Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

VÌ SAO NHÀ THƠ HỮU THỈNH CA NGỢI NHỮNG CÂU THƠ TẺ NHẠT ẤY?

VÌ SAO NHÀ THƠ HỮU THỈNH HẾT LỜI CA NGỢI 

NHỮNG CÂU THƠ TẺ NHẠT CỦA TRẦN GIA THÁI

.

Trần Mạnh  Hảo

.

Tạp chí “Nhà Văn” số 9-2011 ( tạp chí của Hội nhà văn Việt Nam) trang 144 đến 146 có in bài “MỘT TẬP THƠ TƯƠI LÊN NHIỀU HI VỌNG” của nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam kiêm chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, ca ngợi hết lời tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa” (NXB Hội nhà văn 2011) của ông Trần Gia Thái – Tổng giám đốc Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội, kiêm chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội. Bài viết trên của ông Hữu Thỉnh cũng vừa được trang mạng của nhà văn Phạm Viết Đào phổ biến, xin  in kèm dưới bài viết này của chúng tôi để rộng dường dư luận. 

.

Vì chưa có tập thơ này của ông Trần Gia Thái trong tay, chúng tôi chỉ căn cứ trên những câu thơ được ông Hữu Thỉnh trích ra bình phẩm, ngợi ca để đánh giá bài viết khác thường này của ông Hữu Thỉnh thực hư ra sao.

.

Mở đầu bài tụng ca thơ Trần Gia Thái, ông Hữu Thỉnh lập ngôn, bằng cách xác định lại bản chất của thi ca.

Câu văn đầu tiên Hữu Thỉnh viết đã không chuẩn về tu từ : “ Tôi kiên trì thói quen đọc thơ để hiểu người”(chữ nghiêng đậm do TMH nhấn mạnh). Nên chỉnh sửa câu văn này cho trong sáng tiếng Việt: “ Tôi có thói quen đọc thơ để hiểu người”. Ngay sau đó, Hữu Thỉnh tung ra một quan niệm chưa chuẩn về thơ: “Bởi vì thơ là nghệ thuật ít giấu mình được nhất”. Thơ giấu mình tài lắm ông Thỉnh ạ. Có người tâm ác mà toàn làm thơ về sự ngay lành, thánh thiện. Có người tâm Phật mà thơ thì khẩu nghiệp, chướng tai. Có người giả dối còn hơn cuội mà thơ thì nói toàn chuyện thật thà. Người Trung Hoa từ thời thượng cổ đã có quan niệm:” Thi tại ngôn ngoại”, một định nghĩa rất hay và rất đúng về thơ. Người Việt ta từ xưa đã cho thơ là nghệ thuật kỳ ảo, diệu vợi, hàm súc, dư ba, ẩn chứa khôn cùng tình cảm tư tưởng của nhà thơ trong và ngoài câu chữ. Nói cho cùng, ngược lại với quan niệm chưa đúng của Hữu Thỉnh, thơ chính là nghệ thuật giấu mình, giấu tư tưởng tâm hồn, cảm xúc, thông điệp của nhà thơ tới muôn vàn mai hậu, để chỉ dành riêng cho tri âm tri kỷ thưởng thức mà thôi. Nếu cứ nói toẹt ra hết thì còn gì là thơ?

Hàng trăm năm đã trôi qua, dễ gì chúng ta đã hiểu hết nghệ thuật giấu mình, đa ngữ nghĩa, đa chiều kích, đa nội hàm của câu ca dao tuyệt vời: “Gió đưa cây cải về trời / Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”? Hàng trăm năm đã qua, dễ gì chúng ta đào hết được chiều sâu của tư tưởng tâm hồn Nguyễn Du giấu mình trong câu Kiều tráng lệ: “ Bắt phong trần phải phong trần / Cho thanh cao mới được phần thanh cao”?

Cổ xúy cho lối thơ nói toẹt ra, phơi cạn kiệt mình trên trang giấy như những câu nói thông thường phi hình ảnh, phi hình tượng, đơn nghĩa để Hữu Thỉnh có “cơ sở lý luận” ca ngợi thơ của Trần Gia Thái là việc không thể làm ngơ. Chúng tôi sẽ chứng minh cụ thể sau.

Hữu Thỉnh tiếp tục lập ngôn không chuẩn về thơ : “Cho nên, trong các châm ngôn về sự viết, tôi quý nhất lời dạy này : “Chân thành là nghệ thuật cao nhất của thơ” “. Đại từ điển tiếng Việt ( NXB Văn hóa &Thông tin 1999, trang 326) định nghĩa từ “Chân thành” như sau: “Chân thành tt. Thành thực, không khách sáo, không giả dối : tấm lòng chân thành , chân thành với bạn bè”. Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, chân thành là thái độ sống, đạo đức sống; nó không phải là nghệ thuật. Chỉ có kẻ quen sống giả dối mới coi chân thành là một nghệ thuật để đóng vở kịch thật thà đặng lừa tha nhân.

Thơ là nghệ thuật của CHÂN-THIỆN MỸ. Nếu chỉ có CHÂN ( thật, đúng), thậm chí kèm thêm THIỆN ( tốt), thì chưa thể gọi là thơ được. MỸ ( hay, đẹp) mới là phẩm chất cao quý nhất của thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung, chứ không phải “CHÂN THÀNH là nghệ thuật cao nhất của thơ” như Hữu Thỉnh nhầm lẫn. Nếu nghệ thuật đã đạt được yếu tố MỸ ( hay, đẹp, xúc động) nó đồng thời đã mang được cả nội hàm CHÂN và THIỆN vậy. Những quan niệm A, B, C về mỹ học sơ đẳng này, người ta đã dạy cho học sinh từ thời trung học, ông Hữu Thỉnh chưa học qua hay sao ? Nhất là Hữu Thỉnh từng làm các chức vụ quan trọng của đảng, nhà nước, từng đi đến các hội trường quan trọng để đọc diễn văn, để huấn thị, để khơi mào các hội thảo lớn về văn học nghệ thuật, về triết học, lẽ nào chưa thông bài học vỡ lòng mỹ học Mác-xít ; rằng văn học nghệ thuật coi tính đảng, tính giai cấp, coi định hướng chính trị là bản lề, là cốt lõi nhất của tác phẩm, nhưng nếu nó không có tính nghệ thuật thì cũng chỉ có cách là …vất đi thôi. Bàn về thơ thì phải lấy tiêu chí câu thơ bài thơ có hay không, có đẹp không, có xúc cảm hàm súc dư ba không, nghĩa là có tính nghệ thuật không, chứ sao chỉ lấy sự chân thành làm thước đo quan trọng nhất của thơ như Hữu Thỉnh ngộ nhận?

Với những quan niệm sai lầm về thơ như thế này, nền thơ Việt Nam hôm nay quá bất hạnh vì Hữu Thỉnh thường là chủ tịch các ban giám khảo thi thơ văn, bình chọn thơ văn, chấm giải thơ văn trong tất cả các giải thưởng về thơ văn lớn nhỏ suốt 15 năm nay.

Ca ngợi Trần Gia Thái sống và viết theo quan niệm lấy chân thành làm nghệ thuật, làm gốc, làm “nguyên tắc nhất quán “Hữu Thỉnh trích hai câu nói thông thường mạo nhận thơ của Trần Gia Thái ra khen:

Thật đáng sợ khi mọi thứ đều trơn tuột
Và trong ta xúc cảm chết trong mồ”  ( Sợ)

Thưa rằng, hai câu gọi là thơ trên của Trần Gia Thái chỉ là câu nói vụng về, dễ dãi, rằng sợ nhất là cái ta viết không có gì đọng lại, viết không cảm xúc. Câu nói rất tầm thường này không ai cần đặt ra khi cầm bút; vì đó là lẽ đương nhiên. Cũng như không ai đặt ra khi viết ta phải có giấy mực, hay phải có bàn phím máy tính. Một đứa trẻ đói bụng cần ăn, đâu có băn khoăn chuyện dông dài vô nghĩa rằng: “ Thật đáng sợ nếu như ta nhịn đói / Và trong miệng ta cơm biến mất khi nào”.

 Thế mà Hữu Thỉnh bình hai câu nói ngô nghê trên của Trần Gia Thái, coi đó là “nguyên tắc nhất quán”, đao to búa lớn như sau : “Đây là một quan niệm nghiêm túc nhưng nguy hiểm đấy Trần Gia Thái ạ. Bởi vì nó đòi hỏi sự hết mình, đòi hỏi sự tận cùng, đòi hỏi vô tận sự tâm huyết” (hết trích).

Khen ngợi kiểu rất phường tuồng ba câu gọi là thơ: sáo, nhạt, vô hồn của Trần Gia Thái, Hữu Thỉnh viết không đâu nhập vào đâu, như sau: “Khi yêu, anh cho ta thấy mọi cung bậc sắc màu, hương vị, thậm chí có thể đo được độ nóng của trái tim anh. Nào là trách móc, nào là nhớ nhung, nào là say đắm, và cái được nhất của anh là được một không gian, một từ trường của cảm xúc :
“Gần đến thế mà sao không tới nổi
Bến bờ ơi
Em ảo ảnh đến muôn nghìn” ( Ảo ảnh)

“ Đây chưa hẳn đã là thất tình, càng chưa phải là tuyệt vọng. Ngẫm cho kỹ , đây là thước đo. Tôi không thấy mùi vị của sự chán nản, ngược lại, tôi nhận ra sự cao giá của người tình” (hết trích).

Than ôi, bình thơ theo kiểu đồng bóng, áo thụng vái nhau, chân giả lẫn lộn, bốc một tấc lên trời như Hữu Thỉnh là một cách treo cổ thơ hữu hiệu nhất vậy. Ba câu thơ dở kia của Trần Gia Thái đọc lên không thể nhịn cười, lại càng không thể nhịn cười khi Hữu Thỉnh khát quát “ ảo ảnh” chính là thước đo. Cầm thước đo ảo ảnh siêu hình trên tay, Hữu Thỉnh đo thơ kiểu thày cúng thày mo đo hồn vía người ốm, thì thơ ơi, ta chào mi, mi chỉ còn nước biên sắc biến !

Để bình bốn câu thơ toàn nói của Trần Gia Thái sau đây, Hữu Thỉnh lại bộc lộ một nhận thức sai về nghệ thuật làm thơ, khi ông viết : “Ở trong thơ, nói và hiểu là hai việc khác nhau. Đó là nghệ thuật phô diễn”. Thế thì chẳng lẽ THƠ lại là phường nói một đàng, hiểu nột nẻo, nói một đàng làm một nẻo hay sao ? Không, thơ hay là thơ phải có nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa đen ( hiểu) đi cùng câu chữ, bám sát lời thơ, trung thành với lời thơ, chứ không phải khác nhau với câu chữ như Hữu Thỉnh quan niệm. Từ cơ sở của hiểu đúng nghĩa đen, thơ bước vào hành trình nghĩa bóng; nghĩa là một lối hiểu và cảm đa chiều, tượng trưng, biểu cảm, nhòe mờ, mở rộng hiểu ra cõi dư ba, vô bờ, có cảm tưởng như phi ngữ nghĩa, phi lý trí, phi hiểu vậy. Có thể nói, thơ vừa đồng điệu với sự hiểu của thực-tại-lời ( ngôn từ) vừa bước qua giới hạn của hiểu để vào thế giới ảo diệu, vô bờ của cảm, của hư ảo, siêu nhiên. Đó là một quá trình đồng thời chứ không phải bước một là hiểu, là nghĩa đen, bước hai là cảm, là nghĩa bóng.

Xin xem Hữu Thỉnh “thổi” Trần Gia Thái lên tiên: “Trần Gia Thái cho ta thấy biết bao nhiêu cung bậc của tình cảm anh khi yêu, kể cả khi anh nói nhún, anh tự ti, anh bơ vơ,mộng du, đau khổ…thì đấy là một trường tình, tất cả hiện ra, nhưng không một lần ta thấy anh nhỏ bé. Kể cả khi anh thú nhận:
“ Cơn bão giữa lòng người
Cơn bão trong trời đất
Bão quật anh tơi bời
Giữa hai bờ còn? mất ? ( Em đi)

Ôi, chàng trai si tình ! Anh có thể bước đi không vững trong cơn say nhưng tình yêu của anh thật cường tráng”. ( hết trích)

Thơ hết biết nên lời bình cũng một đồng một cốt, hết biết luôn ? Chỉ có Hữu Thỉnh mới phát hiện ra thứ “tình yêu thật cường tráng” của thơ Trần Gia Thái mà thôi. Ôi “người yêu ảo ảnh”, nàng thơ sương khói của Trần Gia Thái lẽ nào lại nhận được lời tỏ tình rất phồn thực rằng, em yêu ơi,  anh sẽ chứng tỏ ngay bây giờ cho em thấy tình yêu của anh rất chi là cường…tráng !

Hữu Thỉnh còn dùng nhiều lời có cánh rất ngoa ngôn, rất hoành tráng để ca ngợi những câu thơ vô cùng nhạt nhẽo và dễ dãi của Trần Gia Thái; hầu như coi ông này là một phát hiện về thơ nói thật, lấy thật là gốc, lấy thật làm thước đo, lấy sự nói toẹt ra làm tiêu chí hay dở. Có khi quên mất mình vừa viết như trên, Hữu Thỉnh bèn nói ngược với mình, rằng Trần Gia Thái lấy “ẢO ẢNH” LÀM THƯỚC ĐO”…Lạy trời, sự đãng trí của nhà bình thơ thật là cao qúy.

Xin trích lời tụng ca của Hữu Thỉnh với những câu thơ nước ốc quá nôm na, quá dễ dãi tầm thường của Trần Gia Thái như sau:

“ …Ở mảng thơ này, anh biến hóa sinh động, tươi tốt hẳn lên. Có lúc rất mộc : “Ổ rơm chân đất manh chiếu rách / Một mùa được mấy bữa no nê” ( Sao mà nhớ). Có lúc xót xa, cay đắng : “ Năm mươi ba tuổi ta bầm dập thương tích/ Đòn vu hồi từ những kẻ vẫn xưng là bạn là anh” ( tuổi 53). Có lúc vô cùng thương cảm viết về người cha đã khuất :
“ Cứ tưởng người đi dạo lúa dạo đồng
Người đi chở cát với vôi nồng
Người đi đội đá xây mương nối
Đong bát mồ hôi đổi cháo không

Bát cháo đồng chiêm cơ cực ơi
Nuốt vào cay đắng nuốt không trôi
Mồ hôi thì mặn nước mắt chát
Đeo đẳng đời cha từng giọt rơi ( Nhớ cha)
 (hết trích)

Chúng tôi không dám trích lời Hữu Thỉnh khen ngợi thơ Trần Gia Thái thái quá làm đoạn kết cho bài viết tụng ca thứ thơ giả, thơ dởm của ông, sợ làm phiền thêm bạn đọc.

Bài viết “Một tập thơ tươi lên nhiều hi vọng” của Hữu Thỉnh hết sức sai về quan niệm thơ, lại bốc thơm một thứ thơ dở của Trần Gia Thái lên mây xanh, gây tai hại vô cùng cho định hướng thẩm mỹ thơ lớp trẻ. Bằng sự đánh tráo hay-dở, thật-giả trong thưởng thức thơ kiểu này, hình như ông Hữu Thỉnh muốn xui bọn trẻ cứ làm thơ như Trần Gia Thái, chắc chắn sẽ được giải thưởng lớn? Có phải đây là thời cái dở lên ngôi, cái xấu lên ngôi, cái giả lên ngôi hay không thưa nhà thơ Hữu Thỉnh ?

Sài Gòn ngày 21-9-2011
T.M.H.
Nguồn: Phạm Viết Đào-Blog
Ảnh trong bài chỉ có tính chất trang trí, không liên quan đến bài viết.

36 nhận xét :

  1. ông thỉnh đã chán, nhưng ông hảo ơi, ông bảo trong sáng tiến việoàn dùng từ LẬP NGÔN mà không dùng theo cách nói,
    hãy làm trong sáng tiếng việt, ngày xưa gọi HỒNG THẬP TỰ, BÁC HỒ ĐỔI LẠI LÀ HỘI CHỮ THẬP ĐỎ, DẼ NGHE, MÀ GẦN GŨI, TRONG SÁNG,

    Trả lờiXóa
  2. Trần Mạnh Hảo thật tuyệt vời.

    Cảm ơn ông đã có bài phân tích và bình luận rất công bằng và chân thật

    Trả lờiXóa
  3. “Bởi vì thơ là nghệ thuật ít giấu mình được nhất”
    “Chân thành là nghệ thuật cao nhất của thơ”...
    Thế mà, đài dưới quyền của ông ta tổng xỉ vã, vu khống những người biểu tình yêu nước như Nguyên Ngọc; Nguyễn Huệ Chi...

    Trả lờiXóa
  4. Có gì lạ đâu, là ông Chủ tịch...kiêm Chủ tịch... khen ông GĐ...kiêm Chủ tịch... thôi mà, thì nó cũng giống như tôi đây đang là Văn nô khen cô bạn tôi là Thi nô. Nghe tôi khen xong một cô bạn khác nói : Chuột chù nấp ở vườn hoa, soi gương đánh phấn vần ra Chuột chù.

    Nhưng thú thật mà nói mấy cái hình minh hoạ hay quá chừng, chả có nhẽ lại khen NXD thật khéo minh hoạ.

    Trả lờiXóa
  5. Oa choa. mấy cái hình mới đỉnh làm sao

    Trả lờiXóa
  6. Oi troi, nhin mat Tran Gia Thai la biet ngay tho the nao roi.... Thoi ko ngui duoc....

    Trả lờiXóa
  7. Từ trước đến nay tôi thường nghe các thầy cô nói và dạy học sinh"Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận."
    Điều này rất đúng cho đất nước trong mọi thời kỳ.
    Nhưng gần đây tôi lại nghe ông Hữu Thỉnh viết"Các bạn đã chính thức bước lên những bậc thềm đầu tiên của ngôi đền văn học."Ông còn có bài diễn văn nói với các nhà văn trẻ"Ta tuy cao tuổi nhưng văn chương còn mượt mà hơn các em nhiều đấy..."
    Thật không hiểu ra làm sao,không lẽ văn học nghệ thuật lại là một ngôi đền để mọi người đến thắp hương khấn vái?

    Trả lờiXóa
  8. Là ông Chỉnh tôi ắt phải nói ít nhất một lời cám ơn tới ông Hảo về một bài học tận tâm, chân tình và miễn phí. Ở đời kiếm một thằng nịnh mình thì dễ, chứ kiếm một thằng phê bình mình một cách sắc sảo như thế thì ko nhiều đâu ông Chỉnh ạ!

    Trả lờiXóa
  9. Cảm ơn anh Trần Mạnh Hảo,tôi dợi bài của anh từ đêm qua nay mới được đọc trên trang này.Anh Hảo thân mến, Tôi vốn nông dân nên việc cuốc,việc cày tay vốn quen làm còn về Văn,Thơ rất dốt.Nhân thấy bài viết của Hữu Thỉnh lăng xê cho tập thơ Trần gia Thái,tôi thấy có cái gì đó lờm lợm,khó ngửi,khó tả quá,muốn nói mà do tôi dốt nát không viết được.May quá đã có anh nói hộ phần nào,thật cảm ơn Anh.Anh Hảo thân mến!Bài viết của Anh như môt tấm phim Cắt lớp giúp cho Tôi nhận rõ chân dung của những kẻ chuyên aphe chính trị,cơ hội luôn tìm mọi cách luồn lách để an thân,phì gia nhưng lai khoác cái vỏ có học,thông tuệ.Tôi muốn viết thêm nữa nhưng dân cày dốt nát,không viết được.Một lần nữa xin cảm ơn Anh

    Trả lờiXóa
  10. Thông cảm thôi vì ông ta đã vào tuổi xưa nay, ngửi mùi đất thấy thơm thơm thì có bốc đồng lên một tý chắc chẳng sao.Ok đi!

    Trả lờiXóa
  11. Doc xong bai nay thay suong lam sao. Cam on Tran Manh Hao!." Có phải đây là thời cái dở lên ngôi, cái xấu lên ngôi, cái giả lên ngôi hay không thưa nhà thơ Hữu Thỉnh ?".Cai do, cai xau,cai gia...len ngoi thi cai ac doc,nham hiem se xuat hien.Tran Gia Thai dang la bieu tuong cua su ac doc va nham hiem.

    Trả lờiXóa
  12. Khi viết văn hay làm thơ dễ thường người ta có xu hướng dành trọn tất cả những gì tốt đẹp của mình xuống trang giấy. Nếu đúng là như vậy thì nhà cháu xin bày tỏ lòng quan ngại sâu sắc. Nếu như đây là tất cả những gì Đẹp, Lành và Thật mà chú Gia Thái và Hữu Thỉnh muốn dành cho đời thì ...

    Trả lờiXóa
  13. Bài viết thâm thúy , hay, đọc thật đã. Cảm ơn Trần Mạnh Hảo.

    Trả lờiXóa
  14. Gia Thaí có tập thơ hay
    Hữu Thỉnh ngây ngất mê quay tò lò
    Hóa ra "hai tổng" tung hô
    Kẻ ngóng phần thưởng, kẻ lo nịnh Tàu.

    Trả lờiXóa
  15. Anh Hảo ơi bọn tôi ban đầu cũng "bức xúc" khi đọc bài bốc ...mùi của Hữu Thỉnh lắm nhưng bình tĩnh lại thì thấy thế là ..."đúng".Xã hội nầy chỉ có thể tồn tại nhờ những người như thế này và ngược lại

    Trả lờiXóa
  16. Cần có nhiều Trần Mạnh Hảo để đả kích bọn văn nô.

    Trả lờiXóa
  17. tôi xưa nay vốn rất thích các bài của TMH .lâu lắm mới thấy xuất hiện chắc là không đừng được mà phải nói đây . Cảm ơn nhé

    Trả lờiXóa
  18. Hôm qua đọc bài viết "Một tập thơ tươi lên nhiều hi vọng" của Hữu Thỉnh bên trang nhà bác Đào, mình phì cười về cái sự tụng ca không đâu nhập vào đâu, đến phát ngượng của Hữu Thỉnh với Trần Gia Thái(tuy mình chẳng phải nhà thơ, nhà văn gì sất!).
    Rồi cứ thế suốt từ chiều đến tối mặt cứ tươi hơn hớn, thỉnh thoảng lại phá lên cười một mình như dở hơi!!! Cũng phải cảm ơn Hữu Thỉnh luôn tạo niềm vui cho mọi người, vừa mới VĂN HỌC PHẢI ĐƯỢC PHÓNG LÊN TỪ BỆ PHÓNG DÂN TỘC! nay lại thấy mùi vị của MỘT TẬP THƠ TƯƠI LÊN NIỀM HI VỌNG!(công nhận siêu thật)
    Trong tình thế đất nước trước họa ngoại xâm, lúc nào mình cũng âu lo dõi về Tổ quốc dấu yêu có cười tươi được đâu! Thế mà hôm qua vui cả ngày và sướng âm ỉ vì biết sẽ được đọc nhiều bài
    viết về lời tán dương vô lối của Hữu Thỉnh với Trần Gia Thái cho mà xem...
    Xin cảm ơn Nhà thơ Trần Mạnh Hảo!(mình phục mình quá! Chuẩn, chuẩn! hehe)
    (Muathuhanoi)

    Trả lờiXóa
  19. Tôi bâng khuâng không biết tại sao dạo này bác Hửu Thỉnh lại lẩm cẩm nhiều chuyện đến thế. Từ việc bình chọn giải thưởng đến cái việc phê bình văn chương. Tôi nghĩ không ai tránh được tuổi già lẩm cẩm bác ơi. Vì thế tôi không trách bác. Nhưng thú thật , đã là lãnh đạo, mà lại là lãnh đạo văn học nghệ thuật, mà cứ để những chuyện bồm xồm như vậy xuất hiện trên báo chí hoài, khó coi lắm bác ơi. Nó làm cho lớp trẻ hoang mang, không biết còn tin tưởng vào đâu nữa. Thôi thì nói thật, bác nên từ chức về nhà chơi với con cháu cho khỏe. Đã gần hết cuộc đời rồi, có được chút gì thì ráng giữ, nếu cố lắm , không biết chừng mất hết cũng nên.Văn hóa từ chức đã chớm nở ở Việt Nam . Khi nào thấy đơn từ chức của bác gởi lên , tôi sẽ đến uống rượu chúc mừng bác, và biết đâu mấy tác phẩm của bác sẽ được giải thương Hồ Chí Minh cho coi.Thưong bác

    Trả lờiXóa
  20. Trần mạnh Hảo đanh đá thật, chỉ một bài viết ông lột truồng được cả hai nhân cách nhà thơ thời nhạt nhẽo và thối tha này.
    Trần Gia Thái lúc này nên giấu cái mẹt đi, Hữu Thỉnh cũng đừng nên xông pha đỡ đít cho một nhan cách tồi. ông ôm tập thơ nhạt thếch ấy đẻ ca ngợi thành ra cả hai xuống cùng xuống hố. Gìa lú hay ma quyền lực ám ong Thỉnh nặng thế.

    Trả lờiXóa
  21. Huu Thinh den luc thoi ken cho chinh minh

    Trả lờiXóa
  22. Hỏi ông (bà):

    khách ẩn danh - 16h50' - 21/9/2011

    Ông làm ơn "trong sáng" dùm tôi từ "vĩ đại" ???

    Cám ơn trước

    TH

    Trả lờiXóa
  23. Theo tôi được biết,ông Hữu Thỉnh không những chỉ là nhà thơ,mà ông còn là một "nhà Điếu văn",gọi là nhà điếu văn vì ông chuyên viết điếu văn cho các nhà thơ,nhà văn khi qua đời.
    Nghe nói nhà thơ Hữu Thỉnh còn có dự định cho xuất bản một"Tuyển tập điếu văn".Nếu đúng như vậy thì bài viết của ông Thỉnh về ông Trần Gia Thái vừa rồi sẽ có trong tuyển tập điếu văn này.
    Tôi nói thật chứ không phải bôi bác.

    Trả lờiXóa
  24. Một mũi tên sắc (sảo) bắn trúng 2 đích ! Hoan hô Trần Mạnh Hảo !

    Trả lờiXóa
  25. Thói thường thì trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa mà (Tôi cố gắng làm "trong sáng tiếng Việt" như cái ông/bà nào đó sửa lưng ô. Trần Mạnh Hảo bằng ví dụ HỒNG THẬP TỰ...)_ (KVC)

    Trả lờiXóa
  26. Cũng là trò bốc thơm để quảng cáo cho nhau thôi chứ yêu gì nhau! Mà nếu, yêu nhau như thế, bằng mười hại nhau. Rõ khổ hai ông lãnh đạo văn hóa lày nẫn nộn hết cả dồi! Chỉ khổ cho thiên hạ ngứa tai bẩn mắt.

    Trả lờiXóa
  27. Tôi muốn thưa với hai ông Thỉnh và ông Thái như sau, xin hai ông cứu giúp tôi và mọi người bằng những việc cụ thể như sau :

    1/ Xin hai ông hãy chấm dứt làm thơ, vì với tôi và nhiểu người, thơ là cái gì đó đẹp đẽ, là phần sâu kín của tâm hồn được bộc lộ bằng ý tứ sâu xa tinh tế của ngôn từ ( chứ không phải “CHÂN THÀNH LÀ NGHỆ THUẬT CAO NHÂT CỦA THƠ” ) . Vô tình đọc phải thơ của 2 ông mà chán ngắt, chán quá mà sao các ông cứ tâng nhau lên làm gì cho xấu hổ, cho xấu mặt Thơ vậy ?
    Hãy cứ gian dối, cứ lừa lọc, cứ nhận giải cao nhất nước, hãy cứ phong bì phong bao thật lực, không ai nói gì các ông đâu. Nhưng làm thơ thì không nên đâu, cháu nào vô tình đọc phải thơ các ông có lẽ suốt đời không sờ mó gì đến thơ nữa ấy chứ.
    2/ Xin cám ơn ông Hữu Thỉnh, đây là lần đầu tiên tôi biết đến khái niệm " TÌNH YÊU CƯỜNG TRÁNG " hihi qua lời bình luận của ông đối với thơ ông Thái.
    Xin ông Gia Thái : ông hãy là nhà chính trị, là nhà quản lý, là nhà báo, nhà độc tài....nhưng chân thành từ đáy lòng, mong ông đừng có làm nhà thơ. Vì nhà Thơ theo suy nghĩ của tôi, là người có trái tim trắc ẩn , là người đa cảm và chân thực trong đời sống. Nhưng ông thì không có những cái ấy, nhất là qua vụ ông cho làm phóng sự về những người đi biểu tình yêu nước chống lại Trung quốc thời gian vừa qua, càng thể hiện ông không bao giờ có thể làm nhà thơ được. Nếu cố tình làm thơ thì thật khổ cho Thơ đấy ông ạ, cái cơ bản là người ta cười cho đấy..

    3/ Xin hai ông Thỉnh và ông Thái một lần nữa : Hãy buông tha cho Thơ . Được vậy xin đội ơn các ông nhiều lắm !!!

    Trả lờiXóa
  28. Họ đang tâng bốc để nịnh lẫn nhau thôi...

    Trả lờiXóa
  29. Lẳng lặng mà nghe chúng chúc nhau...

    Trả lờiXóa
  30. có lẽ cụ Hữu Thỉnh già rồi nên lẫn thẩn mới có bài bình như vậy

    Trả lờiXóa
  31. Lâu rồi, mới lại được đọc bài của Trần Mạnh Hảo; văn ông luôn khúc triết,rõ ràng,sắc sảo.
    Kính chúc ông sức luôn khỏe,bút luôn mài sắc, và luôn có bài cho bạn đọc.

    Trả lờiXóa
  32. Trong lúc Trần Gia Thái bị công luận chửi bới thậm tệ , thì việc ông Thỉnh đứng ra che đạn giúp là một hành động dũng cảm, song, than ôi, lại là ngu xuẩn! Nhưng... Từ trong vòi nước chảy ra thì chỉ là nước lã mà thôi!

    Trả lờiXóa
  33. Việc Hữu Thỉnh thổi Gia Thái về Thơ của ông ta, phải chăng dân gian đã sẵn có câu:
    -Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã
    -Rau nào sâu ấy
    -Con hát mẹ khen hay
    -Chó đen giữ mực
    -Gần mực thì đen,...
    -Ở với bầu thì tròn, ở với ống thì dài.
    ...

    Di Luân

    Trả lờiXóa
  34. Xin chân thành cám nhà thơ Trần Mạnh Hảo anh đã có một bài viết thật sâu sắc nhưng cũng không kém phần 'chua cay' dành cho bọn văn nô.

    Trả lờiXóa
  35. Ai thấy ta sai mà chỉ cho ta biết thì đó là thầy ta. Còn ai thấy ta dở mà nịnh ta thì đó là kẻ thù của ta.( lời Khổng Tử nói với học trò)
    Cho nên qua bài viết này Nhà thơ Hữu Thỉnh nên cám ơn nhà thơ Trần Mạnh Hảo là điều nên làm.

    Trả lờiXóa
  36. Bác Thỉnh chịu khó xách dép cho Bác Hảo từ giờ đến cuối đời để học hỏi thì hẵng mở miệng để bình thơ, không thì bác lại là thảm họa cho thơ Việt vì đã cổ súy lăng nhăng. Đúng là thiểu năng!

    Trả lờiXóa