Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

ÔNG LÃ TRỌNG LONG RÕ KHÉO BẮT BẺ ÔNG HOÀNG TUẤN CÔNG


TỄU Blog lưu ý bạn đọc:

Thoạt đọc bài của ông Lã Trọng Long, sẽ thấy có vẻ như Hoàng Tuấn Công (HTC) sai lè ra rồi. Nhưng so với những gì HTC viết trong sách, lại khác hẳn.

Ông Lã thực đã tung hoả mù, dẫn dắt sai vấn đề, không trích dẫn cụ thể nhưng lại diễn đạt làm như đó là nội dung ông HTC viết.

Ví dụ, ông Lã viết: Xin trích "Lữ thứ" đó là “nơi nghỉ trọ”, “chỗ nhà trọ”; không phải là “nơi xa lạ”, “chỗ xa lạ” như Hoàng Tuấn Công khẳng định. Vậy Hoàng Tuấn Công đã giải thích sai cả yếu tố Hán Việt và nghĩa từ vựng”(hết trích). 

Nhưng, “nơi xa lạ”, “chỗ xa lạ” đâu phải là nội dung HTC viết, mà là nội dung giải nghĩa của hàng loạt từ điển mà HTC trích dẫn. Nguyên văn cụ thể như sau: “Từ điển Lê Văn Đức: “lữ thứ dt. Đất khách, nơi xa lạ: Nơi lữ-thứ, tứ cố vô thân”; Từ điển Đào Văn Tập: “lữ-thứ Nơi xa lạ, nơi đất khách <> lữ-thứ tha-hương”; Việt Nam tự điển: “lữ-thứ Chỗ xa lạ <> Tha hương lữ-thứ.”; Từ điển Thanh Nghị: “lữ-thứ dt. Chỗ xa lạ, đất khách <> Dặm xa lữ-thứ kẻ nào héo hon... (Huy Cận)”. Và quan trọng là cách giải thích ấy không hề sai.

Vì vậy, xin lưu ý độc giả: Khi đọc bài này phải có một cuốn sách của HTC để bên cạnh để xem ông Lã có fair play không nhé!
 
-----------------------------
Không nên cố tình bắt bẻ!

Lã Trọng Long 

(Nguyên Chủ tịch LHH KHKT Hải Phòng) 
Infonet
15:00 - 06/09/2017

Trên báo điện tử infonet ngày 01/09/2017 đã có bài trao đổi về cuốn “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân –phê bình và khảo cứu” của Hoàng Tuấn Công, chỉ ra một số chỗ mà Nguyễn Lân đúng chứ không phải là sai như cuốn sách này nêu.

Là người đã đọc cuốn sách trên, tôi cũng xin góp thêm một vài ý kiến với cuốn sách của ông Hoàng Tuấn Công.

1. Về nghĩa 2 chữ "oan khuất" (trang 203 sách Hoàng Tuấn Công)

Nhà giáo, GS. Nguyễn Lân giải nghĩa như sau: khuất: cúi xuống. Mắc oan mà không bày tỏ được. Trong chế độ cũ, biết bao nhiêu người bị oan khuất vì sự xảo trá của bọn quan lại.
 
Ông Hoàng Tuấn Công không phê phán gì định nghĩa ấy đối với 2 chữ "oan khuất" của GS. Nguyễn Lân. 

Hoàng Tuấn Công chỉ đặt ra câu hỏi: “Không rõ soạn giả tìm đâu ra chữ “khuất” với nghĩa là “cúi xuống”. 

Sau đó Hoàng Tuấn Công viện dẫn các sách giải thích chữ “khuất” là thế nào. Nhưng từ vựng “oan khuất” lại không được Hoàng Tuấn Công chỉ ra ý nghĩa của nó theo như ông hiểu.

Về câu hỏi của Hoàng Tuấn Công về việc chữ “khuất” với nghĩa là “cúi xuống” không biết Nhà giáo Nguyễn Lân tìm ở đâu, tôi xin thưa đã đọc được trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh mục từ “khuất” với nghĩa thứ 2 là “cúi xuống”. Trong cuốn “Tân hoa tự điển” xuất bản năm 1971 Thương vụ ấn quán Bắc Kinh, “khuất” có nghĩa thứ 2 là “đê đầu” tức là “cúi đầu” (Một câu thơ nổi tiếng: Nhất sinh đê thủ bái mai hoa - "đê thủ" và "đê đầu" đều có nghĩa là "cúi đầu" tức là "cúi xuống"),…

2. Về nghĩa 2 chữ “lữ thứ” (trang 356 sách Hoàng Tuấn Công) 

GS. Nguyễn Lân giảng: “Lữ thứ - dt: (H. thứ: nhà trọ) nơi nghỉ trọ. Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ, lấy ai mà kể nỗi hàn ôn (Bà huyện Thanh Quan)”.

Ý kiến của Hoàng Tuấn Công là phủ nhận sạch trơn cách giảng nghĩa trên, cho rằng “không đúng” với các lý do sau:

 - “Thứ” trong “lữ thứ” nghĩa là “trọ” [động từ] chứ không phải “nhà trọ” [danh từ].

- 2 chữ “lữ thứ” sau một hồi dẫn chứng các tự điển, Hoàng Tuấn Công cho rằng: “lữ thứ” còn gọi là “nơi đất khách quê người, nơi tha hương, nơi xa lạ, chỗ xa lạ…"

GS. Nguyễn Lân và tự điển của GS. Văn Tân giải nghĩa "lữ thứ" là “nơi nghỉ trọ”, “chỗ nhà trọ” theo Hoàng Tuấn Công đều là giải nghĩa sai cả.

Tôi xin bàn góp như sau:

 - Từ điển “Hán Việt văn ngôn dẫn chứng” của Nguyễn Tôn Nhan nghĩa thứ 6 trong mục từ của chữ “thứ” là “nơi”, “chỗ”.

- Từ điển Hán Việt hiện đại do GS. Nguyễn Kim Thản chủ biên, nghĩa thứ 7 của “thứ” là “nơi dừng chân”, “lữ thứ”: “nơi khách (du lịch) dừng chân”.

- Từ điển “Việt Anh” của Đặng Chấn Liêu và Lê Khả Kế thì “lữ thứ” là: “Inn accommodation, Hotel accommodation” đều có nghĩa là “nhà trọ” cả.

Tóm lại Hoàng Tuấn Công giải thích chữ “thứ” là “động từ” là sai. Như trên đã dẫn chứng các GS ngôn ngữ hàng đầu của Việt Nam đều bảo là “danh từ”, còn “lữ thứ” thì giải nghĩa của GS. Nguyễn Lân và của GS. Văn Tân đều đúng. "Lữ thứ" đó là “nơi nghỉ trọ”, “chỗ nhà trọ”; không phải là “nơi xa lạ”, “chỗ xa lạ” như Hoàng Tuấn Công khẳng định. 

Vậy Hoàng Tuấn Công đã giải thích sai cả yếu tố Hán Việt và nghĩa từ vựng.

 3. Về nghĩa 2 chữ "lương y" (trang 357 sách Hoàng Tuấn Công)

GS. Nguyễn Lân giảng nghĩa: “Lương y - dt (H. lương: tốt lành, y: chữa bệnh, thầy thuốc). Thầy thuốc giỏi. Người ta có câu “lương y kiêm từ mẫu” nghĩa là một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền (HCM)”.

Ý kiến của Hoàng Tuấn Công cho rằng GS. Nguyễn Lân đã giải thích chữ “lương” sai. “Lương” cũng có nghĩa là “tốt” (như “lương ngọc” = “ngọc tốt”). Tuy nhiên, “lương” trong “lương y” lại có nghĩa là “tài giỏi” chứ không phải là “tốt lành”.

Vậy hãy tìm hiểu ý nghĩa chữ “lương” xem sao?

Vì thấy Hoàng Tuấn Công hay viện dẫn từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh và Thiều Chửu, nên trước tiên hãy tra chữ “lương” trong hai cuốn từ điển này.

Theo Trần Văn Chánh “lương” có 4 nghĩa: 1. Tốt, lương thiện, hiền lương, tài; 2. người lương thiện; 3. Rất, lắm; 4. (họ) Lương.

Theo Thiều Chửu “lương” cũng có 4 nghĩa: 1. lành, tính chất thuần tốt, bền, giữ không đổi; 2. tốt, vật gì hoàn toàn tốt đẹp gọi là lương; 3. sâu, rất; 4. dùng làm trợ từ nghĩa là tin.

Lấy thêm cuốn từ điển phổ thông “Tân Hoa từ điển” - NXB Thương vụ ấn quán Bắc Kinh 1971, về từ “lương”, họ chỉ nêu có hai nghĩa, chắc đó là hai nghĩa phổ biến nhất của “lương”: 1. Hảo (tốt); 2. Hẫn, ngận (rất).

Vậy thì Hoàng Tuấn Công giải nghĩa “lương” là “tài giỏi” căn cứ vào sách của ai? Và cũng căn cứ vào đâu mà “phán” rằng, nghĩa gốc Hán Việt của chữ “lương” trong “lương y” không phải là “tốt lành”? Trong khi cả 3 từ điển nói trên cũng như nhiều từ điển khác đều lấy nghĩa số 1 của “lương” là “tốt” (tiếng Hán là "hảo").

Theo tôi thì chữ “lương” từ Hán Việt là “tốt”, rồi tùy trường hợp của chữ  được ghép cặp đôi với nó để hình thành những từ vựng khác nhau như “lương dược”, “lương điền”, “lương ngọc”, “lương y”,… mà được chuyển ngữ sang tiếng Việt cho hợp từng ngữ cảnh là: “thuốc tốt”, “ruộng tốt”, “ngọc tốt”, “thầy thuốc giỏi”,… 

Thậm chí như ví dụ minh họa trong phần giải thích nói trên của Nhà giáo Nguyễn Lân “lương y” chỉ được dịch là “thầy thuốc”.

Riêng có một “sự lạ”: tuy phải thừa nhận hai chữ “lương y” là "thầy thuốc giỏi" do Nhà giáo Nguyễn Lân giảng nghĩa là chính xác, nhưng Hoàng Tuấn Công vẫn không công nhận gốc nghĩa “tốt lành” của chữ “lương” trong “lương y”, Hoàng Tuấn Công khăng khăng nghĩa “lương” là “tài giỏi” một cách rất vô căn cứ, rồi viết rằng Nhà giáo Nguyễn Lân giải thích sai. Phủ nhận luôn các sách từ điển Hán Việt đã dẫn.

Chính bởi thái độ đó khiến người ta cho rằng ông Hoàng Tuấn Công là “cố tình vặn vẹo”, từ vựng “lương y” đã được Nhà giáo Nguyễn Lân giải thích đúng. (Còn có những trường hợp từ vựng khác cũng bị Hoàng Tuấn Công vặn vẹo như thế !)

Ngoài ra việc viện dẫn một cách thái quá tiếng Hán, tiếng Mường, tiếng Tày, lại cả tiếng Việt cổ từ thời các chúa Trịnh, Nguyễn và diễn giải một cách dài dòng,… chẳng những vô bổ mà còn bị người ta cho rằng Hoàng Tuấn Công thích “khoe chữ” một cách lộ liễu.



20 nhận xét :

  1. 屈  khuất, quật
    [Pinyin: qū]
    Cong, phàm sự gì cong không duỗi được đều gọi là khuất. Như lí khuất từ cùng 理屈詞窮  lẽ khuất lời cùng, bị oan ức không tỏ ra được gọi là oan khuất 冤屈, v.v./tự điển Thiều Chửu/
    Vậy "oan khuất" là nỗi oan không thể giãi bầy được, Cái nỗi oan là việc bị buộc vào, cuộn vào, mà không duỗi thẳng ra để mọi người thấy được.

    Trả lờiXóa
  2. "Lữ thứ" là gì? Ngày nay người ta gọi là "nhà nghỉ" đấy! Đưa nhau vào nhà nghỉ vừa nghĩa "nhà trọ" và vừa nghĩa "nơi xa lạ" nếu không thì lộ hết a! ha.
    Tiếc quá mình chưa mua được sách của HTC nên chưa thể còm được, vì nghe bằng hai tai, thì nhìn cũng phải bằng hai sách chứ?

    Trả lờiXóa
  3. Có vẻ như họ Lã kia đã thấm nhuần nghiệp vụ của "trên" trong việc cắt xén,bịa đặt khi trích dẫn lời người khác.
    Cái ni thì cũng không có chi lạ,cha nào thì con nấy.

    Trả lờiXóa
  4. Về chuyên môn và ngữ nghĩa các câu, từ v.v... tôi không rành nên không dám tham góp. Nhưng có điều tôi RẤT KHÔNG ĐỒNG TÌNH VỚI GS NGUYỄN LÂN (NL). Đó là: Bất cứ cái gì xấu (từ hành vi, câu nói, tính nết con người), NL đều ĐỔ DIỆT CHO CHẾ ĐỘ CŨ. Ví như trong trường hợp trên đây, "Nhà giáo, GS. Nguyễn Lân giải nghĩa hai chữ OAN KHUẤT như sau: Về nghĩa 2 chữ "oan khuất"- khuất: cúi xuống. Mắc oan mà không bày tỏ được... TRONG CHẾ ĐỘ CŨ, BIẾT BAO NHIÊU NGƯỜI BỊ OAN KHUẤT VÌ SỰ XẢO TRÁ CỦA BỌN QUAN LẠI. Nói vậy chẳng nhẽ trong chế độ ngàn lần tươi đẹp ta hiện nay, không có hiện tượng NHIÊU NGƯỜI BỊ OAN KHUẤT VÌ SỰ XẢO TRÁ CỦA những kẻ gọi là quan chức đương quyền hay sao? Thế thì những vụ Huỳnh Văn Nén, Hà Đức Long, Phạm Văn Lé, Trần Văn Thêm và biết bao người khác gần đây thì NL thế nào? Làm từ điển mà lồng chính trị vào (lại cố tình "lồng" một cách thiên lệch) là một điều khó có thể chấp thuận được. Nhưng tôi hiểu, có lẽ vì có sự LỒNG CHÍNH TRỊ MỘT CÁCH THIÊN LỆCH như vậy nên sách của ông Nguyễn Lân mới được xuất bản và tái bản nhiều lần mặc dù, về mặt chuyên môn mắc rất nhiều lỗi sai sót (như HTC và một số người khác đã vạch ra), "đầu độc tri thức" nhiều người , làm méo mó cả ngôn từ cũng như sự trong sáng của tiếng Việt.(dòng cuối cùng này là của tôi)

    Trả lờiXóa
  5. Họ Lã đang muốn xây nhà

    Trả lờiXóa
  6. Cảm ơn Hoàng Tuấn Công và Tễu, có như vậy thì mới biết đâu là “vàng” đâu là “thau”. Chứ không “vàng thau lẫn lộn”.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi có cuốn " Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - phê bình khảo cứu" của HTC.
    Mấy mục "oan khuất" , "lương y" ..HTC phê bình khảo cứu bài bản, khoa học, dễ hiểu, thuyết phục. Đâu có bắt bẻ gì.

    Chỉ thấy LÃ TRỌNG LONG cố tình bắt bẻ HTC mà thôi. Ông Lã Trọng Long này một là trình độ đọc hiểu kém, từ đó dẫn đến bắt bẻ vô lý. Hai là, Lã Trọng Long thuộc dạng đâm thuê chém mướn.

    Trả lờiXóa
  8. Đúng như bác ND phân tích, Cụ Lân làm chính trị chứ không phải làm học thuật.

    Trả lờiXóa
  9. Chưa đọc HTC chư nói gì được

    Trả lờiXóa
  10. HTC là một người có học vị không cao mà dám đưa ra một công trình phê bình, khảo cứu những tác phẩm của một cây đa. Dĩ nhiên công trình này sẽ được sự quan tâm góp ý của nhiều người. Đúng hay sai rồi cũng sẽ rõ. Chỉ có điều lạ là con cháu của cụ Nguyễn Lân ( 8 người toàn là GS, PGS ,TS của các trường Đại Học công lập lớn của nước nhà ) không thấy có ý kiến . Mong rằng các vị trên nên có tinh thần cầu thị . Cái nào cha ông mình sai thì công nhận để sửa đổi. Cái nào đúng thì có lý lẽ ,tài liệu chứng minh cha ông mình đúng để công luận cùng chia sẻ .Nếu làm được như vậy thì tiện lợi đôi bề. Tác phẩm của Nguyễn Lân sẽ tăng phần giá trị. HTC có công góp ý để tác phẩm có giá trị hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng tình với ý kiến của bạn.

      Xóa
    2. Sách của cụ Nguyễn Lân không sửa được vì gần như sai hết. Còn có thể đây là lý do để dân bớt khôn chăng? Vậy đấy, cái nước mình nó thế.

      Xóa
    3. Sao bạn lại cho rằng HTC học vị không cao bằng GS tự phong NL? NL còn chưa có bằng đại học như HTC đấy!

      Xóa
  11. Lã Trọng Long bỏ banh đá người rồi.

    Mong ông Hoàng Tuấn Công và các cộng sự giữ mình cẩn thận, xem ra "nhóm lợi ích" bị chạm nọc rồi, họ sẽ giở thủ đoạn, không biết lẽ phải là gì đâu.

    Trả lờiXóa
  12. Lữ thứ (Danh từ) (Từ cũ, Văn chương)
    Chỗ tạm nghỉ lại của người đi đường xa; thường dùng để chỉ nơi đất khách, quê người
    "Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ
    Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?" (Bà Huyện Thanh Quan)

    Trả lờiXóa
  13. "Khuất"
    - ở vào phía bị che lấp, không nhìn thấy được
    VD: + ngồi ở góc khuất
    + biến đi cho khuất mắt!
    - ở vào phía bị che chắn, cho nên nằm ngoài phạm vi tác động
    VD:
    + đứng ở chỗ khuất gió
    + nơi ẩm uớt, quanh năm khuất ánh mặt trời

    Trả lờiXóa
  14. Ông Long ghi chức vụ cũ vào sau tên mình, chừng ấy đủ hiểu mục đích bắt lỗi HTC của ông. Nhãn hiệu càng cao, chân lý, đức độ, và tiền bạc càng nhiều. Ở ta, "TS", "GS", thường là tự phong hay tiền phong. Thực chất, họ chỉ là công cụ hay đúng hơn là những con rối. Có điều, những con rối này biết ngậm máu phun người, biết hút máu dưới người vẻ ngoài đạo đức. Chẳng vui gì, khi tâm huyết bị xúc phạm. Song dù sao, cuộc phản công này - mà tổng chỉ huy không khó vạch mặt - có thể khiến những kẻ núp bóng trí thức và đạo lý ngộ ra rằng thời cả vú lấp miệng em đang qua và sắp qua hẳn. Cuộc sống đã nhận ra họ, những con rồi đáng khinh bỉ và đáng thương !...

    Trả lờiXóa
  15. Anh Công bảo "3 điều còn lại (“vịt xiêm”; “nội các”; “lâm bồn”) là do Thanh Hằng và các vị nhầm lẫn, tức chúng tôi viết một đường, các vị lại trao đổi một nẻo; theo kiểu “Ông nói gà, bà nói vịt”, “Vậu phuối gẳn nà hây loà kha cáy” (Người ta đang nói chuyện bờ ruộng, mình lại nói chuyện vụt chân con gà)" làm bác Lã phải bật lò xo: "Ngoài ra việc viện dẫn một cách thái quá tiếng Hán, tiếng Mường, tiếng Tày, lại cả tiếng Việt cổ từ thời các chúa Trịnh, Nguyễn và diễn giải một cách dài dòng,… chẳng những vô bổ mà còn bị người ta cho rằng Hoàng Tuấn Công thích “khoe chữ” một cách lộ liễu", có đúng thế không bác Lã ơi?

    Trả lờiXóa
  16. 1- 旅
    出行的

    2- 次
    旅行所居止之处所

    Lữ
    Xuất hành đích

    Thứ
    Lữ hành sở cư chỉ chi ngoại sở

    Ý kiến:

    Lữ thứ gồm 2 chữ, 1- Lữ (danh động từ, sự đi xa) . 2- Thứ (danh từ, chỉ nơi chốn dừng chân bên ngoài).

    Tóm lại, lữ thứ là nơi dừng chân nghỉ ngơi khi đi xa. Có thể là lều ngoài trời, nhà người, quê người, hoặc nhà trọ (lữ quán).

    Phụ chú:

    Kẻ chốn chương đài người lữ thứ
    (Thanh Quan Nữ Sĩ)

    Kẻ thì ở nơi nhà, lầu cao sang khang trang, còn người thì ở nơi xa xôi đất khách.


    Hán Điển
    http://www.zdic.net/z/1b/js/65C5.htm
    http://www.zdic.net/z/1c/js/6B21.htm

    Trả lờiXóa
  17. Nghĩa chữ Lữ 旅 trong Kinh Dịch

    Quẻ Lữ 旅 thứ 56 trong Kinh Dịch bàn luận về người làm thân đất khách, người tha hương, xa xứ. Quẻ này biẻu tượng khá đẹp và thơ. Trên là lửa dưới là núi. Nên còn gọi là quẻ Hỏa Sơn Lữ. Mặt trời trên đỉnh núi, hỏa đi lên trong khi núi đứng yên. Cảnh tạm dung, bỏ đi, xa lìa.

    Bài học của quẻ Lữ khi tha phương ở nhờ là nên theo đạo nhu thuân và trung chính thì giữ được yên ổn phú quý, chớ có kiêu căng tham lam nhỏ nhen sẽ chuốc lấy họa.

    Kinh Dịch Đạo của người Quân Tử - Nguyễn Hiến Lê
    http://vnthuquan.net/truyen0/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nqnnntntn31n343tq83a3q3m3237nvn#phandau


    Trả lờiXóa