Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

NGHI LỄ LÊN ĐỒNG - NGƯNG KẾT NÉT ĐẸP VĂN HÓA VIỆT

Hầu đồng - Ngày 11.12.2016 tại Trung tâm Văn hóa Phố cổ HN, 50 Đào Duy Từ Hà Nội
do Diễn đàn Hát Văn Việt Nam tổ chức. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện.

Nghi thức Lên đồng
– ngưng kết nét đẹp văn hóa Việt

TS. Nguyễn Xuân Diện 

Từ bao đời nay, trong các làng thôn, ngõ phố, trong các đền đài nghi lễ lên đồng vẫn là một nghi lễ tín ngưỡng được nhiều người thành tâm thực hiện. Nhiều nơi, dù điện đài không trang hoàng lộng lẫy, dù không có được các cung văn đàn ngọt hát hay, đồ dâng cúng cũng rất sơ sài, nhưng với sự thành tâm, một cuộc lên đồng vẫn được thực hiện, và những người dân lam lũ vẫn trong một thoáng chốc đã được hưởng cảm xúc tiên giới một cách đủ đầy. 

Sự hòa trộn trong Tín Ngưỡng 

Theo quan niệm dân gian, vũ trụ gồm bốn miền, gọi là tứ phủ: 

Thiên phủ (miền trời), 
Địa phủ (miền đất), 
Nhạc phủ (miền rừng núi), 
Thuỷ phủ (miền sông nước).

Mỗi một miền này có một nữ thần cai quản, thay quyền tạo hóa quản cai nhân gian. Các vị nữ thần đó là Mẫu Cửu Thiên cai quản miền trời, Địa Mẫu cai quản miền đất, Mẫu Thượng Ngàn cai quản miền rừng núi, và Mẫu Thoải cai quản miền sông nước.

Từ bao đời nhân dân đã sống trong sự chở che của các Mẫu. Tôn vinh các Mẫu, người dân thờ phụng Mẫu ở khắp nơi, bất kể là thành thị hay nông thôn, đồng bằng hay miền núi. Thờ Mẫu trở thành một nét văn hóa giàu giá trị nhân văn và độc đáo trong văn hóa Việt. Và điệu hát chầu văn cùng nghi lễ lên đồng là một sự thể hiện niềm tôn kính đó đối với các Mẫu.

Lên đồng là hình thức ca múa nhạc tín ngưỡng dân gian của Việt Nam có mục đích tôn vinh thần thánh và tạo cảm xúc, theo niềm tin tín ngưỡng, giúp con người giao tiếp với thần linh. Hiện chưa có các tài liệu khẳng định thời điểm ra đời của lên đồng - hầu bóng. Tài liệu khảo cổ duy nhất hiện biết và đáng tin cậy, với niên đại được xác định là thế kỷ XVIII, là bức chạm gỗ một cảnh lên đồng ở đình Cô Mễ, tỉnh Bắc Ninh. Tuy vậy, các nhà khoa học đều khá thống nhất cho rằng lên đồng - hầu bóng ra đời vào khoảng thế kỷ XVI, gắn với sự hiển thế / giáng sinh của Liễu Hạnh -  vị nữ thần duy nhất trong Tứ Bất Tử của thần điện Việt. Dân gian còn hòa đồng Liễu Hạnh vào với Cửu Thiên Thánh Mẫu. Câu chuyện Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh và hoạ thơ với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan ở Lạng Sơn và Hồ Tây cho thấy sự manh nha của việc giáng bút rất phổ biến ở thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt nguồn từ nền tảng văn hóa Việt. Đó là tiến trình của Tục thờ Nữ Thần – Mẫu Thần –Tam Tòa Tứ Phủ.

Căn tính Mẫu trong văn hóa Việt Nam là sự đan xen giữa huyền thoại và lịch sử, hay nói khác là huyền thoại hóa lịch sử và ngược lại: Mẹ Âu Cơ – Trưng Vương (Phật Mẫu) – Các huyền thoại Việt Mường – Tứ Pháp (Vân – Vũ – Lôi – Điện) – Liễu Hạnh / Tam Tòa Tứ Phủ.

Trong bức tranh của tín ngưỡng thờ Mẫu, thì Thánh Mẫu Liễu Hạnh có vai trò và vị trí nổi bật. Thánh Mẫu Liễu Hạnh có chân trong Tứ Bất Tử, Nhập vào Tam Tòa để thành Tứ Phủ, nhập vào Tứ Phủ để đồng nhất – hội nhập với Mẫu Thượng Thiên, Cửu Thiên.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một nhân vật đặc biệt, được các nhà Nho rất quan tâm và điều này thể hiện rõ trong Văn học Hán Nôm, từ Hồng Hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Vũ Huy Trác (1781) – Nguyễn Công Trứ - đến Giá Sơn Kiều Oánh Mậu. Trong cuốn Tiên phả dịch lục, Kiều Oánh Mậu đã viết rằng Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Nho, là Phật, là Tiên.

Sự chấp nhận của Nhà Nho đối với Liễu Hạnh ngang tàng, phóng túng. Có lẽ là do: 1- Bà là Tiên, và 2- Bà là một nhà thơ và bạn bè toàn với các danh sĩ, ở các nơi phong cảnh kỳ tú. Tín ngưỡng thờ phụng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cũng đã sản sinh hệ thống Văn chầu rất phong phú, ca ngợi vẻ đẹp tiên giới, khát vọng về của cải, chức quyền, may mắn, hạnh phúc, đông con nhiều cháu. 

Mỗi đền đài thờ Mẫu Liễu Hạnh lại có rất nhiều hoành phi và câu đối ca ngợi uy linh, công nghiệp của Liễu Hạnh và các Mẫu.

Sự hòa nhập, ngưng kết của các yếu tố văn hóa trong Lên Đồng

Hát chầu văn lên đồng là hát lên các  bài văn bài thơ có nội dung ca ngợi sự linh thiêng của thần thánh và vẻ đẹp tiên giới. Tuỳ thuộc tính cách của vị thần mà nội dung lời thơ, tiết tấu giai điệu âm nhạc, điệu múa được trình diễn. Trong sự phấn khích của niềm tin và sự cộng cảm, cùng các chất men kích thích của trầu, rượu, thuốc lá, trong ánh sáng lung linh của đèn nến và mùi hương trầm thơm ngát của không gian huyền ảo, cuộc gặp gỡ của con người và các Thánh mẫu được bắt đầu. Các Mẫu giáng về, nghe lời ca tụng của các đệ tử, nghe thơ, nhạc, và nghe cả những lời thỉnh nguyện của họ. Thánh Mẫu hoan hỉ ban tài phát lộc cho “bách gia trăm họ”, và mọi người đón nhận lộc thánh với niềm hân hoan vô bờ. Tất cả mọi người đều hướng về Thánh Mẫu và thầm mong được phù hộ.

Một vấn hầu chính là một cuộc hội nhập của Thi ca, Âm nhạc, Vũ đạo và Hội hoạ mang đậm phong cách dân gian thuần Việt.

Về Thi ca: Các bài thơ để hát trong lên đồng bên cạnh các thể thơ tiếp thu từ văn học cổ Trung Hoa như phú, thơ luật, là những bài sử dụng lối thơ dân gian rất quen thuộc như: lục bát, song thất lục bát, hát nói. Các bài thơ này có lời văn chau chuốt, đẹp đẽ, ca ngợi vẻ đẹp nơi tiên giới, uy linh của các vị thần tự thân đã rất ý vị và giầu nhạc tính. Các bài thơ này, khi được hát lên, theo các làn điệu khác nhau (khoảng vài trăm làn điệu), thì mang lại một xúc cảm gấp bội.

Về Âm nhạc: Nhạc khí chủ đạo của hát văn là đàn nguyệt, và bên cạnh nó là phách, cảnh, sênh, trống chầu, chuông, trống … Hình thành trên các lối ngâm truyền thống, có tiết tấu và cao độ rõ ràng phụ thuộc vào lời thơ, hát văn không những hình thành nên những liên khúc có khả năng thể hiện những nội dung lớn của huyền thoại một cách sinh động mà nó còn tiếp thu thâu nhập những nét đẹp của dân ca các miền để làm phong phú sự thể hiện của mình.

Về Vũ đạo: Múa trong lên đồng còn gọi là múa thiêng, thể hiện niềm kính trọng đối với các thánh mẫu và các vị thần linh. Múa thiêng lên đồng xây dựng các hình tượng thần linh và một tiên giới giữa cõi trần. Trong lên đồng, múa thiêng mang đầy đủ các hình thức thể hiện của ngôn ngữ múa như: múa tính cách (thể hiện rất rõ tính cách khá riêng biệt của từng vị thần linh), múa trang trí (chú trọng đến ngôn ngữ tạo hình, vươn lên đến cái đẹp), múa mô phỏng (cưỡi ngựa, ngã ngựa, chèo thuyền, quảy hàng), …

Về Hội hoạ: Nếu như ta đến một hội làng, ta sẽ thật phấn chấn khi gặp một không gian rực rỡ sắc màu của cờ phướn, trang phục, xe kiệu…thì ta sẽ còn ngạc nhiên hơn khi đến xem một buổi lên đồng. Lên đồng có bao nhiêu giá (thường lên mươi, mười lăm giá; nhưng nếu lên đầy đủ có thể lên tới hàng chục giá), thì có bấy nhiêu trang phục và đi kèm với các trang phục này là các khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng nữa. Rồi đèn, nến, rồi lễ vật, và các trang trí nhiều khi tỏ rõ sự phô trương. Có lẽ vì thế mà các hội làng và các buổi lên đồng thường gây nhiều cảm hứng cho các họa sĩ.

Giá trị văn hóa và đóng góp của tín ngưỡng Tứ phủ vào văn hóa Việt Nam:

1- Gắn với thương mại, kinh tế:
-         Các trung tâm thờ Mẫu nằm dọc các trục đường giao thông và giao thương, các con đường thiên lý, các trung tâm thương mại. Và đến lượt các trung tâm này kích thích buôn bán sầm uất, hút khách.
-         Kích thích các nghề nghiệp phục vụ cho việc thờ Mẫu và Lên đồng:
+ Kiến trúc Đền Phủ, đắp con giống, xđá, vật liệu truyền thống...
+ Nghề gỗ: làm tượng, đồ thờ, hoành phi, câu đối
+ Nghề làm tranh thờ: Tranh Hàng Trống
+ Nghề làm mã
+ Nghề may mặc: Khăn áo, cờ quạt, thêu thùa...
+ Nghề trồng hoa tươi
2- Gắn với môi trường sinh thái:
-  Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải
-  Tứ Phủ = Bốn miền đều là thiên nhiên, cây cỏ, bảo vệ môi trường,
3- Các giá trị tôn vinh Mẫu – Phụ nữ:
Quá trình Hội Nhập / Xâm Nhập / Tan Hợp hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu ở VN:
+ Tứ Pháp – Tam Tòa – Tứ Phủ
+ Vào Tứ Bất tử
+ Vào hệ thống TIÊN phả
+ Vào hệ thống NHO phả
+ Vào Phật điện (động Mẫu = động Quan Âm)
4. Ngưng kết các giá trị văn hóa, Nghệ thuật , tâm linh:
-  Nghệ thuật diễn xướng tâm linh
-  Bảo tàng sống của Văn hóa Việt qua các thời đại

“Hơn bất kỳ một quyển sách khô cứng, một bức tranh hay một bức tượng nào, lên đồng là một bảo tàng sống động. Người Việt đã triển lãm nền văn hóa Việt Nam cho người Việt và người nước ngoài. Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý nhà bảo tàng, những người bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam, mà chúng đang dần bị nhạt nhòa đi trong đời sống xã hội hàng ngày, chỉ còn hiện diện trong điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu”.

Chúng tôi xin mượn lời của GS.TS. Frank Proschan sĩ của Smithsonian institution Washington DC của Mỹ để kết thúc bài viết này.

N.X.D

9 nhận xét :

  1. Hoan hô bài viết rất tâm huyết của tác giả. Thực ra, ĐẠO MẪU Việt Nam chính là QUỐC ĐẠO của người Việt. Nếu các đạo giáo khác, du nhập vào nước Việt, tôn thờ thánh Tổ các đạo ấy như ĐỨC PHẬT, ĐỨC CHÚA...thì người Việt tôn thờ THÁNH MẪU. Đức Phật, Đức Chúa là những siêu nhân, Thánh nhân thì Thánh Mẫu cũng vậy. Đức Phật, Đức Chúa có phép màu để phổ độ chúng sinh thì Thánh Mẫu cũng có phép màu, có tình thương siêu việt đối với con dân của mình. Tôi mong các bài viết về ĐẠO MẪU cần tập trung làm rõ tính chất QUỐC ĐẠO của dân tộc ta - Một sáng tạo tôn giáo ngang hàng với bất kỳ đạo giáo nào trên thế giới nhưng ĐẠO MẪU của người Việt được tiến hành với lễ nghi thờ ciungs có văn hóa cao hơn, sáng tạo và giàu tính nghệ thuật hơn lễ ngi của các tôn giáo khác.
    Có lẽ, bài viết của bác Diện còn có chỗ chưa phân biệt rõ vấn đề HẦU ĐỒNG và HẦU MÁT (còn gọi là HẦU BÓNG). hầu bóng, hầu mát, chỉ đơn thuần là lễ nghi thờ cúng trong đền thờ Thánh Mẫu thể hiện bằng múa và hát chầu văn. Còn HẦU ĐỒNG là chuyện khác. Đã nói đến "Hầu Đồng" là phải có Thánh giáng. Nhiều khi người ta vẫn gọi lẫn lộn giữa hầu bóng, hầu mát với hầu đồng nên nếu bài viết của anh có chút nhầm lẫn thì cũng không có gì lạ. Có thể, tôi sẽ viết cho các vị một bài về chuyện ĐẠO MẪU Ở VN chăng ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cần phân biệt giữa TÔN GIÁO và TÍN NGƯỠNG.
      Tôn giáo phải có giáo lý giáo điều.
      Dù là Phật giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo... tôn giáo nào cũng răn dạy người ta hướng thiện và đều có những điều cấm kỵ.
      Đạo Mẫu thì không vậy,
      tín ngưỡng này chỉ cần tín đồ TÍN và NGƯỠNG Thánh Mẫu là đủ,
      còn việc ăn trộm hay tà dâm, sát nhân hay bất hiếu
      Đạo Mẫu này không xét đến.
      Mà xét cho cùng, tôn giáo là những điều nhân văn nhất của nhân loại, nó cao hơn tính dân tộc rất nhiều.

      Xóa
  2. Đọc bài của anh Diện thấy có cụm từ " Diễn đàn hát văn VN". Tôi hoan nghênh cái ý muốn cho nhiều người hiểu được cái hay, cái đẹp của hát văn. Tuy nhiên, Đạo Mẫu là Đạo, vì tnhs chất linh thiêng của Đạo, của Thánh Mẫu và các Thánh, tôi không bao giờ đồng tình với việc đưa hát văn lên để trình bày một cách vô lối ở trên sân khấu. Điều đó làm xúc phạm đến sự linh thiêng của Đạo Mẫu, đồng thời cũng biến lễ ngi hầu Thánh nghiêm túc, có văn hóa thành một thứ nhảy nhót kệch cỡm, bi hài. Có thể khai thác tính văn hóa của nghi thức Hầu Thánh nhưng không được biến nghi thức Hầu Thánh thành tiết mục sân khấu, bạ đâu hầu đấy, nhảy nhót a lăng nhăng xúc phạm tới Thánh Mẫu. Mong các Đ/c chú ý cho điều đó !

    Trả lờiXóa
  3. "ĐẠO MẪU... QUỐC ĐẠO của dân tộc ta - Một sáng tạo tôn giáo ngang hàng với bất kỳ đạo giáo nào trên thế giới nhưng ĐẠO MẪU của người Việt được tiến hành với lễ nghi thờ cúng có văn hóa cao hơn, sáng tạo và giàu tính nghệ thuật hơn lễ nghi của các tôn giáo khác".
    Hi vọng bác 11.50 không bị bị mắc chứng loạn thần mà chỉ vì "tọa tỉnh quan thiên" nên cho rằng Đạo Mẫu "có văn hóa cao hơn, sáng tạo và giàu tính nghệ thuật hơn lễ nghi của các tôn giáo khác" trên thế giới. Đạo Mẫu có cái hay, nhưng nên có mắt nhìn khoa học để biết cả cái dở cùng những giới hạn đáng buồn của nó. Xét cho cùng, nó là sản phẩm tâm linh của nền văn hóa nông nghiệp lạc hậu, cần biết vị trí ở đâu trong thế giới hiện đại này.

    Trả lờiXóa
  4. Cãi nhau thì không cùng. Tôi không dám nói mình là người thật biết về đạo Mẫu. Nhưng đọc ý kiến người khác thì cũng biết được họ đã hiểu và đang hiểu những gì về đạo Mẫu ở VN. Thấy khó khăn ! Mình như con đom đóm, đành phận cứ phải lập lòe ở giữa đêm 30 tứ bề đen kịt. Còn lâu trời mới rạng !

    Trả lờiXóa
  5. Nói về đạo Phật có 2 dạng, dạng tín đồ và dạng ngoại đạo. Tín đồ nhìn đạo Phật không xa hơn ngón tay Phật. Ngoại đạo nhìn đạo Phật ở ngoài ngón tay Phật. Mỗi điểm nhìn có cái riêng của nó. Vậy bạn đứng ở đâu? Nhìn đạo Mẫu cũng vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  6. Cách đây 20 năm, từ Hà Nội vào SG làm việc vài năm, tôi đã được theo chân những người họ hàng quê gốc Nam Định, là những người "Nam tiến" từ những năm 40 đi phu cao su, và những người "đuổi Tây quá đà" xem rất nhiều những buổi lên đồng. Lúc đó lên đồng còn bị cấm cản, phải làm kín, nhưng kín làm sao được, vì lên đồng là phải có tiếng đàn giọng hát. Thế nên gia chủ tổ chức buổi lên đồng phải được sự cảm thông của chú cảnh sát khu vực thì mới trọn vẹn buổi lên đồng, nếu không thì có khi đồng đang lên giữa chừng phải get away. Cách đây 2 năm, mình có vào Buôn Mê Thuột và cũng được đi xem lên đồng do những dậu duệ của phu đồng điền ngày xưa tổ chức. Xem, nghe không thấy chán! Quả thực, có mục sở thị thì mới nghe, mới thấy, mới cảm được cái hay cái đẹp của loại hình nghệ thuật này. Ấy vậy mà hơn 60 năm qua, nó cứ bị ngành văn hóa thay mặt đảng, nhà nước chôn vùi, bị coi là "tệ nạn". Không hiểu những người ra cái lệnh cấm đoán lên đồng có bao nhiêu người còn sống? họ có tự vấn lương tâm hay không? một loại hình nghệ thuật bác học đã bị vùi dập trên nửa thế kỷ mà vẫn hồi sinh, tràn đầy sức sống. Đó là tính nhân văn, là bản sắc dân tộc. Đảng và nhà nước nói nhiều đến việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ấy vậy mà trên nửa thế ký cái bản sắc văn hóa dân tộc tiêu biểu, đầy tính hàn lâm, bác học đó đã bị coi là văn hóa cặn bã do chế độ cũ để lại.
    Cảm ơn các nhà nghiên cứu có tâm, có tầm đã kiên trì chứng minh tính nhân văn và độc đáo của loại hình nghệ thuật để được thế giới công nhận, giữ gìn và truyền cho thế hệ sau bản sắc văn hóa Việt Nam có một không hai này.
    Hơn nửa thế kỷ qua, đang và nhà nước đã sai khi coi lên đồng là "tệ nạn" để rồi cấm đoán. Thôi thì nhà nước đã đồng ý trình lên UNESSCO để được công nhận đó là di sản văn hóa phi vật thể. Dân Việt Nam cũng coi đó là một lời xin lỗi của Đảng và Nhà nước về những sai lầm đã qua. Đâu cứ phải lên truyền hình nói lời XIN LỖI với quốc dân. Vì như thế khác nào hạ thấp biểu tượng của sự lãnh đạo chỉ có "đúng", không có "sai".
    "Bọn mắt xanh mũi lõ" đã công nhận, hà cớ gì dân Việt mình lại thờ ơ? Những ai chưa đi xem LÊN ĐỒNG, hãy đi và cảm nhận. Tây nó đã khen thì chắc 100% là không dở!

    Trả lờiXóa
  7. Thế mà "đại quốc sư", giáo sư, nhà văn hóa, anh hùng lao động Vũ Khiêu chưa có bài nào nói về LÊN ĐỒNG nhể!

    Trả lờiXóa
  8. cám ơn các giáo sư, các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu...đã trình hồ sơ để Đạo Mẫu VN đủ sức thuyết phục sự công nhận của Unesco. Tuy nhiên, tôi có cảm giác các giáo sư, các nhà nghiên cứu cũng chưa thống nhất được tên goijveef tín ngưỡng thờ Mẫu ở VN. Cụ thể là, trên VTV1, tôi nghe giáo sư Ngô Đức Thịnh nói nguyên văn cả cụm từ là " Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ". Có thể gọi như vậy không nhỉ ? Bản thân tôi có tìm hiểu về 2 chữ "Tam phủ" và "Tứ Phủ". Tôi đã hỏi rất nhiều người, các Thanh đồng và một số Đồng Cốt, họ đều giải thích như thế này : Tứ phủ là nói ở trong đền thờ Mẫu có 4 ban thờ. Ngoài an thờ Cộng đồng thì 4 ban thờ (gọi là 4 phủ) là : ban thờ Mẫu, ban thờ các Quan lớn, Ban thờ các ông Hoàng, an thờ các cô, các Cậu. Còn Tam phủ là nói trong đền thờ Nhà Trần, ngoài phủ cộng đồng thì có 3 phủ : Phủ thờ Đức Ông, phủ thờ các tướng lình như Phạm Ngũ Lào, Yết Kiêu, Dã Tượng..., Phủ thờ gia thân như Nguyễn Thị Dung, Trần Quốc Tảng..Vậy khi nói đền thờ Tứ phủ là nói Đến thờ Mẫu, khi nói đền thờ Tam phủ là nói đền thờ Nhà Trần. Ý kiến các vị như thế nào ? Mong các vị giải thich cho để để hiểu rõ hơn. Cám ơn !

    Trả lờiXóa