Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

Tạp luận - VIỆC TRÁI ĐẠO LÝ KIỂU GÌ CŨNG CÓ THỂ

Việc trái đạo lý kiểu gì cũng có thể
Đào Dục Tú
Theo blog Bà Đầm Xòe 
Nhiều năm trở lại đây, đặc biết kể từ thời điểm “nhóm lợi ích ” được định danh chính thức trên các diễn đàn long trọng, ám chỉ (ám chỉ thôi !) các thế lực ( tạm dùng lại từ) tài phiệt thao túng nền kinh tế và đôi ba người đứng đầu chính thể quyết liệt. . . chỉ trích bầy sâu tham nhũng “ăn hết phần của dân”, thì người ta thấy biết bao sự việc lớn nhỏ ở nước mình đến giầu tưởng tượng hư cấu như các nhà văn. . . không tưởng và hoang tưởng cũng không sao hình dung được. Ví như dăm bẩy vụ người dân được gọi đến công an làm việc, phòng ốc nào cũng chữ đỏ viền vàng lời dậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi trở về chỉ là cái xác đầy thương tích thoi thóp thở; và vụ việc ở thị xã Tuy Hòa rúng động công luận tới mức người đứng đầu quốc gia phải lên tiếng , “vào cuộc”. Ví như, ví như. . . quả thật là “đố ai quét sạch lá rừng” . Mới đây lại thêm việc một ông kỹ sư “tháo tung” truyện thơ Kiều tuyệt đỉnh ngôn từ nghệ thuật Việt thế kỷ 18, thành cái gọi là ” Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại phổ thông đại chúng và trong sáng”.

Tác phẩm “siêu hiện đại” ” trên cả tuyệt vời ấy” ấy được công bố dưới hình thức sách pho to biếu đại biểu trong cuộc hội thảo mang cái tên vừa văn hoa lại vừa khoa học (chuẩn không phải chỉnh nhé !) là “Giòng chẩy văn hóa xứ Nghệ từ truyện Kiều đến phong trào thơ mới”. Và không kém phần quan trọng “cộng” long trọng, là được một nhà văn, nhà khoa học xã hội, nhà. . . . anh hùng lao động XHCN lão thành cổ vũ hết lời.

Với “tinh thần khoa học rất nghiêm túc” ông kỹ sư ấy đã tháo tung truyện Kiều như người ta bổ máy, đại tu ô tô xe máy, nhắm cái đích “phổ cập hóa truyện Kiều cho quảng đại quần chúng”. Muốn làm được công việc văn hóa “vì dân ta” như thế, trước hết ông kỹ sư “gạt bỏ những câu chữ khó hiểu từ tiếng Hán để thay bằng ngôn ngữ tiếng Việt”-như lời đề dẫn của nhà khoa học xã hội đầu ngành lão thành có tên gọi Vũ Khiêu. Thật không thể nào hiểu nổi nữa! Nói nôm na truyện Kiều mãi mãi được người mình yêu, nàng Kiều mãi mãi được người mình quý, có lẽ trước hết bởi thơ Kiều đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đại chúng, nghĩa là của tuyệt đại đa số dân Việt, cả người bình dân lẫn người có học, từ các bậc thức giả khả kính “sách gối đầu giường” đến người . . . một chữ bẻ đôi không biết (thời phong kiến cả làng chỉ có ông đồ Nho là “có chữ”). Thế nên trên dưới ba thế kỷ qua, chuyện “bà già nhà quê” truyền miệng nhau thơ Kiều, có người đọc ngược từ câu cuối lên câu đầu hơn ba ngàn câu thơ Kiều ,”không sai một chữ”, đâu có còn là huyền thoại và người “yêu Kiều” đến thế đâu chỉ có ở một vùng miền nào, Nam Định, Bắc Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh. . . đâu đâu cũng có hết. Và biết bao nhiêu cây bút thời danh đời nào chẳng hiện diện, biết bao nhiêu học giả, người làm công việc nghiên cứu văn học, phê bình văn học, kể cả các bậc chính nhân quân tử, chính khách có tiếng, chí sĩ ái quốc lừng danh . . . đã bàn thảo ,đã luận định, thẩm định, luận giải, bình giải giảng giải về thơ Kiều hàng trăm năm nay. Truyện Kiều có cần phải viết lại, làm mới lại không dưới chiêu bài “đại chúng hóa, hiện đại hóa”? Hàng nghìn câu thơ Kiều có cần phải một ông kỹ sư làm cái việc vô bổ ” vẽ rắn thêm chân” (tôi không nghĩ nó có hại gì đáng kể vì người biết đọc biết viết tiếng Việt không ai đọc nổi “Kiều mới” ngô ngọng kiểu đó, trừ số ít người, xin bỏ quá cho, nói thật, thiểu năng trí tuệ-thiểu năng văn học).Tiếng Việt trong truyện Kiều có cần phải làm cho trong sáng không – như mục đích cao cả của những người tung hô …tân Kiều (đối lập cựu Kiều !) Người viết kiến văn hạn hẹp, mỹ cảm văn chương cấp độ “gốc nhà quê” không dám lạm bàn, xin giành để các vị mũ cao áo dài tài cao học rộng làm chức phận cao cả của mình. Người viết chỉ xin mạo muội “ngồi góc cột nhà” nói … leo vài ý. Một trong những “thành tố” làm nên giá trị cổ điển của thơ Kiều là điển cố văn học. Người ta sợ chữ Hán, điển cố văn học Trung Hoa, “ngại Hán” đến mức câu thơ “cựu Kiều” (!)” Lứa đôi ai dễ đẹp tày Thôi Trương” thành câu “tân Kiều” (!) ” Lứa đôi từng thấy những ngày trái ngang”. Hay câu ” Một đền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều “điển cố nói tham vọng của Tào Tháo thời Tam Quốc nổi danh lịch sử Trung Hoa phong kiến cổ muốn san bằng đất Đông Ngô, nhằm cái đích đem “nhị kiều” xứ này (vợ Ngô Tôn Quyền và vợ Chu Du, hai chị em ruột có tiếng mỹ nhân )) về đền Đồng Tước hoa lệ “sủng ái”, được người ta viết lại thành “Buồng đào nơi tạm khóa xuân hai kiều” thì thật không còn biết nói gì thêm nữa, không còn muốn nói gì thêm nữa… Hay câu thơ “Thực là tài tử giai nhân – Châu Trần còn có Châu Chần nào hơn”- lời ông quan xử án khen thơ Kiều “giá đáng thịnh Đường” và khen Kiều với Thúc Sinh đẹp đôi, điển cố nhắc chuyện đời xưa bên Trung Hoa có hai họ Châu và họ Trần đời đời kết thông gia với nhau, nay một câu được ông kỹ sư sáng tác thành “Lứa đôi còn có gì cần nhiều hơn”. Chán đến thế là cùng! Có thể các cụ già làng tôi, làng anh, làng chị thuộc lòng từng đoạn hoặc cả tập thơ Kiều, chữ quốc ngữ chỉ biết lỗ mỗ, không đọc “Điển cố văn học”, không có trong tay bộ “Từ điển truyện Kiều’ của cụ Đào Duy Anh khả kính như các bậc… học giả, nhưng không vì thế mà người ta thấy tiếng Việt truyện Kiều thiếu trong sáng, khó hiểu, đến mức không muốn “thuộc” thơ Kiều, không muốn ngâm thơ Kiều, lấy thơ Kiều để ru con ru cháu ngủ hay đưa truyện Kiều vào các cuộc “tập Kiều”, “đố Kiều” thi tài trí, không muốn âm thầm hoặc đọc to lên câu Kiều ứng với số phận, thân phận của mình trong một ngữ cảnh nào đó. Và cấp độ cao hơn, lấy truyện Kiều cùng với tầm ảnh hưởng rộng lớn, đa diện phong phú của một tác phẩm văn học làm nên danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du làm nguyên liệu quý giá cho các công trình nghiên cứu văn hóa ngôn ngữ, văn hóa văn chương Việt… Thể thơ lục bát ví như dòng nước trôi xuôi vô tận quen với lỗ tai thẩm thơ hàng nghìn đời truyền miệng, quen với tâm hồn tình cảm người Việt. Có ai vì điển cố văn học cổ trong đó, có ai vì những từ Hán Việt, từ Việt cổ trong đó mà “bài bác” Kiều, mà “phê’ Kiều vô lối ? Và những điển cố văn chương đó lại được các bậc thức giả cổ kim mấy trăm năm “sướng khoái” vì đáp ứng nhu cầu hiểu sâu biết rộng của họ. Cứ cái đà hiện đại hóa truyện Kiều, đại chúng hóa truyện Kiều kiểu “kỹ sư chế tạo máy” thế này thì rồi đây, tuyên ngôn chữ Hán của cụ Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà nam đế cư”, “Hịch tướng sĩ” của cụ Trần Hưng Đạo, “Bình Ngô Đại Cáo” của cụ Nguyễn Trãi ” Bạch đằng giang phú” của cụ Trương Hán Siêu, rồi thơ “Cung oán ngâm khúc” của cụ Nguyễn Gia Thiều, “Chinh phụ ngâm” của hai cụ Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm” vân vân biết đâu sẽ có kẻ “điếc không sợ súng” nêu gương, noi gương “làm trong sáng tiếng Việt, hiện đại hóa thơ cổ “của các cụ giống như ông kỹ sư nào đó đang “danh nổi như phao” thì sao ? Chưa biết chừng, các vị ấy sẽ cao đàm khoát luận mà rằng các em các cháu học sinh thơi a-còng bây giờ không biết chữ Hán Việt, không biết điển cố văn học cổ, thì ngoài cách “tháo dỡ” ra viết lại, thì có cách gì để các thế hệ tương lai hiểu văn học cổ nữa !!! 

Thương quá cho những câu thơ Kiều không phải bị ” biên tập ” mà là viết lại, đổi chữ. Mà tác phẩm văn học ví như ngôi nhà tinh thần xây bằng những viên gạch chữ nghệ thuật, thay chữ thì còn gì là tác phẩm nguyên bản nữa, còn gì là giá trị văn chương mang dấu ấn lịch sử văn hóa nữa (chưa nói tới xâm hại bản quyền)! Mà viết lại, đổi chữ mới hay ho làm sao. Ví như câu thơ có điển cố “thiếp Lan Đình”, người có học một chút đều hiểu là thiếp viết chữ đẹp, viết thơ bằng… thư pháp tuyệt vời của danh sĩ Vương Hy Chi nước Trung Hoa cổ, được “con cháu hậu thế” sáng tạo thành “thiếp xem tình” thì còn gì là Kiều nữa hả trời! Tự nhiên tôi nhớ tới chuyện thật “trăm phần trăm”: có một cháu tầm tuổi ba mươi không biết do nhầm nhọt sang… trồng trọt, hay “kiến văn lỗ mỗ’ chót nhớ… sai câu thơ Kiều tuyệt hay “Vừng trăng ai xẻ làm đôi-Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường ” thành. . . ” Nửa in gối chiếc nửa soi… gậm giường ” (!). Tôi… thương cháu và thương cho cả các thầy cô nào ở đủ loại cấp học đã giảng Kiều cho cháu nghe. Thôi đành tạm chấm dứt trang tạp cảm buồn… lê thê này vậy. Chuyện thật mà như đùa đại loại thế còn đỡ, chuyện giơ bức bình phong vì dân, vì đại chúng, lại còn thêm vì khoa học nghệ thuật nữa mà làm cái việc “tháo dỡ truyện Kiều” như ông kỹ sư nào đó “bổ xe máy xịn . . . ngoại” thay phụ tùng nội địa chợ Giời “toàn phần giả và rởm” thì quá là chẳng ai nghĩ nó lại xẩy ra ở Việt Nam năm thứ mười bốn thế kỷ 21 ! .  

Đ.D.T
 

6 nhận xét :

  1. Ôi : Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như. Ba trăm năm sau thiên hạ không có ai khóc Ngài cả, ngài Tố Như ạ ! Chỉ có Ngài phải khóc vì cái trò quỉ quái nầy thôi. Truyện Kiều của Ngài bị tay thợ thơ và lão Vũ Khiêu làm lộn tùng phèo cả rồi.... Chẳng lẽ nước Việt đã đến thời mạt pháp rồi hay sao ? Mới đây vụ cháu Nhã Thuyên bị 1 đám già toàn là GS.TS như lão bà Đặng Thanh Lê, Chu Giang, Phong Lê vì bả hư danh mà họ xuống tay với đứa cháu nhỏ tuổi đáng cháu của họ, Họp đã đang tâm đảo lộn thị phi cả .... Ọi ! ngán ngẫm cho các vị GS.TS thời nay quá .

    Trả lờiXóa
  2. Nghe mà...thất kinh!? "Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TAND Tối cao, cho biết mỗi ngày, hệ thống tòa án cả nước xét xử khoảng 1.000 vụ án nên không thể nắm bắt hết được"!!!???
    Đang trên con đường xây dựng xã hội đại đồng mà sao...hãi zậy ta? Hèn chi giờ...mới hiểu!?!?!?

    Trả lờiXóa
  3. PHO THUONG DAN NAM BOlúc 18:08 11 tháng 4, 2014

    Ôi cái thời luộc ! Cái gì cũng luộc. Xe luộc , luận án tiến sĩ luộc . Bây giờ tới Truyện Kiều luộc

    Trả lờiXóa
  4. Chán cái sự đời!

    Trả lờiXóa
  5. ông Kỹ sư Đỗ Minh Xuân ơi. Ông có làm sao không đấy,.Thật là hổ thẹn cho cái danh của người có học.

    Trả lờiXóa
  6. Đọc bài này tự nhiên em lại nhớ đến chuyện có một sinh viên Tổng hợp văn sau khi học ra trường đã tâm sự với bạn rằng: "giờ tao mới biết Huy Gô và Huy Cận không phải là anh em..."

    Trả lờiXóa