Thứ Hai, 8 tháng 2, 2021

Phạm Quỳnh: TÂM LÝ NGÀY TẾT


Tâm lý ngày Tết

Phạm Quỳnh
Lời dẫn của Phạm Tôn: Bài này Phạm Quỳnh viết bằng tiếng Pháp nhan đề Psychologie du Tet, đăng trên phần Pháp văn của Tạp chí Nam Phong số 149-1924, sau này có in trong Tiểu luận 1922-1932 (Essais 1922-1932) và đã được nhà văn Nguyên Ngọc dịch rất đạt ra tiếng ta, xuất bản năm 2007. Nhưng ở đây, chúng tôi giới thiệu với bạn đọc bản dịch của Tiến sĩ Phạm Thị Ngoạn, con gái Phạm Quỳnh, và là tác giả luận văn Tìm hiểu tạp chí Nam Phong để tạo thêm một nét hứng thú trong ngày Tết này. 
Những dịp để cho cả một dân tộc cùng nhau hướng về một tình cảm, một tư tưởng, để cùng nhau rung động…thật là hiếm có. Thường phải có những sự xẩy ra khá quan trọng, có ảnh hưởng đến tính mạng cả một đoàn thể, để ai nấy đều phải để hết tâm trí vào.

Dân Việt Nam ta có cái may mắn, cái đặc ân là có một dịp vui chung cho tất cả, dịp ấy cứ đều đặn mỗi năm một lần vào ngày đầu xuân năm mới. Về dịp này tất cả đàn con đất Việt, từ người giàu cho đến kẻ nghèo, từ người tiên tiến cho đến kẻ thủ cựu đều một lòng một dạ, cùng nhau hớn hở đón chúa xuân, trong mấy ngày lễ long trọng, trang nghiêm mà cũng rộn ràng náo nhiệt biết bao! Ngày ấy là ngày TẾT.

“TẾT”, chữ màu nhiệm thay! Như đã chứa chất biết bao niềm vui mừng của cả một dân tộc vô tư vui vẻ, cứ mỗi năm, đến kỳ xuân tới là quên cả hết thẩy những nỗi lo lắng khó khăn của năm cũ để sẵn sàng hoan hỷ bước vào năm mới với chứa chan hy vọng.

Vậy thời ý nghĩa của ngày TẾT, của cái thực thể huyền bí ấy mà người ta sùng bái như một vị thần thánh có sức mạnh đến nỗi có thể khiến cho cả một dân tộc, trong khoảng mấy ngày tròn, đã cùng một tâm hồn, cùng một tình cảm, mà nhất là cùng một hy vọng tin tưởng ở ngày mai, hy vọng và tin tưởng mà nhiều khi họ rất cần phải có, để đương đầu với một cuộc đời vất vả bấp bênh…

TẾT không phải chỉ là ngày đầu năm mà thôi, vì nếu kể cả những ngày sửa soạn linh đình trước và những cuộc vui đùa giải trí sau, thì TẾT ít ra cũng phải kể tất cả là ba tuần. Nhưng dù sao tâm trạng của người ta mà ngày TẾT đã gây nên chưa dễ đã xóa nhòa trong chốc lát, và ta cũng nên thử nghiên cứu xem, để tìm hiểu giá trị đặc biệt của ngày lễ long trọng ấy.

TẾT không phải hoàn toàn không có nghĩa lý, mà lại còn bao trùm cả một “triết lý”.

Trong một năm bốn mùa liên tiếp nối nhau và đó là một hiện tượng tự nhiên rất quan trọng cho một dân tộc nông nghiệp. Theo như thuyết “Vũ trụ khai tịch” xưa, khoảng thời gian đông qua xuân tới là đánh dấu một thời kỳ hoàn toàn đổi mới, người và vạn vật thiên nhiên như sống lại và cùng nhau thông cảm trước sự đổi mới vui tươi để hăng hái đón mừng xuân mới. Trong mấy ngày cổ truyền ấy, con người ta phải hoàn toàn đổi mới, lột hết những gì cổ hủ của con người cũ đi mà tự tạo nên một tâm hồn mới mẻ; phải đuổi hết những tư tưởng yếm thế, phải tạo ra những ý vui, chỉ nói những lời ngọt ngào dễ thương, quên hết những hận thù, để đối với ai, – dù là kẻ thù chăng nữa- cũng một lòng khoan hồng bác ái. Như thế là ta đã góp phần vào sự gây dựng vũ trụ điều hòa, và do đó gây dựng hạnh phúc của xã hội và đồng thời hạnh phúc của chính mình. Những lời nặng nhẹ, những cử chỉ không hợp phép, những sự buồn bực, bất bình thổ lộ ra trong những ngày TẾT không những trái với lễ độ cổ truyền và rất kỵ trong những ngày tốt lành nhất của một năm ấy mà lại là một sự phản bội đối với vạn vật thiên nhiên, và như thế kẻ đã phạm tội ấy sẽ bị tai họa.

Dị đoan lại khiến cho người ta tin rằng tất cả những gì xẩy ra trong mấy ngày đầu năm đều có ảnh hưởng huyền bí, hay, dở đến cả một năm. Vì vậy sáng sớm ngày đầu năm, người khách đầu tiên đến nhà có thể coi như đã đem đến cho gia đình ấy hạnh phúc hay tai họa, tùy theo nếu người ấy là một người sướng hay khổ, có chức phận trong xã hội hay không, giàu hay nghèo, con cháu đông đủ hay hiếm hoi, tính nết tốt hay xấu, nhiều may mắn hay không…Một người có tang vừa đau khổ, một người rủi ro vừa bị thất bại trong công việc làm ăn…chớ nên đến thăm ai trong buổi sáng đầu năm vì sợ có thể sẽ đem lại rủi ro đến cho người ta. Để khỏi phải có những sự bất ngờ chẳng hay, người khách đầu tiên đến “xông đất” mỗi nhà, nghĩa là người khách có thể coi như sẽ đem lại may mắn hay rủi ro đến cho gia đình, đều được chủ nhà sắp đặt trước. Người ấy sẽ được lựa trong những bà con bè bạn thân thiết và là người được coi như có hạnh phúc đầy đủ, vừa giàu sang phú quí lại con cháu đầy đàn, để sáng sớm đầu năm làm “sứ giả” đem Hạnh phúc đến cho cả gia đình.

HẠNH PHÚC! Hạnh phúc là cái mộng đẹp mà hết thảy chúng ta ai cũng mong ước. Ở nước Nam này, mỗi năm xuân tới, người ta kêu gọi, cầu khẩn, tìm kiếm Hạnh phúc bằng đủ mọi cách. Họ ca ngợi Hạnh phúc trên những câu đối đỏ chói treo trên tường bên những cánh cửa nhà. Màu đỏ là màu tượng trưng điểm lành, điểm tốt, vì vậy từ sân nhà cho đến trên bàn thờ, mỗi gia đình, chỗ nào cũng rải rác đầy xác pháo đỏ cùng những cánh hoa đào. Người ta cũng thế, ai cũng có vẻ tạo ra một vẻ mặt sung sướng, vui tươi, niềm nở như để dễ quyến rủ cái Hạnh phúc nó như cái bóng phảng phất khó lòng mà nắm được, tựa hồ như con chim hoàng oanh của nhà thi sĩ nọ, ríu rít hót ca trên cành liễu này rồi phút chốc đã lại bay qua cành liễu khác. Thật không cái gì cảm động bằng cái lòng nguyện vọng thiết tha của cả một dân tộc, nguyện vọng đến được một đời sống thanh nhàn hạnh phúc, mà tất cả đều mơ ước, nhưng dễ mấy ai đã tới được!


Vậy thì TẾT là gì? Là lời kêu thiết tha của cả đàn dân Việt trong dịp vạn vật đổi mới, nói lên lòng tin tưởng ở năm mới sẽ đến, và sự khát khao một đời sống thảnh thơi sung sướng.

Ngày TẾT lại còn có một ý nghĩa khác nữa. Ngày TẾT còn là sự thánh hóa, sự ca tụng, tán dương chủ nghĩa gia tộc và sự thờ phượng tổ tiên. Với tư cách này TẾT có thể coi như một thiết lập có liên hệ mật thiết với sự thành lập gia tộc ở nước Việt Nam ta. Mấy ngày TẾT chính là những ngày mà cả đại gia đình đông đủ sống quây quần tụ họp làm một. Gia đình Việt Nam thường có cha mẹ, anh chị em, hay là cả ông bà cô chú, có khi lại có cả cụ nội ngoại ở cùng cả một nhà. Những gia đình có con cháu đi làm xa trong cả năm, đến kỳ TẾT đều trở về đông đủ dưới mái nhà của tổ tiên. Những hôm đó trên bàn thờ trang hoàng rực rỡ, những bài vị ghi tên tuổi các vị tổ tiên đã mất, đều được mở ra chưng bày, những đèn hương sắp lên nghi ngút, những đồ mã tượng trưng nén vàng nén bạc để cung hiến tổ tiên được chất thành từng đống.

Vì TẾT không phải chỉ là ngày vui cho người sống mà còn cả cho người chết nữa. Chính trong những ngày TẾT các vị tổ tiên ông bà đều về sống chung với gia đình con cháu. Hôm ba mươi Tết, mỗi gia đình đều có một lễ thỉnh mời tổ tiên về. Rồi cứ mỗi ngày hai lần, dâng lễ cúng cơm cùng nước trà bánh trái. Đến ngày thứ ba là ngày cúng tiễn biệt, để rồi hồn của tổ tiên lại trở về nơi chín suối, mang theo lời chúc tụng cùng tâm sự của con cháu mà các ngài vừa được chung sống trong mấy ngày Tết vừa qua, và tuy từ biệt ra về, tổ tiên vẫn không quên phù hộ và che chở cho con cháu bằng một cách huyền bí.

Trong mấy ngày Tết, người sống và người chết lẫn lộn chung sống dưới mái gia đình. Bà con bạn bè đến thăm viếng nhau ngày Tết, trước hết không quên đến kính cẩn lễ trước bàn thờ tổ tiên rồi mới cùng nhau chúc tụng năm mới.

Tết với những tượng trưng và nghi lễ của ngày ấy đã ghi vào đời sống của chúng ta một giai đoạn vui sướng, mà giai đoạn ấy chúng ta có cái may mắn là cứ mỗi năm ta lại được sống lại một lần. Sống mấy ngày hoan hỷ vui chung cả quốc dân, tự thấy mình đã cũng chia sẻ sự vui sướng ấy và cùng thông cảm với tất những người đồng chung về một ý thức, một tư tưởng, đó là niềm vui không phải nhỏ; niềm vui ấy, chính ngày Tết đã đem lại cho ta, và ta sẽ không bao giờ quên ơn.

Riêng về phần tôi, mõi lần ngó về dĩ vãng, nhớ lại những ngày thơ ấu, những năm của tuổi trẻ đã qua, ngày Tết đã để lại cho tôi toàn những kỷ niệm êm đềm.

Một ngày kia nếu phải bỏ phiếu để bãi bỏ cái ngày lễ ấy đi, thì dù ai biện lẽ phải gì hay ho tốt đẹp đến đâu, tôi cũng bỏ phiếu chống sự bãi bỏ ấy, mặc dầu họ có thể cho tôi là một anh thủ cựu bướng bỉnh hay liều lĩnh.

Thượng Chi (Phạm Quỳnh)

16 nhận xét :

  1. Phạm Quỳnh (17 tháng 12 năm 1892 - 6 tháng 9[1] năm 1945) là một nhà văn hóa, nhà báo, nhà văn và quan đại thần triều Nguyễn (Việt Nam). Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt - thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp - để viết lý luận, nghiên cứu. Ông có tên hiệu là Thượng Chi, bút danh: Hoa Đường, Hồng Nhân.

    Ông được xem là người chiến đấu bất bạo động nhưng không khoan nhượng cho chủ quyền độc lập, tự trị của Việt Nam, cho việc khôi phục quyền hành của Triều đình Huế trên cả ba kỳ (Bắc, Trung, Nam), chống lại sự bảo hộ của Pháp và kiên trì chủ trương chủ nghĩa quốc gia với thuyết Quân chủ lập hiến.
    Ngày 23/ 08/ 1945 ông bị bắt rồi bị thủ tiêu, mãi đến 1956 người ta mới tìm thấy di dài ông trong một khu rừng.
    Ai là người ra lệnh giết Ông, chỉ có trời mới biết.
    Thương thay cho một nhà trí thức, một nhà văn hóa Việt chân chính !
    ........
    Bảo Cái

    Trả lờiXóa
  2. Không biết Ông Pham Quỳnh có phải là thân phụ của Nhạc sĩ Pham Tuyên không ?

    Khi còn đi học điều còn ấn tượng về ông là bài viết (tôi không còn nhờ rõ) đại khái "Người An Nam ta gì cũng cười hì một cái là xong tất cả..."

    Thật đúng với nhận xét đó, người Việt ta gì cũng cười được (vui cười, buồn cười,...)
    Có lẽ thế mà dân tộc ta mới đứng vững suốt 1000 năm, rồi lại 100 năm, rồi...

    Chắc TS chưa quên ngỏ ý của tôi xin vài cái "thư giãn" để khì ! khì ! mấy ngày Xuân

    TH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không là của Phạm Quỳnh đâu. Ấy là bài "Gì cũng cười" của tác giả Nguyễn Văn Vĩnh.

      Xóa
    2. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đúng là con của cụ Phạm Quỳnh.
      Nhà thơ Thái bá Tân có bài thơ như sau :

      PHẠM QUỲNH, PHẠM TUYÊN

      Thái Bá Tân -

      Phạm Quỳnh là tên bố.
      Tên con là Phạm Tuyên.
      Phạm Quỳnh bị đảng giết.
      Phạm Tuyên là đảng viên.

      Phạm Quỳnh, trí thức lớn,
      Thượng thư, một quan to.
      Phạm Tuyên là nhạc sĩ
      Viết “Như có Bác Hồ…”.

      Mỗi người một nhân cách.
      Quyền của họ - nhưng tôi,
      Nếu có bố bị giết,
      Tôi sẽ thù suốt đời.

      Hèn yếu, không dám chống,
      Tôi ở ẩn, lặng thinh,
      Chứ không chịu hợp tác
      Với kẻ giết cha mình.

      Lại càng không viết nhạc
      Ca ngợi kiểu bốc đồng.
      Không thèm nhận giải thưởng.
      Thế đấy, dứt khoát không!

      Là con dân Đại Việt,
      Tôi tu thân, tề gia.
      Quyết không để lý tưởng
      Xếp cao hơn mẹ cha.

      Xóa
  3. Ông Phạm Quỳnh xứng đáng được tôn vinh là một nhà văn hóa lớn của dân tộc.
    Tết thực ra là của dân tộc Việt chúng ta, hoàn toàn trùng khớp lịch gieo trồng, cày cấy, nghỉ ngơi, khí hậu của văn minh lúa nước và đời sống sinh hoạt của cư dân Việt. Sau này khi Trung quốc chiếm được miền nam sông Dương Tử (Trường Giang) của Bách Việt rồi sát nhập luôn Tết này làm của mình khiến nhiều người tưởng Tết của Tàu.

    Trả lờiXóa
  4. Chữ “Tết” tương đối đồng âm với chữ “Tiết” trong 24 “Tiết Khí” của lịch nông nghiệp Á đông (Âm lịch, Lịch mặt trăng..). Tết Cổ Truyền Việt Nam lại hầu như trùng với ngày đầu tiên của Tiết Lập Xuân, là ngày khởi đầu cho một mùa có tiết khí thuận lợi cho việc trồng trọt, gọi là ngày Nguyên Đán. Cho nên người Việt chúng ta bắt đầu là nhầm lẫn, sau đó là thành thói quen và cuối cùng đã biến Tết, một ngày lễ hội mừng năm mới theo Lịch nông nghiệp thành Tết Nguyên Đán.

    Tết cổ truyền Việt Nam là một lễ hội truyền thống có liên quan đến việc trồng cấy cây nông nghiệp trong tập tục của người Việt cổ đại, chứ hoàn toàn không liên quan đến Tiết Nguyên Đán của Trung Hoa. Một số học giả cho rằng từ nguyên của Tết là xuất xứ từ Tiết Nguyên Đán bên Tàu là sai. Cũng chính vì vậy mà đã hình thành một khái niệm sai lầm trong nhận thức gọi Tết cổ truyền Việt Nam là Tết Nguyên Đán.

    Ngày nay hầu như những bài viết của các học giả lịch sử, các nhà biên soạn từ điển, và ngay cả tầng lớp trí thức Việt Nam cũng như các chính khách, lãnh tụ Việt Nam khi viết về Tết cổ truyền hay chúc tụng Tết cổ truyền Dân tộc đều dùng từ “Tết Nguyên Đán”.

    Sự nhầm lẫn vô tình này đã tạo ra suy nghĩ Tết cổ truyền Việt Nam có xuất xứ từ Trung Hoa. Và cho rằng chúng ta lệ thuộc vào Văn hóa Tàu.

    Cũng chính vì suy nghĩ này mà một số trí thức Việt Nam ở hải ngoại đã hô hào chống Trung Quốc bằng cách gạt bỏ Tết Cổ truyền và Tết Trung thu ra khỏi sinh hoạt cộng đồng. Họ cuồng tín cho rằng làm như vậy mới thoát ra khỏi ách đô hộ Văn hóa của phương Bắc.

    Tết cổ truyền Việt Nam là lễ hội có trước ngày lễ “Tân Niên”, lễ mừng ngày Nguyên Đán của người Tàu rất lâu. Và nếu như hai ngày lễ này có giống nhau về truyền thống, thì chính Người Trung Hoa bắt chước người Việt mới có lễ hội này chứ không thể nói rằng Tết cổ truyền Việt Nam xuất xứ từ Tàu được.

    Không thể có chuyện cái có trước lại bắt chước cái có sau được, đó là nghịch lý.

    Các bạn hãy xem Khổng Tử là bậc tổ sư cho lễ nhạc của Trung Hoa viết trong sách Kinh Lễ như sau: “:”Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống ruợu và ăn chơi vào những ngày đó, họ gọi tên cho ngày đó là “TẾ SẠ” (Tế Sạ là Khổng Tử phát âm chữ Thêts, là lễ hội năm mới của người Thái đất Phong Châu- TN)

    Sách Giao Chỉ Chí cũng có đoạn viết “Bọn người Giao Quận thường tập trung lại từng phường hội nhảy múa hát ca, ăn uống chơi bời trong nhiều ngày để vui mừng một mùa cấy trồng mới, chúng gọi ngày đó là Nèn- Thêts, không những chỉ có dân làm nông mà tất cả người nhà của Quan lang, Chúa động cũng đều tham gia lễ hội này. Chỉ có bọn man di mới có ngày hội mà người trên kẽ dưới cùng nhau nhảy múa như cuồng vậy, bên ta không có sự Quân thần điên đảo như thế..”

    Hai đoạn trích từ hai cuốn Kinh sử nổi tiếng của Văn hóa Trung Hoa đều khẳng định Tết của Việt có trước ngày “Tân Niên” Chinese new Year “, Thrếts Chìn” của người Tần Trung Hoa rất xa.

    Tết cổ truyền của Việt Nam có từ thời Hồng Bàng, có trước cả thời Hùng Vương vì vậy mới có sự tích Lang Liêu gói bánh chưng bánh dày mừng Tết vua Cha chứ. Có nghĩa là Tết cổ truyền Việt Nam đã có hơn 4000 năm rồi.

    Trả lờiXóa
  5. Trong khi lễ “Tân Niên- 新年 ” của người Tàu thì sao?

    Theo lịch sử Trung Quốc, nguồn gốc Xuân tiết (春節), Tân niên (新年) hoặc Nông lịch tân niên (農曆新年). có từ đời Tam Hoàng Ngũ Đế và thay đổi theo từng thời kỳ.

    Đời Tam đại, nhà Hạ (1767 TCN) Tân Niên chọn ngày đầu tháng giêng, tức tháng Dần. Nhà Thương (1122 TCN) lấy ngày đầu tháng Sửu, tức tháng chạp, làm tháng đầu năm. Nhà Chu (250 TCN) chọn tháng Tý, tức tháng mười một, làm tháng lễ mừng Tân Niên.

    Đời Đông Chu, Khổng Tử đổi ngày Tân Niên vào một tháng nhất định là tháng Dần. Đời nhà Tần (thế kỷ 3 TCN), Tần Thủy Hoàng lại đổi qua tháng Hợi, tức tháng mười. Đến thời nhà Hán, Hán Vũ Đế (140 TCN) lại đặt ngày Tết vào tháng Dần, tức tháng giêng. Từ đó về sau, không còn triều đại nào thay đổi về khởi đầu năm mới nữa cho đến tận bây giờ.

    Như vậy là ngày Tân Niên của Trung Hoa có sau ngày Tết cổ truyền Việt rất xa. Và thay đổi tứ tung. Còn ngày Tết cổ truyền của Tộc Việt vốn không thay đổi từ thượng cổ cho đến nay. Thế thì tại sao lại nói ngày Tết cổ truyền Việt Nam là có từ Tết Tàu được. Thậm đại vô lý.

    Nếu tra theo từ Nguyên của chữ Tết, vốn chẳng liên quan gì đến chữ Tiết trong Tiết Nguyên Đán của Lịch Tàu cả. Vì bởi Nguyên Đán vốn không phải là Tiết trong 24 bốn Tiết khí của Thời tiết phân chia theo lịch Mặt trăng. Nguyên Đán chỉ là buổi sáng đầu tiên trong ngày khởi đầu của Tiết Lập Xuân thôi (Nguyên= Nguyên vẹn, khởi đầu, Đán= buổi sáng)

    Nguyên Đán vốn không phải là Tiết khí, vả lại ngày Nguyên Đán là ngày đầu của Tiết Lập Xuân, mà ngày đầu của Tiết Lập Xuân không nhất thiết trùng với ngày Sóc (ngày có trăng) là ngày đầu tiên của tháng đầu tiên trong năm được. Vì vậy Tết không thể là “Tiết” Nguyên Đán và càng không phải là “Tết” Nguyên Đán được.

    Trả lờiXóa
  6. Cám ơn bác ẩn danh vì những thông tin và những lập luận đáng chú ý về "Tết Ta" và "Tết Tàu". Hy vọng về sau này các học giả sẽ làm sáng tỏ những điều bác trình bày. Có chi tiết này: phân biệt "Ta" với "Tàu", nhất là khi nói về thời cổ đại, thì theo tôi dễ gây nhầm lẫn về yếu tố thời điểm. Thực không dễ xác định biên cương của "nước Tàu" thời thượng cổ là tới đâu. Nước Trung quốc hiện đại vốn là tập hợp nhiều sắc dân mà trong đó hẳn không ít những dân tộc có truyền thống văn hóa rất gần với Việt Nam mình. Những dân tộc đó có thể bị thu phục về mặt quân sự, chính trị, nhưng biết đâu về mặt văn hoá thì họ đóng góp nhiều nét rất đậm, ảnh hưỡng ngược lên tận "trung ương", tức các triều đại vua chúa nối tiếp của nước Tàu?

    Đọc bài của cụ Phạm Quỳnh mà giật mình trước sự thông tuệ của cụ! Một học giả ngày nay, nắm kịp các trào lưu mới của tâm lý học hiện đại, chắc cũng chỉ có thế trình bày "tâm lý Tết Việt" tương tự như các ý cụ đã khái quát trong bài trên thôi. Mà cụ hơn chúng ta ngày nay, ở chỗ cụ là nhân chứng sống cho thời kỳ tạm gọi là "chớm khủng hoảng" của văn hóa dân tộc. Dù đất nước khi ấy đang trong tình trạng bị thực dân Pháp đô hộ nhưng sức sống của văn hóa cổ truyền vẫn còn mạnh mẽ trong dân gian. Chúng ta ngày nay, trải qua biết bao năm chiến tranh khói lửa, xã hội ly tán, dân tình tang thương, lại thêm làm sóng văn minh khoa học kỹ thuật ào ạt như cuốn phăng đi tất cả những giá trị cổ truyền, chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn nhiều để khai quật và làm sống lại di sản tinh thần của tiền nhân.


    "Như thế là ta đã góp phần vào sự gây dựng vũ trụ điều hòa, và do đó gây dựng hạnh phúc của xã hội và đồng thời hạnh phúc của chính mình." Câu viết giản dị này của cụ Phạm Quỳnh, theo tôi, chắc đã làm nhiều học giả phương Tây phải giật mình khi tìm hiểu về văn hóa Việt!

    Trả lờiXóa
  7. Đài BBC có bài viết kỷ niệm một trăm năm ngày sinh cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-2012)

    http://www.webwarper.net/ww/~av/www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/01/120117_nguyen_hienle_comment.shtml

    Trả lờiXóa
  8. Phải trả lại thanh danh cho cụ Phạm Quỳnh.

    Trả lờiXóa
  9. Hôm nay mới mùng 4 Tết mà VTV 19g đã phỏng vấn bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ rồi! Tốt hơn thì đừng nên phỏng vấn ông Nhạ. Không phỏng vấn thì người ta còn thấy nền giáo dục nước nhà đỡ u ám! Ông Nhạ này mà nói về giáo dục thì bi đát rồi! Tầm người ông ta thì làm sao nói về giáo dục được nhỉ?

    Trả lờiXóa
  10. Hoan nghênh ý tưởng của GS Nguyễn Ngọc Lanh "Phải trả lại thanh danh cho cụ Phạm Quỳnh". Có thể bằng cách Tễu cho đăng tải nhiều kỳ tác phẩm "Tìm hiểu tạp chí Nam Phong", của TS Phạm Thị Ngoạn, trưởng nữ của nhà văn hóa Phạm Quỳnh. Nếu được sự tán thành của Tễu, tôi tin là sẽ có người cung cấp tác phẩm có giá trị đó.

    Trả lờiXóa
  11. Khó có người nói về Tâm Lý người Việt ngày Tết hay hơn cụ Phạm Quỳnh ! Cám ơn người đã sưu tầm !

    Trả lờiXóa
  12. Lòng yêu nước và tinh thần dân tộc chứa chan.
    Đúng! Phải trả lại thanh danh cho cụ Phạm.
    Hy vọng 243 sẽ thành hiện thực.

    Trả lờiXóa
  13. Điều không được quên:
    Sau năm 1945, cụ Phạm Quỳnh bị môn Lịch Sử của "đảng ta" phong cho cái tên Việt gian bán nước.
    Chính thức trả lại thanh danh cho cụ Phạm là QĐ của Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh vào năm 2015.

    Trả lờiXóa