Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

30-4: BIẾT BAO GIỜ HÒA GIẢI, HÒA HỢP ĐÂY?

Hai người lính ở hai chiến tuyến chụp năm 1973 và sau này Ảnh: internet.
 
30-4: Kẻ ăn mừng, kẻ làm lễ quốc hận 
– Biết bao giờ hòa giải hòa hợp?

Chu Mộng Long
2-5-2018
 
Năm nào cũng như năm nào, chờ đến 30.4, cứ phe bên này giăng cờ đỏ làm lễ ăn mừng chiến thắng là phe bên kia giăng cờ vàng làm lễ quốc hận.

Và hiển nhiên, trong những buổi lễ ấy, hai phe tố cáo lẫn nhau về tội ác đã gieo rắc trong suốt thời chiến tranh.

Phe ăn mừng có lý của họ, bởi nhờ chiến thắng mà chấm dứt chiến tranh, nhờ chiến thắng mà họ có được tất cả: địa vị, đất đai, nhà cửa…

Phe làm lễ quốc hận cũng có lý do chính đáng, rằng sự thất bại ấy đã làm sụp đổ một nền cộng hòa; sâu xa hơn, họ mất tất cả và phải lưu vong nơi đất khách quê người, thậm chí nhiều người bị tù đày, nhiều người thân bỏ mạng nơi biển khơi nghìn trùng.

Tóm lại, cả hai phe luôn khác biệt. Khác biệt về tư tưởng hệ, khác biệt về lợi ích, kể cả khác biệt về thân phận. Họ chỉ có một điểm chung, đó là sự thù hận gần như muôn đời muôn kiếp không tan.

Cứ cái đà ấy, hố sâu hận thù càng khơi sâu thăm thẳm và có ngày nội chiến sẽ tiếp tục diễn ra. Thời phong kiến, người ta từng chơi trò nhổ cỏ tận gốc mà còn chưa diệt hết mầm hận thù oan oan tương báo, huống hồ là thời đại thế giới mở ra mênh mông, các triều đại thịnh suy trong chóng vánh?

Trong khi những người ngoài cuộc không có lợi ích nào trong cuộc tranh chấp này vẫn lắng nghe từ miệng của cả hai phe: tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc.

Theo tôi, đã thốt lên được cái câu “hòa giải, hòa hợp dân tộc” mà hàng triệu người dân đang khao khát thì sao không tháo gỡ cái gút mắc chung trên kia: sự thù hận?

Hòa giải, hòa hợp chỉ có thể xuất phát từ thiện tâm của cả hai phe chứ không ở đầu môi chót lưỡi. Muốn thế hãy gột rửa hận thù.

Không cách nào khác. Chính phe chiến thắng tự giác, tự nguyện làm trước: xóa bỏ ranh giới tư tưởng hệ, chấp nhận tự do dân chủ, dân trí và khai phóng.

Lịch sử vẫn là lịch sử, không xóa được. Nhưng hàng năm đến ngày 30.4, cả hai cùng tổ chức ngày lễ mang tên mới “ngày hòa hợp hòa giải dân tộc” có hơn không? Sau ngày lễ ấy cả hai hãy buông xả hận thù. Kẻ chiến thắng không hả hê kiêu ngạo với chiến thắng, thậm chí trút bỏ những quyền lợi bị nhầm tưởng là “chiến lợi phẩm”. Kẻ thất bại không nuôi mối hận để báo thù, xem chiến tranh ắt có kẻ thắng người thua và chấp nhận sự thực để làm lại từ đầu.

Sự thực, cả thắng lẫn thua trong cuộc chiến này đều phải trả cái giá rất đắt: chết chóc tang thương và vận mệnh dân tộc ngày một suy tàn. Kẻ chiến thắng mải mê với chiến thắng mà quên hàng triệu người ngã xuống, quên cả tương lai của hàng chục triệu người đang sống. Kẻ thất bại ôm mối hận cho riêng mình mà quên con cháu mình đang cần niềm vui cuộc sống mới, quên cả đất nước đang cần được hồi sinh.

Tệ hại nhất là kẻ chiến thắng vô tình hay hữu ý luôn giữ giọng điệu hạ nhục kẻ thất bại, làm cho kẻ thất bại luôn bị tổn thương, mặc cảm và không nguôi niềm uất hận. (Sự thực là những kẻ thừa hưởng chiến thắng chứ nhiều kẻ đã tham gia chiến tranh hồi nào mà tự xưng kẻ chiến thắng?)

Biết hòa hợp, hòa giải là khó khi những đầu óc cực đoan khư khư không chịu buông xả những định kiến của mình. Nhưng tôi tin sẽ có cái ngày ấy, cái ngày người Việt không còn u mê với chiến thắng lẫn thất bại mà mình đã gây ra…

Các dân tộc khác làm được. Sao ta lại không? Nhiều gia đình Việt có người ở cả hai phe, nhưng họ đã làm được, tại sao ở cấp quốc gia lại khó khăn đến thế?
_____

P/S: Tôi viết bằng cả tấm lòng. Hãy đọc kỹ. Đừng vội chụp mũ và ném đá!
 

9 nhận xét :

  1. Ông Long ơi! Tất cả loài người làm được, nhưng Việt Nam mãi mãi không làm được, vì nó là cộng sản, Chỉ có lật nhào như Đức mà thôi

    Trả lờiXóa
  2. Hoà giải hay không là do đảng. Nói thế thôi, đừng đặt vấn đề hoà giải với đảng làm gì, bởi vì đảng không bao giờ hoà giải! Hoà giải chỉ giúp giải toả bế tắc chính trị mà những vấn đề hình sự tiếp theo sẽ không nằm trong lộ trình hoà giải và người dân không bao giờ chịu bỏ qua vấn đề hình sự vì họ mất mát quá nhiều! Thí dụ như tham nhũng sẽ không được đặt trong lộ trình hoà giải, bởi vì sẽ có không phải vài chục người như ông Trọng thổi lò mà có thể lên đến hàng trăm ngàn người. Và còn nhiều vấn đề hình sự khác nữa mà người dân không thể bỏ qua. Và bởi vì khi nói đến hoà giải là nói đến bình đẳng tư cách chính trị, điều này người cộng sản rất sợ! Thế thì hoà giải sao được?

    Trả lờiXóa
  3. Cái vấn đề là đảng còn cấn cái quá nhiều điều đau đớn với người dân chứ không phải chỉ với một bên thua cuộc! Chỉ cần người dân tính sổ với đảng một khi có thể thì đảng cũng đủ mệt rồi!

    Trả lờiXóa
  4. Nói thật là với đảng bây giờ thì người dân một khi có tiếng nói, có quyền lực chính trị thì còn đáng sợ hơn cả sóng thần, thì là ác mộng với nhà cầm quyền hơn cả phe thua cuộc nhiều!

    Trả lờiXóa
  5. Mà thực thi hoà giải rất dễ! Đâu cần phải ra nghị quyết rồi mời gọi bên kia về rồi hôn chụt chụt như đồng tính là xong?
    Nên thực hiện bước hoà giải đầu tiên và cốt tử là hoà giải với dân: thực thi nghiêm chỉnh hiến pháp, tôn trọng các quyền tự do căn bản được ghi trong hiến pháp, thực thi quyền bình đẳng chính trị đối với mọi công dân trên đất nước này. Chỉ bao nhiêu đó thôi cũng đã thực hiện được hoà giải căn bản rồi.
    Cũng cần nhắc lại một lần nữa rằng hiện nay, lúc này đảng nên hoà giải với dân trước khi nghĩ đến việc hoà giải với bất cứ ai!

    Trả lờiXóa
  6. Biết hòa hợp, hòa giải là khó khi những đầu óc cực đoan khư khư không chịu buông xả những định kiến của mình. Nhưng tôi tin sẽ có cái ngày ấy, cái ngày người Việt không còn u mê với chiến thắng lẫn thất bại mà mình đã gây ra…

    Các dân tộc khác làm được. Sao ta lại không? Nhiều gia đình Việt có người ở cả hai phe, nhưng họ đã làm được, tại sao ở cấp quốc gia lại khó khăn đến thế? . Sẽ đến lúc không còn kẻ chiến thắng hay chiến bại, mà chỉ còn người một nhà.

    Trả lờiXóa
  7. Gần đây, có người nói rằng cái gốc của mọi chuyện, của hòa giải và hòa hợp là "Hãy vì nhau, đừng chỉ vì mình". Đây là cư xử của dân. Nó chỉ được chấp nhận khi mọi người cùng lên tiếng và hành động !....

    Trả lờiXóa
  8. Nói là bên thắng cuộc tức là bên CsBV chứ thực ra họ rất mặc cảm quê mùa khi tiếp nhận những cơ sở của bên thua VNCH. Từ cách ăn mặc cho đến cách sống, trong suốt 20 năm cuộc chiến , người miền Bắc thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu những phương tiện đi lại so với miền Nam . Cách ăn mặc cơ bản nhất là cái quần cái áo hàng ngày , đến đồ lót bên trong . Người lớn, trẻ con , thanh niên, thiếu nữ, đàn bà miền Bắc đều thua xa miền Nam . Đàn bà miền Bắc khi nhìn thấy cái sú-cheng, cái xì líp nhiều người không biết là cái gì . Và khi có được, họ cảm thấy sung sướng vô cùng . Sao nó đẹp và sang trọng đến thế tưởng chừng không bao giờ được sờ tối nó !
    Rồi những phương tiện, người miền Bắc, kể cả CB, chỉ mơ được cái xe đạp Phượng Hoàng chứ đừng nói tới cái xe gắn máy Honda hay Mobylette . Sỡ hữu một chiếc xe hơi , xe con là chuyện không có trong giấc mơ của người miền Bắc .
    Sau khi chiếm được miền Nam, csBV rất ngạc nhiên và sợ . Sợ có ngày miền Nam sẽ nổi dậy chiếm lại những gì họ đã mất, nên các nhà LĐ csVN nghĩ ra cách phải làm cho sạch những dấu vết của VNCH, làm cho các thành phần cốt cán của VNCH là quân nhân , công chức mất hết sức chiến đấu . Bằng cải tạo tư tưởng , tù đầy thân xác, tịch thu vật chất, làm cho vợ con nghèo nàn, phải bỏ nhà cửa ở thành phố đi sản xuất ở những khu kinh tế mới . csBV thực sự thi hành chính sách tẩy xóa tận diệt VNCH , chứ không hề nghĩ tới hòa hợp, hòa giải với VNCH mà họ gọi là ngụy quân, ngụy quyền, cho sống là tốt rồi !

    Trả lờiXóa
  9. Đảng muốn người dân nói chuyện hoà giải dưới cái ô của đảng. Dân lại muốn nói chuyện trong mái đình có bàn ghế đặt ngang hàng, mặt đối mặt cho dễ nói chuyện phải quấy. Ngay bước khởi đầu đã khác biệt nhiều như thế rồi thì làm gì có chuyện hoà giải!

    Trả lờiXóa