Thanh Niên
07:46 AM - 08/08/2017
PGS-TS Phạm Văn Tình, Phó viện trưởng Viện Từ điển học, cho biết
không hề ngạc nhiên khi thấy một cuốn sách phê bình và khảo cứu chỉ ra
những sai sót trong từ điển của GS Nguyễn Lân, cho dù GS đã nhận Giải
thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ cho “Cụm công trình về giáo dục
học và từ điển tiếng Việt” hồi năm 2001. Theo ông Tình, từ điển của GS
Nguyễn Lân vốn có nhiều vấn đề từ góc độ từ điển học cũng như các kỹ
thuật khác. Trước đây, cũng đã có nhiều ý kiến của nhiều cá nhân về
những sai sót này. “Có nhiều lý do mà các ý kiến đó không được công bố,
hoặc khi công bố không được tiếp nhận đúng với tinh thần khoa học. Người
ta cũng chỉ góp ý thôi mà không định kiến gì cả. Nhưng tới giờ có anh
Hoàng Tuấn Công, dù không phải người làm ngôn ngữ nhưng phải nói là rất
am hiểu, viết cả một cuốn. Những ý kiến của anh ấy đích đáng đấy”, ông
Tình nói.
Ông Tình cũng cho biết do ngại va chạm nên cuốn sách của ông Công
bị nhiều nơi từ chối in. Ông Hoàng Tuấn Công cũng xác nhận điều này.
Bắt lỗi có hệ thống
Cuốn sách của nhà nghiên cứu tự do Hoàng Tuấn Công có tên Từ điển tiếng Việt của GS Nguyễn Lân - phê bình và khảo cứu, dày gần 600 trang, do NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book ấn hành. Sách được chia làm 5 phần. Phần 1: Phê bình, khảo cứu cuốn Từ điển thành ngữ và tục ngữ VN
do GS Nguyễn Lân xuất bản lần đầu năm 1989, và theo ông Công, dù có sai
sót nhưng vẫn được nhiều NXB như NXB TP.HCM, NXB Từ điển bách khoa và
NXB Văn học tái bản với số lượng khá lớn. Phần 2: Phê bình, khảo cứu
cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt. Cuốn sách này xuất bản lần đầu
năm 1989; sau đó cũng được NXB TP.HCM, NXB Từ điển bách khoa và NXB Văn
học tiếp tục tái bản. Phần 3: Phê bình và khảo cứu cuốn Từ điển từ và ngữ VN.
Cuốn sách này xuất bản lần đầu năm 2000, tái bản lần 1 năm 2006, NXB
Tổng hợp TP.HCM. Phần 4: Chính tả trong từ điển của GS Nguyễn Lân. Phần
5: Thử lý giải những sai sót khó hiểu của nhà biên soạn từ điển - GS
Nguyễn Lân.
Ông Công phân chia rõ ràng các mục từ mà ông cho là sai thành những
nhóm sai sót khác nhau. Chẳng hạn, có nhóm sai do “bỏ gốc lấy ngọn,
giải thích sai, nông cạn làm hẹp ý nghĩa, cách dùng thành ngữ, tục ngữ”.
Trong đó, ông dẫn thành ngữ “nhân nào quả ấy”. GS Nguyễn Lân giải thích
thành ngữ này ý nói con cái chịu ảnh hưởng của cha mẹ. Tuy nhiên theo
ông Công, thực chất câu này là luật nhân quả mà nhà Phật gọi là nhân
duyên và quả báo. Nó có một số câu gần nghĩa như: ác giả ác báo, thiện
giả thiện lai, gieo gió gặt bão. “Nói đến nhân quả là nói đến quy luật
tất yếu, đâu chỉ là con cái chịu ảnh hưởng sâu sắc của cha mẹ như cách
giải thích của GS Nguyễn Lân”, sách viết.
Ông Công cũng sử dụng nhiều kiến thức đa dạng để đưa ra cách hiểu
khác với nhiều giải thích từ ngữ của GS Nguyễn Lân. Chẳng hạn, GS Nguyễn
Lân giải thích “to như hộ pháp” là tả người to lớn khác thường, hộ pháp
là bức tượng rất to đặt ở trước bàn thờ Phật trong chùa. Trong khi đó,
theo ông Công, tượng hộ pháp thường đặt hai bên gian tiền đường, ở giữa
có bàn thờ Phật. Cũng có khi tượng này đặt ở hai bên mái hiên hoặc trước
cửa Phật điện. Tuy nhiên, không có tượng nào lại được đặt ở trước bàn
thờ Phật cả.
Hay “chồng ăn chả, vợ ăn nem”, theo GS Nguyễn Lân, nghĩa là nói cặp
vợ chồng không hòa thuận, mỗi người chỉ nghĩ đến lợi ích riêng mình.
Hoàng Tuấn Công cho rằng chưa chính xác. Chả và nem là hai món ăn đều
khoái khẩu, tương xứng, ở đây ám chỉ tình trạng cả hai vợ chồng đều
ngoại tình, vụng trộm (giống nhau), đi tìm sở thích của riêng mình.
“Khuôn vàng thước ngọc”, theo GS Nguyễn Lân, là gương sáng cần noi theo.
Hoàng Tuấn Công cho rằng chưa chính xác. Gương sáng cần noi theo chỉ là
tấm gương của con người. Trong khi khuôn vàng thước ngọc là chuẩn mực,
khuôn thước nói chung để người ta làm theo, so sánh, kiểm chứng giá trị,
xấu tốt của sự vật khác.
PGS-TS Hoàng Dũng, Chủ nhiệm bộ môn ngôn ngữ, Trường ĐH Sư phạm
TP.HCM, cho rằng: “Cuốn sách cho thấy tác giả sở đắc một vốn Hán học
vững chắc và vốn hiểu biết dân gian giàu có. Mỗi luận điểm đều được biện
giải, dẫn chứng nguồn tư liệu chính xác của tác giả hay của các công
trình đi trước; độc giả hoàn toàn có thể tự kiểm tra”.
Cần có hội đồng thẩm định
Về việc sửa từ điển của GS Nguyễn Lân, PGS-TS Phạm Văn Tình cho
rằng: “Không in được, không chữa được. Chỉ chữa khi có một vài sai sót
vừa phải thôi. Nó giống như một cỗ máy mà thiết kế có nhiều trục trặc mà
lôi ra sửa thì lợn lành chữa thành lợn què, không được tốt. Trường hợp
đó cho nó vào lịch sử thôi”.
Một vấn đề khác đặt ra là việc tái bản các cuốn từ điển của GS
Nguyễn Lân sẽ ra sao. Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản (Bộ TT
-TT), cho biết việc có cuốn sách chỉ ra cái sai trong từ điển là một
chuyện, còn sách đó chỉ cái sai có chính xác hay không thì phải có hội
đồng thẩm định. “Nếu tái bản thì chắc chắn là Cục cho tái bản rồi đấy,
vì không có lý do gì không cho tái bản cả. Nhưng NXB tái bản thì cần có
lời giới thiệu, là có những chi tiết theo thời gian thì có từ khác
nghĩa, hoặc trái ngược hoàn toàn, hoặc trình độ chưa tiếp cận đến. Nhưng
không vì thế mà chúng ta đánh giá thấp công trình và có quyền thay đổi
một khi tác giả đã đi vào lịch sử. Chúng ta đưa sách ra để khảo cứu và
tham khảo khi cần thiết là được”, ông Hòa nói.
Trinh Nguyễn
Ông Hòa đại ý : Phải có hội đồng thẩm định công trình của ông Hoàng Tuấn CÔng.
Trả lờiXóaTôi thấy ý này cũng tốt, nhưng lại nghĩ tìm đâu ra những người có TÂM có TÀI ngang với, chưa nói hơn, ông Hoàng Tuấn Công để thẩm định công trình của ông Công đơi.
Tôi là một nhà báo chuyên mảng văn hóa đã 20 năm nay nên biết rằng, chuyện sai sót trong Từ điển Nguyễn Lân được nhiều người nói từ khoảng năm 2005 - 2006 cơ, nhưng lúc ấy thế lực các con ông Nguyễn Lân mạnh lắm, gạt đi hết (nhất là ông giáo sư "Biết Tuốt" Nguyễn Lân Dũng, nghị sỹ Quốc hội 4 khóa liền). Các báo nể sợ thế lực ấy, cũng ngại đụng chạm, vả lại ông Lân Dũng nhờ cả Ban Tuyên giáo Trung ương can thiệp để các báo im mồm. Vì thế bây giờ độc giả mới biết đến những sai sót ngớ ngẩn của cuốn sách.
Trả lờiXóaSai thì sửa, đơn giản vậy thôi, điều quan trọng là có dũng cảm nhận không?
Trả lờiXóaCuốn từ điển của GS Nguyễn Lân nên để ở tủ gia đình để con cháu coi là "báu vật" của ông cha, còn với Khoa học xã hội, với nền giáo dục... thì nên cất vào "chỗ nào đó" để đừng bao giờ nhắc đến. Tôi cũng (tát nước theo mưa) với PGS-TS Phạm Văn Tình cho rằng: “Không in được, không chữa được. Chỉ chữa khi có một vài sai sót vừa phải thôi. Nó giống như một cỗ máy mà thiết kế có nhiều trục trặc mà lôi ra sửa thì lợn lành chữa thành lợn què, không được tốt. Trường hợp đó cho nó vào lịch sử thôi”.
Trả lờiXóaỦa, trước đây sao không thấy ông Phạm Văn Tình lên tiếng? Ông làm đến phó viện trưởng viện từ điển hoc, to thế cơ mà? Cái viện này nó làm cái gì?
Xóa