Thứ Tư, 25 tháng 5, 2022

KIẾN NGHỊ THU HỒI MỘT DANH HIỆU DI SẢN VĂN HÓA QUỐC GIA



CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

TP. Huế, ngày 26 tháng 4 năm 2022

KIẾN NGHỊ THU HỒI QUYẾT ĐỊNH
CÔNG NHẬN DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
ĐỐI VỚI “LỄ GIỖ BÀ THỨ PHI HOÀNG PHI YẾN
Ở HUYỆN CÔN ĐẢO, BÀ RỊA-VŨNG TÀU”


Kính gửi:

- Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam,
- Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch,
- Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia,
- Cục Di sản Văn hóa - Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch,
- Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam,
- Hội Khoa học Lịch sử Thừa thiên Huế,
- Hội Khoa học Lịch sử Bà Rịa - Vũng Tàu,
- UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,
- UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu,
- Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam,
- Tổng cục Du lịch Việt Nam,
- Các cơ quan báo chí trung ương và các địa phương,
- Bà con Nguyễn Phúc tộc trong và ngoài nước,…

Ngày thứ Ba, 19 tháng 4 năm 2022, báo Tuổi trẻ có đăng bài “Băn khoăn di sản Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến” của hai tác giả Nguyễn Thanh Lợi và Nhật Linh trước việc Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch công bố quyết định đưa Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến ở Huyện Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Quyết định này không chỉ gây băn khoăn trong dư luận nói chung và giới nghiên cứu lịch sử và văn hoá nói riêng trên phương diện chuyên môn, mà trên phương diện tình cảm, quyết định này còn gây ra bức xúc rất lớn đối với bà con dòng tộc Nguyễn Phúc tộc chúng tôi trên toàn quốc cũng như ở hải ngoại, khi biết rằng các cứ liệu lịch sử được chọn làm cơ sở xếp loại là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia lại động chạm một cách phi lý đến cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Gia Long, vị Hoàng đế khai sáng và khởi nghiệp Vương triều Nhà Nguyễn.

Trước tình hình đó, ngày 26 tháng 4 năm 2022, tại Phủ Tùng Thiện vương, số 91 đường Phan Đình Phùng, TP. Huế, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm khoa học “An Sơn miếu và Bà Phi Yến ở Côn Đảo – Vấn đề từ truyền thuyết đến Hồ sơ di sản”. Cuộc tọa đàm có sự hiện diện và tham gia của các nhà khoa học về lịch sử, văn hóa và về Vương triều Nguyễn đến từ Huế và Hà Nội, như: PGS.TS Đỗ Bang (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế), Ông Nguyễn Xuân Hoa (nhà nghiên cứu, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thừa Thiên Huế), Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Trung Tiến (nguyên Trưởng khoa Sử, Đại học Khoa học Huế), PGS.TS Nguyễn Văn Đăng (nguyên Trưởng khoa Sử, Đại học Khoa học Huế), Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh (nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế), Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam),… Về phía Nguyễn Phước tộc, có sự hiện diện của Ông Nguyễn Phước Bửu Nam (PGS.TS, Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phước tộc Việt Nam và các vị trong Hội đồng. Cuộc tọa đàm có sự tham gia của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương để theo dõi và đưa tin.

Từ kết quả của cuộc tọa đàm, Hội đồng Nguyễn Phước tộc nhận định:

1.Thứ phi Hoàng Phi Yến chỉ là một nhân vật hư cấu.

Nhân vật Phi Yến là một nhân vật hư cấu với diễn trình khá phức tạp. Theo Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Thanh Lợi: “Truyền thuyết Bà Phi Yến khởi nguồn từ tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở miền Trung, vào đến Nam Bộ đã tích hợp với tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ, biến thành tục thờ Bà Cậu, một hóa thân khác của Thiên Y Ana. Về sau nó được dã sử hóa qua hình tượng Bà Phi Yến, gắn kết với hành trạng của Nguyễn Ánh trong những ngày bôn tẩu, sau này là vị vua đầu triều Nguyễn đã để lại rất nhiều dấu ấn ở vùng đất này”.

Hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc Việt Nam “đã rà soát Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyện thì hoàn toàn không có ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm và có tên thụy là Phi Yến cả. Tương tự trong gia phả hoàng tộc cũng không ghi chép tên của hoàng tử Cải là con của vua Gia Long”.

2. Nguyễn Ánh trong lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi không ra Côn Đảo

Kết quả khảo cứu sử sách triều Nguyễn không khẳng định chúa Nguyễn Ánh (sau này là Hoàng đế Gia Long) đã từng đặt chân lên Côn Đảo. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa còn mở lại cuộc tranh luận trên báo Tri Tân 80 năm trước mà câu chuyện vẫn còn ở trong lớp mù sương vì thiếu sử liệu minh định.

Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, truyền thuyết về bà Phi Yến ở Côn Đảo bắt nguồn từ một vở cải lương trong dân gian và được người dân thờ phụng. Bản thân câu chuyện này hoàn toàn không có thật và được các sử gia chứng minh, làm rõ từ rất lâu.

3. Về Hồ sơ Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến, ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu):

- Triều đại nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng, rất gần với thời đại chúng ta đang sống, độ lùi về thời gian chưa đủ phủ lớp sương mờ huyền thoại để chúng ta hy sinh lịch sử.

- Triều đại nhà Nguyễn để lại những văn bản “thực lục” với những ghi chép rất rõ ràng, đảm bảo cho lai lịch và hành trạng cũng như công nghiệp của các vị hoàng đế triều Nguyễn là không thể xuyên tạc, làm mờ vì bất cứ mục đích gì.

- Sự gán ghép lịch sử được lớp sương mờ huyền thoại “đồng lõa” đã xúc phạm hình ảnh của Hoàng đế Gia Long đang được Nguyễn Phúc tộc thờ phụng tại Thế Tổ Miếu trong Đại Nội Huế, khoét sâu những đánh giá hạ thấp Hoàng đế khởi nghiệp của triều Nguyễn mà các sử gia cận hiện đại đã phạm phải trong quá khứ.

- Trường hợp Hoàng đế Gia Long của triều Nguyễn không thể coi như Bà Chúa Liễu Hạnh, Thánh Gióng, Vua Hùng hay Lý Ông Trọng được, vì vua Gia Long không phải là nhân vật truyền thuyết.

- Các căn cứ của Hồ sơ này sẽ là khởi nguồn để nảy nở các sáng tác văn học nghệ thuật (thơ văn, kịch nghệ, diễn xướng dân gian) về sau, lan truyền và nhân bản các nhận định sai lầm và gây ra các hậu quả khôn lường.

Từ những luận điểm trên, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam trân trọng Đề nghị Ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hủy bỏ/thu hồi ngay quyết định công nhận Lễ giỗ Bà Thứ phi Hoàng Phi Yến, ở huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để bảo vệ tính chính đáng của một hồ sơ khoa học, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” đối với vị vua khởi nghiệp triều đại để đất nước có được hình hài như hôm nay, không xuyên tạc lịch sử, không xúc phạm anh linh Hoàng đế Gia Long cũng như Nguyễn Phúc tộc.

Thay mặt Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam

Chủ tịch Hội đồng
PGS. TS Nguyễn Phước Bửu Nam
Ký tên và đóng dấu

Các nhà khoa học đã ký tên:
PGS.TS Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam
Trần Đại Vinh - Nguyễn Quang Trung Tiến - Nguyễn Xuân Hoa - Nguyễn Văn Đăng - Đặng Văn Chương - Nguyễn Quang Hà - Nguyễn Đắc Xuân - Nguyễn Xuân Diện.

 









Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét