Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

Đọc lại bài thơ KHÂM THIÊN của Lưu Quang Vũ


KHÂM THIÊN
 

Lưu Quang Vũ 

Lời dẫn của Phạm Xuân Nguyên: Bài thơ này nhà thơ Lưu Quang Vũ viết năm 1972, sau cuộc ném bom B52 xuống khu phố Khâm Thiên. Năm ấy anh Vũ 24 tuổi. Một bài thơ tôi đã từng ví như bức tranh Gernica của P. Picasso. Trong thơ Việt Nam chưa ai viết được thế như LQV.

những người chết trong đêm thân gãy nát
óc chảy ròng trên gạch
những người chết cháy đen miệng há mắt mở trừng
những xác vùi đẫm máu dưới cầu thang
tay chân vặn vẹo thịt xương
lòng ruột mắc trên dây điện
phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp
tiếng người la khủng khiêp xé đêm dài

*
mặt trời lên trên bãi thây người
mặt dập vỡ ngực trần thủng hoác
những đống tóc gân đầu mình lẫn lộn
những xác tím bầm lạnh buốt sương đêm
bốn phía tiếng gào tiếng khóc tiếng rên
tiếng xẻng cuốc bới người trong gạch vụn
phố đông đúc thành bãi bằng đổ nát
không nhận ra những vỉa hè quen
xác người nằm ngổn ngang
báo đậy mặt, ruồi đậu bàn chân xám
bé ngẩng đầu ngơ ngác
bên xác anh xác chị xác mẹ cha
tôi đi như mù lòa
đỡ em gái đập đầu ngã ngất
bà cụ phát điên vật mình ôm mặt
người mất tích đang tìm, người chết chẳng kịp chôn
xe nối xe sừng sững chở quan tài
đóng vội bằng mặt bàn, cánh cửa
phấn run rẩy ghi tên người xấu số
lên nắp quan xộc xệch chẳng bào sơn
quan tài trẻ thơ như những chiếc hòm con
những bát đĩa tủ giường tan vỡ
quần áo nát, gạo dầu ngùn ngụt lửa
sách vở dép giày vùi dưới hố sâu
tấm màn trắng xóa
xé chia nhau chít vội lên đầu
cả khu phố già đi hàng chục tuổi
những bó hương bên đường nghi ngút khói
những bó hương châm nát cả bầu trời
người trồng rau, chữa khóa, vá may
người nhặt củi, quét đường lam lũ
từ nay chung buổi giỗ
Bạch Mai Yên Viên Vọng Láng An Dương
phố đầy khăn tang
đêm không đèn tối mịt
chúng tôi ngồi bên nhau chờ cái chết
người các ô lên nằm ngủ vườn hoa
gió cuối mùa xót xa
thổi xõa tóc đoàn người chạy giặc
những dòng người kéo đi xé ruột
đội chiếu, ôm chăn, đeo làn, vác bọc
chút gia tài nghèo cực địu trên lưng
bao gia đinh dắt díu chị bồng em
những quần áo khói bom lấm rách
những cụ già vịn nhau dò dẫm
máu ròng ròng trên những chiếc cáng thương

*
năm 72! Có thể thế được chăng
hãy mở mắt ra trông
vụ thảm sát xưa nay chưa từng có
năm trái đất phóng bao tàu vũ trụ
không nơi nào không nói đến tình thương
Ghéc-ni-ca cũng chẳng thảm thê bằng
vô nghĩa hết, thánh kinh và máy tính
những pho sách, những dàn giao hưởng
ích gì đâu, khi bể máu dâng đầy
ôi xấu xa, đê nhục lắm con người
lời không đủ để nói điều phẫn nộ
tôi muốn có phiên tòa cho tất cả
tôi vạch từng tên tôi gọi từng người
hãy đứng ra đây
các bà mẹ Mỹ
những dòng sữa đã nuôi bầy đồ tể
lời ru nào đã dạy chúng lớn khôn
những Kít-xinh-giơ và những Ních-sơn
ta nguyền rủa chúng mày cho đến chết
những kẻ nào đã gây ra tội ác
những kẻ nào để tội ác gây ra
những chính khách những nhà thơ
những bộ óc chế súng bom hủy diệt
các tư tưởng cầm quyền các nước
lãnh tụ tối cao của mọi đảng trên đời
các ông kêu: vì hạnh phúc con người
nay con người chết đi
cái phúc ấy ai dùng được nữa!
chục chiếc B-52
không đổi được một trẻ nghèo Ngõ Chợ
không thể nhân danh bất-cứ-cái-gì
bắt máu vạn dân lành phải đổ
không thể chắp bình minh
bằng xương thịt những mặt người vỡ nát
ai tự xưng môi kề răng lạnh
ai khoác tặng chúng tôi vinh dự đẹp
các anh đón đưa nâng cốc chúc hòa bình
các anh quyên thuốc men các anh đi biểu tình
rồi thanh thản trồng hoa và câu cá
và tìm thấy lương tâm mình yên ả
trong nỗi đau quằn quại của chúng tôi
ta oán giận các người, đồ dối trá
loài người chung vai nhận tội ác này
anh và tôi, vâng, tôi nữa, cả tôi
chúng ta đã ngu tối đến nỗi
không che chở được mẹ già em dại
khỏi quả bom tàn bạo tự trời cao

*
muốn kết thúc thơ mình
bằng những lời tốt đẹp
nhưng lòng tôi làm sao tươi sáng được
khi máu bầm khắp nơi
dưới bát cơm trên trời trong cốc nước
đêm qua tôi đã chết
với hàng ngàn mạng người
từ than bụi tôi hiện hình trở lại
mang đau thương đến trọn cuộc đời
tôi sẽ xông vào mọi cuộc vui
mọi buổi lễ uy nghiêm
mọi bài ca lừa dối
mọi quên lãng mọi nụ cười dễ dãi
để nói về những xác chết cháy đen
để nói về
những xác chết cháy đen

*
kẻ làm chứng trung thành
trước phiên tòa lịch sử
giữa tột cùng đau khổ
đâu dám ngồi trau chuốt mỗi câu thơ
nhân danh cuộc sống, nói về cái chết
nhân danh niềm vui, nói về nước mắt
nhân danh tình yêu, tôi mãi mãi căm thù.

Hà Nội 1972.
Lưu Quang Vũ

________________

Bài thơ này đã được in trong sách "Lưu Quang Vũ - Di cảo" ra nhân dịp 20 năm, ngày mất LQV-XQ tại Nxb Lao Động, 2008.

4 nhận xét :

  1. Cảm ơn tác giả Phạm Xuân Nguyên đã đem đến cho người đọc bài thơ đầy nước mắt của cố thi Lưu Quang Vũ. Bài thơ như bức tranh vẽ về chiến tranh tàn khốc ngay giữa Thủ đô Hà Nội . Cuộc dội bom tổng lực của Mỹ trong 12 ngày đêm 1972 xuống Hà NỘi là đỉnh điểm của cuộc chiến tranh Việt - Mỹ cuối thế kỷ 20. Sự tàn bạo của chiến tranh kéo dài 21 năm giữa dân tộc Việt Nam và đế quốc Mỹ , kết thúc bằng chiến dịch hủy diệt Hà Nội đã bộc lộ tận cùng bản chất của chiến tranh . Bài học cho dân tộc VN là tránh xa chiến tranh bao nhiêu là hạnh phúc cho nhân dân bấy nhiêu, dù nhân danh cái gì và cho ai.

    Trả lờiXóa
  2. Sao lại viết "sau cuộc ném bom B52...", nếu người khác viết thì thôi. Nhưng Phạm Xuân Nguyên viết thì xin được hỏi, viết là 'Sau cuộc B52 ném bom... có được không'. 'Ném bom B52' và 'B52 ném bom' thì câu nào chỉnh hơn. Xin các bạn bình phán.

    Trả lờiXóa
  3. Năm 1972 sau trận ném bom tàn khốc của B 52 Mỹ xuống Hà Nội . Ở Miền Nam qua hình ảnh trên báo QĐ Mỹ sao tôi nhận ra ngay phố Khâm Thiên . Một con phố nhỏ không sang trọng nhà cửa phần lớn gác gỗ . Vậy mà giờ đây không còn gì là nguyên vẹn, hoàn toàn tan hoang, người chết , khói lửa còn vương trên đống đổ nát .
    Năm 2002 mới có dịp trở lại Hà Nội, tôi ngạc nhiên . Nay Khâm Thiên là con phố đẹp, nhà cửa hai, ba tầng san sát, khá sang trọng, người qua lại tấp nập . Từ Saigon ra, tôi tìm nhà người bạn già gặp lại ở miền Nam sau 1975, anh nói ở số 3 Khâm Thiên . Đến nơi hỏi thăm, người ta nói anh ấy chết rồi ! Khâm Thiên có chết đâu . Nhưng chắc không còn những cô đầu, con hát !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng đấy, ngày xưa Khâm Thiên là phố cô đầu, con hát. Người ta hay gọi tắt là K T.

      Xóa