Thứ Hai, 8 tháng 8, 2022

TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ TRẦN QUỐC VƯỢNG 17 NĂM ĐI XA


NHỚ ÔNG -“TAY MÕ LÀNG HÀ NỘI”

Lê Thọ Bình - Bá Kiên
(2020)

Ngày 8/8 tới đây là tròn 15 năm ngày mất của GS Trần Quốc Vượng. Ông được coi là một trong “Tứ trụ” của giới sử học nước nhà: “Lâm-Lê-Tấn-Vượng”. Ông đã để lại rất nhiều công trình, nghiên cứu có giá trị lớn không chỉ đối với giới sử học nước nhà mà còn đào tạo ra nhiều thế hệ nghiên cứu, khảo cổ là những tên tuổi lớn. Bài phỏng vấn chúng tôi thực hiện chỉ vài tháng trước khi ông qua đời vì căn bệnh ung thư. Xin đăng lại như một nén hương trầm thắp cho ông nhân ngày giỗ thứ 15 của ông.

Một trong “Tứ trụ”

-Thưa ông, nghe nói thủa nhỏ ông học toán rất giỏi, tại sao ông lại trở thành một sử gia?

Đúng là thủa nhỏ tôi học rất giỏi Toán-Lý. Tự đọc sách Tây hết chương trình toán học đại cương, sau đó xin thi vào trường dự bị Đại học, ngành toán-lý. Tuy nhiên ngồi chưa ấm chỗ, đùng một cái nhận được điện của cha, chuẩn bị đi học nước ngoài (Năm 1950, cán bộ cao cấp đều có tiêu chuẩn cho con đi học nước ngoài). Nhận điện tôi suy nghĩ rất nhiều, thời bấy giờ gọi là “đấu tranh tư tưởng”, rồi quyết định không đi. Mấy thằng bạn hỏi vì sao ở đây khổ thế mà không đi, tôi bảo: “Tao học giỏi, công tác xã hội tốt, lúc nào cũng giữ chức thường vụ hiệu đoàn. Thế sao không cử chính tao đi, mà lại cử “con của bố tao đi”. Cử tao đi tao đi liền, nhưng cử “con của bố tao” đi thì tao không đi. Tao không nhờ bố…”. Chuyện đến tai GS Trần Văn Giàu, cụ gọi lên gật gù: “chú khá đấy!”. Nhưng như thế Đảng cử chú sang học Văn khoa, vừa học vừa tham gia thường vụ hiệu đoàn”. Vừa quý ông, vừa sợ ông, tôi đành cúi đầu không nói lại nửa câu, ra về tự bảo: “Thì học Văn khoa, cần quái gì”.

-Và thế là ông trở thành một trong “tứ trụ” của làng sử đương đại Việt Nam?
Đó là loại chuyện huyền thoại ấy mà.

-Nhưng huyền thoại ấy do đâu mà có? 

Có lần trong một cuộc hội thảo quốc tế, do GS Chu (Hàn Quốc) chủ trì, trước khi các đại biểu đọc tham luận, ông Chu đều có giới thiệu trích ngang, riêng tôi thì ông ấy chỉ giới thiệu Giáo sư Trần Quốc Vượng, vì ông Vượng là một trong “tứ trụ” nổi tiếng, cả thế giới biết rồi. Kết thúc hội thảo, tôi gặp ông Chu hỏi “vì sao biết tứ trụ”?, ông ấy trả lời “tôi đã sống ở Việt Nam bảy năm rồi ông Vượng ơi!”. Đấy, nó cứ lan truyền từ người này qua người khác như vậy. Thực tình tôi cũng không biết nó có từ bao giờ. Hỏi GS Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê nhưng cả ba, cũng giống như tôi, đều không biết.

-Ông không biết vì sao, nhưng chắc là ông biết “huyền thoại này có từ bao giờ? 

Có lẽ nó hình thành vào cuối thập kỷ 60, khi cả bốn chúng tôi đều nổi tiếng học giỏi. Ra trường vào giữa thập kỷ 50, ba chúng tôi “Lâm, Lê, Vượng” học cùng khoá, còn Tấn học sau. Tôi đỗ thủ khoa năm1956, Tấn đỗ thủ khoa năm 1957. Sau đó, theo lệnh của khoa tôi và Tấn góp sức xây dựng ngành Khảo cổ học của khoa sử…Vì năm 1954, khi Pháp rút khỏi Việt Nam thì ngành Khảo cổ Việt Nam chỉ còn là con số 0, không để lại một nhà khảo cổ học nào. Tôi rất tự hào là đã lên lớp đầu tiên về Khảo cổ học Việt Nam niên khoá 1959-1960, cùng với sự giúp đỡ tư liệu của giáo sư Hà Văn Tấn…

-Nhưng người ta nói, trong “tứ trụ” nay chỉ còn mình ông là có ý kiến mới và sắc sảo?

Có lần tay Đặng Việt Bích (con trai cố Tổng Bí thư Trường Chinh) viết: “Trong “tứ trụ” chỉ còn có GS Vượng đưa ra được ý kiến mới và sắc sảo”. Tôi gặp “thằng” Bích, chúng tôi vẫn gọi nhau như thế, bảo, “mày ăn nói thế chết tao. Mày cứ cậy là con ông nhớn…”, Bích bảo, “tôi nói chứ anh có nói đâu mà sợ!?”. Tôi bảo “đúng là mày nói, nhưng mày không biết tác dụng khách quan là mày giết tao, mày viết thế sẽ đẻ ra bao nhiêu sự đố kỵ. Mày không biết được hậu hoạ của nó đâu. Bốn thằng, bây giờ mày “chặt” ba, chỉ còn một”. Tao thì tao nói ngược lại kia...

-Xin hỏi thật, ông đánh giá thế nào về “Tứ trụ”: Lâm- Lê- Tấn- Vượng?

Có lần GS Phan Huy Lê viết thế này: “Cả bốn chúng tôi: Lâm-Lê-Tấn- Vượng, tính cách rất khác nhau, có những mặt tưởng chừng đối lập nhau. Nhưng cũng có môt sự thật mà không ai có thể phủ nhận là tôi và anh Vượng cũng như bốn chúng tôi rất hiểu nhau. Hiểu cả sở trường, sở đoản, cả cái hay cái dở của nhau. Hiểu hết cả quá trình học tập cùng nhau, nghiên cứu giảng dạy, trong cuộc sống và bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp. Và chính trên cơ sở hiểu biết sâu sắc đó, chúng tôi thân thiết với nhau trên đa dạng, bổ sung cho nhau, và chấp nhận sự khác biệt. Tôn trọng cá tính từng người”.

Nhà tiên tri

-Thưa ông, người ta đồn rằng năm 1982, ông đi Liên Xô thuyết trình khoa học, về nước, gặp bạn bè ở quán cà phê Sinh, ông rỉ tai: “chế độ Xô Viết không thể nào Viable (ý nói không thọ) được!”. Ông là nhà tiên tri?

Nhiều người qua Liên Xô thời ấy về đều có linh cảm như vậy chứ không phải chỉ riêng tôi đâu. Một xã hội lành mạnh, dân chủ không thể được xây trên một nền tảng dối trá.

-Có bao giờ chính những lời tiên tri của ông làm hại ông không?

Đầu năm 1983, GS Phạm Huy Thông cho đăng bài viết của tôi ở trang đầu Tập san khảo cổ học. Sau đó tôi bị “quy” mấy tội: chống Chủ nghĩa Mác, vì tôi dám bảo “công hữu hoá là bóc lột”; chống công nghiệp hoá, vì tôi bảo “nông nghiệp vẫn phải là mặt trận hàng đầu”; chống chính quyền vô sản, vì tôi bảo “chuyên quyền đẻ ra tham nhũng”. Vụ án “văn tự” này kéo dài chừng ba năm, không có kết luận. Cuối năm 1986, khi Đại hội Đảng VI kết luận lại trong nghị quyết “Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu”, GS Thông đã mỉa mai trong một cuộc hội thảo lớn: “Thế bây giờ anh Vượng đúng hay các anh đúng”…

-Có lần GS Phan Huy Lê nói rằng ông đã từng “xem tướng” cho Cựu Tổng thống Liên Xô M.X. Goocbachov?

Năm 1990, Goocbachov được trao giải thưởng Nobel hoà bình. Trước mặt mấy giáo sư của Mỹ, tôi tuyên bố: “Chuyện các ông cho Goocbachov giải Nobel đó là chuyện của các ông, nhưng tôi đoán chắc chắn sang năm “thằng cha” này mất chức”. Mấy ông kia vặn lại: “Ông dựa vào tình hình chính trị hay gì mà khẳng định vậy?”. Tôi bảo: “Chẳng có chính trị, chính em gì hết, nhìn là biết liền: “cha” này tuổi Mùi (sinh 1931), sang năm có hạn lớn”. Tôi chưa nhìn trực tiếp Goocbachov, nhưng qua tivi thì thấy “cha” này có cái bớt đỏ ở trán, cứ nhìn cái bớt ấy thì không quá một năm nữa là mất chức. Sau này Goocbachov mất chức thật. Mấy tay giáo sư Mỹ gặp tôi phát hoảng.

-Ông căn cứ vào hình dạng có thể đoán được tướng số?

Tôi có hiểu biết về tử vi, tướng số… 

-Người ta bảo, người Mỹ đã nhờ giáo sư chọn đất làm đại sứ quán ở Hà Nội?

Đầu tiên là một tay ở hãng truyền thông của Đức, khi vào Việt Nam làm ăn, “tay” giám đốc đến gặp tôi hỏi xem ngày nào, giờ nào tốt để khai trương. Tôi cười bảo: “Ông là người Đức. Tôi tưởng người Đức thì rất duy lý”. “Nó” bảo: “Tôi thực tế hay duy lý thì ông không cần biết, mà tôi là giám đốc thì hôm khai trương tôi phải nói: “Hôm nay ngày lành, tháng tốt, tôi đã nhờ GS Trần Quốc Vượng xem rồi. Nói được như thế thì dân ông rất tin. Mà như thế bán hàng sẽ rất chạy”. Còn chuyện của Đại sứ quán Mỹ là thế này: trước đây họ ở đường Hai Bà Trưng (Hà Nội), hôm gặp một “tay” cán bộ đại sứ quán Mỹ, tôi mới hỏi: nghe nói các ông sắp sửa đổi sứ quán, từ đường Láng đi nơi khác. Có phải các ông đang định mua lại nhà máy Trần Hưng Đạo không?. “Nó” bảo: đúng. Tôi bảo: đừng có đặt đại sứ quán ở đó. Vì đó là cái Đàn Nam giao thời Lê đấy. “Mày” mà làm sứ quán ở đấy thì mày “chết ngay”(cười)...

Bốn lần từ chối làm “quan”!

-Rất tài hoa, nhưng gần 50 năm nay, ông vẫn chỉ là một giáo sư “trơn”. Nghe nói đã có lần ông khước từ “làm quan”? 

Thực ra thì có tới 4 lần tôi đã từ chối “làm quan”. Vì tôi biết, tính khí tôi như thế không thể làm quản lý, lãnh đạo được.

-Ông có thể kể cụ thể hơn không?

Lần thứ nhất cụ Trần Huy Liệu mời tôi sang làm Viện trưởng Viện khảo cổ Việt Nam, tôi bảo: “Tôi biết tôi không thể nào làm trưởng được vì tôi không phải là đảng viên, và tôi cũng không thích làm trưởng, không thích làm quản lý”. Một lần khác, ông Hà Huy Giáp cũng bảo: “Anh Vượng ơi, tôi muốn mời anh sang phụ trách Viện bảo tàng lịch sử quốc gia”. Tôi bảo: “Thầy Liệu thì mời sang Viện khảo cổ, còn anh lại mời sang đó. Tôi đã nói là tôi không làm”. Sau đó đến lượt ông Nguyễn Khánh Toàn (Chủ nhiệm Uỷ ban KHXH thời bấy giờ) mời tôi lên hỏi: “Anh không muốn làm hả?”. Tôi nói thẳng: “Trước hết là tôi không muốn làm. Hai là chưa chắc gì bên tôi đã cho đi”. Ông Toàn liền hỏi: “Bí thư Đảng đoàn bên anh là ai?”, “Dạ thưa chưa có ạ, vì Bộ trưởng Tạ Quang Bửu vừa là Bộ trưởng vừa kiêm Bí thư đảng đoàn”. Ông Toàn bảo: “Để tôi nói với Bửu một câu là xong”. Nhưng ông Bửu cũng “bướng” lắm, ông có một logic riêng “người tài thì phải để làm công tác đào tạo, mà tôi thì ông ấy xếp vào danh sách mười người rồi”.

-Thế còn lần thứ 3 và thứ 4?

GS Vũ Khiêu (khi đó là Vụ trưởng vụ Khoa học xã hội của Ban tuyên huấn TƯ), gặp tôi đi trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội), liền rủ tôi vào quán bia vỉa hè. Ông ấy bảo: “Vượng ơi, lần này không thoát được đâu Vượng ạ! Bên Bộ Văn hoá hoạt động bê bết quá, trên có ý định để tớ làm Bộ trưởng, Vượng làm Thứ trưởng. Mà tớ phân công trước là tớ phụ trách chung còn Vượng phụ trách các trường và viện nghiên cứu của bộ…”. Tôi đến gặp PGS Bùi Đình Thanh, ông ấy lại bảo: “sang làm gì. Vì mình từng làm phó mãi cho ông Khiêu ở Viện xã hội học rồi, “bố” ấy chỉ chơi, đi họp quốc tế thôi. Còn ở nhà mình chỉ è cổ ra mà làm (sau này Giáo sư Vũ Khiêu làm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội) 

Lần thứ tư là ông Đào Văn Tập, người kế nhiệm ông Nguyễn Khánh Toàn, nhờ bà Hà (phu nhân Đại tướng Võ Nguyễn Giáp- NV), Bí thư chi bộ Viện Đông Nam Á, đến nói với tôi: “Anh Tập biết mình thân với Vượng, anh muốn mời Vượng về phụ trách một Viện. Nếu Vượng đồng ý thì anh ấy sẽ tiếp xúc với Vượng”. Tôi lại phải nói thẳng: “Chị cứ bảo với ông ấy là tôi không thích làm quan, đã ba lần tôi từ chối rồi”. Bà Hà bảo: “Ông ấy biết, nhưng vẫn muốn mời, nếu Vượng gật thì ông ấy gặp Vượng”. Tôi bảo: “Không bao giờ gật”.

“Mõ làng” của Hà Nội!

-Tại sao nhiều người lại gọi ông là tay “mõ làng” của Hà Nội?

Có lẽ là do tôi hay la làng chăng?

-Bắt đầu từ bao giờ, thưa ông?

Năm 1987 trên báo Quân đội Nhân dân đăng bài “Bức thưc ngỏ gửi Chủ tịch thành phố Hà Nội” của tôi, phản đối việc xây dựng một công trình phá vỡ di tích chùa Một Cột. Bài đăng hôm trước, hôm sau tôi được Chủ tịch thành phố Nguyễn Thanh Bình triệu lên giữa trưa. Tôi ngồi, còn ông Bình đứng. Ông ấy nói: “Anh Vượng ơi, tôi khuyên anh nên đổi cái giọng nói và viết ấy đi. Cái lối nói của anh thì công nhân nói được, còn anh là đại tri thức mà anh lại nói như thế à? Nói thế thì tôi nghe được chứ mọi người không nghe được đâu”. Nghe thế tôi đã cáu “mổ” lại ngay: “Đảng ta nói trí thức là của công nông. Thế mà anh lại nói “công nông nói được”, còn tôi là trí thức của công nông mà tôi lại không nói được. Còn anh nghe được thì mọi người cũng nghe được. Tôi thì tôi “đồ chừng anh không nghe được, chứ không phải công nhân không nghe được”. Kể từ đó, người ta cho tôi là thằng “gàn”. Một lần, có ông to lắm, nói với tôi: “Anh Vượng ơi, tôi nghe người ta nói suốt ngày anh đi ngoài đường?”(cái gì họ cũng bảo “nghe có người nói”), tôi bảo: “Cái thằng chó nào nói thế, nói suốt ngày tôi đi ngoài đường tức là suốt ngày nó cũng đi ngoài đường, phải thế thì nó mới biết tôi suốt ngày đi ngoài đường chứ”. Thà cứ nói như GS Hà Văn Tấn “không biết ông Vượng ông ấy viết vào lúc nào?”, thế lại còn dễ nghe. Cái đồng hồ sinh học của mỗi người khác nhau, tôi hay viết về đêm, viết từ tối cho đến 4 giờ sáng. Cứ ngồi nhâm nhi tí rượu là viết thôi.

-Từ bức thư đó, cùng với những công trình nghiên cứu về văn hoá, lịch sử của Hà Nội, có người đã gọi ông là “nhà Hà Nội học đích thực”?

Có lần giáo sư Đinh Xuân Lâm nói với tôi: “Cái tay Phúc (nhà Hà Nội học Nguyễn Vĩnh Phúc- NV) chẳng có “chức tước” gì, nên tôi phong cậu ấy là “nhà Hà Nội học”, nhưng chính anh mới là nhà Hà Nội học đích thực”. Thực tình, tôi nghiên cứu về Hà Nội từ bốn, năm mươi năm nay rồi. Nên sau này, có người viết “ Trần Quốc Vượng, nhà Hà Nội học đích thực” là thế.

-Thưa ông, có người cứ trách móc rằng: “Ông Vượng viết gì chẳng viết toàn bới móc chuyện của bạn bè, người thân ra để bêu riếu”... 

Có lần người ta gọi tôi tới một hội nghị để phát biểu, tôi nói thẳng: “Tôi mà đã viết cái gì, nói cái gì thì nó chỉ có là sự thật trở lên, chứ không bao giờ là sự thật trở xuống nhé. Vì sự thật “trở xuống” là tôi không viết.

-Một nhà nghiên cứu nước ngoài từng viết “ông Vượng là người hiểu dân tộc mình nhất, nhưng cũng là người cô đơn nhất?

Đúng thế ! Tôi có một ông bạn rất thân là Trung tướng Hoàng Điền (nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục hậu cần- NV) tặng tôi hai câu thơ: “Tương thức mãn thiên hạ/ Tri âm năng kỳ nhân” (quen biết thì đầy thiên hạ, tri âm được mấy người). Tôi cô đơn vì rất ít người chia sẻ với ý kiến của mình. Ông Lê, ông Tấn là con đại địa chủ, ông Lâm là con tiểu quan lại. Còn tôi là con của một ông đảng viên Đảng cộng sản Đông Dương.

Chuyện “ăn cắp bản quyền”

-Thưa ông, ông có nhớ là cho tới nay ông đã viết được bao nhiêu công trình không? 

Chừng trên 30 đầu sách. Sách của tôi gồm đủ các thể loại: từ giáo trình sử, khảo cổ học, sách nghiên cứu văn hoá, con người, thú vui…đủ cả. Tuy nhiên, chẳng có ở đâu như đất nước mình, sách mình viết ra, “nó” tự tiện in, chẳng hỏi lấy một câu, một đồng nhuận bút cũng không có. Mà bọn “ăn cắp” thì cũng đủ loại.

-Đã có trường hợp nào bị ông phát hiện chưa?

Nhiều chứ ! Một hôm tay Huỳnh, học trò của tôi, hiện là Giám đốc nhà xuất bản Chính trị Quốc gia gọi điện hỏi: “Thầy có nhà không, em đến biểu thầy cuốn sách”. Tôi cảm ơn, vì “nó” vẫn nhớ đến mình. Quá trưa, “nó” ra về, mình mới mở ra xem. Thì ra đó là cuốn “Thăng Long Hà Nội”, chủ biên là tiến sỹ Lưu Minh Trị (nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội). Đọc xong thì hoá ra là cuốn sách của mình. “Nó” chỉ thay cái đầu bài và thêm mấy trang cuối nói về Hà Nội tiến tới năm 2010”. Tôi mới gọi điện mắng cho “nó” một trận: “Tưởng chúng mày biếu tao cuốn sách, hoá ra cuốn này là của tao. Biếu gì mà biếu…”. “Nó” bảo: “Thế thì thầy kiện đi”. Tôi bảo: “Có mà con kiến kiện củ khoai! Làm sao đối đầu được với những cha ấy”.

Lại nữa: một lần có chị bạn ở TP. HCM “phôn” ra bảo: “Anh ra bộ Ngàn xưa văn hiến mà chả tặng em cuốn nào, thế là em phải mua”. Mình ngớ người bảo: “Chị mua giúp tôi một bộ nhé”, hoá ra là Nhà xuất bản Thanh Niên nó “ăn cắp” bản quyền của mình…Toàn “thằng” nhà xuất bản lớn, thế mà cũng ăn cắp bản quyền. Rồi Nhà xuất bản Hà Nội, tự tiện in cuốn “Hà Nội ngàn xưa”, mình tức gọi điện đến, “nó” bảo thầy cứ đến đây. Đến nó xắp sẵn sách, tiền…Không “sờ” đến thì thôi, “sờ” đến nó biết là sai, thế là chuẩn bị sẵn tiền…Đấy là chỉ những vụ mình biết, chứ còn nhiều vụ “nó” cứ in làm sao mình biết được. Mình ngần này tuổi đầu (tay đưa vuốt mái đầu bạc, cười !), chẳng lẽ cứ đi theo kiện à. -Sao ông không làm như ông Sơn Nam ấy: “bán phéng” toàn bộ bản quyền cho một nhà xuất bản nào đó đi? 

Nghe đồn ông Sơn Nam bán toàn bộ bản quyền tác phẩm cho Nhà xuất bản Phương Nam, tôi nói với ông bạn thân, GS Cao Xuân Hạo: “Tôi đi bán bản quyền tất tật cho Phương Nam cho xong chuyện”. Lấy tiền lúc cho xong, như thế cũng có khoản để mua nhà. Nhưng sau lại bán được căn hộ cũ ở Kim Liên, vay thêm vào mấy trăm triệu mua được căn hộ mới này (ông vừa mua căn hộ cả tỷ bạc tại tầng 10, chung cư 18 tầng, dường Huỳnh Thúc Kháng, HN). Bà xã tôi cũng bảo như thế, chứ không thì làm sao mình theo kiện được.

LÊ THỌ BÌNH- BÁ KIÊN
 
Bài đã đăng trên Pháp luật TP. HCM.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét