Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

MỘT CUỐN SÁCH VỪA CHÀO ĐỜI ĐÃ GÂY CHẤN ĐỘNG!


Lời tựa

Hoàng Dũng (Dzung Hoang)
(Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngôn ngữ)

Từ cuối năm 2013, trên trang Blog Tuấn Công Thư Phòng, Hoàng Tuấn Công bắt đầu công bố những bài viết chỉ ra những sai sót trong trước tác của GS Nguyễn Lân. Những bài viết này gây ra nhiều luồng dư luận khác nhau trong giới chuyên môn và cả trong độc giả đại chúng. Người thì thích thú, kẻ thì bất bình vì sự táo gan của tác giả: một nhà nghiên cứu trẻ, chưa được nhiều độc giả biết tới, dám viết cả một loạt bài đến 300 trang, nay tập hợp lại, cộng thêm những khảo cứu về sau, dày tới hơn 600 trang, tập trung nói đến chỗ chưa được trong những công trình then chốt của một giáo sư lão làng, “vua biết mặt chúa biết tên”. Trong sinh hoạt học thuật, hiếm có một công trình dày dặn do một người viết phê phán một người. Ở nước ta, hình như đây là lần đầu tiên.

Thật lạ lùng! Khi đăng bài bút chiến trên Đông Pháp thời báo năm 1928 với một tên tuổi lão thành như Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Phan Khôi mới 41 tuổi, trẻ hơn Hoàng Tuấn Công bây giờ. Thế mà dư luận thời đó và ngay cả cụ Huỳnh tuyệt nhiên không ai vin vào cớ này để kết tội Phan Khôi xấc láo. Trái lại, cụ Huỳnh nhanh chóng trả lời, nói thẳng tâm phục lời chỉ trích của Phan Khôi!

Cứ đọc Từ điển tiếng Việt của Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu và bỏ qua tất cả những gì ngoài học thuật. Cuốn sách cho thấy tác giả sở đắc một vốn Hán học vững chắc và vốn hiểu biết dân gian giàu có – đây là những tri thức nền nhất thiết phải có đối với những ai muốn nghiên cứu từ và thành ngữ, tục ngữ; mặt khác, tác giả có một cách làm việc minh bạch, khoa học: mỗi luận điểm đều được biện giải, dẫn chứng nguồn tư liệu của chính tác giả hay của các công trình đi trước; độc giả hoàn toàn có thể tự kiểm tra. Hoàng Tuấn Công không phải là người đầu tiên viết về những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân, nhưng có lẽ sẽ là người cuối cùng căn bản khép lại vấn đề đã kéo dài hàng chục năm qua với nhiều tranh cãi. Nhìn theo một chiều hướng khác, cuốn sách vượt ra ngoài khuôn khổ cuộc tranh luận với một cá nhân. Nói như tác giả, “nội dung sách thực chất là những Phê bình và khảo cứu về việc giải nghĩa tiếng Việt”. Đó là một đóng góp lớn cho khoa Từ điển học của nước ta.

Và đâu chỉ khoa Từ điển học. Không khí học thuật ở ta đang trầm lắng quá. Trong cuộc sống tất bật hiện nay, người ta tránh phê phán người khác, “cho nó lành”! Cuốn sách thoát ra khỏi tâm lý “nước sông không phạm nước giếng” ấy, không khoan nhượng trước những sai sót trong khoa học, khiến cho giới nghiên cứu đã cẩn trọng càng cẩn trọng hơn. Mặt khác, không phải tất cả các luận điểm của Hoàng Tuấn Công đều thuyết phục. Và như thế, nó mời gọi tranh luận.

Chẳng phải học thuật tiến lên bằng con đường chông gai của tranh luận hay sao?

--------------------
.
PHÊ BÌNH VÀ TIẾP THU
 
Đỗ Ngọc Thống
(PGS. Tiến sĩ ngữ văn)
 
Cuối năm 2016, trong bài "Nếu GS Nguyễn Lân còn sống..." tôi có nói tới bản thảo cuốn sách của Hoàng Tuấn Công phê bình, khảo cứu hàng loạt sai sót của cụ Nguyễn Lân qua một số cuốn từ điển tiếng Việt. Cũng trong bài ấy, tôi tỏ ý băn khoăn không hiểu sao một bản thảo hay và có ích như thế lại liên tiếp bị mấy nhà xuất bản từ chối.... Sau đó rất nhiều ý kiến lý giải khác nhau về hiện tượng này.

Nhưng đó là năm 2016... còn bây giờ (7/2017) cuốn sách ấy đã ra mắt bạn đọc; đã có nhà xuất bản "dũng cảm" nhận "trách nhiệm" để nó được chào đời.

Tôi mừng cho HTC 5 thì mừng cho NXB ấy 10. Xin trân trọng thông báo với bạn đọc xa gần.

Và bây giờ tôi lại băn khoăn: không hiểu các con, cháu của GS Nguyễn Lân sẽ thế nào khi đọc cuốn sách này ???

Phản ứng như thế nào trước sự góp ý cho những sai sót của mình sẽ là thước đo chính xác về tầm văn hoá của mỗi con người.

Trộm nghĩ, nếu có vinh dự làm con cháu GS Nguyễn Lân, nhất định tôi sẽ đến cảm ơn tác giả cuốn phê bình, khảo cứu này.

HN, 25/07/2017
----------------
.
CHÚC MỪNG HOÀNG TUẤN CÔNG!
 
Nguyễn Quang Lập
(Nhà văn)

Từ tháng 10/2014 khi Quốc Hội tuyên bố kiên quyết ban hành luật biểu tình thì Hoàng Tuấn Công cũng bàn với tôi sẽ viết hẳn một cuốn chỉ ra toàn bộ sai sót của bộ từ điển của Nguyễn Lân. Sau ba năm, luật biểu tình vẫn nằm yên trong ngăn kéo của QH thì cuốn sách của Hoàng Tuấn Công đã ra đời. Sách dày 1.200 trang khổ 13x19, in khổ 16x24 và thu nhỏ chữ lại chỉ còn... 570 trang!

Lịch sử văn hoá Việt chưa có ai viết hẳn một cuốn sách dày như thế để chỉ ra "vô số sai sót" của một giáo sư, nhất là giáo sư đó được mệnh danh là "quốc sư" vừa có tên đường ở Hà Nội.

Hoàng Tuấn Công muôn năm!
 
 

23 nhận xét :

  1. Thực sự nể phục anh Hoàng Tuấn Công. Cách nay 3 năm, đọc những bài khảo cứu của anh về những sai sót trong bộ từ điển của GS Nguyễn Lân, chúng tôi đã mong có được một nghiên cứu thật sự về vấn đề này. Nay sự mong chờ đó đã được đáp ứng. Xin cảm ơn anh.

    Trả lờiXóa
  2. PHONG CÁCH HỌC THUẬT HOÀNG TUẤN CÔNG MUÔN NĂM!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mỗi chúng ta cần phải mua cho được cuốn sách của HTC để học tập và suy ngẫm cũng như sử dụng tiếng Việt được chính xác và đúng nghĩa. Tôi sẽ tìm mua một cuốn cho con học! Cám ơn tác giả Hoàng Tuấn Công.

      Xóa
  3. Tôi thích Hoàng Tuấn Công ở chỗ nói có sách mách có chứng và rất cụ thể chi tiết chứng minh nhận định của mình .Anh đọc nhiều và tiếp tục xứng đáng với người cha đáng kính là Cụ Hoàng Tuấn Phổ .

    Trả lờiXóa
  4. Thế mới công bằng, mà có công băng thì xã hội mới yên ổn được!

    Trả lờiXóa
  5. Tôi cũng từng mua 1 cuốn Từ điển Nguyễn Lân, nhưng bị bạn viết lấy trộm. Thật là chẳng biết nên buồn hay vui. Có điều, văn của kẻ trộm sách đó cũng thường, nhưng lại được rất nhiều giải thưởng và lắm kẻ tung hô.

    Trả lờiXóa
  6. Cụ Nguyễn Lân chưa được học nhiều , nên nhiều sai sót ngớ ngẩn mà thời ấy không có ai thực tâm giúp được . Nhưng cụ cúc cung với chế độ . Do vậy , con cháu của cụ có điều kiện hơn nhiều người và được học hành đến nơi đến chốn , được nâng đỡ , nhiều vị cũng giỏi .

    Trả lờiXóa
  7. Đúng là chấn động, vì sách sửa lỗi từ điển dày ngang bằng từ điển!

    Trả lờiXóa
  8. Bái phục, bái phục. Thường vẫn nghe: khen dù sai cũng mát lòng mát ruột, chê dù đúng cũng bầm ruột tím gan. Thế mà viết được đến cả cuốn sách. Xin được hỏi chung các bạn, có phải có vị GS nào đó đã đưa ra nhận xét thời đánh NVGP: loại được Trần Đức Thảo, Trương Tửu như nhổ được 2 cái gai độc ở trường Đại học sư phạm.
    Xin đừng nói 'súng nhỏ bắn vào đâu thì súng lớn sẽ bắn vào đâu' như Abulits. Tôi thiên về 'ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hĩ'. Tôi cũng thích câu 'tứ tri-thiên tri, thần tri, địa tri, ngã tri'. Sách này có nghĩa cảnh tỉnh cho những ai hơm hĩnh, nhất thời 'mạnh bè tre kéo ngược' rồi cũng được phanh phui. Đối với học thuật đã vậy, với chính trị cũng vậy, đừng tưởng với chiêu bài 'trong vùng kín' có quyền ăn nói mà tùy tiện, 'một câu nói một đọi máu' với các chính trị gia còn độc địa hơn, cả biến máu. Theo dòng lịch sử sẽ được bạch hóa cả. Chắc Tần Cối không ngờ đến những điều vu oan giáng họa cho Nhạc Phi mà phải chuốc lấy tội 'đứng ở Hàng Châu để người đời mỗi khi thấy táng cho một búa', rồi vợ chồng Tần Cối thành 'quẩy' cho vào vạc dầu. Nhắc mấy chuyển để cảnh tỉnh chung.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi rất khoái 3 chữ "trong vùng kín", vừa gợi hình, gợi ý và gợi hương !

      Xóa
  9. Tôi mong Hoàng Tuấn Công cho in" Chữ Và Nghĩa Vũ Khiêu" tiếp theo thì hay biết mấy

    Trả lờiXóa
  10. Mong đại gia nào đó làm cái việc bỏ tiền ra mua và cấp cho các trường học trên toàn quốc để mọi người có đ/kiện thì biết thêm vấn đề ...
    Ai có trình độ cũng có thể tham gia tranh luận ... như vậy mới là bình đẳng trong học thuật .

    Trả lờiXóa
  11. Cuốn này in đẹp hơn cuốn Từ điển tiếng Việt của cụ Nguyễn Lân.
    Đang hóng cuốn "Phê bình và khảo cứu tác phẩm Vũ Khiêu".

    Trả lờiXóa
  12. Tôi nghĩ cái quan trọng là chúng ta được tiếp cận những nội dung ngôn ngữ chính xác, khoa học và cuốn sách của Hoàng Tuấn Công góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, xã hội chúng ta. Chúc mừng và ngưỡng mộ anh Hoàng Tuấn Công

    Trả lờiXóa
  13. Sau 72 năm nhà nước Việt Nam thành lập, giờ tôi mới thấy bác Tuấn Công làm đúng tinh thần học thuật

    Trả lờiXóa
  14. Thế mới biết không đùa với chữ nghĩa được. Viết sai, nó dành dành ra cả ngàn năm, thà đừng viết còn hơn. Thương ôi, cụ Lẫn Nguyên.

    Trả lờiXóa
  15. Chúc mừng và ngưỡng mộ Anh Hoàng Tuấn Công!
    Cụ Nguyễn Lân có thể sai và đó là điều bình thường, Cụ không thể bị trách móc vì việc đó. Kẻ đáng trách là kẻ cố tình tìm cách ngăn cản việc thảo luận và chỉ ra những cái sai của Cụ Nguyễn Lân.

    Trả lờiXóa
  16. Một khi bác Tuấn Công
    Đã mở cửa thư phòng
    Bao nhà học thuật dởm
    Thả hồ mà chổng mông!

    Trả lờiXóa
  17. Nguyễn Lân có thể sai
    Nhưng ai đã tiếp tay
    Nâng lên bậc vương giả
    Làm nên danh hảo này?

    Trả lờiXóa
  18. Ông Nguyễn Lân chưa bao giờ được nhà nước phong học hàm Giáo Sư.

    Trả lờiXóa
  19. Việt Nam có chuyện nực cười
    Mới học lớp mười đã gọi giáo sư

    Trả lờiXóa
  20. Gửi bạn Hoàng Tuấn Công, tôi chỉ có 1 suy nghĩ nhỏ : nên chăng KHẢO CỨU rồi hãy PHÊ BÌNH ? Nó thuận hơn !

    Trả lờiXóa
  21. Nhập nhận xét của bạn...thái độ nhà Nguyễn Lân đối vơi người phê phán quyển " Từ đien Tiếng Việt" rất tồi tệ

    Trả lờiXóa