Thứ Hai, 25 tháng 9, 2017

GÓP CHÚT ĐỈNH VỚI HỌC GIẢ HOÀNG TUẤN CÔNG


GÓP CHÚT ĐỈNH VỚI HỌC GIẢ HOÀNG TUẤN CÔNG

Hà Văn Thùy

Câu chuyện quanh cuốn sách của Hoàng Tuấn Công đã lắng xuống. Lắng xuống một cách tức tưởi do áp lực thô bạo. Nhưng rồi lịch sử sẽ ghi nhận, đây là cuộc tranh luận thẳng thắn nhất, dân chủ nhất nên thành công nhất của học thuật Việt Nam hiện đại. Kết quả nhỡn tiền là làm rõ, làm trong sáng ý nghĩa nhiều từ, nhiều thành ngữ tiếng Việt mà từ lâu “mờ mờ nhân ảnh”, đóng cái mốc mới cho việc đưa tiếng nói dân tộc trở nên chuẩn mực. Mặt khác, nó cho thấy dân trí người Việt không thấp. Từ khởi xướng của một người trẻ không bằng cấp cộng với sự đóng góp của nhiều dân thường qua mạng thông tin dân chủ, chúng ta đạt được thành tựu ngôn ngữ mà nửa thế kỷ nay những viện nọ trường kia với học giả mũ cao áo dài không làm được! Nhiều bài học sẽ được rút ra từ sự kiện này!

Tuy nhiên, để công trình của học giả Hoàng Tuấn Công được trọn vẹn, tôi xin góp với ông chút đỉnh.

1. Thành ngữ Đường đi hay tối, nói dối hay cùng.

Trong thành ngữ này, vế sau thì đúng nhưng vế đầu vô nghĩa. Bởi lẽ đường đi, là con đường đã được định hình, có đầu có cuối, có dựng trạm, có cột cây số (dặm). Vậy, đi trên con đường đó, chỉ khi mặt trời lặn mới tối chứ làm sao mà hay tối được? Do vậy, thành ngữ này phải là Đường tắt hay tối. Đường tắt là con đường không chính thức, được mở tạm, qua vườn tược, qua cánh đồng… do vậy nó không cố định. Có thể lần trước đi được nhưng lần sau, có người rấp lại, cái cầu tạm bị gẫy hay xuất hiện chỗ lội… Gặp sự cố như vậy đúng là bối rối, đúng là tối tăm!

Đấy là xét ý nghĩa của thành ngữ. Còn nếu xét cách cấu tạo tục ngữ, ta thấy dân gian sử dụng vần rất chỉnh. Trong Đường tắt hay tối, nói dối hay cùng, ba vần trắc tắt, tối, dối hợp với nhau, dễ nói, dễ nhớ đồng thời cũng gợi lên sự trắc trở trục trặc. Vần bằng cùng ở cuối giúp cho người nói được nhả hơi, tạo nên sự hài hòa của thanh âm. Do vậy, đó là thành ngữ hoàn chỉnh.

2. Thành ngữ Chó già gà non ông Hoàng Tuấn Công cho là chó thiến già, gà thiến non là chưa thỏa đáng. Gà thiến non là đúng. Nhưng có đúng là chó thiến già? Vấn đề ở đây là mục đích của thiến chó. Thông thường, con chó đực mới lớn rất hăng đi hoang. Không chỉ không giữ được nhà mà nhiều nguy cơ bị bắt. Do vậy, người ta nhốt hay xích lại. Với những con cố tình phá, chủ mới thiến để hết đường đực cái. Nhưng khi bị thiến, con chó trở nên “lại cái” giảm sút khả năng giữ nhà. Do vậy, để có chó giữ nhà, người ta ít thiến. Còn khi chó già rồi, hết “khí phách” rồi thì chỉ quanh quẩn ở nhà, lúc này cần gì thiến nữa? Do vậy, phần nhiều chó đực cũng bị thiến sớm chứ không để già. Tôi chưa từng thấy ai thiến chó vỗ béo để ăn thịt. Một phần vì lúc này con chó quá lớn, thiến nó sẽ đau, rất tội nghiệp. Mặt khác cũng bởi lẽ con chó thiến thì nhiều mỡ, thịt ăn nũn, sẽ ngán.

Do vậy, thành ngữ này nói về ẩm thực: Thịt chó già thì dai, gà non thì tanh và nhũn, là những món dở.

3. Câu tai vách mạch dừng 
Đây là dạng rút gọn của thành ngữ Dừng có mạch, vách có tai

Ngày nay lớp trung niên, nhất là dân thành thị ít người biết thế nào là dừng là vách. Đó là cách làm nhà của người Việt xưa. Tường bao quanh nhà thường được chình bằng đất, rất vững chắc, mát trong mùa hè mà ấm về mùa đông. Đó cũng là những chiếc lô cốt nhỏ chống chịu với bão. Nhưng việc ngăn những phòng trong nhà thì dùng vách. Người ta đục những lỗ hình chữ nhật cỡ 1x2 cm, cách đều khoảng 10-12 cm trên nửa cây tre rồi áp vào hai cột hai bên và quá giang ở trên. Còn ở dưới nơi gần giáp đất, người ta để nguyên một cây tre và cũng đục lỗ như vậy. Để cây tre không chạm vào nền đất bị ẩm mục, người ta kê những hòn gạch phía dưới. Tiếp đó, người ta chẻ tre già, đã được ngâm để chống mối mọt thành những thanh có chiều rộng khoảng 2 cm và chiều dài chạm tới nửa cây tre đã đục lỗ áp vào quá giang nếu là cây đứng. Còn thanh ngang chạm vào hai nửa cây tre đóng áp cột nhà. Người ta cho đầu thanh tre vào những cái lỗ đã đục ở nửa cây tre áp cột. Nếu thanh tre ngắn thì nối lại. Sau đó dùng lạt buộc chắc các thanh ngang dọc với nhau. Như vậy là đã làm xong bức dừng. Dừng là bộ xương bằng tre để trát vách. Người ta dùng rơm trộn với bùn non, đạp cho mềm nhuyễn rồi đem trát vào vách.

Từ thực tế trên cho thấy: tấm dừng là một hệ thống “mạch” ngang dọc liên kết với nhau. Khi được trát bằng rơn bùn, sẽ thành vách. Như vậy, dừng có mạch là nghĩa đen. Còn vách có tai lại mang nghĩa bóng: mặt vách phẳng phiu đấy nhưng bên trong là dừng, có cái mạch ăn thông với nhau. Có thể nghe thấy những chuyện trong phòng kín… Câu thành ngữ nói về việc cẩn trọng trong phát ngôn ngay nơi tưởng như kín đáo nhất. Do vậy xin đừng hiểu lầm thành tai vách mạch rừng. Không có rừng nào ở đây cả. Do trước đây, tiếng Việt cố, r và d chưa phân hóa nên có thể nói rừng hay dừng đều được. Nhưng sau đó, ngôn ngũ tiến bộ hơn, r tách khỏi d. Những vùng đất theo thói quen vẫn nói mạch rừng bị coi là nói ngông, dẫn tới hiểu sai ý nghĩa câu thành ngữ.

Nhân đây cũng xin quý vị chấn chỉnh cho việc nói sai mà các nhà đài nhà báo hiện hay dùng, nhất là thường thấy chềnh ềnh trên Một thế giới: Mục sở thị! Người xưa không nói như vậy mà nói Thực mục sở thị. Có nghĩa là chính mắt mình nhìn thấy. Mục sở thị là vô nghĩa!

H.V.T

12 nhận xét :

  1. Góp ý với HTC :
    Trang 157 có câu :"vô phúc lấy phải trẻ ranh, nó ăn nó bỏ tan tành nó đi"
    cụ NL giảng : Khuyên người ta không nên lấy vợ quá ít tuổi.
    HTC giảng : "trẻ ranh" không phải là vợ quá ít tuổi mà là CHỒNG quá ít tuổi.

    Theo tôi cụ NL đã đúng, còn HTC sai.
    Câu "vô phúc lấy phải trẻ ranh, nó ăn nó bỏ tan tành nó đi" không phải thành ngữ, tục ngữ, mà là một phần của câu CA DAO:
    Có phúc lấy được vợ già
    Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh
    Vô phúc lấy phải trẻ ranh
    Nó ăn nó phá tan tành nó đi.

    Đọc nguyên câu ca dao này thì rõ ràng TRẺ RANH là vợ trẻ ranh chứ không phải chồng trẻ ranh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trẻ ranh : vợ, chồng trẻ ranh đều đúng !

      Xóa
  2. "Đường đi hay tối, nói dối hay cùng" cũng na ná như "ngon lành cành đào", "nhục như con trùng trục" - dân gian nói thế. Không nên cố hợp lý hóa cách nói đã quen miệng quen tai. Ông Hà Văn Thùy giỏi, nhưng giỏi mấy cũng không "uốn nắn dân chúng" được. Dân chúng nói thế chỉ có ý nhắc nhở là "đừng nói dối, thế nào cũng lòi đuôi ra" thế thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Ông sửa có 3 câu mà sai mất hai. Người ta nói mục sở thị là đúng. Mục là mắt. Sở là nơi. Thị là nhìn. Mục sở thị là nhìn thấy tận nơi. Có thế thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đã dốt lại hay nói chữ . Tiếng Việt thiếu gì chữ mà cứ phải dùng chữ Hán " mục sở thị ", để tranh cãi nhau về ý nghĩa !

      Xóa
    2. chữ "thị" 視 là nhìn kỹ, coi kỹ, bản thân nó là động từ! còn chữ "sở' 所 trong "sở thị" 所 視 là để biến chữ "thị" thành danh từ: sự nhìn, cho nên "mục sở thị" 目所視 là nhìn rõ tận mắt.
      Tác giả Hoàng Văn Thùy không nắm chắc xuất xứ từ vựng nên tư duy theo cách nghĩ của mình mà thiếu dẫn liệu khoa học nên nó chư đúng!

      Xóa
    3. Câu "tai vách mạch dừng" của tác giả bài viết HVT không đúng! Ông dẫn liệu nào là tường, nào là vách nhưng tôi chắc ông chưa một lần đắp tường và cũng chưa một lần trát vách! (xin lưu ý "đắp tường" nhà bằng đất ở vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ khác với "chình tường" ở vùng đất đồi Trung du Bắc Bộ. Còn việc làm vách gồm trát vách bằng rơm rạ nháo bùn đất, trát vách bằng vôi rơm, làm vách nhà bức bàn bằng gỗ hay thưng vách bằng cót, bằng phên). Dù làm tường, làm vách nhà bằng cách nào đi nữa cũng không liên quan gì tới câu tục ngữ mà tác giả nêu.
      Người ta nói: "Tai vách mạch rừng" là đúng! Chúng ta thường biết câu ngạn ngữ "bức vách có tai" để chỉ kẻ nghe lén nghe trộm và có không ít những câu truyện kèm theo như truyện "tay ổng tay ông" chẳng hạn. Còn "mạch rừng" là thế nào? Mạch rừng là chỉ các mạch nước các khe suối ở trong rừng nó rất nguy hiểm, đó là hiện tượng lũ cuốn xẩy ra khi bất chợt trời đổ mưa, vì thế phải đề phòng cẩn thận. Nói đến đây chắc ai cũng hiểu câu "Tai vách mạch rừng" ý nói gì rồi !

      Xóa
    4. "Câm như thóc" là câu thành ngữ quen thuộc nói về việc giữ bí mật, không chia sẻ với bất kỳ ai một việc gì đó.
      Tại sao không nói : Câm như hạt đậu ??? Câm như củ khoai??? Hoặc câm như cục đá???
      Theo tôi : "câm như thóc" câu ngắn gọn, âm "thóc" ở cuối cụm từ gợi lên sự kết thúc, chắc chắn hơn các từ đậu, khoai , đá....

      Bàn về "TAI VÁCH MẠCH RỪNG" hay "TAI VÁCH MẠCH RỪNG" cái nào đúng thì quá khó hoặc là không thể bởi đi tìm nguồn gốc đúng khác nào đi tìm TỪ NGUYÊN.
      Câu : "tai vách mạch rừng" hay "tai vách mạch dừng" đều nói : Nếu mình nói việc gì đó ở một nơi vô cùng kín đáo như trong phòng kín, hoặc rừng sâu đều có thể sớm muộn cũng bị lộ.
      Bởi vậy "tai vách mạch dừng" hay "tai vách mạch rừng" đều được.
      Khi làm từ điển có thể nêu "tai vách mạch dừng" rồi nêu thêm dị bản: "tai vách mạch rừng"

      Xóa
    5. câu CA DAO:
      "Có phúc lấy được vợ già
      Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh
      Vô phúc lấy phải trẻ ranh
      Nó ăn nó phá tan tành nó đi." nói điều gì?
      -Lấy vợ già tức là chồng trẻ hơn vợ! Trong trường hợp này câu ca dao khẳng định là gia đình hạnh phúc (vừa sạch cửa nhà lại ngọt cơm canh), nhưng lại nhắn nhủ người phụ nữ rằng: Lấy chồng đừng có trẻ quá ( thuộc loại trẻ ranh) thì không có hạnh phúc đâu (nó ăn nó phá tan tành nó đi). Vậy trẻ ranh ở đây là chỉ chồng, người chồng vắt mũi chưa sạch ấy ! Bây giờ chúng ta biết "trẻ ranh là chồng hay vợ rồi còn gì nũa?
      - Xua kia ông bà ta có câu ca: "gái hơn hai, trai hơn một" để thành gia thất cũng là hợp với ý này chăng?

      Xóa
    6. Bạn tìm từ nguyên ở đâu khi tai/vách/mạch/rừng đều là chữ nôm cả?

      Xóa
  4. Mọi câu ca dao hay tục ngữ ,thành ngữ khi xuất hiện đều có nghĩa vụ của nó với đời sống dân sinh/
    Câu (chó già gà non)nếu như một số người nói là dùng cho ẩm thực là hoàn toàn không đúng. Vì chó già dù không quá ngon nhưng vẫn ăn được . Nhất là món dồi lòng và nhựa mận vẫn rất ngon. Còn gà non : Gà nhỏ tần lá ngải hoặc hầm cách thủy vẫn rất ngon, Vì vậy Câu " chó già gà non để cảnh báo cho ẩm thực là hoàn toàn không cần thiết. Vì thế "Chó thiến già, gà thiến non" là câu nhắc nhở và lưu truyền cho người dân dễ thuộc dễ học là vậy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. MỜI CÁC BẠN
      Giải thích câu: "Gà lọt dậu chó sáu bát" nghĩa là gì?

      Xóa