Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Tứ Bình Làng Việt - Bài 2: LÀNG CỔ ĐÔNG NGẠC

Làng cổ Đông Ngạc
 Nguyễn Xuân Diện
Đó là một ngôi làng cổ nằm sát chân cầu Thăng  Long Hà Nội. Một làng quê cổ kính, đặc sắc bậc nhất của Hà Nội đến nay còn khá nguyên vẹn, mặc dù vùng ven đô đã bước vào quá trình đô thị hoá một cách quyết liệt nhất, mặc dù cây cầu Thăng Long lớn nhất Đông Nam Á vạch một nét ngang ngay cạnh làng, gần như vuông góc với con đê bê-tông chắn ngang qua trước cửa ngôi đình cổ...

Lần theo những con đường lát gạch nghiêng cổ kính, kết quả của những lần nộp cheo của các cô gái làng từ xa xưa, ta như thấy cả một quá khứ xa xăm hiện về cùng với làn khói bếp nhà ai đang lẫn giữa rêu phong của một toà cổng cũ... Và hôm nay đi dọc theo các ngõ nhỏ trong làng, thảng hoặc ta như được đắm chìm vào dĩ vãng của một thời xưa cũ còn vọng tiếng bình văn của kẻ sĩ, tiếng nô đùa của con trẻ và cả tiếng chuốt giang làm quang gánh, tiếng quay đất nặn nồi, tiếng giã giò rao nem đâu đây...

Và ta gặp ngay nghi môn đình làng Đông Ngạc - một ngôi đình có quy mô to lớn, nhiều hạng mục với các thành phần kiến trúc cổ kính và chuẩn mực đã tồn tại từ 500 năm nay. Đình được xây dựng trên một thế đất cao ráo, đắc địa ở phía Bắc làng, sát với đê sông Hồng. Tương truyền đình vốn xưa là một toà miếu cổ có từ thời Đường vào thế kỷ thứ VII. Năm 1635, dân làng đã cải tạo và mở rộng thành đình để thờ Thành Hoàng làng. Đình thờ 3 vị thần tượng trưng cho cả Thiên - Địa - Nhân. Thiên thần là Thần Độc Cước, do Phan Phu Tiên - một người làng rước về từ Sầm Sơn, Thanh Hoá; Nhân thần là Lê Khôi, cháu vua Lê Thái Tổ, cũng là một tướng lĩnh, được người làng là Đô đốc Đồng Xuyên Hầu rước về từ Nghệ An; Địa thần là Bản thổ Thành hoàng. Ngoài ra Đình còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dũng là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và ông Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635. Trong đình hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật quí, có giá trị như bia đá và bộ tranh sơn mài thời Lê, các nhang án gỗ được chạm khắc tinh xảo, trau chuốt.

Hàng năm, vào ngày 09 tháng 2 âm lịch là ngày hội làng. Xưa làng Đông Ngạc vào đám, có hát ca trù mấy ngày liền, với nhiều nghi lễ trang trọng và nghiêm trang. Lê Đức Mao (1462 - 1529) một người hay chữ trong làng đã thay mặt các giáp, soạn ra 9 bài thơ dài để đọc lên lúc thưởng lụa và tiền cho các đào nương.
Và 9 bài thơ đó là tư liệu chữ viết đầu tiên về ca trù trong kho tàng di sản Hán Nôm, và cũng là cứ liệu sớm nhất về thơ lục bátsong thất lục bát trong lịch sử văn học Việt Nam.
Làng có chùa Tư Khánh, một ngôi chùa có từ rất sớm. Theo danh sĩ Phạm Đình Hổ, chùa còn có quả chuông đúc năm Diên Hựu thứ 2 tức năm 1315 (Diên Hựu là niên hiệu nhà Nguyên - Trung Quốc). Trong chùa hiện còn có tấm bia có niên đại Thịnh Đức ghi rõ công đức của vợ chồng ông Nguyễn Phúc Ninh, cúng gia tư điền sản để tu bổ, dựng lại chùa, và được dân làng tôn làm Hậu Phật. Cùng với quần thể kiến trúc của chùa bao gồm tam quan, gác chuông, phương đình, tiền đường, hậu cung và nhà Tổ; những pho tượng được tạo tác công phu mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX càng tôn thêm giá trị của ngôi chùa.
Nhà thờ Đỗ Thế Giai, một quan chức cao cấp thời Lê Trịnh là nơi còn giữ được khá nhiều những di vật có giá trị. Đây cũng là ngôi nhà được chọn làm bối cảnh quay nhiều phim truyện, phim truyền hình. Bên cạnh nhà thờ họ Đỗ, còn hàng loạt các nhà thờ họ khác nữa, như các họ Phạm, Phan, Nguyễn, Hoàng. Làng có 6 xóm, hiện tồn tại trên 100 ngôi nhà cổ có thời gian xây dựng trên 100 năm, nhiều ngôi nhà gỗ được đục chạm công phu thể hiện nét tài hoa của các nghệ nhân xưa.

Làng Đông Ngạc nằm bên sông Nhị, nơi có bến Ngác và chợ Vẽ nổi tiếng khắp kinh kỳ. Vào cái thuở đường thủy còn là huyết mạch giao thông thì bến Ngác khi ấy là một nơi trên bến dưới thuyền và chợ Vẽ là một "trung tâm thương mại". Đông Ngạc là tên chữ của làng Vẽ, vốn là một làng nổi tiếng về một số nghề thủ công truyền thống như chuyên sản xuất nem ("giò Chèm, nem Vẽ"), làm quang gánh, nặn nồi đất...

Giàu mạnh về kinh tế, lại có vị trí gần sát với kinh thành Thăng Long nên người dân trong làng rất thuận tiện khi ra kinh ăn học hoặc rước thầy giỏi từ kinh đô về dạy trong làng. Và làng Đông Ngạc đã góp cho đất nước 25 vị Tiến sĩ và cả ngàn Hương cống, Cử nhân, Sinh đồ, Tú tài... Làng Đông Ngạc vì thế đã nổi tiếng với các danh nhân như thời phong kiến có Phan Phu Tiên, Đỗ Thế Giai, Lê Đức Mao, Phạm Gia Chuyên, Hoàng Nguyễn Thự... thời cận đại với Phan Văn Trường, Hoàng Tăng Bí... và ngày nay là Hoàng Minh Giám (cố Bộ trưởng Bộ Văn Hoá), GS-TS Phạm Gia Khánh (Giám đốc Học viện Quân Y), GS-TS Phạm Gia Khải (Viện trưởng Viện Tim Mạch), TS Phạm Gia Khiêm (đương kim Phó Thủ tướng Chính phủ) và nhiều nhà khoa học, chính khách danh tiếng... Người Đông Ngạc làm quan khắp nơi và không thời nào không có các vị triều quan về làng đóng góp tiền của và trí tuệ để xây dựng quê hương.

Khó có thể nói hết, viết hết về những vẻ đẹp của Đông Ngạc, một làng có nhiều nhất các bản sách cổ còn lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, một làng ven đô mà nét cổ xưa còn lưu lại trên lối mòn gạch nghiêng in dấu chân gái làng xuất giá, trên rêu phong cổng ngõ gió lùa, trên bia đá chùa xưa và trong cả nét đẹp tảo tần chăm chỉ trong nếp sống từ ngàn xưa truyền lại. 
Ảnh: Internet.
Hà Nội, 2005.

13 nhận xét :

  1. "Bài 2: Làng cổ Đông Ngạc". Nhầm số thứ tự -Thưa TS.

    Trả lờiXóa
  2. Dạ, đã lĩnh ý, sửa sai,
    Xin đa tạ tiên sinh!

    Trả lờiXóa
  3. Nói đến Đông Ngạc là ta phải nghĩ đến sự hiếu học và sự cống hiến của nhiều danh nhân của Đông Ngạc.
    Hầu như tộc,họ nào ở Đông Ngạc cũng có người đỗ đạt cao,mà nghe nói đại đa số những tộc họ đó đều có nguồn gốc từ xứ Thanh và tên cũ của làng trước kia không phải là Đông Ngạc,mà là Đông Ếch hay Đống Ếch thì phải.
    Tôi cũng đã được đến Đông Ngạc,sự hiếu học ở đây còn được thể hiện ở những chiếc cổng làng,cổng ngõ của Đông Ngạc.Hầu như hai bên cổng đều có những ngọn bút tháp,bút lông ngày xưa.
    Nghe người quen trong làng giới thiệu,thì ngôi đình của làng đã có cách đây 5 thế kỷ và có ngôi chùa Tư Khánh cũng rất cổ,nghe nói quả chuông trong chùa đã có tuổi khoảng 700 năm.
    Còn kiến trúc nhà cửa thì được đan xen giữa kiến truc Pháp và Việt cổ.
    Nhưng Đông Ngạc cũng không ngoại lệ,đang bị thay đổi dần những nét cổ xưa bằng những kiến trúc hiện đại,vì nhu cầu của cuộc sống mà nhiều nhà cổ đã bị phá đi để nhường chỗ cho"bê tông hoá"của thời hiện đại.Đây cũng là một điều đáng buồn và rất đáng tiếc của Đông Ngạc.
    Tôi bỗng chợt nhớ tới lời than thở của một người khi nhìn về Đông Ngạc"Tiếng bình văn của kẻ sĩ,tiếng nô đùa con trẻ,tiếng chuốt giang làm mũ,tiếng giã giò rao nem giờ cũng đã trở thành dĩ vãng trong khi những tiếng búa,tiếng cưa cứ mải miết gặm nhấm nếp thời gian trên ngôi nhà cổ."
    Thời gian cứ trôi đi,cứ đà này chẳng mấy chốc nét cổ xưa của Đông Ngạc xẽ dần mất đi theo năm tháng.

    Trả lờiXóa
  4. Thưa Bác Chậm Hiểu,
    Nghe Bác nói về Đông Ngạc. - Đống Ếch - Ngác ...biết Bác là một người hiếu cổ, trọng truyền thống...lòng tại hạ rất cảm phục!

    Những mong Bác bớt chút thời gian vàng Ngọc, viết ra một chút, chia sẻ với bà con xa gần. Không hiểu ý Bác ra sao?

    Kính thư,
    Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện

    Trả lờiXóa
  5. Thưa TS Nguyễn Xuân Diện!
    Tôi rất cám ơn TS đã có lời động viên.Nhưng thực chất tôi cũng chỉ là một người có chút tò mò,thích tìm hiểu,có lợi thế là được đi nhiều,đến đâu thấy những gì lạ mà chưa biết đều cố gắng tìm hiểu và ghi chép lại.Thấy TS có bài nói về những nét đẹp văn hoá của những ngôi làng cổ,tôi cũng chỉ dám mạo muội có đôi lời tham góp.
    Nói thật với TS,những bài viết về những nét văn hoá cổ xưa của các làng quê Việt Nam thì chỉ những ai thật sự quan tâm,coi trọng truyền thống thì mới hay tìm đọc.Còn đại đa số,nhất là lớp thanh niên bây giờ ít người tìm hiểu,đó cũng là một điều đáng buồn.
    Để phân tích kỹ và viết về những truyền thống cũng như những nét đẹp của làng quê Việt Nam thì rất nhiều.Như nguồn gốc của ngôi đình Đông Ngạc ra sao,nguồn gốc và việc xuất hiện quả chuông cũng như tại sao tên cũ của Đông Ngạc là Đống Ếch và trong các ngôi nhà thờ của từng họ có những nét gì về văn hoá và truyền thống.Nói chung rất nhiều nét đẹp về văn hoá và truyền thống cần được quảng bá,Nhưng việc đó tôi nghĩ là của các nhà nghiên cứu,do vậy không dám mạo muội,chỉ dám mạo bình vài lời tại hiên trà của TS thôi.
    Mong TS hiểu và thông cảm.

    Trả lờiXóa
  6. Thưa Bác Chậm Hiểu,

    Xin lẩy một câu Kiều:
    Hữu tình ta lại gặp ta
    Chớ nề Chủ - Khách mới là tri âm.

    LK

    Trả lờiXóa
  7. Chào TS Nguyễn Xuân Diện!
    Tôi thấy những bài viết về nguồn tư liệu cổ và về làng cổ của bác rất có y nghĩa. Tôi cũng đã giới thiệu cho sinh viên và nhiều người khác đọc. Mọi người cũng rất thích.
    Không biết đòi hỏi có nhiều quá không, nếu bác giới thiệu địa chỉ để mọi người khi có dịp sẽ ghé thăm. Biết đâu, có ai đó có sáng kiến gì có thể góp phần gìn giữ nét văn hóa quý giá này chăng?
    Cám ơn TS

    Trả lờiXóa
  8. Bác Diện ơi, bác viết một bài về làng Quán La nay thuộc phường Xuân La quận Tây Hồ, Hà Nội được không ạ?

    Trả lờiXóa
  9. Bác Ẩn danh 21:56 (3.9.2011) ơi,
    Bác cứ cho Tễu một bữa cơm rượu, Tễu sẽ có ngay 1 bài. Bác có rượu không?

    Trả lờiXóa
  10. Ngoài những rừng vàng biển bạc, đến những khoáng sản, hải sản, thủy sản là những tài nguyên đem lại sự giàu có cho quê hương tổ quốc, còn những di sản văn hóa mà cha ông để lại cho con cháu ngàn đời . Những kho tàng đó con cháu phải biết giữ gìn và phát huy, không thể bừa bãi, phung phí, sử dụng mà không biết giá trị của nó, làm cho mai một không thể tái tạo.
    Không riêng gì miền Bắc mói có những làng cổ mà khắp các miền đất nước, nơi có những cư dân lâu đời ,đều để lại những di sản văn hóa rất giá trị . Mong NN, Bộ DL, VH, TT sớm phát hiện để bảo tồn.

    Trả lờiXóa
  11. Đọc bài viết của TS Nguyễn Xuân Diện tôi lại nhớ đến cụ đồ của tôi đã từng dạy học chữ Hán ở đầu thế kỷ 20 tại mảnh đất này. Người làng Đông Ngạc cũng có người về làm dâu quê tôi, kể cả người làng Bưởi HN nơi quê hương của làng Thọ Xương và làng yên Thái, chuyên làm nghề giấy dó, dệt lụa. Nhìn những hình ảnh hiếm hoi về những cổng làng, ngôi đình cổ kính như đưa ta về một thế giới xưa cũ, yên bình trầm mặc với thời gian. Thật đáng tiếc ngày nay người ta lợi dungj trùng tu để phá đi những giá trị nguyên gốc của công trình, liệu nay mai các thế hệ sau này đâu còn biết đến những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc nữa...

    Trả lờiXóa
  12. Những cái cổng làng rất đẹp, rất gần gũi với tâm hồn dân tộc. Giữ gìn những kiến trúc cổ không phải là việc làm hời hợt, nhìn những cổng làng thì phải nhớ rằng từ cái cổng làng ấy, biết bao anh hùng hào kiệt của nước Việt Nam được hun đúc từ hồn thiêng sông núi từ đó ra đi làm rạng danh xứ sở! Bao lâu chưa thấm được cái hồn của cái cổng làng thì bấy lâu chỉ nghĩ đến ăn chơi sa đọa mà thôi! Ngay cả những người giữ trọng trách có đi sứ sang các nước thì trong lòng cũng phải đem theo cái cổng làng thì mới giữ được cái lòng tự trọng của bản thân, của dân tộc chứ không phải được uống ly trà của nó mà đã vội vong thân, sao được gọi là gọi là người!

    Trả lờiXóa
  13. Những người xuất xứ từ làng Đông Ngạc ra ngoại quốc cũng rất thành danh, làm rạng rỡ người Việt trên xứ người

    Trả lờiXóa