Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

TRẨY HỘI CHÙA HƯƠNG, GHÉ THĂM VÂN ĐÌNH

Trẩy hội Chùa Hương, ghé thăm Vân Đình

Nguyễn Xuân Diện 
.
Vân Đình là một thị trấn nhỏ, nằm ngay bên con đường trảy hội chùa Hương, rộn ràng trong mưa bụi mỗi độ xuân về, là thủ phủ của huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Xưa Vân Đình là một vùng đất cổ thuộc huyện Sơn Minh, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam thượng; năm tháng trôi qua, thiên tai địch họa trải đã nhiều song cũng không xóa được những vết tích cổ kính nơi đây.

Vân Đình không ch có… vịt và chó
 
Tôi có anh bạn là một tay sành ẩm thực có hạng. Dấu chân anh đã in khắp các miền non nước, và anh thì đã biết đến không biết bao nhiêu là của ngon vật lạ, đặc sản thời trân các nơi. Khi tôi hỏi anh đã biết đến các món vịt cỏ, thịt chó Vân Đình chưa thì anh ta lôi kéo tôi đến ngay mấy cái quán vịt ở đường Láng, và còn hẹn sẽ đưa đi một vòng quanh Hà Nội để đếm xem có bao nhiêu cái quán đề biển Thịt chó Vân Đình, ra vẻ là người sành điệu lắm. Tôi bảo anh ta chỉ là một gã biết ngọn mà không biết gốc. Và thế là chúng tôi phải làm một chuyến đi Vân Đình, cùng cả một đám thực khách đang bừng bừng khí thế.

Xe chạy qua biết bao địa danh nổi tiếng. Nào là Bình Đà và chín làng pháo cổ truyền. Đình làng Bình Đà thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, hàng năm đến ngày lễ hội có nghi lễ rước 99 cái bánh trôi ra thả xuống giếng làng. Rồi là Cự Khê, Cự Đà tương ngon nổi tiếng. Cự Khê là quê của học giả Đào Duy Anh, đình làng còn cỗ kiệu của Chúa Trịnh. Rồi làng Chuông làm nón. Làng Vác (Canh Hoạch) làm quạt, cũng là quê của Trạng Cậu Trạng Cháu. Trạng cậu là Nguyễn Đức Lượng, Trạng cháu là Nguyễn Thuyến (Thiến). Trạng nguyên Nguyễn Thuyến là tổ 5 đời của Nguyễn Du (“Truyện Kiều”). Rồi Đôn Thư, quê của Thám hoa Vũ Phạm Hàm, ông từng là Chủ bút tờ báo “Đại Nam đồng văn nhật báo” - tờ báo đầu tiên tại Bắc Kỳ. Nhưng mà, nghe đồn rằng, Thám hoa còn là tác giả của bài “Cái Ấy” lưu truyền trong các ca quán hồi đầu thế kỷ 20.

Tôi đưa bạn bè tôi về Vân Đình, về với ngọn nguồn của các món ăn ngon đã làm cho dân Hà thành phải kiêng nể, không dám lấy cái tên gì gì đó hoa mỹ để mà câu khách, mà vẫn phải giữ lấy hai chữ Vân Đình, cho dù thực khách có người cũng không quan tâm lắm đến nó. Và cũng không chỉ có thế, Vân Đình còn là một vùng văn hóa đặc sắc của miền Sơn Nam Thượng ngày xưa, nằm ngay bên con đường trảy hội chùa Hương, rộn ràng trong mưa bụi mỗi độ xuân về.

Vân Đình là một thị trấn nhỏ, là thủ phủ của huyện Ứng Hoà xưa và nay. Xưa Vân Đình là một vùng đất cổ thuộc huyện Sơn Minh, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam thượng; và năm tháng trôi qua, dù thiên tai địch họa đã nhiều song cũng không xóa được những vết tích cổ truyền nơi đây.

Theo chân các cụ già ta gặp lại những dáng nét phố xưa với những Hàng Vải, Hàng Niêu, Hàng Muối, phố Cô Đầu ... đã từng một thời nổi tiếng xa gần. Với những tên phố bắt đầu từ chữ Hàng, chúng ta hình dung ra một quần thể dân cư có mật độ khá tập trung và một nhịp sống sôi động. Lại được nghe các cụ đọc câu ngạn ngữ về nết tảo tần của đàn bà Vân Đình là “ăn với chồng nửa bữa, ngủ với chồng nửa đêm” thì bỗng thấy như lạ, như quen. Vân Đình xưa có nghề gốm nổi tiếng.

Gốm Vân Đình khá phong phú về chủng loại: từ các mặt hàng gia dụng (chum, vại, chậu), hàng vật liệu xây dựng (gạch ống, ngói mũi hài,...), đến những mặt hàng phục vụ việc thờ cúng (nồi hương, chân đèn) và các chậu hoa, chậu cảnh, cùng các hình phỗng trang trí hòn non bộ. Hàng gốm Vân Đình tuy không tráng men, nhưng khi đun lò, người thợ gốm đã khéo điều chỉnh độ lửa nên khi gốm ra lò vẫn có một lớp như men mầu nâu sẫm phủ đều trên bề mặt, tạo vẻ đẹp riêng. Gốm Vân Đình được ưa chuộng, và đã có mặt khắp nơi trong trấn Sơn Nam thượng - hạ, và các vùng lân cận.

Bên dòng sông Đáy hiền hoà chảy ngang lưng Vân Đình, bao đời nay, người dân ở đây đã sinh ra và lớn lên từ Đất và Nước quê hương như thế. Ai trong số họ, lúc sơ sinh cũng được người mẹ cắt rốn trong cái chậu sành do tay mẹ nặn nên. Và cho đến khi nhắm mắt, con cháu lại đặt nắm xương của họ vào cái tiểu sành rồi lặng lẽ vùi xuống lòng đất mẹ...

Thế rồi, nghề gốm Vân Đình đã mất dần ưu thế và dần chìm vào dĩ vãng. Nghề gốm đã không còn, nhưng bóng dáng của vùng gốm xưa vẫn còn lưu lại trong các lối xóm cổ xưa, trên những bức tường được xây hoàn toàn bằng những mảnh gốm vỡ và xỉ lò, trông quá đỗi giản dị, lại như kiểu cách lắm. Đó là tất cả những gì còn lại, để minh chứng cho một thời đã lùi hẳn vào dĩ vãng.

Về với Vân Đình, tìm những dáng xưa, trong hội hè nhộn nhịp và nét phong lưu của một dĩ vãng chưa xa. Vân Đình có tục chơi câu đối rất thịnh. Tết nhất, lễ hội, cưới xin, ma chay, nhất thiết phải có câu đối. Ai xin được câu đối hay, từ những người hay chữ là một điều hãnh diện.

Cũng chính vì thế nên từ các thầy Khoá đến ông Cử, ông Cống, ông Nghè ở Kẻ Đình, Kẻ Bặt được dịp đua cái tài đùa cùng câu chữ. Riêng hai anh em cụ Dương Khuê, Dương Lâm cũng đã sáng tác và để lại đến gần 900 đôi câu đối, mà rất nhiều đôi còn treo trong các đình chùa, đền miếu, các nhà thờ họ trong khắp Vân Đình và nhiều xã, huyện, tỉnh kề bên.

Xưa kia, lúc Nho học còn thịnh, vào dịp cuối tháng Chạp, lại có những ông đồ quảy đôi bồ “mực tàu giấy đỏ” ra các hàng phố để bán chữ cho thiên hạ, như là đem cái tài ra để mà chơi vậy. Xem thế, đủ biết sự lịch duyệt và nét tài hoa, tài tử của con người nơi đây.

Vân Đình cũng là quê hương của những đào Hồng đào Tuyết trong thế giới ca trù tao nhã. Đất này là đất của thơ và nhạc ca trù đã lâu đời. Căn cứ vào bức chạm khắc hình người cầm đàn Đáy (loại đàn 3 dây chỉ để đệm cho ca trù) có niên đại thế kỷ XVII, hiện còn trong đình Hoàng Xá (ảnh bên), xã Liên Bạt, thị trấn Vân Đình, ta biết một cách chắc chắn rằng cách đây hơn 300 năm về trước, Vân Đình đã có sinh hoạt ca trù (ả đào) rất thịnh. 

Cảnh đẹp là thế, Hương Sơn thanh tú phía xa, Hát Giang uốn lượn cận kề, con người nền nã, khéo léo là thế, lại là đất văn học, nên nơi đây cũng chính là xứ sở, là nguồn cảm hứng vô tận của những bài ca trù mượt mà, đằm thắm. Nhắc đến xứ sở ca trù này khó ai quên được dòng họ Dương với các tác gia Dương Khuê, Dương Lâm, Dương Tự Nhu, với hàng chục bài ca trù đã đi vào lịch sử văn chương nước nhà.

Và cùng với các vị đó, các cô đào Phẩm, đào Hai, đào Cúc, đào Oanh, đào Cần, đào Khanh,...cũng đi vào văn học, với tất cả vẻ thanh lịch, trang nhã, thanh sắc đủ đầy: “Mặt tròn thu nguyệt. Mắt sắc dao cau. Vào, duyên khuê các. Ra, vẻ hồng lâu. Lời ấy gấm - Miệng ấy thêu - Tài lỗi lạc chẳng thua nàng Ban - Tạ. Dịu như mai - Trong như tuyết - Nét phong lưu chi kém bạn Vân - Kiều”.

Trong các tác gia ca trù họ Dương, thì Dương Khuê là nổi bật nhất. Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi năm Mậu Thìn (1860), nổi tiếng văn chương và được người đương thời gọi là Thần tiên chi văn (văn chương của bậc thần tiên).

Những người yêu thích ca trù không ai là không biết bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết của ông: Hồng Hồng , Tuyết Tuyết /Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi / Mưòi lăm năm thấm thoắt có xa gì / Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu ...và để rồi: Riêng một thú thanh sơn đi lại / Khéo ngây ngây dại dại mới tình / Đàn ai một tiếng Dương tranh. Hồng Hồng Tuyết Tuyết được coi là bài vỡ lòng của những ai học hát ca trù, được giới chuyên môn đánh giá là bài ca trù chuẩn mực nhất, giàu ý nghĩa và triết lý nhất.

Vân Đình là đất văn vật, đất khoa bảng. Đây là nơi sinh ra nhiều Tiến sĩ nhất trong toàn huyện ứng Hoà. Ở đây có ba dòng họ nổi tiếng, nối đời khoa bảng. Đó là họ Bùi với các Tiến sĩ Bùi Tuấn, Bùi Bằng Thuận; họ Nguyễn với Nguyễn Thượng Phiên, Nguyễn Thượng Hiền ở Kẻ Bặt (Liên Bạt) và họ Dương với các Tiến sĩ Dương Khuê, Dương Thiệu Tường ở Kẻ Đình (làng Vân Đình).

Đặc biệt hơn nữa, quan hệ giữa các dòng họ này từ xưa đến nay đều rất hoà mục, vui vẻ, ít có nơi sánh kịp. Trong chốn quan trường, họ là đồng liêu; trong học tập họ là đồng môn, thi hữu của nhau, còn trong quan hệ gia đình, làng xóm họ lại là chỗ thông gia gắn bó. Tất cả những mối quan hệ ấy làm nên một phong khí văn vật thịnh vượng mà sự đồng cảm, tương thân, tương kính là nét đẹp nổi bật độc đáo, rất đáng ngưỡng mộ của vùng quê này.

Ngày xưa, tại gia trang nhà họ Dương ở đất này, cậu bé Nguyễn Đăng Thục (tức cố Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt) đã sống suốt một thời thơ bé. Cha của Tào Mạt là quản gia của gia đình họ Dương. Và Tào Mạt vẫn được cha sai đi lau bụi cho các bức câu đối hoành phi mỗi dịp sắp có khách chơi nhà hoặc khi Tết đến.

Những nét vẽ đầu tiên của loại văn tự tượng hình đã đi vào tiềm thức và làm hành trang cho Tào Mạt trong suốt cuộc đời làm nghệ thuật, trở thành Nghệ sĩ Nhân dân với bộ ba chèo “Bài ca giữ nước” được trao giải thưởng Hồ Chí Minh, trở thành nhà thơ, nhà Thư pháp Hán Nôm được giới văn nghệ thừa nhận, nể vì.

Sát với Vân Đình là xã Sơn Công. Sơn Công có làng Chùa nổi tiếng. Khắp làng Chùa đều có những khẩu hiệu, chữ trắng nền xanh. Nhưng tôi chẳng thấy ở đâu có những khẩu hiệu như ở đây. Nào là: “Người làng Chùa lấy Đức làm gốc, lấy thi ca để truyền Đức”, rồi: “Thơ không làm ra thóc vàng gạo trắng nhưng làm ra những giấc mơ của người gieo trồng” …Đi giữa làng Chùa như đi giữa miền cổ tích. Đây là làng đứng đầu cả nước về: làng nhiều công an nhất nước, cũng là làng nhiều người làm thơ nhất nước. Làng Chùa tổ chức cuộc thi thơ ở phạm vi cả nước, có hàng vạn người hưởng ứng (trong đó có nhiều nhà thơ chuyên nghiệp cũng tham gia). Ban Giám khảo cuộc thi cũng là người của Trung ương đuợc mời về. Giải thưởng rất giá trị và về giá trị tinh thần thì rất cao. Ai được giải cũng tự hào cả…

Trẩy hội chùa Hương, ghé thăm Vân Đình, ta cảm nhận Vân Đình không chỉ là một quần cư đông đúc, mà hơn thế, nơi đây còn là điểm hội tụ và tỏa sáng của những con người tài hoa, sành điệu, lịch lãm của trấn Sơn Nam thượng xưa kia.
N.X.D

24 nhận xét :

  1. Anh Xuân Diện có sự nhầm lẫn rồi Bài Hồng Hồng Tuyết Tuyết theo nội dung anh trích không phải của cụ Dương mà là của Nguyễn Công Trứ, đề nghị anh kiểm tra lại...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi có vài cái thắc mắc 1/ Cụ Nguyễn Du là người làng Tiên Điền H. Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh mà sao Trạng Nguyên Nguyễn Thuyến là tổ 5 đời lại ở Vân Đình ? 2/ Năm 1860 không phải là Năm Mậu Thìn mà là Năm Canh Thân . Can " mậu " ứng vào năm dl có tận cùng là số 8 . Mong chư vị chỉ giáo .

      Xóa
  2. Tôi đã vào Google, Ngày xưa cách đây 40 năm chúng tôi phải học thuộc lòng thơ NCT, nội dung này trong chương trình văn học để thi tú tài 1.
    Có thể trích dẫn tác phẩm của giáo dục Miền Nam thời ấy sai...

    Trả lờiXóa
  3. Đọc trang của TS tôi như người được đi du lịch không tốn tiền vậy

    TH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi hi, bác TH vẫn còn "sung" đi du lịch à?, chứ tôi thì "quá đát" rùi. Bao nhiêu năm ở VN, tôi ước mơ được ra Trung ra Bắc thăm "cái nôi" của nền văn hóa cha ông truyền lại. Ước mơ chưa một lần được toại nguyện. Tôi cứ sợ đi trễ thì làn sóng hại điện hóa, ủa lộn hiện đại hóa nó xóa sạch hết. Thực rất may mà giờ đây được làm quen với trang blog này. Ở xa quê hương, càng đọc càng thấm thía các bác ạ. Như tôi có nói rồi, học xong những điều này, có chết cũng không tiếc, vì mình được hiểu ra: Mình là ai?, Mình đến trái đất này bằng con đường nào?, Cái gì nằm sâu thẳm trong đáy tim mình, trong từng tế bào sinh học của mình, trong màu da màu tóc, trong vóc dạng trong tiếng nói của mình?...

      Xóa
  4. Theo em biết, bài hát nói Hồng Hồng Tuyết Tuyết là do cụ Dương Khuê sáng tác. Đề nghị bác lunglinl kiểm tra lại.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. NXD nghien cuu ve ca tru, NCT cung co bai hat noi co noi dung Hong Hong Tuyet Tuyet, co khong a?

      Xóa
  5. Quê tôi ở giữa Sơn nam hạ và Sơn nam thượng. về quê hay qua con đường Vân Đình về Hồng Vân và ngược lại. Qua cả Khu Cháy anh hùng mà trong bài CHÀO HÀ TÂY QUÊ LỤA của Nhật Lai có nhắc đến " ... Sữa trắng Ba vì - thóc vàng Khu Cháy " . Đoạn đường này đi cảm xúc vô cùng. Trong những xóm làng vắng vẻ , những đền phủ đìu hiu,những rơm rạ ủ rũ ven đường hay những ngày mùa thóc vàng phơi ngập đường đi - cho ta một cảm xúc rõ rệt về một nông thôn VN xưa cũ. Một cái gì gần gũi nhưng đã qua. một cái gì ta biết là đang tồn tại nhưng thuộc về một thời êm đẹp khác....

    Trả lờiXóa
  6. Giờ Quê tôi chán nhất là nhiều người làm công an nhất nước. Cám ơn TS Diện đã PR cho Quê tôi,
    Lê Dũng.

    Trả lờiXóa
  7. Anh Diện thân mến,
    Bài viết hay, như một quá khứ văn vật hiện về, như một truyền thống cao đạp còn sót lại! Cám ơn rất nhiều vì đầy ắp thông tin.
    Xin phép kéo về blog tôi nhá.
    Nguyễn Đăng Hưng,

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa Thầy Nguyễn Đăng Hưng,
      Em rất vui, nếu được vinh dự góp bài này trên Blog của Giáo sư.
      Slogan Blog Nguyễn Xuân Diện: Tôi tặng Blog này cho các bạn. Vậy tất cả những gì trên Blog này đều là của chung rồi ạ!

      Nguyễn Xuân Diện bái thư!

      Xóa
  8. nói thật, ban đầu nhìn hình anh Diện tôi không thích vì anh không ăn ảnh. nhưng rồi càng đọc các bài viết của anh, tôi càng thán phục, nhất là cách anh trả lời mọi người trên blog của mình, rất khiêm cung và hoà nhã. đấy mới là cung cách đúng mực của người thực học. tối nay nhìn lại hình của anh, bỗng nhiên thấy anh đẹp lạ kỳ.kính tri ân các Cụ song thân của anh đã tạo cho đời một con người ưu tú.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đọc từng chữ COMMENTS của Bác, em cứ giật mình thon thót Bác ơi! May là đọc xong, thì thấy Bác thật là người rộng lượng nên em cũng thấy binh tâm!

      Xin đa tạ Bác đã ban khen!
      Lâm khang

      Xóa
  9. Sơn Công là quê em đấy anh Diện ạ ! Cám ơn anh đã nhắc làm em nhớ quê da diết (h em đang sống xa quê). Mới đọc cứ tưởng anh sẽ đi sâu vào "vịt & chó" nhưng bé cái lầm, hóa ra anh lại nói vấn đề văn hóa và lịch sử (!?). Nếu tôi đoán không lầm thì anh là bạn anh Thiều ?
    Cám ơn anh về bài viết quê hương tôi
    Chúc anh luôn khỏe

    Trả lờiXóa
  10. Xin lỗi anh Diện vừa còm vừa đọc nên xưng hô lộn xộn quá, lúc anh, lúc tôi
    Thành thật xin lỗi anh

    Trả lờiXóa
  11. Ngày tết bận nhiều vì...rượu-anh em họ hàng-bạn bè chiến hữu...Ở nhà cũng say,đi chơi cũng say.
    Nhưng lúc say,lúc tỉnh cũng nhớ hiên trà Xuân Diện.
    Chưa một lần gặp mặt.Nhưng quý Xuân Diện ở tính cách,ở sự khiêm tốn kính trọng mọi người từ lời ăn tiếng nói đến sự nhiệt tình vì anh em,bạn bè, lúc vui,cũng như khi hoạn nạn.
    Năm mới chúc gia đình Xuân Diện luôn mạnh khỏe-bình an-hạnh phúc.
    Chấn Phong.

    Trả lờiXóa
  12. Đọc xong bài viết này của Tễu như được lạc một vòng vào cái không gian văn hóa chỉ có ở xứ đoài.

    Cảm ơn Tễu, chúc Tễu và gia đình năm mới an khang thịnh vượng!

    Trả lờiXóa
  13. Đọc bài của Nguyễn Xuân Diện, mình bật miệng hát bài "Tiếng Xưa" của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, ông là một người con của Vân Đình.

    Trả lờiXóa
  14. Nói thêm về đồ gốm Vân Đình, đúng như TS NXD nói, là không tráng men, nhưng các chum, vại ... vẫn có men tự chảy khi nung. Đây cũng là một bí quyết, nếu để thất truyền thì thật là uổng. Ngày nay người ta ít dùng chum, vại, nhưng nêú dùng kỹ thuật nung men tự tráng này để làm các sản phẩm như chậu hoa, chậu cảnh thì rất hay, giá thành rẻ mà lại không thô như các chậu cảnh làm bằng xi măng sơn đỏ như hiện nay.

    Trả lờiXóa
  15. Đọc để nhớ về ông nội mình quê Vân Đình, còn bà nội quê Mỹ Đức, chỉ cách con sông Đáy (chỗ đê Thanh ấm ) ! Thương nhớ các cụ nhiều ! Cảm ơn tác giả !

    Trả lờiXóa
  16. Tôi là người thường xuyên đọc bài trên trang Tễu của Tiến sĩ. Đôi khi có viết mấy dòng để tán thưởng.
    Đọc bài này có vài chỗ xin Tiến sĩ xem lại. Tôi là người Thanh Oai cũng có viết đôi bài về quê mình. Nên có biết chút đỉnh: Chúng tôi hay nói là làng Canh hoạch có đến 2 Trang nguyên- Trạng cậu, Trạng cháu, Trạng Nguyên Nguyễn Thiến là cháu, Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng là trạng cậu.
    Chưa đọc ở đâu nói Hoàng Ngĩa Phú là trạng cậu.
    Trạng nguyên Nguyễn Thiến là tổ 9 đời cua nhà thơ Nguyễn Du.
    Về lĩnh vực này hiểu biết của tôi rất hạn hẹp, cứ mạnh dạn viết ra đây, xin được chỉ dẫn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Tiến sĩ Tạ Đình Thính,
      Chúng tôi đã kiểm tra lại và thấy đúng như Tiến sĩ đã góp ý phê bình. Tác giả Nguyễn Xuân Diện đã viết nhầm, và xin gửi lời cảm ơn TS và bạn đọc, đồng thời xin đính chính lại trong bài viết.

      Kính chúc Tiến sĩ và quý quyến năm mới vạn sự tốt lành!

      Xóa
  17. Khi đã mở máy , trang TỄU bao giờ mình cũng xem đầu tiên , ở đó nhiều tin , độ chính xác cao, kịp thời , cho mình hoan nghêng lão Tễu một phát

    Trả lờiXóa