Thứ Hai, 25 tháng 7, 2022

Chuyện làng tôi: GIẾNG ĐỰC & GIẾNG CÁI


Chuyện Làng tôi - Bài 3:
HAI GIẾNG TẮM DÀNH RIÊNG CHO PHỤ NỮ

Nguyễn Xuân Diện

Làng Phụ Khang có 8 giếng: giếng Tóa Loa, giếng đá đội 6, giếng vuông cạnh giếng đá, giếng Chậu ở rộc Chậu, giếng cụ Phó Thêm, giếng đội 2, giếng xóm trong, giếng xóm Lũy Mo. Trong số các giếng này, giếng Tóa Loa là giếng có sớm nhất, được đào ngay từ khi lập làng, nước giếng ngọt nên được cả làng gánh nước về làm tương hoặc nấu cỗ. Thứ đến là giếng đá ở đội 6, nơi có tòa miếu cổ thờ thần Bản thổ. Giếng Chậu đã bị lấp và chưa khôi phục lại, các giếng còn lại vẫn còn, nhưng không còn được dùng sinh hoạt hàng ngày nữa, vì mọi nhà đều có giếng riêng, nhiều nhà đã có dùng nước máy.


Các xóm trong làng đã khơi lại giếng và tổ chức thau giếng hàng năm và làm lễ cúng giếng, lập miếu giếng.

Khác với các làng Mông Phụ, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Đông Sàng trong xã, Phụ Khang ở trên một ngọn đồi nên giếng đều ở rìa làng, vì cốt đất có độ cao tương đối là từ 1m đến 7m. Nước các giếng ở Phụ Khang đều trong và ngọt nước do các mạch đều được vắt ra từ các tầng lớp đá ong.

Điều đặc biệt nhất, và thi vị nhất là Phụ Khang từ thời lập làng đã có đến 2 nơi là không gian riêng dành cho đàn bà con gái tắm giặt và sinh hoạt, trong đó có dành hẳn một giếng nước cho “một nửa thế giới”.

Ngay cạnh giếng đá đội 6, có một giếng vuông (nay đã lấp mất) mỗi cạnh 1,2m, sâu khoảng 1,5m. Giếng này gọi là Giếng Cái. Giếng này mạch mạnh, nước trong và mát, nhìn thấy đáy. Các cụ xưa thật là thâm thúy khi xây giếng hình vuông, và dành giếng nước này riêng cho đàn bà con gái. Theo triết lý âm dương thì trời tròn đất vuông. Vuông tượng trưng cho Đất. Tròn tượng trưng cho Trời. Vuông còn là biểu tượng của Âm, cho mẹ, đàn bà. Tròn là tượng trưng của Dương, cho cha, cho đàn ông. Cha trời, mẹ đất, mà hình ảnh bánh chưng bánh dày là rõ nhất. Vì vậy khẩu giếng vuông trong trẻo mát lành dành riêng cho đàn bà con gái đã gói ghém cả triết lý sinh thái và nhân văn của người xưa. Cạnh giếng vuông (giếng Cái) dành cho phụ nữ là giếng tròn (giếng Đực) dành cho nam giới, nhưng người làng quy định nam giới tắm xong ở giếng tròn thì nữ giới mới xuống tắm ở giếng vuông. Đó là lúc chập tối, đàn bà con gái sau công việc đồng áng, sau những việc nhà mới là lúc xuống tắm. Khi đó, đàn ông không được lai vãng rình mò hoặc cố tình qua lại nơi đàn bà con gái tắm. Tắm xong, chị em lại quẩy gánh nước về đổ vào bể hoặc chum vại để có nước cho ngày hôm sau.



Đó là giếng vuông đội 6. Còn giếng Tóa Loa lại là một câu chuyện khác. Cạnh giếng Tóa Loa có một mạch đùn rất mạnh, nước trong và mát, tạo ra một hồ nước rộng khoảng chục mét vuông ngay cạnh giếng. Giữa hồ nước này có một phiến đá to màu xám nổi lên. Đây chính là cái bồn tắm thiên nhiên của chị em phụ nữ. Các bà, các mẹ, các em gái chiều muộn ra hồ ngâm mình dưới hồ sâu khoảng 80 cm đến 1 mét nước, hoặc ngồi trên phiến đá để kỳ cọ hoặc vẩy tóc gội đầu. Mạch liên tục đùn ra rất mạnh luôn luôn làm hồ nước được trong sạch như một máy bơm thay nước thau bể. Đây chính là chỗ của chị em ngồi tắm táp, nghịch nước, trò chuyện và ngắm nghía tán gẫu với nhau thoải mái mà không phải e ngại gì. Khi có chị em tắm ở đây thì không một đấng nam nhi nào được lai vãng, nhìn trộm hoặc chọc ghẹo. Cảnh tượng tắm hồ nước ở bên giếng Tóa Loa có thể là một nơi các nàng tiên giáng xuống trần gian, xếp xiêm y trên bờ lội xuống nước tắm với nhau.

Nếu đình làng là nơi tụ họp và chuyện trò về những việc, những chuyện nghiêm trang hệ trọng của làng nước (gọi là việc làng), và cũng là nơi tụ tập của riêng đám đàn ông trong làng, thì giếng làng là nơi người ta nói chuyện đời thường, giếng làng lại là xứ sở của các cánh đàn bà, con gái.

Giếng làng như tấm gương soi cả nhân tình thế thái, cả lịch sử xóm thôn, và ghi lại bao kỷ niệm của đời sống dân làng.

Ảnh: Giếng Toá Loa.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét