Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

ĐẬP BỎ TAM QUAN CHÙA BỔ ĐÀ ĐỂ GIỮ NGHIÊM PHÉP NƯỚC

Cổng chùa Bổ Đà đang được tháo dỡ. Ảnh: Báo Bắc Giang.

Vi phạm, cổng chùa Bổ Đà bị tháo dỡ

Đại Đoàn Kết
08:00:21 - Thứ tư, 02/05/2018

Từ ngày 27/4 đến 1/5, UBND huyện Việt Yên cùng với sư trụ trì chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) tổ chức hạ giải và phá bỏ công trình cổng chùa Bổ Đà.

Đây là công trình vi phạm Luật Di sản mà báo Đại Đoàn Kết đã phản ánh ngày 26/3 trong bài “Xây mới tam quan chùa Bổ Đà có phạm luật?”.

Gọi là cổng của chùa Bổ Đà, nhưng thực chất là một tam quan nhỏ phía ngoài tam quan đồ sộ mà nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh. Công trình này nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà.

Điểm b, khoản 1, Ðiều 32 Luật Di sản văn hóa quy định: “Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh khu vực bảo vệ I của di tích, có thể xây dựng những công trình phục vụ cho việc phát huy giá trị di tích nhưng không làm ảnh hưởng tới kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích”.

Việc xây dựng các công trình ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VHTTDL. Tuy nhiên, công trình xây mới này không có trong danh mục của văn bản thỏa thuận số 4401/BVHTTDL-DSVH ngày 31/10/2016 của Bộ VHTTDL.

Bộ VHTTDL tiếp thu phản ánh của cơ quan báo chí và đã có văn bản số 1359/BVHTTDL-DSVH ngày 5/4/2018 đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc buông lỏng quản lý hoạt động tu bổ di tích trên địa bàn.

Thực hiện văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL, ngày 10/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Việt Yên chỉ đạo dừng thi công hạng mục cổng chùa Bổ Đà, đề xuất phương án xử lý công trình, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong việc buông lỏng quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích.

Tuy nhiên, thay vì triển khai làm rõ trách nhiệm thì UBND huyện Việt Yên lại có Báo cáo số 128/BC – UBND ngày 16/4, với nội dung đề xuất cho hoàn thiện hồ sơ theo nguyên trạng công trình đang xây dựng. Đúng là một việc làm coi thường Luật Di sản và các cấp quản lý.
Vì vậy, ngày 18/4, UBND tỉnh Bắc Giang buộc phải ra văn bản yêu cầu UBND huyện Việt Yên báo cáo kết quả xử lý vi phạm trong việc xây dựng Tam quan chùa Bổ Đà.

Tại công văn số 1225/UBND – KQVX của UBND tỉnh Bắc Giang nêu rõ: “Yêu cầu UBND huyện Việt Yên báo cáo kết quả kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý của huyện trong việc buông lỏng quản lý hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích chùa Bổ Đà… Báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện các nội dung về Bộ VHTTDL và UBND tỉnh trước ngày 30/4”.

Ngày 26/4 UBND tỉnh Bắc Giang tiếp tục ban hành văn bản số 112/TB/UBND thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương tại buổi kiểm tra, xử lý vi phạm trong xây dựng tam quan chùa Bổ Đà.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương yêu cầu UBND huyện Việt Yên chỉ đạo hạ giải cổng và đôi linh vật ngoài cổng. Còn với công trình tam quan đồ sộ phía trong có sai với với văn bản thỏa thuận của Bộ VHTTDL thì trước mắt giữ nguyên tam quan và sân, bậc lên xuống chờ xin ý kiến Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL); chỉ đạo trồng tre để lấp khoảng trống hai bên cổng chùa sau khi hạ giải; tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự khu vực, phòng chống mất cắp tài sản của chùa.

Ông Dương cũng yêu cầu tiếp tục tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại công văn số 1117 ngày 10/4/2018 và công văn số 1225 ngày 18/4/2018; tổ chức tập huấn kiến thức quản lý di tích cho các ban quản lý di tích trong huyện, kết hợp rút kinh nghiệm công tác quản lý, trùng tu di tích trên địa bàn huyện, không để lặp lại các vi phạm tương tự tại chùa Bổ Đà và các di tích khác trên địa bàn huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cũng yêu cầu Sở VHTTDL chỉ đạo kiểm điểm tập thể, cá nhân có liên quan về công tác quản lý di tích trong việc để xảy ra vi phạm tại chùa Bổ Đà, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 5/5; tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm công tác quản lý, trùng tu di tích trên địa bàn tỉnh nói chung; giám sát, đôn đốc UBND huyện Việt Yên thực hiện các nội dung đã kết luận và cùng với huyện đề xuất Cục Di sản văn hóa hướng xử lý đối với tam quan đã xây dựng; giao Giám đốc Sở VHTTDL là người phát ngôn cung cấp thông tin cho báo chí về việc xây dựng và khắc phục những vi phạm liên quan…

Trước yêu cầu rõ ràng của Bộ VHTTDL và chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nên sư trụ trì chùa Bổ Đà đã cho hạ giải và phá dỡ công trình cổng chùa Bổ Đà. Dự kiến việc phá dỡ sẽ thực hiện trong một tuần (khoảng ngày 5/5 sẽ xong). Ngoài nhân công tại chỗ, nhà chùa huy động một số máy móc thiết bị hỗ trợ.

Lý giải cho sai phạm xây mới cổng chùa Bổ Đà, sư trụ trì trả lời báo chí: Xưa nay khách vào chùa Bổ Đà vẫn đi theo lối bên sườn, cổng cũ nhỏ, hẹp, vào mùa lễ hội du khách quá đông, thường diễn ra cảnh chen chúc nhau dẫn đến mất cắp tài sản, có người đi lạc, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Việc mở cổng ra hướng chính diện tạo thuận lợi cho du khách. Hơn nữa, cổng chùa mới được xây trên diện tích khu vườn cây để hoang nên không ảnh hưởng đến không gian, cảnh quan chung cũng như không xâm phạm kết cấu, kiến trúc và các hạng mục của di tích.
Từ Khôi
 

2 nhận xét :

  1. Sao trước đây nói là "Bộ căn cứ trên các nguồn tư liệu khác nhau (đơn thư và lời kể nhân chứng) cho thấy việc xây dựng Tam quan đã được các vị sư tổ chuẩn bị từ khoảng những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, song do điều kiện khách quan như thiên tai, chiến tranh nên chưa thực hiện được. ..Từ những vấn đề trên, có thể nhận thấy việc cho phép xây dựng tam quan chùa Bổ Đà dựa trên căn cứ pháp lý, phù hợp về chuyên môn và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn"?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu đã coi một công trình là di tích, thì nó như thế nào phải giữ nguyên như thế! Vì sao? Bởi vì nghiên cứu di tích là tìm tiếng nói và hơi thở của quá khứ. Để làm việc đó mà chúng ta cứ thêm nếm vào công trình hạng mục hạng mục kia tức là ta sửa lịch sử! Khi bản gốc không còn là gốc thì không còn giá trị để nghiên cứu nữa?
      Cái lý cơ bản ấy không hiểu sao các cơ quan quản lý văn hóa lại không nắm được nhỉ?

      Xóa