Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

TRANH CÃI "NẢY LỬA" VỀ CÁI GỌI LÀ ẤN "SẮC MỆNH CHI BẢO" - Bài 9

Tranh luận nảy lửa về ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”

Kiều Mai Sơn
Nông nghiệp Việt Nam
07:25, Thứ 2, 29/02/2016

“Nóng” ngay từ phút đầu diễn ra tọa đàm khoa học Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”, tại Hoàng thành Thăng Long chiều 26/2. Bởi vì nhiều ý kiến phản biện trái chiều của các nhà nghiên cứu quan tâm tìm đến.

.
Tọa đàm Ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo”

Hiện vật nằm trong tầng niên đại đời Trần

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, trình bày hồ sơ khai quật cho biết, ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” (NNVN đã có loạt bài phản ánh) được phát hiện ở độ sâu 6,38 m so với mặt nước biển. Ấn bị mất núm, gồm hai mảnh ghép. Đặc biệt, khi phát hiện, ấn nằm nguyên vẹn trong tầng văn hóa thời Trần, sau tầng văn hóa thời Lý, trước thời Lê Sơ và nằm giữa nhiều di vật khác. Tầng văn hóa này không hề bị xáo trộn.


“Ban đầu chúng tôi không nhận ra đó là chiếc ấn. Bởi vì miếng gỗ đã bị vỡ thành hai mảnh. Một mặt ngửa và một mặt úp. Nhưng khi mặt ấn hiện lên 4 chữ “Sắc mệnh chi bảo”, chúng tôi nhận diện được đây là hiện vật quý”, PGS.TS Tống Trung Tín cho biết.

Từ căn cứ, ấn nằm trong tầng văn hóa thời Trần, kết hợp với thư tịch “Đại Việt sử ký toàn thư” đề cập đến một ấn gỗ của thời Trần và cách viết chữ tương tự trong thư tịch tiền cổ thời Trần, các nhà khảo cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử xác định đây là ấn thời Trần.

Giới nghiên cứu Hán Nôm, là TS Trần Trọng Dương, TS Nguyễn Xuân Diện khá hoài nghi về niên đại đời Trần của chiếc ấn. Thậm chí, phát biểu với tư cách người nghiên cứu Hán Nôm Phật giáo độc lập, ông Lê Quốc Việt còn cho rằng: “Đây là một phiên bản vụng về ảnh hưởng thư phong con dấu thời Lê Trung hưng”. Ngoài ra, ông Việt cũng không tán thành việc tổ chức khai ấn tại Hoàng thành. Ông nêu câu hỏi: “Tổ chức lễ khai ấn là Hoàng thành định cổ xúy lập “Văn phòng công chứng” âm phần trên dương gian hay sao?”.

Tại tọa đàm, PGS.NGND Hoàng Văn Khoán bằng phương pháp so sánh bộ chữ trên con ấn với đồng tiền “Nguyên Phong thông bảo” đời Trần Thái Tông và đồng tiền “Đại Trị thông bảo” đời Trần Dụ Tông, cùng cứ liệu ghi trong “Đại Việt sử ký toàn thư” đã khẳng định: “Chắc chắn ấn gỗ này được khắc vào năm 1257”.

Để nghiên cứu về hiện vật lịch sử cách đây hơn 750 năm, nhiều suy luận và giả thiết được nêu ra. Vì là giả thiết nên cũng gây ra nhiều hoài nghi. Một trong số đó là theo Hồ sơ khoa học của PGS.NGND Hoàng Văn Khoán thì ấn này khắc ngược. Song theo lý giải tại Tọa đàm, đó là do cán bộ khảo cổ học khi chụp ảnh đã xử lý kỹ thuật rồi in ra chuyển đến cho PGS.NGND Hoàng Văn Khoán nghiên cứu nên xảy ra tình huống hiểu lầm này.

Kết thúc tọa đàm, GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khẳng định: Có đủ cơ sở để kết luận di vật mang 4 chữ “Sắc mệnh chi bảo” có niên đại từ thời Trần. Lý do quan trọng nhất là, di vật này được phát hiện tại tầng văn hóa thời Trần không bị xáo trộn. Tầng văn hóa đó nằm sau thời Lý và trước thời Lê Sơ, cùng với các di vật của thời nhà Trần.

Tuy nhiên, GS Phan Huy Lê cũng cho biết: “Tôi không coi đây là cuộc hội thảo cuối cùng về ấn “Sắc mệnh chi bảo”. Thế nhưng, chúng ta phải đúc kết trên tinh thần đại đa số. Dựa trên nghiên cứu khoa học nhất là khảo cổ học, nghiên cứu chữ viết (dù không là cứ liệu nhưng có thể bổ sung) và trên sử sách thì tôi và đa số nhà khoa học có thể bảo vệ kết quả “Sắc mệnh chi bảo” là hiện vật giá trị có niên đại thời Trần. Tuy nhiên, để đưa ra kết quả tuyệt đối, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu bằng phương pháp giám định chất liệu gỗ, nước sơn, màu sơn…”, GS Phan Huy Lê bày tỏ.

Không phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), cho rằng, không nên tổ chức khai ấn, phát ấn để dẫn đến việc tạo ra hình ảnh hỗn loạn trong tranh cướp ấn.

Hoàng thành Thăng Long là nơi ngự trị của các triều đại vua Việt Nam, không phải chốn đền thờ như Đền Trần (Nam Định) nên không thể tạo ra một hình ảnh hỗn loạn trong lễ phát ấn, khai ấn hay đóng ấn.

“Nếu không cẩn thận thì lễ khai ấn tại Hoàng thành Thăng Long sẽ không khác gì một cuộc cạnh tranh với đền Trần - Nam Định, làm mất đi rất nhiều ý nghĩa giá trị của ấn chương”, TS Nguyễn Quốc Tuấn cảnh báo.

GS Phan Huy Lê cũng bày tỏ ý kiến cá nhân là không nên tổ chức khai ấn, phát ấn như Đền Trần (Nam Định). “Thời Nguyễn đã chép rất rõ về lễ khai ấn và phong ấn. Đó là một nghi thức chứ không phải lễ hội, và chỉ được thực hiện trong phạm vi nhất định”.
 
TS Trần Đức Anh Sơn - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng: Tôi thấy đó không phải là cái ấn mà chỉ là miếng ván
Tôi nghiên cứu về ấn triện thời Nguyễn (1802 - 1945), hiện đang còn lưu trữ khá nhiều ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, và in trên những văn bản thời Nguyễn thì thấy rằng, từ vua, quan ở trung ương đến các chức dịch địa phương đều sử dụng ấn tín. Họ coi đó như là những vật biểu trưng quyền lực và biểu trưng pháp lý của nhà vua và chế độ. Tùy theo địa vị, cấp bậc của người sử dụng; tùy theo tính chất, chức năng của từng loại văn bản cần phải sử dụng ấn tín, triều đình nhà Nguyễn đã tạo tác, định danh và ban cấp nhiều loại ấn tín khác nhau, như: tỉ, ấn, quan phòng, đồ ký, kiềm ký, đồ chương, triện.
Triều Nguyễn, ấn “Sắc mệnh chi bảo” làm bằng vàng, triện làm bằng đồng. Còn các loại đồ ký, kiềm ký, đồ chương, triện… làm bằng gỗ thì chỉ có thì có kích thước khiêm tốn, chưa hề thấy cái ấn nào bằng gỗ mà kích thước to như mảnh ván có khắc 4 chữ “Sắc mệnh chi bảo” tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long (kích thước 11,5 cm x 11,5 cm - PV).
Tóm lại, theo tôi nó không phải là cái ấn mà chỉ là miếng ván thôi, còn chức năng của miếng ván đó là gì thì xin để thư thư cho tôi nghiên cứu tiếp rồi trả lời sau.
KIỀU MAI SƠN

3 nhận xét :

  1. Các nhà khoa học, thông qua việc này, cần khẳng định không bị tuyền truyền dắt mũi.

    Trả lờiXóa
  2. 1 nguyên tắc quan trọng của trình tự pháp lý là 1 sự giả dối sẽ đồng thời làm triệt tiêu tất cả. Cái con dấu này cho là cổ vật quốc gia được bảo tồn, thế mà đem ra xử dụng, dùng in ấn để kinh doanh. Khoan nói đồ thật hay giả, món vật đã bị mất hết giá trị. Nói thí dụ, nếu cần giảo nghiệm khoa học chất son mực thì không ai dám làm cả. Vì chất son nguyên thuỷ đã bị lấm lem lung tung. Nó cũng giống như món đồ mới bị bóc tem, bị mất biên nhận thì không thể đánh giá là thật hay giả.

    Trả lờiXóa
  3. Làm to để giống ấn bùa đền Trần.

    Trả lờiXóa