Thứ Ba, 26 tháng 6, 2018

VINH DANH CHỮ QUỐC NGỮ TRƯỚC MỐI HỌA TRUNG QUỐC

GS. TS Nguyễn Đăng Hưng.
Vinh danh chữ Quốc ngữ trước mối họa Trung Quốc

RFA
2018-06-22 

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một chuyên gia giáo dục Việt Nam, nguyên là giảng viên đại học Liège - Bỉ, đang thực hiện một số dự án vinh danh chữ quốc ngữ, như một cách để tỏ lòng tri ân với những người giúp sáng khai sinh ra tiếng Việt và bảo vệ văn hóa Việt nhất là trong thời buổi sự lấn lướt của Trung Quốc trên lãnh thổ VN ngày càng gia tăng. 


Theo một số thông tin Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ thì ông đang thực hiện hai dự án để vinh danh những người giúp tạo ra bảng chữ cái tiếng Việt. Một dự án là làm bia tưởng niệm ông Alexander de Rhodes một giáo sĩ người Pháp. Bia tưởng niệm sẽ được đặt tại một nghĩa trang ở Iran nơi ông yên nghỉ. Và dự án thứ hai là lập một không gian tri ân và tưởng niệm các giáo sĩ người nước ngoài đặc biệt các giáo sỹ Bồ Đào Nha, cùng tập thể các trí sĩ người VN đã có công trong việc phổ biến chữ quốc ngữ. Không gian này dự tính được xây dựng ở Hội An.

RFA trao đổi với GS. Nguyễn Đăng Hưng về các dự án này:

RFA: Xin chào GS. Nguyễn Đăng Hưng. Ông có thể cho quý khán thính giả biết lý do gì thôi thúc ông thực hiện các dự án này không ạ?


GS. Nguyễn Đăng Hưng: Cuối năm 2017, ở VN có một sự kiện xảy ra đó là ông PGS. Bùi Hiền, nguyên hiệu trưởng trường ngôn ngữ ở Hà Nội, đã đưa ra đề nghị sửa đổi cách viết chữ quốc ngữ. Cách viết của ông ấy làm cho tiếng Việt giống tiếng Trung Quốc được phiên âm.

Tôi rất buồn, nhưng tôi có thói quen phản ứng tích cực chứ không phản ứng tiêu cực. Tôi không tìm cách mắng mỏ ai, mà tôi chỉ nói tại sao mình không đưa ra một đợt vinh danh chữ quốc ngữ. Bởi vì tôi cho rằng chữ quốc ngữ đã quyện vào tâm hồn dân tộc. Tất cả người Việt nói tiếng Việt đều viết chữ quốc ngữ. Bây giờ cứ nhìn thấy chữ quốc ngữ người ta đã tìm thấy tâm hồn, tìm ra thơ, nét nhạc. Cho nên mình phải bảo tồn và vinh danh nó. Mà muốn làm vậy thì trước hết phải tri ân những người tiền bối đã khai sinh ra chữ quốc ngữ.
RFA: Đây là dự án lập đền thờ vinh danh ông Francisco de Pina, và các trí sĩ người Việt ở Hội An, và làm bia tưởng niệm ông Alexander de Rhodes ở Iran phải không? Ông có thể nói rõ hơn các dự án sẽ được thực hiện như thế nào?

GS. Nguyễn Đăng Hưng: Bây giờ có muốn tạc tượng vinh danh các vị này ta cũng không nên để ở Hà Nội vì ở Hà Nội người ta đã gỡ đi rồi. Mà cũng không nên để ở Sài Gòn, một thành phố lớn bởi vì ông Võ Văn Kiệt là bí thư thành ủy còn không làm được thì làm sao tôi làm được.

Nên tôi mới đề nghị làm một không gian vinh danh, một cái đền chẳng hạn tại Thanh Chiêm, chỗ các giáo sĩ tới để truyền đạo thì vừa có ý nghĩa mà không ai nói gì được.

Nhưng những người ở Hội An nói rằng sao thầy không làm ở Hội AN đi vì Thanh Chiêm bây giờ không còn sinh hoạt gì, thành một làng hoang phế rồi. Mà Hội An cách đó có 10 cây số thôi. Các giáo sĩ đó trước khi tới Thanh Chiêm cũng đã tới Hội An. Và hiện Hội An có một nhà thờ Cơ đốc cũ nhất. Cũng có người nói với tôi họ có thể giúp tôi giữ mảnh đất đó, ở ngay trung tâm Hội An, để làm đền thờ.

Đây là đợt 2. Còn đợt 1 là đi sang cố đô của Iran, trước gọi là Ba Tư. Ở Isfahan có mộ của ông Alexander de Rhodes chơi vơi trong một nghĩa trang, không khói hương, không có hoa từ lâu rồi, khoảng 300 năm. Tôi quyết định sang đó đi tìm lại ngôi mộ để nghiên cứu lập một cái bia để tri ân ông ấy. Tôi đã thực hiện việc này hồi tháng 5 vừa rồi, và mọi việc rất thành công.

Đặt một bia đá ở ngôi mộ cổ không phải là việc dễ. Thứ nhất, phải được người quản lý nghĩa địa đồng ý. Thứ hai là phải được nhà thờ chấp thuận, vì đay là nghĩa địa Cơ đốc. Rồi phải có ý kiến của chính quyền địa phương. Khi tôi sang tôi phải đi hết 3 cửa. Cửa nghĩa địa thì rất là tốt. Đi tới nhà thờ thì họ cũng chịu, không vấn đề gì, nhưng họ nói với tôi vấn đề khó là phải đi qua chính quyền. Tôi cũng mầy mò đi tới gặp chính quyền và nói chuyện với ông Cục trưởng Cục quản lý Văn hóa- Tôn giáo của quận Isfahan. Tôi đã đưa cho ông cục trưởng những đề nghị về văn bia mà chúng tôi viết, trong đó chúng tôi dùng 4 thứ tiếng. Ý tưởng 4 thứ tiếng này làm ông cục trưởng rất mừng, nói rằng như vậy rất nhân văn nên không thể từ chối được.

Sau đó chúng tôi đi tìm thợ khắc bia. Tấm bia dài 1m6 và bề ngang 50 cm. Tôi lo người Iran mà khắc Tiếng Việt là có thể sai nên phải ngồi lại cả buổi để dạy họ khắc cho đúng.

Vây giờ khắc bia xong rồi, hợp đồng ký rồi, tôi đã trả tiền cọc rồi, chỉ còn phần còn lại là sang khánh thành. Chúng tôi có một nhóm rất đông nhà sử học của Việt Nam, nhà trí thức cao cấp của VN, có cả người trong Đảng Cộng sản VN, có người dân Việt, có dân hải ngoại, người ở Paris, người ở Bồ Đào Nha. Tôi đã đưa ra một tiêu đề là chữ quốc ngữ còn thì Tiếng Việt còn, mà Tiếng Việt còn thì nước Việt còn”.

Ngày 5/11 tới đây chúng tôi sẽ có một phái đoàn khoảng 20 người sang Iran để khánh thành tấm bia tại mộ của ông Alexander de Rhodes, đây cũng là ngày giỗ của ông ấy.

Bia mộ này có một phần nhỏ tầm 50 cm thì chúng tôi lấy một hòn đá ở Thanh Chiêm hoặc Hội An để khắc lời tri ân, và in vào đó hình ông Alexander de Rhodes cùng hình cuốn từ điển. Như vậy để có một cái gì đó của dân tộc Việt Nam, làng Thanh Chiêm nơi ông đã qua, tựa lưng vào mộ để ông ấy thấy ấm áp lòng.

Đến tháng 7 này chúng tôi có một phái đoàn sang Bồ Đào Nha tham gia cùng Viện nghiên cứu lịch sử - địa lý của Bồ Đào Nha để tham gia một hội thảo về cống hiến của người Bồ Đào Nha đối với chữ quốc ngữ. Có một cô sử gia lấy chồng ở Bồ Đào Nha nói với tôi đã tìm được con cháu của ông F.de Pina rồi. Nếu lấy được mẫu AND và khai tìm các mộ cổ của đạo sĩ đã chôn, tìm ra mộ có ADN giống thì lúc đó sẽ xác nhận được mộ của ông De Pina. Từ đó chúng tôi sẽ làm một chuyện mới mẻ trong lịch sử là biết được ông ấy chôn ở đâu và vinh danh ông ấy bằng cách củng cố mộ của ông ấy cho tốt.

RFA: Ngày này sự lấn lướt của Trung Quốc với chủ quyền lãnh thổ của nước ta ngày càng rõ ràng. Đây có phải là một trong những lý do khiến Giáo sư thực hiện các dự án này không?

GS. Nguyễn Đăng Hưng: Không phải là mục đích chính nhưng cũng là muốn bảo vệ tiếng Việt, bảo vệ độc lập và lãnh thổ của Việt Nam. Muốn bảo vệ nước Việt Nam thì chuyện đầu tiên cần bảo vệ là tiếng Việt. Bảo vệ tiếng Việt tốt thì tất cả những xâm lấn, nhất là về văn hóa sẽ bị ngăn cản và có sức đề kháng cao. Như vậy cũng là một hình thức đối kháng lại dã tâm xâm lược văn hóa của bá quyền Trung Quốc.

RFA: Qua chương trình của RFA, Giáo sư muốn nhắn gửi điều gì đến quý khán thính giả?

GS. Nguyễn Đăng Hưng: : Tôi mong rằng sau khi khánh thành bia mộ của ông Alexander de Rhodes và tìm được mộ của ông F.de Pina sẽ dấy lên một phong trào ủng hộ công việc của chúng tôi, một nhóm mười mấy người, để xây dựng được không gian đó. Tôi muốn lan truyền sự ủng hộ ở hải ngoại và trong nước. Trong nước giới doanh nhân cũng có người rất tốt đã ủng hộ rồi. Tôi mong rằng doanh nhân Việt Kiều Mỹ, Pháp, Úc,… những người vẫn nói tiếng Việt, viết tiếng Việt sẽ hiểu rằng mình cần có bổn phận tri ân những người đã khai sinh ra chữ quốc ngữ.

RFA: Xin cám ơn những chia sẽ của Giáo sư và xin chúc cho những dự án của ông sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt trong nước và hải ngoại.

9 nhận xét :

  1. Cảm ơn Giáo sư rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  2. Chân thành cảm ơn GS Hưng rất nhiều!

    Trả lờiXóa
  3. Đoạn dẫn đầu bài nói "lòng tri ân với những người giúp sáng khai sinh ra tiếng Việt" có hai điểm sai.
    1. nên nói "tri ân những người ..." là được rồi. Nói "tri ân với ..." là vẽ rắn thêm chân, mà sai.
    2. Nói " những người ... khai sinh ra tiếng Việt" là sai tệ hại. Họ sáng tạo ra chữ quốc ngữ cho tiếng Việt, để ghi (viết) tiếng Việt chứ không phải là khai sinh ra tiếng Việt. Ai lại nói thế bao giờ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trả lời câu 1 của bạn Nặc danh 18:57:

      Bạn trích dẫn thiếu 3 chữ đầu là "để tỏ lòng" nên bạn thấy kỳ là điều dĩ nhiên. Nguyên văn người ta là:

      "...như một cách để tỏ lòng tri ân với những người..."

      Câu trên không có gì sai cả! Có sai là bạn trích dẫn không đúng thôi. Tôi tin là bạn không cần tôi giải thích dài dòng. Lần sau bạn nhớ trích dẫn cho đầy đủ, như vậy ý của tác giả sẽ không bị lệch lạc.

      Xóa
  4. N Đ xin chân thành cám ơn ông đã chỉ ra những sai sót .

    Trả lờiXóa
  5. Hoan hô anh Nguyễn đăng Hưng và các đồng nghiệp sắp hoàn thành một công việc quan trọng giới thiệu trong bài viết, tôi chắc tất cả người việt trong nước và hải ngoại còn sử dụng tiếng viêt tiếp nhận thông tin này đều rất hoan nghênh và đánh giá cao thành công này.
    Nghĩ rằng nhân dịp công bố thành quả này cũng cần nhắc đến tên tuổi ông Phạm Quỳnh - người đã có công đầu khi xuất bản tờ báo tiếng việt cho đồng bào Việt nam - có thể do những nguyên nhân nào đó tên tuổi của ông trong báo chí hầu như không bao giờ được nhắc đến, cái chết của ông và 2 người khác cũng là 1 uẩn khúc không được công bố rỏ ràng.

    Trả lờiXóa
  6. Việt Nam! Chữ quốc ngữ là văn minh. TQ khó mà có được. Ủng hộ ông GS.

    Trả lờiXóa
  7. Vượt qua nhiều khó khăn vất vả , có thể gọi là kỳ công , để lập được bia mộ tri ân ngài Alexander de Rodes thật là việc làm vô cùng ý nghĩa , vô cùng nhân văn . Xin bày tỏ sự trân trọng , khâm phục GS Nguyễn Đăng Hưng .

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng và những người cùng chí hướng. Một dự án thật hay, hẳn sẽ đi vào Lịch sử. Đương nhiên, nên đồng thời suy tôn luôn ít nhất cụ Phạm Quỳnh. Mong trong Đoàn vinh danh tiếng Việt hiện diện người nhà của cụ Phạm Quỳnh, các nhân vật chủ yếu của Quỹ Phan Chu Trinh như bà Nguyễn Thị Bình, bác Nguyên Ngọc và giáo sư Chu Hảo...

    Trả lờiXóa