Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

Trần Đăng Tuấn: THƯA ANH THỂ, ANH NHẠ, VÀ CHỊ KIM TIẾN

Nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Trần Đăng Tuấn

GIÁ VÀ PHÍ

Bây giờ chuyện giá hay phí không chỉ ở đường xá, mà đã và đang, sẽ là chuyện của trường học và bệnh viện nữa. 

Không nói chuyện chữ nghĩa nữa, mà nói thực chất GIÁ hay PHÍ. Quan điểm của tôi là thế này:

1- Thưa anh Thể

Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chẳng hạn. Nó là đường mới. Đường cũ vẫn có. Đi đường cũ không phải mua vé để bù cho đường mới. Đi đường mới phải trả khá tiền. Đắt sẽ ít người đi. Hợp lý sẽ nhiều người đi. Theo tôi nếu làm BOT hay không BOT nhưng thu phí đường theo cách như thế không ai thắc mắc.

Còn quốc lộ 1 BOT như vừa qua là vấn đề. Quốc lộ 1 không thể chỉ là GIÁ được, vì nó bao hàm trong đấy con đường trước khi sửa là của dân của nước. Phần đầu tư BOT chỉ là thêm vào thôi, và chỉ là một hợp đồng có thời hạn. Dân có quyền đòi hỏi thu phí sao cho đúng, cho hợp lý. Thêm nữa, dân đi đường cũ (không chỉ QL1) mà phải góp tiền cho đường mới thì là chuyện quái dị. Phải có sự rõ ràng mạch lạc, công minh. Phải có nhận sai và sửa sai.

2- Thưa anh Nhạ

Có các trường đại học dân lập, đại học tư hoàn toàn. Học ở đó phải trả nhiều tiền. Dân không kêu ca. Theo cách nói bây giờ là phải trả theo GIÁ bao hàm đầy đủ các chi phí của các trường đó. Bây giờ bất cứ trường đại học nào muốn thu đúng, thu đủ (như ông nói là theo luật Giá), thì hãy như các trường nói trên, tự trả hết tiền đất đai, nhà cửa, tài sản, nhân lực. Khi đó tự định học phí là bao nhiêu mà thu. Đắt thì con em nó ra nước ngoài học hết. Đó là cạnh tranh. Bên Tây họ cũng thế. 

Còn nếu trường đại học vốn là do dân do nước chắt chiu mãi mới có, rồi trên cái cơ sở ấy chuyển PHÍ thành GIÁ, đòi thu nhiều, thu đủ....thì nó lại giống như tráng nền mở rộng quốc lộ 1 rồi thu BOT.

3- Thưa chị Tiến

Bệnh viện tự lo từ A đến Z không liên quan nhà nước, giá dịch vụ thế nào không ai phản đối. Mắc quá họ ra nước ngoài hay sang viện khác chữa. Đó là cạnh tranh.

Nhưng cũng không lẫn lộn với chuyện bệnh viện do nhà nước đầu tư xây dựng lâu nay bằng tiền dân đóng góp. Nhà nước chưa thể cho dân chữa bệnh không mất tiền, nên phải thu phí - Đồng ý. Nhưng phí đó thành GIÁ thì không đồng ý. Nếu là GIÁ - hãy tự xây bệnh viện hay trung tâm khác và hạch toán tất tần tật vào kinh doanh chữa bệnh. Chuyển bệnh viện công sang thành bệnh viên tư cũng được. Nhưng phải mua lại, trả tiền cho nhà nước có thể đầu tư cho các bệnh viện công còn lại.

4- Với cả ba Anh Chị Bộ trưởng:

Tôi đồng ý các anh chị tính hết thành GIÁ.

Nhưng để thu đúng theo GIÁ, ai muốn thu hãy đầu tư cái giá trị mới bằng tiền của mình, không dựa vào cái tài sản chung của dân đã tích luỹ lâu nay làm nền như nền đường quốc lộ 1 thành đường BOT. 

Nếu dựa vào nền đường cũ, thì phải là PHÍ. Nếu cơ sở vật chất và dạy và học có trước do công quỹ, thì là PHÍ. Nếu cơ sở vật chất khám chữa bệnh xuất phát là tiền công, thì là PHÍ.

Còn nếu định giá để kinh doanh giao thông, giáo dục, y tế - OK. Nhưng đừng nhập nhằng lẫn vào cái của dân của nước đã làm ra.

Tóm lại, hãy phân minh chỗ nào là PHÍ, chỗ nào là GIÁ. Chỗ nào là phúc lợi. Chỗ nào là kinh doanh. Không nạc mỡ lẫn lộn. Không diễn biến hoà bình từ PHÍ sang GIÁ.
 
 

20 nhận xét :

  1. Bài viết vô cùng tâm huyết của anh Trần Đăng Tuấn, một người đã và đang hết lòng vì dân, vì nước. Người dân nghèo chúng tôi chỉ mong 3 ông bà được TS Trần Đăng Tuấn chỉ đích danh (và hầu hết quan chức ăn lương bằng tiền thuế của dân) hãy có tấm lòng vì dân vì nước (một phần nhỏ của anh Tuấn thôi) thì dân đỡ khổ biết dường nào! Xin cảm ơn Anh.

    Trả lờiXóa
  2. NB Trần Đăng Tuấn phân tích công tư rất rõ ràng . Thiết nghĩ một em HS học hết Tiểu Học đọc cũng có thể hiểu . Vậy mà không lẽ các vị BT đều có học vị Tiến sĩ lại không hiểu, cứ nhập nhằng đánh lận con đen, biến công vi tư ? Các vị nhập nhằng như thế có lợi cho ai ?

    Trả lờiXóa
  3. Ông Trần Đăng Tuấn lập luận hoàn toàn đúng.
    Từ đường xá, cầu cống, bệnh viện, trường học, tất cả cơ sở hạ tầng đó có giá trị rất lớn thì người dân đã đầu tư rồi. Bây giờ các bộ ngành nói chung, chính phủ nói riêng, lại muốn thu tiền theo kiểu "tính giá" "chặt đẹp" thì vô lý quá!
    Phải hiểu rằng các cơ sở tư nhân họ phải khấu hao mỗi năm, và còn phải tính toán để thu hồi vốn bỏ ra mua đất đai và xây dựng cơ sở hạ tầng, trong khi các cơ sở nhà nước không phải lo gì cả mà muốn tính giá trên trời thì người ta gọi là ăn gian!
    Thế nhưng người dân thấy gì qua hiện tượng trên?
    _Thứ nhất: chính phủ bế tắc trong đường hướng kinh tế nên tận thu, thậm chí lạm thu.
    _Thứ hai: hậu quả của nợ công từ các năm trước, bây giờ phải trả lãi mỗi năm hàng chục tỉ đô la vì thế không còn tiền đầu tư công, từ trước đến nay các dự án về giáo dục, y tế đã không được đầu tư đúng mức, nay thì lại không có tiền, vậy thì đi về đâu! Nghĩ lại mấy năm trước, vay tiền về thì tham nhũng, ăn cắp quá đáng, bây giờ thì các công trình thi nhau đội vốn! Thế thì không toi mới lạ!
    Chính phủ cứ thích nói "giá" thì bây giờ phải trả giá rồi đấy!

    Trả lờiXóa
  4. Đơ giản đến không ngờ, đó là Sự thật. Nhưng,..., đàn gảy tai trâu thôi, thưa ông Trần Đăng Tuấn. Ở đâu và chỗ nào, quan chức cũng tìm mọi cách moi được càng nhiều càng tốt tiền của Dân, không cần biết họ giàu nghèo, xấu tốt thế nào. Chưa bao giờ, sự xảo trá, hỗn láo và khinh rẻ Dân lại trắng trợn đến vậy !...

    Trả lờiXóa
  5. Trần Thị Thảolúc 08:07 31 tháng 5, 2018

    Trước kia chị Tiến và anh Nhạ đứng thứ nhất , nay thêm anh Thể nữa . Chúc mừng đội ngũ MẶT DÀY ngày càng đông .

    Trả lờiXóa
  6. Rất chí lý! Cảm ơn anh nhiều!

    Trả lờiXóa
  7. Cái "GIÁ" của sự đổi mới không MINH BẠCH.

    Trả lờiXóa
  8. Tôi nghĩ, với bài viết lần này ( cùng nhiểu bài viết và hành động khác), anh TĐT là người "Dấn Thân" đúng nghĩa...Tiếng nói của anh, buộc rất nhiều kẻ "khiếm thính- khiếm thị- ngọng líu ngọng lo", phải chú ý tới phản ứng "chính xác mà bất đắc dĩ" của dư luận...Hoan hô và cám ơn, cảm phục TĐT !

    Trả lờiXóa
  9. Thật rõ ràng, xin cảm ơn nhà báo Trần Đăng Tuấn!

    Trả lờiXóa
  10. May mà ông cựu Bộ trưởng Trần Xuân Giá đã được đặt đúng tên ngay từ đầu. Nếu ông mà là Trần Xuân Phí thì bây giờ phải làm thủ tục đổi tên. Rách việc lắm, thủ tục nhiêu khê lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quá chuẩn! Cuối cùng thì người ta vẫn phải nhờ đến ông Trần Xuân Giá để cứu nguy!

      Xóa
    2. Vậy ông Phí Thái Bình thì sao? Giờ không lẽ phải cải họ thành Giá Thái Bình?

      Xóa
  11. NGƯỜI DÂN và CHÍNH PHỦ
    Bất kỳ một quốc gia nào, người dân đều phải có bổn phận đối với Tổ quốc, đó là: Đi lính, đóng thuế, bầu cử...Cho nên, Chính phủ cần phải trực tiếp (công) hoặc gián tiếp (tư) cung cấp những dịch vụ để phục vụ nhân dân, như: Y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng đường xá...
    Nếu các loại phí trong các ngành Y tế, giáo dục, giao thông đều đổi thành giá thì có nghĩa là Chính phủ tự loại bỏ chức năng phục vụ nhân dân và giao cho thị trường tự điều tiết. Lúc này, những dịch vụ trên sẽ giống như dịch vụ vui chơi giải trí, xem phim, ca nhạc...

    Trả lờiXóa
  12. Càng đọc Trần Đăng Tuấn càng thấm thía, anh không thể cùng hội với ai và vì sao họ sống sượng chặn anh vào Quốc hội. Cám ơn trí sỹ 4.0, trí sỹ @.

    Trả lờiXóa
  13. Tôi đang sống ở Đức, một đất nước thuộc hệ thống "tư bản giãy chết" - "tư bản bóc lột" - "tự do dân chủ giả hiệu" - .v.v.(theo như lời tuyên truyền của tuyên giáo csVN). Nhưng ở đây con cháu tôi được đi học miễn phí hoàn toàn đến 18 tuổi (tức miễn phí đến hết THPT); ở đây chúng tôi được khám bệnh và chửa bệnh miễn phí từ mọi hệ thống y tế; ở đây chúng tôi đi xe trên xa lộ chạy 130 km/giờ từ Nam chí Bắc từ Đông sang Tây mà không hề thấy có 1 trạm thu phí nào cả; ở đây các ngành tư pháp - lập pháp - hành pháp độc lập với nhau, đại biểu của dân từ làng xã đến quốc hội thì được ứng cử và bầu cử tự do và dân có quyền lên tiếng để truất phế những đại biểu cũng như công chức các cấp một khi người đó thiếu tài kém đức.
    Còn ở nơi tự xưng là "dân chủ gấp nghìn lần tư bản", có lãnh đạo thuộc hàng "đỉnh cao trí tuệ của loài người", mà sao lại để cho thuế - phí - giá ngập trời và cao ngất ở mọi nơi, khiến người dân khổ sở phát điên như thế?

    Trả lờiXóa
  14. Thưa chú Trần Đăng Tuấn, cháu kính nể chú về Tri thức chú dùng cho dân cho nước ạ. Và chú rất đàn ông, sòng phẳng nữa khi trao đổi với 3 cô chú bộ trưởng. Cháu đã 22 tuổi, chú ạ. Nhưng sao bây giờ cháu thấy ít người nói hay và nói đúng như chú quá. Cháu rất buồn và hoang mang chú ạ, chanwbg biết sẽ làm gì nữa khi bố mẹ cháu đã cho cháu học hêts đh ngành báo chí ở trường Quốc gia HN. Cháu chúc chú Sức khỏe ạ.

    Trả lờiXóa
  15. Thời buổi nhiễu nhương, vàng thau lẫn lộn. Tiến sĩ cũng nhiều loại: tiến sĩ giấy, tiến sĩ quay cóp ...

    Trả lờiXóa