Tư tưởng lập hiến ở Việt Nam
trước Cách mạng tháng Tám năm 1945
PGS.TS. Thái Vĩnh Thắng
Đại học Luật Hà Nội
Lịch sử lập hiến Việt Nam bắt đầu từ năm 1946 khi bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thông qua. Tuy nhiên, tư tưởng lập hiến đã xuất hiện ở Việt Nam trước đó khoảng gần một thế kỷ, sau khi bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, Hiến pháp nước Mỹ năm 1787 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nước Pháp năm 1789 ra đời, đặc biệt vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khi những luồng gió mới của chính sách Duy tân của Minh Trị Thiên hoàng ở Nhật Bản và Cách mạng Trung Hoa năm 1911 thổi vào Việt Nam. Tư tưởng lập hiến Việt Nam đã xuất hiện trong giới trí thức Việt Nam mà tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Quang Chiêu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, đặc biệt là tư tưởng lập hiến của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc.
Đại học Luật Hà Nội
Lịch sử lập hiến Việt Nam bắt đầu từ năm 1946 khi bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa thông qua. Tuy nhiên, tư tưởng lập hiến đã xuất hiện ở Việt Nam trước đó khoảng gần một thế kỷ, sau khi bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776, Hiến pháp nước Mỹ năm 1787 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nước Pháp năm 1789 ra đời, đặc biệt vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX khi những luồng gió mới của chính sách Duy tân của Minh Trị Thiên hoàng ở Nhật Bản và Cách mạng Trung Hoa năm 1911 thổi vào Việt Nam. Tư tưởng lập hiến Việt Nam đã xuất hiện trong giới trí thức Việt Nam mà tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Bùi Quang Chiêu, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh, Phan Văn Trường, đặc biệt là tư tưởng lập hiến của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc.
1. Tư tưởng cải cách nhà nước của Nguyễn Trường Tộ (1830-1871)
Tư tưởng lập hiến xuất phát từ tư tưởng
xây dựng nhà nước mà quyền lực của nó phải xuất phát từ nhân dân và
quyền lực của người đứng đầu nhà nước (Vua, Tổng thống) phải bị hạn chế.
Tư tưởng xây dựng một nhà nước như vậy xuất hiện đầu tiên ở Việt Nam là
tư tưởng của Nguyễn Trường Tộ vào những năm 60 của thế kỷ XIX. Trong
các tác phẩm: Thiên hạ phân hợp đại thế luận, Dũ tài tế cấp luận, Giáo
môn luận, Tế cấp bát điều, Nguyễn Trường Tộ đã đề nghị hàng loạt cải
cách về kinh tế, chính trị, quân sự, văn hoá, xã hội. Về cải cách nhà
nước, Nguyễn Trường Tộ đưa ra ba nguyên lý cơ bản là: Quốc dân nhất thể, Thượng hạ tình thông và Quân chủ thần quyền:
– Theo Nguyễn Trường Tộ, quốc dân nhất thể
là nhà nước với nhân dân đồng một khối thống nhất, không mâu thuẫn,
không đấu tranh, xem như một cơ thể, một thân người. Nguyễn Trường Tộ
viết: “Lấy bề ngoài mà xét thì quốc và dân vốn phân biệt, nhưng theo cái
lý tự nhiên tương sinh mà xét thì nó hình thành cho nhau, kết hợp nhau
khăng khít không phải như bầu bạn muốn hợp, muốn ly, muốn dựa vào nhau
hay không đều do mình tự quyết định. Một nước như một cơ thể, một bộ
phận cơ thể bị đau thì cả cơ thể vì đó mà bất an; quốc gia với nhân dân,
tất thảy đều như huyết mạch trong thân thể con người. Nếu có sự ủng
trệ, không lưu thông thì tất nhiên sinh ra bệnh tật”.
– Thượng hạ tình thông là mối
quan hệ giữa quốc và dân, ấy là cơ sở của mọi chính sách lớn. Nguyễn
Trường Tộ giải thích: “Trị nước phải cho cái tình được thông. Tình là
cái sẵn có của dân. Trên dưới tình thông, không có cái gì vượt qua được
điều ấy trong những chính sách lớn của quốc gia”. Căn cứ vào nguyên lý
“Thượng hạ tình thông”, Nguyễn Trường Tộ đã phê phán chính trị lúc bấy
giờ là: người trên thì rất xa với kẻ dưới mà kẻ dưới thì kiếm cách lừa
dối, che giấu người trên; quyền lệnh của nhà nước thì giảm sút mà gian
ngụy của dân ngày càng nảy nở; bởi vậy cho nên trên dưới khác lòng, tình
không thông mà tắc, bên nào cũng muốn chiếm phần hơn cho mình cho nên
nhà nước yếu đuối. Nguyễn Trường Tộ phê phán cái thực trạng “kẻ mạnh, kẻ
yếu nuốt nhau, ăn ở với nhau như cái mâu, cái thuẫn, nhiều kẻ cho rằng
nước mặc nước, ta mặc ta, thờ ơ”1. Theo ông, mặc dù pháp luật
là chỗ dường như chỉ nhận có chữ lý mà bài trừ chữ tình thì ở đó chữ
tình vẫn bị chi phối: “Pháp luật nghiêm thì hình như là vô tình mà kỳ
thực là hữu tình tột mực. Khổng Minh nói rằng trị đời thì lấy đại đức mà
không lấy tiểu huệ là ý đó vậy”2. Nguyễn Trường Tộ đã hoàn
toàn đúng khi ông nhận xét rằng: “Ở các nước phương Tây lập pháp rất
chặt chẽ, vì chặt chẽ mà trở thành khoan dung, ai nấy đều ở trong vòng
pháp luật, không thể lừa dối nhau được, cho nên không sinh lừa dối mà
cũng không nghĩ đến lừa dối, thấy dễ chịu, thấy pháp luật khoan dung. Ở
phương Tây chưa từng nghe nói tha tô, miễn thuế mà dân với nước vẫn có
tình thân hơn nước ta rất nhiều”3. Nguyễn Trường Tộ là một
trong rất ít những người Việt Nam lúc bấy giờ hiểu được nền pháp trị của
tư sản cao hơn cái gọi là “đức trị” hay “nhân trị” của phong kiến
phương Đông.
– Quân chủ thần quyền theo
Nguyễn Trường Tộ không phải là chế độ quân chủ chuyên chế mà là xây dựng
một nền quân chủ lập hiến, quyền lực cả nước phải ở trong tay Vua,
nhưng Vua phải đặt mình trong pháp luật, không nên vượt ra ngoài. Quyền
hạn to thì trách nhiệm nặng, quyền lực là phương tiện mà phúc lợi nhân
dân là mục đích. Theo ông, “một nước cũng như một nhà, đối với cha mẹ,
cái quan trọng nhất là bầy con thì đối với triều đình cái quan trọng
nhất là dân chúng. Cái cong, cái thẳng đều công bố trước thiên hạ; mọi
việc đặt xuống, cất lên đều lệ thuộc vào sự bình nghị của dân chúng”4.
Tư tưởng chính trị của Nguyễn Trường Tộ là xây dựng một chế độ quân chủ
nghị viện hay nói một cách khác là nền quân chủ lập hiến.
2. Tư tưởng xây dựng chế độ quân chủ lập hiến của Phạm Quỳnh
Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX một
cuộc bút chiến đã xảy ra giữa Phạm Quỳnh (lúc đó là Chủ bút Tạp chí Nam
Phong) và Nguyễn Văn Vĩnh về vấn đề trực trị hay quân chủ lập hiến.
Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương bãi bỏ chế độ vua quan ở miền Bắc, miền Trung
và đặt dưới quyền cai trị trực tiếp của Chính phủ Pháp. Còn Phạm Quỳnh
cho rằng, có thể cải tạo chế độ vua quan cũ bằng việc xây dựng một chế
độ quân chủ lập hiến, theo mô hình của Anh và Nhật5.
Theo Phạm Quỳnh, có thể xây dựng một bản
Hiến pháp theo đó có thể vừa đảm bảo quyền dân chủ cho nhân dân Việt
Nam, quyền cai trị của Hoàng đế Việt Nam và quyền bảo hộ của Chính phủ
Pháp. Hiến pháp này được nhiều người gọi là Hiến pháp chân vạc. Tư tưởng
xây dựng chế độ quân chủ lập hiến được Phạm Quỳnh lý giải trên Tạp chí
Nam Phong do ông làm chủ bút:
“Quân chủ lập hiến là quốc vương
đem một phần chính quyền của mình mà nhường cho một hội nghị thay mặt
dân. Nhưng muốn nhường quyền thì trước hết phải có quyền đã, rồi phải
biết nhường quyền ấy cho ai”6. “Theo về lối quân chủ
lập hiến nghĩa là bản Hiến pháp cho dân cùng được tham dự một phần vào
việc nước bằng một hội nghị bầu cử, quyền hạn rộng hẹp thế nào sẽ tuỳ
theo trình độ dân mà định”7.
Theo Phạm Quỳnh, lý do ông chọn mô hình
quân chủ lập hiến là do tính chất ưu việt của hình thức chính thể này.
Phạm Quỳnh đã tranh luận quyết liệt vấn đề này với các nhà tư tưởng lập
hiến khác như Phan Chu Trinh và Nguyễn Văn Vĩnh tại Paris năm 1922 nhân
dịp phái đoàn Nam triều sang Pháp dự triển lãm:
“Có lẽ ở đây tôi đã thấy có rất
nhiều lập trường tranh đấu chống lại chủ thuyết mà tôi vẫn hoài bão:
quân chủ lập hiến. Nói đến nền quân chủ thì phần đông tỏ vẻ lo sợ chế độ
chuyên chế. Nhưng xin nhìn hai nước Anh và Nhật. Với nền quân chủ, họ
đã văn minh tột sức và dân chủ hơn các nền dân chủ cộng hoà khác nhiều
lắm; họ có thể đứng vào đàn anh trên toàn cầu. Vậy tôi chủ trương quân
chủ lập hiến, trong đó vua chẳng còn quyền hành gì trong tay mà chuyên
chế được. Vua chỉ là người đứng lên thừa hành bản Hiến pháp mà chính
những người đại diện nhân dân toàn quốc được triệu tập dự thảo và quyết
định. Như thế, chúng ta có một chế độ trường cửu do ý dân tự tạo cho
mình. Chớ như chế độ cộng hoà hay dân chủ thì sợ mỗi lần sau bốn năm có
thay đổi Tổng thống thì phải thay đổi tất cả làm cho guồng máy hành
chính trong nước phải bị xáo trộn trầm trọng”8.
Trong bài báo: “Vấn đề lập hiến cho nước Nam”9 đăng trong Tạp chí Nam Phong, Phạm Quỳnh đã trình bày những ý tưởng cơ bản của mình về chế độ quân chủ lập hiến: “Đặt
ra cho Chính phủ quân chủ, giao cho quan trường cai trị, chúng tôi cũng
bằng lòng. Nhưng quan trường như quan trường hiện nay, triều đình như
triều đình bây giờ thì chúng tôi xin chịu, chẳng qua là cái lợi khí bất
lương trong tay Chính phủ Pháp cả. Vậy xin sửa đổi quan trường lại, sửa
đổi triều đình lại, làm cái cơ quan cốt yếu của một Chính phủ Việt Nam
chân chính, có Hiến pháp hẳn hoi, định quyền hạn rõ ràng của vua, của
dân, của bảo hộ, nếu được như thế thì chúng tôi xin biểu đồng tình ngay”10.
Lập luận cho tính cấp bách của việc ban hành Hiến pháp, Phạm Quỳnh viết:
“Cần phải lập ra một cái Hiến pháp khiến cho có thể đặt được một Chính
phủ Việt Nam chân chính, hành động ở dưới quyền kiểm soát của bảo hộ.
Như thế thì quyền quân chủ nước Nam sau này không thể là quân chủ chuyên
chế được nữa; phải là quân chủ lập hiến vậy”11… Việc
nội trị của nước Nam vẫn phải ở trong tay người An Nam, bảo hộ chỉ có
cái chức trách khuyên bảo, cái chức trách kiểm soát mà thôi. Quốc vương
An Nam vẫn giữ quyền nội trị trong nước như xưa. Khi Chính phủ Việt Nam
với Chính phủ bảo hộ có điều xung đột, thời việc phân tranh sẽ đem điều
đình tại Paris bằng phương pháp ngoại giao và ở Paris sẽ đặt một phái bộ
An Nam thường trực để thay mặt cho Chính phủ Việt Nam ở trước Chính phủ
Pháp”12.
Mặc dù có tinh thần yêu nước, nhưng tư
tưởng lập hiến của Phạm Quỳnh khó có thể thực hiện được vì đất nước còn
bị đô hộ và phụ thuộc nước ngoài, không có độc lập, tự do thì không thể
có Hiến pháp thực sự được.
3. Tư tưởng lập hiến của Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Trực và Đảng lập hiến ở Nam Kỳ
Theo GS. Trần Văn Giàu, sau chiến tranh
thế giới thứ nhất, cũng như trước đó, báo chí ở Nam Kỳ thịnh hơn ở Bắc:
năm 1920 ở Nam Kỳ có đến mười tờ báo quốc ngữ và một vài tờ báo Pháp ngữ
của người Việt Nam13. Giữa những năm 20 của thế kỷ XX, do
ảnh hưởng của các cuộc cách mạng và cải cách trên thế giới, tình hình
chính trị Nam Kỳ trở nên sôi động, xuất hiện nhiều phong trào quần chúng
lớn, nhiều tổ chức chính trị có hoạt động đáng kể. Nổi bật trong phong
trào đó có Đảng lập hiến mà người đứng đầu là Bùi Quang Chiêu (kỹ sư) và
các thành viên điển hình là Nguyễn Phan Long (nhà báo), Nguyễn Trực
(nhà báo), Dương Văn Giáo (luật sư), Trần Văn Đôn (bác sĩ), Trương Văn
Bền (nhà tư sản), Diệp Văn Kỳ (sinh viên luật ), Trần Văn Khá, Lê Quang
Liêm, Nguyễn Tấn Dược, Nguyễn Kim Đính, Nguyễn Văn Thinh… Cơ quan ngôn
luận của Đảng lập hiến là tờ báo La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ)
sau đổi tên là La Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương). Lý giải về
nguồn gốc ra đời của Đảng lập hiến, GS. Trần Văn Giàu viết: “Hồi
chiến tranh đang diễn ra ác liệt, để làm tiền, bòn lúa, bắt lính, bắt
phu, viên toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut hứa hươu, hứa vượn, trong
đó có hứa một Hiến pháp cho Đông Dương, lại có hình ảnh son phấn của
một xứ “Đông Dương – nước Pháp Viễn Đông”. Bùi Quang Chiêu, Phạm Phú
Khai, Nguyễn Phan Long… bám vào chữ Hiến pháp đó để lập ra Đảng lập hiến
Đông Dương. Đảng lập hiến Đông Dương tự gọi là Đông Dương, kỳ thật nó
không hề vượt ra ngoài ranh giới Nam Kỳ”14.
Có thể coi một loạt bài trên La Tribune
Indigène năm 1919 là sự thể hiện tư tưởng của Đảng lập hiến. Đáng chú ý
là bài viết của Nguyễn Trực vào các số ngày 7, 8 và 14 tháng 1 năm 1919.
Theo Nguyễn Trực, thế giới sau đại chiến thế giới lần thứ nhất là một
thế giới đang biến đổi sâu sắc và phổ biến: Đông Dương và Nam Kỳ không
thể là ngoại lệ. Ông viết: “Một luồng gió cải cách thổi qua khắp mặt
trái đất, không nước nào không. Từ nước Trung Hoa mà người ta nghĩ đã
hoá thạch trong cái huy hoàng thiên cổ, đến nước Nga của các Sa hoàng,
cha của bọn bần nông, qua nước Đức đang sôi sục, nước Áo, Hung đang tan
rã và nước Nhật ở đó Vua được tôn trọng như Trời, khắp các nơi tâm trí
con người đang biến đổi sâu sắc, biến đổi chẳng những trong hiến pháp
chính trị các dân tộc mà cả trong các ngành hoạt động khác của loài
người. Từ trước chưa hề nghe người ta viết nhiều, nói nhiều đến những
danh từ thần bí: tự do, nhân quyền, như bây giờ, chưa hề lúc nào tư
tưởng con người chứa đựng những lời lẽ bác ái và nhân đạo như bây giờ”15.
Trong bài diễn văn đọc tại một tiệc trà
của người Việt Nam tại Pháp vào tháng giêng năm 1926 được Đông Dương
thời báo đăng lại ngày 10/3/1926, Bùi Quang Chiêu đã thể hiện sự bất
bình của mình với chế độ thuộc địa mà người Pháp đã áp đặt tại Việt Nam:
“Chúng ta xem lại cái lịch sử mấy ngàn năm của ông cha ta thuở
trước, lại thấy cái năng lực của chúng ta về tinh thần và đạo đức, thì
rõ được cái vận mệnh của nước nhà và chỉ noi theo đó mà đi. Cứ theo cái
trình độ tiến hoá của chúng ta mà so với trình độ tiến hoá của các nước
lân cận ta thì chúng ta phải chua xót, phải căm tức cho ai đã làm mất
bao nhiêu thời giờ của ta, phí biết bao nhiêu tài sản của ta, hao biết
bao nhiêu tinh lực của ta, khiến nay ta phải giậm chân lên mà la rằng:
Đồng bào ơi, bước mau lên! Hãy cùng nhau quyết chí bước mãi tới đi…
Chúng ta đâu có chối những sự tiến bộ về mặt vật chất ở xứ ta khoảng 60
năm nay, song chúng ta thử nghĩ nếu như họ dừng thi hành cái chính sách
thuộc địa hẹp hòi, thiển cận kia, đừng vì những lợi ích trước mắt nhỏ
nhen mà đè ép dân hồn, dân trí ta xuống, mà miệt thị những điều thỉnh
cầu chính đáng của ta, thì cái bước đường tiến hoá của dân ta ngày nay
há chỉ tới đây hay sao?”16.
Theo GS. Trần Văn Giàu, nhóm La Tribune
Indigène mặc dù bất bình với chính sách thuộc địa nhưng lại thuộc vào
những người tin vào khả năng cải cách tiến bộ của thực dân Pháp. Họ cho
rằng suốt mấy năm chiến tranh, dân Đông Dương đã góp nhiều người, nhiều
của cho Pháp thì dân Đông Dương tất nhiên phải có thêm quyền lợi mới,
quyền lợi đó là chế độ chính trị xứ này phải được nới rộng cho người
Đông Dương được tham chính. Báo này đã viết: “Suốt bốn năm chiến tranh,
người Đông Dương đã có dịp chứng tỏ một cách hùng hồn và rực rỡ với mẫu
quốc cái lòng trung thành, lòng tri ân của mình. Song vì cái thể chế
Đông Dương nó như thế, cho nên nhân dân không được khuyến khích phải lưu
ý đến việc chính trị, tham dự vào sự nghiệp tiến bộ ở xứ này, việc ấy
dành riêng cho các nhà cai trị làm gì thì làm theo cảm hứng của họ, còn
nhân dân thì bị động thôi”17. La Tribune Indigène nghĩ rằng,
chế độ trước đây là cần thiết phải như thế vì trình độ dân thấp kém, bây
giờ thì dân đã có tiến bộ rồi nên “bắt đầu cảm giác bị chật chội ở
trong cái chế độ chính trị đã trở thành hẹp hòi đối với trình độ tiến
hoá của chúng tôi. Đã đến lúc phải nới rộng ra để cho phép người bản xứ
tham gia một cách đắc lực vào đời sống công cộng của nước họ”. Theo GS.
Trần Văn Giàu, Nguyễn Trực cũng như những người theo chủ nghĩa cải lương
của báo La Tribune Indigène nghĩ rằng phải tiến hoá từ từ, không nên
đốt cháy giai đoạn nhưng cũng không nên vì lẽ “cẩn thận” nào mà cản trở
sự phát triển tự do của một dân tộc đông hai mươi triệu. Tư tưởng chủ
đạo của Đảng lập hiến của Bùi Quang Chiêu là xây dựng Hiến pháp và đấu
tranh vì các quyền tự do, dân chủ của dân An Nam bằng phương pháp đấu
tranh ôn hoà, chống bạo động và trong khuôn khổ thừa nhận chính quyền
bảo hộ của Pháp. Bùi Quang Chiêu đã có lần tuyên bố: “Tôi xin thề
trước linh hồn ông Phan Chu Trinh rằng, tôi xin tận tụy về việc nước,
anh em đồng bào có thể tin cậy ở tôi, ở người lãnh tụ của Đảng lập hiến
nước ta. Nhưng yêu nước không phải là xuẩn động, mà phải thân thiện với
người Pháp, người Pháp là một giống người rất trọng công lý và nhân đạo;
ta cứ tin ở người ta và liên lạc với người ta một cách thành thật. Vậy
hãy nén lòng mà đợi, không phải cúi đầu mà đợi. Phải biết rằng người dám
đợi tức là người có can đảm; đợi khi nào người Pháp không làm gì mà chỉ
hứa suông thôi thì tới cái giờ đó ta sẽ xử trí sau”18.
Báo La Tribune Indigène có nhiều yêu cầu đối với Chính phủ bảo hộ Pháp, tuy nhiên đáng kể nhất là bốn yêu cầu:
“- Điều thứ nhất mà dân An Nam trông đợi
là cải cách về tuyển cử, làm sao cho người An Nam được tham gia thực sự
và đầy đủ vào việc quản trị việc công ở xứ này. Người đóng thuế phải
trở thành người công dân Đông Dương (Le citoyen indochinois), có thể qua
đại biểu của mình mà có thể kiểm soát bộ máy cai trị một cách có hiệu
lực.
– Điều cải cách thứ nhì, đồng thời với cải cách tuyển cử, là cho người An Nam được tự do ra báo, tự do ngôn luận.
– Điều thứ ba, xin có ngày cho Đông Dương quyền được tự trị đối với Pháp như Canada đối với Anh.
– Điều thứ tư, cho dân An Nam ban hành một bản Hiến pháp”19.
Cũng giống như Phạm Quỳnh, tư tưởng lập
hiến của Bùi Quang Chiêu và Đảng lập hiến của ông mặc dù khó có thể thực
hiện được khi đất nước còn bị thực dân Pháp đô hộ, tuy nhiên, việc công
khai tranh luận và yêu cầu Chính phủ bảo hộ ban hành Hiến pháp và thừa
nhận các quyền tự do dân chủ cho dân An Nam là thông điệp quan trọng của
người dân bản xứ đối với chế độ thuộc địa, rằng cần phải thay đổi chế
độ đó nếu không sớm hay muộn nó cũng sẽ bị sụp đổ. Người dân Việt Nam sẽ
bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn sẽ giành lấy quyền tự chủ của
mình, giành độc lập tự do cho đất nước, bảo vệ các quyền con người và
quyền công dân của mình.
4. Tư tưởng lập hiến của Nguyễn An Ninh (1900 – 1943) và Phan Văn Trường (1876 – 1933)
Nguyễn An Ninh là một cử nhân luật, tốt
nghiệp đại học Sorbonne, Paris năm 1920 khi vừa tròn 20 tuổi. Năm 1922,
anh trở về Việt Nam và năm 1923 anh đã thành lập tờ báo La cloche fêlée
(Tiếng chuông rè). Từ năm 1926, tờ báo này đổi tên thành L, Annam và có
sự cộng tác của Tiến sĩ-Luật sư Phan Văn Trường. Cùng với việc tuyên
truyền các tư tưởng về tự do, dân chủ thông qua các bài viết trên báo La
cloche fêlée, Nguyễn An Ninh và Phan Văn Trường đã thể hiện tư tưởng
lập hiến của mình. Nguyễn An Ninh đã viết: “Hỡi đồng bào, các bạn
đòi tôn trọng tự do cá nhân, tự do tư tưởng, tự do lập hội, tự do giảng
dạy, tự do đi lại, tự do làm việc; việc các bạn muốn dân tộc An Nam có
những hội đồng là nơi mọi từng lớp xã hội được đại diện để chăm lo cho
lợi ích chung, các bạn muốn có Hiến pháp để đảm bảo tự do và quyền lợi
của các bạn…”20. Để tuyên truyền các quyền tự do dân chủ
cho nhân dân, năm 1923 Nguyễn An Ninh đã biên soạn cuốn sách “Dân ước –
dân quyền – dân đạo” mà tư tưởng chủ đạo của nó xuất phát từ tác phẩm
“Khế ước xã hội”(Le contrat social) của J. J. Rousseau. Các số báo La
Cloche fêlée từ 42 đến 68 đã đăng bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền
của Pháp và các Hiến pháp đầu tiên của Pháp: 1791, 1793, 1794. Về tổ
chức bộ máy nhà nước, tư tưởng của Nguyễn An Ninh là xây dựng một chế độ
cộng hoà trong đó có Nghị viện đại diện cho quyền lợi của dân phải bao
gồm những đại biểu do dân chọn lựa bầu ra một cách dân chủ. Về tổ chức
chính quyền địa phương, Nguyễn An Ninh đánh giá cao thể chế làng xã tự
trị ở Việt Nam đã xuất hiện trong thời kỳ phong kiến và chủ trương duy
trì thiết chế xã thôn tự trị, ông viết: “Đó là một cơ sở cộng hoà,
có ban hương chức hội tề do dân bầu ra, có tổ chức nội trị, trong đó mỗi
công dân đều có chức nghiệp, chức trách, một nghĩa vụ, với ngân sách
riêng, cái cơ chế làng xã An Nam đã khiến cho những cơ chế dân chủ hiện
đại tốt nhất cũng phải ghen tỵ”21.
Tiến sĩ – luật sư Phan Văn Trường cũng
như Phan Chu Trinh là người đánh giá cao thuyết phân chia quyền lực và
việc ứng dụng học thuyết này trong xây dựng Hiến pháp và tổ chức bộ máy
nhà nước. Khi nói về Hiến pháp, ông luôn quan tâm đến việc phân quyền
trong tổ chức bộ máy nhà nước: “Ở những nước có Hiến pháp, cái chủ
ngãi quan hệ nhất là cái chủ ngãi phân quyền (principe de la separation
des pouvoirs). Phân quyền nghĩa là lập nên những quyền trong quốc gia
đứng tự chủ, không có quyền nọ phải lụy quyền kia, như là quyền lập pháp
là quyền làm ra pháp luật, đứng tự chủ, không quỵ lụy quyền hành pháp
là quyền thi hành những pháp luật đã ra rồi”22.
5. Tư tưởng lập hiến của Việt Nam quốc dân Đảng (1927-1930)
Việt Nam quốc dân Đảng được thành lập
năm 1927 và chỉ tồn tại đến năm 1930 do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Việt
Nam quốc dân Đảng lấy chủ nghĩa tam dân (dân tộc, dân quyền, dân sinh)
của Tôn Dật Tiên làm chủ nghĩa chính thức, thực hiện chủ trương đánh
đuổi thực dân Pháp, giành độc lập cho nước nhà bằng bạo động cách mạng.
Theo TS. Phan Đăng Thanh, ở Việt Nam, từ năm 1925-1929 không có chủ
nghĩa chính trị nào được bàn luận, phiên dịch, phổ biến nhiều bằng chủ
nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn. Theo học giả Trần Văn Giàu: “Chủ
nghĩa cách mạng của Tôn Dật Tiên bao gồm chủ nghĩa tam dân và Ngũ quyền
Hiến pháp. Chủ nghĩa tam dân gồm ba bộ phận: chủ nghĩa dân tộc, chủ
nghĩa dân quyền và chủ nghĩa dân sinh. Còn ngũ quyền Hiến pháp là: lập
pháp, hành pháp, tư pháp, củ soát và khảo thí”23.
6. Tư tưởng lập hiến của Phan Chu Trinh (1872-1926)
Một trong những chiến sĩ tiên phong khởi
xướng và truyền bá tư tưởng dân chủ và tư tưởng lập hiến ở Việt Nam là
Phan Chu Trinh. Vào năm 1902, Phan Chu Trinh đã bắt đầu tiếp thu tư
tưởng dân chủ tư sản phương Tây và những tư tưởng cải cách đất nước của
Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Bạch. Những nguồn tư tưởng này giúp ông đề
xướng tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Phan Chu
Trinh đã coi việc mở mang dân trí là tiền đề để xây dựng xã hội dân chủ.
Là người kịch liệt phản đối chế độ quân chủ chuyên chế, ông đã viết: “Cái
độc chuyên chế cùng cái hủ nho nhà ta đã trở thành chứng bệnh bất trị
mà học thuyết tự do, dân quyền Âu Tây là vị thuốc đắng để chữa bệnh đó”24. Ông đưa ra tư tưởng dân quyền, chủ trương bầu cử những người xứng đáng vào bộ máy nhà nước.
Năm 1922, trong Thư thất điều gửi Hoàng đế Khải Định
ông đã buộc tội nền quân chủ chuyên chế là nguyên nhân sâu xa làm cho
dân tộc ta suy yếu và để mất độc lập, chủ quyền. Ông nêu ra 7 tội đáng
phải chết của Khải Định là:
1. Tôn bậy quân quyền;
2. Thưởng phạt không công bình;
3. Chuộng sự quỳ lạy;
4. Tiêu xài hoang phí;
5. Phục sức không đúng phép tắc quân vương;
6. Chơi bời vô độ;
7. Chuyến này đi Pháp với mục đích ám muội, duy trì quân quyền.
2. Thưởng phạt không công bình;
3. Chuộng sự quỳ lạy;
4. Tiêu xài hoang phí;
5. Phục sức không đúng phép tắc quân vương;
6. Chơi bời vô độ;
7. Chuyến này đi Pháp với mục đích ám muội, duy trì quân quyền.
Công kích Khải Định ông viết: “Đó chẳng
phải là công kích cá nhân Bệ hạ mà là công kích một hôn quân, cũng không
phải vì tư kỹ của Trinh này mà làm, mà vì hai mươi triệu đồng bào xô
ngã chuyên chế, ủng hộ tự do vậy”. Đề cao tư tưởng dân chủ tự do ông
viết: “Nhật Bản là nước đồng chủng, đồng giống với nước ta, bốn mươi năm
trước họ lập ra Hiến pháp cho dân được bầu cử Nghị viện, còn việc chính
trị trong nước theo ý của dân chứ Vua không được chuyên quyền”25.
Tư tưởng xây dựng Hiến pháp và một nhà nước dân chủ thể hiện rất rõ trong bài diễn thuyết “Quân trị và dân trị chủ nghĩa” của
ông tại Hội khuyến học Sài gòn: “Trong nước có Hiến pháp, ai cũng phải
tôn trọng Hiến pháp, cái quyền của Chính phủ cũng bởi Hiến pháp quy định
cho, lười biếng không được mà dẫu có muốn áp chế cũng không chỗ nào thò
ra được. Vả lại, khi có điều gì vi phạm đến pháp luật thì người nào
cũng như người nào, từ ông Tổng thống đến một người nhà quê cũng chịu
theo pháp luật như nhau”26.
Phân tích chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ dân chủ, Phan Chu Trinh đã chỉ ra những ưu thế của chế độ dân chủ: “So
sánh hai cái chủ nghĩa quân trị và dân trị ta thấy chủ nghĩa dân trị
hay hơn chủ nghĩa quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay
của một triều đình mà trị nước thì cái nước ấy không khác nào một đàn
dê, được no ấm vui vẻ hay đói khát khổ sở tuỳ theo lòng của người chăn.
Còn như theo cái chủ nghĩa dân trị thì quốc dân lập ra Hiến pháp, luật
lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung của cả nước, lòng quốc dân thế
nào thì làm thế đấy, dù không có người tài giỏi thì cũng không đến nỗi
phải để dân khốn khổ làm tôi mọi một nhà, một họ nào”27.
Không những cổ vũ cho thuyết dân trị,
Phan Chu Trinh còn phân tích một cách sâu sắc những ưu thế của việc tổ
chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc phân chia quyền lực của John Locke
và Montesquieu: “Đây tôi nói về cái chính thể bên Pháp. Ở trong nước
có Nghị viện gồm Thượng viện và Hạ viện. Hạ viện là viện quan hệ nhất;
khi nào đặt Tổng thống hay thiếu mà đặt lại thì hợp người trong hai viện
ấy mà bỏ thăm. Người ra ứng cử cũng ở trong hai viện ấy. Ai được nhiều
thăm nhất thì chọn người ấy làm Tổng thống. Khi được bầu rồi thì Tổng
thống phải thề trước hai viện rằng: Cứ giữ theo Hiến pháp dân chủ, không
phản bạn, không theo đảng này, chống đảng kia, cứ giữ công bình, nếu có
làm bậy thì dân trục xuất ngay. Còn Chính phủ cũng bởi trong hai viện
ấy mà ra. Nhưng mà giao quyền cho Đảng nào chiếm số nhiều trong hai viện
ấy mà lập ra Quốc vụ viện (tức Chính phủ, Nội các); theo Quốc vụ viện
bây giờ chừng đâu cũng vài chục bộ nhưng không phải ăn không ngồi rồi
như các ông Thượng thư bên ta đâu. Ông nào cũng có trách nhiệm của ông
ấy cả. Cái gì mà không bằng lòng dân thế nào cũng có người chỉ trích…”. Phân tích cơ chế phân chia quyền lực ông viết: “Cái
quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử
án thì giao cho các quan án là những người học giỏi luật lệ, có bằng
cấp; các quan án chỉ coi việc xử đoán, có quyền độc lập, cứ theo lương
tâm công bình, chiếu theo pháp luật mà xử, xử Chính phủ cũng như xử một
người dân. Các quan án ở về một viện riêng gọi là Viện tư pháp. Quyền tư
pháp cũng như quyền hành chính của Chính phủ và quyền lập pháp của Nghị
viện đều đứng riêng ra, không hợp lại trong tay một người nào”28.
Điều đáng lưu ý nhất trong tư tưởng lập hiến, lập pháp của Phan Chu
Trinh chính là ở chỗ tuy đánh giá cao tư tưởng lập hiến, lập pháp của
Montesquieu và Rousseau nhưng ông hoàn toàn chống lại những người tiếp
thu một cách máy móc tư tưởng phương Tây. Trong bài diễn thuyết “Đạo đức
và luân lý Đông Tây” ông gọi những người nho học cũ và bảo thủ là “hủ
nho” còn những người tây học mất gốc, sùng bái nước ngoài vô lối là “hủ
tây”. Ông nói rằng: cả “hủ nho” và “hủ tây” đều là loại người dân nước
phải biết phân biệt để tránh cho xa, kẻo mang họa cho dân nước29.
Như vậy có thể thấy, tư tưởng lập hiến, lập pháp của Phan Chu Trinh là
gạn lọc những tinh hoa của tư tưởng dân chủ phương Tây cũng như những
yếu tố dân chủ tốt đẹp của công xã nông thôn và đạo đức thuần khiết của
phương Đông để xây dựng một nền Hiến pháp và pháp luật cho nước nhà khi
dân ta làm chủ đất nước30.
7. Tư tưởng lập hiến của Phan Bội Châu (1867- 1940)
Tư tưởng lập hiến của nhà yêu nước Phan
Bội Châu hình thành và phát triển qua hai giai đoạn: Giai đoạn ông sáng
lập Duy tân hội năm 1904 và giai đoạn sáng lập Quang phục hội năm 1912.
Trong giai đoạn sáng lập Duy tân hội, tư tưởng của Phan Bội Châu là xây
dựng chế độ quân chủ lập hiến. Trong “Phan Bội Châu niên biểu”, ông đã
thuật lại cuộc tranh luận giữa ông và nhà yêu nước Phan Chu Trinh: “Ông
(Phan Châu Trinh) thì muốn trước hết phải đánh đổ ngay quân chủ để làm
cơ sở xây dựng dân quyền; Tôi (Phan Bội Châu) thì muốn đánh đuổi ngay
giặc Pháp, đợi khi nước nhà độc lập rồi sẽ mưu tính đến việc khác. Ý tôi
là muốn lợi dụng quân chủ, thì ông cực lực phản đối. Ý ông là muốn đánh
đổ quân chủ, đề cao quyền dân thì tôi không tán thành. Vì ông với tôi
cùng một mục đích nhưng thủ đoạn khác nhau rất xa. Ông thì đi từ chỗ dựa
vào Pháp để đánh đổ Pháp, đánh đổ vua, tôi thì đi từ chỗ đánh đổ Pháp
để phục lại Việt, do đó mà khác nhau”31. Sự khác nhau
giữa Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh chủ yếu không phải là chọn chế độ
quân chủ và cộng hoà mà là ở những phương pháp để đạt đến độc lập dân
tộc. Phan Châu Trinh chủ yếu tin vào khả năng hoạt động hợp pháp, bằng
cách cộng tác với chính quyền thực dân để thay đổi hiện trạng bằng một
loạt cải cách dần dần. Phan Bội Châu muốn tập hợp lực lượng giải phóng
dân tộc bằng đấu tranh vũ trang, sau đó mới tính đến các chuyện khác”32.
Tư tưởng dân chủ của Phan Bội Châu đã có những phát triển đáng kể khi
ông thành lập Việt Nam Quang phục hội vào năm 1912. Từ tư tưởng xây dựng
chế độ quân chủ lập hiến ông đã chuyển sang chủ trương xây dựng chế độ
cộng hoà và đã nhận xét rằng: “Chế độ cộng hoà dân quốc là hay là đúng”.
Trong tuyên ngôn chính trị của Việt Nam Quang phục hội năm 1912 đã ghi
rõ:
“Nay bản hội xét sau, xem trước,
Nghĩ cuộc đời thế nước bấy lâu,
Gần thì bắt chước theo tàu,
Xa thì người Mỹ, người Âu làm thầy”33.
Nghĩ cuộc đời thế nước bấy lâu,
Gần thì bắt chước theo tàu,
Xa thì người Mỹ, người Âu làm thầy”33.
8. Tư tưởng lập hiến của Nguyễn Ái Quốc (1890 – 1969) và Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyễn Ái Quốc sinh ra và trải qua tuổi
thơ vào những năm cuối thế kỷ XIX, trong một gia đình nhà nho yêu nước,
cha là Nguyễn Sinh Sắc (1863 -1929) đỗ Phó bảng cùng khoa năm 1901 cùng
với Phan Châu Trinh, Ngô Đức Kế. Nguyễn Ái Quốc khi nhỏ có tên là Nguyễn
Sinh Cung, sau đổi là Nguyễn Tất Thành, lớn lên và trưởng thành vào
những năm thế giới đầy biến động. Ngay từ những ngày còn học ở Trường
Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành đã khâm phục tinh thần yêu nước của các
nhà cách mạng Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh. Tuy nhiên, sau này Nguyễn
Tất Thành đã không lựa chọn con đường cứu nước bằng cách Đông Du sang
Nhật hay đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ và quyền tự trị của dân
An Nam trong khuôn khổ thừa nhận chế độ bảo hộ. Nguyễn Ái Quốc đã bôn ba
khắp năm châu, bốn biển từ Pháp đến Anh, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Hồng
Công…để tìm đường cứu nước. Năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã viết Bản yêu
sách của nhân dân An Nam (Revendications du peuple Annamite) gửi Hội
nghị Versailles (Hội nghị của những nước thắng trận trong đại chiến thế
giới lần thứ nhất, ngày 18/6/1919). Bản yêu sách bao gồm 8 điểm:
1. Tổng ân xá cho những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng
cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp
luật như người châu Âu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm
công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An
Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và tự do hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay thế chế độ ra sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản
xứ do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết
được những nguyện vọng của người bản xứ34.
Năm 1922, Bản yêu sách này đã được
Nguyễn Ái Quốc viết lại thành diễn ca với tựa đề “Việt Nam yêu cầu ca”
để phổ biến rộng rãi trong giới bình dân ở Việt Nam và nước ngoài. Đáng
lưu ý điều yêu cầu thứ bảy đã được thể hiện rõ là yêu cầu lập hiến:
“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”.
Ngay từ khi mới thành lập, Đảng Cộng sản
Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng
của việc xây dựng một nền pháp luật thể hiện ý chí của giai cấp công
nông và quần chúng lao động. Nghị quyết Hội nghị trung ương Đảng lần thứ
VII (tháng 11/1940) đã nhắc lại nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền
và đề ra các nhiệm vụ cần thực hiện, trong đó có nhiệm vụ ban bố Hiến
pháp dân chủ; ban bố các quyền tự do dân chủ cho nhân dân; tự do ngôn
luận, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do tổ chức, tự
do bãi công biểu tình, tự do đi lại và tự do xuất dương.
Tóm lại, trước Cách mạng tháng 8/1945,
mặc dù trong điều kiện phải hoạt động bí mật, Đảng Cộng sản Việt Nam đã
đặt ra nhiệm vụ hàng đầu là phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc
lập, và để chuẩn bị xây dựng nước nhà trong điều kiện khi đất nước đã
độc lập rồi thì phải ban bố Hiến pháp dân chủ để đảm bảo các quyền và
lợi ích hợp pháp của nhân dân.
---------------------------
Chú thích:
1. Xem: Trần Văn Giàu, Sự phát triển của
tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 1, Nxb.
Chính trị quốc gia, 1996, tr. 390.
2. Sách đã dẫn, tr. 390.
3. Sách đã dẫn, tr. 390.
4. Sách đã dẫn, tr. 391.
5. Xem: Thái Vĩnh Thắng, Lịch sử lập hiến Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 1997, tr. 12.
6. Tạp chí Nam Phong, số 189, tháng 10/1933.
7. Xem: Phan Đăng Thanh, Tư tưởng lập hiến Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX, Nxb.Tư pháp, 2006, tr. 182.
8. Xem: Sách đã dẫn, tr. 182-183.
9. Xem: Phạm Quỳnh, Vấn đề lập hiến cho nước Nam, Tạp chí Nam Phong, số 151, tháng 6/1930.
10. Phạm Quỳnh, Vấn đề lập hiến cho nước Nam, Tạp chí Nam Phong, số 151, tháng 6 năm 1930.
11. Tài liệu đã dẫn.
12. Phạm Quỳnh, Câu chuyện lập hiến, Tạp chí Nam phong, số 173, năm 1932.
13. Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư
tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 2, Nxb.
Chính trị quốc gia, 1997, tr. 513.
14. Trần Văn Giàu, Lược sử thành phố Hồ Chí
Minh, Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, tập 1, Nxb. Tp. Hồ Chí
Minh, 1987, tr. 288.
15. Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư
tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến Cách mạng tháng Tám, tập 2, Nxb.
Chính trị quốc gia, 1997, tr. 513.
16. Sách đã dẫn, tr. 519.
17. Sách đã dẫn, tr. 514.
18. Sách đã dẫn, tr. 521-522.
19. La Tribune Indigène ngày 18/5/1919.
20. Nguyễn An Tịnh, Nguyễn An Ninh, Nxb. Trẻ tp. Hồ Chí Minh, 1996, tr.170.
21. Xem: Nguyễn An Tịnh: Nguyễn An Ninh, Nxb. Trẻ, tp. Hồ Chí Minh, 1996, tr. 134.
22. Xem: Phan Văn Trường, Pháp luật lược luận, Nxb. Xưa – Nay, Sài Gòn, 1926, tr. 18 -28.
23. Xem: Trần Văn Giàu, Hệ ý thức tư sản và
sự thất bại của nó trước nhiệm vụ lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 1997, tr. 551.
24. Xem: Phan Chu Trinh, Giai nhân kỳ ngộ, Nxb. Hướng Dương, Sài Gòn, 1958, tr.39.
25. Phan Chu Trinh: Bài diễn thuyết về quân trị và dân trị chủ nghĩa, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 67, tháng 10-1964, tr. 22.
26. Tài liệu đã dẫn.
27. Tài liệu đã dẫn.
28. Phan Chu Trinh, Thư thất điều gửi Hoàng đế Khải Định ở Paris năm 1922, Nxb. An ninh, Huế, 1958, tr. 22 – 26.
29. Đỗ Thị Hoà Hới, Tìm hiểu tư tưởng dân chủ của Phan Chu Trinh, Nxb. Khoa học xã hội, 1996, tr. 135.
30. Thái Vĩnh Thắng, Lịch sử lập hiến Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, 1997, tr.17.
31. Phan Bội Châu niên biểu, Phạm Trọng Điềm và Tôn Quang Phiệt dịch, Nxb. Văn, Sử, Địa, Hà Nội, 1957, tr. 72.
32. Xem: Chương Thâu, Nghiên cứu Phan Bội Châu, Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2004, tr. 38.
33. Xem: Hợp tuyển Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900-1930), tr. 392
34. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995 – 1996, tr. 435-436.
Rất tiếc là tác giả đã không tham khảo các sử liệu 20 năm trở lại đây. Đoạn cuối viết về Nguyễn Tất Thành Nguyễn Ái Quốc đã không được chính xác.
Trả lờiXóa“Việt Nam yêu cầu ca"
Rằng nay gặp hội Giao hoà,
...
Việt Nam xưa cũng oai thiêng,
Mà nay đứng trước thuộc quyền Lang sa.
Lòng thành tỏ nỗi xót xa,
Giám xin đại quốc soi qua chút nào.
Tiếp theo là tám điểm yêu sách gồm:
Một xin tha kẻ đồng bào (1)
Vì chưng chính trị mắc vào tù giam.
Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây, người Việt hai phương cùng đồng.
Những toà đặc biệt bất công,
Dám xin bỏ đứt rộng dung dân lành(2)
Ba xin rộng phép học hành,
Mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương.(3)
Bốn xin được phép hội hàng;
Năm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do.
Sáu xin được phép lịch du,
Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình;
Bảy xin hiến pháp ban hành(4)
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền.
Tám xin được cử nghị viên(5)
Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân.
Tám điều cặn tỏ xa gần,
Chứng nhờ vạn quốc công dân xét tình.
Riêng nhờ dân Pháp công bình,
Đem lòng đoái lại của mình trong tay.
Pháp dân nức tiếng xưa nay,
Đồng bào, bác ái sánh tày không ai!
Nỡ nào ngảnh mặt ngơ tai,
Để cho mấy ức triệu người bơ vơ.
Dân Nam một dạ ước mơ,
Lâu nay từng núp bóng cờ tự do.
Rộng xin dân Pháp xét cho
Trong phò tiếng nước sau phò lẽ công (6)
Dịch mấy chữ quốc âm bày tỏ
Để đồng bào lớn nhỏ được hay.
Hoà bình may gặp hội này,
Tôn sùng công lý, đoạ đày dã man.
Nay gặp hội khải hoàn hỉ hả
Tiếng vui mừng khắp cả đồng- dân.
Tây vui chắc đã mười phần,
Lẽ nào Nam lại chịu thân tôi đòi.
Hẵng mở mắt mà soi cho rõ
Nào Ai Lan, Ấn Độ, Cao Ly,
Xưa, hèn phải bước suy di,
Nay, gần độc lập cũng vì dân khôn.
Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt
Thế cuộc này phải biết mà lo (7)
Đồng bào, bình đẳng, tự do,
Xét mình rồi lại đem so với người
Ngổn ngang lời vắn ý dài,
Anh em đã thấu lòng này cho chưa.
Nguyễn Ái Quốc
(1)(2)Nguyễn Tất Thành cho tới lúc đó chưa một lần bị tù giam. Chỉ có các vị lớn tưổi lúc đó (Phan Châu Trinh, 1872, 50 tuổi. Phan Văn Trường, 1876, 46 tuổi) mới có thể viết các điều này. Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường bị giam 1,2 năm 1914-1915 ở Pháp vì trốn lính.
(3) Giáo dục, công thương là tư tưởng Phan Châu Trinh "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh".
(4) Tư tưởng Hiến pháp, chỉ có ở Phan Châu Trinh, Phan văn Trường. Nguyễn Tất Thành chưa từng qua Nhật, cho tới thời điểm đó. Nước Nhật cho tới thời điểm đó là khuôn mẫu cho các nhà tranh đấu Việt, nhân sự kiện Hải quân Nhật đánh thắng Hải quân Nga năm 1905. Phan Châu Trinh qua Nhật năm 1906, cùng với Phan Bội Châu. Đàm đạo cùng Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, là các trí thức Trung quốc, về thay đổi chế độ quân chủ thành quân chủ lập hiến.
(5) Nghị viên các thuộc địa là ý kiến của Phan Chu Trinh.
(6)(7) Trích "Nay, gần độc lập cũng vì dân khôn.
Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt
Thế cuộc này phải biết mà lo" (7)
Lời lẽ tha thiết như thế này có lẽ chỉ có ở các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường.
Vì thế có thể kết luận được rằng: Yêu sách 8 điểm là của nhóm các ông Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường chủ biên, đứng qua tên Nguyễn Ái Quốc, gửi đến Hội Nghị Versailles, Pháp, ngày 28 tháng 6 năm 1919. Hội nghị các nước thắng trận và bại trận. Không phải của riêng Nguyễn Tất Thành. Các tên Phan Chu Trinh, Phan Văn trường đều có tên trong sổ đen của mật thám Pháp.
Trong một buổi ăn cơm ở khách sạn Montparnasse có sự có măt của các ông Phan Chu Trinh, Lê Thanh Cảnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tất Thành, nhân dịp Phạm Quỳnh qua Pháp, năm 1922. Viết về buổi họp măt này, ông Phan Chu Trinh viết
Cụ Phan viết: “Tôi đã gặp Nguyễn Ái Quốc từ 10 năm trước đây (khoảng 1912-1913) mà tôi nhận thấy anh chủ trương cách mệnh triệt để, quá táo bạo nên không thể theo anh được. Và anh cũng không chấp nhận đường lối của tôi. Gần đây (tuy) có tìm đủ cách để dung hòa nhưng tôi thấy còn khó”.
Nghiên cứu sử.
Cảm ơn anh Ts Diện.