Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2017

Thanh Hằng: "BẮT LỖI" CUỐN SÁCH CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG

Cuốn sách “bắt lỗi” nhà giáo Nguyễn Lân cũng mắc nhiều sai sót

Thanh Hằng
Infonet
10:25 - 01/09/2017

“Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân –phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công (NXB Hội Nhà văn) đang thu hút sự quan tâm của dư luận, khi được giới thiệu là đã tìm ra hàng ngàn lỗi trong cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân.  

Một số ý kiến giới thiệu cuốn sách như “hiện tượng của học thuật nước nhà”, đồng thời, phê phán các NXB đã in và tái bản cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân.

Tuy nhiên, có thực sự cuốn từ điển của GS. Lân mắc quá nhiều lỗi như Hoàng Tuấn Công phê bình không? Bởi  nhiều người đã phát hiện ra cuốn sách của Hoàng Tuấn Công có nhiều sai sót khi “bắt lỗi” nhầm - những sai sót không nên có. Mà, nếu không được chỉ ra, những sai sót đó sẽ mặc nhiên được chấp nhận thì rất nguy hại.

Xin được đưa ra một vài ví dụ:

Khi bàn về câu “Áo rách vẫn giữ lấy tràng”, tác giả Hoàng Tuấn Công cho rằng, GS. Nguyễn Lân giải thích “Tràng là cái vạt trước của áo dài” là sai, mà “tràng” là cái cổ áo chứ không phải vạt trước của áo dài. Nghĩa là, dù áo rách thế nào, cũng phải giữ lấy bộ phận quan trọng nhất của cái áo là cổ áo.” 

Nhà văn Ngô Văn Phú – người đã dịch số lượng lớn thơ Đường và văn xuôi Trung Quốc, trong đó có “Tể tướng Lưu Gù,” cho biết, GS. Nguyễn Lân đã không sai. “Lĩnh” mới là cổ áo, còn “tràng” là vạt chiếc áo dài. Trong “Từ điển Hán Nôm” trên thivien.net cũng giải nghĩa “lĩnh là cổ áo”, không thấy có mối liên quan nào giữa “lĩnh” với “tràng”! 


Nhà thơ Đỗ Trung Lai, người đã dịch hàng trăm bài thơ Đường, cũng cho hay: Tràng là vạt trước của áo dài. 

“Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn Ngữ học do Hoàng Phê chủ biên (tái bản 1992 và 2003) cũng định nghĩa: “Tràng: Vạt trước của áo dài”. Ví dụ: “Níu lấy tràng áo mẹ.”
 
GS. Nguyễn Đức Tồn – nguyên Viện trưởng Viện Ngôn Ngữ học, cho biết: "Tràng là vạt phía trước của chiếc áo dài, có vai trò quan trọng cả về thẩm mỹ và chức năng che những bộ phận quan trọng nhất của người mặc nên mới có câu 'Áo rách vẫn giữ lấy tràng.' Còn cổ áo không liên quan gì ở đây." 

Như vậy, cho đến nay, chưa thấy từ điển nào định nghĩa “tràng” là cổ áo như Hoàng Tuấn Công giải thích. 

Bàn về thành ngữ: “Chó già, gà non,” Hoàng Tuấn Công cho rằng, GS. Nguyễn Lân giải thích “thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm” là sai, vì theo anh “câu này không có ý khen 2 món ăn đều ngon như cách hiểu của GS. Nguyễn Lân, mà là 2 thứ không ngon. Thịt chó già thì dai nhách, còn gà non thì chỉ để nấu cháo.” 

Dẫn chứng về “cầy tơ” tức chó tơ là ngon, nhưng lại không thấy tác giả Công đưa ra ví dụ nào về gà già mà ngon cả! Sau đó, tác giả viết: “gà ngon phải là gà mái tơ trưởng thành, có trứng và nhảy ổ đẻ, chưa đẻ hay đang đẻ”.
 
Về cách định nghĩa “gà mái tơ” là gà “đang đẻ”, thì theo “Từ điển tiếng Việt”, “tơ” nghĩa là “động vật, (thực vật) còn non, mới vừa lớn lên như gà mái tơ, trâu tơ, trai tơ, gái tơ vv…” Gà đang đẻ liệu có còn là gà mái tơ? 

Hoàng Tuấn Công cho rằng, câu “chó già, gà non” là dị bản rút gọn của “Chó thiến già, gà thiến non”, nói về kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất chứ không phải lựa chọn món ăn ngon!” Các nhà văn Hà Phạm Phú, Ngô Văn Phú và Văn Chinh đều cho rằng “Chó già, gà non” là thành ngữ nói về ẩm thực. Việc Hoàng Tuấn Công áp đặt thêm vào từ “thiến”, thành câu “Chó thiến già, gà thiến non” thật khó thuyết phục!

Theo GS. Nguyễn Đức Tồn, “Chó già, gà non” là câu khá mơ hồ nếu tách khỏi ngữ cảnh. Nếu nói về ích lợi thì có thể hiểu là nên chọn chó già vì có kinh nghiệm trông giữ nhà, còn gà non để nuôi sẽ thu hoạch tốt hơn. Nếu nói về ẩm thực, chó già (nhưng không phải là già “khú đế”) sẽ dai, có độ ngậy và ngon; gà tơ ăn mới ngon. Như vậy, tùy theo ngữ cảnh mà vận dụng. 

Trong câu “rau muống tháng chín nàng dâu nhịn cho mẹ chồng ăn”, GS. Nguyễn Lân đưa ra 2 quan điểm: “thức ăn hiếm, nàng dâu tốt dành cho mẹ chồng. Song cũng có người cắt nghĩa trái lại cho rằng, rau muống tháng 9 cứng, nàng dâu chẳng ưa mẹ chồng dọn cho mẹ chồng ăn.” Hoàng Tuấn Công đồng ý với lý giải thứ 2 của GS. Lân và loại trừ cách hiểu thứ nhất, đồng thời cho rằng “GS. Nguyễn Lân lại lựa chọn cách hiểu sai (thứ nhất) là chính, còn cách hiểu đúng (thứ 2) chỉ là tham khảo.”

GS. Nguyễn Đức Tồn lý giải, không phải lúc nào rau muống khan hiếm cũng là rau già và trong câu có từ “nhịn” hàm ý sự kính nhường, nên có thể hiểu theo cách 1. Nhưng dân gian hay nghĩ quan hệ mẹ chồng nàng dâu thường xung khắc, thì từ “nhịn” sẽ mang sắc thái giễu cợt nên có thể hiểu theo cách 2. Do đó có thể chấp nhận cả hai cách hiểu, tùy theo cảm nhận. 

Cũng theo GS. Tồn, GS. Lân không sai khi nêu cả 2 quan điểm và cũng không khẳng định câu nào là chính, mà chỉ nêu câu mang tính tích cực trước.

Bàn về danh từ “Vịt xiêm” mà GS. Nguyễn Lân cho là “Giống vịt to, người ta nói nhập từ Thái Lan. (Ví dụ) Trong sân nhà có đôi vịt xiêm rất lớn", Hoàng Tuấn Công nêu quan điểm: “Vịt là vịt mà ngan là ngan, sao biến hai con thành một được? "Vịt xiêm" là cách gọi tên con ngan của người miền Nam. Từ điển Bách khoa nông nghiệp: "Ngan (tên khác: vịt xiêm) loài thủy cầm có mỏ như mỏ vịt nhưng to hơn.”

Ở đây, Hoàng Tuấn Công đã tự mâu thuẫn với mình khi khẳng định “sao biến hai con thành một được”, nhưng ví dụ của anh thì lại chứng minh ngan và vịt xiêm là một! Còn GS. Nguyễn Đức Tồn cho rằng GS. Nguyễn Lân đúng, bởi vịt xiêm có gốc từ Thái Lan (từng gọi là Xiêm). Người miền Bắc gọi con vịt gốc Thái Lan là ngan, còn người miền Nam gọi là vịt xiêm –cách gọi theo nguồn trong tiếng Việt.

 GS. Nguyễn Lân giải thích câu “Chim trời cá nước” là “Nói người ở nay đây mai đó, khó lòng gặp được”, nhưng Hoàng Tuấn Công cho rằng “còn thiếu nghĩa: của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai”. 

GS. Nguyễn Đức Tồn cho hay, ông chưa nghe thấy nghĩa “của ở đời, không thuộc quyền sở hữu của riêng ai” cho câu này bao giờ, mà “Chim trời cá nước” nói về con người tự do, nay đây mai đó, ngược với “Cá chậu chim lồng” chỉ sự tù túng, bị giam cầm.

Danh từ “Nội các” được GS. Nguyễn Lân giải thích là “Hội đồng Chính phủ của một số nước, gồm thủ tướng và các bộ trưởng”, nhưng Hoàng Tuấn Công \ cho rằng phải chọn theo nghĩa 2 của từ điển Thiều Chửu là “tên bộ quan-nội các gọi tắt là các” và Trần Văn Chánh là “Nội các (nói tắt): tổ các, nội các, tổ chức nội các.” TS. Lã Trọng Long - nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Hải Phòng không đồng tình với lập luận này và cho rằng, “Nội các” theo giải thích đó là nói về cơ quan có tên Nội Các, xếp hàng thứ 6 trong triều đình nhà Nguyễn. Ngày nay, “nội các” chỉ được hiểu theo nghĩa là “Hội đồng Chính phủ ở một số nước bao gồm Thủ tướng và các Bộ trưởng”. “Nếu giải thích như Hoàng Tuấn Công sẽ làm người đọc hiểu nhầm “nội các” là một quan nhỏ trong triều đình nhà Nguyễn.” - TS. Lã Trọng Long nhấn mạnh. 

Từ “lâm bồn” được GS. Nguyễn Lân giải thích: “Lâm: đương lúc, bồn: cái chậu”. Hoàng Tuấn Công cho rằng GS. Nguyễn Lân sai và “lâm bồn” là 

thai nhi đã ra đến vùng bồn xoang/xoang chậu (của sản phụ). Danh từ “bồn xoang” theo Hán điển là xoang chậu phía trong của khung xương chậu. 

TS. Lã Trọng Long cho rằng để giải thích từ “lâm bồn” một loại từ ngữ rất cổ chưa xong, Hoàng Tuấn Công lại đưa thêm các từ bồn xoang, khung xương chậu, khiến người đọc càng không hiểu. Cuốn “Tân Hoa tự điển” của Trung Quốc xuất bản năm 1971 giải thích: “Lâm bồn: chỉ việc phụ nữ có chửa sinh con”. Cách giải thích này giống GS. Nguyễn Lân giảng, rất gọn ghẽ, dễ hiểu. Hoàng Tuấn Công hay viện dẫn Hán điển dài dòng, có khi chỉ thêm rườm rà, rắc rối khó hiểu. Trong khi GS. Nguyễn Lân chuộng sự giản dị, gọn ghẽ trong giải thích.

Trên đây chỉ là một vài, chưa phải tất cả, sai sót trong cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu.” 

Nhà văn Ngô Văn Phú cho biết, thời điểm cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân ra đời, vốn từ tiếng Việt chưa phong phú như bây giờ, Việt Nam cũng chưa giao lưu quốc tế rộng như hiện nay. Vì thế, sai sót hay cách hiểu nghĩa khác với hôm nay là bình thường. Còn theo GS. Nguyễn Đức Tồn, bản thân thành ngữ, tục ngữ cho phép nhiều cách hiểu, nên không dễ có sự thống nhất. 

Nhưng khi có khác biệt quan điểm với GS. Nguyễn Lân, Hoàng Tuấn Công luôn khẳng định GS. Lân hay “sai”, “không đúng”, “nhầm lẫn” dù chính anh viết: “Cùng một thành ngữ, tục ngữ, nhưng có nhiều cách hiểu, đưa ra nhiều cách giải thích là chuyện bình thường, thậm chí là rất cần thiết nếu như những cách hiểu ấy có lý!”

Vì thế, vài ý kiến cho rằng cần thu hồi Từ điển của GS. Nguyễn Lân là quá vội vàng, dù khẳng định nó chuẩn rồi cũng không nên. Cũng như đinh ninh rằng “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công là đúng cả thì càng nguy hại, dù cuốn sách cũng có những đóng góp nhất định trong bối cảnh tiếng Việt đang sinh sôi nảy nở như hiện giờ. 

Để kết luận về hai cuốn sách của hai tác giả trên, phải có những bàn luận và đánh giá nghiêm túc. Nếu từ điển của GS. Nguyễn Lân sai sót nhiều, cần bổ sung và sửa chữa, như “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học đã phải “Sửa chữa và bổ sung Từ điển tiếng Việt” chỉ sau 10 năm xuất bản. Bên cạnh đó, cần phải chỉ ra những chỗ đúng, sai trong cuốn sách của Hoàng Tuấn Công để đảm bảo công bằng cho người đọc.

23 nhận xét :

  1. Có vẻ như nhà cụ Lân đã thông minh hơn trong việc "phản pháo". Không nói chầy cối nữa, mà bới lông tìm vết, tìm cái sai của đối thủ để tẩn. Khá! Làm vậy mới là đúng phương pháp.
    Tuy nhiên, câu này "Nhà văn Ngô Văn Phú cho biết, thời điểm cuốn từ điển của GS. Nguyễn Lân ra đời, vốn từ tiếng Việt chưa phong phú như bây giờ", thì bậy hết sức. Bây giờ chỉ có bọn trẻ trâu mới thêm mấy từ tiếng lóng của chúng vào, chứ tiếng Việt thì vẫn thế. Xin đừng lấy lập luận ngớ ngẩn này để bênh cụ Lân.
    Còn mấy câu mà tác giả cho là sai trích dẫn trong bài (được đúng 7 từ), thì cũng rất cần phải bàn xem Hoàng Tuấn Công có sai không, bởi tác giả không đưa ra được luận điểm nào, mà vẫn chơi kiểu viện dẫn theo người nọ, theo người kia. Xin hỏi cái người nọ người kia ấy chắc gì đã nói đúng mà căn cứ vào đấy nói là Hoàng Tuấn Công sai? Lý lẽ kiểu này chưa thuyết phục. Vưỡn còn non và xanh lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bình quá hay, thưa bạn Đỏ Lê Văn!

      Xóa
  2. Vài lỗi nhỏ của Hoàng Tuấn Công so với hàng ngàn lỗi lớn của giáo sư Nguyễn Lân thì chả là gì cả. Và vì vậy Hoàng Tuấn Công cần ghi nhận , chỉnh sửa hoặc phản biện. Còn các vị đang cảm thấy "tự ái" vì những gì một "tay ngang" Hoàng Tuấn Công làm được đang ngày đêm gồng lên lục lọi để đả kích thì chẳng đáng mặt hùng! Rụt đầu lại chả làm gì cả, để đến khi người khác làm thì tự ái vì cái vô tích sự của học hàm, học vị của mình bị sỉ nhục thì thật nực cười!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lần Alexandre Dumas được một soạn giả tồi mời đi dự buổi công diễn vở kịch mới của ông ta.
      Tất nhiên là vở kịch nhàm chán.
      Ngồi hàng ghế đầu, Dumas cứ ngoái cổ lại lẩm nhẩm đếm.
      -Anh làm gì vậy, soạn giả kia hỏi.
      -Tôi đếm số khán giả ngủ gật dùm anh, Dumas trả lời.
      Soạn giả kia căm lắm, rình cơ hội trả thù.
      Lần ấy vở kịch Trà hoa nữ của Dumas được công diễn và ông không quyên mời soạn giả kia tới dự.
      Cơ hội đã đến, ông ta ngoái đầu lại ra sức tìm kiếm, cuối cùng cũng tìm được một khán giả đang ngon giấc.
      -Dumas, khán giả của anh cũng ngủ gật kìa.
      Không ngoảnh lại, Dumas nhẹ nhàng trả lời:
      -Vị khán giả đó ngủ luôn từ hôm xem vở kịch của anh đến giờ đó.

      Xóa
  3. Hoàng Tuấn Công đã có giải thích chi tiết về ý nghĩa của từ "tràng":
    http://nguyentandung.org/chang-hay-trang-vat-ao-hay-co-ao.html

    Trả lờiXóa
  4. Tràng hạt = Chuỗi hạt đeo trên cổ của người Thiên Chúa Giáo ?

    Vậy thì "Tràng" = "Cổ áo" là đúng rồi ....

    Trả lờiXóa
  5. "Bên cạnh đó, cần chỉ ra những chỗ đúng sai trong cuốn sách của Hoàng Tuấn Công để dảm bảo công bằng cho người đọc".
    @ Thanh Hằng:
    Công bằng cho người đọc là cái quái gì.
    Người đọc chỉ cần sự chính xác và khoa học trong những sách tra cứu.
    Có cần công bằng cho ông Nguyễn Lân thì huỵch toẹt con mẹ nó ra, bằng cách ăn miếng trả miếng với Hoàng Tuấn Công.
    Nhưng hãy cân nhắc, càng đánh trả Hoàng Tuấn Công thì càng tỏ rõ cái sai lè mênh mông của ông Nguyễn Lân và cái hèn của những người
    đánh trả với những lu loa kiểu già mồm.

    Trả lờiXóa
  6. Xem : http://www.vandanviet.com/2014/11/nguyen-khoi-tho-ngo-van-phu-hay-tho.html

    Trả lờiXóa
  7. [Việc Hoàng Tuấn Công áp đặt thêm vào từ “thiến”, thành câu “Chó thiến già, gà thiến non” thật khó thuyết phục!] - Câu này HTC đúng tuyệt đối. 50-60 năm trước tôi đã xem và biết chuyện thiến chó/gà.
    Xin trả lời câu hỏi: Tại sao “Chó thiến già, gà thiến non”?
    Rằng: Con chó là nuôi để giữ nhà, nếu thiến sớm nó sẽ trở thành vô tích sự vì mất tính hăng hái "đàn ông" trong nhiệm vụ bảo vệ cho chủ. Do vậy nên đến lúc nó "lên lão" đã trở nên chậm chạp, nếu cứ tôi tiếp nuôi rồi có ngày nó già chết thế là mất không hoặc giết mổ lúc già (thường là gầy bởi nó "hoạt động" hết công lực) chưa chết bấy giờ thì hết chất, ăn chi nữa. Do vậy tìm nuôi kế con khác lúc nó còn sức sống, bấy giờ phải thiến nó đi để vỗ béo mau mà làm bữa đã đời.
    Còn con gà, nếu không thiến sớm mà cứ để nó suốt ngày đi nhảy (không lo trả tiền) thì chỉ còn cái thân gầy, bán khó, ăn không ngon. Xin bật mí: đây là lời của 1 lão nông thực thụ xin góp vào.

    Trả lờiXóa
  8. Hoàng Tuấn Công sai thì sửa. Đây là việc bình thường. Chúng ta sẽ quen với chân lí "không có gì là hoàn hảo", (kể cả...). Lâu rồi, mình có đọc cuốn hình như là "Việt ngữ tinh nghĩa... ", mua ở vỉa hè Lăng Cha Cả năm 1977, tác giả giải thích đại thể, LÃNH (lĩnh?) là cái cổ áo, TỤ là cái tay áo; người mặc phải chui qua cổ (LÃNH), xỏ qua tay (TỤ), vì quan trọng như thế, người ta cũng gọi nhân vật cầm đầu quyền lực là LÃNH TỤ. Mình ngộ ra, giải thích cho sinh viên, các em khoái trá (chá?). HTC nếu thấy có lí thì sửa.

    Trả lờiXóa
  9. Về thành ngữ : "Chó già, gà tơ". Ở quê tôi còn có câu để nói thế nào là ngon:" Gà lấp ló, chó nứng L. "( xin lỗi- hơi tục).
    Nghĩa là : con gà ngon nhất lúc nó nhảy ổ ( lấp ló), con chó ngon nhất lúc nó động đực( chó cái) hay tìm cái( chó đực).
    Vì thế nên tôi nghĩ: Hoàng Tuấn Công có lý hơn.

    Trả lờiXóa
  10. "Bắt lỗi" của Thanh Hằng không còn Phương pháp luận. Không thuyết phục.
    Ví dụ :
    Thanh Hằng dẫn từ điển Trung Quốc: Lâm bồn: Chỉ việc phụ nữ có chửa sinh con. ( như vậy lâm bồn chỉ một khoảng thời gian dài 9 tháng 10 ngày, tư khi có chửa đên khi đẻ con xong)
    Hoàng Tuấn Công dẫn dắt chi tiết và đi đến kết luận : Lâm bồn chỉ việc Phụ nữ CHUYỂN DẠ ĐẺ
    cách giải thích của Hoàng tuấn Công bai bản và thuyết phục.

    Trả lờiXóa
  11. Chó già, gà non.
    Cụ NL giải thích: Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mền
    Sai. Chưa ai nói thịt chó dù già hay non là "tanh", những người không quen ăn thịt chó thì chê thịt chó "hôi".
    Về kết câu phải đối nhau, ví dụ: Chó đối gà. Từ GIÀ thì đối với từ NON là đúng về nghĩa đen. Nhừng nghĩa bóng cụ NL giải thích không đúng : Tanh (hoặc hôi) thì phải đối với thơm.
    Để đối với từ mềm phải là từ CỨNG hoặc DAI...v..v...
    Từ đó phải giải thích là:
    Chó già thì DAI, gà non thì mềm.
    (thịt) chó già thì không ngon, thịt gà non thì không ngon.
    Ở đây ta nhận thấy từ "MỀM" không chuẩn mà phải thay bằng từ "NHÃO"
    CHÓ GIÀ THÌ DAI, GÀ NON THÌ NHÃO. cả chó già và gà non đều là món không ngon.

    Non, tơ, trưởng thành, già.
    Gà tơ là gà sắp nhảy ổ, mới nhảy ổ vài ba quả trứng vẫn có thể gọi là gà tơ. Nhảy ổ vài ba lứa thì gọi là gà mái dầu. Nhảy ổ chục lứa là gà già

    Trả lờiXóa
  12. Thanh Hằng còn non lắm, chưa đủ trình để "bắt lỗi" HTC.

    Thanh Hằng viện dẫn ông này, ông kia như vậy Thăng Hằng chỉ giỏi BUÔN CHUYỆN thôi.

    Trả lờiXóa
  13. Tôi nghĩ học thuật có không gian bàn qua đối lại là hay nhưng đọc qua thì thấy vị Thanh Hằng và các vị khác có vẻ như đang "bề hội đồng" ông Hoàng Tuấn Công, không thấy không khí trung lập và tính cách khách quan của học thuật ở đâu hết.

    Trả lờiXóa
  14. Thời còn thanh niên mới lớn, chúng tôi dăm đứa ai cũng đói nghèo. Muốn "đi tán gái" mà "cái mặc" không có nên đành đi xin những chiếc áo rách sang trọng và còn nguyên cổ áo để mặc bên trong và khoác bên ngoài một áo khác. Mỗi lần "đi tán" là mỗi kiểu cổ áo (dù thân áo rách teo tua!), đứa nào thấy cũng tự hào... và tán được nhiều "???"...

    Nghĩ rằng: nhờ cái Cổ áo mà Thân áo, Tay áo mới gắn kết lại thành một Chiếc áo.

    "Áo rách phải giữ lấy cổ áo" là đúng nhất!

    cũng như: "Giấy rách phải giữ lấy lề" là vậy.

    Trả lờiXóa
  15. 1/ Sao lại "Để kết luận về hai cuốn sách của hai tác giả trên"?, vì tác giả HTC khảo cứu 5 cuốn từ điển của cụ NL cơ mà!
    2/ Tôi không tin "Nhà thơ Đỗ Trung Lai, người đã dịch hàng trăm bài thơ Đường...", vì nhà thơ ĐTL tôi quý mến (qua Thơ của anh) từng "mắng mỏ" người phiên âm thơ bác Hồ, rằng: Sao lại phiên âm là "thướng sơn",phải là "thượng sơn" (上山) chứ!!!

    Trả lờiXóa
  16. Càng viết cô Thanh Hằng này càng bọc lộ sự non nớt trong phương pháp phân tích - lý luận, sự thiếu hụt vốn sống, cũng như hiểu biết đời sông người.
    Theo cách hiểu của Thanh Hằng thì chó già mới ngon nên các nhà hàng "Cầy tơ bảy món"... trên khắp đất Việt giờ sẽ phải chuyển sang kinh doanh chó già và đổi cách chào mời thực khách bằng câu " CẦY GIÀ BẢY MÓN " ???
    Liệu ai sẽ là thực khách của các nhà hàng CẦY GIÀ ... đó ? hay chỉ có Thanh Hằng cùng máy ông bạn nhà văn của Hằng ???

    Trả lờiXóa
  17. Mấy ngày nghỉ chẳng đi đâu, có thì giờ viết mấy dòng để chia sẻ.
    Về cách làm như tác giả có thể chấp nhận được. Còn về nội dung lại là vấn đề khác. Xin dựa vào chính bài viết, tỷ như ví dụ 1 "Áo rách vẫn giữ lấy tràng". Để bảo vệ ý mình, tác giả dẫn sự hiểu biết của các nhà văn và kể hàng loạt án phẩm của họ. Từ đó ủng hộ người này, phủ định người kia. Xin hỏi liệu mấy vị có dùng chính từ điển của cụ Nguyễn Lân để viết thì tính sao.
    Tôi đã viết đòi hỏi từ điển phải đúng, phải chính xác 100%, 99% cũng không được. Từ điển là sách mẹ, sau này các sách con lại dựa sách mẹ để viết thành nếu sách mẹ sai thì thành sai hệ thống. Ngô Văn Phú,Đỗ Trung Lai - tôi không biết tuổi tác của họ, họ viết trước cụ Nguyễn Lân hay viết sau.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác nói phải lắm, nhỡ đâu cả Ngô Văn Phú với Đỗ Trung Lai cùng dùng từ điển Nguyễn Lân để viết nên sai cả đám. Ngoài ra, tác giả Thanh Hằng trong bài này còn dẫn ông Lã trọng Long, (có ghi mác TS, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Hải Phòng) ra để phản biện là Hoàng Tuấn Công sai thì thật buồn cười. Cứ hễ có cái bằng TS (chưa biết chuyên ngành gì), thì lời nói là khuôn vàng thước ngọc, bảo ai đúng ai sai cũng được hay sao?

      Xóa
  18. Không thấy một tý phản biện nào trong bài viết. Còn phải học nhiều nhất là vào lò ấp tiến sĩ nhé Thanh Hằng

    Trả lờiXóa
  19. Đã là tự điển thì phải chuẩn và mẫu mực, càng nhiều hiệu đính, bổ sung thì càng tốt chứ chê bai, cãi cọ mà làm gì. Về món chó, gà thì phương ngữ nhà cháu thường xui nhau: Lúc muốn thịt để ăn cho vừa mồm thì : Gà lấm lưng - Chó sưng L... . Thế nhé.

    Trả lờiXóa
  20. Hoan hô Thanh Hằng đã dũng cảm cứu cụ Nguyễn Lân. Tôi phải dùng từ "dũng cảm" vì bản thân Thanh Hằng chắc không biết chữ Hán, chữ Nôm. Tuy nhiên, phương pháp phản biện của Thanh Hằng là sai đấy. Sao phê phán Hoàng Tuấn Công lại không phân tích, cắt nghĩa theo quan điểm của mình mà lại dựa vào người này, người khác. Tôi nghĩ, bài phản biện của Thanh Hằng cứ như bản "gỡ băng" ghi âm được từ bàn cà phê nói chuyện phiếm. Mục đích chính của bài phản biện của Thanh Hằng là đây: "Vì thế, vài ý kiến cho rằng cần thu hồi Từ điển của GS. Nguyễn Lân là quá vội vàng, dù khẳng định nó chuẩn rồi cũng không nên. Cũng như đinh ninh rằng “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công là đúng cả thì càng nguy hại, dù cuốn sách cũng có những đóng góp nhất định trong bối cảnh tiếng Việt đang sinh sôi nảy nở như hiện giờ". Sao lai nói điều này khi chỉ bắt mấy lỗi (chưa hẳn đã là lỗi của Hoàng Tuấn Công) để nói rằng "vài ý kiến cho rằng cần thu hồi Từ điển của GS. Nguyễn Lân là quá vội vàng". Sao lại vài người hả Thanh Hằng? Phải nói là hàng triệu người chứ! Sao lại nói "“Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công là đúng cả thì càng nguy hại"? Một cuốn từ điển sai hàng vạn lỗi thì bảo không phát hành là "vội vàng" còn cuốn đang gây tranh cãi 7 lỗi thì lại bảo "nguy hại". Đọc bài của Thanh Hằng tôi dám chắc người này còn quá trẻ, thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm mà "dũng cảm" cầm cờ "hồng vệ binh". Thôi, Hằng ơi, cháu chịu khó học hành đi nhé, khổ ải đấy, vài ba chục năm sau nếu tự tin hãy viết bài phản biện Hoàng Tuấn Công!

    Trả lờiXóa