Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Sử. Ảnh: FB Trần Đình Sử.
Thi pháp học Trần Đình Sử
Chu Mộng Long
Tôi gọi là thi pháp học Trần Đình Sử như tôi đã từng viết, rằng thi pháp học thế giới khi được truyền bá vào Việt Nam đã “Trần Đình Sử hóa” một cách sâu sắc. Đến lượt những người kế thừa, ảnh hưởng thi pháp học Trần Đình Sử đã sử dụng toàn bộ lý thuyết của ông làm công cụ cho một cuộc đổi mới căn bản nghiên cứu, phê bình văn học tại Việt Nam.
Công bằng mà nói, trước và cùng thời Trần
Đình Sử, không phải không có người biết đến thi pháp học. Ở miền Nam
trước 1975, thậm chí ngoài Bắc trước và trong thời đổi mới cũng đã có
người tiếp cận lý thuyết và ứng dụng thi pháp học. Nhưng thi pháp học
vẫn là một cái gì mơ hồ trong khái niệm, trong hệ thống thuật ngữ và
phương pháp luận. Ở miền Nam, thi pháp học nép mình trong các lý thuyết
lớn khác như Cấu trúc luận, Hiện sinh luận, Phân tâm học…; trong khi
ngoài Bắc, thi pháp học như là phái sinh của ngôn ngữ học, kí hiệu học,
phong cách học. Không phủ nhận những công trình này có những thành tựu
không nhỏ trong nghiên cứu phê bình văn học tại Việt Nam.
Tuy nhiên, những thành tựu ấy không đủ
năng lượng cho một sự bùng nổ để làm đổi mới căn bản nghiên cứu phê bình
văn học đang thống trị: nghiên cứu, phê bình xã hội học dung tục. Phải
bắt đầu từ Trần Đình Sử với cả loạt công trình: Thi pháp thơ Tố Hữu (1987), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (1989), Thi pháp Truyện Kiều (2002), Dẫn luận thi pháp học
(1998, 2004)…, khuynh hướng nghiên cứu, phê bình xã hội học dung tục
mới thực sự bị đẩy ra bên lề cho những người phê bình không chuyên.
Thi pháp học Trần Đình Sử không phủ định
các khuynh hướng nghiên cứu, phê bình văn học khác, nhưng có giá trị đả
kích mạnh mẽ vào khuynh hướng nghiên cứu, phê bình xã hội học dung tục,
bởi chính khuynh hướng này là thủ phạm cưỡng hiếp và giết chết văn học,
từ sáng tạo đến dạy học và đọc văn.
Tuyên truyền cho một cuộc cách mạng về
nghiên cứu phê bình văn học ở Việt Nam không chỉ có Trần Đình Sử, nhưng
sức ảnh hưởng mạnh mẽ từ thi pháp học Trần Đình Sử là điều không thể phủ
nhận. Một sự thật hiển nhiên, sức ảnh hưởng ấy một phần nhờ lợi thế của
nhà sư phạm – Trần Đình Sử đưa lý thuyết của mình vào giảng đường đại
học, đào tạo sinh viên, cao học, nghiên cứu sinh với hàng triệu sản
phẩm. Nhưng điều quan trọng hơn, những gì phức tạp của thi pháp học thế
giới, những gì mơ hồ và hạn hữu của thi pháp học từng truyền bá ở Việt
Nam đã được ông tổng hợp, tháo gỡ, tường giải và phát triển (theo quan
điểm của ông) trong một hệ thống nhất quán, khoa học, đến mức ai cũng có
thể tiếp thu và áp dụng trong việc nghiên cứu, phê bình văn học.
Tất nhiên, việc áp dụng tùy tiện làm méo
mó thi pháp học lại là chuyện khác. Sự thật, áp dụng thi pháp học không
dễ dãi như trước đó những người không cần học văn vẫn viết nghiên cứu
phê bình văn học. Thi pháp học thể hiện một trình độ khác hẳn với nghiên
cứu, phê bình “tay ngang”.
Tôi nhấn mạnh điều tôi đã nói: hệ thống
các vấn đề của thi pháp học được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam là của Trần
Đình Sử trong sự kế thừa thi pháp học thế giới nhưng cũng đầy sáng tạo
với hệ thống và cách kiến giải riêng. Từ giáo trình và những công trình
đầu tiên với hệ thống: Quan niệm nghệ thuật về con người, Không gian
nghệ thuật, Thời gian nghệ thuật, Thi pháp chi tiết nghệ thuật, thi
pháp cốt truyện, Thi pháp kết cấu, Thi pháp lời văn, sau khi được
phổ biến gần như đã được sử dụng đến quen thuộc trong các luận văn, luận
án và các công trình khác nhau. Đến lần tái bản này, Trần Đình Sử bổ
sung thêm, điều chỉnh và sáp nhập với một số tên gọi chương mục mới: Tác
giả và kiểu tác giả, Tính cấu trúc và cấu trúc thể loại, Cấu trúc và
tính nội dung của truyện kể, Tổ chức chủ thể của văn bản, Ngôn từ nghệ
thuật. Lần đầu tiên tại Việt Nam, thi pháp học được diễn dịch một
cách hệ thống với phương pháp luận và thao tác ứng dụng hiển minh. Việc
sử dụng cả hệ thống vấn đề hay một vấn đề nào đó của thi pháp học Trần
Đình Sử là hiển nhiên, nhưng copy của ông thành của mình rồi phủ nhận
ông là trò láu cá trong học thuật.
Thật thú vị là những người lên tiếng chê
Trần Đình Sử và “trường phái” Trần Đình Sử, nhưng vẫn sử dụng ông một
cách vụng trộm, dù là sử dụng ở cấp độ nào đó.
Vì sự nhiễu nhương của học thuật, lần tái
bản này, Trần Đình Sử buộc phải nói rõ quan điểm và đóng góp của mình:
“Tôi quan niệm thi pháp học nghiên cứu văn học như những thế giới nghệ
thuật mà tương ứng với nó là các ý thức nghệ thuật. Nó khám phá các
nguyên tắc tạo nên các thế giới nghệ thuật phân biệt với thực tại, bắt
đầu từ quan niệm nghệ thuật, tiếp theo là các hình thức nhân vật, không
gian, thời gian, kiểu sự kiện, cốt truyện và cuối cùng là cấu trúc, văn
bản với các hình thức ngôn từ. Hình thức ngôn từ mang toàn bộ cái nhìn
của nhà văn và các phương diện nêu trên của thế giới nghệ thuật”
[tr.441]. Quan niệm này có kế thừa nhưng không hoàn toàn sao chép từ thi
pháp học thế giới, khác nhiều so với thi pháp học của từng trường phái
như Hình thức luận, Phê bình mới, Cấu trúc luận, Ký hiệu học, Hiện tượng
luận, thậm chí Hậu cấu trúc luận.
Trần Đình Sử không tự cho thi pháp học
của mình là tất cả. Thi pháp học không là cả vũ trụ ôm trùm mọi nghiên
cứu, phê bình văn học, nhưng cũng không là con đường hẹp và đi vào ngõ
cụt. Thi pháp học là chân trời mở, muốn hay không muốn, nghiên cứu văn
học và nghệ thuật nói chung đến lúc phải đoạn tuyệt với sự suy diễn chủ
quan và căn bệnh xã hội học dung tục. Nghệ thuật phải bắt đầu bằng hình thức, sống bằng hình thức
(Hegel). Tổ chức hình thức tự nó mang nội dung mà ông gọi là “hình thức
của quan niệm”. Ông nhìn thấy sự copy Nga hay phương Tây, kể cả sự copy
chính ông, đã không tránh khỏi đẩy thi pháp học vào sự thô thiển máy
móc. Ông đề cao sự sáng tạo: “Tôi cho rằng bất cứ lý thuyết nào cũng có
thể bị vận dụng thô thiển, không riêng gì thi pháp học, vấn đề là bản
lĩnh của người nghiên cứu chứ không phải bản thân lý thuyết. Cho rằng
thi pháp học đã lỗi thời là do không hiểu thi pháp học. Với thế giới
nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật của hình thức, thi pháp học là một lý
luận và thao tác mở, có khả năng thu nạp các lý thuyết khác vào quỹ đạo
tìm tòi các nguyên tắc, phương thức, phương tiện nghệ thuật. Ngay trong
lý luận hiện tại, biết vận dụng thì thi pháp học vẫn có thể nêu ra nhận
thức mới về một thế giới nghệ thuật nhất định.” [tr.447]. Ông cũng nhìn
ra hạn chế của thi pháp học ở Việt Nam, trong đó có thi pháp học của
ông, rằng “thi pháp học, phong cách học Việt Nam vẫn đi theo phương
hướng chủ yếu của lý thuyết cấu trúc, hệ thống, chưa bước sang giai đoạn
giải cấu trúc và hậu hiện đại. Mặc dù ở phương Tây đã có tiếng hô lên
“tác giả đã chết”, song thi pháp học Việt Nam, tác giả vẫn còn ở vị trí
trung tâm”. [tr.446]. Nhìn thấy để chính tác giả tự cải chính, tự phát
triển hoặc gợi ý cho sự phát triển cũng là công lao của ông. Thì đấy,
trong các công trình vận dụng thi pháp học tại Việt Nam, tác giả vẫn giữ
ngôi thống trị khi người ta mượn tác phẩm để ngợi ca tác giả như nịnh
thần xưa ngợi ca ông vua của mình. Trong khi tác giả, về bản chất, những
gì thuộc về con người không xa lạ với anh ta.
Thật ngô nghê khi nhiều luận văn, luận án, công trình tách hai phần nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật,
trong đó, phần hình thức nghệ thuật lại vận dụng thi pháp học để kiến
giải ngược lại nội dung, mà lại không thoát ra khỏi nội dung xã hội học
dung tục. Cách làm đó tưởng là dung hòa hai cực đối lập, song thực chất
là râu ông nọ cắm cằm bà kia làm méo mó thi pháp học đúng nghĩa.
Cuối cùng, Trần Đình Sử trăn trở làm thế
nào để thi pháp học tiếp tục phát triển chứ không phải bị thay thế. Theo
tôi, thi pháp học hiện đại không là hiện tượng đột biến mà có từ thời
cổ đại khi các nhà mỹ học đã biết rõ nghệ thuật sống ở hình thức và tự
thân hình thức mang nội dung của nó. Chỉ vì trong một thời gian dù không
dài, từ khi xuất hiện tư tưởng nội dung quyết định hình thức, thậm
chí cực đoan đến mức phủ định hình thức, người ta đã sát hại cách hiểu
nghệ thuật đúng đắn đó. Cái gì đúng sẽ luôn được kế thừa và phát triển
theo nhu cầu thời đại. Ở phương Tây, khi chủ nghĩa hình thức, lý thuyết
cấu trúc – kí hiệu bị phản biện, thi pháp học vẫn tiếp tục phát triển
mạnh mẽ. Giải cấu trúc (Deconstruction) tự nó đang là một thi pháp học
mới. Giải cấu trúc bắt đầu từ văn bản và ký hiệu của văn bản, nhưng bằng
các thao tác phá hủy sự cố kết giả tạo của cấu trúc – hình thức do tác
giả làm ra để đi đến tái tạo một cấu trúc – hình thức mới trên tinh thần
sáng tạo của bạn đọc. Nó giải các trung tâm, trong đó có huyền thoại
tác giả đang thống trị dai dẳng trong đời sống văn học. Nó hiện thực hóa
một lối đọc hiểu văn bản theo nguyên lý differance – mỗi diễn
giải luôn gắn liền với một không – thời gian khác biệt. Nó xác định cấu
trúc – hình thức không là hệ thống khép kín, tự trị lệ thuộc duy nhất
vào ý thức chủ quan của tác giả. Văn bản nghệ thuật là một hệ thống kí
hiệu đặc thù, không tồn tại một cách diễn giải mà vô số cách diễn giải
thông qua các tương tác đa chiều, trong bản thân văn bản và giữa các văn
bản, trong ý đồ của tác giả và những gì ngoài ý đồ – giữa bạn đọc với
bạn đọc. Nó là hệ thống mở phi tâm, bên dưới ý thức chủ quan của tác giả
là vô thức của các cá nhân và vô thức của cả cộng đồng với tất cả sự đa
dạng, sinh động của tinh thần. Thi pháp học giải cấu trúc, do đó, dung
nạp cả phân tâm học, hiện tượng học, chú giải học để làm giàu cho nghiên
cứu, phê bình thi pháp.
Sự giới hạn của Trần Đình Sử với tiêu đề Dẫn luận Thi pháp học văn học
tưởng đóng khung ở nghệ thuật ngôn từ, nhưng thực chất đang gợi ý về
một sự mở rộng cho các loại hình nghệ thuật khác trong nghiên cứu phê
bình thi pháp. Thi pháp học đã vươn đến tính liên văn bản
(Intertextiality), không chỉ giới hạn liên văn bản trong lĩnh vực nghệ
thuật ngôn từ mà còn liên văn bản với các hình thức nghệ thuật và các
hình thức văn hóa khác nhau. Chính cái nhìn đó, giải cấu trúc phát hiện
ra hình thức nghệ thuật là một trò chơi ảo của ký hiệu, biểu trưng, và
quan trọng hơn, nó tìm cách đánh vỡ trò chơi ảo ấy để đi tìm sự thật bị
giấu kín sau tầng tầng lớp lớp văn hóa che phủ theo thời gian. Giữa văn
hóa và tự nhiên, giữa cấm kỵ và tự do, giữa kiểm duyệt và chống kiểm
duyệt được đặt trong thế tương tác mạnh mẽ để giải triệt để các huyền
thoại như một trò chơi của quyền lực đang thống trị.
Quy Nhơn, tháng 4 năm 2018
CML
———–
Bài liên quan:
1. Trần Đình Sử với lý luận, phê bình văn học 3. Mách bố F. Saussure và J. Derrida
4. Nguyên lý differance
Sự thật mất lòng ! Các "nhà" của Việt Nam hiện nay, không hiểu do đâu, cứ vống lên đủ lý thuyết ngoại quốc, rồi coi đó là cẩm nang để bình xét, thưởng thức văn hóa nghệ thuật. Thực tế, làm gì có "phê bình phân tâm học". Càng không có những thứ gọi là "chủ nghĩa hiện đại" hay 'hậu hiện đại"...Thế mà, bao "nhà" xuýt xoa, làm như dân Việt Nam ngu dốt, không biết tới những báu vật, mà chỉ mình cảm nhận được ! Âu cũng là một huyễn hoặc, lừa người để kiếm lợi. Cái trống không dĩ nhiên lại rơi vào trống không. Nhưng đồng tiền bát gạo bỏ ra cho những "báu vật" ấy là có thật. Một lãng phí khổng lồ ! Một bất lương núp bóng văn minh thật hài hước !...
Trả lờiXóa