Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

BÁO THANH NIÊN BẺ CONG KẾT LUẬN TỌA ĐÀM "ẤN HOÀNG THÀNH"

Chiếc ấn gỗ đời Trần quý hơn vàng

Thanh Niên
07:11 AM - 27/02/2016
Tễu blog bình: Nói thật, nếu ở hố khai quật khảo cổ học thì cục cứt cũng quý hơn vàng. Giả sử bây giờ đào được cục cứt của vua Hùng hoặc Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông ...chẳng hạn,...thì quý hơn kim cương chứ. Vấn đề là phải chứng minh được nó là của Vua Hùng, Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông. Chứ không thể nói linh tinh được. Ngay cả Ông Phan Huy Lê khi tổng kết cuộc tọa đàm cũng chưa khẳng định nó là ấn Trần, lại còn khuyến cáo không gọi là "ấn" mà chỉ nên gọi là hiện vật /cổ vật, đào đươc tại khu khảo cổ Hoàng Thành và ở tầng văn hóa thời Trần. Ông Lê xưa nay là người khôn ngoan mà lại "tinh tế", ông luôn nói để ai cũng vui vẻ, và câu nói của ông ai hiểu thế nào cũng được! Vậy mà cô Trinh Nguyễn - Báo Thanh Niên, viết như đúng rồi! Đó là chưa kể bài viết này đã bỏ rất nhiều những ý kiến phản biện rất có lý của các nhà nghiên cứu, chỉ đăng nhiều những ý kiến một chiều.

Làm báo thế này, thì chết thôi! Khác nào lừa độc giả! Hay là bên ấy ăn lộc của mấy vị chủ trương Khai ấn / Phát ấn / Bán ấn ở Hoàng thành? Thế này thì hiểu tại sao mảng văn hóa của Thanh Niên rất yếu và không đáng tin!
“Tôi đánh giá cao việc phát hiện chiếc ấn ở tầng văn hóa Trần tại Hoàng thành Thăng Long này. Có thể nói là ấn gỗ quý hơn vàng”, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nói.

Hội thảo diễn ra chiều 26.2 tại Hà Nội do Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức về chiếc ấn được các nhà khảo cổ tìm thấy tại Hoàng thành Thăng Long cuối năm 2014 đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu khoa học xã hội đầu ngành. 

.

Ấn Sắc Mệnh Chi Bảo khi được phát hiện ở tầng văn hóa Trần và mặt ấn (ảnh dưới)
Ảnh: Ngữ Thiên - Phạm Văn Triệu

Phát hiện ấn ở tầng văn hóa nguyên vẹn thời Trần 

“Tôi đánh giá cao việc phát hiện chiếc ấn ở tầng văn hóa Trần tại Hoàng thành Thăng Long này. Có thể nói là ấn gỗ quý hơn vàng”, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN, nói. 

Mọi chú ý đổ dồn về PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, khi ông công bố quá trình nghiên cứu về hiện vật này. Theo đó, hiện vật được phát hiện tại địa điểm Vườn Hồng, hiện thuộc bãi xe ngầm của Nhà Quốc hội. Ông Tín cho hay việc hiện vật này nằm trong tầng văn hóa Trần không hề có xáo trộn. Nó nằm giữa, đan xen giữa các lớp di vật thời Trần. Các nhà khảo cổ đã phải bóc lớp ngói thời Trần ra mới có thể thấy được di vật. Loại ngói mũi lá này cũng gặp phổ biến ở tất cả các di tích thời Trần. “Lúc đầu, chúng tôi không nghĩ đó là ấn, chỉ nhận ra đó là miếng gỗ. Xử lý dần dần, một mảnh có chữ Chi Bảo, một mảnh có chữ khác”, ông nhớ lại. Mặt còn lại không khắc chữ có dấu của chất kết dính hình tròn. 

Ông Nguyễn Công Việt, nguyên Viện trưởng Viện Hán Nôm cho rằng: “Chứng tích đầy đủ có tính thuyết phục cao. Hiện vật đúng là nằm trong lớp bao bọc của cổ vật đời Trần. Chúng tôi tin vào xuất xứ của nó như Viện khảo cổ công bố”. 

PGS-TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cũng cho biết ông thấy không nghi ngờ gì về việc đây là một hiện vật thời Trần. 

Tranh cãi quanh chiếc ấn cổ 

Ông Tín chủ động đưa ra các thông tin liên quan đến một số nghi ngờ gần đây quanh hiện vật mà nhóm nghiên cứu của ông cho là ấn Sắc Mệnh Chi Bảo thời Trần. “Có người thắc mắc chất liệu gỗ trong khảo cổ học qua hàng mấy trăm năm có tồn tại được hay không. Có người lại thắc mắc sao ấn lại ngược. Nhà sàn Đông Sơn nổi tiếng được làm cách nay 2.000 năm. Hoặc ngay tại Vườn Hồng có một hàng cọc gỗ khổng lồ vẫn tồn tại. Niên đại của nó là Đại La và có người cho rằng đó là chân móng của thành Đại La. Còn có phát hiện một ván gỗ đời Trần có hình ba con rồng mang dấu sơn son”, ông Tín nói. 

TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Tôn giáo, cho biết khi ông nghiên cứu về chùa Bối Khê (Hà Nội) cũng đã có những cấu kiện còn tồn tại từ thời Trần. Việc này đã được làm thí nghiệm xét nghiệm niên đại. 

Về việc ấn ngược, thắc mắc đã được giải quyết sau khi các nhà khoa học mang ấn ra. Ấn bị ngược chỉ là bản ảnh đã bị xoay lại bằng phần mềm chỉnh sửa. 

Tuy nhiên, các thắc mắc không chỉ dừng ở đó. Nhà thư pháp Lê Quốc Việt, người nhiều năm nghiên cứu ấn chương, cho rằng chiếc ấn này có nét chữ quá xấu, chỉ như một bản sao vụng về của ấn thời Lê sơ. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Công Việt, người đã làm luận án tiến sĩ về ấn chương, cho rằng nét chữ của ấn rất “quan phương, cân đối hài hòa”. 

Cùng lúc, GS Hoàng Văn Khoán so sánh chữ trên hiện vật với tiền thời Trần thấy có tương đồng. “Chữ Bảo có bộ Vương song song cũng bắt đầu từ thời Trần kéo qua thời Hồ, đây cũng là cách viết trên ấn”, ông nói. 

Một thắc mắc khác là chiếc ấn tại sao không có núm. Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Công Việt, có thể tồn tại loại ấn như vậy. Cộng với việc ấn có hai mảng đều nhau, vết ghép mịn, ông Việt đưa ra giả thiết đây là vật để truyền lệnh chỉ. Các quan khâm sai đi truyền đại sự sẽ dùng hai mảnh này để so chắp rồi mới truyền chỉ dụ quan trọng. “Nếu đúng như vậy thì ấn này cực kỳ giá trị. Chúng ta mới chỉ đọc và nghe nói chứ chưa có hiện vật nào như thế cả. VN chưa có, Trung Quốc chưa có. Đông Nam Á cũng không có”, ông Việt nói. 

Nhiều câu hỏi lặp đi lặp lại nghi vấn dựa trên các bằng chứng ghi trong sách lịch sử. Chẳng hạn, liệu có thể có ấn Sắc Mệnh Chi Bảo đời Trần hay không khi thời Minh bên Trung Quốc mới có ấn đó. Liệu ấn đó có phải là ấn được chép trong Đại Việt sử ký toàn thư về việc vua nhà Trần kháng chiến chống quân Nguyên, không mang ấn đi, làm ấn gỗ để dùng tạm? Ấn Sắc Mệnh Chi Bảo đào được có phải ấn đó không, vì theo một số nhà nghiên cứu, ấn gỗ được nói đến chỉ dùng vào việc quân. 

Không tổ chức phát ấn 

PGS-TS Trịnh Sinh cho rằng việc tìm thấy ấn Sắc Mệnh Chi Bảo thời Trần này là “cái kết có hậu cho một quả ấn đã cùng vua đi đánh giặc”. 

GS Vũ Minh Giang, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia, đánh giá việc tìm thấy ấn đời Trần này là: “Nó lạ nhưng nó có thật”. Tuy nhiên, ông Giang cho rằng không nên làm theo cách đóng ấn, nếu đóng bằng ấn chính sẽ hỏng, mà làm ra bản khác thì nó cũng khác về giá trị. 

TS Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng không nên mang ấn ra đóng như ở đền Trần. Ngoài ra, thử nghiệm bất cứ điều gì với ấn này cũng nên hỏi hội đồng tư vấn.

Theo GS Phan Huy Lê, hiện vật tìm được trong tầng văn hóa Trần, tầng văn hóa không xáo trộn thì có thể kết luận đây là một hiện vật văn hóa thời Trần. 
“Nhiều người vẫn nói là gỗ mục không thể tồn tại được. Nhưng ngay trong Hoàng thành Thăng Long có nhiều hiện vật gỗ vẫn tồn tại. Việc ngụy tạo không thể có ở đây được. Đủ cơ sở khoa học để kết luận di vật khảo cổ học này phát hiện trong tầng văn hóa thời Trần. Tôi và những nhà khảo cổ học bảo vệ kết luận này đến cùng. Xem xét sử liệu có thể thấy có chép về ấn gỗ thời Trần. Một là tư liệu cho thợ khắc ấn gỗ khi vua đi đánh giặc. Hai là có văn bản dùng ấn này, khẳng định là ấn thật. Điều đó có nghĩa là chiếc ấn này không chỉ được làm ra để dùng khi đánh giặc, trong quân mà còn dùng trong thời bình sau này, vào việc dân sự. 

Đây là ấn hoàng đế nhưng lại bằng gỗ. Hiện không có dấu nối giữa ấn gỗ này và chiếc ấn của vua chép trong sử. Nhưng phương pháp nghiên cứu suy đoán có thể áp dụng và hoàn toàn có cơ sở để liên kết điều đó qua nghiên cứu liên ngành. 
Phải giám định gỗ, xác định cả niên đại. Nếu trong nước chưa làm được thì đưa ra nước ngoài. Việc bảo quản thế nào cũng phải hỏi chuyên gia. Có xu hướng làm khai ấn ở đây, nhưng tôi cho rằng không nên làm việc đó. Ấn Sắc Mệnh Chi Bảo không nên làm như vậy”, GS Lê kết luận.

Trinh Nguyễn

10 nhận xét :

  1. Dù là ấn thật, theo tôi cứ lưu giữ nó trong Viện Bảo tàng cho người ta xem chứ không nên bày ra chuyện này chuyện nọ cho phiền phức và mang tiếng! Biết bao người hy sinh xương máu để bảo vệ biên giới phía Bắc và Hoàng Sa - Trường Sa, còn không được nhắc đến, vinh danh thì sá gì cái cổ vật vô tri và những lễ hội bát nháo?

    Trả lờiXóa
  2. Trần Thị Thảolúc 16:30 27 tháng 2, 2016

    Tiền chi phí cho hội thảo cũng không ít , nhưng cuối cùng vẫn có những ý kiến trái chiều : Người này công nhận , người kia không công nhận , lại có người phân vân ...Vậy tại sao tiền bỏ ra cho các buổi hội thảo đó không nhờ các nhà khoa học ở một số nước như Pháp , Mĩ ...người ta xác minh giúp , để sau đó không phải bàn cãi nữa . Thế kỉ 21 rồi mà cứ bàn cãi như thời còn mông muội vậy .

    Trả lờiXóa
  3. Cái mà nhân dân rất cần hiện nay đối với các nhà sử học là đưa những cuộc chiến chống quân xâm lược Trung cộng ở biên giới phía Bắc năm 1979, ở Hoàng Sa năm 1974, Trường Sa năm 1988 vào sách giáo khoa chứ không cần một cổ vật vô tri giác. Và, nhân dân cũng rất cần những buổi lễ kỷ niệm trang nghiêm, thành kính để nhớ ơn những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ VN chứ không cần những buổi lễ phát ấn bát nháo chẳng có ý nghĩa thiết thực nào. Các ông có làm được không? Nếu được thì hoan nghênh còn không thì im miệng chứ đừng hội thảo,cãi vã làm gì mệt xác mà chẳng ai đồng tình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dân thấy cần, nhưng quan không vội
      Dân có vội, quan bắt tội, nhốt tù!

      Xóa
  4. Khoa học giảo nghiệm cổ vật rất chi tiết và tôn trọng sự chính xác. Có nhiều phương pháp để xác định, như so sánh, phong cách, tỷ lệ kiến trúc, triết học của thời đại, giảo nghiệm hoá học v.v... Tất cả những cách này sau cùng tổng kết lại, nếu thấy matching - ăn khớp, thì mới có kết luận đúng hay không.

    Thí dụ:

    - Giảo nghiệm niên tuế của chất son, chất gỗ lâu bao nhiêu tuổi
    - Xét tỷ lệ kiến trúc thời đại thường làm, vuông tròn bao nhiêu %
    - Xét mặt chữ - thư ấn hoạ của thời đại
    - Nghiên cứu về triết học, văn học của thời bấy giờ v.v...

    Tôi rất thắc mắc là tại sao con dấu lại làm thành 2 mảnh (2 miếng bằng nhau ngay ngắn chứ không phải bị nứt làm hai) ??? Làm như vậy vừa khó gìn giữ vừa khó đóng dấu cho ngay thẳng là điều tối kị của thời quân chủ. Một điều tối kị nữa là con dấu bị tách đứt rời 2 chữ sắc mệnh với 2 chữ chi bảo, khó có ông vua ông quan nào 800 năm trước dám chịu làm như vậy. Còn nếu quý vị cho rằng con dấu làm thành 2 miếng là để bảo ... mật thì càng phi lý. Giữ 1 thoi vàng với 2 miếng vàng thì cũng giống gìn giữ nhau thôi. Vả chăng, con dấu nếu mất thì nhà vua xuống chỉ huỷ bỏ, làm con dấu mới chứ cũng chẳng có gì khó.

    Trả lờiXóa
  5. Cổ vật thuộc Bảo Tàng Viện cấp QG thì tuyệt đối không bao giờ được va chạm hay xử dụng. Người ta chỉ trưng bày cho công chúng xem thôi. Tôi không hiểu tại sao người VN lại có ý tưởng lạ lùng là dùng cổ vật lịch sử để "kinh doanh" kiếm tiền ? Khoan nói con dấu cổ vật thật hay nhái, làm kinh doanh như vậy là chuyện vô cùng kém văn hoá và ngay cả vi phạm luật pháp của QG (nếu VN có luật bảo tồn).

    Trả lờiXóa
  6. thời... mạt vận của Văn Hóa Việt Nam

    Trả lờiXóa
  7. Được chỉ đạo của Ban tuyên giáo TW rồi, bằng mọi cách ấn sẽ được in kinh doanh, không chỉ có Hà Nội, mà khắp cả nước, còn xuyên quốc gia để tuyên truyền

    Trả lờiXóa
  8. In ấn để tự sướng, khỏa lấp sự nghèo nàn, tụt hậu.

    Trả lờiXóa
  9. Một vật mấy trăm năm sao mà trông bóng bảy như mới sơn dầu bóng vậy?
    Vụng về quá!
    (Nhận xét của 1 người chơi đồ... giả cổ)

    Trả lờiXóa