Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

Trao đổi: CỤ NGUYỄN LÂN KHÔNG HỀ "DỐT" ĐÂU ANH NHÉ!

TS. Nghiêm Thúy Hằng. Ảnh: FB Thúy Hằng Nghiêm.

VỀ CUỘC TRANH LUẬN SÁCH CỦA HOÀNG TUẤN CÔNG:
TỪ Ý KIẾN CỦA TIẾN SĨ NGHIÊM THÚY HẰNG

Chu Mộng Long
Blog Chu Mong Long

1. Xem trên trang của TS. Nghiêm Thúy Hằng, chưa thấy chị có bài trao đổi, tranh luận chính thức nào về sách của Hoàng Tuấn Công mà chỉ chia sẻ các ý kiến khác nhau. Chấp nhận tương tác đa chiều là dấu hiệu tốt của một nền học thuật lành mạnh, đáng khuyến khích.


Nhưng trong một comment trả lời ý kiến của người khác, ngoài thái độ đồng tình đầy tự hào về ý kiến của PGS.TS. Lê Đức Luận (xem stt trước của tôi – Lại thêm đứa dốt hay cãi), nguyên văn chị viết như sau: “Cụ (Nguyễn Lân – tôi chú thích) không hề “dốt” đâu anh nhé. Sai lầm có nhưng không nhiều, chủ yếu là do vấn đề dị bản, do bản chất đa nghĩa của thành ngữ, do vấn đề hỗn loạn chưa có luật ngôn ngữ văn tự, do biến đổi ngôn ngữ, do đặc trưng của tiếng Việt. Em tin sẽ vẫn còn các trí thức tiếp tục lên tiếng, người ta sẽ nói theo hiểu biết chuyên môn và lương tri, không có ai, kể cả những kẻ “dốt mà hay cãi” hoặc kẻ ăn mày ngoài đường đáng bị coi là “vứt đi” đâu anh. Phàm là làm việc gì cũng nên cẩn trọng, thấy vậy mà không phải vậy.” 
.

Đó là chính kiến của Tiến sĩ Nghiêm Thúy Hằng. Dù ngắn gọn, nhưng chứa nhiều nghĩa!

Tôi đồng tình với chị, như tôi đã viết ngay ở bài đầu tiên giới thiệu sách của Hoàng Tuấn Công, rằng cụ Nguyễn Lân không “dốt”. Trong thời điểm lịch sử 90% người Việt mù chữ đang học bình dân học vụ, một thầy giáo được đào tạo trong nhà trường của Pháp không thể bị xem là dốt. Nếu quả thật một thân cụ làm cả đống từ điển với cả chục ngàn mục từ, thành ngữ, tục ngữ thì cũng có thể xem là phi thường.

Nhưng phàm không lượng sức mình thì công việc tất yếu đổ vỡ. Hòn đá khổng lồ anh muốn vác lên vai sẽ đè nát chân anh hoặc đẩy anh xuống hố. PGS. Đoàn Lê Giang nói đúng: “Hồi xưa các cụ cung khiêm lắm, biết mười nói một. Cụ Lân là ca rất lạ!”

2. Tôi dám chắc không có từ điển nào một cá nhân tự hoàn thành. Các từ điển dù đứng tên một cá nhân vẫn luôn có sự kế thừa, phát triển từ nhiều nguồn để đi dần đến sự hoàn chỉnh trong tính tương đối của nó. Cụ Lân lại không làm thế. Gần như các từ điển của cụ đều là sản phẩm đoán mò và suy diễn một cách chủ quan, vô căn cứ nên sai là tất yếu. Căn cứ tốt nhất là thực tiễn sống động của ngôn ngữ và đời sống văn hóa, từ sự ghi nhận của các từ điển trước đó, nhưng cụ đã không làm như người ta vẫn làm.

Về thành ngữ, tục ngữ, lẽ ra khảo sát từ cách dùng của đời sống dân gian, kể cả của tác gia văn chương bác học, thì đa số cụ lại tự cho ví dụ theo cách nghĩ của mình. Chẳng hạn, tại mục từ “Rút dây động dừng”, cụ viết “(Dừng là cốt để trát bức vách). Ý nói: Đả động đến điều gì thì ảnh hưởng đến điều khác (Có người nói nhầm là: Rút dây động rừng)”. Rõ ràng là cụ không thực tế và nói ngược. Khoan nói đúng sai, khi đa số mọi người đều nói “Rút dây động rừng” thì phải xem xét đã chứ không thể phán bừa “có người nói nhầm”, trong khi chính mình nhầm mà không biết. Cũng như thế, “Chó già, gà non”, cụ viết “Ý nói: Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm”. Chắc chắn cụ không biết thuật thiến chó thiến gà. Nhưng trước khi phán về ẩm thực, có thể cụ ăn chay, không biết thịt chó, thịt gà là gì, thì hãy đi hỏi dân sành ăn trước khi phán có lẽ sẽ không đến nỗi sai. Những câu khó như “Chồng ghét thì ra, mụ gia ghét thì vào”, cụ là đàn ông cụ mù mờ về cách ứng xử của nàng dâu nên nói sai, chứ đến câu: “Nhân nào quả nấy”, đứa trẻ con cũng biết đó là luật nhân quả, cụ lại phán xanh rờn: “Ý nói Con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ” thì quả là năng lực hiểu biết của cụ rất có vấn đề! Tôi không thể tưởng tượng nổi, câu “Gieo gió gặt bão” nằm trong cửa miệng của người bình dân vô học mà cụ lại có thể tưởng tượng ra “dịch một tục ngữ Pháp” của ông Tây học nào đó. Đến câu này thì đúng là cụ làm chính trị chứ không phải làm từ điển: “Giàu bán chó, khó bán con Nói lên sự bất công tệ hại của xã hội cũ”. Cái đầu chính trị làm cụ biến “ló” (lúa) thành “chó” mới tài. Những giáo sư, tiến sĩ ăn theo nói leo cụ gọi cái bản sai lệch đó thành “dị bản” mới thật là liên tài với cụ.

Một số ví dụ trên trong rất nhiều ví dụ mà Hoàng Tuấn Công đã viết là do “bản chất đa nghĩa” của thành ngữ, tục ngữ hay do sự thiếu hiểu biết rồi tự bịa ra dị bản và xuyên tạc nghĩa theo cách hiểu tùy tiện của cá nhân cụ Nguyễn Lân? 


Về từ và ngữ Hán Việt, xem toàn bộ cách giải thích của cụ, có thể khẳng định chắc chắn cụ không biết chữ Hán. Chẳng hạn, mục từ “Hàn mặc”, cụ giải nghĩa: “dt (H. hàn: lạnh, nghèo khổ; mặc: mực – nghĩa đen là bút mực) Văn chương (cũ) Quen nghề hàn mặc, không chú ý đến thể dục.” Tiếp theo mục từ “Hàn nho”, cụ lại giải thích: “dt (H. hàn: ngọn bút; nho: nhà nho) Học trò nghèo” Đổi màu lữ khách, thay hình hàn nho (Tự tình khúc)”. Khổ thân cụ. Chắc là cụ có tra cứu từ điển Hán – Việt, nhưng không phân biệt được Hàn (ngọn bút) với Hàn (nghèo) nên lộn tùng phèo. Mà nhiều người không phân biệt được tự hình Hán, họ vẫn có thể dựa vào kết hợp từ “hàn mặc” với “hàn nho” để đoán nghĩa của từ tố, nhưng cụ lại không làm được! Không biết cái câu “Quen nghề hàn mặc, không chú ý đến thể dục” cụ lấy ở đâu ra, có vẻ như cụ ghét chuyện bút mực như Mao ghét trí thức, cho nên mới sáng chế ra cái câu ngồ ngộ ấy? Rõ ràng, toàn bộ từ điển Nguyễn Lân chỉ là đoán mò theo âm Hán Việt, cho nên xác suất hên xuôi, may rủi. Mà đã xác suất thì chỉ có tối đa 25% đúng.

Về chính tả, tôi không đặt vấn đề phải lấy âm Hà Nội làm chuẩn trong khi chưa có bộ luật chính tả, nhưng ít nhất cụ phải chọn một cách phát âm phổ biến, hoặc chua rõ hai, ba cách viết nào đó. Đằng này, cụ lại lấy âm địa phương hay nói ngọng của cụ ra để khẳng định đó là chính tả mà theo giai thoại, rằng cụ từng nhìn ai viết sai chính tả là cụ như thấy xúc phạm nghiêm trọng. “Xương quai xanh” thì cụ viết là “xương quai sanh”, “sàm sỡ” thì cụ viết là “xàm xỡ”, “sóng soài” thì cụ viết là “xóng xoài”, “trỗi dậy” thì cụ viết là “chỗi dậy”, “giải thể” cụ viết là “dãi thể”, “rơm rớm” thì cụ viết là “dơm dớm”, “ru rú” thì cụ viết là “giu giú”…

Những trường hợp trên trong vô số các trường hợp tương tự trong sách Nguyễn Lân là “do vấn đề hỗn loạn chưa có luật ngôn ngữ văn tự, do biến đổi ngôn ngữ, do đặc trưng của tiếng Việt” hay do chính sự hỗn loạn bất chấp quy tắc ngôn ngữ, bất chấp quy luật biến đổi ngôn ngữ, bất chấp đặc trưng tiếng Việt của chính người làm sách?

3. Thôi thì cái thời cụ Nguyễn Lân tư duy theo cách một nhà giáo dạy bình dân học vụ, làm từ điển như cụ có thể giúp được điều gì đó cho hàng triệu người mù chữ. Tất nhiên là tôi nói ở phần chữ, chứ tục ngữ, thành ngữ dân gian thì chẳng giúp gì, thậm chí còn bị người dân vô học cãi phăng, vì tục ngữ, thành ngữ là sản phẩm của họ không thể đem ra xuyên tạc được. Đáng nói là những ý kiến của những người có học hàm học vị ở thời đại phổ cập hóa đại học mà lại tiếp tục sai theo vết sai của cụ. Các ý kiến tranh luận, đúng ra là bênh vực cho cụ Nguyễn Lân lại chỉ biết dựa vào Từ điển Nguyễn Lân để chống chế, khác gì tư duy cối xay?

Có bào chữa cách gì thì lỗi đầu tiên vẫn thuộc về cụ Nguyễn Lân. Cụ đã sai dẫn đến những người sùng bái cụ sai theo. Cái sai chồng lên cái sai và không biết hối cải. Sinh thời cụ nói cụ cần sự góp ý. Nhưng nói vậy mà không phải vậy, ngay đến người uyên bác như học giả An Chi góp ý cũng bị cụ mắng cho là “vô văn hóa”. Học phiệt là một cố tật chỉ có thể lật đổ chứ không thể góp ý, bởi vì chính nó tạo ra thần tượng giả đầu độc nhiều thế hệ.

Tranh luận học thuật không có chuyện kính trên nhường dưới mà đòi hỏi sòng phẳng. Aristotle cãi nhau với thầy Plato đến mức tự tách trường riêng và người Hy Lạp chưa bao giờ xem người học trò kia là thiếu “lương tri”, chị Nghiêm Thúy Hằng ạ! Ở thời đại dân chủ, người ta còn dám cãi cả Chúa để tìm chân lí và tiến đến văn minh, huống hồ là một người trần mắt thịt như cụ Nguyễn Lân mà chị yêu cầu không được phép cãi để giữ “lương tri”.

Kẻ “dốt mà hay cãi” như GS. TS. Nguyễn Đức Tồn, PGS.TS. Lê Đức Luận,… và cả chị nữa, đúng là “không vứt đi” nhưng rất có hại. Bởi chính những người này đã đem cái sai chồng lên cái sai, biến sai thành đúng một cách trí trá gây nhiễu loạn học thuật, làm méo mó tiếng Việt. Ai cũng có cái dốt, nhưng nói như dân gian, dốt thì phải dựa cột mà nghe. Cãi cùn thì dốt lại chồng thêm dốt và không thể hy vọng có sự tiến bộ được.

Chị nên nhớ Hoàng Tuấn Công không phủ nhận sạch trơn những gì tồn tại trong Từ điển Nguyễn Lân. Nhiều chỗ Hoàng Tuấn Công chỉ đính chính và bổ túc một cách hiển ngôn. Chị nói thành ngữ vốn đa nghĩa. Tôi bổ sung thêm, không chỉ thành ngữ, bản thân các kí hiệu, biểu trưng đã luôn tồn tại không dưới một nghĩa. Nghĩa luôn có tính dự phòng, hoặc bị trượt liên tục trên chuỗi biểu đạt (theo Lacan), hoặc phát tán với những khác biệt (theo J.Derrida). Có nghĩa là, không có kí hiệu nào cố định mà luôn vận động và chuyển nghĩa trong quá trình sử dụng. Vì thế, không có từ điển nào nói hết được nghĩa của từ hay thành ngữ, tục ngữ. Từ điển luôn có giới hạn. Nó không là tác phẩm diễn giải theo lối phân tích, bình luận. Nhưng nó phải luôn cập nhật. Tất nhiên nó phải dựa vào cái gốc để từ đó phát sinh cái khác chứ không chơi trò cắt ngọn và giải nghĩa méo mó như cụ Nguyễn Lân. 


4. Tôi nói ra điều trên cũng đồng nghĩa với việc không xem Hoàng Tuấn Công là tuyệt đối như một thần tượng mới thay thế cho thần tượng cũ Nguyễn Lân mà nhiều bạn đọc đã tung hô. Trong sách của mình, với tư cách không phải là từ điển mà là “phê bình và khảo cứu”, Hoàng Tuấn Công cũng có những giới hạn nhất định. Mặc dù Hoàng Tuấn Công không sai, nhưng không ít chỗ Hoàng Tuấn Công tự rơi vào bẫy của sự duy lí, thoát li hẳn cái kinh nghiệm cảm tính của dân gian.

Chẳng hạn như câu: “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”, anh nhất quyết hình thức đúng phải là “Đường tắt hay tối, nói dối hay cùng”, trong khi cái câu kia mới có tính thông tục hơn. Vẫn nghĩa như anh nói, nhưng dân gian chẳng chặt chẽ về cách dùng từ như anh nghĩ. Nếu luận theo lối bác học, anh luận theo Khổng chứ tôi luận theo Lão – Trang thì, nói “đường đi hay tối” có khi còn thâm sâu hơn “đường tắt hay tối”, bởi vì Lão – Trang chủ trương con đường không bị tắt/ tối là… không có con đường. Lỗ Tấn nói, thế gian làm gì có con đường, chẳng qua người ta đi nhiều thành con đường. Đi theo đường cũ, tức lối mòn chưa hẳn đã sáng, vì không thể có tự do, khai phóng. Dân gian cần nghĩa tổng quát hơn là chiết tự ra theo lối bác học.

Chẳng hạn, “chú như cha, già như mẹ” là nói cho có vần, thuận mồm với nghĩa tổng quát là xem bề trên ruột thịt như bậc cha mẹ, càng chiết tự hay tách vế ra càng thấy vô lí vì ít ai hiểu “già” là “dì” (*). Cũng như “lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam” là nói cách chọn hướng xây nhà, còn lấy vợ đàn bà thì hiển nhiên, chỉ để mặc định cho một việc phải làm ở vế sau.

Câu “Tai vách mạch rừng” anh khăng khăng phải là “Tai vách mạch dừng” với cái lí “dừng ở đây là bức vách. Không phải tai vách mạch rừng”. Vì dừng là một bộ phận của vách, vách là bộ phận của ngôi nhà, nơi (theo nghĩa đen) hai người trao đổi chuyện bí mật, riêng tư… Nếu nói “Tai vách, mạch rừng” thì một là bức vách, một là cái mạch gì đó tận trên rừng thì nghe thật vô lí” [tr.21]. Rõ ràng cái bẫy duy lí tưởng chừng có lí về quan hệ giữa “vách” và “dừng” (giống như quan hệ thúng/ mê mà Lê Đức Luận đã cãi với anh) đã làm anh mắc kẹt trong cái vô lí mà anh đã phê bình cụ Nguyễn Lân ở câu “Rút dây động dừng”. Anh hỏi “dứt dây gì ở bức vách?” trong câu “Bứt dây động rừng”, trong khi người ta cũng có quyền hỏi “mạch” gì ở trong bức vách trong câu “Tai vách mạch dừng”? Anh dẫn tục ngữ Hán “Tưởng hữu phùng, bích hữu nhĩ” mà quên tục ngữ Việt: “Rừng có mạch, vách có tai”. Hai vế có vẻ tách biệt, không cần có quan hệ nào giữa “rừng” và “vách” mà vẫn hợp thành nghĩa chung. Đơn giản thế này, rừng có mạch, vách có tai, chuyện bí mật, riêng tư anh đã nói ra ở đâu, dù trong rừng sâu hay ở nhà kín, cũng có thể bị người khác nghe được. Không phải trường hợp nào cũng truy về gốc Hán, bởi vì, hoặc là cái gốc Hán kia đã bị Việt hóa và biến đổi theo cách của dân gian, hoặc là giữa Hán và Việt chỉ tồn tại tương đương như là hiện tượng gặp gỡ, cả về từ Hán Việt lẫn thành ngữ, tục ngữ. Nhiều trường hợp tục ngữ, thành ngữ không thể chẻ hoe ra từng vế hay từng từ mà diễn nghĩa rõ ràng được.

Tất nhiên, trong giới hạn của bài viết, tôi chỉ đưa ra vài ví dụ, việc góp ý cho toàn quyển sách Hoàng Tuấn Công lại cần thời gian và trong một bài viết khác. Tôi không phê Hoàng Tuấn Công sai mà chỉ góp ý ở sự duy lí cực đoan không cần thiết. Ở đây tôi chỉ muốn vạch ra cho chị Nghiêm Thúy Hằng thấy cái điều chị dạy người khác: “Phàm là làm việc gì cũng nên cẩn trọng, thấy vậy mà không phải vậy” là như tôi đã phân tích khách quan trong toàn bài chứ không phải như chị nghĩ trong đầu rằng, người ta phê cụ Nguyễn Lân là thiếu “lương tri” và không “cẩn trọng”!

9/9/2017
Chu Mộng Long
———–

(*) Theo chị Bình Nguyên, “già” trong câu “chú như cha, già như mẹ, “già” chính là chị gái của mẹ. Có lí. Nhưng lại vô lí, vì không tương ứng với “chú”, em của cha ở vế trước. Nếu thế thì vế trước phải là “bác”. Theo tôi, có thể “già” đó là biến âm hoặc láy của dì, em gái của mẹ. Nghĩa tổng quát, dù chú hay dì là bậc đàn em của cha hay mẹ vẫn phải được xem như bậc cha mẹ. “Mất cha còn chú, mất mẹ bú dì”.

Và như vậy vẫn là biến âm cho thuận mồm, và phải viết là “dà” (dì dà) chứ không phải là “già” như sách Tục ngữ Việt Nam, cấu trúc và thi pháp của Nguyễn Thái Hòa và một số từ điển đã viết(?!).

25 nhận xét :

  1. Nhưng phàm không lượng sức mình thì công việc tất yếu đổ vỡ. Hòn đá khổng lồ anh muốn vác lên vai sẽ đè nát chân anh hoặc đẩy anh xuống hố.
    (Tiến sĩ Chu Mộng Long)
    _______________________
    Quả thật là thế! Không ai nói cụ Nguyễn Lân là dốt, nhưng cụ đã đủ sức làm tự điển chưa thì cái này cần phải xem lại!

    Trả lờiXóa
  2. Có câu chuyện vui, tại trường Bưởi thày giáo người Pháp hỏi một học sinh người Việt câu thế này:
    - Em mẹ gọi là gì với dấu hỏi to đùng trong sự nhấn âm của thày.
    Người học sinh cung kính trả lời:
    - Em mẹ gọi là dì
    Thày cau mày nghiêm khắc hỏi lại
    - Em mẹ gọi là gì, và còn chấn chỉnh học trò.
    Học sinh lại cung kính trả lời:
    - Em mẹ gọi là dì.
    Thầy bực mình nổi đóa và cho điểm không.
    Thiết nghĩ không cần viết thêm nữa.

    Trả lờiXóa
  3. " Lấy vợ hiền hòa , làm nhà hướng Nam " . Ít nghe nói : " lấy vợ đàn bà ... "

    Trả lờiXóa
  4. Gìa là Dì từ câu nói của dân gian "con dì con già" chứ không phải là chỉ tuổi già, người già. "Chú như cha, Già như mẹ" : Chú - Cha vì Cha - Chú là anh em ruột và đồng vế; đối ứng với Già = Dì - Mẹ cũng là chị ruột và cũng đồng vế.

    Thực ra quyển sách của Hoàng Tuấn Công (HTC) làm lùm xùm toàn XH trong thời gian qua không hoàn toàn là mặt học thuật, lịch sử chữ nghĩa, ... mà ở đây nó tạo ra một sự đột phá trong tinh thần PHẢN BIỆN vốn bị triệt tiêu từ sau khi XXX, Giáo sư Nguyễn Lân không đáng trách, hay gọi là "dốt", ... như cách những kẻ bảo vệ cho GS rống lên khi sách của HTC ra đời, vì hình tượng GS được cả hệ thống đảng và Nhà nước xây dựng lên và bất chấp những sai sót, chưa thấu đáo, ... trong công trình/tác phẩm của GS, cả hệ thống "đỉnh cao trí tuệ" sẽ cương quyết giữ vững ý kiến của mình cho rằng GS, một con người thực sự giỏi, uyên bác, lao động tích cực, ... và đặc biệt không có khuyết tật.

    Kẻ có độc hay đặc quyền thường như vậy, bất chấp sự đúng sai, luôn luôn bảo thủ và tìm mọi cách để biện hộ cho cái mà không may ai đó bảo mình sai.

    Giống như vụ Gáo sư (GS) Vũ Khiêu cũng vậy, thối đủ điều, đáng chê đủ điều, ... nhưng là thần tượng đã được tôn vinh bởi hệ thống đảng và Nhà nước, ... nên phải cố cùng mà tử thủ và bảo vệ, bất luận dù đúng dù sai.

    Dân tộc Việt vốn có lòng độ lượng, nhưng độ lượng cái gì thì được, những không thể độ lượng đối với cái sai hay chưa chuẩn mà ai đó truyền tải làm chuẩn mực hiểu biết cho các thế hệ mai sau, khiến chúng cứ đi từ lệch lạc này đến lệch lạc khác và cuối cùng cái đó sẽ được hiểu sai hay chưa đúng, chưa thấu đáo, ... sẽ khiến cho nền chữ nghĩa có tính lịch sử bị mất đi.

    Trao đổi, tranh luận, phản biện, ... về các lĩnh vực KT-CT-XH và VH là điều cần thiết, là văn minh, là xu hướng chung của Nhân loại trong quá trình đi về phía tương lai.

    Không dùng cái gì đó dù là độc quyền hay độc quyền, hay ... để bịt miệng, để triệt tiêu phản biện, ... và lôi kéo triệt tiêu phản biện như là một cách để bảo vệ mình, bảo vệ sự ấu trĩ, cái sai của mình, ... "Điều 1 : Sếp luôn luôn đúng; Điều 2 : Nếu Sếp sai thì xem lại điều 1".

    HTC không xúc phạm ai, không phải bất kính đối với ai, cũng không phải là tuyệt đối đúng, ... trong xã hội vốn Câm-Điếc-Mù này, rất cần những tiếng nói, góc nhìn, sự phản biện, ... để "Chân lý thêm đúng, thêm đẹp, thêm sắc mầu, ...".

    Quyền nói là quyền tối thiểu của con người, dù bất luận như thế nào cũng không được la lối, vu cho HTC bất kính với Cụ A, B, ..., Z nào đó, khi sản phẩm học thuật của các Cụ sai, chưa đúng, chưa thấu đáo.

    Những trí thức cần phải trao đổi thẳng thắn, cầu thị và tôn trọng những giá trị đúng, khá đúng, có lý, ... được thừa nhận.

    Cần phải KHAI PHÓNG nền học thuật của Đất nước này với tư cách là một CON NGƯỜI chứ không phải ĐÀN CỪU.

    Trân trọng!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý kiến chính xác , ngắn gọn và hay ! 1 người anh em của Hoàng Tuấn Công nữa !

      Xóa
    2. Ôi đọc ý kiến của bác thích quá, hay quá.

      Xóa
  5. Sự phân tích khá hay và rõ.Tôi là ng ít học nhưng đọc thấy dễ hiểu,đúng và khách quan đồng thời cho tôi đc nhiều diều bổ ích trong cuộc sống và cái nhìn về xh

    Trả lờiXóa
  6. [“Cụ (Nguyễn Lân – tôi chú thích) không hề “dốt” đâu anh nhé.]
    - Sao mà ở bậc TS mà dùng lời văn thế này với 1 bậc "trưởng lão" hả cô Hằng? Hóa ra với "GS" Nguyễn Lân mà vẫn còn lấn cấn bởi DỐT sao? Không biết TS này có thuộc "thập loại giáo sư" không nữa?
    -[Theo chị Bình Nguyên, “già” trong câu “chú như cha, già như mẹ, “già” ] - Dân quê xin bàn: Quê từ Thanh Hóa (nam Thanh Hóa) trở vào thì: anh trai của cha thì gọi là BÁC, em trai của cha thì gọi là CHÚ, còn chị em gái của mẹ thì chỉ dùng 1 từ DÌ (không gọi DÀ như ngoài Bắc), các anh em trai của mẹ thì gọi 1 từ là cậu (không gọi bán như ngoài Bắc). Thế nên Thanh Hóa mới phân hai theo phong tục, mới có câu vui trong "Quốc gia Thanh Hóa" là "khu 4 đẩy ra, khu 3 đẩy vào".
    Chúc anh Hoàng Tuấn Công khỏe để đón những luồng gió mới !!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. quê tôi Hà Tây, chị em của mẹ gọi dì, dà. ae của mẹ gọi một từ là cậu hết

      Xóa
    2. Tôi thấy vùng vùng Quảng Bình cũng gọi như thế. Chẳng hạn, con của em gái gọi anh của mẹ là cậu. Nếu ngoài Bắc phải gọi vằng bác.

      Xóa
    3. Người miền Nam hầu hết cũng gọi chị em gái của Mẹ là Dì , Dì lớn chị của mẹ, Dì nhỏ em của mẹ . Anh em trai của mẹ cũng gọi là Cậu , Cậu lớn , cậu nhỏ .

      Xóa
  7. Bài viết của Chu Mộng Long rất hay.Khoa học cần có những bài tranh luận như thế. Mong rằng trong chính trị cũng cần có sự tranh luận giữa nhà cầm quyền và xã hội dân sự như thế. Tôi biết ông Võ Văn Thưởng UVBTT đã có lần nêu ra ý tưởng này, nhưng chò mãi chẳng thấy thực hiện . Thật tiếc lắm thay và cũng buồn lắm thay./.

    Trả lờiXóa
  8. Nguyễn Lân không dốt. Rất giỏi là khác. Cụ giỏi dựa thời thế để nổi lên như một anh hùng. Cái dốt đó đã gặt hái thật nhiều thành tựu. Vài con của cụ, và giờ đây lộ thêm...Nghiêm Thúy Hằng. Cái dốt Ng Lân là "chân lý". Ai dám cãi lại là không có "lương tri" (!) . Có điều, cái dốt ấy đang đẩy giáo dục và văn hóa VN xuống vực. Vậy "lương tri" là tất cả ngoi ngóp trong bùn để chết dần, chỉ một số kẻ "giỏi" như NTH nhơn nhơ sống (bằng tử khí) ? Phải, họ sống bằng tử khí của hàng triệu trẻ em đang bị chết trong "lương tri" và "cẩn trọng" của họ ! Thời đại qua rồi, HTC là một người dám hô lên rằng cộng đồng đang thức tỉnh. Cộng đồng đang vạch mặt cáo mượn oai hùm . Để được làm Người. Để sống ! HTC không cực đoan như Chu Mộng Lòng lầm tưởng. Chúc mừng những HTC không cam tâm chịu phận dốt mỹ miều như những NTH dương dương tự đắc khắp nơi...

    Trả lờiXóa
  9. Ra bác Long giỏi thật. Đọc bác thấy ai sai rất rõ. Và sai đến thế không dốt thì chỉ có ngu thôi

    Trả lờiXóa
  10. Đúng là phần hán tự cụ Lân không biết gì. Người biết không ai giải thích nghĩa như cụ. ếu ai khiếu nại điều này xin chỉ ra cho. Đầu tiên xin mời tiến sỹ Hằng

    Trả lờiXóa
  11. Càng đọc ( Tranh luận) thôi, càng tháy cụ Lân to gan. Viết khi mình chưa hiểu thậm chí không hiểu một vấn đề. Ai xui cụ? Vấn đề là sự suy tôn thái quá xui cụ. Đề nghị thời thế phải xem lại mình

    Trả lờiXóa
  12. Trong thời điểm đó, công trình của cụ Nguyễn Lân ra đời là rất đáng trân trọng. Đến bây giờ chúng ta cũng không mất đi sự trân trọng đối với công sức, sự cố gắng của cụ, không phủ nhận tất cả những gì cụ đã viết ra.
    Tất nhiên cụ có những sai lầm trong cách giải thích, trong chính tả... những thế hệ sau này như Hoàng Tuấn Công chỉ ra được những cái sai để điều chỉnh là điều đáng quí và chính Công cũng không phải đúng tuyệt đối trong mọi điều anh viết. Cái sai phải được sửa đổi, vì con cháu mai sau, vì kiến thức của dân Việt.
    Tiếc rằng, những công trình của cụ đã bị mặc nhiên cho là đúng, trong nhiều năm qua không có một bài viết nào phản biện, ngay cả đối với những cơ quan, những cá nhân có trách nhiệm thẩm định, đánh giá.
    Tuy nhiên, chúng ta cần một thái độ cầu thị, không nặng lời, không cãi cố bảo vệ cái sai, không mạt sát nhau trong bài viết, bài phê bình. Không cần chửi toáng lên để bảo vệ chân lý.
    Dẫu là công trình của giáo sư, tiến sĩ, bậc cao niên, những tên tuổi lừng lẫy thì cũng cần được đánh giá một cách nghiêm túc, khoa học, chứ đừng sợ phải đụng đến các thần tượng.

    Trả lờiXóa
  13. Tôi muốn hỏi chu mông long: mạch rừng là mạch gì? Còn chu mông long bảo HTC viết mạch dừng là sai xin về quê hỏi người già ở quê xem cái vách đất có mạch dừng hay không?

    Trả lờiXóa
  14. Với người thông thì cụ dốt, với người dốt thì cụ thông. Vậy thôi Hằng à

    Trả lờiXóa
  15. Đây là loại từ điển bình dân học vụ thì có

    Trả lờiXóa
  16. Rút mây động rừng. Máy là cây mây.

    Trả lờiXóa
  17. Tra cứu trong Wiki. thì cụ đã từng học ở Trung Quốc do đó khó có thể sai sót như vậy.
    Có lẽ là do con cháu cụ (hoặc chính cụ giao việc cho nhânviên)
    muốn cho cụ nổi danh lên biên soạn và cụ thì xem lại theo kiểu " cưỡi ngựa xem hoa " nên mới có chuyện này

    Trả lờiXóa
  18. "Đường tắt hay tối nói dối hay cùng" là đúng rồi ông Long(Chu mộng) ơi, đoạn này ông giải thích lằng nhằng tối nghĩa, lôi cả Trang với Lão với Khổng vô làm chi, câu này thuần Việt dễ hiểu không mà ông

    Trả lờiXóa