Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

HOT: NHỮNG Ý KIẾN TRANH LUẬN VỀ VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG

Một kiến trúc trong khu Việt Phủ Thành Chương. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện.

Luật gia Trần Đình Thu

NẾU ĐỔI MỘT CÁI TÊN VĂN HÓA HƠN, TÒA NHÀ CỦA ÔNG THÀNH CHƯƠNG ĐÁNG ĐƯỢC BẢO VỆ

Dư luận đang bàn tán vấn đề này theo nhiều chiều khác nhau, tôi xin góp ý kiến nhỏ sau đây.

Với tất cả kiến trúc và hiện vật trong tòa nhà đang mang tên gọi “Việt phủ Thành Chương”, tôi nghĩ rằng nó đáng được giữ gìn và hỗ trợ cho ông Thành Chương bảo tồn nó. Tuy nhiên nếu thực hiện như thế thì cần có 1 cái tên thật ổn cho tòa nhà này. Còn cái tên hiện tại hoàn toàn không phù hợp cho việc thực hiện như thế.


Trong từ ngữ Việt Nam, “cung” dùng chỉ nơi ở và làm việc của vua, “phủ” dùng chỉ dùng cho nơi ở và làm việc của chúa, “dinh” để chỉ nơi ở và làm việc của quan. Dân gian thường nói “cung Vua phủ Chúa” là như vậy. Một tòa nhà dù lớn đến đâu mà của người thường thì không ai gọi là dinh hay phủ cả. Phải là tòa nhà của quan thì mới gọi là dinh và của chúa mới gọi là phủ.

Ấy vậy mà tòa nhà của ông Thành Chương lại được ông tự đặt tên là “Việt phủ Thành Chương”, dịch ra nghĩa là “Phủ của Chúa Việt Thành Chương”.

Cách đặt tên như thế này mang tính ngạo mạn, tuy nhiên đó là quyền của ông nếu coi tòa nhà là tài sản riêng của ông.

Tuy nhiên do nó nằm trên khu đất không được phép xây dựng, nên mới có chuyện. Về mặt kiến trúc và hiện vật, nó quá có giá trị, nên mới có ý kiến cho rằng nhà nước nên hỗ trợ cho ông Thành Chương, thậm chí còn có ý kiến gợi ý nhà nước nên mua lại.

Như trên tôi đã nói, tôi hoàn toàn công nhận giá trị của kiến trúc và hiện vật nơi đây, và ủng hộ việc giữ gìn nó. Nhưng tôi đặt vấn đề, nếu có một dự án nào đó hỗ trợ cho tòa nhà này, vậy thì tên dự án sẽ đặt thế nào, và hỗ trợ nhân danh cái gì? Hỗ trợ cho nơi ở và làm việc của Chúa Việt Thành Chương chăng?

Tôi gợi ý, ông Thành Chương nên đặt một cái tên khác mang tính văn hóa một cách đúng nghĩa hơn, thí dụ như là Bảo tàng kiến trúc cổ Việt Nam chẳng hạn. Hay là Khu du lịch kiến trúc cổ Việt Nam Thành Chương chẳng hạn. Thí dụ như vậy chứ tôi không sát lắm vì tôi chưa đến thăm nơi này. Nếu có một cái tên kiểu đó, ông Thành Chương có thể làm một dự án xin nhà nước xét duyệt, tôi hy vọng là có thể ổn. Dĩ nhiên là không chỉ là việc đổi tên mà ông còn phải làm cho nó hoạt động đúng như một bảo tàng tư nhân hay một khu du lịch hay một cái gì đấy thuộc về văn hóa.

Thật tiếc nếu tòa nhà này bị phá bỏ nhưng cũng thật vô lý khi chấp nhận việc hỗ trợ cho tòa nhà mang tên là Phủ của Chúa Việt Thành Chương (Việt Phủ Thành Chương). 




 
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thăm phủ Thành Chương và được chủ nhân tiếp đón, 
giới thiệu và trả lời các câu hỏi. Chiều 4/12/2018.
.



Luật sư Đặng Trọng Dũng: Điều ông Trấn Đình Thu ..lạm bàn đúng ý của tôi một phần đó là "Nhà nước hãy nhanh chóng cấp cho ông ta cái mỹ danh GCN gì đó " để cho nó ổn, cho nó tồn tại.... Là dân xứ Quảng nên ông Thu xem ra có thể thấy chướng khi cái tên Việt- Phủ -Thành Chương đó một khi ĐỂ NÓ tồn tại ; tôi không dùng chữ CHO NÓ TỒN TẠI !! Báo New York Times hữu lý khi chỉ đơn thuần gọi nó là HOUSE. Nên nhớ WHITE HOUSE dịch ra tiếng Việt là Tòa ( nhà ) Bạch ốc !! Thế thôi. Còn người khác thì gọi nó là Park - một dạng "công viên nghệ thuật.như "bà Suzanne Lecht, giám đốc nghệ thuật của một phòng tranh ở Hà Nội và là người từng trưng bày tranh Thành Chương ở Hồng Công đã nói một câu rất hay để miêu tả Việt Phủ Thành Chương, rằng đây chính là một “Công viên chủ đề nghệ thuật”. Còn với Nora Annesley Taylor, giáo sư nghệ thuật Nam Á và Đông Nam Á ở Viện nghệ thuật Chicago khi tới thăm nơi này năm 2004 thì nhận định rằng Việt Phủ rất ấn tượng. Nó “phô trương sự giàu có và địa vị xã hội”." .Do ông Thu chưa đến xem nên ông nghĩ chữ PHỦ là ghê gớm lắm, thật ra với diện tích chưa đến 9000m2 như ông Thành Chương cho biết nhưng cái nội hàm chất chứa trong cái công trình này về mặt vật chất và tinh thần tthì tôi tin rằng gọi nó là PHỦ cũng chẳng xứng tầm nếu không muốn nói gọi là Việt Phủ TC đã là khiêm tốn lắm rồi. Thật vậy tôi cũng đã nói rằng không có đủ chữ nghĩa để nói về một công trình như VIỆT PHỦ TC , do vậy hãy cứ tạm an tâm với tên gọi ban đầu của nó - mà theo ông nói đó là do cụ Kim Lân, nhà văn, ông thân sinh ra ông Thành Chương đặt tên ra đấy !! Cũng cần phải nói thêm vài điều : (1) Chưa có ai nói rằng cái cơ ngơi ấy LÀ SAI CẢ !! chỉ là ngờ ngợ như thế thôi , vì theo lời của ông TC nói với hai chúng tôi là cái công trình của ông ấy ở một xã hoàn toàn khác với hai cái xã đang bi lên án của ả Mỹ Linh. (2) ông Thành Chương xem ra chẳng " care" gì về cái tính pháp lý của nó và tôi thấy điều này là hợp lý.Chính sự tồn tại của nó vì mục đích dành cho TOÀN DÂN VIỆT THƯỞNG LÃM sau đó mới là người nước ngoài và ông xây dựng nó từ zero cho đến ngày nay thì cái đám quản lý nó ... MÙ HẾT À và chính Thũ tướng Ng. Tấn Dũng đã tán dương công trình này thế nào thì ai cũng biết và 100 năm Thăng Long cũng nêu tên công trình này đấy !! Nếu là tôi, tôi sẽ thuê độ một chục ông Luật sư và Luật gia lên soi cái gọi là - tính- cách- pháp lý của công trình này tại xã Hiền Ninh huyện Sóc Sơn, Hà nội, nói xin lỗi gặp cỡ LS , LG chúng ta mà bênh thì tôi tìn là sự tồn tại của nó phục vụ NGƯỜI DÂN VIỆT VÀ VINH DANH VĂN HÓA VIỆT THÌ ĐÃ QUÁ ĐỦ CHO TÍNH CHÍNH DANH CỦA NÓ RỒI !! ở nước ngoài thì chính phủ của bọn Tư sản ( chứ không gọi là Nhà nước) họ không hèn mọn khi soi ...... cái tính cách pháp lý như ta để mà xét nét đâu.....Đừng làm cho thiên hạ thế giới nó ..cười chúng ta (3) Cũng chẳng nên comment làm gì chỉ mong các ông bà nào .... bình .... loạn nên đi thăm cái VIỆT PHỦ TC đó, khi đó bạn sẽ đồng ý với những gì mà tôi góp ý và lên tiếng..Xin mời ông Thu đọc cái link này kỹ nhé : http://vietphuthanhchuong.com/.../new-york-times-thich.../

Thang Le Tôi tán thành với ý kiến NN nên mua lại toàn bộ tài sản trên đất của HS Thành Chương , hỗ trợ một số tiền cho công sức sáng tạo thiết kế của HS , biến khu này thành một nơi lưu giữ mang tính bảo tồn , văn hóa nghệ thuật , NN có thể bán vé vào cổng cho khách có nhu cầu thưởng lãm ..!

Nguyễn Ngọc Dương:

VIỆT PHỦ THÀNH CHƯƠNG: CẨN ĐƯỢC XEM XÉT THẬN TRỌNG.

Lâu nay cứ nghe người ta xôn xao việc một số người xây biệt phủ trên rừng phòng hộ ở Sóc Sơn trong đó có biệt phủ Mỹ Linh và Việt phủ Thành Chương. Văn kỳ thanh, bất kiến kỳ hình hay nói cách khác, thông tin chưa đầy đủ, hoặc “thày bói xem voi”, nên không ít người mắc bệnh “lên đồng tập thể”, trong đó có cả tôi, đã có ác cảm với Việt phủ Thành Chương cùng chung với những người xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ ở Sóc Sơn.

Trường hợp Việt phủ Thành Chương không phải ngẫu nhiên mà nay có ý kiến của nhà chức trách “có thể được cho tồn tại vì công trình mang bản sắc văn hóa dân tộc”.

Gần đây, tôi đã nắm thêm được những thông tin về Việt phủ Thành Chương, không phải như người ta vẫn vơ đũa cả nắm, và nghĩ rằng, nếu mình vô tình có thể dẫn đến nhận thức vàng thau lẫn lộn. Việt Phủ Thành Chương hoàn toàn khác với Biệt phủ Mỹ Linh và nhiều trường hợp khác, ít nhất là Việt Phủ Thành Chương xây trên đất trống đồi trọc ở xã Hiền Ninh, chứ không phải trong rừng phòng hộ ở xã Minh Phú như nhiều trường hợp khác…

Sáng nay lại thấy một bài báo có vẻ không ủng hộ Việt phủ Thành Chương (http://vietbao.vn/…/Xu-ly-Viet-phu-Thanh-Chu…/158370582/157/).

Họ trích ý kiến của người đã bị xử lý, cho rằng “không công bằng”, tất nhiên họ không muốn bị xử lý một mình, mà phải kéo nhau cùng “chết”… cho vui.

Tôi chả có họ hàng gì với ông họa sĩ Thành Chương, thậm chí chưa được gặp ông ấy bao giờ, nhưng vì lợi ích chung của nền văn hóa dân tộc, của đất nước và nhân dân, tôi đề nghị các luật gia, các nhà báo chân chính, giới văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa và tất cả những ai có lương tâm hãy vào cuộc nghiên cứu kỹ Việt phủ Thành Chương và cứu lấy nó, một địa chỉ Văn hóa không dễ gì có được khiến nhiều khách quốc tế phải trầm trồ...

Luật sư Lê Văn Luân:

BẢO TỒN HAY CÒN GÌ KHÁC?

Chúng ta thử nghĩ xem, có một số quan chức đang muốn bảo vệ Việt phủ Thành Chương vì cái kiến trúc vật thể đó có tính chất văn hoá và tâm linh nên cần được bảo tồn hơn là đập bỏ. Trong khi bản thân nó là một công trình sai phạm và hoàn toàn với mong muốn cũng như tài sản cá nhân được dựng lên trên đất công (rừng phòng hộ) không được cấp phép.

Ngược lại vấn đề về việc một số chùa chiền, tu viện tôn giáo ở nhiều nơi bị đập phá nhằm lấy đất phục vụ cho việc quy hoạch thời gian vừa qua cho chúng ta thấy rằng thực chất cái sự đòi hỏi phải giữ gìn yếu tố văn hoá tâm linh hay tôn giáo chỉ là một sự nguỵ biện. Và hoàn toàn có thể đặt ra vấn đề là có phải có một số người đã hoặc đang có (dính dáng) lợi ích trong đó nên mới muốn bảo vệ cho nó tồn tại bất chấp luật pháp và thực tế mà nó đã diễn ra?

Luật sư Trần Vũ Hải:
·
Khá nhiều “anh hùng bàn phím” đòi “dẹp” Phủ Thành Chương, một địa điểm Văn hoá Du lịch nổi tiếng của Hà nội, không chỉ ở Việt nam, mà được thế giới biết, đã hàng chục năm nay.

Theo cá nhân tôi, chủ Phủ Thành Chương có thể mở cửa miễn phí trong một thời gian nào đó, ví dụ một tháng, để người dân mọi miền đất nước đến thăm, thưởng ngoạn và cho ý kiến có nên dẹp hay không Phủ Thành Chương? Tôi tin tuyệt đại đa số du khách sẽ có ý kiến khác với các AHBP. Và nếu AHBP nào đến thăm Phủ Thành Chương cũng sẽ thay đổi ý kiến!

Luật sư Đặng Trọng Dũng: Tôi là dân miền Nam cùng TS.Ng Xuân Diện ( Viện Hán nôm ) đã đến tham quan nơi này cả ngay trời và đc nghe thuyết minh bởi chính ông Thành Chương. Tôi thật sự CHOÁNG NGỢP vì cơ ngơi mà ông Thành Chương này đã làm để cho toàn dân Việt và khách nước ngoài đến thưởng ngoạn. Cái vụ pháp lý, giấy tờ của nơi đây, tôi nghĩ chính ông Nhà nước, chính quyền phải nhanh chóng cấp cho ông cái giấy tờ để thiên hạ, người nước ngoài người ta không cười chê rằng một cái bảo tàng như thế này mà Nhà nước để lơ lửng cái pháp lý quái nào đó để băt non bắt nọn ông ta cái nỗi gì nữa ....Nếu không làm ngày là nỗi xấu hổ khôn nguôi của ông Nhà nước. Hoài Linh ở trong Nam, thiếu giấy tờ xây dựng một nơi làm nơi thờ Tổ của giới nghệ sĩ gì đó khi báo chí lên tiếng thì đc ngay UB ở TPHCM nhanh chóng cấp cho anh ta cái giấy tờ SDĐ gì đó, thế thì cái đất ngàn năm văn vật Hà nội này lại để cho một nơi ......như thế này ....phải nói ra nói vào về cái giấy tờ pháp lý thì thật ... QUÁ TỆ. Lời chót rằng, đừng so sánh cái tư gia của ..... Mỹ Linh, của ả này là của dân " mới giàu- nouveau riche " làm sao mà bì được với Việt Phủ Thành Chương !!

.
 Luật sư Đặng Trọng Dũng và Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thăm phủ Thành Chương
và được chủ nhân tiếp đón, giới thiệu và trả lời các câu hỏi. Chiều 4/12/2018.
.
Luật sư Đặng Trọng Dũng  tại Việt Phủ Thành Chương chiều 4/12/2018.
.
Tôi đề nghị với nhà nước khi cấp GCN BẢO TÀNG SỐNG NÀY CHO VIỆT PHỦ VÍ NÓ ĐƯỢC XÂY DỰNG BỞI TÂM HUYẾT, CÔNG SỨC, TÀI SẢN BỞI NGHỆ SĨ TÀI DANH THÀNH CHƯƠNG , MỘT NGƯỜI CÓ CÔNG TRẠNG KHI XÂY DỰNG ĐƯỢC MỘT CƠ NGƠI TÔN VINH ĐƯỢC NHỮNG GIÁ TRỊ TINH THẦN CỐT LÕI CỦA NGƯỜI VIỆT Không có người thứ hai xây dựng được một cơ ngơi này hiện tại và tương lai hàng chục năm nữa. Do vậy những ai muốn và tưởng rằng nhà nước ta là nhà nước pháp quyền.. ..nửa mùa ( đòi giấy tờ SĐD gì đó ) nên dành thời gian đến chiêm ngưỡng nơi này....

Nguyễn Hoàng Quân: 


Luật sư mà nói như này thì tệ quá (stt của 1 cô giáo)
PHỦ THÀNH CHƯƠNG VÀ VÀI SUY NGẪM BÊN LỀ.

Những ngày gần đây, giới văn nghệ sĩ qua fb, báo chính thống lên tiếng bảo vệ Phủ Thành Chương trước nguy cơ Sở Tài nguyên- Môi trường Hà Nội xử lý vì những vi phạm về đất rừng. Kết luận thế nào còn chờ vào cơ quan hữu trách. Nhân đây, mạn phép được chia sẻ đôi điều suy nghĩ cá nhân về biệt phủ này.

Phải thừa nhận đây là một công trình tốn nhiều tiền của và tâm sức của chủ nhân, thực sự là điểm đến khá thú vị để thoát khỏi chốn phố xá ồn ào. Đó quả là một không gian sống và nghỉ dưỡng lý tưởng. 

Người khen ngợi biệt phủ này quá nhiều. Toàn những mỹ từ dành cho nó. Và hầu như đều thống nhất với nhau một nhận định, Đây là nơi lưu giữ hồn Việt, văn hóa Việt, là một địa chỉ du lịch tâm linh...

Tôi được một người trong nghề phân tích rằng, "Vẽ tranh khác làm kiến trúc, làm kiến trúc khác làm quy hoạch. Vẽ tranh: không gian được thu hẹp trên mỗi tấm toan hay mảnh giấy. Kiến trúc: chỉ thể hiện chi tiết trong phạm vi 1 căn nhà hay dãy phố còn làm quy hoạch phải nắm bắt tổng thể từ cao độ, địa hình, cây xanh, vị trí ... lúc đó mới lên bố cục, sắp đặt những cái gì ở đó rồi mới đến chi tiết". Nói như vậy thì biệt phủ Thành Chương hoàn toàn không có quy hoạch tổng thể, vì thế nên nếu để riêng từng hạng mục công trình thì rất ưa nhìn nhưng đặt cạnh nhau nó không mang chiều sâu của sự liên hoàn trong ý tưởng. Nhà cung đình kiểu Huế, nhà rường, nhà ba gian Bắc bộ, nhà Mường, nhà đất thời ở chiến khu Việt Bắc, không gian thờ cúng... mỗi chỗ một thứ và chung sống trên một diện tích, địa hình lý tưởng để những kiến trúc sư có nghề kiến tạo lên những công trình tuyệt mĩ. Nơi trưng bày đồ cổ khi tôi tới vào năm 2015 thì chưa cho người xem thật sự mãn nhãn, bởi nhà trưng bày làm bằng những vật liệu hàng chợ, như cửa sổ bằng nhôm kính và kiểu dáng chấn song cũng chỉ mang tính đảm bảo an ninh, thiếu đồng bộ và không tái hiện được không gian cổ kính tương xứng với kho tàng đồ cổ.

Ngay lần đầu tiên tới thăm, tôi đã về nói với một người bạn rằng, Thành Chương là họa sĩ đương đại tài năng nhưng hoàn toàn không phải kiến trúc sư có nghề. Biệt phủ là nơi ông tái hiện lại những giấc mơ đến từ quá khứ, nhưng đó là những cơn mơ rời rạc, thiếu tính hệ thống và liên kết. 


Thêm vào đó, nếu gọi đây là địa chỉ du lịch tâm linh thì e khiên cưỡng, vì không gian thờ cúng, kể cả thờ Phật thì cũng mang tính gia đình là chủ yếu chứ không dành cho cộng đồng. Gọi đây là nơi lưu giữ hồn Việt thì đúng vì nó mang bóng dáng làng Việt nhưng để phục dựng lại một làng thuần Việt có chiều sâu tâm linh, văn hóa và nếp cổ e là phải cần có con mắt chuyên môn cao hơn chứ không chỉ cần tiền và tâm huyết. Tất nhiên đây chỉ là cảm nhận cá nhân trong tư cách người tham quan.

Lẽ ra, mặc kệ cái biệt phủ đó. Với tôi, nó tồn tại hay không cũng không ghê gớm lắm, nhưng điều đáng nói, có nhiều văn nghệ sĩ, nhà văn, nhà báo lên tiếng bảo vệ biệt phủ thống thiết như bảo vệ một di sản văn hóa tâm linh lâu đời và có ý đổ lỗi cho cơ quan môi trường. Điều này, thấy có gì đó thật ái ngại. Giá như trước những sự việc nóng bỏng của nhân dân của đất nước, các anh chị cũng khẩn thiết được như thế!

Xin nhắc rằng, biệt phủ có giá trị thì trước hết nó cũng mang tính cá nhân, của cá nhân, có bán vé cho người tham quan thì đương nhiên nó mang tính kinh doanh chứ không thể nói như ông Nguyễn Quang Thiều rằng tiền đó chỉ đủ bảo dưỡng chứ có nhà hàng khách sạn, bể bơi, matxa....mới được coi là kinh doanh. Kinh doanh văn hóa khác với kinh doanh hàng hóa thông thường. Giả sử, nếu không bán vé tham quan, thì các hạng mục công trình không cần duy tu bảo dưỡng hay sao? Thêm vào đó, gọi là biệt phủ Thành Chương thì có lẽ hợp lý hơn chứ gọi Việt phủ thì có hơi ngạo mạn vì nó chưa phải là một làng Việt cổ thuần chất, cho dù chỉ là phục dựng. Nếu tham quan phủ Ngọc Sơn công chúa ở Huế thì thấy kiến trúc một phủ nó mang tính kiến trúc và thẩm mĩ hài hòa thế nào. Vị trí các công trình lớn, nhỏ, tỉ lệ cây xanh, phân bố các loại cây bộc lộ chí hướng, tâm tư, khí chất của chủ nhân...đều được sắp đặt cực kỳ khắt khe.

Thứ hai, nếu các vị thực lòng vô tư tha thiết với di sản văn hóa, trước khi kêu cứu cho cái biệt phủ ngay từ khi xây dựng đã rất ồn ào về tính hợp pháp thì hãy kêu gào cho những chùa chiền, miếu mạo hàng trăm năm tuổi, là những di sản văn hóa vô giá của ông cha để lại đang bị xâm hại thô bạo không gian, cảnh quan, bị làm cho biến dạng hoặc hàng ngày hàng giờ đang xuống cấp nặng nề đi. Xin đơn cử những ngôi chùa như chùa Hương, chùa Thầy, chùa Trầm, chùa Mía, chùa Bối Khê, chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Phật Tích, chùa Bổ Đà, chùa Dâu, chùa Trăm Gian (Bắc Ninh), chùa Trăm Gian (Hải Dương), chùa Keo (Thái Bình)....đều đã và đang bị tổn hại nghiêm trọng bởi sự trùng tu lai căng tạp nham thiếu văn hóa hoặc không gian bị biến tướng xô bồ. Thiết nghĩ, những di sản này bị biến mất hoặc bị đánh bay hồn vía thì mới đáng tiếc chứ không phải cái biệt phủ phục dựng lộ cộ kia.

Giới văn nghệ báo chí không nên tự ngụy biện bênh vực nhau nhân danh giữ gìn văn hóa. Có thứ văn hóa nào được xây dựng trên nền tảng vi hiến? Không thể nói đó là một vùng sỏi đá để không thì xây biệt phủ trên đó không ảnh hưởng gì. Ngay cả khi nó là sa mạc mà không thuộc quyền sở hữu cá nhân cũng không được phép đụng tới. 



9 nhận xét :

  1. Tôi đồng tình với ông Hoàng Quân. Họa sĩ Thành Chương có nhiều công thu thập các hiện vật cổ, trong đó có không ít đồ vật của chùa chiền nhiều nơi bị đánh cắp mà ông đã mua lại. Việc xắp xếp trưng bày các hiện vật đó rất tùy tiện, lộn xộn, thậm chí lai căng, khiến người ta có cảm giác chủ nhân khoe của quý/ hiếm/ độc mà thôi. Tôi chỉ đến VPTC một lần rồi tự nhủ không thể đến lần thứ hai được nữa...

    Trả lờiXóa
  2. Tôi chưa đến thăm nơi Việt phủ Thành Chương này nên tôi chưa biết nó đẹp, xấu ra sao. Vì thế không dám lạm bàn về nó. Nhưng tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của bài viết trên qua câu văn sau:"Có thứ văn hóa nào được xây dựng trên nền tảng vi hiến? Không thể nói đó là một vùng sỏi đá để không thì xây biệt phủ trên đó không ảnh hưởng gì. Ngay cả khi nó là sa mạc mà không thuộc quyền sở hữu cá nhân cũng không được phép đụng tới".
    Bởi vì nếu mỗi người cứ tự do xây dựng trên khu đất không thuộc quyền sở hữu của mình dù là một công trình có giá trị đến đâu đi chăng nữa thì xã hội sẽ ra sao?!

    Trả lờiXóa
  3. Nếu là Việt phủ Bí thư Huyện (chứ không phải là VPTC) thì có những ý kiến trái chiều không nhỉ.

    Trả lờiXóa
  4. Mấy ông sĩ , sư có biết rằng ở xứ ta bây giờ pháp luật có cũng như không . Mấy cái ông muốn bảo vệ cho kẻ ngồi trên pháp luật , muốn làm gì thì làm , các ông đang chà đạp lên khẩu hiệu THƯỢNG TÔN PHÁP LUẬT đấy . Có cái gì đó gian gian trong chuyện này .

    Trả lờiXóa
  5. Biệt phủ Thành Chương không phải nhà ở hay công trình nghỉ dưỡng , mà nó là công trình văn hóa công cộng. Vì vậy chúng ta cần bảo quản bảo tồn nó. Đừng bao giờ đánh đồng nó với các công trình lấn rừng khác!

    Trả lờiXóa
  6. Biệt phủ Thành Chương không phải là công trình văn hóa công cộng, bởi nhiều năm nay bán vé thu tiền để kinh doanh văn hóa! Đừng quên điều đó để nhập nhèm!

    Trả lờiXóa
  7. Nếu ông Thành Chương cho mình là Chúa Việt thì cũng là quá đáng !

    Trả lờiXóa
  8. Đừng cãi nhau cái tên. "Việt phủ Thành Chương" tên này hay tuyệt vời, suy lung tung thì nó thành này nọ. Nếu là Việt phủ Sóc Sơn thì chắc là ko ai nói gì. Thành Chương gắn với lao động và tiền bạc của ô Thành Chương, thế mới tốt.
    Ngoài ô TC chắc khó ai làm được, dù nhiều tiền, dù mê VH VN.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi tán thành Nguyễn Hoàng Quân. Không nên thổi phồng giá trị của cái gọi là Việt Phủ Thành Chương. Thực chất, qua nó, Thành Chương ngầm khoe tài, khoe tiền, và làm tiền. Hãy lên tiếng mạnh mẽ cho những đền đài miếu mạo đang bị xâm hại, nhân danh văn hóa. Hơn là thương vay khóc mướn cho Thành Chương, dám chắc có phá "công trình" ấy đi, cũng chẳng mấy động lòng. Tốt nhất, nhà nước mua lại, chuyển vị trí, nâng cấp cho hoàn chỉnh, đặt lại tên - tên này có Thành Chương, như Tháp Eiffell bên Tây vậy...

    Trả lờiXóa