GIAO BAN VỚI HTV
[25.10.2011 22:07 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]
(NCTG) Ở các tòa soạn báo, hay có những cuộc họp định kỳ (hàng tháng, hàng tuần, hàng ngày, thậm chí hàng buổi như ở Ban Thời sự - Đài Truyền hìnhh) gọi là “giao ban”.
Bản tin thời sự gây nhiều bất bình trong công luận - Ảnh chụp màn hình
Tại đó, ban biên tập, thư ký tòa soạn, những người phụ trách khối nội dung… hay nói chung là lãnh đạo, sẽ nhận xét những tin bài nổi bật trong tháng/tuần/ngày/buổi vừa qua, cho ý kiến đánh giá - chỉ đạo, nêu ra các lỗi nghiệp vụ, thưởng và phạt các phóng viên tương ứng.
Ðặt giả thiết, nếu người viết những dòng này là lãnh đạo (của Đài Truyền hình Hà Nội - HTV), tại cuộc họp giao ban sau bản tin thời sự tối 21/8 về “một nhóm người tụ tập biểu tình, gây rối”, tôi sẽ nhận xét “quân” của mình sao nhỉ?
Hình ảnh và lời bình khớp nhau như thế nào?
Trong phóng sự truyền hình, phim tài liệu, hình ảnh và lời bình phải gắn bó với nhau một cách hài hòa. Tốt nhất là “lời bình hơi vượt ra ngoài hình ảnh một chút”, tức là nói những điều hình ảnh không truyền tải/ minh họa hết được.
Có hai dạng lỗi lớn như sau:
- Hình ảnh và lời bình chồng chéo, trùng lặp. Ví dụ kinh điển là, sẽ không gì tẻ nhạt hơn là trên khuôn hình hiện một cánh đồng lúa vàng, lời bình kèm theo: “Đồng lúa”; “Đây là cánh đồng lúa vàng”; “Các bạn đang ngắm một cánh đồng lúa vàng”…
- Hình ảnh và lời bình không khớp nhau, hình một đằng, lời một nẻo. Ví dụ thế này: Biên tập viên truyền hình (tạm gọi là “phóng viên” - PV) đưa tin về vụ chị N.T.H. chết vì giải phẫu nâng ngực ở cơ sở thẩm mỹ A. Khi phóng viên đến hiện trường, chủ cơ sở đã bỏ đi, nhà khóa cửa. PV bèn xử lý phóng sự như sau:
Hình ảnh: Toàn cảnh cơ sở thẩm mỹ A, nhìn từ bên ngoài. Hai cánh cửa sắt đóng kín, phía trên là tấm biển: “ Thẩm mỹ viện A”. (Lời bình: “… Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ…”).
Chuyển cảnh. Toàn cảnh: Quán cóc bên kia đường, đối diện cơ sở thẩm mỹ A. Một toán thanh niên ngồi uống trà đá, hút thuốc. (Lời bình nối tiếp câu trên: “… Ngày càng có nhiều người có nhu cầu làm đẹp…”).
Cách xử lý hình ảnh và lời bình như thế sẽ khiến khán giả mặc nhiên nghĩ rằng toán thanh niên ngồi trà đá trong quán nước kia là những người có nhu cầu làm đẹp.
Ví dụ khác: Phóng viên đưa tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đi Mỹ.
Hình ảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rảo bước cùng các cán bộ, vệ sĩ… trên sân bay, chuẩn bị lên máy bay. (Lời bình: “Cùng đi với Thủ tướng là đoàn các quan chức cao cấp của Đảng và Nhà nước. Trong chuyến đi này, Thủ tướng sẽ có cuộc gặp với…”).
Chuyển cảnh. Trung cảnh: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đứng trước cửa máy bay, cười, vẫy tay chào những người ra tiễn đứng dưới đường băng. (Lời bình nối tiếp câu trên: “… (sẽ có cuộc gặp với) một số doanh nghiệp cá tra, cá basa của Mỹ, để bàn về…”).
Cách dựng hình này khiến khán giả mặc nhiên nghĩ rằng ê-kíp truyền hình coi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một doanh nhân mua bán cá tra, cá basa, hoặc ít nhất cũng nhầm như thế.
*
Trở lại với phóng sự của HTV1: Hình ảnh những người biểu tình, trong đó có một số người mà công luận đã biết mặt như Nguyễn Văn Phương (lúc đó là nhân viên công ty Việt Long), GS. Huệ Chi, TS. Nguyễn Văn Khải (“ông già Ozone”), nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Thạch (tác giả sáng kiến “Tủ sách dòng họ”)…
Lời bình của HTV1: “ … Việc tham gia biểu tình lại trở thành tấm bia che chắn cho các thế lực thù địch phản động đằng sau đang ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết, kích động tư tưởng hằn thù dân tộc…”, “Lợi dụng vỏ bọc yêu nước, một nhóm người bị các thế lực phản động trong nước và nước ngoài kích động đã tụ tập biểu tình, hòng lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin không nắm bắt thông tin đầy đủ, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, cản trở và chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.” …
Ðưa những hình ảnh này khi bình luận, HTV đã thể hiện đúng điều họ muốn khẳng định...
- Ảnh chụp màn hình
Tuyệt! Lời bình khớp với hình ảnh một cách không thể hài hòa hơn, để thể hiện chính xác ý đồ của (các) tác giả phóng sự – cho rằng tất cả những người xuất hiện trên hình đều hoặc là phản động đi lợi dụng kẻ khác, hoặc là người nhẹ dạ cả tin bị phản động lợi dụng.
Ở đây xin mở ngoặc đơn nói thêm: khi “Nhà đài” bị một số trí thức đâm đơn kiện, Tòa án Đống Đa xả thân bênh HTV, cho rằng: “Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đưa tin về sự việc có hình ảnh các ông nhưng không nêu đích danh cụ thể ai, không xuyên tạc, cũng không có lời bình, nhận xét có nội dung vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và gây thiệt hại đến cá nhân nào”.
Đến đây thì vấn đề nằm ở chỗ Tòa án phải xác định được những từ “ tấm bia che chắn”, “thế lực thù địch phản động”, “ráo riết chia rẽ khối đại đoàn kết”, “kích động tư tưởng hằn thù dân tộc”, “lợi dụng vỏ bọc yêu nước”, “hòng lôi kéo”, “nhẹ dạ cả tin”, “không nắm bắt thông tin đầy đủ”, “gây ảnh hưởng xấu”… có phải là “xúc phạm danh dự, nhân phẩm” hay không.
Nếu câu trả lời là “ không” thì chúng ta có thể yên tâm rằng “phản động” là yêu nước.
Cái nước mình nó khác!
Một trong những nguyên tắc của đạo đức nhà báo là trung thực và khách quan. Nếu một bài báo, một tác phẩm truyền hình đưa tin “phản ánh chính xác thực tế” mà chỉ nêu thực tế của một bên, thì vẫn sẽ là không trung thực, không khách quan.
Do đó, điều mà nhà báo nào cũng phải ý thức nằm lòng, là khi tác nghiệp, không được phép hùa vào theo ai đó, không được dùng từ ngữ gay gắt và ngoa ngoắt, không được ủng hộ lộ liễu một tổ chức nào, v.v… Nếu đưa tin cho rằng một nhóm người là “ phản động” hoặc bị “phản động lợi dụng”, nhà báo bắt buộc phải lấy ý kiến của ít nhất một người trong số đó hay nói cách khác, phải để các bên có cơ hội lên tiếng bình đẳng.
Một nguyên tắc khác là: “ Nếu sai, phải nhận!”. Nhà báo cũng như tờ báo phải có thái độ và cách hành xử đó. Đã sai là nhận trách nhiệm, nhận lỗi, và xin lỗi, bồi thường. Không có chuyện sử dụng uyển ngữ, nói tránh đi thành “nói lại cho rõ” chẳng hạn.
Ðương nhiên, đây là nguyên tắc đạo đức nhà báo theo chuẩn mực của Phương Tây và ở một phần đáng kể trên thế giới. Còn ở Việt Nam mình, có lẽ vẫn phải mượn ý nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến: báo chí nó khác, khác ghê lắm!
Ðoan Trang
Tôi đã đọc bài này ở chỗ Trang chia sẻ cho bạn bè của mình. Có thể nói Đoan Trang của chúng ta là một cây viết xuất sắc. Thật xứng đáng là một cô con gái của đất Thăng Long văn hiến 1001 năm tuổi.
Trả lờiXóa"Không thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu không thanh lịch cũng người Thượng Kinh."
Ca dao tục ngữ Kẻ Chợ.
Sau một vài sự kiện liên quan đến biểu tình và hậu biểu tình và nhất là sự kiện của một số đại diện biểu tình viên được nhận giấy mời đi dự Chương trình do Hội khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức thì...
Trả lờiXóa...anh Diện và đồng nghiệp về lịch sử/văn hóa/ có thể kêu gọi tài trợ để đăng đàn diễn thuyết cái chương trình về HS-TS mà mấy tuần trước anh đã từng kêu gọi đó. Không lẽ kêu gọi cho vui !?
Lần này kêu gọi hi vọng chắc bên CA không làm khó nữa chăng có khi còn giúp đỡ về địa điểm hội trường chăng ? Còn về quần chúng tham dự thì yên tâm là chắc đông rồi. Hê hê!
Cảm ơn Đoan Trang, bằng nghiệp vụ phóng viên giải thích như vậy là quá rõ ràng.
Trả lờiXóaLà một người đảng viên đứng trong hàng ngũ đảng CS.Tôi thấy đau lòng khi có đồng chí như ông Trần Gia Thái. CHính truyền hình Hà Nội đã đưa tin tôi đi xuyên Việt kêu gọi đưa sách về nông thôn và giới thiệu mô hình tủ sách dòng họ trong Têt Nguyên Đán 2010 và mời tôi chia sẻ thông tin về xây dựng tủ sác dòng họ.
Trả lờiXóaTháng 11 này, tôi sẽ viết thư ngỏ cho ông thông qua blog Nguyễn Xuân Diện. Ông chờ đọc thư tôi nhé.
Bởi vì báo chí của Việt Nam là nền báo chí cách mạng , không phải báo chí của nhân dân
Trả lờiXóaChúng nó sai lè lè ra rồi nhưng vì bảo thủ và bao che cho nhau nên tòa án Đống Đa đã giải vây cho đài Hà Nội.
Trả lờiXóaNhưng nhân dân thì quyết không tha chúng. Cho dù có đến 10 thằng mặt lợn Cáp Quang Thành đến cướp lòng yêu nước của mẹ con chị Nga trước cổng đài HN, thì hành động của thằng này chỉ như đổ thêm dầu vào ngọn lửa yêu nước của người dân và họ càng quyết tâm vạch mặt bọn vu khống ở đài HN.
Không cần phải là người có trình độ học vấn cao,chỉ cần nghe được và nhìn được thì người đó đã hiểu được hết nội dung cũng như mục đích của đài PTTH Hà Nội muốn nói gì về những người tham gia biểu tình phản đối TQ.
Trả lờiXóaTôi nghĩ rằng họ đã quá vội vàng và cẩu thả khi đưa hình ảnh của một số nhân sĩ trí thức,cũng như hình ảnh của nhà văn Nguyên Ngọc kèm theo lời bình"Lợi dụng vỏ bọc yêu nước,một nhóm người bị các thế lực phản động trong nước và nước ngoài kích động đã tụ tập biểu tình..."
Nhìn hình ảnh và nghe lời bình như vậy,thì rõ ràng nhà đài đã khẳng định các vị có mặt trong hình ảnh trên,kể cả nhà văn Nguyên Ngọc-một người cả đời theo cách mạng,tuổi ông bây giờ cũng đã 80.Nhưng theo nhà đài thì tất cả không ai có lòng yêu nước thực sự hết,hoạ chăng đó chỉ là vỏ bọc,vì các vị này đã bị bọn phản động nó mua chuộc rồi.
Thật đau đớn khi nghe những lời bình đó của nhà đài Hà Nội.Đến một người như nhà văn Nguyên Ngọc,cả cuộc đời đi theo cách mạng,nay ông đã 80 tuổi rồi, thì ông còn ham hố gì quyền lực mà bán rẻ cả sự nghiệp cho bọn phản động.Hay nhà đài nghĩ rằng ai cũng như mình,rất dễ bị mua chuộc trước danh lợi và quyền lực.
Tôi nghĩ,đến nay chắc nhà đài cũng không đến nỗi ấu trĩ mà không nhận ra được cái sai một cách cẩu thả của mình.Nhưng vì còn cố níu kéo cái sự sĩ diện hão,cũng như sự bảo thủ cố hữu đang tiềm ẩn trong huyết quản,nên cố tình bao biện và né tránh.
Xin thưa với quý nhà đài rằng,ai cũng có lúc sai,lúc sơ xuất,nhưng muốn tốt cho mình cũng như để được mọi người vẫn yêu quý,kính trọng, thì nên dũng cảm thừa nhận cái sai đó,không ai cười và chê trách đâu,mà ngược lại họ sẽ kính nể mình hơn đấy.
Sự thật hiển nhiên, một đứa trẻ cũng nhận ra mà còn cãi chày cãi cối. Thế mới biết cái Đài THHN và cái Tòa àn Đống Đa bảo thủ đến mức nào! Đúng là sĩ diện hão. Nhận đi cho nó tiến bộ!
Trả lờiXóaNhà đài là cái loa tuyên truyền của đảng.giữa thời đại intenet bùng nổ mà vẫn giữ kiểu tuyên truyền kiểu những năm 80 về trước thì chỉ tổ phản tác dụng thôi.đến mình ít học cũng chả tin các bác ấy là phản động,thế mà đòi tuyên truyền?ai nghe???"đúng là ngu nhưng lại cứ tỏ ra mình nguy hiểm" cứ đà này nhân dân đọc hết báo lề trái thôi !!!
Trả lờiXóaCàng nghĩ càng thấy giờ đây không nên tin vào đài truyền hình HN nữa. Họ đã đánh mất lòng tin của nhân dân .Đau đớn thay cho các vị nhân sĩ yêu nước và con dân đất Việt.Ông tổng giám đốc phải lẩn như chạch. Chỉ vì cái ghế mà bán rẻ danh dự nhà báo .Thật đáng khinh.
Trả lờiXóaHTV là đài truyền hình chỉ đăng thông tin 1 chiều thôi,ko phản ứng đúng của dân chúng
Trả lờiXóa