"NGUYÊN KHÍ" VÀ THÂN PHẬN KẺ SỸ...
Mở
đầu tác phẩm, Hoàng Minh Tường dẫn lời Thân Nhân Trung soạn cho văn bia
tiến sĩ đề danh khoa thi năm Nhâm Tuất (1442), trong đó có đoạn “…Hiền
tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà
hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc
đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén
chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”. Hoàng Minh Tường lấy Nguyên Khí
làm tựa đề, người đọc không mấy khó khăn cũng hiểu được tư tưởng chủ
đạo của nhà văn khi ông viết cuốn tiểu thuyết lịch sử này. Nói cách
khác, Nguyên khí chính là hồ sơ tổng hợp dưới dạng văn
chương của giới trí thức Việt Nam thời kỳ chế độ phong kiến thông qua
hình tượng điển hình: Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ.
Qua
tư liệu lịch sử từ các văn bản chính thống còn lại, người ta nhận ra,
có một sự khác biệt căn bản nếu so với các vương triều phong kiến chuyên
chế trước và sau nó. Đó là việc sát hại hoặc vô hiệu hóa hàng loạt công
thần khai quốc ngay khi chính quyền vừa mới được kiến lập theo phương
thức “điểu tận cung tàng”, dẫn đến khủng hoảng chính trị mà mãi mấy chục
năm sau Lê Thánh Tông mới khắc phục được.
Bối cảnh của tiểu thuyết Nguyên khí
được xây dựng vào đúng giai đoạn “nhạy cảm” ấy. Đây cũng chính là thời
kỳ mà người trí thức phong kiến bộc lộ rõ bản chất nhu nhược của họ, tuy
có tài kinh bang tế thế, nhưng bị chi phối bởi tư tưởng trung quân mù
quáng, lại không có thực quyền trong tay, nên đành mang tiếng là hèn,
chịu khuất phục trước cường quyền để bảo toàn mạng sống. Có thể nói,
ngay sau khi lưỡi đao tàn độc của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh cướp đi sinh
mạng 217 nạn nhân, vụ thảm án Lệ Chi Viên đã đặt ra những câu hỏi lớn
về lương tâm, trách nhiệm và luật pháp đối với nhà cầm quyền. Biết rõ là
một vụ án oan, hơn thế, hai nhân vật chính bị hành quyết lại là ân nhân
từng cứu mạng, vậy mà Lê Thánh Tông, với tư cách là Nam thiên Động chủ,
chỉ dám chiêu tuyết một cách nửa vời. Gần sáu trăm năm qua., lịch sử
dường như vẫn còn bỏ ngỏ. Có thể xem, Nguyên khí của Hoàng Minh Tường, chính là cuốn sách trả lời những câu hỏi đó…
Câu
chuyện khởi nguồn từ sự kiện tìm ra tập "Long Thành tạp ký" bằng chữ
Hán của Ứng Nhân Đoàn Khâm từ năm trăm năm trước gồm 5 quyển ghi chép về
Nguyễn Trãi và "Vụ án Lệ Chi Viên" do hai ông "cò" văn hóa Cao - Tháp
làm trung gian, và kết thúc cũng bằng một sự kiện động trời, khi bọn
trộm, nửa đêm đột nhập vào từ đường họ Đoàn lấy đi bộ sách quý.
Nguyên khí gồm 19 chương và "Phần cuối truyện" được bố trí xen kẽ 16 chương "kể chuyện" lịch sử theo nguyên tác của "Long Thành tạp ký" với 4 chương viết về thời hiện đại kết hợp những đoạn bình luận sắc sảo về thế sự, chính trị, văn chương, cùng những nhân vật có liên quan đến số phận bộ sách cổ là Hoàng giáo sư , “Thọt Bỉ nhân”, Chủ nhiệm Huỳnh Đạo, viên trung tá an ninh Phillip và hai ông quan chức "buôn văn hóa" rất có chính kiến Cao và Thấp.
Kiểu
viết xen kẽ xâu chuỗi này không mới ở tiểu thuyết hiện đại, nhưng với
tiểu thuyết lịch sử, nhất là lịch sử Việt Nam, thì đây là tác phẩm đầu
tiên sáng tác theo khuynh hướng này. Đương nhiên ta có thể coi đó là sự
đổi mới về mặt thi pháp.
Yếu
tố hiện thực và yếu tố hư cấu luôn song hành tạo nên những trường đoạn
kịch tính, dẫn dụ người đọc như là lạc vào một không gian nghệ thuật đầy
màu sắc với những mối quan hệ rằng rịt, phản ánh tinh thần lịch sử thời
đại và hai nhân vật ở trung tâm là Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ. Đọc Nguyên khí,
người ta cảm thấy như bị đắm chìm trong không khí lịch sử thời Lê sơ,
nhưng bỗng chốc lại "bị" tác giả kéo về thời hiện đại với những vấn đề
thời sự xã hội nóng bỏng, buộc ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ mà phải
trăn trở, suy ngẫm về tương lai đất nước, dân tộc…
Về hình thức, Nguyên khí được xem như loại tiểu thuyết chương hồi, bao giờ cũng được mở đầu bằng câu "Bây giờ lại nói về..." hoặc “Lại nói về…”,
nhưng hơi văn, mạch văn, khí văn và nhất là cách xử lý bố cục, tình
huống và hình tượng nhân vật thì hoàn toàn hiện đại. Có thể nói, ở đây,
tác giả chỉ sử dụng lối "giễu nhại" như một kiểu hoạt kê của loại tiếu
lâm dân gian, còn hồn cốt của nó vẫn luôn "chính tắc", tuân thủ khá
nghiêm túc thi pháp tiểu thuyết lịch sử.
Thực ra, Nguyên khí
không chỉ dừng lại ở một tiểu thuyết lịch sử, cho dù Hoàng Minh Tường
đã thành công trong việc dùng hình tượng văn học tôn vinh hai nhân vật
lịch sử lỗi lạc đầu triều Lê: Ức Trai tiên sinh và Đức Bà Lễ nghi học
sĩ. Nguyên khí còn mang phong cách của một chuyên luận
bằng hình tượng, nghiên cứu về thân phận người trí thức Việt xuyên suốt
các thời đại trong mối tương quan với nhà cầm quyền, từ đó quy nạp được
bản chất của tầng lớp nguyên khí này như một hiện tượng có tính phổ biến.
Kết
cấu "xâu chuỗi" có vẻ như khá tương thích với phương pháp sáng tác "Hậu
hiện đại". Các sự kiện diễn ra trong tiểu thuyết không liên tục theo
nguyên tắc tuyến tính mà luôn bị gián cách về không gian, thời gian, tạo
nên những khoảng lặng để người đọc suy nghĩ, phán đoán và đưa ra những
kết luận của riêng mình. Có thể thấy cách bố cục “phân mảnh” mang lại
hiệu quả đáng kể đối với sự tiếp nhận của người đọc. Ví dụ đang viết về
người nữ tượng nhân tài hoa Bùi Thị Hý với những lò gốm Chu Trang nổi
tiếng một thời bằng lối hành văn truyền cảm đầy ma lực thì bất chợt tác
giả nhảy cóc năm thế kỷ, kể về cái chân thọt của Bùi La Việt bị xe tằng
cán phải trong đêm cùng với Tiểu Mẫn tham gia biểu tình trên quảng
trường Thiên An Môn. Đáng chú ý hơn là lời kể của tác giả mang đậm phong
cách giễu nhại của tiểu thuyết Hậu hiện đại về một sự việc hoàn toàn
không có gì đáng cười. Hay, vừa dứt chương “Sử thần Ngô Sĩ Liên” hoàn
toàn nghiêm túc, ẩn dụ về cái hèn truyền kiếp của những trí thức được
gọi là kẻ sĩ trước cường quyền thì nhà văn lại dẫn ra một hình ảnh khá
là bi hài, tạo nên trận cười ra nước mắt ở chương “Chủ nhiệm Huỳnh Đạo”.
Ấy là vào ngày 17 tháng 12, các thành viên ban lãnh đạo CLB rủ nhau ra
viếng hương hồn liệt sĩ ở Đài Bắc Sơn Hà Nội. Lúc mới đầu các vị hăng
hái lắm, thế nhưng đến khi công an chặn đường cùng với những lời thuyết
phục của Phillip, thế là đoàn bị cắt đuôi, chỉ còn mỗi hai người đi đầu.
Có
thể nói tính giếu nhại ở đây đã tham gia với tư cách là một phương tiện
biếu đạt tư tưởng thẩm mỹ, không chỉ giới hạn ở những chương thuộc về
thời hiện tại, mà ngay cả với lịch sử, đôi khi tác giả cũng sử dụng thủ
pháp này. Điển hình hơn cả là đoạn Lê Nhân Tông chưa đủ hai tuổi được
đặt lên ngôi Hoàng đế, dưới sự nhiếp chính của Hoàng thái hậu Nguyễn Thị
Anh. Ông vua nhí này lúc lâm triều, bỗng nhiên “phịch một bãi ra hoàng bào rồi ngỏng chim tè vào mặt các quan đại thần”. Ấy vậy mà các quan xúm nhau lại xưng tụng đó là điềm lành.
Tuy
nhiên tính giễu nhại đậm đặc hơn cả thường được tác giả gài vào các
trang bình luận hành trạng của hai cán bộ “buôn văn hóa” với những mánh
khóe lừa bịp ông trưởng họ Đoàn về 5 cuốn sách cổ cũng như những lời tự
trào phảng phất thói lưu manh qua những toan tính thớ lợ.
Cao
và Thấp là hai nhân vật khá độc đáo được miêu tả cả ngoại hình lẫn hành
vi một cách khái quát nhưng rất điển hình, rất sinh động cho một kiểu
nhân vật có tính cách phức tạp. Hai nhà văn hóa này có thể được xem như
những cá thể được hình thành sau quá trình phân mảnh tiểu thuyết tiêu
biểu cho khuynh hướng Hậu hiện đại. Họ hiện diện trong Nguyên khí
chỉ là nhân vật ngoại biên, nhưng thực ra lại là nguyên nhân của mọi
nguyên nhân. Đó là cặp bài trùng thuộc loại “lưỡng cư” mang gene đột
biến xuyên suốt sáu thập kỷ, không tìm thấy ở bất cứ bộ tiểu thuyết sáng
tác theo phương pháp Hiện thực XHCN nào trước đây. Dưới con mắt của nhà
chức trách thông qua trung tá Philip, thì Cao và Thấp là “hai ông buôn
văn hóa”, nhưng thực chất họ là những con người đầy bản lĩnh, có học vấn
đáng nể và một phông văn hóa không “lùn”. Nếu chỉ xét về ngoại hình(
đối lập nhau như Don Quijote - Sancho Panza), và cách chơi sành điệu (xe
hơi Vios, bật lửa Zippo khủng, tẩu thuốc nạm vàng 24k vốn là vật tùy
thân của cụ Nguyễn) cũng như những lời thì thầm bàn nhau âm mưu chiếm
đoạt bộ “Long thành tạp ký” để bán cho một đai gia chơi đồ cổ Sài Gòn,
thì ta không còn phải băn khoăn khi xếp họ vào thành phần văn hóa lưu
manh. Có điều, nếu chỉ như thế thì Cao và Thấp không phải là nhân vật
đáng quan tâm. Cái khác người ở Hoàng Minh Tường là, ông đẩy hai “nhà
buôn” này lên một cấp độ mới, thoát ly hẳn hệ thẩm mỹ truyền thống như
là một sự đổi mới thi pháp tiểu thuyết. Nói chính xác, ngoài phẩm chất
lưu manh, Cao và Thấp còn là sản phẩm tất yếu của thiết chế văn hóa thời
đại mới được hình thành mấy chục năm gần đây, bao hàm cả mặt sáng và
phía âm u của nó. Nếu như, lúc ở nhà ông trưởng họ Đoàn, Cao lộ nguyên
hình là một con buôn: “Đừng già néo đứt dây. Giá ấy được rồi. Hẹn với nó, nếu có bản gốc, mình chỉ lấy năm mươi ngàn đô…”; hay khi muốn ve vãn giáo sư Hoàng: “Chúng
em chỉ là những kẻ sưu tầm văn hóa. Làm giàu cho văn hiến nhiều khi
quên cả bản thân mình. Thiển nghĩ đây là một cổ vật, một di sản của cha
ông, đã nhận lời dòng họ Đoàn tìm người dịch. Biết là chỉ giáo sư mới
xứng tầm làm việc này, nên mới tìm đến đây. Cho phép chúng em để một bản
lại để ông anh đọc qua. Nếu thấy nên và cần dịch thì chúng em sẽ thưa
chuyện tiếp. Xin gửi ông anh chút quà, gọi là để thỉnh giáo”, thì trong cuộc gặp mặt với chủ nhiệm Huỳnh Đạo và dịch giả Hoàng Nguyên sau này, anh ta có những nhận xét đầy trí tuệ: “Dịch
tác giả này (Mạc Ngôn) mà chỉ chuyển ngữ thuần túy là không thành.
Người dịch phải mộng du với tác giả, cùng đi với các nhân vật, đi suốt
các vùng đất mà tác giả chọn làm bối cảnh” hay: “Con
không tin ngòi bút của sử gia họ Ngô lại thẳng được đâu bố ạ. Các vàng
Ngô Sỹ Liên cũng không dám chép đúng sự thật. Mấy sử gia được như anh
em nhà Thái Sử Bá nước Tề ? Kẻ sĩ Long Thành xưa nay đều hèn và run sợ
trước quyền lực, trước bả vinh hoa phú quý”.
Tóm
lại, Cao và Thấp là một hiện tượng văn hóa, chỉ xuất hiện vào những
thời điểm lịch sử nhất định khi mà kiến trúc thượng tầng xã hội không
tương thích với cơ sở hạ tầng kinh tế, cần phải được các nhà khoa học
hàn lâm nghiên cứu như một đề tài xã hội học. Bởi lẽ, chính Cao và Thấp
làm cho cuộc sống của dòng họ Đoàn làng Động cũng như giáo sư Hoàng, chủ
nhiệm Huỳnh Đạo, giới văn hóa đô thành sinh động hẳn lên qua sự xuất
hiện “Long thành tạp ký” cùng với sự biến mất một cách khó hiểu của nó.
Dưới
ngòi bút Hoàng Minh Tường, cái gọi là “Lam Sơn hội” của phe nhóm Nguyễn
Thị Anh có gì đó giống như một đảng lục lâm bởi “hội viên” của tổ chức
độc tài này gồm toàn những tay đao búa hành xử thông qua tôn chỉ mục
đích “Lam Sơn hội là hội cầm quyền”, “còn phe Lũng Nhai còn mình” nên đã
thẳng tay trừng phạt 63 trẻ chăn trâu hát bài đồng dao cùng 39 kẻ cừu
địch theo điều luật của Hội. Chưa hết, phía sau những kẻ sĩ đáng kính
như giáo sư Hoàng, tiến sĩ Bùi La Việt, nhà sử học Huỳnh Đạo, hình như
lúc nào cũng có bóng dáng trung tá an ninh Philip. Những “nguyên khí quốc gia”
này, hoàn toàn không có quyền miễn trừ, rất có thể bị câu lưu bất cứ
lúc nào nếu họ thể hiện lòng yêu nước của mình mà không xin phép nhà
chức trách. Tội danh “các thế lực thù địch” đã được đưa vào “Từ điển giễu nhại” trong Nguyên khí
không phải chỉ để nói cho vui. Chính vào ngày kỷ niệm 17 tháng 2, ngay
dưới chân tượng đài Lê Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm đã có một số thanh niên
biểu tình chống ngoại xâm bị …”nhập kho”. Từ sự kiện chiếc quần silip
phụ nữ dùng dở vứt trong thùng rác phòng nghỉ, viên trung tá an ninh
“phá” được một vụ án quan trọng đã ngầm đưa đến cho người đọc thái độ
giễu nhại. Nhưng kịch tính của câu chuyện còn được đẩy lên cao trào, làm
bất cứ ai cũng phải phá lên cười khi mà cái biên bản do chính ông sĩ
quan mẫn cán lập “tại hiện trường” lại biến cái quần chíp che chỗ “nhạy
cảm“ của đàn bà thành một thứ danh từ riêng của ngôn ngữ phương Tây. Tuy
nhiên sự việc chưa dừng lại ở trình độ chuyên môn của một viên chức nhà
nước như Phillip mà người đọc còn đi xa hơn nhờ phương pháp liên văn
bản. Chiếc silip dùng dở liệu có phải là phiên bản của “hai bao cao su
dùng dở” trong vụ án nổi tiếng “vừa tức vừa buồn cười” nhằm hạ gục nhà
dân chủ cấp tiến vì ông tiến sĩ này dám kiện đích danh một quan chức
chóp bu sau khi ký duyệt dự án cho người nước ngoài khai thác tài nguyên
mà không xin phép Quốc hội?
Tính liên văn bản trong Nguyên khí
là khá phổ biến. Gần như chương nào cũng có những tài liệu cần tham
khảo chẳng những cho người viết, mà còn rất cần thiết cho đối tượng tiếp
nhận nếu người đọc muốn có được cái nhìn toàn cảnh câu chuyện phía sau
những con chữ (Từ đó có thể thấy tính liên văn bản và giễu nhại được gọi
là “hoạt kê” trong tiểu thuyết hư cấu Việt Nam đã có từ trước khi lý
thuyết sáng tác Hậu hiện đại được du nhập vào).
Có thể thấy, các văn bản được liên kết với Nguyên khí,
kể cả văn bản “hư cấu” là khá phong phú nhưng được “chèn” vào theo
nhiều kiểu khác nhau, tạo nên một tổng thể đa dạng trên cơ sở một kết
cấu mở, có khả năng kích thích trí tưởng tượng của người đọc, từ đó hình
thành những văn bản phái sinh, bổ sung cho văn bản gốc thêm phong phú
hoặc đề xuất ý kiến phản biện. Văn bản đầu tiên, tuy chỉ là hư cấu nhưng
khá quan trọng, bởi nó được xem như “văn bản gốc”. Đó là “Long thành
tạp ký”. Cũng bởi cuốn sách bằng chữ Hán trung đại nên mới nảy sinh bộ
ba nhân vật giáo sư Hoàng, nhà sử học Huỳnh Đạo và tiến sĩ Bùi La Việt.
Tiếp đó là hàng loạt văn bản được huy động vào quá trình dịch thuật,
bình giá nội dung cuốn sách cổ như “Quốc âm thi tập”, “Ức Trai thi tập”,
“Đại Việt sử ký toàn thư”, “Tam triều bản kỷ”, “Bình Ngô đại cáo”, “Vạn
Kiếp tông bí truyền thư”, “Hồng Mai bút ký”, các bài đồng dao, “Báu vật
của đời’, “Cây tỏi nổi giận”, “Rừng xanh lá đỏ’, “Đàn hương hình”, “Đi
tìm cái tôi đã mất”, v.v…
Tất
cả những tác phẩm trên, dù là hiện thực lịch sử hay hư cấu nghệ thuật
ít nhiều đều liên quan đến thủ pháp liên văn bản. Chỉ cần lấy ví dụ, từ
bộ sách chữ Hán “Long Thành tạp ký” cách đây hơn năm trăm năm, mà phải
nói trăm phần trăm là hư cấu, Hoàng Minh Tường làm nhóm giáo sư Hoàng
Nguyên, “Thọt bỉ nhân”, Cao và Thấp cùng đông đảo bạn đọc phải đau đầu
bởi hàng loạt tài liệu phụ trợ đông tây kim cổ phục vụ cho việc dịch
thuật. Đó còn chưa nói đến sự bùng nổ thông tin, sự liên tưởng đa chiều
về những quan điểm thẩm mỹ trung tâm - ngoại biên, chính thống, phi
chính thống, hiệu ứng của tác phẩm văn học và nhận diện đâu là một nền
văn hóa chính danh.
Xen
kẽ với các chương về Ức Trai tiên sinh, Đức bà Lễ nghi học sỹ bằng lối
văn kể nghiêm túc, thấm đẫm tinh thần lịch sử, những chương viết về
tượng nhân Bùi Thị Hý, ni cô Tiểu Mai hay chàng Nguyên Phong lại vô cùng
hấp dẫn, đôi khi phóng túng, phá cách của tiểu thuyết hiện đại, nhưng
hết thảy đều mang dấu ấn sáng tạo. Qua nhân vật Bùi Thị Hý, người ta mới
hiểu được một thời rực rỡ của nghề làm gốm Chu Đậu vùng Nam Sách. Mối
tình nồng nàn giữa đôi trai tài, gái sắc Tiểu Mai - Nguyên Phong khiến
ni cô mười bảy tuổi giã từ cửa Phật là bài ca đẹp làm người đọc bâng
khuâng.
“Thọt bỉ nhân” cũng là một nhân vật cần phải bàn của Nguyên khí.
Ngoại trừ nhân thân rất phức tạp bởi hai dòng máu, hai quốc tịch và
những hoạt động dân chủ khiến nhà đương cục lúc nào cũng chiếu cố “chăm
sóc”, Bùi La Việt là nhà nghiên cứu Hán Nôm có trình độ uyên bác, đồng
thời là nhà ngoại cảm có thể giao tiếp được với hồn người chết. “Thọt bỉ
nhân” là tính cách hư cấu đầy sáng tạo trên cơ sở một vài hình mẫu thực
ngoài đời. Anh cũng chính là mắt xích quan trọng trong việc làm rõ nỗi
oan khuất của vụ án Lệ Chi Viên.
Cuộc
“nói chuyện” với quan thổ địa họ Phạm cùng Lê Thái Tông, thực chất
giống như lời khai của nhân chứng đồng thời cũng là người bị hại trước
Tòa đại hình. Tất cả chứng cứ mà Lê Nguyên Long đưa ra trong âm mưu đầu
độc của phe nhóm Nguyễn Thị Anh dường như đều phù hợp với những suy luận
của chúng ta, hoàn toàn khác với chính sử. Đây chính là góc khuất của
lịch sử một khi lịch sử bị nhóm lợi ích Lam Sơn của những quyền thần đầy
tham vọng như Nguyễn Phù Lỗ, Lương Đăng, Tạ Thanh thao túng. Đến đây ta
càng thấm thía lời cảm thán của giáo sư Hoàng Nguyên: “Buồn nhất là
một xã hội không sòng phẳng, một xã hội xử lý mọi vấn đề quốc gia đại
sự bằng những hộp đen. Cụ Phan Phu Tiên, cụ Ngô Sỹ Liên cũng cùng một
duộc như kẻ sĩ chúng ta bây giờ mà thôi. Người ta cắt cái sổ hưu là mình
toi. Con cháu mình mất đường sống. Biết bao cây bút cùn mòn không viết
nổi. Tài danh như nhà văn Nguyễn Khải mà trước khi chết phải thổ ra một
bãi huyết 19 trang “Đi tìm cái tôi đã mất” rồi mới chết nổi… Nhà cầm
quyền coi vương triều và quyền lực như một cái hộp đen, chỉ riêng họ
biết và định đoạt. Mọi nhà nước độc tài bây giờ cũng là một phiên bản
khác của phong kiến mà thôi. Họ muốn cha truyền con nối, muốn duy trì
quyền lực vĩnh viễn. Họ đâu cần một xã hội công dân…”.
Bùi
La Việt là nhà văn hóa đích thực, có sự đóng góp quan trọng vào việc
dịch và chú thích quyển năm “Long thành tạp ký”. Xây dựng chân dung Bùi
La Việt, Hoàng Minh Tường huy động khá nhiều nguồn dự trữ tư liệu lịch
sử chính thống cũng như phi chính thống, trung tâm cũng như ngoại biên,
cộng với vốn kinh nghiệm phong phú của một cây bút tiểu thuyết thuộc vào
hàng đầu của nền văn học Việt Nam.
Như
trên đã nói, cũng như giáo sư Hoàng, Bùi La Việt là một nhân cách văn
hóa, nhưng cũng khác giáo sư Hoàng ở chỗ, anh là một trí thức dấn thân,
bất chấp cường quyền, sẵn sàng “nhập kho” bất cứ lúc nào nhưng không thể
không tham gia những cuộc biểu tình yêu nước ôn hòa chống xâm lược. Tuy
nhiên, cách miêu tả ngoại hình cũng như hành trạng của “Thọt bỉ nhân”
lại được tác giả sử dụng lối hài hước, phúng thích, thậm chí gây cười
ngay cả với những độc giả nghiêm túc.”Thọt bỉ nhân”(kẻ thọt hèn kém)
chính là cái tên do Bùi La Việt tự đặt cho mình, đồng thời cũng là tên
một trang web của anh cùng với vốn kiến thức phong phú của một tiến sĩ
xã hội học, khiến anh nổi tiếng khắp Hà thành. Nhận xét của “Thọt bỉ
nhân” về công lao và vai trò chính khách cấp tiến của Triệu Tử Dương
cũng như những câu hỏi thông minh đặt ra với vong hồn vua Lê Thái Tông
càng chứng tỏ anh chàng tiến sĩ lãng tử này là một cao nhân. Tiểu thuyết
Nguyên khí có thể thiếu đi trung tá Philip, thiếu ông
“Lỗi hệ thống’ hay ông “Sổ hưu” nhưng không thể thiếu “Thọt bỉ nhân”.
Bùi La Việt trong một bố cục phân mảnh bởi cả không gian và thời gian,
cả ý thức hệ cũng như tâm thức lịch sử, luôn hiện diện trong tiểu thuyết
như một chiếc cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa thế giới âm tào
lắm oan hồn và cõi dương gian đầy ma quỷ. Thiếu Bùi La Việt, Nguyên khí
hẳn là sẽ giảm sức hấp dẫn, cho dù Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ vẫn là
hình tượng trung tâm sáng ngời nhân cách, lấp lánh trí tuệ.
Trong
sự dẫn dắt mạch truyện, cảnh hành hình 217 nạn nhân được tác giả sử
dụng lối miêu tả gián cách, trong đó chỉ có vài dòng thoáng qua về những
người phụ nữ mang thai và cả những đứa trẻ còn ẵm ngửa nhưng cũng làm
người đọc đứng tim bởi sự dã man, tàn bạo đến tận cùng của của đám “Lam
Sơn hội”. Nỗi oan khiên làm cho trời sầu đất thảm, mây mù vần vụ, khiến
chúng ta, với tư cách là đối tượng tiếp nhận, không thể không liên
tưởng đến những câu thơ nhỏ máu của nhà thơ Trần Mạnh Hảo:
“Trên đường pháp trường con dâu ta trở dạ
Tiếng cháu thét chào đời như tiếng nghìn chim lợn báo tang
Đội ơn vua ban tã lót
Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt!
Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình
Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ”.
(Nguyễn Trãi trước giờ tru di)
Sợ
đối diện với công lý, sợ hãi nhân dân, và nhất là sợ bị cướp pháp
trường, Nguyễn Thị Anh và đồng bọn không dám công khái xử án trước thanh
thiên bạch nhật mà lại dựng lên một phiên tòa giả ở Ô Cầu Bò để đánh
lừa bách tính. Một triều đại phế bỏ pháp luật, sợ dân như sợ cọp, đám
quan lại tham nhũng, đục khoét lương dân, trong khi “Lam Sơn hội” lại có
quyền tối thượng định đoạt vận mệnh quốc gia, coi người trí thức như kẻ
tôi đòi, thì vương triều ấy hiển nhiên không phải chính danh. Một triều
đình mà quan chức hành xử giống như đám lục lâm thảo khấu (chữ của Nguyễn Huy Thiệp trong truyện ngắn “Nguyễn Thị Lộ”)
không bao giờ dung nạp được những nhân cách lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn
Thị Lộ, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Giết vợ chồng Nguyễn Trãi đồng
nghĩa với việc thủ tiêu nguyên khí quốc gia. Cho nên, không có gì lạ,
nhà Hậu Lê cũng chỉ hưng thịnh được khoảng vài chục năm thời Lê Thánh
Tông, còn sau đó rơi vào tình trạng khủng hoảng triền miên dẫn đến cuộc
nội chiến Trịnh Nguyễn phân tranh, kéo dài gần hai trăm năm gây ra bao
thảm cảnh, đất nước tan hoang, lòng người ly tán.
Cuối cùng, để khép lại bài viết , không thể không có đôi lời với các nhà chép sử. Đọc xong Nguyên khí,
người ta có quyền nghi ngờ độ trung thực của các cuốn thông sử vốn được
coi là văn bản chính thống có đầy đủ tư cách pháp nhân để hậu thế soi
vào đấy mà sửa mình thành chính nhân quân tử. Qua vụ án “Lệ Chi Viên”,
người đời còn ngộ ra một điều nữa là Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ bị
chết đến hai lần. Lần thứ nhất là bởi “Lam Sơn hội”, tức triều đình
phong kiến chuyên chế dưới bàn tay dàn dựng của Thái hậu Nguyễn Thị Anh.
Lần thứ hai bởi Ngô Sỹ Liên và các sử thần trong Quốc sử quán. Cuộc
diện kiến Nguyễn Thị Anh và cái chức Đô ngự sử, đã biến Ngô Sỹ Liên từ
một tân khoa tiến sĩ có hùng tâm tráng chí, thành kẻ bồi bút chuyên
“sáng tác” Quốc sử, phục vụ mưu đồ đen tối của tập đoàn thống trị độc
tài.
Ngô
Sỹ Liên chính là hình ảnh tiêu biểu cho tầng lớp trí thức Đại Việt, bị
nhà cầm quyền khinh bỉ như những thân phận hèn kém, và sử dụng như gã
thư lại, sẵn sàng bẻ cong ngòi bút trước bạo lực và bả vinh hoa. Chính
bởi những sử gia như Ngô Sỹ Liên, lịch sử dân tộc Việt, trong khá nhiều
trường hợp, không phản ánh đúng diện mạo xã hội đương thời, dẫn đến tình
trạng, các thế hệ sau nhận thức rất mù mờ về cha ông mình. Ta hãy đọc
lại đoạn ghi chép rất tùy tiện về vụ án “Lệ Chi Viên” trong ĐVSKTT thì
sẽ biết được tư cách kẻ sĩ của Ngô Sỹ Liên: “…Trước đây, vua thích
vợ Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người đẹp, văn chương hay, gọi
vào cung cho làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần
miền Đông, về đến vườn Lệ Chi xã Đại Lại trên sông Thiên Đức, vua thức
suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng (…). Mọi người đều nói là Nguyễn Thị
Lộ giết vua”. Không chỉ cố tình chép sai sự thật mà sử gia họ Ngô còn nhẫn tâm thả một lời bình rất bất lương (chữ của nhà văn Hoàng Quốc Hải) về Đức bà Lễ nghi học sĩ: “Nữ
sắc làm hại người quá lắm. Thị Lộ là một người đàn bà thôi, Thái tôn
yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, chẳng nên
răn lắm ru?” (ĐVSKTT, tập III, bản dịch, NXB KHXH, 1972, trang 131).
Với
Ngô Sỹ Liên, lịch sử không phải là tấm gương để hậu thế soi vào để sửa
mình, thực chất là dùng những lời hoa mỹ dối trá tô vẽ cho chế độ đương
thời cho dù đấy là một vương triều độc tài đầy tội ác. Để kiểm chứng
ngòi bút “ngụy sử” của họ Ngô, độc giả chỉ cần tham khảo thêm một chi
tiết trong “Chiếu đại xá thiên hạ” của Lạng Sơn vương Nghi Dân sau khi
thanh toán mẹ con Nguyễn Thị Anh, lên ngôi Hoàng đế: “Trẫm là con
trưởng của Thái Tôn Văn hoàng đế, ngày trước đã làm Hoàng thái tử, không
may Tiên đế đi tuần miền đông, bỗng băng ở ngoài, Nguyễn thái hậu muốn
vững quyền vị, ngầm sai Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, cho trẫm làm
phiên vương. (…)Cho nên từ đó đến giờ, hạn sâu liên tiếp, tai dị xảy
luôn, đói kém lưu hành, nhân dân cùng khốn. Diên Ninh ( tức Nhân Tông)
tự biết không phải là con của Tiên đế, vả lại lòng người lìa ta, ngày
mồng 3 tháng 10 năm nay khiến trẫm thay ngôi…”. (ĐVSKTT, tập III, bản dịch, NXB KHXH, 1972, trang 170).
Như
vậy, chân dung sử thần Ngô Sỹ Liên, được Hoàng Minh Tường tái hiện là
có cơ sở khoa học từ những sử liệu đáng tin cậy. Đến đây, chúng ta cũng
có thể mượn lời của chính vị Đô ngự sử đài, nói ngược lại theo kiểu giếu
nhại của khuynh hướng sáng tác Hậu hiện đại như sau: “Sỹ Liên chỉ là
một thái sử lệnh, bị Nguyễn Thị Anh vừa dọa dẫm vừa mua chuộc, đến nỗi
bán rẻ cả nhân cách kẻ sĩ. Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ là bậc trung thần,
vì ngòi bút “ngụy sử” của họ Ngô mà phải chết đến hai lần, há chẳng
đáng trách lắm ru?”.
Chí Linh, năm Quý tỵ, rằm tháng bảy, mùa Vu lan
Đặng Văn Sinh
Nguồn: Trần Nhương.net
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét