Nhà văn Hoàng Quốc Hải lên tiếng:
HÃY DỪNG NGAY DỰ ÁN CHỈNH TRANG HỒ HOÀN KIẾM VÀ CÔNG VIÊN LÝ THÁI TỔ!!!
Quận Hoàn Kiếm đã công bố chỉnh trang bờ hồ Hoàn Kiếm và công viên Lý Thái tổ. Trong đó có 11 trụ sở cơ quan Nhà nước và 42 ngôi nhà dân phải di dời.
Vườn hoa Lý Thái tổ sẽ bứng đi 25 cây xanh (không phải chặt như nhiều người lo lắng). Và phía sau Nhà kèn sẽ lắp dàn nhạc nước. Đương nhiên còn nhiều hạng mục khác nữa.
Về phía Đông bờ hồ Hoàn Kiếm, tòa nhà mà dân thường gọi “Hàm cá mập” phá dỡ. Tại đó sẽ xây Tháp ánh sáng. Nghe nói đó là tòa siêu thị. Riêng phần hầm đã có tới 4 tầng.
HỒ HOÀN KIẾM được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT theo Quyết định số 2383/QĐ TTg ngày 09/12/2013.
Tất cả các hạng mục được bảo vệ từ bờ hồ, trong lòng hồ đều có ghi đầy đủ trong hồ sơ được công nhận.
Vậy cơ quan chủ quản của di tích này là Sở Văn hóa TT Hà Nội chứ không phải UBND quận Hoàn Kiếm. Vì Di tích nằm trên địa bàn quận, về mặt hành chính, địa phương có trách nhiệm giám sát an ninh, ngăn cấm việc xâm hại Di tích quốc gia đặc biệt.
Theo qui định của Luật di sản, nếu di tích xuống cấp ở hạng mục nào, cơ quan chủ quản lập hồ nguyên trạng rồi báo cáo lên Bộ Văn hóa. Cơ quan chức năng của Bộ kiểm tra tại chỗ, thấy cần thiết phải tu bổ sẽ chấp nhận. Ngay việc tu bổ dù đã được phép, nhưng vẫn phải tuân theo nguyên tắc không được làm biến dạng di tích. Các vật liệu thay thế từ gạch, ngói, gỗ v.v… đều phải phục chế theo nguyên mẫu.
Điều lạ lùng là việc chỉnh trang Hồ Hoàn Kiếm và Vườn hoa Lý Thái tổ, các cơ quan Văn hóa của Hà Nội lại là người ngoài cuộc.
Xin hỏi: UBND quận Hoàn Kiếm lấy tư cách pháp nhân nào đứng ra làm chủ đầu tư Dự án này?
Theo các nguồn thông tin chính thức đã thông báo từ UBND quận Hoàn Kiếm, thì tất tận mọi việc từ lập dự án đến thiết kế thi công công trình các hạng mục đều do UBND quận bao quát hết.
Cũng chưa thấy công bố cấp phê duyệt. Nhưng đã công bố ngày khởi công là 1 tháng tư.
Tại đây, không có một công trình quốc gia đặc biệt nào, ví dụ liên quan đến An ninh quốc phòng, cần thiết phải di dời, dù là cơ quan Nhà nước hoặc nhà dân để phục vụ lợi ích quốc gia.
Chỉ có một việc chỉnh trang bờ hồ mà phải di dời tới 11 trụ sở cơ quan và 42 ngôi nhà dân, trong đó có 2 cơ quan văn hóa như Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Sở Văn hoá TT Hà Nội.
Giữa trung tâm của Thủ đô, một cơ quan cấp quận mà ra lệnh như “sắc lệnh” thời chiến.
Đây quả là sự lộng quyền khủng khiếp. Dự án này nếu có thật, ngay UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư, cũng phải cân nhắc cẩn thận trước khi ra quyết định và công bố quyết định.
UBND quận Hoàn Kiếm có dự toán số tiền đền bù cho 42 nhà dân ấy là bao nhiêu không. Và quỹ đất cấp cho 11 cơ quan di dời trụ sở làm việc và kinh phí xây dựng trụ sở mới là bao nhiêu, và lấy từ nguồn nào? Tất cả đều nằm ngoài tầm với của một cơ quan hành chính cấp quận. Dù kinh phí có được cấp và lấy từ nguồn nào? Nguồn nào cũng là tiền thuế của dân. Cũng là mồ hôi và sức lao động của dân. Của cải không từ trên trời rơi xuống, tiêu pha lãng phí là tội ác không thể tha thứ.
Ấy là chưa tính đến việc chỉnh đốn hành chính trong cả nước, liệu cơ quan cấp quận có còn” sống” không mà với tay dài vậy?
Rõ ràng là UBND quận Hoàn Kiếm đã lộng quyền, làm các việc động trời, không đúng chức năng. Hãy dừng lại tất cả, kẻo quá muộn.
Vườn hoa Lý Thái tổ cần yên tĩnh chứ không cần thứ nhạc nước lố bịch ấy để phá hoại cảnh quan. Không xem gương nhạc nước Hải Phòng tốn cả trăm tỉ đồng rồi vứt xó. Những dự án vì lợi ích nhóm thường được che đậy bằng một chiếc lá nho với các đại ngôn “phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân”. Nhân dân biết tỏng rồi. Trò chơi ấy cũ mèm không diễn lại được đâu. Xem gương hai vị cựu chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung, Chu Ngọc Anh mà liệu cách hành xử.
Điều lạ lùng là việc UBND quận Hoàn Kiếm làm ngang nhiên như thế giữa thủ đô, mà không có một cơ quan cấp trên nào ngăn cản. Ngay Sở Văn hóa Hà Nội cũng im lặng một cách khó hiểu. Bộ Văn hóa cùng nằm trên trục đường Ngô Quyền chứ có xa xôi gì mà cũng bất động. Hình như tất cả đều im lặng vì e sợ một cái gì đó hơn là lên tiếng?
Nên nhớ Thủ đô Hà Nội là của cả nước, chứ không phải của riêng Hà Nội. Hồ Hoàn Kiếm mang dấu ấn lịch sử từ cảmấy ngàn năm. Ở đây có nhiều tầng văn hóa chứ không chỉ có Đinh - Lê - Lý - Trần - Lê - Nguyễn tới ngày nay đâu.
Xúc phạm Di tích cấp Quốc gia Đặc biệt này, là xúc phạm đến lương tri mỗi người dân Hà Nội, xúc phạm đến trái tim của mỗi công dân trong cả nước.
Quản lí di tích lịch sử mà không hiểu lịch sử, hãy nghe các bậc tiền bối nhắc nhở. Hơn 80 năm trước, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã bức xúc ghi vào Nhật kí của mình như sau: “Người không biết lịch sử nước mình, tựa như một con trâu đi cày. Nó cày với bất cứ ông chủ nào, trên bất cứ thửa ruộng nào cũng thế thôi”.
Và đây nữa, trong hồ sơ Di tích lịch sử quốc gia Hồ Hoàn Kiếm có đoạn ghi: “Đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm được Chính phủ và Nhân dân Hà Nội cùng cả nước quan tâm tu tạo giữ gìn và phát huy giá trị, đã trở thành một trong những biểu tượng về lịch sử, văn hóa và cảnh quan của Thủ đô ngàn năm văn vật.
Di tích mang giá trị lớn về nhiều mặt và ngày càng thân thiết gắn bó với Nhân dân Hà Nội nói riêng và Nhân dân cả nước, cũng như bạn bè quốc tế nói chung.”
Xóm vắng Pháo đài Láng 26/3/2025
H Q H
Nhà văn, Công dân Thủ đô ưu tú.
* Nhà văn Hoàng Quốc Hải năm nay 88 tuổi. Khi có tin Hồ Gươm có nguy cơ bị xâm hại, ông đang một mình ở quê (Phú Thái, Hải Dương) để hoàn thành cuốn du ký - tự truyện, ông vội vàng về Thăng Long Hà Nội bỏ dở hết mọi việc.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét