Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

Tin HOT: QUỐC SƯ VŨ KHIÊU ẴM GIẢI CAO NHẤT CUỘC THI VĂN BIA


Loa ...loa ...loa loa
Tin Nóng đây! Quốc sư Vũ Khiêu ẵm Giải cao nhất sáng tác VĂN BIA 
 "Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định"
nhưng không hiểu sao cách mạng lại không nối với TP Hồ Chí Minh.

100 tuổi (thực ra là 98 tuổi) cụ vẫn bay Sài Gòn nhận giải.
Hân hoan chúc mừng ! 
Chúc mừng thí sinh cao tuổi Vũ Khiêu, Quốc sư, Anh hùng lao động thời Doi Moi.
____________

Đài Vê Ô Hát - Tiếng nói Sài Gòn vừa loan tin lúc chập tối:
Thành ủy trao giải Cuộc vận động sáng tác Văn bia 
“Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”:
Giáo sư Vũ Khiêu đoạt giải cao nhất
18:16 26/10/2014 

(VOH) - Sáng 26/10, Thành ủy TPHCM tổ chức lễ công bố kết quả và trao giải cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”. 

Báo cáo về quá trình tổ chức thực hiện Cuộc vận động sáng tác Văn bia “Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định”, bà Thân Thị Thư - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cho biết: Qua hơn 8 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 58 bài dự thi của các tác giả, trong đó có các nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, nhà báo, giáo viên, những người hoạt động thực tiễn và có cả những đoàn viên thanh niên trẻ tuổi… hiện đang sinh sống, công tác tại TPHCM và các tỉnh thành và có 1 tác giả ở nước ngoài cũng hưởng ứng tham gia sáng tác.
.
  
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP trao giải khuyến khích cho 4 tác giả. 
Ảnh: Minh Hiệp

Ban tổ chức đã trao 4 giải khuyến khích, 2 giải ba và 1 giải nhì cho các tác phẩm đạt giải. Giáo sư - Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đạt giải nhì (giải cao nhất) với bài viết “Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đất linh thiêng rợp bóng anh hùng”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh về truyền thống đấu tranh hào hùng của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định. Việc tổ chức cuộc vận động sáng tác Văn bia nhằm khắc họa sâu sắc lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; tôn vinh, tri ân các đồng chí lãnh đạo, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ đã có công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân; qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo; phát huy cao độ truyền thống vẻ vang ấy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 
Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải trao giải Nhì (giải cao nhất) cho GS Vũ Khiêu. Ảnh: Minh Hiệp

Sau lễ trao giải, Thành ủy công bố, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với 1 tác phẩm đạt giải nhì và 2 tác phẩm đạt giải ba, góp phần hoàn thiện cả về nội dung và hình thức tác phẩm trước khi quyết định tạc dựng chính thức vào Bia trong khuôn viên Khu Truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định tại huyện Củ Chi.

Thời gian lấy ý kiến đóng góp trong 6 tháng, từ ngày mai 27/10 đến hết ngày 10/4/2015 trên Báo Sài Gòn Giải Phóng, Tạp chí Sổ tay Xây dựng Đảng, Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố, Website Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Website Hội Nhà văn thành phố. 

Minh Hiệp
Nguồn: VOH.
_________________

Vì BCT chưa công bố bài văn được giải cao Nhất của thí sinh Vũ Khiêu, nên chúng tôi mời chư vị tạm thưởng thức các bài văn bia đã được đục trên đá của Cụ Vũ Khiêu - Giáo sư, Anh hùng Lao động thời DoiMoi do nhà báo Xuân Ba lẩy và bình:

Chờn chợn văn bia thời...@

Xuân Ba
1. 
Công trình tưởng niệm Hang Tám Cô trên đường 20 Quyết Thắng có một tấm bia lớn.

Lần đó ghé thăm thắp hương, tôi kính cẩn ngước lên những dòng quốc ngữ chĩnh chện  trên bia: 

“Đường 20 một miếu khang trang,
“Đỉnh Quyết thắng trăm cờ khánh tiết.
Tưởng niệm những anh hùng xót thương bao nghĩa liệt.
Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi mãi trường tồn.” 

Trong số khách tham quan, có tiếng suýt xoa tấm tắc rằng lời văn bia nghe hoành tráng quá. Tôi cúi và lại gần hơn để dòm. Tác giả văn bia là Anh hùng Lao động thời Đổi mới GS Vũ Khiêu phụng soạn!

Anh bạn đồng nghiệp khoe thêm rằng GS là người nổi tiếng từng soạn nhiều văn bia ở các công trình tưởng niệm này khác...Nhưng giọng hơi ồn ào của mấy anh lính trẻ đã làm tôi cụt hứng. Họ nói ngay với cái bác vừa xuýt xoa kia rằng, các bác biết khối đá khốn kiếp chặn cái hang này khiến các chị ấy phải chết tức tưởi. Theo cháu thì bia kia chỉ ghi vắn tắt mấy dòng mà ai cũng nhớ cũng thuộc được Mẹ ơi, Bầm ơi (vì có người hy sinh quê ở miền trung du Phú Thọ mà) “Các anh ơi cứu chúng em với! Không thở được...” 

...  Lúc rời khu tưởng niệm, không khí trên xe chợt ắng lặng. Ông bạn đồng hành (hàm Tiến sĩ) thở dài buông câu nói chữ vị phi toàn phi (chưa hẳn đã hoàn toàn sai)  rằng mấy cậu lính ấy nói nghe cũng có lý. Thay vì những lời to tát hoành tráng kia lời mộc mạc đơn sơ nh­ưng sẽ nhói lòng bao thế hệ mai sau bằng ngay chính tiếng kêu tuyệt vọng của các cô trong những ngày bi thư­ơng hấp hối ấy.

2. 
Nếu du khách lâu lâu chưa về cố đô Hoa Lư đến trước Đền vua Đinh Vua Lê sẽ thấy khang khác bởi những khoảnh ruộng võng vãnh nước vào cữ thanh minh này chẳng còn xanh rờn sắc lúa xuân. Những khoảnh ruộng nay đó biến mất và thay bằng một khoảng đất bằng và chễm chệ trong ấy là một nhà mái cong che tấm bia to tướng...

Những khoảng ruộng trước vốn được ăn thông với con sông nhỏ Sào Khê. Sào Khê lại nhập với sông Hoàng Long. Hồi xa x­a có lẽ thuyền ngự của các vua đã từng soi bóng và áp sát bậc thềm rồng. Có cái tên Hoàng Long là thế!

Khoảng đất nện rộng thênh có thời dùng làm sân vận động. Dân ở đây gọi là “bãi hội”.

Bãi hội là nơi tổ chức những cuộc mít tinh làm bãi đậu xe. Nhà bia khá đồ sộ có những 16 chiếc cột bê tông phi 40 giả gỗ. Tấm bia đá cũng sừng sững trên khắc công tích của tiền nhân và việc dời đô.

Mải cúi ngó lướt nội dung cho đến dòng cuối Anh hùng lao động GS Vũ Khiêu phụng soạn tôi không để ý đến ông bạn Như Phong cùng đi đang thao thao với mấy ông đứng tuổi chắc quê ở đây? Nhà báo, nhà văn Như Phong (chắc từng  thạo thủy thổ vùng này) nói chả nên làm cái việc lấp ruộng trước Đền Vua Đinh vua Lê để làm bãi hội mà khơi một cái hồ thông với Sào Khê với sông Hoàngg Long. Có được một con hồ vừa giữ hay mô phỏng thế phong thủy hậu sơn tiền thủy thuở trước của hai ngôi Đền thiêng. Rồi du khách đến đây sẽ được ghé thuyền lên Đền như ngày xưa các vua và cả Lý Công Uẩn đã từng ghé! Hồ sẽ thả sen, súng cây trồng xung quanh thì tuyệt!

Không biết Như Phong nói trúng trúng trật trật đến đâu nhưng mấy cụ có vẻ hưởng ứng lắm. Một cụ nói ngay những việc ấy trên quyết cả, địa phương không được biết, được quyết đâu các ông ạ! Một cụ khác thở dài chép miệng rằng, nếu cái nhà bia kia chỉ chép cái việc ghi dấu tích Lý Công Uẩn dời đô cùng việc Ninh Bình đi lên công nghiệp và hiện đại hóa thì cơ man nào là vách đá dưới chân Mã Yên sơn ngay trước đền Vua Đinh kia, Ninh Bình thiếu chi thợ đục đá tài hoa, bạt ra một khoảng đá khắc chữ quốc ngữ hay chữ nho thì tùy! 

Một ông trong đoàn nhanh nhẩu rằng “cụ dạy chí phải”! Nếu làm được vậy thì tấm bia rất tự nhiên kia gần như thiên tạo sẽ cực ăn với cảnh quan nơi thắng tích này chứ nhà bia sừng sững thế kia ngó hơi bị chuế!

Tôi nghe vậy thì chỉ biết vậy! 

3. 
Núi Dũng Quyết, Nghệ An từng được coi là huyệt đạo của Trời Nam. Huyệt đạo ấy từng bị Cao Biền trấn yểm (?) nơi mà sau này La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp bày cho Nguyễn Huệ Quang Trung xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô. Đền thờ vua Quang Trung nằm trên đỉnh núi thứ hai, thuộc chi Phượng Dực, trên độ cao 97m so với mực nước biển, được khởi công xây dựng từ ngày 15/8/2005, đến ngày 7/5/2008 làm lễ khánh thành và mở hội phục vụ khách tham quan, là công trình kỉ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung đô.
.

Trên Đền có tấm bia đá ghi sáu câu thơ lục bát của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hoàng đế Quang Trung được trích trong Diễn ca Lịch sử nước ta Bác viết năm 1941.

Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
Ông đà chí cả mưu cao
Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
Cho nên Tàu dẫu làm hung
Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà… 

Nghe đâu có vài vị mũ cao áo dài cộng với mấy lần có du khách đến viếng Đền có sắc mắc: Tại sao lại gọi Hoàng đế Quang Trung là “kẻ’’?! Với lại mấy câu này hơi bị nôm na thế nào (?).

  .

Cũng là để chiều lòng du khách nên có người (chưa rõ là có sự chỉ đạo của Ban quản lý di tích hay không?) đã làm thêm một phiên bản mới với nội dung khác chồng lên để  xem coi  phản ứng của du khách (!?). Thời điểm ấy, đền lại đặt một tấm bia mới, nội dung ca ngợi công đức Quang Trung. Nội dung chắc các bạn cũng đoán ra ai là tác giả? Lại do Anh hùng lao động thời Đổi mới GS Vũ Khiêu phụng soạn.

Việc thử nghiệm phản ứng của du khách ấy đã bị làn sóng phản đối dữ dội khắp trong Nam ngoài Bắc (nhất là dân Bloggers). Dư luận xôn xao rằng Nghệ An cả gan xóa thơ Bác Hồ!

Việc thử nghiệm phiên bản nói trên, sau một thời gian ngắn, may thay đã kịp chấm dứt.

Thời điểm ấy, tôi có việc đến chỗ nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội văn bút Hà Thành. Nhân ông vừa có chuyến đi vô Vinh, trao đổi lại cái ý thanh minh ấy của người nhà Đền thì bất đồ ông Nguyên đỏ bừng mặt. Chất giọng ông oang oang rằng, trong 208 câu của bản diễn ca Lịch sử nước ta,  Bác Hồ ba lần dùng chữ “kẻ”. Đầu tiên là với ông vua sáng lập nhà Lý: “Công Uẩn là kẻ phi thường”. Y như câu cho Nguyễn Huệ. Ông Hồ chỉ dùng chữ “phi thường” cho hai nhân vật lịch sử này vì quả là họ phi thường thật: Lý Công Uẩn là người có nhãn quan chính trị lớn nên đã dời đô từ rừng núi về đồng bằng, mở đầu thời đại phát triển độc lập của quốc gia Đại Việt; Nguyễn Huệ là người có thiên tài quân sự đột biến trong lịch sử Việt Nam, đánh nhanh thắng nhanh, thần tốc, táo bạo. Nói vậy để thấy ông Hồ dùng chữ “kẻ” ở đây không hề là khinh xuất. Trước khi nói về Nguyễn Huệ, từ “kẻ” lại được ông Hồ dùng để chỉ cả ba anh em nhà Tây Sơn: “Nguyễn Nam, Trịnh Bắc đánh nhau / Thấy dân cực khổ mà đau đớn lòng / Dân gian có kẻ anh hùng / Anh em Nguyễn Nhạc nổi vùng Tây Sơn”. Chữ “kẻ”, như thế, dưới ngòi bút của Chủ tịch Hồ Chí Minh không hề là xách mé, tầm thường, mang nghĩa coi nhẹ nhân vật. Ngược lại, nó chỉ người đáng trọng, đáng kính. Như trong tên gọi “ kẻ sĩ”. Như trong tục ngữ ai cũng biết: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” 

Bác viết Diễn ca  thời điểm dân ta hơn 80% mù chữ, thất học. Bác muốn tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho dân đã chọn cái cách sao cho họ dễ nhớ, dễ thuộc. Đặc biệt khi nơi đầu tiên tuyên truyền cho dân lại ở vùng rừng núi. Bác đã trình bày những điều cao xa, sâu sắc bằng những ngôn từ giản dị, bằng lối nói khẩu ngữ để nhân dân thấy gần gũi, dễ hiểu mà đoạn trích về người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ trên đây là một thí dụ! 
.

Nghe chất giọng sang sảng cố hữu của nhà bình văn, tôi chưa biết nói sao cả!Vớt vát thêm câu chuyện đã đến hồi nhạt với lại cũng hơi căng rằng ông có nhận xét gì về nội dung bài văn bia mới không? Phần đang hứng phần nữa cũng muốn tăng thêm khí thế cho nhà phê bình cùng đám bạn đi theo mặt mày hơi bị ủ dột tôi vớ lấy một bản in văn bia cố cất cao chất giọng thuốc lá đá thuốc lào: 

Khuyến nông, trọng sĩ, phát triển công thương – Rèn tướng luyện quân, tăng cường võ bị/ Kinh bang tế thế, định bốn phương một hướng đi lên /An quốc hộ dân, lưu vạn dại trăm bài học quý /Một thời ngang dọc dưới trời Nam – Bao bận đi về trên đất Nghệ/ Quê xưa họ cũ uống nước nhớ nguồn – Người giỏi đất thiêng sâu tình nghĩa nặng/ Mậu Thân (1788) vừa hạ chiếu dựng Trung Đô/ Nhâm Tý (1792) đã băng hà rời cõi thế... 

Mới đến chừng ấy, chưa kịp để người đọc có tý đắc ý nào, Phạm Xuân Nguyên đã  phũ phàng ngăn lại, đai ra cái chất giọng Nghệ rằng, tôi không làm cái việc so sánh. Trên bia cũ, bài thơ của Bác chỉ có sáu câu lục bát với 42 chữ. Bài văn bia của Anh hùng lao động GS Vũ Khiêu có 320 chữ (gớm cho cái gã đầu bạc họ Phạm này, làm sao mà gã nhớ lẹ thế?) hay dở chi thì thiên hạ còn có dịp bàn. Nhưng thiển ý của tôi là kẻ thức giả khi cho chữ để người ta khắc bia thì phải biết nó được bày được trưng ở đâu?  Đặt ở nơi hoàn toàn mới hay lấy mới thay cũ? Lưu danh cùng hậu thế trên đá trên đồng thì là việc phải vô cùng cẩn trọng! Tôi xen ngang nói rằng địa phương đã tổ chức một cuộc thi hoành tráng để chọn lời văn bia thì nhà phê bình văn học cộc lốc rằng tôi không biết!

Các cụ mình có câu khôn văn tế dại văn bia. Văn tế tế xong, thường được đốt đi. Hay dở gì chỉ có quỷ thần chứng giám. Còn văn bia với nhiệm vụ nhọc nhằn hơn  với chức năng lưu danh cho hậu thế (phương danh lẫn xú danh - tiếng thơm cùng điều dở) cứ trưng chình ình ra hết đời này đến đời nọ trước sự soi chiếu của bàn dân thiên hạ lại càng cẩn trọng bội phần. Xưa đã thế và nay lại càng hơn thế!

Nhọc nhằn và cũng cẩn trọng thay việc văn bia thời @.

Chép lại 3 chuyện trên đây mà cứ thấy chờn chợn... 
X.B
___________

Nhân sự kiện cụ ẵm giải cao Nhất làm văn bia, lại nhớ đôi câu đối của bác Đào Thái Văn kính tặng Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu  khi Cụ ẵm giải Cao về thơ, đề tặng rằng: 

Xin kính tặng GS.AHLĐ đôi câu đối mà nhà con đã viết cách đây hơn chục năm nhân dịp cụ có bài thơ "con cóc" được "ẵm" giải cao của Đài Tiếng nói Việt Nam:

假 教 師 滿 劫 筆 奴 玷 辱 先 賢 武 族
偽 英 雄 終 身 犬 馬 羞 慚 列 祖 鄧 家


Phiên âm:
Giả giáo sư, mãn kiếp bút nô, điếm nhục tiên hiền Vũ tộc
Ngụy anh hùng, chung thân khuyển mã, tu tàm liệt tổ Đặng gia.


Vị nào có quan tâm, xin mời đọc các bài về Vũ Khiêu trên Blog Tễu: 
Tin HOT: QUỐC SƯ VŨ KHIÊU ẴM GIẢI CAO NHẤT CUỘC THI VĂN BIA
LẠI NÓI CHUYỆN CÂU ĐỐI CÂU ĐIẾC

Cụ VŨ KHIÊU ngày càng KỆCH CỠM, LỐ BỊCH

Hoàng Tuấn Công: VỀ ĐÔI CÂU ĐỐI THỦ TƯỚNG TẶNG CỤ VŨ KHIÊU

GS. AHLĐ VŨ KHIÊU VÀO NAM DỰ ĐÁM GIỖ VÀ DÂNG HƯƠNG CHO NGƯỜI LẠ

Thư giãn cuối tuần: CHẾT CƯỜI VỀ ÁO MŨ ĐẠI THỌ CỦA "QUỐC SƯ" VŨ KHIÊU

Xuân Ba: CHỜN CHỢN VĂN BIA THỜI ....@

NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THÂN LÊN TIẾNG VỀ VỤ SỬA TRUYỆN KIỀU

Chu Giang Phong: THƯ GỬI ÔNG VŨ KHIÊU

Thư giãn cuối tuần: VĂN ĐÀN ĐỊA PHỦ BÀN VIỆC TRẦN GIAN, MẮNG VŨ KHIÊU

Tạp luận - VIỆC TRÁI ĐẠO LÝ KIỂU GÌ CŨNG CÓ THỂ

Thế Anh: SAO ÔNG VŨ KHIÊU LẠI NỐI GIÁO CHO VIỆC SỬA TRUYỆN KIỀU VÔ LỐI

Ô HÔ! GIÁO SƯ AHLĐ VŨ KHIÊU TỪ CÕI TIÊN VỀ GIÁNG BÚT Ở BÌNH ĐÀ

Thư giãn cuối tuần: THƯA CỤ, CỤ CÒN LÀ MỘT BẬC THẦY VỀ P.R

Thư giãn cuối tuần: CỤ VŨ KHIÊU VÀ HOA MÀO GÀ


13 nhận xét :

  1. Thế mà sao họ cứ nhơn nhơn mãi được, nhẩy ?

    Đau đớn quá và cũng nhục nhã quá với chữ nghĩa !

    Trả lờiXóa
  2. ...Hội đồng khoa học đã bỏ phiếu và chọn ra 1 bài viết đạt giải nhì và 2 bài viết đạt giải ba..

    "giải nhì" được trao cho bài viết “Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, đất linh thiêng rợp bóng anh hùng” của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu
    http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2014/10/365138/

    Trả lờiXóa
  3. Hội đồng khoa học đã bỏ phiếu và chọn ra 1 bài viết đạt giải nhì và 2 bài viết đạt giải ba, trình Ban Thường vụ Thành ủy.

    Kết quả, Ban Thường vụ Thành ủy đã xem xét và quyết định trao 1 giải nhì, 2 giải ba và 4 khuyến khích là các bài viết đáp đáp ứng tốt về nội dung và hình thức; thể hiện quá trình đấu tranh kiên cường, tinh thần yêu nước, cách mạng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.

    Cụ thể, "giải nhì" được trao cho bài viết “Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định, đất linh thiêng rợp bóng anh hùng” của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu

    http://www.sggp.org.vn/chinhtri/2014/10/365138/

    Trả lờiXóa
  4. Xem bài nầy nhớ đến anh chàng Lương Sinh trong But Máu của Vũ Hạnh quá !

    Trả lờiXóa
  5. Ơ! "Rợp bóng anh hùng" là sao? Châu chấu à?

    Trả lờiXóa
  6. Sâu bọ,chứ châu chấu gì?

    Trả lờiXóa
  7. lướt qua 'Phường rối" "xứ Man"
    dải đất chữ S gian nan "rợ người"

    Trả lờiXóa
  8. Anh hùng chi mà lắm thế? Chắc phải so sánh với ti vi chạy đầy đường.
    Cụ Khuê mới 98 mà phải đôn lên 100. Mô tê răng rứa, nỏ biết mần răng nữa. Quan chức thì kéo tuổi xuống để chậm nghỉ hưu, cụ già thì đôn tuổi lên để xứng tầm "quốc sư". Các bác ở QH đang la oai oái về nợ công, rồi thì nguy cơ vỡ bảo hiểm, lương hưu kẻ trên trời, người âm dưới đất. Nhiều đại biểu QH, một cổ tới ba bốn tròng, vừa là đại biểu, vừa là lãnh đạo địa phương, nào là họp ủy ban, nào là họp tỉnh ủy, nào là họp sở, nào là họp liên ngành ...kiểu này cũng chết non về họp mất.

    Trả lờiXóa
  9. Rởm, nhưng thôi thời buổi loạn lạc nó thế.

    Trả lờiXóa
  10. Quốc sư đương đại vẫn chưa đụng trần . Giỏi thật . 98 thành 100 . Gian dối được vinh danh !

    Trả lờiXóa
  11. Tôi chỉ có thể nói: loại người đó không phải là KẺ SĨ ,bởi kẻ sĩ bao giờ cũng biết DỪNG đúng lúc.
    Ở quê tôi các Cụ hay chửi đổng: cha tên sư bố cái loại nhiều chữ mà nộn khú(đít-cất)lên đầu!!!!

    Trả lờiXóa
  12. Rợp bóng châu chấu phá hoại mùa màng!

    Trả lờiXóa
  13. Cái này không phải rợp bóng châu chấu bạn ơi, mà là rợp bóng...chuột thôi. Lũ chuột đục khét ở VN nhiều vô kể nên cụ Khuê mới viết vậy đó...

    Trả lờiXóa