TỤC THỜ CÚNG TỔ TIÊN Ở NƯỚC NAM
Phạm Quỳnh
Nhân loại gồm nhiều người chết hơn là người sống, Auguste Comte đã nói ở đâu đó như thế. Ở nước Nam câu nói ấy của nhà triết học thực chứng Pháp càng đúng hơn ở bất cứ nơi nào khác. Quả vậy, việc thờ cúng tổ tiên có một vị trí quan trọng trong đời sống gia đình và xã hội của chúng ta. Nó đã trở thành một thứ giáo lý tôn giáo, và, theo một nghĩa nào đó, một tôn giáo quốc gia thực thụ. Nếu tôn giáo, đúng như ý nghĩa từ nguyên của nó đã chỉ rõ *, là mối liên kết tinh thần nối liền con người với những lực lượng siêu cảm, việc thờ cúng hay tôn giáo về những người đã chết là cách biểu hiện những mối quan hệ giữa thế giới những người đang sống với thế giới những người đã chết. Các mối quan hệ ấy rất nhiều và liên tục. Những người chết thường xuyên can dự vào cuộc sống của những người đang sống; họ hướng dẫn, chỉ đạo, che chở cho chúng ta, bảo hộ chúng ta, gợi hứng cho những ý tưởng và hành vi của chúng ta, có thể nói nhìn theo chúng ta, bằng những đôi mắt có thể xuyên suốt bóng tối của sự sống và sự chết và rất có thể chính bằng những đôi mắt ấy mà nhân loại có được một hình dung thoáng chốc nào đấy về tương lai và số phận của mình; tóm lại họ sống trong ký ức của chúng ta, trong mọi công việc của chúng ta, trong mong ước của chúng ta về một cuộc sống còn sống động hơn cả cuộc sống trên trần thế này.
Bản chất của những mối quan hệ làm nên một trong những hình thức sống
động nhất trong tôn giáo của người nước Nam đó là gì? Tôn giáo về những
người chết ấy dựa trên những nền tảng tín ngưỡng nào? Các biểu hiện
nghi thức và thực hành của nó ra sao? Từ đó có thể nhận ra những bài học
luân lý và triết học gì?
Khổng Tử, vốn là cả Socrate, Solon hay Lycurge cộng lại của Phương
Đông, thường nói về các thần linh và các linh hồn. Quả là trong Luận Ngữ
khi nói với các học trò của mình, đôi khi ông đã từ chối giải thích về
bản chất của những điều ấy; ta đã biết câu trả lời của ông cho một học
trò hỏi ông về vấn đề này: “Phục vụ người sống ngươi còn chưa biết cách,
thì ta dạy ngươi cách phục vụ người chết làm gì?” – Nhưng chúng ta cũng
lại biết rằng về chuyện này, ông luôn trung thành với các tín ngưỡng
của Trung Hoa cổ đại, mà đặc biệt tác phẩm Kinh Lễ còn giữ lại cho chúng ta nhiều dấu vết. Theo các tín ngưỡng đó, con người có một cái phách và một cái hồn.
Khi chết, phách tan hủy cùng với thể xác, còn hồn thì tách ra; nó bay
lượn trong khoảng không và sống một cuộc sống độc lập, thuần khiết, bay
bổng. Đấy là cuộc sống của các linh hồn, của các vong hồn hay các bậc tổ
tiên đã quá cố. Như vậy họ không chết đi hoàn toàn: họ tiếp tục sống
một đời sống siêu nhiên, tinh thần. Nhưng cuộc sống chừng có thể nhạt
nhòa đi, tan biến mất trong cõi vô cùng đó, được làm cho trở nên hiện
thực hơn, đầy hiệu lực hơn, có thể nói như vậy, bằng ký ức mà những
người còn sống lưu giữ về họ, bằng việc thờ cúng mà những người sống có
bổn phận phải làm tròn đối với họ. Như vậy đấy những người đã chết vẫn
còn tham dự mãi vào cuộc sống của gia đình mình, con cháu mình. Người ta
lại nhắc đến họ trong mọi dịp long trọng, như khi có người mới ra đời,
trong dịp cưới xin, v.v…
Kinh Lễ viết: “Ba tháng sau lễ cưới, người
vợ trẻ được giới thiệu với tổ tiên trước bàn thờ với lời khấn sau đây: –
Đây là cô dâu mới đã bước vào gia đình chúng ta. – Rồi đến ngày đã chọn
trước, cô dâng lễ vật lên trước bài vị tổ tiên, và từ nay cô trở thành
thành viên trong gia đình chồng”. Lời bình còn nói thêm rằng nếu cô bị
chết trước lễ ra mắt và lễ dâng lễ vật ấy, thì dù đã sống chung với
chồng, cô vẫn chưa phải là vợ anh ta và thi hài cô được trả về nhà cha
mẹ.
Kinh Lễ còn viết thêm: “Trong trường hợp
một đứa con dược sinh ra khi người cha đã chết, quan tài người cha còn
quàn ở nhà, người làm lễ cúng sau khi đã gọi tên ông ta ba lần sẽ báo
với ông ta: – Một thị đã sinh ra một cậu con trai: tôi xin báo cho người
được biết… Nếu người chết đã được an táng, thì đứa trẻ sơ sinh sẽ được
đưa trình báo trước bài vị của ông ta…”.
Việc thờ cúng các linh hồn và tổ tiên đã quá cố đã tồn tại từ thời rất xa xưa, Khổng Tử trong Luận Ngữ
kể rằng vua Vũ, một trong những vị vua đầu tiên nửa truyền thuyết nửa
lịch sử của Trung Quốc vốn rất giản dị, đã tỏ ra cực kỳ phóng khoáng khi
dâng lễ vật cúng các vong hồn. – Khổng Tử viết trong Trung Dung:
“Vào mùa xuân và mùa thu, người xưa trang trí bàn thờ tổ tiên. Họ bày
các đồ đồng mà tổ tiên đã sử dụng và các quần áo tổ tiên đã mặc. Họ dâng
cúng các thức ăn và hoa trái theo mùa.”
Trên đây tôi đã nói rằng Khổng Tử tôn trọng tôn giáo cổ xưa đó, các
tín ngưỡng xưa đó của nước Trung Hoa cổ đại, lại còn vì chúng hoàn toàn
phù hợp với học thuyết của ông về sự bảo tồn xã hội cơ sở trên việc thờ
phụng quá khứ và truyền thống.
Nhưng tự ông có tin ở sự tồn tại của linh hồn không? Ông có tin ở sự
hiện diện thật sự của linh hồn trong các lễ cúng và trong việc khấn vái
không?
Qua những lời nói của ông, bao giờ cũng rất thận trọng khi đề cập đến những chuyện siêu hình, ta có thể nghi ngờ.
Chúng ta đã thấy câu trả lời của ông với một người học trò hỏi ông về
cái chết. Sau đây là lời ông nói với một người học trò khác hỏi ông về
chữ “trí”: “Làm tròn các bổn phận của một con người; tôn kính các thần;
ấy là trí”.
Tôn kính các thần, nhưng kính nhi viễn chi, thái độ của bậc hiền triết đối với thần thánh là như vậy.
Có thể các vong hồn và thần thánh là có thật; cũng có thể không có
thật. Duy có một điều chắc chắn là ta tôn kính họ; hãy làm điều đó với
tất cả sự thành tâm, không mê tín cũng chẳng nên cuồng tín, như là ta
thực hiện một nghi thức đạo đức và xã hội rất quan trọng.
Nghi thức ấy, quả vậy, bắt nguồn từ đức hiếu đễ, trong hệ thống chính
trị – đạo đức của Khổng Tử, vốn là nền tảng của mọi đức hạnh, cơ sở của
tế bào gia đình, và do đó cũng là của xã hội và của đế chế.
Trong những điều kiện đó, cần phải tôn kính những người đã chết như
thế nào, và trong tất cả những người đã chết những người gắn liền với ta
nhất, tổ tiên của chúng ta?
Theo Kinh Lễ lời nói sau đây là của Khổng
Tử: “Coi người chết như là đã chết rồi thì sẽ là vô nhân. Chẳng nên làm
thế. Nhưng coi họ như những người đang sống thì sẽ là vô lý. Chẳng nên
làm thế”.
Như vậy không nên coi người chết như đã chết rồi, có nghĩa là không
chăm nom gì đến họ nữa, quên bẵng luôn đi; cũng chẳng nên coi họ như còn
sống, nghĩa là tin là họ còn sống thật. Đúng ra, họ sống bằng ký ức của
chúng ta, bằng sự sống động, tính nồng nhiệt của cái tình cảm mà chúng
ta gọi là đức hiếu đễ, biết tôn kính những người đã cho ta sự sống và ý
thức, khiến cho họ còn tồn tại mãi mãi, nuôi giữ ký ức về họ, truyền nối
việc thờ cúng mãi mãi cho con cháu chúng ta, bằng cách đó tạo cho ta
cái ảo tưởng, – một thức ảo tưởng tốt lành, – về sự nối tiếp, về tính
vĩnh hằng, tóm lại về sự bất tử, trong cuộc tồn sinh thoáng chốc, trong
cõi thế gian biến ảo này.
Phải hiểu tình cảm sâu sắc của bậc hiền triết như vậy đấy. Tôn trọng
truyền thống và các nghi lễ, ông không muốn bày tỏ rõ ràng ý kiến về vấn
đề này. Tư tưởng của ông hẳn là như vậy. Đối với ông, việc thờ cúng
người chết là tôn kính ký ức về họ, cơ sở trên đức hiếu đễ và tình cảm
về sự vĩnh hằng của gia đình và nòi giống. Chính trong tinh thần đó mà
ngày nay nó còn được thực hiện trong phần lớn thế giới Phương Đông ở đấy
nó là tôn giáo chính và là tín điều thần khải hay siêu nhiên quan trọng
nhất.
Bàn thờ tổ tiên ngày Tết. Ảnh: Lâm Khang.
Việc thờ phụng này có nhiều nghi thức mà mô tả lại ở đây sẽ chẳng có
ích gì. Vả chăng ta đều biết mỗi gia đình người nước Nam, dù giàu hay
nghèo, đều có bàn thờ ông bà của mình, có thể là một ngôi đền tráng lệ
hay một cái kệ đơn giản treo bên trên một chiếc chõng. Trên đó đặt bài
vị của tất cả những người thân đã mất cho đến đời thứ năm. Những người
này là đối tượng của các lễ cúng đặc biệt vào các ngày giỗ và tất cả các
ngày lễ theo nghi thức trong năm. Những người khác, các vị tổ tiên xa
hơn, được ghi tên trên một bài vị chung và được cúng chung vào những
ngày lễ theo nghi thức vốn rất nhiều trong năm. Có hai ngày được đặc
biệt dành cho những người đã mất: ngày 3 tháng 3 (thanh minh), ngày
viếng mộ; ngày lễ của những người chết này chẳng có gì là tang tóc và
diễn ra vào một trong những lúc thời tiết đẹp nhất trong năm khi:
Cỏ non xanh tận chân trời…
Ngày lễ của những người chết này, gọi là “tẩy mộ”, thường có kèm theo
một lễ hội của những người sống, bởi ý tưởng về cái chết – và đây là
điều đáng chú ý, – ở xứ sở này chẳng có gì là tang tóc:
Gần xa nô nức yến oanh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Ngổn ngang gò đống kéo lên…
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Ngổn ngang gò đống kéo lên…
Ngày thứ hai dành cho những người chết, là ngày rằm tháng 7. Đúng ra
đây là một ngày lễ Phật giáo cúng các vong hồn, tất cả những người chết
mà không có người nối dõi để thờ phụng. Bởi tai họa lớn nhất đối với một
con người là biết rằng đến một ngày nào đó không còn ai thờ cúng mình,
vì không có hậu duệ, và do vậy trở thành một linh hồn lang thang mà đức
từ bi của nhà Phật dành cho một lễ cúng chung và vô danh tính.
Do vậy những người chết mà không có hậu duệ trực tiếp thuộc giới nam
để tiếp tục thờ cúng, theo luật nước Nam được phép chọn một người bà con
gần gọi là “người thừa tự”. Qua đấy ta thấy ý tưởng về việc thờ phụng
trong tâm hồn người nước Nam sâu sắc đến dường nào.
Việc thờ cúng người chết chủ yếu là thờ cúng tổ tiên.
Khổng Tử nói rằng: “Dâng lễ vật cho những vong hồn không phải là người thân của mình là một việc xu nịnh”.
“Mỗi người, mỗi gia đình phải dâng lễ vật cho những người thân của
mình, chứ không phải cho những người khác. Nếu có ai đó dâng lễ cúng cho
những vong hồn chẳng hề liên quan gì đến mình, thì rõ ràng là để nhận
được một ân huệ mà họ chẳng có quyền được hưởng: một sự chiếm đoạt lấy
ân huệ đáng chê trách”. (Wieger).
Như vậy, về nguyên tắc, mỗi người chỉ thờ cúng tổ tiên đã mất của
mình. Nhưng có những con người trong đời mình đã làm nhiều điều tốt cho
đồng bào mình, có công ơn đối với làng xóm của mình, tỉnh mình, đối với
cả nước; có những vị vua, những vị quan đã xây dựng nên vinh quang của
quốc gia; những vị tướng lĩnh đã cứu nước khỏi ách ngoại xâm; những nhà
trí thức lớn đã đem lại vinh dự cho quốc gia do trí thông minh và tài
năng của mình; những người đàn ông hay phụ nữ đã hy sinh vì danh dự hay
đức hạnh; những người đó được quyền để cho đồng bào mình nhớ ơn và thờ
phụng. Vậy nên các làng thờ phụng họ như những vị thành hoàng của làng;
các tỉnh quê hương họ, hay cả nước lập đền thờ ở những nơi nổi tiếng để
ghi nhớ công ơn họ. Đấy cũng là một hình thức thờ cúng tổ tiên; không
phải là những bậc tổ tiên riêng của ai nữa, mà là tổ tiên chung của
làng, của tỉnh thành, của quốc gia; đấy là thờ phụng các vị thần bảo hộ
của đất nước, và theo một nghĩa nào đó, đó là việc thờ phụng những con
người vĩ đại, những người anh hùng, mà Carlyle hết sức ca ngợi.
Việc thờ cúng người chết được hiểu và được thực hiện ở nước Nam là
như vậy đấy. Do tầm quan trọng to lớn của nó về phương diện thiết chế
gia đình và xã hội nước Nam, cùng những nghi thức tỉ mỉ kèm theo, nó đã
thật sự trở thành một tôn giáo, tôn giáo của gia đình và nòi giống, tôn
giáo của ký ức và lòng biết ơn. Quả thật đây là một tôn giáo hợp lý,
logic, phù hợp với lý trí và tình cảm, ít mang tính chất thần bí nhất để
thỏa mãn những tâm hồn sùng tín, và nhiều lý tính nhất để làm vừa lòng
những đầu óc duy lý. Đấy là một thứ tôn giáo đầy tính triết học và người
nước Nam lấy làm vinh dự đã thực hiện nó suốt bao thế kỷ dài.
(1930)
Bài này hay quá. Việc thờ cúng là một thiết chế gia đình và xã hội ở Việt Nam. Việc thờ cúng những danh nhân có công với nước, với làng xã không phải là sùng tín thần bí mà mang tính chất lý tính để củng cố ý thức xã hội.
Trả lờiXóaGần đây thấy có những trường hợp thờ cúng những người gây tranh cãi vì thực sự họ chưa được toàn thể người dân công nhận là anh hùng hay vĩ nhân của đất Việt, rồi nhiều khi có các sư mô tùy hứng xưng tụng người này người kia là bồ tát đã làm thang giá trị của xã hội bị méo mó!
Tôi có gửi bài cho anh qua email , không biết anh có nhận được không. Nay xin gửi lại qua comment. Kính chúc anh và gia đình năm mới an khang, thịnh vượng và vạn sự như ý.
Trả lờiXóaPHIẾM KHUYỂN PHÚ
Tống tiễn mụ Gà;
Nghênh chào anh Chó.
Vui chơi Hội Tết, chốn chốn hân hoan;
Mừng đón Tân Xuân, người người hớn hở.
Nhân lúc rộn ràng, tưng bừng lễ Tết, kháo lời vượn hươu;
Mượn hơi náo nhiệt, nhàn nhã ngày Xuân, phiếm chuyện khuyển chó.
Đầu bảng mười hai, rõ thơm tho chỗ, là bọn chuột chù;
Xếp hàng mười một, chả kém cạnh gì, ấy nhà khuyển chó.
Được dưỡng thuần bởi nhân loại, mãi từ thuở xa xưa ;
Nên thân thiết với con người, đâu tít thời thượng cổ.
Lòng tùng phục khó kẻ trách chê ;
Dạ trung thành đố gì đánh đổ.
Được bên chủ tỏ bộ mừng vui;
Cậy gần nhà giương oai xấn xổ.
Thính mũi rõ phần hơn mèo;
Nhanh chân chẳng hề kém thỏ.
Tức đòn oan kêu nhặng ăng ẳng, rõ lời than uất hận của họ nhà cầy ;
Hỏi kẻ lạ đi đâu gấu gâu, đich phận sự quyền oai của tộc dòng chó.
Nghiệp kéo cầy xới ruộng, sức chi đọ bằng sức nhà trâu ;
Nghề gác cửa canh nhà, danh nào vượt hơn danh loài chó.
Gìn lẫm giữ kho ngày đêm cẩn mật, xua bầy bọ chuột mất hồn khiếp đảm vì miếng bập nanh;
Canh nhà gác ngõ khắc canh chu toàn, khiến bọn nhập nha quăng dép cuống cuồng né đòn cắn cổ.
Trổ tài năng, đóng góp với nhân gian:
Lộng lẫy khoác áo bào, diễn trò điệu nghệ, bao cảnh lạ hiểm nguy;
Oai phong cỡi xe đạp, làm xiếc tài tình , lắm món hay cực khó.
Xưa hùng mã tựu tề từ khắp chốn, tung vó ngựa đua tranh;
Nay hí trường nở rộ nhiều nơi, đẩy nhà cầy thi thố. (1)
Đây Cảnh khuyển tinh nhạy đánh hơi, tầm nã bom mìn ma túy, ghi thành tích vinh quang;
Kia quân khuyển can trường chiến đấu, tấn công đồn bốt đối phương, lập chiến công rạng rỡ.
Chà chà, nói đến món Cờ Tây:
Bao đời khét tiếng, tuyệt hảo mâm bàn;
Bảy món nổi danh, siêu ngon tiệc cỗ.
Này rựa mận, khiêu vị ngon thậm cuồng môi;
Đây chả chìa, tỏa hương ngào ngạt điếc lỗ. (2)
Khoanh dồi nướng, kẻ chưa nếm thác thì tiếc vô vàn;
Món xáo măng ai đã xơi, sống còn thèm mấy thuở.
Thịt cầy ướp mè nướng lưỡi nào lưỡi nấy cứ ca tuyệt xuýt xoa;
Gan chó cuốn mỡ chài, miệng ải miệng ai mãi khen ngon nức nở .
xả băm - mẻ ngấu - mắm tôm nêm nếm hảo vị, khơi dậy túc hương;
Bánh đa - giềng củ - lá mơ ăn kèm tuyệt ngon, đừng quên đủ bộ.
Ấy ấy chiêu thêm mấy ly cuốc lủi, rõ tuyệt ngon sướng sướng lưỡi môi;
Chà chà nốc kèm dăm chén nếp than, sao lịm ngọt đê mê họng cổ.
Phải ngắt dòng mâm cỗ, không mắt hoa dạ cào;
Xin thôi chuyện tiệc bàn kẻo miệng tuôn rãi nhỏ.
Phiếm tí chuyện văn chương:
Tục ngữ xưa tản mạn nhiều ý về cầy;
Ca dao cũ luận bình lắm câu có chó.
Ấy nồi tôm nồi cá đừng quên đậy, bởi miệng mèo chẳng tha;
Này miếng thịt miếng xương phải nhớ treo, kẻo mõm cầy lẹ thó. (3)
Tự thuận buồm xuôi gió, đời đẹp tựa vàng son;
Chẳng hợp vận phùng thời, đời đen như mõm chó.(4)
Ấy nỏ nhằm số son số đỏ, họa luôn đổ lên kẻ đen kiếp bạc phần;
Sao chẳng đớp áo hoa áo lành, khuyển lại cắn ngay người bươm tà rách khố.(5)
Chó chui gầm chạn, vì thế nhược đành cam;
Gà quẩn cối xay, bởi thân què chịu bó. (6)
Chó đen ăn vụng, lộc sẵn khéo đậy trơn mồm;
Chó trắng chịu đòn , vạ oan dưng không khoác cổ . (7)
Gà giống mẹ, bao thuở còn truyền;
Chó giống cha, bấy đời đã tỏ. (8)
Chó không bỏ chủ nhà nghèo;
Con chẳng chê cha mẹ khó. (9)
Vắng bóng chủ, vọc niêu tôm chẳng lạ bọn gà;
Loạn thế thời, nhảy bàn độc đích là đồ chó. (10)
Tam khoang, tứ đốm, cũng hàng nhạy bén chẳng thua ;
Nhất vện nhì vàng đích khuyển khôn lanh hết chỗ. (11)
Tán chuyện chó, ngó qua chuyện đời:
Kiếp chó Tây sướng như chàng mũi lõ, chỉ xực toàn bò tái thịt viên;
Phận cầy Ta khổ hệt chủ tay cày, chỉ ăn toàn cơm thừa canh bỏ.
Vớ được chủ giàu sụ, nhiều khuyển sướng hơn người;
Gặp phải phận nghèo xơ, lắm người khổ hơn chó.
Có oan khiên, Chó sủa nhặng gâu gâu;
Sao tức khí người chửi nhau đồ chó.
Chó hay sủa không cắn, khuyển không sủa mới e;
Kẻ kiệm lời chẳng thua, người lắm lời dễ hớ.
(Xin xem tiếp ở comment sau)
(tiếp theo)
Trả lờiXóaNăm mới năm me:
Chân dung họ khuyển, lên bìa in lịch phát hành mọi nơi ;
Hình ảnh nhà Cầy, vẽ giấy dán tường tràn giăng khắp ngõ .
Đinh Dậu yên hưu phận, xua bao chuyện xấu lẹ qua;
Mậu Tuất cầm lệnh cờ, mong mọi điều hay rạng mở.
Trừ sạch quân nhũng lạm ký sinh;
Diệt hết bọn tham tàn sâu bọ.
Cho kẻ kẻ chẳng phải lầm than;
Để người người không còn đói khổ.
An lành bao phủ hết muôn dân;
Hạnh phúc tràn trề khắp trăm họ.
Mừng chốn chốn hy vọng tràn dâng;
Chúc nhà nhà lộc tài tuôn đổ.
Ngày Tết náo nhiệt, lời tếu táo luận bàn đông tây;
Dịp Xuân nhã nhàn, chuyện tào lao nhặt nhạnh đây đó.
CAO BỒI GIÀ
31-01-2018 ( 15 Tháng Chạp Đinh Dậu)
Ghi Chú:
(1): Trường đua chó
(2): lỗ mũi
(3): Tục ngữ có câu: “Chó treo mèo đậy”
(4): Tục ngữ có câu: “Đời đen như mõm chó”
(5): Tục ngữ có câu: “Chó cắn áo rách”
(6): Tục ngữ có các câu: “Chó chui gầm chạn” và “Gà què ăn quẩn cối xay”
(7): Tục ngữ có câu: “Chó đen ăn vụng, chó trắng chịu đòn”
(8): Tục ngữ có câu: “Chó giống cha, gà giống mẹ”
(9): Tục ngữ có câu: Con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nhà nghèo”
(10): Tục ngữ có câu: “Chó nhảy bàn độc” ; “Gà vọc niêu tôm”
(11): Tục ngữ có câu: “Nhất vện, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm”
http://thocaoboigia.blogspot.com
Có hai nhân vật trong lịch sử thường được dân gian thờ cúng. Đó là Đức Thánh Trần của Việt Nam và Quan Công Quan Vân Trường của tầu.
Trả lờiXóa1/Quan Vân Trường là một người giỏi võ nghệ và có sức khỏe vô địch, đã từng lập nhiều chiến công cho Lưu Bị. Nhưng những chiến công của ông đậm màu sắc võ biền, thỉnh thoảng có chút mưu mẹo vặt trong trận mạc mà thôi. Nếu nói về tầm nhìn của Quan Công thì thật bi đát, ông không có tầm nhìn. Quan Công là một người xem việc binh đao như phương tiện lập thân, mưu cầu vinh hoa phú quý, hoặc khá hơn một chút, cùng với Khổng Minh Gia Cát Lượng, ông tôn sùng Lưu Bị là lãnh tụ của phong trào phò Hán và chỉ cắm đầu trung thành với cái băng đảng do Lưu Bị lập ra mà thôi! Trong suốt cuộc đời chinh chiến của ông, chưa bao giờ ông bày tỏ cảm xúc thương cảm dân lành là nạn nhân chính trong cuộc can qua của các băng đảng tranh giành quyền lực. Thậm chí có lúc ông sử dụng sức nước gây lụt lội chỉ để bắt sống đối thủ của ông bất chấp sinh mạng của hàng vạn dân lành.
Xem thế thì thấy tầm vóc của Quan Công thật là nhỏ bé, và giá trị của ông không phải là giá trị nhân văn.
2/ Đức Thánh Trần Trần Hưng Đạo của ta là một nhân vật lịch sử vĩ đại. Ngài là một nhà chiến lược quân sự nhìn xa trông rộng. Ngài không xem chiến tranh là cơ hội lập thân kiếm tìm vinh hoa phú quý. Hơn nữa, ngài xem việc binh đao là công cụ đẩy lùi cái ác, cái tham bạo. Việc ngài thắng giặc ngoại xâm chỉ là một phần trong chí nguyện của Ngài. Vãn hồi hòa bình, đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân, nêu đức sáng của lòng yêu nước, yêu dân mới là mục tiêu lớn suốt đời Ngài theo đuổi. "Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm.", đọc lời này trong Hịch tướng Sĩ, không thấy ngài nhắc đến vương triều mà chỉ thấy hình bóng của nhân dân.
Cùng lúc đó nhà Trần được lịch sử ghi công vì đã trung thành với nhân dân, với quốc gia dân tộc.
Trí tưởng tượng càng cao càng giàu thì sự linh thiêng huyền bí từ cõi âm càng cao và linh thiêng bấy nhiêu.
Trả lờiXóaCác cụ xưa dạy. Khi thờ cúng làm giỗ người quá cố phải thành tâm, đồ cúng phải sạch sẽ tinh khiết, không được nếm trước... Có thế thì người âm mới chứng giám phù hộ công quả cho tín chủ.
Có tin hay không tin vào linh hồn người chết tồn tại song song với người sống, luôn theo sát để phù hộ ha trả thù người sống là tùy tâm mỗi người.
Người Việt có phong tục thờ cúng tổ tiên(ko phải là tín ngưỡng nhé). Đó là phong tục tốt lành, để ghi nhớ, biết ơn người quá cố đã sinh ra mình. Tuy nhiên việc thờ cúng ông bà cha mẹ chỉ được duy trì 3 - 4 đời, những đời sau sẽ lãng quên. Ngoài ra người Việt còn có lập các đền (thờ các anh hùng được vua phong thần), chùa (thờ phật), miếu (thờ thần hoàng). Cho nên người Việt thuộc thuộc tín ngưỡng thờ đa thần. Nhưng xem ra phong tục này bị "bọn" thày, bà kiếm ăn (thậm chí làm giầu) nó làm nhiễu nhương. Ngoài thần linh có tên còn có loại ko tên như cây đa, gò, đống linh tinh như thần gắp cứt chó, thần ăn mày. Thằng cha quan công xứ tàu ô là một nhân vật hư cấu trong tam quốc tranh hùng giết người như ngóe (nhà Hán thôn tính các nước phía nam sông Dương Tử trong đó có con dân bách việt), thần tài, thần tổ tôm sóc đĩa thậm chí là phật bà quan âm bồ tát cũng là nhân vật hư cấu, mấy nhân vật giết người con số lên hàng triệu của sứ Việt cũng được thờ cúng ngang tầm Phật. Đến nỗi nhà con ko dám vào chùa vì vào chùa là con ngửi thấy mùi máu và mùi tiền (chùa chỉ thờ Phật nhé chứ thờ thằng khác là em đếch chịu). Bọn UNESCO gì đó ở Liên hợp quốc lại công nhận cái môn hầu đồng của sứ Việt là di sản thế giới nữa chứ mới buồn cười cho cái văn hóa chim chuột.
Trả lờiXóaNói thật, người Việt tự làm nhục, làm khổ mình thôi chứ chẳng ai làm mình khổ đâu. Có ai lại làm được 10 hào thì 5 hào nuôi thày, bà, 2 hào chữa bệnh, 2 hào nộp thuế, còn 1 hào nuôi thân nên ông bà nào cũng thấy xanh xao vàng vọt đói dài cho nên ăn thịt cả người bạn mình là con chó, con mèo. Tôi nói thật kể cả với trí thức Việt hãy tỉnh ngộ lại đi.