản lý văn hoá tỉnh Thanh Hoá, Cục Di sản văn hoá và Bộ Văn hoá được biết.
15.3.2023
Nguyễn Xuân Diện
16h35 ngày 15.3.2023 sau khi đăng bài được 4 tiếng thì Trưởng ban Ban Quản lý Di tích Danh thắng tỉnh Thanh Hóa đã nhắn tin cho tôi: Trên động Hồ Công chiều nay di dời các bức tượng, mai (16.3) phá toàn bộ các bệ trả lại không gian như cũ.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét