THĂM LĂNG MỘ THÁM HOA VŨ PHẠM HÀM
(Đôn Thư - Kim Thư - Thanh Oai - HN)
Nguyễn Xuân Diện
Lăng mộ Cụ Thám hoa nằm gần Quốc lộ 21b (đường Hà Đông đi Vân Đình). Lăng nằm trên gò đất hơi cao của cánh đồng làng; tưởng đâu tiền án hậu chẩm không rõ ràng, nhưng xét kỹ thì viễn sơn vọng thuỷ đủ đầy cả. Rất khoáng đạt mà sâu kín.
Cụ đi thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu. Tại kỳ thi Đình, cụ đỗ Thám hoa và là người đỗ cao nhất. Vì vậy danh vị khoa bảng của Cụ là Tam nguyên Thám hoa.
Triều Nguyễn có một số vị đỗ Đình nguyên (đỗ đầu kỳ thi Đình), như Cụ Phan Đình Phùng, Cụ Nguyễn Khuyến, Trần Bích San…) nhưng không ai đủ 100 phân để đạt Trạng nguyên. Không ai đủ điểm Trạng nguyên chứ không phải nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên.
Đỗ Tam nguyên thì cả triều Nguyễn (1802-1945) chỉ có 3 Cụ là: Vị Xuyên Trần Bích San; Yên Đổ Nguyễn Khuyến; Đôn Thư Vũ Phạm Hàm.
Bài văn thi Đình của Cụ đến nay vẫn còn và đã được Mai Đình Đinh Thanh Hiếu dịch chú rất tường tận.
Cuộc đời làm quan của Cụ Thám hoa ngồi Đốc học 3 tỉnh, ngồi Án sát 2 tỉnh.
Cụ là chân khoa bảng, hay chữ nên sau Cụ được bổ nhiệm giữ chức Đốc biện (Chủ bút) Đại Nam Đồng văn nhật báo sau Cụ Đào Nguyên Phổ và trước Cụ Kiều Oánh Mậu.
Đại Nam Đồng văn nhật báo là tờ báo đầu tiên ở Bắc kỳ, và là tờ báo chữ Hán. Hình thức giống một Công báo, song lại có mục Thời đàm bám sát đời sống chính trị xã hội.
Vũ Phạm Hàm là một tác gia Hán Nôm có để lại nhiều tác phẩm về văn học, lịch sử và địa lý. Cụ là tác giả của bài ca trù về thắng cảnh Chùa Hương rất là hay.
Những trước tác chính của Cụ: Kinh sử thi tập, Hưng Hóa tỉnh phú, Tuyên Quang tỉnh phú, Hương Sơn phong cảnh phú, Thám hoa văn tập, Thư Trì thi tập, Tập Đường thuật hoài, Mộng Hồ gia tập, Mộng Hồ thi tuyển, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách.
Tương truyền Cụ cũng là tác giả của bài Hát nói Ca trù “Cái ấy” rất tuyệt diệu.
(Xem bài ấy tại đây: http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/cai-ay-mao-cung-thu-ma-vo-mao-cang.html)
Về câu đối, khắp các đình đền quanh vùng rất nhiều câu đối của Cụ. Có hai đôi câu đối rất nổi tiếng, người đời truyền tụng rộng rãi, giới bút mực luận bàn cơ hồ không có hồi kết:
1- Ở Đền Kiếp Bạc:
Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh.
(Vùng Vạn Kiếp ngọn núi nào cũng ngút hơi kiếm toả
Sông Lục Đầu ngọn sóng nào là không vang dậy tiếng thu - tiếng sàn sạt binh đao).
Xem bài tổng thuật về đôi câu đối này tại đây:
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=2895254297444189&id=100008789401804&mibextid=qC1gEa
2- Ở Miếu Trung Liệt - Thái Hà ấp, tức Gò Đống Đa:
Là nơi thờ hai vị Tổng đốc Hà thành là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
此 城 郭 此 江 山 百 戰 風 塵 餘 赤 地
爲 日 星 爲 河 岳 十 年 心 事 共 青 天
Thử thành quách, thử giang san, bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh, vi hà nhạc, thập niên tâm sự cộng thanh thiên
(Này thành quách, này giang sơn, trăm trận phong trần dư thước đất;
Làm trăng sao, làm sông núi, mười năm tâm sự với trời xanh).
Về tộc danh Vũ Phạm - Phạm Vũ:
“Theo ghi chép của Mộng Hồ gia tập - gia phả họ Vũ Phạm, thì tổ tiên của họ Vũ nguyên là họ Phạm, đến đời tổ thứ 2, được người họ Vũ nuôi dưỡng nhận làm con nuôi nên từ đó đổi ra họ Vũ, hoặc kiêm dùng cả chữ “Phạm” để lấy họ là “Vũ Phạm”, thế nên gia phả ghi là “Phạm Vũ thị phả” có ý không quên gốc.” (Thạc sĩ Nguyễn Đức Toàn)
Con cháu Cụ, nhiều người thành đạt, có chức vụ cao, như hai người chắt (4 đời) là các ông Phạm Vũ Quyết Thắng (từng là Phó Tổng Thanh tra CP), ông Phạm Vũ Luận (cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục).
Ông Thắng làm Phó Tổng thanh tra Chính phủ nổi tiếng là thanh liêm. Tiếng thơm còn mãi!
Ông Luận làm đến Thượng thư bộ Học, hơn cả Cụ Vũ Phạm Hàm (chỉ là Giám đốc Sở Giáo dục 3 tỉnh). Nhưng ông Luận lúc ngồi Thượng thư hứa đến tham vấn Nguyễn Xuân Diện về di sản của tổ tiên và chiến lược giáo dục mà không giữ lời, thì cũng là thói thường của giới chức bây giờ chỉ hứa hươu vượn mà không thành ý.
Nhớ lần về dự lễ giỗ cụ Tam nguyên hôm 11 tháng 9 năm 2011, Phạm Vũ tộc giữ nghiêm nếp gia phong nên ông Luận đang là Bộ trưởng mà khi về dự vẫn theo vai vế ngồi cỗ, chứ không dám dự ngồi vào mâm cỗ khách của gia tộc, trong đó có tôi.
(Xem hình ảnh và tin bài tại đây: http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/10/cung-xem-lai-buc-thu-gui-bo-truong-gd.html )
Hình ảnh các cụ dòng họ Phạm Vũ đi về nhà thờ để dự lễ giỗ Cụ Thám hoa đẹp như cổ tích. Lúc chia tay, các cụ thi lễ bằng cách bái chào như thời thượng cổ vậy:
Chiều nay thắp nhang lăng mộ Cụ Thám hoa xong thì vào thăm nhà thờ, nhưng cửa nhà thờ đóng. Có hai số đt của người trông nom nhà thờ thì đều không gọi được. Đành đi Vân Đình luôn.
12.3.2023.
Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận là hậu duệ bất xứng của cụ thám hoa Vũ Phạm Hàm
Trả lờiXóaSao cụ họ là Vũ Phạm, mà con cháu lại lấy họ là Phạm Vũ? Tôi biết 1 cháu của cụ là ông Vũ Phạm Chánh, nhà báo, vẫn lấy theo họ cụ.
Trả lờiXóaTS có thể giải thích tại sao hậu duệ cụ Vũ Phạm Hàm lại đổi thành Phạm Vũ...?
Trả lờiXóa