Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

GS. NGUYỄN ĐĂNG HƯNG PV NHÀ HUẾ HỌC NGUYỄN ĐẮC XUÂN


GS Nguyễn Đăng Hưng phỏng vấn 
nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân

GS Nguyễn Đăng Hưng
29-12-2017
 
Sau khi gặp lại nhà nghiên cứu về Huế Nguyễn Đắc Xuân ngay tại Huế, trong một chiều mưa, trò chuyện cùng nhau tôi phát hiện ra rất nhiều điều thú vị, có cả những điều mà tôi chưa được đọc!

Nay tôi muốn gửi đến anh những câu hỏi này. Tôi mong anh minh định, trình bày tóm gọn cho những người như tôi, không phải là nhà sử học, không có mặt tại Việt Nam trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng, một người dân Việt bình thường.!

Nếu anh thấy có câu hỏi tế nhị nhạy cảm anh có thể từ chối trả lời bởi vì trong cuộc đối thoại này tôi sẽ là nhà khoa học vô tư không định kiến, muốn biết và nói lên sự thật.

Là nhà Huế học, anh nghiên cứu và đưa ra những dữ kiện của triều Nguyễn, một triều đại phong kiến có trách nhiệm trong giai đoạn người Pháp xâm nhập nước ta, một triều đại để lại nhiều tranh cải giữa công và tội, giữa tối và sáng. Đọc anh tôi đã rất khâm phục anh vì anh đã không ngần ngại đặt ra nhiều vấn đề nhạy cảm, đã đem lại nhiều giải đáp thuyết phục. Ngay cả vai trò của Bảo Đại,đọc anh tôi có cảm tình lại với vị vua cuối cùng nổi tiếng là ăn chơi này của triều Nguyễn.

Nay anh công bố tác phẩm Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương một công trình dài hơi đeo đuổi đã hơn 30 năm nay về đề án đi tìm mộ vua Quang Trung. Sau đây là 6 câu hỏi của tôi:

1- Anh có thấy hai việc làm song song về hai triều đại đối nghịch này có gây mâu thuẩn trong nội dung nghiên cứu của anh, có gây vấn đề cho anh trong quá trình điều tra nghiên cứu này không?

Nguyễn Đắc Xuân: Thưa anh Hưng, anh và tôi đã từng sống qua nhiều chế độ, đã trải nghiệm trong và ngoài nước nên đã thấy được sự thực: Trong nghiên cứu lịch sử, những gì không khách quan, không thực không bao giờ tồn tại được. Đối với hai triều đại Nguyễn Gia Miêu và Nguyễn Tây Sơn hay nói cách khác đối với vua Gia Long và Quang Trung tôi xem như cha tôi và mẹ tôi. Cha mẹ tôi có thể họ chống nhau, có thể giết nhau nhưng đối với tôi họ vẫn là cha tôi, họ vẫn là mẹ tôi. Tôi không thể đứng về phía nào hết. Tuy nhiên, để tôi và các thế hệ sau sống tốt hơn tôi phải biết cái xấu của cha tôi để tôi tránh và tôi phải biết cái đẹp của mẹ tôi để tôi noi theo và ngược lại.

Tuy nhiên trong thực tế xã hội không nghĩ như tôi. Tôi nghiên cứu về triều Nguyễn, thì những người ái mộ Quang Trung phê phán tôi làm tay sai cho một nhà nước đã để mất nước, những người ái mộ nhà Nguyễn lại phê phán tôi phản bội, trách tôi khơi dậy một đống tro tàn, hy sinh cho giặc loạn. May mắn là công việc nghiên cứu của tôi không vì danh lợi, không vì bằng cấp chức tước, không vì tiền. Tôi chỉ cống hiến kết quả sự đam mê nghiên cứu của mình cho đất nước mà thôi. Nhờ thế tôi vẫn “sống chung” được với người bên nầy và cả người bên kia.

2. Hướng đi tìm vị trí mộ vua Quang Trung của anh đưa ra không phải là duy nhất. Tôi đã đọc những ý kiến khác về đề tài này trong đó tôi thấy đôi khi có phần gay gắt! Anh nghĩ thế nào về sự tranh luận này?

Nguyễn Đắc Xuân: Có nhiều giả thuyết nói về lăng mộ vua Quang Trung. Nhưng cho đến năm 1988, chỉ còn hai giả thuyết: Một là lăng Ba Vành ở vùng núi phía sau nhà thờ Thiên An thuộc thôn Cư Chánh xã Thủy Bằng là lăng mộ vua Quang Trung (do thầy giáo Trần Viết Điền dạy Vật lý ở ĐH Sư phạm Huế được UBND Thành phố Huế tài trợ nghiên cứu và chuẩn bị được công nhận chính thức nhân 200 năm Hoàng đế Quang Trung lên ngôi ở Huế.

Hai là giả thuyết của cá nhân tôi: lăng mộ vua Quang Trung có tên là Đan Dương trong Cung điện Đan Dương trên gò Dương Xuân thuộc phường Trường An, TP Huế. Trong một hội thảo khoa học, giới sử học chính thống ở Huế và Hà Nội nghiên về phía giả thuyết của tôi. Thành phố Huế dừng lại việc tổ chức khánh thành công nhận lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung. Tuy không được công nhận, không được bất cứ nhà nghiên cứu sử học nào ủng hộ nhưng Trần Viết Điền vẫn giữ giả thuyết Lăng Ba Vành của mình cho đến ngày nay. Một mặt Trần Viết Điền tìm cách chứng minh tiếp lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung, mặt khác ngụy tạo nên những chứng cứ phi khoa học không ngừng tấn công Công trình Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi. Lúc đầu tôi chứng minh những phản biện của Trần Viết Điền sai. Nhưng sau Trần Viết Điền vẫn không thay đổi, tôi không quan tâm nữa. Nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu hỏi vì sao tôi không công nhận lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung. Toàn bộ các nhà sử học VN ở trong và ngoài nước không công nhận chứ không phải riêng tôi. Tôi không công nhận lăng Ba Vành vì những lý do sau:

2.1. Công chúa Ngọc Hân – Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung qua đời ở Huế (1799), Đô đốc Hài bí mật đưa hài cốt Bà về quê, chôn ở Làng Nành (Bắc Ninh), dựng bia với tên một người bình thường. Đến đầu triều vua Thiệu Trị, dân làng Nành có mâu thuẫn bèn tố cáo ngôi mộ ấy đích thị là mộ Bắc Cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Vua Thiệu Trị được tin liền ra lệnh cho địa phương phải đào bới hài cốt Ngọc Hân vứt xuống sông ngay. Đối với Ngọc Hân (chị của Ngọc Bình – vợ thứ ba của vua Gia Long – cụ nội vua Thiệu Trị) mà triều Nguyễn còn xóa đi một cách nghiệt ngã đến thế, thì làm sao một phế tích lăng Ba Vành to đùng như thế nói là của vua Quang Trung có thể tồn tại hầu như nguyên vẹn ở đất Thần Kinh của Triều Nguyễn nầy được?

2.2. Sử Triều Nguyễn viết rất rõ: Nhà Nguyễn đã quật mồ, bổ săng (hòm) vua Quang Trung, bỏ đầu lâu vào vò nhốt vào ngục thất, lấy xương cốt giã nhỏ trộn với thuốc súng bắn vào không trung. Nấm mộ lăng Ba Vành chỉ bị khoét một lỗ rộng khoảng hơn 2m thì không thể nào lấy cái hòm vua Quang Trung (nếu có) ra được (Xem Ảnh 1).


Ảnh 1

Như vậy phế tích lăng Ba Vành không hội đủ điều kiện quật mồ, bổ săng như lịch sử đã ghi. Lăng Ba Vành không thể là lăng mộ vua Quang Trung.

2.3. Vua Quang Trung qua đời (1792), vua Quang Toản/ Cảnh Thịnh trị vì thêm 9 năm nữa (1792-1801), vô lẽ vua Quang Toản và triều đình Cảnh Thịnh nỡ nào lại dựng cho vua Quang Trung một tấm bia không có hoa văn, không đầu triệu, không có nội dung như tấm bia còn tồn tại đến ngày nay tại lăng Ba Vành thế sao ? Bia lăng vua Quang Trung quái đản vậy sao? (Xem Ảnh 2)


Ảnh 2

2.4. Thông thường: Sau khi vua băng hà, vợ con vua phải ra khỏi cung điện chuyển đến ở gần lăng mộ vua để sớm hôm hương khói cho vua, giao lại cung điện cho vua kế nghiệp. Như vậy, nếu lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung thì chung quanh đó phải có dấu tích của một vùng cung điện dành cho gia đình vua ở, và cũng ở gần đó phải có nhiều giếng nước để phục vụ cho họ. Trong thực tế lăng Ba Vành chỉ là phế tích một ngôi lăng chơ vơ giữa một vùng núi non không hề có bất cứ một dấu tích cung điện nào, không hề có một cái giếng cổ từng phục vụ cho gia đình đông đảo của vua Quang Trung nào. Vì vậy lăng Ba Vành không thể nào là một ngôi lăng của bất cứ một vị vua nào.

2.5. Hơn nữa, lăng Ba Vành đã được Trần Đại Vinh – thầy giáo dạy Hán Nôm ở Đại học Sư phạm Huế chứng minh là lăng mộ Lê Quang Đại – một vị Thượng thư bộ Binh kiêm bộ Hộ dưới thời chúa Võ Vương. Kết quả đó đã được giới sử học chấp nhận và không bàn cãi nữa.

Cuộc tranh luận lăng Ba Vành – lăng Đan Dương là cuộc tranh luận kéo dài hàng chục năm chưa từng xảy ra ở đâu. Một bên làm khoa học và một bên có đầu óc bất bình thường. Do đó nhiều khi không tránh được sự gay gắt. Gay gắt để đi đến chân lý đóng góp cho lịch sử cũng phải chấp nhận. Còn gay gắt vì tự ái cá nhân phi khoa học rồi ra sẽ là chuyện vui trong giới nghiên cứu mà thôi.

3- Anh đã âm thầm dấn thân vào một công trình nghiên cứu dài hơi một cách khá đơn độc, nay đã được Viện sử học và cơ quan chính quyền Thừa Thiên – Huế quan tâm và ủng hộ nhưng cũng có phần hơi muộn màng! Đâu là cảm nghĩ của anh về việc này?

Nguyễn Đắc Xuân: Giả thuyết Cung điện Đan Dương là sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi cơ bản đã được công nhận từ năm 1991. Cái giả thuyết đó đã giúp cho thành phố Huế tránh được một sai lầm không đáng có của một Trung tâm văn hóa lớn của dân tộc. Đó là việc dừng lại lễ khánh thành công nhận lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung. Các vị lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Bình Trị Thiên, GS Trần Quốc Vượng, nhà Quảng Nam học Nguyễn Văn Xuân, các nhà nghiên cứu Việt Nam học ở Hà Nội… liên tục đến thăm hiện trường nghiên cứu ở gò Dương Xuân và chúc mừng thành công của tôi.

Đặc biệt, sau khi nghiên cứu công trình của tôi học giả Hoàng Xuân Hãn ở Pháp đã viết thư công nhận công trình nghiên cứu của tôi đúng và góp ý với các địa phương có liên quan đến Quang Trung nên xây dựng và khai thác du lịch công trình nầy như thế nào. Có lẽ anh Hưng đã đọc lá thư ấy trong các sách về Cung điện Đan Dương của tôi đã xuất bản. Đến năm kỷ niệm 200 năm vua Quang Trung qua đời (1792-1992) Viện Sử học in cuốn Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung trong Tủ sách Tài liệu tham khảo lịch sử Việt Nam. Như vậy tôi tưởng nhà nước sẽ vào cuộc cùng tôi kiểm nghiệm những thông tin liên ngành khoa học tôi đã khám phá và hiện vật, thực địa, khảo cổ vùng chùa Vạn Phước-chùa Thiền Lâm để xây dựng khu tưởng niệm khai thác du lịch như thầy Hoàng Xuân Hãn đã góp ý. Nhưng không hiểu sao công trình của tôi rơi vào yên lặng.

Tuy không được Hội Sử học TTH, không được lãnh đạo TTH quan tâm nhưng tôi vẫn không ngừng sưu tập tư liệu, nghiên cứu bổ sung thêm nhiều thông tin để cho công trình nghiên cứu của tôi ngày càng vững chắc hơn. Năm 2006 qua Hoa Kỳ, tôi có dịp được trao đổi với nhà Tây Sơn học GS Georges Dutton (tác giả The Tây Sơn Uprising) của Hoa Kỳ. George bảo tôi: “Dấu tích lăng Đan Dương nằm trong Cung điện Đan Dương giống như cái bu-ri trong đầu máy ô-tô. Cái ô-tô là Cung điện Đan Dương anh đã tìm được rồi thì anh nên nhấn mạnh đến Cung điện Đan Dương, Cung điện Đan Dương mới quan trọng, Cung điện Đan Dương được công nhận rồi thì sau đó khai quật tìm dấu vết lăng Đan Dương có khó gì đâu”.

Với góp ý của George tôi về VN, bổ sung thêm tài liệu tôi xin tái bản cuốn sách với nhan đề mới Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương – sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung” (Thuận Hóa 2007). Sách ra đời tôi được mời đi giới thiệu nhiều nơi ở Huế, Hà Nội, Hội Sử học TP HCM. TTNC Quốc học của GS Mai Quốc Liên gởi thư cho Bộ Văn hóa giới thiệu sách và đề nghị Bộ Văn hóa vào cuộc. Nhưng rồi đâu lại vào đó.

Năm 2015 tôi lại bổ sung tài liệu tái bản sách một lần nữa…May mắn lần tái bản nầy cuốn sách lọt vào tay ông Nguyễn Quốc Kỳ TGĐ Vietravel. Và sau đó mới có chuyện tỉnh TTH tổ chức Hội thảo khoa học, mới có chuyện khảo cổ khai quật thăm dò, mới có chuyện tỉnh TTH giao cho bảo tàng lịch sử TTH mời Viện Khảo cổ khai quật tiếp để xác định ranh giới của khu di tích Phủ Dương Xuân tiền thân của Cung điện Đan Dương, thu nhặt hiện vật cổ đã bị chôn vùi trong lòng đất. v.v…

Tôi thì quá ngao ngán rồi. Nhiều nhà nghiên cứu, nhiều bạn bè tôi trong đó có anh cũng thấy khó hiểu. Nhưng anh ơi chuyện quá đơn giản thôi, trong một cuộc gặp gỡ PGS TS Đỗ Bang – Phó Chủ tịch Hội KHLS VN, Chủ tịch nhiều khóa Hội KHLS TTH, hé lộ cho tôi biết “Sở dĩ…vì tôi không chạy”. Thật bất ngờ. Tôi lấy gì mà chạy? Chạy ai? Chạy để làm gì? Bất ngờ hơn cả việc đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương. Nhưng may sao, sau hơn 30 năm, tôi không chạy đâu cả mà công trình cũng đã đến được nhà tài trợ Vietravel, đến GS Phan Huy Lê – nguyên Hội trưởng Hội Sử học, đến PGS TS Bùi Văn Liêm – Phó Viện trưởng thường trực Viện Khảo Cổ học. v.v… Công trình của tôi không còn của tôi nữa. Sắp tới là việc của nhà nước.

Kết thúc công việc nghiên cứu của mình, tôi làm ba việc: Một là dồn hết việc nghiên cứu, cùng tài liệu, ý kiến phản biện phản phản biện vào cuốn Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn tiền thân của Cung điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung mà anh đã có trong tay, hai là lập trang Web cungdiendanduong.net để giúp cho các nhà nghiên cứu có tài liệu lập lại dấu tích thời đại Quang Trung ở Huế, và ba là thực hiện bộ phim tài liệu 5 tập đang làm hậu kỳ để lưu lại công trình nghiên cứu của tôi cho bây giờ và mai sau. Tất cả tôi sẽ trao từ từ cho Nhóm Nghiên cứu Đan Dương đang làm việc với tôi. Nếu có chuyện gì bất bình thường xảy ra với tôi, công trình Đan Dương không bị thiệt hại gì cả.

Còn chuyện chạy ai, chạy như thế nào, không chạy thì sao, tôi sẽ trình bày rõ trong hồi ký 1/3 thế kỷ tìm đến Đan Dương sẽ gởi đến anh sau.

4. Việc khai quật tìm kiếm hiện vật tại chỗ đã mang lại một số dữ liệu chứng cứ nhất định nhưng chưa khẳng định dứt khoát giả thuyết của anh. Anh có ý kiến gì trong tương lai cho những khai quật tiếp theo và anh có kỳ vọng cụ thể nào về hướng tiếp tục của giới sử học, khảo cổ học Việt Nam cho đề tài này? Tại sao tôi vẫn chưa thấy một luận văn tiến sỹ nào về đề tài này?

Nguyễn Đắc Xuân: Thưa anh Hưng, vấn đề của tôi như thế nầy. Qua thông tin liên ngành khoa học và thực địa tại ấp Bình An trên gò Dương Xuân hơn ba mươi năm qua tôi đã đưa đến kết quả sau: Thời các chúa Nguyễn đóng thủ phủ ở bờ bắc sông Hương, hằng năm các chúa phải chịu nhiều trận lũ lụt. Có nhiều khi suýt chết. Thời chúa Nguyễn Phúc Tần cho dựng một ngôi phủ trên gò Dương Xuân hơi xa bờ nam sông Hương một chút để các chúa sống vào những tháng mưa bão lụt cuối năm. Ngôi phủ nầy mang nhiều tên. Tên chính thức là Phủ Dương Xuân, vì nó ở trên cao nên cũng gọi Phủ Thượng. Năm 1700 chúa Nguyễn Phúc Chu trùng tu Phủ đào được một cái ấn nên đặt tên là Phủ Ấn, người phương Tây (Pièrre Poivre) đến Huế gọi là Cung điện Mùa Đông (Résidence d’hiver).

Năm 1774 quân Trịnh chiếm Phú Xuân, nhiều nhà quan, nhà lính ở Phú Xuân bị quân Trịnh phá lấy gỗ làm củi đốt nhưng phủ Dương Xuân thuộc tài sản của nhà nước nên không hề hấn gì. Năm 1786, Nguyễn Huệ từ Quy Nhơn đưa quân ra đánh chiếm Phú Xuân. Lấy được Phú Xuân nhưng ông không vào ở trong Đô thành Phú Xuân xây dựng từ thời Nguyễn Phúc Khoát. Ông chiếm Phủ Dương Xuân làm dinh của ông. Đối với Nguyễn Huệ, dinh nầy có 3 cái lợi: Thứ nhất không sợ thủy binh địch, thứ hai gần đường Thượng đạo vô nam ra bắc, thứ ba thuận tiện cho đội quân phần lớn là người Thượng với voi ngựa không quen sống bên sông nước của Đô thành Phú Xuân bên bờ bắc sông Hương.

Lấy được Phú Xuân, Nguyễn Huệ đưa quân ra Thăng Long làm nhiệm vụ “phù Lê diệt Trịnh”. Hoàn thành nhiệm vụ Nguyễn Huệ trở lại Phú Xuân cho xây gấp rút một bức thành cao 20 pi-ê chung quanh dinh ông để cất giữ những của cải, vàng bạc ông thu được ở Thăng Long. Cuối năm 1788 ông lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung rồi tiến quân ra Bắc diệt 29 vạn quân Thanh. Đầu năm 1789, ông trở lại Phú Xuân, xây dựng thêm nhà cửa mở rộng Dinh ông thành Cung điện Đan Dương.

Năm 1792, ông qua đời đột ngột, để giữ bí mật với thù trong giặc ngoài, ông được táng ngay trong Cung điện Đan Dương. Từ đó Cung điện Đan Dương trở thành Đan Lăng hay Đan Dương lăng của vua Quang Trung. Năm 1801, trở lại Phú Xuân, Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh, sau nầy là vua Gia Long) cho đập phá hết Cung điện Đan Dương chôn sâu xuống đất, quật mồ, bổ săn lấy xương cốt vua Quang Trung giã nát bắn vào không trung, đầu lâu bỏ vào vò nhốt vào ngục thất, đổi tên đất cũ Long Sơn có Cung điện Đan Dương thành ấp Bình An (giống như Quy Nhơn đổi thành Bình Định, ấp Tây Sơn đổi thành An Tây vậy), cấm dân không được lai vãng đến đây. Sách sử dư luận không được nhắc “giặc loạn”.
Công trình của tôi đã được HTKH Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn ở Huế” (30-10-2015) do GS Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội KHLS VN kết luận: “Lịch sử chùa Thiền Lâm đúng, không còn gì phải bàn cãi nữa. Có Cung điện Đan Dương và có cả lăng Đan Dương trong khu vực chùa Thiền Lâm-chùa Vạn Phước. Nhưng cụ thể như thế nào cần phải khai quật khảo cổ học. Đến tháng 10-2016, với sự tài trợ của Vietravel, Viện Khảo cổ học cùng với Bảo tàng Lịch sử TTH tổ chức khai quật thăm dò 5 hố trên gò Dương Xuân. Đến tháng 1 năm 2017, dưới sự chủ trì của GS Phan Huy Lê – nguyên Chủ tịch Hội KHLS VN, TS Phan Tiến Dũng – Giám đốc sở VHTTDL, PGS TS Bùi Văn Liêm công bố kết quả đợt khai quật thăm dò cuối năm 2016 đã nhận định bước đầu: Di tích gò Dương Xuân có liên quan đến giai đoạn lịch sử nhất định, có dấu tích kiến trúc, nền móng liên quan đến tường thành, mộ táng và nơi cư trú. Tư liệu hiện vật có niên đại tập trung nhất ở Thế kỷ XVIII như: Gốm sứ niên đại Khang Hy; bát gốm sứ He-zen (Nhật Bản) những tư liệu về đồ sắt và gạch ngói. Những điều kỳ lạ về các tấm bia bị đục xóa không còn nội dung lịch sử hay những chân cột đá tảng có mật độ phân bố dày đặc, gạch, ngói, đá Thanh được nghi là công trình của Cung điện, lăng mộ không phải của “người thường”. Về niên đại: Dựa vào tổng thể di tích, tư liệu địa tầng, các mảnh sứ có ghi niên đại, các mảnh sành, gạch ngói… bước đầu có thể đoán định niên đại di tích gò Dương Xuân tập trung từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX kéo dài đến đầu thế kỷ XX. Với những hiện vật và cái móng đá (Xem ảnh 3) trên đó là những biểu hiện chứng tỏ dưới lòng đất gò Dương Xuân đã có nhiều kiến trúc cùng với hiện vật của đời sống vua chúa quý tộc (chuôi kiếm, chén bác, đĩa Nhật, Trung Quốc).


Ảnh 3

Tất cả các hiện vật dân chúng phát hiện hàng trăm năm qua, cộng với các hiện vật thu được trong khai quật cuối năm 2016 đã quá đủ chứng tỏ dưới lòng đất gò Dương Xuân đã có một vùng cung điện đã bị đập phá chôn vùi. Như vậy công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương bị đập phá chôn vùi của tôi đã có kết quả. Còn chuyện dấu tích lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở đâu, ranh giới Cung điện Đan Dương rộng hẹp như thế nào còn chờ các cuộc khai quật tiếp.

Các cuộc khai quật tiếp ngoài khả năng của tôi. Công việc nghiên cứu Cung điện Đan Dương của tôi tạm dừng ở đây. Cung điện Đan Dương sẽ được trùng tu tái tạo thành một khu tưởng niệm Hoàng đế Quang Trung, một khu du lịch hấp dẫn có giá trị lịch sử chỉ còn là vấn đề thời gian. Với những hiện vật dân chúng đã phát hiện được, những hiện vật vừa khai quật được và vô số hiện vật sẽ khai quật được sắp tới đủ để bên cạnh Cung điện Đan Dương thế nào cũng có một Bảo tàng Quang Trung Tây Sơn hết sức quý giá. Còn anh hỏi “Tại sao tôi vẫn chưa thấy một luận văn tiến sỹ nào về đề tài này?” Tôi kính nhờ các Viện, các Đại học ở VN và các nước bạn bè của VN trả lời hộ tôi.

5. Sau khi anh đăng lên Facebook tin về buổi gặp gỡ đêm mưa tại Huế vừa qua của chúng ta, có một số người qua tin nhắn đã nhắn nhở tôi về vai trò của anh tại Huế trong biến cố Mậu Thân 1968. Họ không có bằng chứng cụ thể nhưng trách anh có trách nhiệm về vụ thảm sát người dân khi quân Giải Phóng tiến vào Huế. Anh có lời nào xác định rõ vai trò của anh nhất là phần trách nhiệm của anh cũng như của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường?

Nguyễn Đắc Xuân: Thưa anh Hưng, chuyện tôi và anh Tường trong Chiến dịch Tết Mậu thân 1968 tôi đã viết rất đầy đủ trong Hồi ký Từ Phú Xuân Đến Huế tập III, Nxb Trẻ 2012. Báo Tuổi Trẻ cũng đã trích đăng trên 10 số. Nay tôi tóm lại từ đầu đến cuối với anh đây:

Tháng 7-1966, Tôi lên rừng và gặp lại Hoàng Phủ Ngọc Tường sau gần một tháng xa nhau. Chúng tôi làm khách ở Thành ủy Huế. Cuối năm 1966, sau một trận B. 52 dội vào cơ quan Thành ủy, may không ai bị thương tích gì nặng, tôi và anh Tường được chuyển qua viết báo Cờ Giải Phóng do bác Ưng Trí – cháu nội Tuy Lý Vương phụ trách. Đến cuối năm 1967, tôi và anh Tường được gọi trở lại cơ quan Thành ủy góp ý cho việc thành lập một mặt trận thứ hai có khả năng thu hút được nhiều thành phần yêu nước tham gia. Hai chúng tôi làm việc trực tiếp với anh Lê Tự Nhiên (khu ủy Trị Thiên Huế) và anh Hoàng Phương Thảo (Phó Bí thư Thành ủy Huế) kể chuyện những việc Phong trào ở Huế đã làm trong cuộc đấu tranh chống Mỹ Thiệu Kỳ mùa hè năm 1966. Cuối cùng lãnh đạo Thành ủy Huế vận dụng kinh nghiệm của cuộc đấu tranh Mùa hè 1966 lập nên Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Thành phố Huế. Thiết kế lá cờ của Liên Minh, theo chiều dọc chia làm ba phần bằng nhau, giữa đỏ, hai bên xanh.


Cờ Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Thành phố Huế trong chiến dịch Huế Xuân 1968. Ảnh: TL can NĐX

Anh Tường được giao nhiệm vụ thảo Cương lĩnh của Liên Minh, tôi được giao việc in (thủ công) ronéo hàng ngàn Cương Lĩnh. Thành ủy viết thư mời các nhân sĩ trí thức ở Huế tham gia Liên Minh. Sau nầy tôi được biết có các vị: Tiến sĩ Lê Văn Hảo, bà quả phụ Nguyễn Đình Chi, một Thượng tọa ở chùa Từ Đàm, cụ Nguyễn Đóa, ông Tôn Thất Dương Tiềm, ông Nguyễn Thúc Tuân. v.v… Tất cả đều nhận lời. Riêng vị Thượng tọa ở chùa Từ Đàm không gặp được nên chuyển qua mời Thượng tọa Thích Đôn Hậu ở chùa Thiên Mụ. Anh Tường được cử phụ trách công tác Liên Minh. Sau khi Liên Minh được thành lập chính thức, TS Lê Văn Hảo làm Chủ tịch, Hoàng Phủ Ngọc Tường giữ chức Tổng thư Ký, tôi là ủy viên Thanh niên của Liên Minh.
Chiến dịch mở ra, tôi không được phân công việc gì hết. Tôi đi theo lãnh đạo Cánh Bắc do anh Trần Anh Liên (người Hà Nội) làm chánh ủy. Được về Huế với tinh thần về luôn, tôi sung sướng vô cùng. Về đến Huế tôi được đến nhận công tác ở địa bàn từ cửa Đông Ba qua Cửa Thượng Tứ thuộc Quận Nhất do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Vấn làm Quận trưởng. Tôi gặp anh Hoàng Kim Loan lãnh đạo chính trị ở Quận Nhất:

– Thưa anh, bây giờ em làm gì đây?

Anh Loan cười và bảo tôi:

– Trước đây trong Phong trào tranh đấu anh làm gì thì bây giờ anh hãy làm những việc ấy!
Tôi không ngờ được giao nhiệm vụ cách mạng một cách rộng rãi đến vậy. Thế là tôi xông vào cuộc. Đi thăm tất cả những gia đình thân quen cũ trong địa bàn tôi được phân công công tác. Tôi mời (nói rủ thì đúng hơn) thanh niên sinh viên học sinh vào đoàn Thanh niên tự vệ Thành Nội, tôi vận động binh lính VNCH về nghỉ tết tham gia đoàn Nghĩa binh (do Đại úy Nguyễn Văn Lợi đứng đầu), tôi đề nghị Thiếu tá Cảnh sát trưởng Huế – Nguyễn Cán lập đoàn Cảnh sát Nghĩa binh[1] và nhiều việc giúp dân khác. Đặc biệt tôi đã cứu được nhiều người trong Thành Nội suýt chết vì những thông tin tình báo sai lạc như trường hợp họa sĩ Lê Văn Tài[2], thầy giáo L. Kh. Ph., nhiếp ảnh gia Lê Quang[3].

Tôi dám làm những việc trên vì qua các Phong trào tranh đấu tôi biết những người ấy là ai. Công việc chính của tôi trong Chiến dịch là cùng đoàn Thanh niên Tự vệ Thành nội lo vận động thanh niên đi bộ đội, lo hậu cần cho các tổ công tác, lo giúp dân đào hầm trú ẩn, lo đưa người bị thương lên Trạm phẫu Tiền phương, lo chôn cất tử sĩ ngay dọc bờ thành từ Đông Ba ra đến Thượng Tứ.

Trải qua 50 năm rồi, tôi không thể nhớ hết những việc chúng tôi đã làm. Tôi hy vọng các bạn trong đơn vị tôi như Nguyễn Thị Đoan Trinh (TP HCM), Lê Hữu Dũng (TP HCM), Hồ Tịnh Tình (TP HCM), Họa sĩ Lê Văn Tài (Úc châu), Nguyễn Kim Cương (Đà Nẵng), Đặng Văn Sở (Đà Nẵng), Trần Thân Mỹ (ở Huế). v. v. đọc được phỏng vấn nầy sẽ bổ sung giúp những việc không còn trong ký ức tôi.

Suốt thời gian chiến dịch Tết Mậu Thân diễn ra ở Huế, Hoàng Phủ Ngọc Tường ở lại chiến khu làm việc với các vị Liên Minh vừa rời Thành phố lên rừng. Hằng ngày anh nghe tin tức chiến trường qua Radio và báo lại với các vị Liên Minh. Sau nầy tôi nghe người nầy người kia viết chuyện gặp anh Tường ở Huế trong Tết Mậu Thân thì quá buồn cười. Có người dẫn chứng anh Tường có về Huế trong Tết Mậu Thân. Vì có về Huế, Tường mới viết được bút ký Ngôi Sao Trên Đỉnh Phu Văn Lâu.

Anh Tường nổi tiếng là người viết ký hay và không ngờ cuốn bút ký nầy đã hại anh. Sự thực là như thế nầy. Tôi là “con ma” viết nhật ký. Trong thời gian Tết Mậu Thân chiến trường rất ác liệt nhưng trong Nhật ký của tôi không sót ngày nào. Tôi đã ghi chép khá kỹ về những hoạt động của Giải phóng ở cửa Đông Ba, những hoạt động của thanh niên Thành Nội trong Đội Tự vệ của tôi bổ sung cho bộ đội giữ Cột cờ Thành Nội.

Đầu năm 1969, chúng tôi dự Đại hội Văn nghệ Trị Thiên ở biên giới Lào. Sau đó chúng tôi được ở lại vùng an toàn một thời gian. Để khỏi mất thì giờ chúng tôi tổ chức viết về Tết Mậu Thân. Tôi viết về hai cô người Mỹ theo đạo Quaker bị bắt hồi Tết Mậu Thân, Hoàng Phủ Ngọc Tường khai thác Nhật ký của tôi viết về những thanh niên Huế bảo vệ cột cờ Thành Nội viết cuốn Ngôi Sao Trên Đỉnh Phu Văn Lâu, Nguyễn Khoa Điềm cũng khai thác Nhật ký của tôi viết về những hoạt động ở cửa Đông Ba viết cuốn Cửa Thép. Bài của tôi không được in vì hai cô Mỹ đã được thả, không nên công bố những điều các cô đã nói với Mặt trận Giải phóng.

Hai cuốn sách của anh Tường và của anh Điềm được in. Tôi nghe vậy chứ cũng chưa thấy hai cuốn sách đó mặt mũi ra sao. Anh Tường trước sau cũng chỉ là một người của Liên Minh được bảo vệ an toàn cùng với các nhân sĩ ở Huế trong địa đạo Khe Trái trên vùng núi huyện hương Trà. Tôi có nghe người ta nói anh Tường có phát biểu điều gì đó với báo chí ngoại quốc, gây sốc mấy chục năm nay. Tôi không nghe nhưng không ngạc nhiên vì cái tính bạn tôi rất “nghệ sĩ”, “tả” không ai bằng Tường mà “hữu” cũng cực kỳ ấn tượng. Bản thân tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhiều lúc cũng khổ vì “lập trường đột xuất của Tường”. Các bạn tôi có nhận xét là “Anh Tường bị hiểu lầm vì vạ miệng”. Thế thôi!

Khẩu hiệu của tết Mậu Thân 1968 là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, thì chuyện bắt bớ, giết chóc chắc chắn phải xảy ra. Nhưng những việc đó không ai giao cho những người hoạt động dân vận với tư cách Liên Minh như chúng tôi. Chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm của những việc mình làm như vừa trả lời anh trên đây. 

6. Anh có mối giao tình khắn khít với các nhân vật mà đức độ và tài năng là điều ai cũng công nhận như thiền sư Thích Nhất Hạnh, GSTS Trần Văn Khê, anh cũng rất thân với các nhạc sỹ lừng danh người Việt như Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, các vị trên có bao giờ đặt cho anh câu hỏi tế nhị trên đây như tôi đang đặt không?

Nguyễn Đắc Xuân: TS Lê văn Hảo – Chủ tịch Liên Minh các LLDTDC và HB Thành phố Huế, dù anh không về Huế trong tết Mậu Thân nhưng qua tổ chức anh biết rõ tôi đã làm gì trong Tết Mậu Thân và anh đã nói với GS Trần Văn Khê về tôi trước khi GS Trần gặp lại tôi ở Huế (1976). Sau nầy nhiều lần GS Trần chúc mừng tôi là đã cứu được bao nhiêu mạng người trong tết Mậu Thân. Không có người thứ hai dám cứu người trong hoàn cảnh như thế. Có lẽ vì yêu quý tôi nên GS Trần mới để di chúc giao cho tôi cùng hai người bạn tổ chức đám tang cho Giáo sư như anh đã biết.

Đối với anh Phạm Duy thì tôi được gần gũi hơn. Anh Phạm Duy nói với Bolsa TV về tôi rằng: “Một nhà thơ Phật giáo tâm huyết tự hào với các bài thơ Để Lại Cho Em, Nhân Danh, Chuyện Hai Người Lính do tôi phổ nhạc thì làm sao khi bị rượt đuổi lên rừng không đoàn viên, không đảng viên chỉ có vài năm mà có thể trở thành đồ tể này nọ được. Các bạn nên tìm sự thực đi”. Và sau đó Bolsa TV đã tìm hiểu và biết được sự thực là bà Nhã Ca tưởng tôi chết rồi dựng chuyện để cho tập bút ký Giải Khăn Sô Cho Huế thêm hấp dẫn mà thôi. Không ngờ tôi vẫn sống nên bà rất sợ.

Từ năm 2000, tôi là người em thân thiết nhất của Phạm Duy ở VN. Anh Hưng cũng đã thấy sự thân thiết của chúng tôi như thế nào khi tôi đưa anh đến thăm anh Phạm Duy ở Lê Đại Hành, Tân Bình, TP HCM năm ấy. Tôi là người gần gũi Phạm Duy trong những ngày cuối đời của anh và cũng là người tham gia tổ chức đám tang cho Phạm Duy.

Còn Trịnh Công Sơn tác giả “Chiều đi qua bãi dâu hát trên những xác người” với đám bạn kháng chiến của Sơn nói chuyện về Tết Mậu Thân nhiều lần. Sơn biết rõ công việc của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân trong tết Mậu Thân như thế nào.

Năm  1988 tôi giúp cho Thành ủy Huế làm cuốn sách Huế Xuân 1968. Trong đó có bài “Những Điều Chưa Nói Đến” nói về chuyện tôi đã lập các đoàn Nghĩa Binh, Cảnh Sát Nghĩa Binh như thế nào. Những người đi theo tôi đều thoát chết. Sơn và những người bạn của Sơn ở Thành phố cho đó là hành động rất dũng cảm. Họa sĩ Đinh Cường, bạn rất thân của Trịnh Công Sơn đã giúp tôi vẽ cái bìa cuốn sách Huế Xuân 1968. Ở Huế mà tham gia làm sách Mậu Thân cũng là một hành động dũng cảm.

Tôi cũng xin nói với anh Hưng: Nhiều lần anh nghĩ là tôi ở giữa hai lằn đạn. Chưa đúng đâu. Còn nữa. Tôi là Sinh viên Phật tử tham gia chống chế độ Ngô Đình Diệm, ông Diệm bị chính người của ông lật đổ, nhưng những người suy tôn ông Diệm xem Phật giáo, xem tôi là kẻ có tội, họ không bao giờ nhìn tôi một cách khách quan đâu.

Trước khi đi kháng chiến tôi là Phật tử không tham gia đảng phái chính trị nào, không bị đảng phái nào lôi kéo cho nên các đảng phái chính trị họ xem tôi là kẻ đối lập. Tôi là “người quốc gia” trưởng thành ở Huế bỗng dưng đi kháng chiến, những người nhận mình là người quốc gia lên án tôi là “ăn cơm quốc gia thờ ma Cộng sản”, tôi là người phản bội. Tôi biết thế cho nên tôi sống tốt đến đâu, sách vở viết cụ thể đến như thế nào đi nữa thì những người có các xu hướng chính trị ấy không bao giờ chịu hiểu tôi như anh đã hiểu tôi. Tôi chấp nhận hết. Tôi đã nguyện, tôi sẽ đi đến cuối con đường mà hoàn cảnh đất nước đã chọn cho tôi. Nếu không may tôi bị một thế lực nào đó hóa kiếp, tôi tin những người tử tế còn lại sẽ hiểu tôi đã chết vì nước chứ không phải vì bất cứ một điều gì khác.

Cám ơn anh Hưng đã nhọc công thực hiện cuộc phỏng vấn nầy.

Và cũng qua cuộc phỏng vấn nầy, có ai thấy tôi viết sai điều gì xin chỉ giáo hộ để tôi còn sửa chữa trước khi nhắm mắt. Cám ơn trước.

Sài Gòn, 2 ngày trước Noel 2017!
GS Nguyễn Đăng Hưng
____

[1] Những việc nầy tôi đã viết trong Huế Xuân 1968, (Thành ủy in năm 1988). Sau năm 1975, ông Nguyễn Cán mở công – ty đắp lốp ô-tô, ông mới mất năm 2002.
[2] Xem “họa sĩ Lê Văn Tài “Đóng góp với Cách mạng một cái chân”, Nguyễn Đắc Xuân Từ Phú Xuân Đến Huế (Hồi ký), tập III, Nxb Trẻ 2012, tr.122-134.
[3] Chuyện tôi cứu nhiếp ảnh gia Lê Quang được Mark Bowden kể lại trong cuốn Huế 1968 tại tr. 456-457.


GS Nguyễn Đăng Hưng (phải) và ông Nguyễn Đắc Xuân. Ảnh: GS NĐH



6 nhận xét :

  1. Tài liệu liên quan tới vai trò của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong thảm sát Mậu Thân 1968 tại Huế:


    Trích [ Hoàng Phủ Ngọc Tường:


    Trước khi chúng ta trở lại nói chuyện về văn học nghệ thuật, tôi nhờ anh tóm tắt lại cho tôi ba điều với những độc giả sau này đọc bài nói chuyện của chúng ta hôm nay.


    Nguyễn Đức Tùng:


    Thưa anh, đó là ba điều gì?


    Hoàng Phủ Ngọc Tường:


    Thứ nhất là tôi không liên quan gì đến vụ Mậu Thân. Thứ hai, tôi rất mong muốn có một chính phủ hòa giải dân tộc. Trước đây tôi đã nghĩ như thế mà bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế. Chính phủ hiện nay không phải là chính phủ hòa giải dân tộc, mà là chính phủ của thể chế cộng sản. Thứ ba, tôi không liên quan gì đến đảng Cộng sản hiện nay cả. Họ không làm được những điều mà tôi mong ước ở họ. Họ không làm được những gì cho dân tộc như thời trẻ lúc đi kháng chiến chống Mỹ tôi đã từng kỳ vọng ở họ.] (ngưng trích).


    Toàn văn bài phỏng vấn HPNT: http://damau.org/archives/38341/comment-page-1#comment-65840


    Trả lời:


    1-. HY em không là người Huế, không quen biết Hoàng Phủ Ngọc Tường, chẳng có cuốn sách nào của Hoàng Phủ Ngọc Tường, do đó, liên quan đến biến cố Mậu Thân 68 đẫm máu, sau khi đọc bài phỏng vấn này của GS Nguyễn Đăng Hưng, HY em chỉ đưa ra đây 2 tài liệu ‘sống’ mà chính Hoàng Phủ Ngọc Tường là vai chính, các bạn tự thẩm định.


    Hoàng Phủ Ngọc Tường tự mâu thuẫn về thảm sát Mậu Thân 1968:


    A-. Năm 1982 thì tự nhận có mặt tại Huế trong Tết Mậu Thân 1968 (đài Open Vault, từ phút 00 đến phút 15:00);


    B-. Năm 1997 lại chối bay chối biến (Thụy Khuê phỏng vần HPNT – RFI, 12/7/1997 từ phút 15:00).


    Video: https://www.youtube.com/watch?v=wk0AKvmwRrk


    2-. Văn bản Thụy Khuê phỏng vấn HPNT: http://thuykhue.free.fr/tk97/nchpngoctuong.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Hải Ý, cùng một câu chuyện mà lúc nói có lúc nói không thì rõ ràng là ông Hoàng Phủ Ngọc Tường không đáng tin. Nhóm được đặt tên là "Hung thần Mậu Thân" gồm có những người chính là ông Nguyễn Đắc Xuân này, ông HP Ngọc Tường, bà Đoan Trinh. Nhưng bà Đoan Trinh không thấy nói hay viết gì bao giờ thì phải. Các ông Nguyễn Đắc Xuân, Ngọc Tường luôn tự nói vô tội với thảm sát này nhưng vấn đề là khó có ai tin (qua những nhân chứng sống). Làm điềm chỉ đâu cần ra mặt lộ hết thì sao có kết quả tốt được hở các ông.

      Xóa
  2. Nên phỏng vấn ông này về biến cố Mậu Thân, cũng là một vấn đề của Huế!

    Trả lờiXóa
  3. Hãy đọc hồi ký của bà Nguyễn thị thái Hoà thì sẽ thấy rỏ, Nguyễn đắc Xuân là ai trong tết Mậu thân.
    http://batkhuat.net/van-cauchuyen-nguyenthithaihoa.htm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin lỗi, không phải Nguyễn đắc Xuân mà là Hoàng phủ ngọc Phan, em của Hoàng phủ ngọc Tường.

      Xóa
  4. Và đây là một nhân chứng khác trong tết Mậu thân :
    https://hon-viet.co.uk/LmNguyenHuuGiai_VuThamSatTaiKheDaMaiTetMauThan1968.htm

    Trả lờiXóa