NGƯỜI XƯA KHÁM NGHIỆM TỬ THI NHƯ THẾ NÀO?
Trình bày: Nguyễn Xuân Diện
Lược thuật kết quả nghiên cứu của Nhà nghiên cứu Trần Thị Kim Anh
300 năm trước, cha ông ta đã viết sách hướng dẫn cách khám nghiệm tử thi phổ biến đến các quan lại địa phương để họ tự xử lý hiện trường lúc xảy ra án mạng.
"Nhân mạng tra nghiệm pháp" lưu tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm kí hiệu A2034. Sách dày 56 trang khổ 27 x 16, niên đại ghi trên sách là Vĩnh Hựu 3 (1737).
Về nội dung, ở trang đầu, dòng chữ Hán ghi "Hình bộ Lâm quận công Phạm Trạc phụng biên tập" cho biết, sách do Lâm quận công Phạm Trạc ở bộ Hình biên tập theo yêu cầu của triều đình. Có lẽ chính vì vậy so với sách Công án tra nghiệm bí pháp sách này có tính chất qui phạm hơn.
Sách gồm 49 mục, trình bày khá chi tiết tỷ mỉ về cách xem xét các loại tử thi, các loại vết thương. Cho biết cách phân biệt các vết thương bị đánh do loại hung khí nào, cách làm bộc lộ các vết thương chùm dưới da, cách khám nghiệm xương khi người chết đã bị thiêu cháy, phân biệt xương của nạn nhân là nam hay nữ, cách khám nghiệm tử thi đã rữa nát. Ngoài ra còn có một số bản vẽ cơ thể người ở các vị trí nằm sấp, nằm ngửa cùng các chú thích về tên gọi của các vị trí trên cơ thể. Xin dẫn ra một số dẫn chứng cụ thể. Chẳng hạn khám nghiệm tử thi chết do bị sát thương, sách viết: "người bị sát thương, mắt miệng đều mở, tóc rối, hai tay giơ lên, trên tay tất có thương tổn, chỗ bị thương da thịt rách nát, xung quanh bậm máu". Bàn về khám nghiệm xương thì "Trên xương có chỗ bị đánh thì lộ rõ ngấn đỏ. Nếu bị đánh gẫy thì hai đầu xương vầng máu, lại có các mảnh xương, giơ lên ánh mặt trời để soi thấy sắc hồng còn hoạt thì rõ ràng lúc còn sống bị đánh". Hoặc nói về cách làm bộc lộ vết thương, sách cho biết: Vết thương trên thi thể không rõ, chỉ có chỗ khả nghi thì trước hết đem nước rửa sạch, sau đó dùng hành đâm nhuyễn đắp lên chỗ nghi ngờ, chờ một lúc rồi bỏ hành đi lấy nước rửa sạch, nếu thấy có vết tím đem lấy nước rỏ lên, thực sự là vết thương thì chỗ đó cứng, nước đọng lại không chảy, còn nếu không phải là vết thương thì chỗ đó mềm, nước tuột đi…"
Công án tra nghiệm bí pháp hiện tại có 3 văn bản viết tay mang các kí hiệu A1760; A401 và VHv 2715. Bản A1760 dày 108 trang, khổ 29 x 16. Bản A401 dày 82 trang khổ 31 x 22, bản này do EFEO sao lại vào đầu thế kỉ 20. Bản VHv 2715 dày 138 trang khổ 28 x 16, do Đỗ Huy Tằng sao năm 1964, bản này có nội dung trùng khớp với bản của EFEO. Ở cả 3 bản, các trang đầu đều ghi rõ, sách do Tham tụng Phan Duy Phiên, cùng các đệ tử là Dương Hợp, Trần Đôn, Nguyễn Chí biên soạn năm Vĩnh Thịnh 10 (1714). Riêng bản A1760, sau bài tựa có đề thêm một dòng: "Vĩnh Thịnh thập niên, Mạnh xuân cốc nhật, Mai Hiên chủ nhân thủ soạn"(Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714), ngày lành tháng Giêng, Mai Hiên chủ nhân soạn). Song đây cũng không phải sách có niên đại Lê Vĩnh Thịnh 10, tức năm 1714, bởi tất cả các chữ Thời (時) trong sách này đều đã được viết kiêng húy theo lệ kiêng húy thời Tự Đức, chứng tỏ văn bản đã được sao lại sớm nhất là dưới thời Tự Đức. Về nội dung, sách có các mục chính như:
- Khám nghiệm hiện trường các vụ án trộm cắp;
- Nguyên tắc chung khi khám nghiệm các vụ án nhân mạng; Khám nghiệm thi thể chết đuối;
- Khám nghiệm thi thể tự ải; Khám nghiệm thi thể chết cháy; Khám nghiệm hoang thai…
- Các hình vẽ về thủ tục khám nghiệm các vụ đánh nhau gây chết người, hình vẽ về thai nhi từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 7.
Đặc biệt sách này ngoài phần chữ Hán còn có phần diễn Nôm.
Thời xưa, giao thông khó khăn, từ nha môn phủ huyện về các làng xã không thể nhanh chóng được, do đó khi xảy ra các vụ án, những người có trách nhiệm có mặt tại hiện trường đầu tiên thường là các Xã trưởng.
Luật lệ thời Lê cũng qui định, khi xảy ra án mạng khổ chủ phải trình báo ngay cho Xã trưởng biết và Xã trưởng có trách nhiệm đến ngay hiện trường để khám xét lập biên bản. Việc khám nghiệm hiện trường là vấn đề đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, mà trên thực tế, chữ nghĩa của các vị Xã trưởng chẳng được bao lăm, việc tra đọc tìm hiểu trong các văn bản chữ Hán về những vấn đề này là hết sức khó khăn. Do đó đặt ra các bài ca Nôm dễ đọc dễ thuộc đối với các Xã trưởng là cần thiết.
Có thể nói đây thực sự là những yêu cầu nảy sinh từ thực tiễn điều tra xét xử của xã hội Việt Nam đương thời. Những bài ca Nôm trình này về cách khám nghiệm khá dễ hiểu, tỷ mỉ, rõ ràng.
Xuân Diện - Hán -Nôm đưa tin hay quá , xin cám ơn nhiều . Câu chuyên khám nghiệm tử thi ngày xưa sao giống một đoạn mà tôi quan tâm vài ngày trước . CÁM ƠN ! CÁM ƠN nhiều
Trả lờiXóa