Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

ÔNG PHAN CẨM THƯỢNG LẠI VỪA RA SÁCH


Ông Phan Cẩm Thượng lại vừa ra sách. Cuốn sách có tên là Nghệ thuật ngày thường, in tại Nxb Đà Nẵng, với số lượng 2.000 cuốn. Đây là cuốn sách thứ hai trong bộ sách Nghệ thuật ngày thường. Tập 1 xuất bản và đã bán hết từ lâu rồi. Nay tái bản cuốn 1 và in mới cuốn 2.

Lần trước xuất bản cuốn Văn minh Vật chất của Người Việt (in ở chỗ Nxb Ông Chu Hảo) có làm buổi ra mắt sách ở ĐH Mỹ thuật Hà Nội và vài nơi khác. Lần này thì không. Có nhẽ là vì các nhà tổ chức sợ vỡ trận như lần trước, số lượng người đến đông quá, quá tải.

Xin chúc mừng Ông Phan về cuốn sách mới, và muốn nói với anh em là rất nên mua cuốn sách này, nhẩn nha đọc trong những đêm thu lành lạnh, cũng học được rất nhiều điều hay có trong sách. 


NGHỆ THUẬT NGÀY THƯỜNG TẬP 1 Giá bìa: 150.000.  Số trang: 576 
NGHỆ THUẬT NGÀY THƯỜNG TẬP 2 Giá bìa: 135.000. Số trang: 504 Khổ 13x20cm 
Nxb. Đà Nẵng & Như Books xuất bản, 2018
 ____________________

Lời giới thiệu của họa sĩ Nguyễn Quân
.
Với nghiên cứu lý luận, lịch sử văn hóa nghệ thuật thì các công trình “hàn lâm”, dài hơi là phần lõi xác định tầm thâm cao của nghiên cứu. Với Phan Cẩm Thượng là các công trình uy tín như Điêu khắc cổ Việt Nam, Đồ họa cổ Việt Nam, Điêu khắc Tây Nguyên, Chùa Dâu- Tứ Pháp, Chùa Bút Tháp…
 
Những công trình này có tính nền tảng để dạy, để học và nghiên cứu tiếp. Vùng đệm là những bài viết có tính nghiên cứu và các bài phê bình, là các sản phẩm báo chí chuyên đề, chuyên ngành. Vùng này hấp dẫn người đọc vì dễ đọc hơn, tác giả được tự do hơn trong việc đưa ra các nhận xét, bình giá, phản ứng tức thời có tính diễn đàn… Mảnh đất trù phú của đời thường nghệ thuật cho phép tác giả gieo những hạt mầm đơn lẻ, đưa ra những phác thảo để rồi chính mình hay thế hệ sau sẽ gieo cấy cả một cánh đồng, xây cất cả một cấu trúc mới. Vùng ngoại biên còn mênh mông hơn với một nhà nghiên cứu thực thụ bởi đôi khi chiều cao sâu của các công trình khoa học chỉ là sự xoay dọc ra một cách cô đúc dải kiến thức nền rộng rãi ở chiều ngang. Chủ đề, đề tài cứ miên man như phong cảnh vô bến bờ, người đi như du sơn, du thủy. Đi đâu, ngồi đâu, ngâm ngợi, phán xét gì tùy thích. Miễn là gặp tri âm. Phong cách viết lại càng được tự do, tùy hứng, người đọc cũng thích thú vì được gần gũi người viết hơn. Tôi đọc gần 600 trang cuốn Nghệ thuật ngày thường trong bốn ngày. Triết đi cái ưu ái vốn có dành cho tác giả vẫn phải nhận rằng “để đọc” thì cuốn sách rất lý thú.

Hai vùng đệm và ngoại biên của Phan Cẩm Thượng làm người ta bất ngờ vì bề rộng của chúng với những gợi ý sắc, những tranh biện thoải mái và những nhận xét đôi khi cực đoan cùng xúc cảm thẩm mỹ rất tinh tế. Cái không khí “yên ba giang thượng”- trên sông khói sóng, vây phủ không xóa nhòa những đường cong tư duy có sức lay động như viên sỏi ném xuống hồ lặng. Có lẽ tính cách nghệ sĩ xuất hiện ở câu văn ở đây cũng giống như trên tranh của ông, đặc biệt ở các đồ họa đen trắng mạch lạc mà bí ẩn. Tất nhiên thiên về nghệ thuật cổ, cả trong nghiên cứu và sáng tác nhưng tác giả cũng là một người đương thời, dấn thân, rất hữu trách với mọi thứ tân kỳ, mọi thế sự của nhân gian trước mắt. Văn phong vượt qua tài làm văn.

Văn phong cho thấy phong thái, chiều kích của học giả. Khi đó nó không còn là cái thuyền chở đạo nữa mà chính là hình dạng của đạo. Thỉnh thoảng đạt tới mức đó đã là hiền.
____________

Xin giới thiệu một bài trong sách:

Tao và mày 

Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của người Việt, có rất nhiều đại từ dùng cho ba ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba, trong khi hầu hết các ngôn ngữ khác, đại từ nhân xưng rất đơn giản, như tiếng Anh chẳng hạn, chỉ có I và You, ngôi thứ ba He, She và It, cùng số nhiều của ba ngôi đó. Chúng ta có thể kê ra hàng loạt đại từ nhân xưng trong tiếng Việt như: Tôi, ta, tao, tớ, mày, anh, em, chị, cô, chú, bác, ông, cụ, nó… Nghĩa là ngoài một số đại từ cơ bản như tôi và anh, mày và tao, thì có vô số đại từ vốn chỉ thứ bậc và quan hệ huyết thống trong gia đình được đưa tuốt ra ngoài xã hội. Một số đại từ lại được nói trong cả hai ngôi, vì dụ ta có thể xưng chị, đưa cho chị cái này (ngôi thứ nhất) rồi lại gọi một cô gái khác là chị ơi, chị đi đâu đấy (ngôi thứ hai). Việc xưng hô như vậy làm cho tiếng Việt trở nên phong phú, nhưng cũng phức tạp và phiền hà không kém, trở thành một ngôn ngữ mang nhiều mầu sắc lễ nghĩa tôn ty. Nhưng tiếng Hán của người Hán vốn là một dân tộc sinh ra Nho giáo với nhiều nghi lễ phiền toái, lại chỉ có ba ngôi xưng hô thông dụng: Ủa, Nỉ và Tha (1, 2, 3). Tất nhiên trong chốn quan trường, công sở, thi lễ thì tiếng Hán được dùng để xưng hô cũng phức tạp bậc nhất, người ta phải tùy từng địa vị, quan hệ, hoàn cảnh mà ăn nói cho đúng phép - một thứ kính ngữ sâu sắc và lôi thôi chưa từng có. Khi hai kẻ sỹ gặp nhau, họ nói là Thưa Túc hạ (tôi chỉ dám nói với cái chân của ngài), gặp quan trên, bề trên thì Thưa Các hạ (tôi chỉ dám nói với cái gác của ngài), gặp hoàng tử, thái tử thì nói Thưa Điện hạ (tôi chỉ dám nói với cung điện của ngài), yết kiến vua thì thưa Tâu Bệ hạ (tôi chỉ dám nói với cái bệ của nhà vua). Rồi gọi nhau là Đại nhân, Tiên sinh, Thượng quan, Tướng công, Đại phu, Tráng sỹ, Hiền sỹ, Tướng quân… tức là những chức tước cũng được dùng thành ngôi thứ hai ba để kính ái nhau. Ngược lại kẻ làm vua lại xưng khiêm tốn, ví dụ xưng Cô (kẻ cô đơn này), Quả nhân (kẻ cô độc này), trẫm (kẻ ngu tối này)… kèm theo lối ăn nói văn hoa, khen ngợi, xưng tụng, tâng bốc. Ví dụ: Nghe danh ngài như sấm dậy bên tai đã lâu, nay gặp mặt mới thỏa lòng mong ước/Tôi gặp ngài khác nào quạ dám sánh với phượng hoàng, ngựa hèn sánh với kỳ lân/Đức độ của ngài lan ra bốn bể, khắp hang cùng ngõ hẻm, ai ai cũng nghển cổ trông ngóng/Lời của ngài chúng tôi đã phải rửa tai chín lần để chờ đợi… Mặc dù kính ngữ phức tạp như vậy, nhưng trong khi nói chuyện, người ta chỉ cần thưa tôn kính lần đầu, còn những câu nói sau có thể quay lại Nhĩ - Ngã như bình thường. Giống như ta nói tiếng Anh: Thưa Tiến sỹ, anh có khỏe không? Điều này là hoàn toàn khác với tiếng Việt, người ta căn bản không thay đổi đại từ nhân xưng trong suốt cuộc nói chuyện, hoặc là phải dùng đại từ tương đương với tuổi tác của người đang nói.

Nghe những người thiểu số nói chuyện, tôi thấy hai ngôi tao mày duy nhất cũng được dùng phổ biến, điều này cũng thấy cách đây ba bốn mươi năm ở các tỉnh từ Thanh Hóa đổ vào trong. Tất nhiên chênh lệch tuổi tác và có quan hệ họ hàng các ngôi vẫn phức tạp, nhưng quan hệ bình thường, việc dùng tao mày và nói là mi với tau là rất phổ biến. Cha mẹ nói với con cái, anh em gần tuổi nói với nhau, đàn ông đàn bà cùng trang lứa… tất cả phổ biến là Mi và Tau. Đó là ngữ âm cổ của người Việt, thấy khắp từ Thanh Hóa đến các xứ Quảng. Tôi nghi ngờ rằng vào một thời xưa nào đó người Việt cũng chỉ dùng phổ biến đại từ nhân xưng đơn giản Tao và Mày, rồi vì một lý do nào đó, thời nào đó, cách thức xưng hô thay đổi theo chiều hướng gia đình hóa cho tới hiện nay.

Trong một văn bản tại hội nghị giải quyết những bất đồng liên quan đến thuật ngữ Ki tô giáo bằng tiếng Việt, do quyền Giám sát dòng Tên hai vùng Trung Nhật triệu tập tại Macao năm 1645, hội nghị có đưa ra mô thức rửa tội bằng tiếng Việt có câu như sau:

Tau rữa mâi nhân danh Cha uà Con, uà spirito santo - (tao rửa mày nhân danh Cha và Con, và spirito santo). (Tham khảo từ cuốn Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam, Đinh Trọng Tuyến và Đinh Bá Truyền biên soạn, UBND xã Điện Phương). Trong hội nghị này có 35 giáo sỹ, 31 phiếu thuận, 2 phiếu trắng và 2 phản đối trong đó có Alexandre de Rhodes, nhưng nghị quyết vẫn được thông qua. Ở đây ta thấy việc xưng hộ giữa cha xứ và con chiên được nói bằng hai ngôi Tau (Tao) và Mâi (Mi, mày). Nếu ngày nay một đức cha mà xưng mày tao với con chiên trong nhà thờ thì quả không ổn, nhưng điều đó cho thấy có thời việc xưng hô hai ngôi đơn giản là rất phổ biến ở Đàng Trong, nhất là xứ Quảng Nam, nơi cha Francissco de Pina (? - 1625) được coi là người đầu tiên dùng chữ Latin phiên âm tiếng Việt.

Trong bản in khắc gỗ ở chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục, năm 1752, được khắc bằng chữ Nôm và chữ Hán song song, có những câu sau:

- Bây chừ mày trong phép tao, tuồng có duyên xưa (Kim nhữ ngô pháp trung, cái hữu túc duyên). (Ngươi đã được theo học phép thuật của ta, dường như là có duyên từ trước).

- Ngày hôm nay nghe, hợp bằng lòng mày thửa nguyện (Kim nhật thính độ, như nhữ sở nguyện). (Hôm nay được nghe Kinh, như ngươi thường mong ước).

- Thầy rằng mày đã nên phép nhà tao (Viết nhữ thành ngô pháp quyến). (Thầy nói rằng ngươi đã học được phép thuật của ta).

- Tao đáp (giúp) nhà mày một áng sức vậy (Ngã trợ nhữ gia nhất trường khí lực hỹ) - (Ta giúp nhà ngươi một sức vậy).

- Tao cùng mày chưng ấy lặng, chẳng hay sao lỗi ắt lại (Ngô dữ nhữ thử mẫn, bất tri hà cữu tất lai). (Ta với nhà ngươi không có chuyện gì, chẳng hay lỗi ấy từ đâu ra). 

(Tham khảo từ cuốn Di văn chùa Dâu - Nxb. Khoa học xã hội, HN, 1997).

Văn bản này được coi là in khắc lại của một văn bản từ thế kỷ 15, bởi toàn bộ những gì thuộc về Trung Quốc đều gọi là nước Minh. Nội dung đối thoại là giữa sư Khâu đà la và cô đệ tử Man Nương, sau này Khâu đà la vô tình bước qua Man nương khi cô ngủ ngoài bậc cửa, nên cô động mình mà có thai. Câu cuối cùng nói rằng giữa nhà sư và cô gái không có một chuyện gì, mà sao lỗi ấy từ đâu ra. Theo truyền thuyết thì sư Khâu đà la sau đó nhận đứa bé mà Man Nương sinh ra, đem vào rừng bỏ vào cây thần Dung thụ (cây Dâu). Sau một trận lụt cây Dâu đổ xuống, người ta cưa cây thành bốn khúc gỗ, tạc bốn pho tượng Mây - Mưa - Sấm - Chớp rất thiêng, nay thờ ở cụm chùa Tứ Pháp Thuận Thành, Bắc Ninh. Điểm quan trọng nhất là cho đến năm 1752, ở Đàng Ngoài, việc xưng hô giữa thấy chùa và Phật tử cũng là Mày và Tao. Tôi cũng nghĩ là việc phiên âm chữ Nôm ở đây hơi mới, lúc đó phát âm cũng tương tự như Tau và Mâi thôi, riêng người Kẻ Chợ (Thăng Long) có thể đã nói Tao và Mày.

Nếu đúng là trước thế kỷ 18, như văn bản chùa Dâu, người Việt vẫn xưng hô Mày và Tao, thì nguyên do từ đâu mà người Việt dùng những đại từ nhân xưng trong quan hệ gia đình đem ra xã hội. Có thể sự thay đổi giữa nhân xưng đơn giản chuyển sang phức tạp không đồng loạt ở các địa phương và thời điểm. Người ta cho rằng, sau những cuộc chiến tranh ác liệt thời Trần và thời Lê với quân Nguyên Mông và quân Minh, người Việt phải đi sơn tán lung tung trong toàn quốc, người sơ tán và người địa phương phải coi nhau như người nhà, nên gọi nhau là anh em, chú bác, đồng bào (người cùng ruột). Tiếp sau đó, nhà Lê sơ bắt đầu coi trọng Nho giáo, lấy lễ nghĩa cương thường làm rường mối xã hội, quan hệ xã hội trở nên phức tạp dần và nhiều nghi lễ, tập tục, kết quả là một cách xưng hô mới trong tiếng Việt dần hình thành cộng với sự gia tăng ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc bởi những người Hoa di cư sau năm 1644, khi nhà Minh thất bại trước quân Mãn Thanh. Ngôn ngữ là hiện tượng rộng rãi trong cộng đồng dân tộc, nó thay đổi, bổ xung, và mất đi liên tục theo các trào lưu xã hội hàng ngày. Trước kia khi muốn đơn giản nhiều người Việt đành dùng lối xưng hô theo tiếng Pháp, ngày nay theo tiếng Anh, với ba ngôi duy nhất, và khi tất cả đều là You với I thì bầy tỏ tình cảm phi tuổi tác hay thẳng thắn chỉ trích nhau cũng dễ dàng hơn. Ngày xưa khi bạn đến một vùng xa lạ, người ta sẽ hỏi rằng: Mày là Kẻ nào? Chữ Kẻ ở đây có nghĩa là địa phương, vùng đất, nên câu hỏi có nghĩa là: Anh từ đâu đến, giống hệt như Where are you from? Nhưng bây giờ mà nói thế chắc là đánh nhau.

2012

2 nhận xét :

  1. Cảm ơn và chúc mừng ông Phan Cẩm Thượng, một trí thức đúng nghĩa...âm thầm...

    Trả lờiXóa
  2. Cụ được giải thưởng về nghiên cứu do Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh tằng năm 2017. Chúc mừng Cụ

    Trả lờiXóa