Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

TOÀN VĂN BÀI TỔNG KẾT TỌA ĐÀM CỦA PGS.TS ĐỖ BANG


THÀNH TỰU NGHIÊN CỨU VỀ AN SƠN MIẾU VÀ BÀ PHI YẾN Ở CÔN ĐẢO: TỪ TRUYỀN THUYẾT ĐẾN HỒ SƠ DI SẢN, VẤN ĐỀ CẦN QUAN TÂM

(Báo cáo Tổng kết Tọa đàm [1])

PGS.TS Đỗ Bang*

1. Tình hình hội thảo

Nhận thức được Sử học luôn gắn với hồ sơ di tích và phát huy giá trị di sản nên hôm nay, tại thành phố Huế, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học để đánh giá độ chính xác, tình khách quan khoa học của việc công nhận d i tích An Sơn miếu và Di sản lễ giỗ bà Phi Yến tại Côn Đảo có liên quan đến vua Gia Long, người sáng lập vương triều Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX.

Tham dự tọa đàm khoa học là các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học ở thành phố Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp. Do dịch bệnh Covid và thời gian cấp bách nên chỉ có 16 tham luận kịp thời để in trong tập Kỷ yếu và 8 tác giả có mặt tại hội trường của phủ Tùng Thiện Vương, 91 Phan Đình Phùng, thành phố Huế.

Ban tổ chức tọa đàm đón tiếp quý đại biểu: Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà báo thường trú tại Huế.

2. Yêu cầu khoa học và thực tiễn của tọa đàm là công bố những kết quả nghiên cứu, xác minh về sự việc Nguyễn Ánh có đến Côn Đảo hay không trong lộ trình tránh trú trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn vào năm 1783. Xác minh truyền thuyết có liên quan đến bà Lê Thị Răm - Thứ phi Hoàng Phi Yến, Hoàng tử Cải - Hội An có liên quan đến Nguyễn Ánh được ghi trên tấm bia Di tích An Sơn miếu tại An Hải, Côn Đảo. Xác minh nguồn gốc lễ giỗ bà Phi Yến và các tượng thờ tại An Sơn miếu có liên quan đến di tích và di sản hay không…

3. Kết quả công bố

Có 16 tham luận được chọn in trong tập Kỷ yếu, nhưng do cần dành thời gian cho thảo luận nên chỉ mời 3 tác giả trình bày tham luận.

Trong phiên thảo luận có 10 ý kiến phát biểu và trả lời chất vấn của các nhà nghiên cứu: Nguyễn Đắc Xuân, Trần Đại Vinh, Nguyễn Xuân Diện, Nguyễn Quang Hà, Đặng Văn Chương, Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Văn Đăng, Nguyễn Quang Trung Tiến, Nguyễn Phước Bửu Nam, Đỗ Bang.

Tọa đàm khoa học tập trung vào các vấn đề:

3.1. Về việc Nguyễn Ánh có đến Côn Đảo trong cuộc chiến vào năm 1783 hay không

Ngoài 8 tham luận được in trong tập kỷ yếu, qua thảo luận có thêm 10 ý kiến về vấn đề này. Phần lớn các ý kiến đều thống nhất là Nguyễn Ánh không đến Côn Đảo trong lần bị quân Tây Sơn truy đuổi vào năm 1783, lý do: Trước năm 1783, tư liệu không minh chứng việc Nguyễn Ánh đã từng ra Côn Đảo. Vì bôn tẩu ra Côn Đảo, Nguyễn Ánh sẽ bị sa vào tử địa, khi bị bao vây sẽ không có một nước thứ hai để tránh trú an toàn. Do vậy, Nguyễn Ánh đã chọn vùng biển đảo Tây Bắc, nơi có Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Cổ Cốt, Cổ Long… Nếu bị truy đuổi, Nguyễn Ánh sẽ dễ dàng qua Xiêm hoặc Chân Lạp. Lưu ý, nếu hành trình từ Côn Đảo đến Phú Quốc gần 400 km, nếu từ Côn Đảo thẳng lên Cổ Cốt như sách Đại Nam thực lục đã ghi lại phải dài hơn 600 km, thì không thể dễ dáng trốn thoát. Trong trận chiến năm 1783, Đại Nam thực lục có ghi về việc Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn vây 3 vòng thuyền tại Côn Lôn, nhưng địa danh Côn Lôn vào thế kỷ XVIII, theo Lê Quý Đôn, là có đến 3 địa điểm, chỉ vùng đảo ngoài khơi Bình Thuận (Phú Quý), đảo Côn Lôn (Côn Đảo) và đảo Phú Quốc hiện nay, chứ không chỉ dành riêng cho Côn Đảo. Các lập luận cho rằng từ Phú Quốc đến Côn Đảo có chiều dài gần 400 km đường biển, Nguyễn Ánh bị truy đuổi trong tháng 6 Âm lịch là hướng ngược gió mùa Đông Nam và cũng là hướng tiến quân của Tây Sơn nên khó khả thi. Sử liệu cho biết, sau khi thoát khỏi vòng vây, Nguyễn Ánh đến đảo Cổ Cốt một cách dễ dàng. Như vậy, đảo Cổ Cốt ở vị trí trong vịnh Xiêm La nằm về phía Tây Bắc Phú Quốc là không quá xa đảo Côn Lôn như sử liệu đã mô tả, nên rất có khả năng đảo Côn Lôn theo ghi chép của Đại Nam thực lục là đảo Cổ Long (Cổ Rổng, Kok Rong) về phía Tây Bắc Phú Quốc trong vịnh Xiêm La. Và chỉ có đảo nhỏ này, quân đội Tây Sơn mới vây được 3 vòng thuyền là có lý hơn việc bao vây Côn Đảo. Duy chỉ có ý kiến trong một tham luận cho rằng: Đảo Côn Lôn trong sách Đại Nam thực lục do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn là không thể viết sai, khả năng thuyền Tây Sơn đã từng vận hành 900 km đường biển trong khi đó việc Nguyễn Ánh bôn tẩu chưa đầy 400 km là chuyện có thể. Việc bao vây 3 vòng thuyền ở Côn Đảo không phải vây kín toàn bộ quần đảo này mà chỉ bao vây đảo lớn nhất, tức Côn Sơn.

Qua thảo luận, còn có ý kiến cho rằng: trong khi Phú Quốc và các đảo trong vịnh Xiêm La, như Thổ Chu, Nam Du, Cổ Cốt… nơi Nguyễn Ánh từng lưu dấu đều có địa danh mang tên Bến Ngự (Bãi Ngự), thì Côn Đảo tuyệt nhiên không lưu lại tên gọi này. Do vậy, việc Nguyễn Ánh đến Côn Đảo là điều không thể có.

3.2. Về truyền thuyết liên quan đến bà Lê Thị Răm, thứ phi Hoàng Phi Yến, hoàng tử Cải (Hội An)

Truyền thuyết về bà Lê Thị Răm và hoàng tử Cải xuất hiện tại Côn Đảo phổ biến từ năm 1933, Sơn Vương khi bị đày ra Côn Lôn, nghe người dân truyền tụng câu chuyện Bà Cậu Côn Nôn (Bà Cậu) rất linh thiêng, có quyền giáng họa giáng phúc cho người dân trên đảo, cho đó là thứ phi của Nguyễn Ánh (đức bà Phi Yến). Chuyện kể rằng, miếu Bà được xây dựng vào năm 1785 để thờ bà Phi Yến, thứ phi của Nguyễn Ánh. Do bà đã ngăn cản Nguyễn Ánh đừng “cõng rắn cắn gà nhà” mà phải chịu số phận bi thảm, về sau chết trở nên hiển linh, được dân chúng ở Côn Đảo rất tin thờ. Trong khi đó, câu ca dao “Gió đưa cây cải về Trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay” đã có mặt từ rất lâu trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam được ghi lại trong Câu hát góp của Huỳnh Tịnh Của vào năm 1897. Đích thực qua nghiên cứu cho thấy câu ca dao trên được ra đời vào năm 1788, tại Thăng Long, khi vua Lê Chiêu Thống cho người sang Trung Quốc cầu viện Thiên triều (nhà Thanh), sau khi quân Thanh bị đánh bại vào đầu năm 1789, Lê Chiêu Thống xin tỵ nạn tại Trung Quốc. Do vậy, bà phi của vua Lê Chiêu Thống tên Nguyễn Thị Kim phải ở lại trong nước, nên câu ca dao này mới ra đời. Câu ca dao trên nhanh chóng phổ biến trên cả nước sau ngày đất nước thống nhất (1802) dưới triều vua Gia Long, nên có người ngộ nhận có liên quan đến chúa Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế sau những năm tháng bôn tẩu trên các vùng biển đảo Nam Bộ.

Ngôi miếu An Sơn được xây dựng vào năm 1958, do ông Nguyễn Kim Sáu, nguyên Trưởng ty Ngân khố Côn Sơn xin chính quyền xây dựng để thờ bà Phí Yến, nhưng không nhớ ngày giỗ kỵ. Sau đó, Trần Hữu Khỏe khấn nguyện Bà mới cho quẻ là ngày 18/10 âm lịch (?). Câu chuyện tương tự này về bà Phi Yến không chỉ có ở Côn Đảo mà cả ở Phú Quốc, Nha Trang. Theo Nguyễn Thanh Lợi: “Nếu quả thật bà Phi Yến là nhân vật đúng như trong truyền thuyết thì người dân địa phương không thể không nhớ ngày giỗ của Bà. Phải chăng ở đây đã có sự “đứt gãy” khi chuyển từ tín ngưỡng thờ Thiên Ya Na sang thờ Bà Phi Yến ở miếu An Sơn thông qua việc chuyển đổi hình thức thờ tự từ miếu Bà sang chùa Bà, mà thực chất vẫn miếu thờ nữ thần tuy được khoác lên cái áo thờ nhân thần”.

Về việc phối thờ trong miếu An Sơn cũng bộc lộ nhiều phi lý, tác giả Đinh Văn Hạnh chỉ ra: “sáng tạo truyền thống” của một ngôi miếu mà ban đầu hẳn là thờ mẫu liên quan đến văn hóa biển. Việc trả lại “chính chủ” cho An Sơn miếu (chỉ cần trên cơ sở suy luận hợp lý) cũng là cách để trả lại vị trí của nữ thần, trả lại sự trong sáng của một phụ nữ nào đó đã bị gán là Lê Thị Răm - Phi Yến vậy…”

Tìm hiểu thể loại truyền khẩu qua câu ca dao nói trên, tác giả Trần Minh Thương cho rằng: “Nghiên cứu những đặc điểm của các thể loại văn học dân gian nhằm nhận ra những chỗ hư cấu, những chi tiết không hợp lý, để tránh sự gán ghép lịch sử đến phi lý. Việc này vừa góp phần bảo tồn văn hóa, vừa giúp cho thế hệ hậu sinh tránh được những nhầm lẫn mà đôi khi ngày nay chúng ta vì một mục đích nào đó đã cố tình lẫn tránh, áp đặt lên thêm những bóng mờ dày đặc trên một thực thể văn hóa”.

Tra cứu các nguồn tài liệu chính thống, tác giả Nguyễn Xuân Hoa xác nhận:

“Từ khi còn “phục quốc”, Nguyễn Ánh chỉ xưng là Nguyễn Vương từ năm 1780, người vợ chính Tống Thị Lan được phong là Nguyên phi, người vợ hai Trần Thị Đang được phong là Nhị phi; và cho đến khi đó, vẫn chưa có bà nào được ban mỹ tự. Không thể có một bà phi được gọi là Thứ phi, được ban mỹ tự Hoàng Phi Yến từ khi vua còn “bôn tẩu”.

“Tên Lê Thị Răm, Hoàng Phi Yến, hoàng tử Hội An (Cải) chưa bao giờ xuất hiện trong một tư liệu lịch sử nào về triều Nguyễn”.

Tác giả Lê Nguyễn khẳng định tính phi lịch sử của hai cái tên: “Phi Yến - Lê Thị Răm” và “hoàng tử Cải - Hội An” là tên tưởng tượng, cho rằng: “không có lý do gì công nhận lễ giỗ của một nhân vật không có thật trong lịch sử là “di sản văn hóa phi vật thể”.

Sự trôi dạt câu ca dao nói trên gắn với một bà phi và hoàng tử của chúa Nguyễn Ánh mất tại Phú Quốc, hiện còn dấu tích ở chùa Sùng Đức. Sau đó lăng mộ đã được cải táng về Huế. Châu bản triều Nguyễn xác thực chi tiết lịch sử này (Nguyễn Thanh Lợi, Trần Minh Thương).

3.3. Vấn đề bảo tồn và phát huy di sản của lễ giỗ bà Phí Yến và di tích An Sơn miếu

Ngày 8/4/2007, miếu bà Phi Yến được Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Ngày 4/4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định đưa “Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến - huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL.

Hai quyết định công nhận và tôn vinh này là không đúng với sự thật lịch sử, đề nghị cần được xem xét:

1. Truyền thuyết về bà Lê Thị Răm, về sau là Thứ phi Hoàng Phi Yến, là gán ghép từ một câu chuyện dân gian phổ biến cùng thời với câu ca dao “Gió đưa cây cải về Trời. Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”, xuất phát từ Thăng Long vào năm 1788, khi vua Lê Chiêu Thống cho người qua cầu viện nhà Thanh (Thiên triều) và xin tỵ nạn sau khi bị quân Tây Sơn đánh bại. Nhân vật phụ nữ trong câu chuyện này là bà phi Nguyễn Thị Kim, không phải như đời sau gán cho cái tên Lê Thị Răm và có người con là hoàng tử Cải còn gọi là Hội An. Hoàng Phi Yến là một tên được sáng tác vào thế kỷ XX, trở thành chủ nhân của ngôi miếu An Sơn ở Côn Đảo.

2. Sự tích bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ghi trên tấm bia di tích tại An Sơn miếu là xuyên tạc lịch sử, nhằm bôi nhọ hình ảnh vua Gia Long cần được xóa bỏ.

3. Cần có hội đồng khoa học để thẩm định giá trị lịch sử của di tích cấp tỉnh về An Sơn miếu công nhận vào năm 2007 và Di sản phi vật thể cấp Quốc gia về Lễ giỗ bà Thứ phi Hoàng Phi Yến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2022.

4. Nếu sự công nhận, tôn vinh di tích và di sản phi vật thể nói trên không có căn cứ khoa học và mang tính xuyên tạc lịch sử, thì mọi công nhận liên quan đến câu chuyện Lễ hội Hoàng Phi Yến ở Côn Đảo đều không có giá trị, đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thu hồi Quyết định 773/QĐ-BVHTTDL ngày 4/4/2022, đúng theo Điều 18 của Luật Di sản văn hóa.

Trên thành quả nghiên cứu được công bố trong cuộc tọa đàm khoa học, các đại biểu và nhà nghiên cứu tham dự đề nghị Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam soạn thảo Bản Kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan ở Trung ương, các địa phương nhằm nhanh chóng thu hồi Quyết định số 773/QĐ-BVHTTDL ngày 4/4/2022 theo đúng Điều 18 của Luật Di sản văn hóa để tránh những hệ lụy không nên có.

Kính chúc quý đại biểu, các nhà khoa học dồi dào sức khỏe.
Trân trọng cảm ơn.

Đ.B.

[1] Tọa đàm khoa học “AN SƠN MIẾU VÀ BÀ PHI YẾN Ở CÔN ĐẢO - VẤN ĐỀ TỪ TRUYỀN THUYẾT ĐẾN HỒ SƠ DI SẢN”
* Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét