Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

VỀ MỘT ĐÔI CÂU ĐỐI Ở PHỦ TIÊN HƯƠNG


VỀ MỘT ĐÔI CÂU ĐỐI Ở PHỦ TIÊN HƯƠNG 

Nguyễn Xuân Diện

Quần thể di tích Phủ Dày, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định bao gồm Phủ Vân Cát, Phủ Tiên Hương, Khu lăng Mẫu Liễu Hạnh và 11 đền phủ đình chùa xung quanh. 
 
Thủ nhang Phủ TIÊN HƯƠNG là Trần Thị Kim Huệ gần đây cho treo biển là “Phủ Chính Tiên Hương – Nơi Thánh Mẫu Giáng Sinh”. 
 
Thực ra Phủ VÂN CÁT mới là nơi lưu dấu tích ngôi nhà mà Mẫu Liễu Hạnh được sinh ra, góc vườn có vạt đất chôn nhúm rau của Mẫu. 
 
Tại gian giữa chính điện của Phủ Tiên Hương mà chị Kim Huệ là Thủ nhang cũng đã có treo đôi câu đối xác nhận rõ:
 
三 世 輪 回 于為 汭 于 雲 葛 于 俄 山 五 百 餘 年 光 實 錄
歷 朝 芭 袞 為 帝 女 為 大 王 為 眾 母 憶 年 萬 古 奠 名 邦
龍 飛 癸 丑 秋
青 化 省 督 學 黎 希 永 奉 撰 
 
Phiên âm là:

- Tam thế luân hồi, vu Vỉ Nhuế, vu VÂN CÁT, vu Nga Sơn, 
                                           ngũ bách dư niên quang thực lục;
- Lịch triều ba cổn, vi Đế nữ, vi Đại vương, vi chúng Mẫu, 
                                                     ức niên vạn cổ điện danh bang.
 
[Lạc khoản: Long phi Quý Sửu thu. Thanh Hóa tỉnh Đốc học Lê Hy Vĩnh phụng soạn].
 
*Chữ Vỉ: gồm bộ chấm thủy và chữ vi. Ở trên bộ gõ ko thể hiện được chữ "Vỉ"

Tạm dịch là:
 
- Ba kiếp luân hồi: ở Vỉ Nhuế, ở Vân Cát, ở Nga Sơn; hơn năm trăm năm sự tích còn rạng ngời trong sử sách.
 
- Các triều phong sắc: là Đế nữ (con gái của Ngọc Hoàng Thượng Đế), là Đại vương, là Mẹ dân chúng, muôn năm vạn thuở lừng danh cả nước. 
 
Ba kiếp giáng sinh của Liễu Hạnh Công Chúa là:
 
Lần 1: Vào đầu thời nhà Hậu Lê, tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, giáng sinh vào làm con ông Phạm Huyền Viên, người xã La Ngạn kết duyên cùng bà Đoàn Thị Hằng, người ấp Nhuế Duệ, cũng xã Vỉ Nhuế (nay là thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). 
 
Trước khi sinh, vào đêm ngày 6 tháng 3 năm Quý Sửu 1433, trời quang mây vàng như có ánh hào quang. Ông Huyền Viên ngồi đợi tin mừng, bỗng như có một nàng tiên từ trong đám mây bước xuống thềm nhà, và bà sinh một bé gái. Vì vậy ông đặt tên con là Phạm Tiên Nga. 
 
Lần 2: Đến niên hiệu Thiên Hựu đời Lê, năm Đinh Tỵ (1557), bà lại giáng sinh lần thứ hai làm con ông Lê Thái Công và bà Trần Thị Phúc tại xã/thôn Vân Cát, huyện Thiên Bản, hạt Sơn Nam Hạ (nay là thôn Vân Cát, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Định, cách quê cũ Vỉ Nhuế chừng 7 km). Được đặt tên là Giáng Tiên. 
 
Lần này, bà kết duyên với ông Trần Đào Lang sinh được một người con trai, tên là Nhân, một con gái tên là Hòa. Giữa lúc cả gia đình đang đầm ấm vui vẻ thì bỗng nhiên, bà mất ngày 3 tháng 3 năm Đinh Sửu, thời Lê Gia Thái thứ 5 (1577). Năm ấy, bà mới 21 tuổi. Mộ táng tại thôn Tiên Hương cùng xã, là quê nhà chồng. Mấy trăm năm sau đó, chỉ là một gò mộ đất, có mọc xanh tốt, cho đến năm 1938, Nam Phương Hoàng hậu mới sai xây thành lăng đá để tạ ơn cầu tự sinh được hoàng tử.
 
Lần 3: Vào niên hiệu Khánh Đức năm thứ 2 (1650), bà vân du đến làng Tây Mỗ, tổng Phi Lai, huyện NGA SƠN, trấn Thanh Hoa (nay là xã Hà Thái, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá), vào ngày 10 tháng 10 năm Canh Dần, tái hợp với ông Trần Đào Lang lúc này đã tái sinh là Mai Thanh Lâm, sinh được một con trai tên là Cổn. Bà mất ngày 23 tháng 12 năm Mậu Thân, thời Lê Cảnh Trị thứ 6 (1668).
 
Như vậy, đôi câu đối bài trí tại gian chính giữa của Phủ Tiên Hương đã xác nhận rõ:
 
1.Thánh Mẫu Liễu Hạnh có ba lần giáng sinh; Lần 1 là ở VỈ NHUẾ (nay là Phủ Quảng Cung, tức Phủ Nấp, huyện ý Yên, tỉnh Nam Định), Lần 2 là VÂN CÁT (nay là Phủ Vân Cát) và Lần 3 là ở Tây Mỗ (huyện NGA SƠN, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa).
 
2- Phủ Tiên Hương không phải là nơi Mẫu giáng sinh. Tiên Hương là quê chồng, và là nơi có lăng mộ Thánh Mẫu. 
 
Đôi câu đối này được các sách vở phổ biến rộng rãi. Các lý lịch hồ sơ di tích đều ghi nhận.
 
Tròn ¼ thế kỷ trước (25 năm), đoàn nghiên cứu sưu tầm của Viện Nghiên cứu Hán Nôm mà tôi là thành viên có đến sưu tầm nghiên cứu các di sản Hán Nôm ở Phủ Tiên Hương để lưu vào hồ sơ của Viện. Nay vẫn còn lưu. 
 
Các câu đối và hoành phi trên đều có trong hồ sơ hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Hồ sơ này đã được đánh số và ký hiệu để tra cứu và lưu trữ, không ai có thể thêm bớt được.
 
Và việc thống kê từng di tích, câu đối, hoành phi, chuông, bia… đều có chữ ký của Trưởng thôn sở tại và Chủ tịch UBND xã (hoặc Phó Chủ tịch phụ trách văn xã). Tháng 5/1998, người đại diện chính quyền địa phương xác nhận là Ông Trần Ngọc Nhân (có chữ ký và đóng dấu Ủy ban).
 
Hồ sơ này là hồ sơ khoa học, đảm bảo không thể có sự thay đổi hoặc bổ sung tùy tiện. Vì thế, Phủ Tiên Hương hay Phủ Vân Cát làm mới hoành phi, câu đối hoặc treo lệch vị trí so với tài liệu lưu trữ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, thì đều xác nhận được ngay.

Nghe nói, đôi câu đối khảm trai này không còn ở vị trí cũ nữa! Không biết thực hư ra sao!
 
24.7.2023.
NXD.
 
Ảnh: Nội điện Phủ Tiên Hương. Ảnh: Nguyễn Long Hưng (báo Sài Gòn tiếp thị).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét