Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Nguyễn Xuân Diện: VÌ SAO ÔNG HÀ VĂN THÙY HẬM HỰC VỚI TÔI?


Vì sao Ông Hà Văn Thùy lại hậm hực với tôi
và viết bài trên VN Thời báo?


Nguyễn Xuân Diện

1- Ông Hà Văn Thùy gửi cho tôi bức thư của ông lão ngoài 80 tự xưng là thầy của nhiều thế hệ cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm. (Ảnh 1). Ông định kéo tôi vào vụ này.

2- Tôi hồi âm về bức thư của ông lão 80 (Ảnh 2). Ông Hà Văn Thùy bắt đầu đổi giọng và viết bài đăng trên VN Thời Báo của Hội Nhà báo Độc lập.


3 - Cách xử lý cả Sở VH Hải Phòng về vụ này là ĐÚNG LUẬT, nhưng có vẻ cứng nhắc và thận trọng quá mức. Nhưng đây là các xử lý tốt nhất lúc này, không để bùng lên vụ này (tốn tiền của vào 2 tấm bia ngụy tạo, phân tán dư luận, kéo dư luận ra khỏi các chủ đề nóng hôm nay như: Đặc khu, Biển Đông, BOT, giáo dục xuống cấp, đốt lò....).

Văn bản của Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng đề nghị dừng nghiên cứu 2 bia đá "liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm".  Ảnh Lê Tân - Báo Thanh Niên.

Đáng ra là phải tổ chức hội thảo, có kết luận của cơ quan chuyên môn về tính chân - ngụy của 2 văn bia. Sau đó truy cứu các vấn đề: Ai làm ra nó, làm ra với mục đích gì, tại sao lại tung ra vào thời điểm này. Tiếp theo là xử lý các cá nhân, tập thể về tội làm giả tài liệu lịch sử. Nhưng cứ dăm ba bữa, ai đó nhặt được cái thẻ tre hoặc tìm thấy một ngôi mộ vô chủ nào đó, la toáng lên là mộ cụ Trạng lại tổ chức hội thảo chi ra vài chục triệu, đón rước chuyên gia, rồng rắn kéo nhau đi thực địa...thì sức đâu, tiền của đâu mà trang trải!?

P/s: Trong bài có chi tiết Ông Hà Văn Thùy viết không chính xác (đã được tôi tô đỏ).


 


________________

VNTB - Suy ngẫm về hai cách ứng xử văn hóa

Hà Văn Thùy
Việt Nam Thời báo
27 - 5 - 2018

Nhà văn Hà Văn Thùy (VNTB): Việc làm của dân cư mạng và cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng trước hai tấm bia xuất hiện ở thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng đáng phải suy ngẫm.

Bia có chữ, thậm chí rất nhiều chữ. Nhưng những chữ được đọc quá ít. Cụ Lân người địa phương đọc rồi nói rằng “Những chữ khắc trên bia liên quan đến mộ chí Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.”Người thứ hai là nhà văn Đặng Văn Sinh đọc được 14 chữ 莫晁容皇帝同宗阮公文達之九原. Ông phiên âm là: “Mạc triều Dung hoàng đế đồng tông Nguyễn công Văn Đạt chi cửu nguyên”. Tạm dịch nghĩa: Mộ của ngài Nguyễn Văn Đạt cùng họ với hoàng đế nhà Mạc (là) Dung (Văn Đạt là tên tự của Nguyễn Bỉnh Khiêm). Nhưng chủ trang Nguyễn Xuân Diện sửa lại: chữ thứ ba là 睿 (duệ) chứ không phải 容 (dung). Vậy dòng chữ này được đọc chính xác là: 莫晁睿皇帝同宗阮公文達之九原:Mạc triều duệ hoàng đế đồng tông Nguyễn công Văn Đạt chi cửu nguyên. Từ những thông tin ít ỏi đó, cộng đồng mạng ra sức ném đá, khẳng định là bia giả do một âm mưu nào đó ngụy tạo vì mục đích đen tối.

Đến lượt mình, Sở Văn hóa Hải Phòng dựa vào hai nguyên nhân: hai tấm bia vật trôi nổi và ở ngoài quy hoạch nên đưa ra quyết định ngưng nghiên cứu, niêm phong hiện vật.

Chúng tôi thấy ở đây có điều gì đó bất thường, không phản ánh một chuẩn mực văn hóa cần phải có. Nhìn không khí chung của cuộc tổng ném đá và nhất là tiếng reo hồ hởi của vị Tiến sỹ Hán Nôm: “Tễu Blog Hoan nghênh Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng về chỉ đạo và đề nghị này. Cần niêm phong vĩnh viễn hoặc hủy bỏ hai tấm bia này, tránh hậu quả về sau,” người ta có cảm tưởng đang diễn lại cảnh của thời phần thư khanh nho xa xưa.

Ngành Văn hóa Hải Phòng nói là “vật trôi nổi.” Nhưng lẽ đời lại là: dù một xác chết trôi từ đâu nhưng khi tấp vào bờ sông làng mình thì lý dịch phải có phận sự. Một hiện vật xuất hiện ở địa phương, người làm văn hóa phải có trách nhiệm. Giả hay thật? Cố nhiên đó là câu hỏi đầu tiên. Nhưng ai là người có đủ tư cách phân xử? Vì vậy, điều cần phải làm trước tiên là đọc xem bia nói gì? Chả lẽ cả đất Hải Phòng không còn ai đọc được dù ít dù nhiều chữ trên bia? Nhưng chưa cần đọc thêm, thì dòng chữ ở trên khiến mọi người phải lưu ý: rõ ràng, tấm bia liên quan tới khu mộ nhà Mạc cùng mộ Trạng Trình. Trước một vấn đề lớn không chỉ của Hải Phòng mà của cả dân tộc mà người ta dửng dưng bỏ qua không chỉ là vô trách nhiệm mà còn là vô tâm với tiền nhân. 

.
Hai tấm bia ở thôn Thanh Trì

Trong khi đó, từ Paris cách đất nước nửa vòng Trái đất, ông cụ ngoài tám mươi tuổi, tên đề trên hộp thư điện tử là Trinh Nguyên, gửi về những dòng sau cho Tiến sỹ Nguyễn Văn Vịnh:

“Thưa TS. Nguyễn Văn Vịnh,

Tôi gửi đến Anh thư này có phần hơi đường đột, nhưng tự thấy là việc nên làm của một người già ngoài bát tuần đã dành cả đời cho Nho học. Có lẽ anh không biết tôi, nhưng tôi lại biết và có thiện cảm với Anh qua một ông bạn già vong niên của anh; và vì thế, có được địa chỉ hộp thư này.

Vài hôm nay, nhiều người biết Hán- Nôm có chút xôn xao, có người hồ nghi, quy kết vội vã về các tấm ảnh chụp 2 tấm bia mà anh đã có cơ duyên mà phát hiện được ở Hải Phòng. Là người khi còn công tác đã gây dựng và đào tạo nhiều môn sinh ở Viện Hán Nôm, cũng còn nặng lòng với chữ Nho, với các di vật lịch sử, tôi cũng rất quan tâm đến việc này. Bởi nếu chân xác, đây quả là một sự kiện lớn liên quan đến một danh nhân lớn của nước Việt.

Tôi đã kỳ công xem xét kỹ các ảnh của 2 tấm bia ở các góc độ, dùng kính lúp soi xét từng chữ và đọc được khá nhiều, luận ra một số nội dung quan trọng. Bia thứ nhất có tiêu đề: "Di ngôn chí " (cái chí để lại cho đời sau bằng ngôn từ/chữ); Bia thứ 2 quan trọng hơn: "Mạc triều Duệ Hoàng đế đồng tông Nguyễn Công văn Đat chi cửu nguyên" (Khu mộ của Duệ Hoàng đế và tông tộc nhà Mạc, cùng với Nguyến Công văn Đạt). Nay xin được trao đổi cùng anh mấy ý như sau: Hai tấm bia này, rõ là hoa văn đời Mạc ở cả trán, thân và chân bia với họa tiết diềm đặc trưng, nhưng kích cỡ quá nhỏ, lại nhiều chữ; kiểu cách có khác biệt với các bia lớn đã phát hiện cùng thời (hiện vật hoặc còn thác bản). Điều này có thể gây phản ứng đối với những người non kinh nghiệm, suy nghĩ máy móc lại lắm hồ nghi trong cái thời đầy những sự man trá bây giờ. Bằng sự từng trải và kinh nghiệm hàng chục năm, với hàng trăm chuyến điền dã tìm và đọc bia, tôi lại thấy sự khác biệt này rất lí thú và có cơ sở. Trước đây, các bia đời Mạc đã phát hiện tất cả đều dựng ở chùa, quán, đền đình..., kích thước vừa và lớn (cao từ 0,7 - 1,2 mét), được lập ra để bày công khai cho thiên hạ xem. Còn 2 bia do anh phát hiện thì mục đích và công dụng của nó khác hẳn: Nó được chôn giấu sâu dưới đất, ở khu có huyệt mộ chờ đến thời thì phát lộ với kẻ hữu duyên, vừa làm tiêu chỉ báo huyệt mộ, vùa gửi gắm những thông tin bằng di ngôn cho hậu nhân; lại phải che giấu với những kẻ đương thời có tà ý. Từ xưa, cùng chôn tại mộ phần người ta có thể khắc chữ vào đá, gốm, đồng lá, gỗ...khá đa dạng, đâu cần làm bia lớn y như kiểu cách bia đặt trên mặt đất. Trong trường hợp này, việc lập thành văn tự (thơ, câu đối..) khắc trên bia cỡ nhỏ như vậy là cụ Trạng Trình đã cẩn thận, chu toàn với hậu thế lắm rồi ! Câu: "Trí sĩ Trung Am hương Nguyễn lão soạn" (ông lão họ Nguyễn, về trí sĩ ở làng Trung Am soạn bia) đã tỏ rõ điều ấy!

Do vậy, việc so sánh rồi đàm tiếu thật giả giữa các loại bia với công dụng khác nhau, đặt ở chỗ khác nhau (trên mặt đất và dưới lòng đất), ý định khác nhau (công khai và che giấu) thì thật là nông cạn.

2- Về nét chữ văn khắc:

Kể cả người không có nghề, dễ nhận thấy chữ khắc trên 2 tấm bia không phải của thợ lành nghề chuyên san khắc bia (thường ở kinh đô, hay xưởng in khắc của nhà nước), mà là của thợ vườn trong hương xóm. Nét chữ gãy, vụn, nhiều chữ thiếu nét, sái niêm luật. Mới đầu, đây là điều tôi rất nghi ngờ có sự giả mạo, nhưng khi dịch xong đoạn văn: "Diên Thành bát niên đại thử tiết đồ mật san" thì tôi chợt hiểu ra tất cả. Đoạn ấy có nghĩa là: "Đồ đệ (học trò của Cụ) bí mật khắc (bia) từ tiết Đại thử, năm Diên Thành thứ 8 (1585)". Học trò tin cẩn của Cụ (không có nghề) tự khắc bia đá, mà lại phải bí mật (vì sợ lộ chỗ chôn cất vua Mạc và Trạng Trình); hơn nữa, diện tích mặt bia quá nhỏ, số chữ lại nhiều, làm cho vỡ đá, thiếu nét, chữ xấu vụng là lẽ đương nhiên.

Xin nói thêm rằng, ngày xưa muốn có nét khắc chữ đẹp phải đủ cả 2 điều kiện: người viết chữ đẹp và người san (khắc) bia lành nghề. Học trò của Cụ thì chắc là chữ đẹp, nhưng tay học trò mà cố đục bia thì làm sao chữ đẹp cho được, chỉ miễn sau này đọc rõ, hiểu được thì thôi !

Ngày nay, cũng thật buồn cho kiến văn của anh chàng viện trưởng Hán nôm tên Cường khi bình trên trang của cậu Diện: anh ta cứ khẳng định chữ "triều" viết 晁 là sai, mà không biết rằng đó chính là dạng chữ cổ, đồng nghĩa, xưa dùng thay cho chữ "triều" 朝 phổ biến bây giờ . Đọc văn cổ khó và tinh tế hay không chính là ở chỗ ấy !

3- Về bề mặt 2 tấm bia:

Thoạt nhìn qua ảnh, có vẻ cả 2 bia đều còn lành lặn, bề mặt ít bị phong hóa khi đã ở trong đất hàng trăm năm, làm người ta dễ nghi ngờ. Thực tế là, bia dựng trên mặt đất bị thời gian tàn phá rất nhanh, vài trăm năm là không đọc nổi chữ, nhất là với loại đá kém. Còn trong các cuộc khảo cổ, các di vật bằng đá tốt, độ cứng cao, càng ở tầng đất sâu, yếm khí, nhiệt độ mát mẻ ổn định, tốt nhất là ngậm nước thì bề mặt đá bị tác động không nhiều, chỉ mòn đi mà thôi. Nhiều bia, phiến đá, cột đá trong các quách mộ cổ khi đưa lên mặt đất còn khá nhẵn nhụi sau khi lau chùi kỹ bên ngoài. Cách đây vài năm, tỉnh Bắc Ninh có khai quật từ tầng đất sâu hơn 2 mét bia đá "Nhân thọ xá lợi" rất cổ, có minh văn ghi rõ niên đại năm 601 (cách nay hơn 1400 năm) mà bề mặt vẫn bóng, còn nguyên vẹn, đọc đủ hết các chữ. Khi giám định cũng có người băn khoăn về niên đại, nhưng nay được công nhận là "Bảo vật quốc gia, bia cổ nhất Việt Nam".

Trường hợp của 2 bia này, chất liệu đá xanh cứng, được lưu giữ ở địa tầng sâu, ổn định, nhiệt độ mát mẻ, luôn ngậm nước (theo tôi biết là dưới tầng phù sa ven sông Hàn). Cụ Trạng Trình lại chọn được huyệt đất kết (có thể tầng sâu có tính dưỡng thi), yếm khí....nên bia có được tình trạng bên ngoài còn tốt như vậy là điều dễ hiểu. Hơn nữa, ở câu cuối tấm bia "Di ngôn chí" ghi rằng " Trấn trạch triệu cát địa bi" (Bia trấn nơi đất tốt để đặt mộ) càng làm rõ thêm nhận định nói trên.

Với kinh nghiệm của người làm nghề lâu năm về bia đá và văn khắc Hán Nôm cổ, và cũng mạo muội tự coi mình có chút "duyên" trong việc này, tôi xin được trao đổi đôi điều như vậy. Tôi đang tập trung cố dịch càng nhiều càng tốt nội dung cả 2 tấm bia, tuy rằng nhiều chữ đã mờ, mất nét nên vừa dịch vừa luận đoán. Qua nội dung và hình thức bia, có thể nhận định với độ khả tín cao rằng đây là 2 tấm bia rất quý và hiếm có, chứa đựng nhiều tiên báo và di nguyện Cụ Trạng để lại cho hậu thế, cho cả nước Việt. Cụ là bậc Thánh nhân, bởi thế những di sản của Cụ (tư tưởng, Sấm trạng, bi ký...) đều rất lớn lao, kỳ bí, vượt qua tầm hiểu của phàm nhân; lũ người háo danh, tài mọn mà luôn dèm pha, đố kỵ - người xưa gọi là bọn "nhục nhãn" - làm sao hiểu nổi !

Được là người hữu duyên với Cụ, mong anh vững tâm, bền chí để gánh vác công việc rất khó mà cũng đầy ý nghĩa này. Khi cần, tôi lại xin phép viết thư tiếp tới anh cho đến khi mọi việc hoàn thành như di ngôn của Cụ.”
Bây giờ không phải thời Tần, cũng không phải thời Polpot nên chắc chắn không kẻ nào dám nghe lời vị tiến sỹ Hán Nôm tiêu hủy tấm bia. Chắc một ngày không xa, sự thật được sáng tỏ. Cùng với những khám phá về nhà Mạc và Trạng Trình, mọi người cũng đánh giá được hai thái độ ứng xử văn hóa.
____________

Tễu Blog mời đọc thêm ý kiến của TS. Phạm Văn Ánh:

Bia này ta nên đặt trong "dòng sự kiện" của nó, từ vụ thẻ tre. Cái thẻ tre được giám định là không hề có chữ, nhưng người ta vẫn đọc ra là có chữ, khẳng định chắc như đinh đóng cột là mộ cụ Trạng Trình ở đấy. Có hẳn một cuộc hội thảo liên quan đến việc đào mộ có thẻ tre kia để chứng minh nọ kia. Đọc tập kỉ yếu đó, đa số là mê tín dị đoan, nào là mơ mộng, nào là "Mẫu truyền âm" cho, nào là "áp vong"... thật là huyền chi hựu huyền,nhảm chi hựu nhảm. Bây giờ đến cái bia. Bia ghi niên hiệu thời Mạc, nhưng chữ nghĩa lem nhem, nhì nhằng; trên đó có cả địa danh Thanh Trì, là tên thôn ở xã Kiến Thiết mới có cách đây ít năm được phiên thành chữ Hán (chỗ ấy sông ngòi, đồng ao, nhưng phiên thành Thanh Trì 清持 nhé!). Tài thế! Không khác gì truyền thuyết "Thằng Trứ phá đền" cả. Phía Hải Phòng họ chắc chắn biết nhiều chuyện đằng sau, cho nên cho là nhảm nhí, nên dẹp đi đấy thôi. Chuyện đằng sau có thể là những chuyện gì? Tất nhiên là chúng ta không rõ lắm, nhưng có mấy người địa phương (không phải một người nói) từng bật mí, trước vụ thẻ tre, một số người đã hùn tiền mua đất ở thôn Cộng Hiền, số lượng độ 14ha, với giá độ 30 tỉ. Không rõ việc ấy có không? Nếu có thì chuyện thẻ tre với văn bia, chuyện gọi hồn, áp vong, Mẫu truyền âm... cũng dễ giải thích lắm! Nếu xác định rõ là trò nhảm nhí, mê tín,... không chính đáng thì bác sớm là đúng rồi.
_____________

Đây, kỷ yếu hội thảo khoa học do hai cơ quan Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người và Hội Khảo cổ học Việt Nam đồng tổ chức, về cái thẻ tre trên nắp chiếc quách một ngôi mộ, mà các nhà khoa học ấy cho là mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đây:







17 nhận xét :

  1. Đã tranh luận công khai thì phải công khai danh tính. Cái "cụ ông 80 tuổi ở Paris giỏi chữ hán" sao không công khai danh tính của mình mà cứ chơi trò ú tim với mọi người? Rõ ràng ở đây có gì đó khuất tất! Cái cách "lấy râu hùm nhát khỉ" đã xưa lắm rồi và cũng chỉ là "trò mèo" không hơn không kém.
    Có giỏi "cụ ông 80 tuổi ở Paris" đứng ra công khai xem nào. Hèn!!!

    Trả lờiXóa
  2. Nên tổ chức bán đấu giá 2 mảnh thiên thạch này để khép lại vụ việc. Công luận nên quan tâm hơn nữa tới Biển Đông đang bị Tầu quân sự hóa, quan tâm đến cái gọi là "đặc khu" (dành cho Tầu) đang ỏm tỏi ở QH.

    Trả lờiXóa
  3. Xin nhắc lại, người xưa rất trọng sự cân đối/đối xứng.
    Họ không làm ra thứ lệch lạc méo mó này!

    Trả lờiXóa
  4. Ông Hà Văn Thủy này vớ vẩn! Có mấy điều cần phải bàn:
    1/Ai bảo ông lão cụ ấy là "túc nho"? Ông có hiểu túc nho là gì không? Túc nho thì phải hiển đạt! Ông cụ này hiển đạt hồi nào? Ông cụ cũng chẳng phải "ẩn nho", vì ông cụ này đâu có tiếng tăm gì mà bảo là ở ẩn! Hơn nữa, Ông cụ này rất và rất muốn có tiếng tăm nên đã viết thư, tự xưng là cháu 18 đời của cụ Trạnh Trình, xưng tên là Trinh Nguyễn nhưng không xuất hiện, vậy phải gọi ông cụ này là "núp nho" mới đúng!
    2/ Ông Hà Văn Thịnh này căn cứ vào đâu mà xác quyết hai tấm văn bia ấy là thật? Căn cứ vào cái gì mà đòi tìm ra mộ nhà Mạc?
    3/ Ông Hà Văn Thịnh muốn thì cứ làm văn bản gửi lên Viện Khảo cổ Việt Nam, có gì mà phải hờn trách Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện! Vớ vẩn!
    4/Cuối cùng thì cũng chẳng biết ông Hà Văn Thịnh là ai! Xin lỗi nhé!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hà Văn Thịnh????😃

      Xóa
    2. Ấy chết ! Trên là Hà Văn Thuỷ, dưới lại là Hà Văn Thịnh ! Hai ông khác nhau hay là một ?

      Xóa
    3. Hà Văn Thùy là ông nhà văn kiêm nhà nghiên cứu nửa mùa.
      Còn Hà Văn Thịnh là Tiến sĩ Sử học, nhà phản biện nổi tiếng. Ông là giảng viên Lịch sử của Đại học ơ Huế.
      Hai ông khác nhau!

      Xóa
  5. Chỉ là tranh luận thông thường,làm gì mà phải giấu tên tuổi kĩ thế.
    Hay là sợ "đảng và nhà nước" sang bắt cóc như Trịnh Xuân Thanh.
    Cái vụ này giống y chang "nhà ngoại cảm" Bích Hằng tìm mộ liệt sĩ : đào lên bộ hài cốt có mãnh giấy ghi rõ tên,tuổi,quê quán.Điều thần kì là ở chổ,tại thời điểm ông liệt sĩ kia hi sinh,cái xã ghi quê quán ông ấy được tìm thấy trong túi áo...chưa có.Nó chỉ có vài năm trở lại đây khi tách huyện,thành lập xã mới.

    Trả lờiXóa
  6. Ông Hà Văn Thùy không có thao tác tổng thuật một vấn đề đang tranh luận. Tôi thấy chỉ qua trang mạng TỄU thôi, ý kiến đã vô cùng phong phú về nhiều mặt liên quan đến vật chất, môi trường, tự dạng, nội dung, quá trình phát hiện...chứ đâu chỉ việc đọc mấy dòng chữ đó. Thế mà trong bài, ông chỉ nhặt ra từ sự phong phú đó mấy ý kiến về đọc 14 chữ đó rồi vu cho rằng vì thế mà Hải Phòng khép lại câu chuyện này. Thế thì thử hỏi "cách ứng xử văn hóa" trong học thuật của ông Thùy là cách gì đó ta(?), khi ông chỉ thuổng đôi điều rồi đưa ra kết luận. Trong lúc đó, so với công văn của HP là do quá trình phát hiện vi phạm luật di sản.
    "Văn hóa ứng xử" trong học thuật của ông Hà Văn Thùy xưa nay là SUY DIỄN triền miên, vô sở cứ mà không khảo cứu cái gì đến nơi đến chốn cả. Biết vậy. Nó lộ hoàn toàn cung cách trong bài báo này.

    Trả lờiXóa
  7. Ông Hà Văn Thùy ơi! Đọc chữ trên bia đó thì không khó như ông nghĩ đâu. Chỉ vì anh em họ cẩn trọng, phải tiếp xúc hiện vật, xử lý cẩn thận họ mới đọc. Chứ không nông nổi như "cụ túc nho" 80 tuổi làm việc qua ảnh chụp. Ông đã chứng kiến anh em đi khảo cứu hiện trường chưa. Chỉ một buổi khi có ảnh, anh em đã làm cơ bản gần hết rồi nhưng bảo nhau vì là ảnh chụp nên thận trọng, không công bố. Để khi nào người ta mời làm hẵng hay. Anh em còn nghi ngờ sao chừng ấy năm mà đọc rõ thế. Suy diễn như ông thì còn đâu là học thuật nữa.

    Trả lờiXóa
  8. Lưu manh giả danh trí thức!

    Trả lờiXóa
  9. Trước khi đọc thì người ta phải giám định bằng nhiều phương pháp xác định tuổi của chữ khắc xem nó có trùng khơdp với thời đại của cụ Trạng Trình hay không (?). Chưa có chứng cứ khoa học nào cho thấy bia được làm thời cụ Trạng Trình mà cứ đòi đọc là đọc thế nào? Các chuyên gia giỏi đã lên tiếng đâu mà cứ làm như đã xác định được niên đại bia rồi vậy! Vớ vẩn!

    Trả lờiXóa
  10. Mà cũng lắm chuyện thật! Có cần phải cãi vã không? Ai muốn nghiên cứu thì cứ tự do nghiên cứu, rồi xin phép tự thám sát, khảo sát gì đấy thì cứ tự làm! Tại sao cứ bắt người khác công nhận nó là bia thật mà chưa đem đi xác định niên đại của nó ?Tại sao cứ muốn thổi phồng lên trước mà không cất công tìm hiểu! Ngày nay khoa học dư sức xác định được bia được khắc vào thời nào mà! Ai tìm hiểu, nghiên cứu gì đấy thì cứ việc bỏ ra năm, mười, hai mươi năm mà tự âm thầm nghiên cứu đi, hà tất phải làm rùm beng không giống ai! Vớ vẩn!

    Trả lờiXóa
  11. Yêu nhau cần gì tặng ảnh/Cái đẹp nhất không thể gì so sánh/Là tấm hình ta chụp ở trong tim...(Chế Lan Viên). Tấm hình này của Nguyễn Bỉnh Khiêm, dám chắc bất cứ người Việt Nam nào thực sự yêu nước mình đều có. Vậy cần gì phải tìm cho được mộ của Trạng. Ngụy tạo để kiếm lời, chuyện đã rõ như ban ngày, thưa bác Hà Văn Thùy ! Kể cả ông lão nào đó, ở đất nước văn minh, mà mông muội vậy sao ? Nguyễn Xuân Diện chính trực, có công lớn trong việc giúp mọi người bóc trần ngụy khoa học, ngụy trí thức, ngụy yêu nước nữa ! Nhân vô thập toàn, bác Hà Văn Thùy có lẽ là người thân của Nguyễn Văn Vịnh, nên cố đấm ăn xôi chắc ?!...Đúng vậy, thưa bác HVT, bây giờ không phải thời Tần Thủy Hoàng hay Pôn-pốt, nhưng không thể phủ nhận, rằng người ta đang muốn đẩy xã hội ta về thời tàn bạo và dã thú đó, mà các ngụy đủ kiểu như vừa kể đang là những tay sai đắc lực "nhất ta nhì trời" !....

    Trả lờiXóa
  12. Nghe đồn thì cụ Trạng Trình sau khi cụ về cõi vĩnh hằng, nhiều sự vụ cụ đều biết trước và cảnh cáo ngay cho những kẻ ngỗ ngược với Cụ. Thế thì cái vụ việc bia bọt này Cụ có biết mà mắng mỏ chúng nó lợi dụng tên tuổi Cụ để làm những việc xằng xịt không nhỉ?.

    Trả lờiXóa
  13. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm mất đã hơn 400 năm, thế mà cái "thẻ tre" dường như vẫn còn nguyên, những nét chữ khắc trên thẻ vẫn dễ đọc chứng tỏ cái "thẻ tre" này bằng thép không rỉ hoặc tre ngày xưa khác tre ngày nay. Tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư ... chúng nó.

    Trả lờiXóa
  14. Nên hiểu cụ Trạng Trình là kẻ sĩ của dân tộc. Cụ là một nhà trí thức sống cùng nhân dân và chết trong lòng nhân dân. Cuộc đời của một nhà nho hiển đạt nhưng tìm thấy hạnh phúc, thanh tịnh trong cuộc đời thanh bạch nơi Bạch Vân Am của cụ.
    Kẻ sĩ Việt Nam thật thanh cao, khác với tầng lớp trí thức Trung Hoa. Tinh thần kẻ sĩ xuyên suốt trong lịch sử Việt Nam và thấy rất rõ trong những bài thơ của cụ Nguyễn Khuyến mấy trăm năm sau cũng thế!
    "Sống để tiếng trên đời trọn vẹn
    Chết lại gần quê quán hương thôn
    Mới hay muôn sự vuông tròn."
    (Nguyễn Khuyến)
    Mặc dù là một tam nguyên, một nhà nho hiển đạt, nhưng cụ được lịch sử vinh danh vì tấm lòng trung trinh với nước, vì cái lòng tự trọng của kẻ sĩ nên đã từ quan về ở ẩn:
    "Đề vào mấy chữ trong bia,
    Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu"
    (Nguyễn Khuyến)
    Đó là hình mẫu của kẻ sĩ Việt Nam muôn thuở! Là con người Việt Nam muôn thuở!
    Bây giờ lại có người tự xưng là cháu mấy mươi đời của các cụ để làm gì? Một nhà nho thanh cao như cụ còn muốn sống chan hòa trong làng thôn thì hà cớ chi con cháu cụ lại mượn tiếng thơm của cụ để mưu cầu danh lợi?

    Trả lờiXóa