Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2011

2011 - CHIỀU CUỐI NĂM NHÌN LẠI

Chiều cuối năm nhìn lại

Tôi vừa về đến nhà. Hà Nội hôm nay lạnh quá! Càng về chiều càng lạnh! Nhưng so với nơi tôi vừa trở về thì nơi đó lạnh hơn nhiều. Đó là vùng sơn cước của huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có cơ sở giáo dục Thanh Hà. Ở đó, hiện đang "cải tạo" chị Bùi Thị Minh Hằng - người hăng hái tham gia biểu tình chống xâm lược Trung Quốc trong suốt mùa hè rực lửa vừa qua. Được biết, hiện nay, người ta đang giữ chị tại Khu 3, khu đặc biệt, chung với các trại viên nhiễm HIV, có người đang ở giai đoạn cuối.

Vừa qua, một số nhân sĩ trí thức và thân hữu của chị ở Hà Nội cũng đã gửi thư tới Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để đòi trả tự do cho chị. Bức thư gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang  có chữ ký của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh 96 tuổi, nguyên Ủy viên TW Đảng khóa 3, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, lão thành cách mạng; các giáo sư danh tiếng: Nguyễn Huệ Chi, Ngô Đức Thọ, Nguyễn Đông Yên, Hoàng Xuân Phú; các Tiến sĩ: Nguyễn Văn Khải, Nguyễn Quang A, Đặng Ngọc Lan, Nguyễn Hồng Kiên; các nhà văn: Nguyên Ngọc, Vũ Ngọc Tiến, Trần Nhương...Được biết, việc ký tên vẫn tiếp tục được tiếp nhận tại Email: tudochobuihang@gmail.com.

Sáng nay, từ 7h sáng, anh Phan Trọng Khang, Chị Phương Bích, tôi và cháu Nhân con trai chị Bùi Hằng đã lên thăm chị, mặc dù biết trước là chỉ có Bùi Nhân được vào gặp mẹ. Nhưng rất tiếc, sáng nay cháu Nhân chỉ gửi được đồ dùng vật dụng và ít ruốc vào cho mẹ mà không gặp được. Bùi Nhân nghe nói mẹ đang tuyệt thực, và đây là lần tuyệt thực thứ hai kể từ khi vào trại (lần trước tuyệt thực 15 ngày).

Chiều nay, chiều cuối năm, ngồi đây, chúng ta cùng điểm lại năm 2011, để tiễn năm cũ đi, và chờ phút giao thừa đến. Trong phút giây này, tràn ngập tâm hồn ta là giá rét và nỗi buồn khiến lòng ta chùng xuống.

Năm qua, các lễ hội lại vẫn rộn ràng với sự mê lầm được bật đèn xanh của ngành văn hóa. Cảnh chen chúc ở lễ hội khai ấn đền Trần, chùa Hương, Yên Tử. Những lời cầu nguyện mê lầm. Và bỗng chốc Bái Đính - một kiến trúc mới rất Tàu cũng đã trở thành điểm hành hương của thiên hạ.

Những vụ giết người cướp của ngày càng táo bạo, kẻ thủ ác tuổi đời càng ngày càng trẻ và cách thức giết người càng ngày càng dã man, độc ác, quyết liệt. Bên cạnh đó, nhiều vụ đánh trả người thi hành công vụ cũng tăng cùng với việc người thi hành công vụ đánh đập và làm chết người dân trong khi bắt và giam giữ.

Đạo đức và văn hóa xã hội đã băng hoại và đáng báo động đỏ. 

Gương mặt của giới truyền thông lại càng thêm hoen ố. Sau sai sót về dịch thuật của MC Lại Văn Sâm, rồi vụ cô Lượm làm hiện lên một MC ác độc nữa, rồi một chương trình 16 phút được làm ra để xúc phạm đời tư của một tù nhân, về cuối năm Đài Truyền hình quốc gia VTV lại để xảy ra nhiều sai sót đáng tiếc: hiển thị cờ Trung Quốc 6 sao trong phần bình luận quan hệ Việt - Trung, và giao lưu cầu truyền hình VN - Quảng Tây khiến nhà ngoại giao kỳ cựu Dương Danh Dy phải lên tiếng.

Đài truyền hình quốc gia cũng vẫn chiếu nhiều phim Tàu. Và đặc biệt là dự kiến phát sóng bộ phim phản quốc "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của đông đảo trí thức, nhà sử học, lão thành cách mạng và giới học giả.

Giới trí thức năm qua, với những cố gắng không ngừng nghỉ, bền bỉ với tinh thần tự nhiệm đã suy nghĩ về hiện tình đất nước, soạn Tuyên cáo về Chủ quyền, Kiến nghị về Bảo vệ và phát triển đất nước, Yêu cầu Bộ Ngoại giao cung cấp thông tin v.v. đã trở thành niềm tin và chỗ dựa cho những ai còn tha thiết với bức dư đồ mà cha ông để lại. 

Giới trí thức Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất nước bằng những việc làm cụ thể. Mười bốn nhà trí thức danh tiếng đã gửi về bản điều trần: Cải cách toàn diện để phát triển đất nước được dư luận đánh giá cao. Hàng trăm nhà trí thức đã cùng gửi thư đến tạp chí Nature danh tiếng để phản đối việc giới học giả Trung Quốc đưa các bản đồ lưỡi bò vào các bài báo khoa học in trên tạp chí này. Kết quả là Nature đã hoàn toàn đồng ý và ủng hộ giới học giả Việt Nam.

Bên cạnh đó, một bộ phận rất lớn trong giới trí thức thuần túy chỉ là những nhà chuyên môn hoặc công chức. Họ không quan tâm đến hiện tình đất nước, tránh việc bày tỏ chính kiến và xa lánh việc phản biện xã hội - cho dù là phản biện xã hội trong chuyên ngành của họ. 

Năm qua, chưa bao giờ có nhiều đơn thư kiến nghị xung quanh Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng HCM về văn học nghệ thuật. Những giải thưởng danh giá như vậy, mà có mấy trường hợp từ chối nhận giải hoặc dự giải, mà người từ chối toàn là các nhà văn nối tiếng: Nguyên Ngọc, Nguyễn Khoa Điềm....Rồi lại cũng có một giáo sư văn học đã hai lần nhận giải thưởng Nhà nước, nay lại vẫn dự 2 giải thưởng Hồ Chí Minh! Và rồi cả giải thưởng mang tên bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương nữa, lình xình lắm lắm!

2011 cũng đánh dấu bằng các vụ đạo văn, đạo tranh, bằng giả mà đương sự là những nhân vật nổi tiếng. Còn nhiều vụ nữa, nhưng còn đang găm lại trong những blog ẩn khuất đâu đó...chờ một ngày, từng ngày sẽ lộ ra dưới ánh sáng công luận.

Và tệ nhất, là sự xuất hiện đột khởi của các trí thức - nghị sĩ: Hoàng Hữu Phước, Nguyễn Minh Hồng,  Đặng Hoàng Yến. Họ đã xuất hiện như những người bị thiểu năng trí tuệ, gây bức xúc lớn cho nhân dân. Trước đó, trong người ta đã phát hiện một số trường hợp khai man trong hồ sơ ứng cử: Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Lương Công Quyết) khai học hàm là Giáo sư (?); Châu Thị Thu Nga khai học vị là Tiến sĩ. Việc ầm ĩ trên mạng xã hội và báo chí vậy mà không thấy Ông Chủ tịch Hội đồng bầu cử và Hội đồng này lên tiếng hoặc xử lý. 


Một năm với bao nhiêu là lo âu, bực tức, thất vọng.
Nhưng rồi...

Còn tiếp



Đọc tiếp...

Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2011

Ý TƯỞNG VỀ VIỆN KHỔNG TỬ CHO VIỆT NAM

 

Ý tưởng về Viện Khổng Tử cho VN

Một trong những ý tưởng được phía Trung Quốc nêu ra gần đây để tăng cường quan hệ hai nhà nước là mở viện Khổng Tử tại Việt Nam như đã làm tại nhiều nơi trên thế giới.

Đề tài này vừa được nêu lại trong chuyến thăm tháng 12 của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dù hồi 2009, Thủ tướng Việt Nam đ̃a cho phép "thí điểm thành lập một Học viện Khổng Tử tại Việt Nam" nhưng không rõ sẽ đặt ở đâu và bao giờ xây dựng. 

Nay, theo nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân, nêu ý kiến của số trí thức mà ông nói là khá đông tại Việt Nam hiện nay, chuyện mở Viện Khổng Tử tại Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức.

Ông Lại Nguyên Ân, người có nhiều tác phẩm về giai đoạn giao thời khi văn hóa Nho giáo bị Phương Tây lấn át tại Việt Nam đầu thế kỷ 20, cho rằng chỉ để nghiên cứu Khổng giáo thôi thì công việc của một viện như thế sẽ rất bó hẹp.

Còn nếu để quảng bá văn hóa chính thống hiện nay tại Trung Quốc, một trung tâm Khổng Tử, nếu được khai trương, sẽ dễ vấp phải các chủ đề nhạy cảm trong quan hệ chính trị và ngoại giao Việt - Trung hiện nay.

Trước hết, ông Lại Nguyên Ân, hiện ở Hà Nội cho BBC biết về bối cảnh các các nước khác quảng bá văn hóa của họ ở Việt Nam:

Ông Lại Nguyên Ân: Hiện nay các nước đều đang mở các trung tâm để giới thiệu, truyền bá văn hóa của họ ở các thành phố lớn của Việt Nam. Pháp có Alliance Francaise, Nga có nhà văn hóa Nga, Đức có Viện Goethe, Anh và Nhật cũng tương tự. Tôi nghĩ trung tâm văn hóa Khổng Tử, tuy mang tên Khổng Tử nhưng chắc là dạng như thế, sẽ để thỏa mãn nhu cầu giao lưu của những người muốn tìm hiểu văn hóa Trung Quốc ở Việt Nam thì ở khía cạnh đó là điều bình thường. 

Nhưng hiện nay trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc có những vấn đề khác, nhạy cảm như chuyện biên giới rên biển, trên đất liền, chuyện về kinh doanh, ảnh hưởng văn hóa hai bên. Ngoài những chuyện bình thường thì cũng có những vấn để nổi lên nên trong dư luận của giới trí thức Việt Nam có một số lo ngại. Người ta nghĩ rằng Viện Khổng Tử đó có thể lại là một bàn đạp để truyền hóa một văn hóa, mà trên thực tế văn hóa đó đã được chuyển hóa, truyền bá vào Việt Nam hàng ngàn năm.

Nhưng với ảnh hưởng của nó thì Việt Nam đã học được không ít nhưng đồng thời cũng vẫn giữ được những thuộc tính văn hóa của người Việt Nam. Ở khía cạnh đó thì cũng có những lo ngại và những lo ngại đó nói cho cùng có lý do chính đáng. Tuy nhiên, những lo ngại đó cũng không phải là đáng tới mức người ta phải ngăn chặn Viện đó nếu như nó được thành lập ở Việt Nam.

BBC: Ông và một số người quan tâm đến văn hóa châu Á ở Việt Nam có phải lo ngại rằng khi mở Viện Khổng Tử thì các ấn bản như như bản đồ Trung Quốc, cờ, và biển đảo mà Trung Quốc coi là của họ và Việt Nam cũng coi là của mình thì ngay lập tức sẽ gây ra tranh cãi?

Vâng, tôi tin là như thế. Những nước như Pháp, Anh, Nga chẳng hạn thì họ cũng phải xử lý các nhà văn hóa của họ để không làm mếch lòng, đụng chạm đến người Việt Nam thì nó mới hoạt động được. Còn nếu người Trung Quốc mở trung tâm văn hóa Khổng Tử ở đây mà lại truyền bá nguyên những chuẩn chính thống họ đang duy trì trên truyền thông của họ thì nó sẽ thành vấn đề với công chúng Việt Nam

BBC:Về các trung tâm dạy tiếng Trung tại Việt Nam thì chuyện tìm hiểu văn hóa Trung Quốc có được đón nhận rộng rãi không?

Ở Hà Nội, TP HCM đều có các trung tâm dạy tiếng Trung nhưng chủ yếu đều mang tính thương mại, đáp ứng cho những người có nhu cầu buôn bán, giao lưu qua biên giới. Ở TP. HCM còn có một cộng đồng tương –đối đông người Hoa nữa. Chuyện học tiếng Hoa chủ yếu là do nhuc ầu giao tiếp kinh tế thôi, chưa có gì là truyền bá văn hóa Trung Quốc cả. Còn các trường đại học dạy chuyên về ngoại ngữ thì cùng ngôn ngữ tiếng Trung cũng có nội dung văn hóa nhưng đó lại là chuyện khác.

Khổng Tử (551 - 479 trước Công nguyên) được thờ ở các văn miếu và văn chỉ tại Việt Nam thời phong kiến
BBC: Trong các nghiên cứu của ông về giai đoạn Tân thư, khi văn hóa Pháp du nhập Việt Nam đầu thế kỷ 20, và bỏ dần Nho giáo thì đã có câu hỏi về tính hữu dụng hay lợi ích của viêc duy trì một số nét của Nho giáo. Vậy bây giờ có nhu cầu đó không và nếu Viện Khổng Tử được mở trong tương lai do Trung Quốc lập ra chỉ truyền bá Nho giáo và những ưu điểm của Nho giáo thì ông thấy có được không?

Tôi nghĩ là nếu Viện đó chỉ bó gọn vào những vấn đề của Khổng giáo thôi thì chính viện đó nó sẽ thiếu sức sống rõ rệt. Tôi nghĩ là họ sẽ không chọn cách đó mà sẽ làm như người Đức chọn ông Goethe và thông qua tên ông Goethe để đặt viện cho giao lưu Đức – Việt. Có lẽ họ sẽ chỉ chọn tên ông Khổng tử để làm tất cả các việc liên quan đến văn hóa Trung Quốc, và ở đấy có giao lưu giữa người Việt và người Trung Hoa về văn hóa thôi. Chứ còn nếu khuôn lại trong phạm vi ông Khổng Tử và Khổng giáo thôi thì nó sẽ rất hẹp.

Vì hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà cả và trong vùng Đông Nam Á trong giới học thuật người ta vẫn tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng của Khổng giáo, từ nguồn cho đến suốt trong lịch sử xã hội.

Sự đánh giá cả tích cực và tiêu cực về ảnh hưởng đó vẫn còn mãi trong giới nghiên cứu không chỉ ở Việt Nam mà cả ở các nước trong vùng Đông Á này. Thành thử ra tôi tin là họ sẽ không chọn góc độ đó, họ sẽ chỉ mượn cái tên thôi.

BBC: Liệu ý tưởng về một Khổng Tử kiểu mới có cần thiết cho Việt Nam bây giờ không?

Những ý tưởng trình bày về một Khổng Tử kiểu mới sẽ lạc lõng ở Việt Nam. Vì Khổng Tử kiểu cũ, trong truyền thống người Việt Nam đem về, tại các Văn Miếu, và Văn Chỉ ở các tỉnh, những người theo Nho học đến đó, giao tiếp xung quanh các học thuyết của Khổng tử. Nhưng thực ra, trong quá khứ chỉ có những người đi học ở các trường sở của Nho giáo đó mới trở thành môn đồ của những Văn Miếu, Văn Chỉ đó thôi.

 
Tượng Khổng Tử bị một cơ sở làm gốm sứ ở Khúc Dương, 
tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc vứt bỏ

Nhưng Nho học đã bị chấm dứt từ những năm 1906 -1907 nên sau đó, dần dần thế hệ những môn sinh chính cống của Khổng tử đã không còn nữa, họ đã chết hết cả rồi.

Nên ngày nay tại các Văn Miếu hay Văn Chỉ có những người đến đó, theo tôi, vì họ có ngưỡng vọng thế thôi chứ rất ít người có thể giao lưu với nhau về các vấn đề học thuật của Khổng giáo. Những vấn đề đó trên thực tế chỉ còn có một số nhà nghiên cứu chuyên tâm biết. Cả nước Việt Nam có thể chỉ có đếm đấu đến con số 100 người là cùng.

Thành ra tôi không nghĩ ví dụ các Viện Khổng Tử nếu hoàn toàn gắn vào thuyết Khổng Tử lại có thể tạo học thuyết hay tạo ra ảnh hưởng gì đó tại Việt Nam.

BBC: Báo Anh, tờ The Economist cuối năm nay 2011 cũng nói ngay tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản cũng không ủng hộ 100% Khổng Tử. Tượng Khổng Tử 9,5 mét ở Thiên An Môn bị bê đi sau một thời gian, còn giới doanh nhân Trung Quốc lại thích Tôn Tử, và muốn dùng binh pháp của ông vào bành trướng kinh doanh, vậy chuyện Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn truyền bá Khổng giáo ở Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam có thích không?

Tôi nghĩ những người cộng sản Việt Nam ở thế hệ hiện nay họ cũng chỉ còn biết Khổng Tử một cách rất chung chung thôi. Trên thực tế họ vẫn tiếp tục những tôn chỉ của nó nhưng những phạm trù học thuyết thì họ đã xa lâu lắm rồi. Chỉ có cha ông họ biết thôi.

Thành thử tôi không nghĩ là thế hệ những người cộng sản chính thống hiện nay lại có bước ngoặt là quay lại học Khổng giáo, để lĩnh hội giáo lý, tôn chỉ của nó. Tôi không tin là họ sẽ làm như thế.


Đọc tiếp...

CHIỀU CUỐI NĂM, ĐỌC TÙY BÚT CỦA PHẠM CHUYÊN

Những dòng sông 

Tùy bút của Phạm Chuyên

Bốn con sông. Tranh HS Đinh Quân tặng Phạm Chuyên

Những dòng sông mang nặng phù sa cõng trên lưng biết bao thân phận người. Thế mà người đời cứ qua sông rồi là quên mất cả dòng sông. 

Còn nhớ lắm, ngày tôi sinh, nơi tôi sinh ở ngôi nhà ông bà ngoại, bờ phải phía trên khúc sông chảy qua kinh thành Thăng Long - Hà Nội. 

Tôi biết đến Hà Nội vào những năm sáu mươi, thời bao cấp, tôi được giáo dục cầm súng đi đánh Mỹ. Được tập huấn ở Cầu Chui, Gia Lâm - Hà Nội. Mang quân hàm binh nhì, phụ cấp hàng tháng 5 đồng. Số tiền vừa đủ mua xà phòng tắm 72%, díp đánh răng Ngọc Lan và tem thư. Còn lại, chỉ đủ đi bộ qua cây cầu Long Biên, lượn một vòng xung quanh Hồ Gươm, ăn một que kem Hồng Vân, lại đi bộ qua cầu, trở về Cầu Chui để học cách đánh Mỹ. 

Cây cầu Long Biên và dòng sông Hồng mang trong tiểu sử của nó biết bao sự kiện, bao chiến công, bao thương tích, lịch sử đã ghi chép lại khá cụ thể, khá đầy đặn. Còn với tôi cây cầu ấy, khúc sông ấy là những cuộc cuốc bộ, bụng đói, bước chân như ngắn lại, như con ngựa đi nước kiệu, thở hồng hộc để kịp về doanh trại. Điểm danh cho kịp trước khi tiếng kẻng vang lên. 

Năm mươi năm đã trôi qua. Vào một ngày của năm Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, ngày hội trên cầu Long Biên. Năm mươi năm tôi mới lại thả bộ trên cây cầu Long Biên bên người bạn đời xuống bãi giữa, cô ấy mua mấy bắp ngô nướng. 

Chúng tôi qua đầu cầu bên Gia Lâm, uống một trái dừa xiêm. Mua một con tò he. Cô ấy được ký họa một bức chân dung, bằng bàn tay của một họa sĩ trẻ đang hành nghề trên cầu. Tôi kể cho cô ấy những cuốc đi bộ trên cầu Long Biên mà chưa một lần cô ấy nghe, được chứng kiến nhiều việc tôi đã được phục vụ để trả nợ cho dòng sông Mẹ nơi tôi sinh ra, nơi tôi sống những năm tháng đáng sống nhất, gian nguy nhất và chan chứa yêu thương nhất mà người dân Hà Nội ưu ái dành cho tôi. 

Biết ơn mãi mãi là một cảm hứng đi suốt cuộc đời tôi. Dù thời khắc ấy là bình minh, là giông bão. Là thơm ngát mùi hương những loài hoa Hà Nội. Là gương mặt người. Là những bóng đêm. 

Có một lần tôi đề xuất với những người có trách nhiệm ở Thủ đô ta, xin đừng đặt tên nước cho tên quận... Cái quận Hoàng Mai bây giờ, các vị ấy dự định đặt tên là quận Vạn Xuân. Mọi việc như ván đã đóng thuyền. Tôi thức suốt một đêm để thuyết trình cái lý lẽ đừng có đặt tên nước làm tên quận. Xong việc bốn giờ sáng, tôi, hai nhà báo và một hoạ sĩ ngồi bên bờ hồ Trúc Bạch, ở nơi ranh giới giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch.

Tướng Phạm Chuyên. Ảnh: N.X.D
Thời ấy dân Hà Nội bảo là nơi ranh giới giữa cái hồ sống (hồ Tây) và cái hồ chết (hồ Trúc Bạch). Không rượu, không bia, chỉ có mấy chai lavie và thuốc lá, tôi thanh thản mà đọc mấy câu ghi lại cảm xúc biết ơn cái đêm ấy của anh em chúng tôi. 

Biết ơn nhiều cái đêm không ngủ
Đêm bàng hoàng đêm hốt hoảng về đâu
Trời chưa sáng mà mặt người ngời sáng
Đêm tưởng dài đêm có dài đâu! 

Sáng hôm sau tôi đọc tờ thuyết trình viết ở cái đêm ấy. Ý kiến của tôi được chấp thuận. Thế là có cái tên quận Hoàng Mai bây giờ. Còn tên nước Vạn Xuân từ thời vua Lý Bôn - Lý Bí vẫn là tên nước. Cái hồ sống và cái hồ chết mà chả bao giờ chết được vốn là một phần của con sông Mẹ đã xui khiến tôi và các bạn tôi làm được một việc thật ra là chả mang lại tiền của gì, nhưng nó là cái duyên mà phải làm để trả ơn, để biết ơn tất cả, biết ơn những con sông, những dòng sông, và những gương mặt người.
Hà Nội - bên dòng sông Cái
Tháng Chạp - Canh Dần
Phạm Chuyên
.

Con đê

Tùy bút của Phạm Chuyên


Người Việt Nam mình có ngàn ngàn cây số con đê. Đê sông, đê biển, đê ngòi… Tuổi thơ ai mà chả có những kỷ niệm về những triền đê và con đê. 

Tôi là ai là ai mà yêu quá đời này (Trịnh Công Sơn)... 

Triền đê tuổi thơ tôi. Cái con đê và triền đê kéo dài từ Trung Hà đến triền đê Thăng Long Hà Nội. Đã có thời tôi như một trẻ vô phúc chả làm sao đi lại trên triền đê của tuổi ấu thơ. Đến khi không nghèo như những người công nhân đứng máy, những nhà máy dệt may, nhà máy giày da, nhà máy kính đáp cầu, nhà máy Nai, nhà máy a di đát… Cũng không nghèo như người dân quê tôi giữa những năm hai nghìn - thôn Bài Nha, xã Cam Thượng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây - mà nay di về Thăng Long - Hà Nội. Cũng không giàu có như các đại gia, xanh có, đỏ có, xanh vỏ đỏ lòng cũng có. Đủ tiền tôi gọi một cuốc xe đến thắp nhang bốn mươi chín ngày của cụ bà, quê Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội.


Người lái xe lầm lì và kiệm lời lắm. Nhờ có duyên trời cho, anh thổ lộ bảo em người núi Voi, Hải Phòng, là họa sĩ, lái tắc xi chỉ để chơi thôi. Tôi bảo thế cuốc xe này bao nhiêu tiền. Hai triệu. Trời ơi là trời. Có trên dưới bốn chục cây số mà những hai triệu. Họa sĩ lái cái giá nó khác đấy ông anh ạ. Hết biết rồi. Tôi trả anh triệu rưỡi.

Vàng hương xong, chúng tôi xuôi theo triền đê sông Hồng trở về Hà Nội. Tôi bảo chỉ đi trên đê, không đi trên đường thiên lý, trên đường cái quan. Ô kê đi. Họa sĩ nói thế.

Từ Tản Hồng, họa sĩ dừng xe đột ngột. Bảo rẽ vào đình Chàng (đình Chu Quyến) đi bác. Tôi bảo: Ừ. Cái ngôi đình này là cả tuổi thơ tôi. Ông bà già tôi. Ông cố nông - không một thước đất cắm dùi. Lấy mẹ tôi, con cụ tiên chỉ của làng. Hai người sau khi sinh ra tôi về ngụ cư trên chính vùng đất quê mình - chợ Chàng, Chu Quyến, Quảng Oai, Tùng Thiện, Sơn Tây.

Thế là tôi học A, B, C ở đình Chàng cho đến lớp hai. Đình Chàng có những cột đình to đùng, to đoàng. Vào tuổi ấy phải bốn đến sáu đứa trạc tuổi tôi mới ôm khít một cột đình. Còn nhớ chỉ học A, B, C mà ông giáo làng đã viết một tờ giấy dó mấy chữ Tổ quốc trên hết. Cứ mỗi ban mai, chúng tôi hái những bông hoa, họa dại có, hoa người ta trồng có, kết một vòng hoa xung quanh mấy chữ Tổ quốc trên hết của ông giáo làng.

Rời đình Chàng, chàng họa sĩ lại bon bon trên triền đê sông Hồng. Rồi chàng họa sĩ lại thắng gấp đánh hự một cái, rẽ trái một cái. Chúng tôi đứng trước cái cổng sắt nhà cụ tiên chỉ. Cổng đóng then cài. Mợ tôi (chủ nhà) đang mưu sinh trên đường thiên lý. Nhìn qua cánh cổng sắt tôi mơ màng thấy cái cuống rốn tôi bay bay trên vườn nhà ông ngoại.

Chúng tôi lại bon bon trên triền đê sông Hồng xuôi về Hà Nội. Trời vẫn mưa. Ổ trâu, ổ gà, ổ voi, cơ man nào là ổ. Chàng tắc xi - họa sĩ bảo, bác có biết lái không. Tôi bảo, cứ thử xem. Tôi cầm vô lăng chở chàng họa sĩ bon bon trên triền đê sông Hồng xuôi về Thăng Long Hà Nội. Bụng cứ bảo dạ, hai anh em mình về Hà Nội thôi. Hà Nội có những người chị, những người em, có cả Thắng ngớ đang chờ ta.

Khự một phát, người ta đắp ụ chắn đê, đành rẽ vào phố phường. Qua triền đê Liên Hà, Liên Mạc, tôi nằm phịch trên chiếc giường sau cùng, ngôi nhà sau cùng. Chắc sẽ cho đến lúc về chầu ông bà ông vải.

*Tác giả Phạm Chuyên, Thiếu tướng, nguyên GĐ Sở Công an Tp Hà Nội.



Đọc tiếp...

PHÁT NGÔN TUẦN VIỆT NAM: ẤN TƯỢNG 2011

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Ấn tượng 2011

“… một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử hiện đại, hàng chục cuộc biểu tình yêu nước tự phát đã nổ ra tại Thủ đô Hà Nội, cùng với các cuộc biểu tình của Việt kiều ở nước ngoài. Tất cả đều hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa- Trường Sa.”

“Đó là sự khẳng định, cần thực hiện điều 69 Hiến pháp 1992, quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật, phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Đồng thời nó góp phần điều chỉnh thái độ sống của con người trong xã hội pháp quyền.”

“Sự kiện ngoài Biển Đông, vô tình tạo ra áp lực, thúc đẩy cả một quốc gia phải tự lớn lên, tự nâng mình lên trước sự tồn vong và phát triển. Thúc đẩy một xã hội dân sự, dân chủ và pháp quyền, sớm muộn đã bắt đầu nảy nở, hình thành.”

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Ấn tượng 2011

Tác giả: Kỳ Duyên

Chỉ còn một ngày nữa, năm 2011 sẽ khép lại. Khép lại một năm có rất nhiều sự kiện, con người với những phát ngôn và hành động ấn tượng, khiến dư luận xã hội chú ý và bàn luận. Có nỗi đau và sự phẫn nộ. Có nỗi buồn và sự bất bình. Nhưng cũng có cả những niềm hy vọng, dù mỏng manh….Phát ngôn Tuần Việt Nam cuối năm xin chọn một số sự kiện, nhân vật tiêu biểu và gây ấn tượng mạnh trong năm, gửi tới quý bạn đọc để chia sẻ. Cũng là gửi tới những nỗi niềm trải nghiệm một năm cũ sắp qua, với lời chúc sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và an lành trong tâm hồn tất cả chúng ta, khi Năm mới 2012 đã rất gần.


Sự kiện ấn tượng: Biển Đông và lòng người nổi sóng

Năm 2011 sắp qua. Nhưng có thể nói, sự kiện Biển Đông là dấu ấn đậm nhất trong con tim mỗi người Việt yêu nước. Một dân tộc gian truân, luôn khao khát hòa bình như dân tộc Việt, một lần nữa phải đứng trước thách thức của số phận- độc lập dân tộc?

Có quá nhiều sự kiện gây bất bình và phẫn nộ giữa người với người, giữa láng giềng với láng giềng, như để đo nắn lòng yêu nước và khí phách tự tôn, tự cường một dân tộc? Hay “trang sử mới” 1000 năm Bắc thuộc vẫn muốn được mở ra, để láng giềng viết tiếp cho láng giềng? (đoạn này đã được biên tập  cắt bỏ-BS).


Biển Đông thì rất sâu, nhưng lòng yêu nước của người Việt chắc chắn còn sâu hơn thế.

Những con sóng bạc đầu của Biển Đông rất dữ, nhưng lòng yêu nước nơi người Việt còn dữ hơn những con sóng bạc đầu. Lịch sử dân tộc Việt trong quá khứ đã viết điều đó, thấm đẫm máu, mồ hôi, và nước mắt.

Ngay cả những ngôi mộ gió bên Biển Đông, nơi chứa đựng linh hồn của những ngư dân Việt mãi đi không về, cũng nói một điều thiêng liêng, bất khả xâm phạm về biển đảo.

Hoàng Sa- Trường Sa không chỉ tạc trên tấm bản đồ Việt Nam, giữa sóng nước Biển Đông, nó còn tạc trong tâm thức của hơn 80 triệu con dân Việt.

Và, một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử hiện đại, hàng chục cuộc biểu tình yêu nước tự phát đã nổ ra tại Thủ đô Hà Nội, cùng với các cuộc biểu tình của Việt kiều ở nước ngoài. Tất cả đều hướng về Biển Đông, hướng về Hoàng Sa- Trường Sa.

Đó cũng chính là tiếng nói của lý lẽ phải trái công minh, của khí phách người Việt trước vận mệnh dân tộc.

Đỉnh cao của ‘đối thoại” về chủ quyền biển đảo, sau rất nhiều những tranh luận, phát ngôn, những chứng cứ pháp lý lịch sử, cuối cùng được công khai và minh bạch “danh chính ngôn thuận”, trong một văn bản sáu điểm, được ký kết giữa hai nước Việt- Trung. Được đánh dấu vào ngày 11/10/2011, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc.

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng  Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào

Theo đó, hai nước Việt Nam- Trung Quốc lấy đại cục quan hệ hai bên làm trọng, xuất phát từ tầm cao chiến lược và toàn cục, với phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, theo tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Kiên trì thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và giải quyết thỏa đáng vấn đề trên biển, làm cho Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đóng góp vào việc phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, góp phần duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực.

Khi mọi thông tin được đưa ra ánh sáng, giữa thanh thiên bạch nhật, công khai và minh bạch, thì nó buộc mỗi con người, mỗi quốc gia, mỗi láng giềng, dù nhỏ, dù to, phải hành xử như chính danh quân tử – nhất ngôn.

Công khai và minh bạch, như trả lời chất vấn của TT Nguyễn Tấn Dũng tại Kỳ họp thứ 2, QH khóa 13 mới đây trước sự chờ mong của nhân dân. Trước những vấn đề cực kỳ hệ trọng, sinh tử của quốc gia, trước những vấn đề quyền con người trong một xã hội đang hướng tới văn minh và hội nhập.

Cả nghị trường, đúng hơn, cả xã hội như lặng phắc trước những thông tin chính thức từ người đứng đầu Chính phủ.

Đó là sự khẳng định chủ quyền Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa-  Trường Sa căn cứ trên các cơ sở pháp lý và lịch sử không thể phủ nhận. Với những dẫn chứng, cứ liệu và cơ sở luật pháp quốc tế.

Đó là sự khẳng định, cần thực hiện điều 69 Hiến pháp 1992, quy định công dân được quyền biểu tình theo pháp luật, phù hợp với Hiến pháp, đặc điểm lịch sử, văn hóa, điều kiện cụ thể của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế. Đồng thời nó góp phần điều chỉnh thái độ sống của con người trong xã hội pháp quyền.



Sự công khai và minh bạch thông tin, không chỉ là tiêu chí quản lý một xã hội hiện đại. Nó còn có ý nghĩa hóa giải mọi hoài nghi, lo lắng, mọi tổn thương trong dư luận xã hội lâu nay xung quanh vấn đề Biển Đông và hiện tượng biểu tình.

Sự kiện ngoài Biển Đông, vô tình tạo ra áp lực, thúc đẩy cả một quốc gia phải tự lớn lên, tự nâng mình lên trước sự tồn vong và phát triển. Thúc đẩy một xã hội dân sự, dân chủ và pháp quyền, sớm muộn đã bắt đầu nảy nở, hình thành.

Phát ngôn ấn tượng: Khó phát triển và… nguy cơ?

Năm 2011, có rất nhiều phát ngôn ấn tượng của các nhân vật nổi tiếng và không nổi tiếng (nói đúng hơn, nhờ phát ngôn “ấn tượng” mà có những nhân vật không tên tuổi trở thành nổi tiếng, cho dù là tiếng… xấu).

Nhưng người viết bài xin chọn một phát ngôn gây ấn tượng nhất. Vì nó rất trí tuệ, sâu sắc và hàm chứa nhiều vấn đề của một xã hội thời hội nhập. Đó là phát ngôn của tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công An.

Bình về hiện tượng một Bộ trưởng trẻ- Đinh La Thăng, đang phải đối mặt với một ngành khó khăn nhất nhì đất nước- giao thông, tướng Lê Văn Cương lưu ý nhà báo, cũng là lưu ý bạn đọc về đặc điểm của cơ chế xã hội: Việt Nam không  phải nước đang phát triển, đã phát triển hay chậm phát triển; mà là khó phát triển (Tuần Việt Nam, ngày 27/10/2011).

Một phát ngôn không chỉ nhiều suy ngẫm, mà còn nhiều trải nghiệm thực tiễn ở đời.

 
Thiếu tướng Lê Văn Cương

Vì sao Việt Nam ta khó phát triển?

Trước đó, lý giải về sự thành công của quốc gia Singapore, theo tướng Lê Văn Cương: “Một người trợ lý của của cựu TT Singapore Lý Quang Diệu từng nói với tôi, các ông cứ thần thánh hóa ông Lý Quang Diệu chứ ông Diệu chỉ là một người bình thường. Chỉ là ông ta đi khắp thế giới và rút ra được mấy vấn đề. Một đất nước nhỏ như vậy, muốn phát triển được trước hết phải có một bộ máy hành chính tử tế. Hai là nguồn nhân lực có chuyên môn cao. Ba là hệ thống hạ tầng thông suốt. Việc lớn nhất ông Diệu làm được chính là tập hợp được một đội ngũ những người giỏi xung quanh ông ấy. Và đến giờ phút này, chưa có ai kêu ca gì về gia đình ông Lý Quang Diệu, họ hoàn toàn trong sáng”.

Nếu so với ba vấn đề, đất nước nhỏ Singapore đã rút ra được, thì đất nước to như Việt Nam ta đang ở trạng thái… bó tay. com.

Bởi con người là yếu tố quyết định của bộ máy và cơ chế quản lý. Nhưng trong cơ chế ấy, con người vừa bất lực, vừa tích cực tham gia vào quá trình làm “tha hóa” xã hội, chỉ vì lợi ích nhóm, lợi ích riêng mình.

Ngày 25/12/2011 mới đây, Tuần Việt Nam có bài Quyền “đuổi đầy tớ” của dân”, với chủ đề cải cách hành chính. Công cuộc CCHC của chúng ta triển khai đã gần 10 năm, thế nhưng hiệu quả ra sao, khi mà nền hành chính quốc gia còn rất ì ạch?

Bài báo cho biết: Từ thời “dân chủ cộng hòa” cho đến nay, hơn 65 năm qua, người dân vẫn chưa biết “đuổi đầy tớ” bằng cách nào, khi “đầy tớ” “không làm được việc cho dân…. Khi nhân dân không thực quyền trong tuyển dụng và sa thải “đầy tớ” thì tính chịu trách nhiệm của các “đầy tớ” trước nhân dân, của toàn bộ bộ máy Nhà nước nói chung sẽ thấp. Tính chịu trách nhiệm thấp sẽ dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước thấp, tham nhũng tăng.

Tham nhũng từ lâu đã được người dân kinh hãi tặng danh hiệu quốc nạn. Mặc dù, Nhà nước thành lập hẳn bộ máy chống tham nhũng các cấp từ trên xuống dưới, nhưng tại buổi Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 10, được tổ chức tại Hà Nội ngày 29/11, Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng chống tham nhũng cho biết: Trong 5 năm qua (2007-2011), các cơ quan tố tụng khởi tố bình quân mỗi năm khoảng 280 vụ, với hơn 600 bị can về các tội tham nhũng.

Đó mới chỉ là con số của các đồng chí… bị lộ so với các đồng chí … chưa bị lộ.

Dưới con mắt của nhiều chuyên gia quốc tế, số điểm và vị trí xếp hạng của Việt Nam năm 2011 không thay đổi bao nhiêu so với năm 2010. Thế nên, một đại biểu QH từng cảm thán: Chống tham nhũng giống như dòng văn học cuối thế kỷ 19 – hiện thực phê phán – thấy hiện trạng nhưng không có giải pháp tháo gỡ.

Chả lẽ, lại nên có một khái niệm mới: Tham nhũng- dòng văn học hiện thực phê phán?

Ngày 26/12/2011 mới đây, VietNamNet đưa lại bài viết của Cổng TTĐT Chính phủ. Đọc tít, người ta giật mình: Chỉnh đốn Đảng vì sự tồn vong của chế độ. Có lẽ chưa bao giờ, một Tổng Bí thư Đảng phải có một phát ngôn thẳng thắn, và cũng đau đến thế, cấp báo đến thế. Vì đó là sự thật!


Trong nhiều nội dung bức thiết, theo TBT, Trung ương chọn ba vấn đề thực sự cấp bách cần làm ngay, để củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đó là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp…

Như để “minh họa” cho nhận định của người lãnh đạo cao cấp, mới đây, ở tỉnh nghèo Sóc Trăng, có đông người dân tộc, hai quan chức Nguyễn Thanh Lèo (Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải) và Trần Văn Tân (Giám đốc TT Đào tạo lái xe loại 3) đánh cờ tướng với nhau. Mỗi ván, các ông cược từ 1-5 tỷ đồng (!) Chuyện vỡ lở. Cả xã hội bàng hoàng. Người ta tự hỏi, với chức quan nhỏ như của hai ông, mà sao tiền đã như vỏ hến?

 
Căn biệt thự của ông phó Sở đánh cờ bạc tỷ tại  Sóc Trăng

Nhà nước thường lo lắng, đề phòng nguy cơ các thế lực thù địch từ bên ngoài. Nhưng lại thường coi nhẹ nguy cơ “kẻ thù” nằm ngay trong một bộ phận không nhỏ ở đội ngũ được gọi là đầy tớ của dân. Đó là sự quan liêu, sự vô cảm và “bắt nạt” dân. Là sự ích kỷ, tham lam, sa đọa đạo đức, lối sống của chính họ. Trong khi, nhân dân- những người được gọi là người chủ xã hội, mất lòng tin, thậm chí phẫn nộ, mà không biết làm sao có thể “đuổi đầy tớ” bằng cách nào.

Một nền hành chính quốc gia còn nhiều khiếm khuyết, quốc nạn tham nhũng, và sự sa đọa của không ít cán bộ, quan chức…Đó không chỉ làm cho đất nước khó phát triển, mà còn là nguy cơ cho sự tồn vong một chế độ.

Nguy cơ này, liệu đã nhãn tiền chưa?
(Còn tiếp)
Nguồn: Tuần Việt Nam & Ba Sàm.
Đọc tiếp...

CHỦ TỊCH NƯỚC: CHỦ QUYỀN LÃNH THỔ LÀ THIÊNG LIÊNG!

Chủ tịch nước: Chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng

.

Chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời báo chí trước thềm năm mới.

VietNamNet trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:


- Thưa Chủ tịch nước, năm 2011 đã để lại nhiều dấu ấn trên lĩnh vực đối ngoại. Chủ tịch nước đánh giá như thế nào về những kết quả này?


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Đại hội XI của Đảng đã tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế...
  
Thực hiện đường lối đó, trong năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã triển khai ở mức cao các hoạt động đối ngoại, từ các hoạt động song phương đến các diễn đàn đa phương của quốc tế, của khu vực; từ cấp cao đến các bộ ngành, địa phương; cả các hoạt động ngoại giao nhân dân.

Có thể nói, năm 2011 là một năm thắng lợi nổi bật trên lĩnh vực đối ngoại, vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được quốc tế công nhận, đề cao. Trong lúc tình hình an ninh chính trị ở nhiều khu vực có biến động và kinh tế thế giới khó khăn do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nhưng lòng tin của các nước, của các công ty, tập đoàn kinh tế trong khu vực và trên thế giới đối với Việt Nam không những không suy giảm, mà còn tiếp tục duy trì và phát triển, vẫn tiếp tục chọn Việt Nam là điểm đến tin cậy; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn ODA dành cho Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức cao.


Tôi xin nhấn mạnh rằng, các nhà đầu tư đưa vốn của họ vào Việt Nam không đơn giản chỉ vì họ yên tâm về những gì nhìn thấy ở Việt Nam hôm nay, mà chủ yếu vì họ thấy một Việt Nam ổn định và phát triển lâu dài trong tương lai. Kết quả hoạt động ngoại giao đem lại không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà việc tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa nước ta với các nước, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế đã góp phần củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước...


Thêm một lần nữa, chúng ta nhận thấy rõ ràng hiệu quả và tính đúng đắn đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.


-Xin Chủ tịch nước cho biết những giải pháp cơ bản để tháo gỡ khó khăn trong năm qua và để tiếp tục phát triển đất nước trong năm tới?


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Bước vào năm 2011 những thách thức và khó khăn đều nhiều hơn, lớn hơn so với dự báo. Trước tình hình lạm phát tăng cao, mất ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Chính trị đã có Kết luận 02, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11, thực hiện nhiều chính sách đồng bộ: chính sách tài chính và tiền tệ chặt chẽ, cắt giảm đầu tư công, giảm mức tăng trưởng tín dụng; miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp gặp khó khăn, trợ cấp cho người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội...


Với sự nỗ lực phấn đấu vượt bậc, năng động sáng tạo của toàn dân, của cả hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nghiệp, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, quản lý có hiệu quả của Nhà nước, chúng ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, ứng phó có kết quả với diễn biến phức tạp của tình hình, đạt được những thành tựu quan trọng. Lạm phát được kiềm chế, từng bước giảm dần, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực. Sản xuất kinh doanh được duy trì và phát triển, tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt gần 6%, an sinh xã hội được quan tâm giải quyết, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng an ninh được tăng cường, vị thế của nước ta trên thế giới ngày càng được nâng cao.


Năm 2012, đất nước ta còn rất nhiều khó khăn để ổn định và tiếp tục phát triển, Đảng, Nhà nước một mặt tiếp tục thực hiện chính sách tài chính và tiền tệ chặt chẽ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện nhiều chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo; miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có nhiều khó khăn; khi chỉ số lạm phát giảm xuống, ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ dần lãi suất cho vay, giảm bớt khó khăn về vốn cho doanh nghiệp; mặt khác thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào tái cơ cấu đầu tư mà trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước; tái cơ cấu hệ thống tài chính mà trọng tâm là các ngân hàng thương mại; đổi mới mô hình tăng trưởng để chuyển từ phát triển chủ yếu theo chiều rộng sang dần phát triển theo chiều sâu dựa vào ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh, bền vững.


Cùng với lĩnh vực kinh tế, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững.


-Trước những kỳ vọng của người dân về một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương có những kế hoạch gì trong những năm tới, thưa Chủ tịch nước?


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49-NQ/TW về cải cách tư pháp, công tác cải cách tư pháp đã được triển khai thực hiện tích cực, đạt được một số kết quả, tạo sự chuyển biến tốt trong lĩnh vực tư pháp; chất lượng các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên; sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng chặt chẽ hơn đã góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án.


Tuy nhiên, chúng ta còn tiếp tục phải làm rất nhiều công việc để đáp ứng mong muốn của Đảng và của nhân dân về xây dựng nền tư pháp công minh, liêm chính, bảo vệ quyền công dân, bảo vệ chế độ. Có nhiều việc phải làm nhưng trước mắt cần tập trung vào một số công việc trọng tâm, như: tiếp tục hoàn thiện chính sách, luật pháp về hình sự, dân sự và tố tụng tư pháp; hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp; xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan bổ trợ tư pháp; xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng; hoàn thiện cơ chế giám sát của các cơ quan dân cử, của nhân dân đối với hoạt động tư pháp; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động tư pháp... với quyết tâm thực hiện được mục tiêu Nghị quyết của Đảng đề ra và mong muốn của nhân dân đối với lĩnh vực tư pháp, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


-Thưa Chủ tịch nước, giữ vững chủ quyền lãnh thổ hiện nay là vấn đề được nhân dân hết sức quan tâm. Đảng và Nhà nước có phương sách gì để vừa giữ vững chủ quyền, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước, nâng cao vai trò vị thế của đất nước?


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền trên biển Đông diễn biến phức tạp, Đảng, Nhà nước ta luôn chủ trương kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán với các bên có liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Quy tắc ứng xử của các nước trong khu vực (DOC), đây là những chuẩn mực được cộng đồng thế giới thừa nhận, đồng tình và trên cơ sở thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 10/2011 của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.


Bằng cách đó và bằng việc tăng cường hoạt động đối ngoại tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước trong khu vực và trên thế giới, tạo sự ủng hộ tích cực của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta, để chúng ta vừa bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, vừa giữ vững được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, không ngừng nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế.


-Trong nhiệm kỳ của mình, Chủ tịch nước đặt ra cho mình những mục tiêu, nhiệm vụ gì?


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Như tôi đã phát biểu trước Quốc hội khi được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ trọng trách Chủ tịch nước, trong nhiệm kỳ của mình, tôi nguyện sẽ đem hết sức mình phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước theo Hiến pháp và pháp luật quy định, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ lớn là:


Một: xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân, quản lý có hiệu lực, hiệu quả cao.


Hai: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.


Ba: Phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.


Bốn: Củng cố quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.


Năm: Tăng cường hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, tạo ra môi trường hoà bình, ổn định, những điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.


Sáu: Củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.


-Chủ tịch nước gửi tới bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước lời chúc và thông điệp gì nhân dịp năm mới?


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Năm mới, tôi thân ái chúc toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sỹ trên mọi miền Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Tôi đặc biệt gửi tới các cán bộ, chiến sỹ đang vừa đón Tết, vừa thực hiện nhiệm vụ ở các vùng biên giới, hải đảo xa xôi tình yêu thương sâu nặng. Thay mặt nhân dân Việt Nam, tôi gửi tới nhân dân các nước, các dân tộc trên thế giới, bạn bè nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên đất nước Việt Nam lời chúc hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Năm 2012, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thử thách, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước, quyết tâm giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh, bước đầu thực hiện hiệu quả chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường... quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2012, tạo tiền đề tích cực để thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm 2011-2016 mà Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra.


Tôi mong đồng bào và chiến sỹ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục nỗ lực hơn nữa, đoàn kết hơn nữa, vững tin ở tương lai tươi sáng của đất nước, vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhất định chúng ta sẽ giành được nhiều thắng lợi mới to lớn hơn nữa.


Theo TTXVN/Vietnam+ 
 
Đọc tiếp...

Thứ Năm, 29 tháng 12, 2011

PGĐ SỞ GIÁO DỤC CÀ MAU THẾ CHẤP CẢ THẺ ĐẢNG

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau thế chấp cả thẻ đảng
Ngày 26.12, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (ngụ khóm 8, P.8, TP.Cà Mau, Cà Mau) đến gặp PV Thanh Niên tố cáo bị bà Nguyễn Thị Kim Liên (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau) lừa bán căn nhà và đất trong khi bà Liên đã bán cho người khác. 

Theo bà Thủy, vụ mua bán căn nhà và đất tại số 286 đường Tô Văn Mười (thị trấn Đầm Dơi, H.Đầm Dơi) trị giá 500 triệu đồng. Khi bà Thủy giao tiền thì bà Liên cũng giao sổ đỏ cho bà Thủy giữ, chờ ngày ra công chứng. Sau đó, bà Liên đến nhà yêu cầu bà Thủy mang sổ đỏ cùng bà Liên ra Phòng TN-MT H.Đầm Dơi để làm thủ tục chuyển nhượng. Khi đến nơi, bà Liên nói đưa sổ đỏ cho bà vào trong làm thủ tục. “Nhưng sau khi cầm sổ đỏ, bà Liên trốn đi mất. Sau đó, tôi mới biết căn nhà trên Liên đã tiếp tục bán cho người khác”, bà Thủy nói. 

Sợ bà Thủy làm lớn chuyện, bà Liên viết cam kết hứa sẽ trả lại khoản tiền 500 triệu đồng cho bà Thủy, rồi lấy con dấu của Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau đóng vào bản cam kết. Ngày 24.4, bà Liên mang thẻ đảng và giấy CMND đến thế chấp cho bà Thủy để làm tin về các khoản nợ, trong đó có cả khoản nợ tiền hụi là 30 triệu đồng. Gần đây nhất, ngày 20.12, bà Liên đến gặp bà Thủy và tiếp tục viết cam kết hứa sẽ trả nợ.

Được biết, sáng ngày 26.12, Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết định cách chức Phó giám đốc Sở GD-ĐT đối với bà Liên. 

Gia Bác
Nguồn: Thanh Niên.
Đọc tiếp...

Thứ Tư, 28 tháng 12, 2011

ÔNG TRẦN GIA THÁI ĐƯỢC TẶNG HUÂN CHƯƠNG LAO ĐỘNG

Ngày 28 tháng 12 năm 2011, Đài Phát Thanh – Truyền hình Hà Nội đã tổ chức tổng kết công tác năm 2011, đón nhận cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Trần Gia Thái
Năm 2011, Đài PT-TH Hà Nội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyền truyền các vấn đề kinh tế - xã hội của thành phố....

Thông qua các loại hình báo chí: Truyền hình, Phát thanh, Báo điện tử, Tạp chí truyền hình với các thể loại báo chí: tin, bài, truyền hình trực tiếp, cầu truyền hình, chương trình giải trí.....Đài Phát Thanh – Truyền Hình Hà Nội thực sự là cầu nối tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Đồng thời với việc bám sát tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước và Thủ đô, các chương trình của Đài còn tập trung phản ánh những vấn đề của đời sống đô thị như: vấn đề an toàn giao thông, tiết kiệm năng lượng, vấn đề giữ gìn chủ quyền biển đảo Việt Nam, các vấn đề văn hóa, xã hội, nhân đạo, từ thiện, xây dựng nông thôn mới ở các huyện ngoại thành.....

 Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 
của Chủ tịch nước cho ông Trần Gia Thái - Thành Ủy viên, Tổng Giám đốc, Tổng Biên tập Đài 
và ông Nguyễn Văn Muộn - Chánh văn phòng Đài.

Với kết quả đã đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua 2011 cho tập thể cán bộ, phóng viên đài. UBND thành phố cũng tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua thành phố cho CBCNVC Đài. Ông Trần Giai Thái - Tổng Giám Đốc, Tổng Biên tập Đài và ông Nguyễn Văn Muộn – Chánh Văn phòng Đài được Chủ tịch nước trao tặng huân chương lao động hạng ba.

.....

Đọc tiếp...

LỰC LƯỢNG AN NINH ĐIỀU TRA NHẬN HUÂN CHƯƠNG HỒ CHÍ MINH

Lực lượng An ninh điều tra đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh 



Hôm nay, 28/12, tại Hà Nội, lực lương An ninh điều tra đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (31/12/1951- 31/12/2011) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.
.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trao tặng lực lượng ANĐT Huân chương Hồ Chí Minh - Ảnh Chinhphu.vn

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đã gắn Huân chương lên lá cờ truyền thống của lực lượng ANĐT.

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng An ninh điều tra (ANÐT) luôn là một trong những đơn vị nòng cốt của lực lượng an ninh trong đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước và ngành Công an giao phó, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ.

Từ những ngày trước Cách mạng tháng 8, lực lượng trinh sát- tiền thân của ANĐT đã phối hợp với các lực lượng khác đập tan âm mưu đảo chính của lực lượng phản động Quốc dân Đảng cấu kết với thực dân Pháp (vụ án Ôn Như Hầu). Đây được coi là chiến công đầu tiên của lực lượng ANĐT trong nhiệm vụ bảo vệ Đảng và nhân dân.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương thành tích, sự nỗ lực phấn đấu của lực lượng ANĐT trong những năm qua.

Trong bối cảnh tình hình mới, Phó Thủ tướng yêu cầu lực lượng ANĐT cần nhận thức rõ những thách thức, nguy cơ và những yếu tố mới tác động đến an ninh quốc gia; quán triệt quan điểm của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia trong giai đoạn hiện nay; đổi mới tư duy và phương pháp công tác cho phù hợp.

Lực lượng ANĐT tiếp tục phát huy truyền thống 60 năm, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh trong cơ quan an ninh điều tra, tích cực rèn luyện đạo đức người công an theo 6 điều Bác Hồ dạy và không ngừng học tập, làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, lực lượng ANĐT tăng cường, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng trong ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp và các ban, ngành có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác.

Nhân dịp năm mới 2012 sắp đến, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc lực lượng ANĐT lập nhiều thành tích hơn nữa, mãi mãi xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và nhân dân.

Thành Chung (CP)
Nguồn: HNM.
Đọc tiếp...

NHÀ PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC CẢNH SÁT ĐIỀU TRA, BỊ MẤT TRỘM

Nhà Phó Tổng cục trưởng Cảnh sát mất trộm 1 tỷ

.

Kẻ gian đã đột nhập vào nhà ông Vũ Hùng Vương (ảnh bên) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm - Bộ Công an tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội lấy trộm tài sản khoảng 1 tỷ đồng.

Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, vào hồi 20h50 ngày 25.12, lợi dụng lúc gia đình đi vắng, kẻ gian đã đột nhập vào nhà ông Vũ Hùng Vương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm - Bộ Công an (tại phường Dịch Vọng Hậu) lấy trộm 550 triệu đồng, 9 cây vàng ta, 12 chỉ vàng tây, 500 USD, 500 đôla Australia, 40.000 won Hàn Quốc, 1 dây bạc, 1 đồng hồ đeo tay, 1 dao, 1 kéo, tổng trị giá 1 tỷ đồng.

Vụ án đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra.
Theo Lao động
Nguồn: Dân Việt

"Trong quá trình công tác, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương đã vinh dự được nhận 2 Huân chương Chiến công hạng nhất; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 8 huy chương các loại và nhiều bằng khen của UBQG, Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở. Đặc biệt, đồng chí đã được Bộ Công an lựa chọn đề nghị Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TW, Ban Thi đua Khen thưởng TW tôn vinh trong chương trình "Vinh quang Việt Nam" lần thứ 5; được lựa chọn là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII". (Công an nhân dân 
Đọc tiếp...

ĐƠN TỐ CÁO GỬI CHÁNH ÁN TÒA TỐI CAO






   
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_________________________
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2011
ĐƠN TỐ CÁO
Hành vi ra quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật của Chánh án
 TAND Tp.Hà Nội Nguyễn Sơn
                   Kính gửi: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình
                                         48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
I.Người tố cáo:
1. Ông Nguyễn Đăng Quang, địa chỉ số 07, tổ 1, đường Bờ Sông Tô Lịch, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại 0903.209.626.
2. Ông Hà Huy Sơn, địa chỉ số 50/106/79 Cầu Giấy, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại 0903.222.888.
II.Người bị tố cáo:
Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn vì hành vi ra quyết định trái pháp luật mà mình biết rõ là trái pháp luật.

III.Nội dung:
Ngày 06/9/2011, các ông: Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải, Ngô Đức Thọ, Vũ Ngọc Tiến, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang A, Nguyễn Đăng Quang, Lê Dũng, Nguyễn Xuân Diện nộp đơn khởi kiện đề ngày 05/9/2011 tại Tòa án nhân dân quận Đống Đa về việc: Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội trong hai buổi phát sóng ngày 21/8/2011 và ngày 22/8/2011 nội dung vu khống, xuyên tạc, xúc phạm những người biểu tình “phản đối Trung Quốc liên tục có hành vi gây hấn ở Biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam, gây thiệt hại và uy hiếp nhiều hoạt động kinh tế của các tổ chức, công dân Việt Nam tại Biển Đông” trong đó có chúng tôi, vi phạm Luật báo chí và Bộ Luật dân sự.

Ngày 21/10/2011, chúng tôi nhận được Thông báo số 85/TB-TA đề ngày 17/10/2011 do Thẩm phán TAND quận Đống Đa - Nguyễn Văn Thắng ký trả lại đơn khởi kiện.

Ngày 24/10/2011, chúng tôi nộp đơn khiếu nại (đề ngày 21/10/2011) Chánh án tòa án nhân dân quận Đống Đa đối với Thông báo số 85/TB-TA đề ngày 17/10/2011 do Thẩm phán TAND quận Đống Đa - Nguyễn Văn Thắng ký trả lại đơn khởi kiện Đài PT&TH Hà Nội, bởi 02 lý do chính sau đây:

Thứ nhất:
Căn cứ khoản 1, Điều 172 “Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án”, Bộ luật tố tụng dân sự, quy định khi Tòa án chưa thụ lý vụ án thì chưa được phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Vì vậy, Thẩm phán Nguyễn Văn Thắng  ký Thông báo số 85/TB-TA đề ngày 17/10/2011 trả lại đơn khởi kiện là không đúng thẩm quyền.
Thứ hai:
Căn cứ điểm 7.2, mục 7. Về Điều 168 của Bộ luật TTDS, Phần I của Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/05/2006 hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự, quy định thì Thẩm phán Nguyễn Văn Thắng đã áp dụng sai các quy định trong phần thứ hai “Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa án cấp sơ thẩm” của Bộ luật tố tụng dân sự vi phạm nghiêm trọng đến quyền khởi kiện vụ án của các nguyên đơn.

Ngày 27/10/2011, Tòa án nhân quận Đống Đa ra Quyết định số 26/2011/QĐ-TA V/v: Giải quyết khiếu nại, nội dung giữ nguyên Thông báo số 85/TB-TA do Thẩm phán Nguyễn Văn Thắng ký ngày 17/10/2011 v/v trả lại đơn khởi kiện.
Ngày 10/11/2011, những người khởi kiện đã gửi tới Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn đơn khiếu nại lần 02 đề ngày 03/11/2011 về việc không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án nhân dân quận Đống Đa số 26/2011/QĐ-TA ngày 27/10/2011 do Phó Chánh án Trần Thị Phương Hiền ký thay, bởi các lý do chính như sau:
a) Thẩm phán Nguyễn Văn Thắng không có thẩm quyền ký trả đơn khởi kiện;
b) Xác định chúng tôi thuộc trường hợp người khởi kiện không có quyền khởi kiện là trái BLTTDS và Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP (như đã chứng minh và phân tích tại đơn khiếu nại đề ngày 21/10/2011 ).
c) Thẩm phán Nguyễn Văn Thắng và Chánh án TAND quận Đống Đa chưa thụ lý vụ án đã nhận định về nội dung vụ việc là không khách quan, vô tư.
d) Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án TAND quận Đống Đa (do bà Phó chánh án ký thay) nêu căn cứ pháp lý không chính xác, phớt lờ những lý do khiếu nại của người khởi kiện, giữ nguyên một thông báo được ký trái thẩm quyền và trái Bộ luật TTDS, trái hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao.

Ngày 26/12/2011, chúng tôi nhận được Quyết định số 44/2011/QĐGQKN-DS v/v giải quyết khiếu nại đề ngày 20/12/2011 (Dấu bưu điện ngoài bì thư 24/12/2011) của Chánh án TAND thành phố Hà Nội do Phó Chánh án Tạ Quốc Hùng ký thay vi phạm các quy định của pháp luật như sau:

1) Căn cứ điều 396 Bộ luật tố tụng dân sự 2004, quy định trích:
“Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Thư ký Toà án, Hội thẩm nhân dân, Thẩm phán, Phó Chánh án do Chánh án Toà án giải quyết trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Toà án cấp trên trực tiếp.”

Chánh án TAND thành phố Hà Nội đã vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại.

2) Theo Thông báo số 85/TB-TA do Thẩm phán Nguyễn Văn Thắng ký ngày 17/10/2011 v/v trả lại đơn khởi kiện và  thực tế biên bản giao nhận tài liệu, trích:
“ Tòa án nhân dân quận Đống Đa trả lại đơn khởi kiện cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo và thông báo cho người khởi kiện được biết.”
Nhưng Quyết định số 44/2011/QĐGQKN-DS v/v giải quyết khiếu nại đề ngày 20/12/2011 của Chánh án TAND Tp.Hà Nội, trích (trang 02):
“Nhận được đơn khiếu nại của người khởi kiện, ngày 14/11/2011 Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội có Công văn số: 170/2011/CV-TA về chỉ đạo nghiệp vụ, yêu cầu Tòa án nhân dân quận Đống Đa báo cáo và chuyển toàn bộ hồ sơ, tài liệu đã làm căn cứ ra thông báo trả lại đơn khởi kiện và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.”
Ngày 17/11/2011, chúng tôi căn cứ k1, điều 45 Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi, bổ sung các năm 2004, 2005, quy định:
“Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại có thể gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại, người bị khiếu nại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp người khiếu nại nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật thì luật sư có quyền tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại.”
Đã có văn bản đề nghị đối thoại trực tiếp với ông Chánh án nhưng không được trả lời. Vậy Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội lấy đâu ra “hồ sơ, tài liệu đã làm căn cứ ra thông báo trả lại đơn khởi kiện và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.” của Tòa án nhân dân quận Đống Đa.

3) Căn cứ khoản 1, mục I, Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐTP ngày 17/9/2005 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quy định:
“Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của BLTTDS thì về nguyên tắc chung, cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của đương sự, của cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên theo quy định tại Điều 79 của BLTTDS, khi có yêu cầu Toà án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc phản đối yêu cầu của người khác đối với mình hoặc bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, thì đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu có nghĩa vụ phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.”

Nhưng Quyết định số 44/2011/QĐGQKN-DS v/v giải quyết khiếu nại đề ngày 20/12/2011 của Chánh án TAND Tp.Hà Nội, trích (trang 02):
“Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 của BLTTDS thì về nguyên tắc chung, cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, yêu cầu có nghĩa vụ phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.”

Tòa án nhân dân Tp.Hà Nội đã trích dẫn văn bản pháp luật, bỏ chữ, cắt xén giữa câu một cách tùy tiện để làm căn cứ ra Quyết định giải quyết khiếu nại.

4) Để trả lại đơn khởi kiện thì Tòa án nhân dân quận Đống Đa và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phải căn cứ vào quy định tại điều 168 “Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện” của Bộ luật tố tụng dân sự 2004, sửa đổi, bổ sung 2011 để xem xét đúng sai. Nhưng Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội lại dẫn khoản 1, điều 79 “Nghĩa vụ chứng minh” của Bộ luật TTDS để giải thích cho việc trả lại đơn khởi kiện là sai vì các bên sẽ chứng minh chứng cứ sau khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện.

Hơn nữa, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã cẩu thả, tiếp tục mắc lại lỗi của Thẩm phán Nguyễn Văn Thắng ở Tòa án nhân dân quận Đống Đa là trích dẫn luật sai “áp dụng điểm b khoản 2 điều 168…của Bộ luật tố tụng dân sự” bởi khoản 2 điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 và khi sửa đổi, bổ sung năm 2011 đều không có điểm b.


Vì vậy, căn cứ khoản 2, điều 2 của Luật khiếu nại, tố cáo, quy định:
“"Tố cáo" là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.”

Chúng tôi tố cáo Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn về hành vi ra quyết định trái pháp luật mà mình biết rõ là trái pháp luật gây mất uy tín cho hệ thống tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, xâm phạm đến quyền khởi kiện dân sự của công dân.

YÊU CẦU
1-     Chánh án Tòa án nhân dân tối cao buộc Chánh án Tòa án nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội nhận lại và thụ lý đơn khởi kiện của các ông: Nguyên Ngọc, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Văn Khải, Ngô Đức Thọ, Vũ Ngọc Tiến, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Quang A, Nguyễn Đăng Quang, Lê Dũng, Nguyễn Xuân Diện về việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa khởi kiện Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội.
2-     Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xử lý theo pháp luật đối với Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Sơn.

Trân trọng,

Tài liệu chứng cứ kèm theo:
1.     Đơn khởi kiện đề ngày 05/9/2011;
2.     Thông báo số 85/TB-TA ngày 17/10/2011 của TAND quận Đống Đa;
3.     Đơn khiếu nại ngày 21/10/2011 gửi Chánh án TAND quận Đống Đa;
4.     QĐ 26/2011/QĐ-TA ngày 27/10/2011 của TAND quận Đống Đa;
5.     Đơn khiếu nại ngày 03/11/2011 gửi Chánh án TAND Tp.Hà Nội;
6.     Đề nghị đối thoại trực tiếp ngày 17/11/2011;
7.     Quyết định số 44/2011/QĐGQKN-DS ngày 20/12/2011.
Xin liên lạc:
Ông Nguyễn Đăng Quang, địa chỉ số 07, tổ 1. đường Bờ Sông Tô Lịch, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, điện thoại 0903.209.626.
Nơi nhận:                                                            Người làm đơn
-          Như trên;
-          Những người khiếu nại;
-          Lưu.


                                                 Nguyễn Đăng Quang            Hà Huy Sơn

Đọc tiếp...