VỀ MỘT BỨC HOÀNH PHI Ở PHỦ VÂN CÁT
Nguyễn Xuân Diện
Trong ảnh là bức hoành phi được tôn trí tại Phủ Vân Cát, thuộc quần thể Phủ Dày, xã Kim Thái, tỉnh Nam Định.
Bức này, đọc từ phải sang trái là "NHẤT THẦN LƯỠNG HÓA". Có người dịch là "vị thần hai lần hóa thân".
Tại Phủ Tiên Hương bên cạnh cũng có các bức tương tự, cụ thể là:
1- Nhất Cố Thần 一 故 神
2- Nhất Thần Lưỡng Hóa 一 神 兩 化
3- Cố Thần Cố Hóa 故 神 故 化
Từ trước đến nay các sách vở báo chí đều hiểu sai và dịch sai bức hoành này.
Mấy chữ này khởi nguồn từ trong thiên Tham lưỡng, sách Chính Mông của Trương Tái. Sách có câu: 一 物 兩 體 ,氣也. 一故神, 兩故化.此天地之所以參也. Nhất vật lưỡng thể, khí dã. Nhất cố thần, lưỡng cố hóa. Thử thiên địa chi sở dĩ tham dã (Dịch là: Một vật đều có hai thể âm – dương, đó là khí. Hợp nhất lại là Thần, có cả âm – dương nên hóa sinh muôn vật. Ấy là nguyên nhân tham phối với trời đất vậy).
Vì vậy, LƯỠNG ở đây là Âm và Dương. NHẤT ở đây là hợp nhất.
Hợp nhất được ÂM và DƯƠNG thì là THẦN.
Có Âm và Dương nên mới HÓA SINH VẠN VẬT.
Chỉ có THẦN mới làm được việc này. Nói văn chương thì là: Vì có hai (âm–dương) cho nên biến hóa, vì hợp nhất (âm – dương) cho nên là thần.
Nhất Cố Thần, Nhất Thần Lưỡng Hóa, Cố Thần Cố Hóa, Lưỡng cố Hóa Nhất cố Thần là những chữ được thấy ở nhiều di tích thờ Nữ thần ở Việt Nam (Chùa Mía Sơn Tây, ở khám thờ Bà Chúa Mía cũng có ba chữ Nhất Cố Thần 一 故 神, có người dịch là Một Thần Cũ).
24.7.2023
Nguyễn Xuân Diện
* Cám ơn Mai Đình tiên sinh, gần chục năm trước đã chỉ cho tôi biết câu này trong sách Chính Mông của Trương Tải, để hôm nay tôi chia sẻ với anh chị em!
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét