Thứ Hai, 18 tháng 9, 2017

SÔNG HƯƠNG NÚI NGỰ trong thơ danh sĩ Bắc Hà Vũ Tông Phan



SÔNG HƯƠNG NÚI NGỰ
trong thơ danh sĩ Bắc Hà Vũ Tông Phan


Vũ Thế Khôi

Hoạn lộ của tiến sĩ Vũ Tông Phan (1800 - 1851), tự Hoán Phủ, hiệu Lỗ Am, thật ngắn ngủi: vẻn vẹn có 7 năm, từ 1826 đến 1833. Nhưng trong 7 năm ấy, ông có 4 lần phải vào kinh đô Huế.

Mùa xuân 1826 tân cử nhân khoa thi Hương 1825 vào dự thi Hội và thi Đình, mùa thu năm ấy, sau khi mang 6 cờ biển vua ban cho tiến sĩ “thiếu tuấn đăng khoa” hồi hương vinh quy bái tổ ở thôn Tự Tháp ven bờ tây Hoàn Kiếm hồ, ông trở lại Huế tập sự trong Hàn Lâm viện, đến mùa đông 1827 được bổ ra ngoài làm Tri phủ Bình Hòa (từ 1832 là Khánh Hòa); xuân 1829 được gọi về triều thăng chức Lang trung bộ Binh, đến tháng 8 cùng năm thăng làm Tham hiệp trấn Thái Nguyên, nhưng chưa được một năm, tháng 5 - 1830 đã bị cách chức vì để xổng tù. Phải chờ đợi ở ngôi nhà gia truyền ven hồ Gươm đến đầu tháng 8 -1830, ông Nghè họ Vũ được lệnh “lai Kinh hậu chỉ”, nghĩa là vào Huế đợi chiếu chỉ của Vua định đoạt số phận. Đó là lần thứ tư, cũng là lần cuối cùng Vũ Tông Phan vào Huế.


Bốn lần qua lại xứ Huế trong có 7 năm, có lần sống và làm việc tại bộ Binh cả năm trời, nhưng 3 lần trước không để lại dấu vết gì trong sự nghiệp thơ văn của thi nhân đất Thăng Long, bạn xướng họa với Thần Siêu, Thánh Quát. Có lẽ tân quan Nghè chưa thạo việc, chức thì nhỏ nhưng lại luôn thay đổi nên phải chuyên trú vào công vụ. Chỉ lần cuối cùng, do “lai Kinh hậu chỉ” phải ngồi chơi xơi nước hơn 2 tháng trời, ông Nghè làng Tự Tháp ven hồ Gươm mới được nhàn tản thăm thú bè bạn đồng liêu và du ngoạn khắp danh lam thắng cảnh đất Thần Kinh, lại thêm tâm trạng hoài hương và trăn trở trước tương lai vô định, nên thi sĩ họ Vũ ứng tác nhiều. Đây là thời kỳ sáng tác liên tục nhất, cũng hiệu quả nhất trong đời làm thơ của ông – hơn năm chục bài trong 2 tháng, trong đó có chùm thơ viết một hơi 18 bài vịnh cảnh đẹp xứ Huế - Đô thành thập bát vịnh (1831).

Thế ra 13 năm trước chùm thơ ngự chế của vua Thiệu Trị - Thần Kinh nhị thập cảnh (1844), ngâm vịnh danh thắng và cung điện, đền đài ở kinh đô nhà Nguyễn, đã xuất hiện 18 bài thơ của một danh sĩ Bắc Hà ngợi ca cảnh đẹp xứ Huế. Một ông vua và một kẻ sĩ, hai thi nhân với hai vị thế và hai tâm trạng, đã để lại cho đời hai bức tranh đẹp bổ sung cho nhau về xứ sở có tiếng là nên thơ.

Chúng tôi xin giới thiệu văn bản hai bài thơ nói trên trong Đô thành thập bát vịnh về hai thắng tích tiêu biểu của xứ Huế mà không một nhà thơ nào viết về Huế có thể bỏ qua, chính vì vậy thành ra “không hẹn mà nên”, hai bài này trùng hợp về đề tài với Thần Kinh nhị thập cảnh. Để tiện đối chiếu, xin phép dẫn cả hai bài của vua Thiệu Trị qua bản phiên âm và dịch thơ của thi sĩ Thiền môn Thiên Nhất Phương.

Trích THẦN KINH NHỊ THẬP CẢNH (1844) CỦA THIỆU TRỊ

- Đệ thập nhất - Hương giang hiểu phiếm

Nhất phái nguyên uyên hộ đế thành
Thanh lưu sấn tảo nhạ lương sinh
Ba bình xuân thủy lung yên sắc
Chu trục thần phong động lỗ thanh
Thiên tửu vị can nhu ngạn thọ
Sơn hoa do luyến kết vân anh
Phiếm hồi vị yết Thương lang khúc
Đông khuyết phương thăng thụy nhật minh

Bài thứ 11 - Buổi sáng đi thuyền trên sông Hương

Một dải sông sâu bọc đế thành
Dòng trong hây hẩy gió mai lành
Lặng yên sóng khói xuân lồng sắc
Xao tiếng chèo bơi gió giục nhanh
Cây bến láng lai đầm móc ướt
Hoa rừng lưu luyến quyện vân anh
Thuyền về khúc hát còn dang dở
Cửa khuyết trời đông đã sáng banh
Thiên nhất Phương dịch

*
- Đệ thập nhị - Bình lãnh đăng cao

Nguy nga bảo chướng đế thành nam
Giai tiết đề cao ức thắng đàm
Dịch liễn quang lâm tư sáng thủy
Vũ trường tiên suất hiệu hô tam
Thừa ân vũ trụ thiên niên tại
Túng lãm càn khôn vạn cảnh hàm
Bách nhị sơn hà tăng tráng cố
Vân khai thụy khí ái tình lam

Đỉnh Ngự lên cao

Thành nam một ngọn đẹp vô ngần
Nhớ tiết trùng dương* chuyện đặt vần
Lên viếng chuyến đầu xe một buổi
Dân hô rượu múa tiếng ba lần
Đất trời muôn cảnh thu đầy mắt
Vũ trụ ngàn năm hưởng được ân
Sông núi hai phần trăm** vững giữ
Mây bừng khí vượng quyện non xuân

Chú thích:
*Trùng dương – tiết 9 tháng 9, lên núi ngắm cúc nở và ngâm vịnh
** Hai phần trăm - lấy điển tích nước Tần hiểm yếu, với hai vạn người có thể chống lại trăm vạn địch
Thiên Nhất Phương dịch


Trích ĐÔ THÀNH THẬP BÁT VỊNH (1831) của Vũ Tông Phan

- Kỳ nhị - Hương giang tế nguyệt

Hằng Nga thôi xuất Quảng Hàn song
Nhất phiến Ngân Hà lạc đế bang
Bất dạ càn khôn thanh kiến để
Vô cùng chu hạm ảnh thành song
Duyên tân ngư hỏa tinh sơ đạm
Cách ngạn tiều ca địch kỷ xoang
Xúc cảnh hữu nhân liêu ký vấn
Dư huy tằng phủ đáo Lô giang

Bài hai - Trăng sông Hương sau mưa tạnh

Chị Hằng đẩy cửa cung Hàn
Ngân Hà rụng xuống đế bang một dòng
Đất trời trong suốt thinh không
Tầu thuyền lớp lớp bóng lồng trăng treo
Lửa chài nhạt ánh sao chiều
Bờ xa vẳng khúc sáo tiều chơi vơi
Có người ngắm cảnh bồi hồi
Ánh thừa may rọi phương trời Lô giang*?

Chú thích:
* Một tên cổ của sông Hồng
 
*
- Kỳ tam - Bỉnh sơn thụ sắc

Liên lạc quần phong xuất nhất kì
Thiên công sản tước nhạ nhân vi
Bình lâm Hương chử đương tiền án
Trực đối Càn lâu củng Thái vi
Phiếu miểu tường vân lưu bích nghiễn
Thanh song giai khí tiếp đan trì
Thành đài đa thiểu đăng lâm khách
Tranh tiện thương tùng đắc sở y

Mầu cây núi Ngự

Trùng điệp non vây nhô một ngọn
Ông trời đẽo gọt mấy kỳ công
Hương giang gương nước như tiền án
Đối diện Càn lâu*, vọng Thái cung
Thăm thẳm mây lành dăng đỉnh biếc
Song xanh khí tốt đượm thềm hồng**
Thành đài chiêm ngưỡng dăm ba khách
Say sắc tùng xanh thỏa ước mong

Chú thích:
* Càn lâu – điện Càn Nguyên, vua Gia Long dựng năm 1806, năm 1833 vua Minh Mạng phá đi, xây tại đó Ngọ môn.
** Thềm hồng (đan trì) – thềm sơn đỏ ở cung vua.
Văn Khôi dịch


Tiến sĩ Vũ Tông Phan là người đề xướng phương châm kết hợp các truyền thống văn hóa tốt đẹp của nước Nam xưa với các chuẩn mực của đạo Nho cổ đại với chữ NHÂN làm nền tảng để chấn hưng văn hóa - giáo dục đã suy đồi nghiêm trọng hồi nửa đầu thế kỷ XIX. Vì vậy từ rất sớm ông đã để tâm sưu tầm về các di tích lịch sử và văn hóa dân tộc, và ở đầu các bài thơ của ông ngâm vịnh các di tích đó luôn có những lời dẫn có giá trị địa chí văn hóa nhất định. Chẳng hạn, chính các lời nguyên chú của ông Nghè làng Tự Tháp ven hồ Gươm đã cho phép chúng tôi phát hiện lại đền thờ vua Lê Thái Tổ từng tồn tại từ thời Tây Sơn (cuối TK XVIII) ở vị trí Tượng vua Lê ngày nay bên bờ tây hồ Gươm, trong khi nhiều nhà Hà Nội học cho đến tận năm 1996 vẫn viết: “Một điều kỳ lạ là ở bên hồ Hoàn Kiếm không có đền thờ vua Lê Thái Tổ”!

Các bài thơ chùm Đô thành thập bát vịnh chép trong Lỗ Am di cảo thi tập đều có “lời dẫn” của tác giả, xin chép nguyên văn ra đây lời dẫn do Vũ Tông Phan viết năm 1831 ngay sau đầu đề hai bài về sông Hương và núi Ngự để các nhà nghiên cứu Huế xưa xem xét.

- “Hương giang tế nguyệt. Kỳ nhị. Hương Trà huyện thượng phần, xúc xứ thành xuyên. Nhất lưu biệt tòng Trản sơn hạ thông Quốc Tử Giám môn, loan bão kinh thành, trực phóng Thuận An hải khẩu, kì thủy thanh nhi tú, trú dạ bình lưu, dữ thành nam tương khứ ước thập trượng. Nguyệt dạ đăng vọng, bất giảm Tây hồ cảnh trí”

Tạm dich: Trăng sông Hương sau mưa tạnh. Bài hai. Trên vùng cao của huyện Hương Trà khắp nơi có suối lạch. Một dòng tác ra chảy ven chân Hòn Chén, thông đến cửa Quốc Tử Giám, uốn khúc ôm lấy kinh thành rồi tuôn ra cửa biển Thuận An, nước trong và đẹp, ngày đêm bình lặng chảy dài cùng kinh thành đến mười trượng. Đêm trăng trèo lên cao ngắm ra xa, trông chẳng kém cảnh trí hồ Tây.
- “Bỉnh sơn thụ sắc. Kỳ tam. Nam đài tiền chi Hương giang ngạn hữu sơn nhất tọa, cao nhi bình, trường nhi phương, tứ diện đăng đối. Niên tiện phụng tứ danh Ngự Bình sơn, cập sắc lịnh thụ tùng, kim dĩ thành lâm, thanh thương khả ái”

Tạm dịch: Bờ sông Hương trước đàn Nam giao có một quả núi, cao mà bằng phẳng, dài mà vuông vắn, bốn mặt đăng đối, năm trước đây được vua ban danh hiệu Ngự Bình, lại hạ sắc chỉ trồng tùng, nay đã thành rừng, ngắt xanh khả ái.

Vũ Thế Khôi

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét