Thứ Bảy, 9 tháng 12, 2017

GIỚI THIỆU CUỐN SÁCH HAY NHẤT VỀ LÊN ĐỒNG VỪA XUẤT BẢN


LỜI GIỚI THIỆU

Nghi lễ Lên Đồng - Lịch sử và Giá trị
Tác giả: Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai
Nxb. Hà Nội, 2017. 422 trang, khổ 16 x22 cm.

Giá bìa: 250.000 đ.
Liên hệ mua sách: Tác giả Nguyễn Ngọc Mai, số ĐT: 098 237 6655
Email: ngocmai.dr@gmail.com


Nghi lễ lên đồng là một hiện tượng văn hóa dân gian phức tạp. Từ khi ra đời, trải qua nhiều thế kỷ, lên đồng có số phận khá thăng trầm trong lịch sử để tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Và mới đây, ngày 01/12/2016, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thủ đô Addis Ababa Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
.
“Lên đồng không lý giải cuộc sống sau khi chết, cũng không chỉ bảo con người ta cái cách tu dưỡng để thành người quân tử, cũng chẳng có triết lý cao siêu hay phép bí tích nào để dẫn dắt con người tới Thiên đường” như cách đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai. Nhưng lên đồng đã tồn tại và ngự trị trong đời sống tâm linh dân gian Việt Nam từ rất lâu và phát huy những công năng của nó trong một nhóm xã hội không nhỏ là điều không thể phủ nhận, bởi vậy nhất định phải có chức năng riêng của nó.

Một vài công trình nghiên cứu của các tác giả đi trước đã hé lộ cho thấy trong lên đồng có vấn đề xuất hiện sự biến đổi tâm lý, ý thức và cả sự có mặt của yếu tố vô thức nhưng đều chưa đi sâu lý giải những khía cạnh này của thực hành nghi lễ. Với quá trình nghiên cứu dài năm, công trình của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai đã cho thấy nghi lễ lên đồng hầu bóng không đơn thuần chỉ là nghi thức tôn giáo tín ngưỡng mà còn là một hiện tượng tâm lý đặc thù giúp các con nhang đệ tử mắc một số tâm bệnh mà y học hiện đại gọi chung là “rối loạn cảm xúc” có thể điều chỉnh trạng thái tâm lý mà hồi tỉnh trở về những trạng thái thông thường. Thậm chí cá biệt ở những căn đồng có trường tâm linh năng lượng còn có thể  “giải phóng năng lượng tiềm ẩn” để vươn tới ngã tâm linh. Bằng cách tiếp cận Nhân học tôn giáo, Tâm lý học tôn giáo và Tâm lý bệnh học, Tiến Sĩ Nguyễn Ngọc Mai đã có nhiều phân tích, lý giải mới mẻ khi tìm về bản chất, công năng của thực hành nghi lễ lên đồng cổ xưa cũng như làm rõ vai trò, tác dụng và giá trị của thực hành nghi lễ lên đồng hiện đại. Bằng việc tiếp cận trực tiếp với các hoạt động thực hành nghi lễ lên đồng của người Việt ở châu thổ Bắc Bộ; nghiên cứu tất cả các chiều cạnh trong đời sống tâm sinh lý, văn hóa, xã hội của các Thanh đồng với tư cách chủ thể văn hóa của loại hình tín ngưỡng đặc biệt này, tác giả đã cắt nghĩa được những biến đổi trong đời sống tâm sinh lý, đời sống kinh tế - xã hội mang dấu ấn thời đại của các Thanh đồng ngày nay. Những ý thức và động lực hành nghề của các Thanh đồng chịu sự tác động gì từ bên ngoài vào với tư cách là chủ thể xã hội và lĩnh hội gì từ bên trong nghi lễ với tư cách là chủ thể sinh vật cũng được tác giả phân tích, lý giải một cách thuyết phục.

“Nghi lễ lên đồng - Lịch sử và giá trị” không chỉ là tổng hợp của hai công trình luận án Thạc sĩ và luận án Tiến sĩ  của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Ngọc Mai, mà còn là kết quả của các nghiên cứu khác về mối liên/quan hệ giữa thực hành nghi lễ lên đồng của người Việt và các thực hành Shaman giáo, múa nghi lễ tôn giáo… của người nhiều tộc người khác trên dải đất Việt Nam. Công trình mang tính chất chuyên khảo, có kết cấu chặt chẽ, lôgic với một dung lượng kiến thức, tri thức không nhỏ. Ngoài phần Mở đầuKết luận, sách gồm hai phần, mỗi phần năm chương:

- Phần I: Nghi lễ lên đồng - Lịch sử phát triển.

Chương 1: Lên đồng hầu bóng ở đồng bằng Bắc Bộ và lịch sử phát triển.

Chương 2: Nghi lễ lên đồng hầu bóng ở châu thổ Bắc Bộ và mối quan hệ 
với các tôn giáo khác trong khu vực.

Chương 3: Nghi lễ lên đồng hầu bóng và tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu ở châu thổ  Bắc Bộ.

Chương 4: Hiện tượng lên đồng hầu bóng ở châu thổ Bắc Bộ từ đổi mới đến nay 
và những tác động của nền kinh tế thị trường.

Chương 5: Trang phục trong nghi lễ lên đồng - góc nhìn văn hóa.

- Phần II: Chủ thể thực hành và giá trị của nghi lễ lên đồng.

Chương 6: Chủ thể văn hóa lên đồng hầu bóng dưới góc nhìn phân tâm học.

Chương 7: Nghi lễ lên đồng hầu bóng và sự chuyển đổi nhận thức 
về tâm linh của các Thanh đồng hiện nay.

Chương 8: Bản hội của các Thanh đồng, vốn xã hội và những hệ lụy.

Chương 9: Nghi lễ lên đồng hầu bóng - những giá trị về y học.

Chương 10: Ý nghĩa xã hội, vai trò của nghi lễ lên đồng hầu bóng 
đối với văn hóa châu thổ Bắc Bộ.

Cuốn sách là công trình nghiên cứu chuyên khảo công phu, toàn diện về nghi lễ lên đồng với nhiều góc độ của loại hình tín ngưỡng nghi lễ vừa độc đáo vừa đầy tai tiếng mà như tác giả kết luận: “Tồn tại trên nền tảng của tín ngưỡng thờ thánh ở Việt Nam, lên đồng hầu bóng cho dù xét ở góc độ nào đi nữa thì nó vẫn cứ là một dạng diễn xướng văn hóa đặc thù… Nó không chỉ là một cách ứng xử độc đáo mang tính giai cấp mà còn là một hiện tượng văn hóa điển hình mang bản sắc văn hóa Việt. Điều đó thể hiện ở đặc tính tổng hợp, chồng xếp đan xen nhiều sắc thái: tôn giáo tâm lý, văn hóa, xã hội…”.

Ngoài phần nội dung bằng tiếng Việt, trong khi chờ có một bản dịch bằng tiếng Anh cả cuốn sách, tác giả đã tóm tắt nội dung từng chương, tên chương bằng tiếng Anh nhằm giúp các nhà nghiên cứu và độc giả nước ngoài hình dung một cách sơ bộ giá trị của nghi lễ lên đồng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc ta. 

Đánh giá cao những nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ, một thái độ làm việc hết sức khoa học, nghiêm túc trong suốt hai mươi lăm năm khó khăn nhất đời người của TS. Nguyễn Ngọc Mai - mà nói như chính chị là “hành trình cảm quan, chấp nhận và hạnh ngộ!” với nghi lễ lên đồng, Nhà xuất bản Hà Nội trân trọng giới thiệu cuốn sách “Nghi lễ lên đồng - Lịch sử và giá trị” đến đông đảo bạn đọc. 
NHÀ XUẤT BẢN HÀ NỘI


1 nhận xét :

  1. Hoan nghênh tác giả. Hoan nghênh sự xuất hiện của cuốn sách này. Lên đồng là việc không thể đem ra bàn đại trà được, càng không thể nhân danh khoa học để phán xét về hiện tượng lên đồng. Vì sao ? Vì thực chất của lên đồng là hiện tượng thánh giáng. Khoa học hiện thời đang bất lực trong trong việc khẳng định hoặc phủ định về sự tồn tại hay không tồn tại của linh hồn con người sau khi chết . Do đó, không thể sử dụng khoa học để nghiên cứu hiện tượng lên đồng, ngược lại, ở thời điểm hiện nay, hiện tượng lên đồng chính là một minh chứng thực tế đủ sức gợi ý cho khoa học nghiên cứu về bản chất của sự tồn tại đó. Nếu chưa biết sau khi chết linh hồn con người có tồn tại hay không mà đã phủ nhận hiện tượng Thánh giáng là võ đoán, phi khoa học. Bản thân khoa học đang bất lực thì sao lại nói đến chuyện dùng khoa học để xét đoán hiện tượng lên đồng ! Riêng về y học, thì tôi bảo đảm với các vị là tất cả người điên không thể chữa được bằng thuốc nam, thuốc tây, nói rộng ra là không thể dùng thuốc để chữa trị, nhưng có thể chữa cho họ khỏi bệnh bằng phương pháp cho họ hầu thánh ở các đền, phủ linh thiêng. Chúng tôi đã chữa hàng trăm người điên bằng phương pháp này, đa số đều khỏi bệnh. Có những người điên đến 30 năm, chưa tắm, chưa cắt tóc lần nào, như anh Bổng con trai ông giám đốc ngân hàng ở huyện Can Lộc tỉnh Hà Tịnh vẫn được chữa khỏi. Chuyện này đã được viết và in trên báo nông nghiệp khi anh Đỗ Bảo Châu đang làm biên tập ở đó. Nếu bạn có người nhà bị điên, hãy liên hệ với chúng tôi, chúng tôi sẽ hướng dẫn cho cách chữa bệnh, giải đồng theo căn kiếp của người đó, phần chắc là sẽ khỏi bệnh. Nói về văn hóa thì nghi lễ lên đồng là văn hóa tổng hợp, nhiều mặt rất đáng trân trọng, là niềm tự hào trong sáng tạo của dân tộc. Mấy giòng này không thể đề cập....

    Trả lờiXóa