Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Làng cổ Đường Lâm: TAN HOANG NHÀ CỔ DI SẢN

Nhà cổ thành nhà hoang,
chuyện lạ có thật ở làng cổ Đường Lâm

 

Kiều Khải
Nông Nghiệp Việt Nam
13:31, Thứ 5, 02/06/2016

Gần 1 tỷ đồng tiền đầu tư của Nhà nước vào trùng tu nhà cổ ở xã Đường Lâm, TX Sơn Tây, Hà Nội. Nhưng ngôi nhà chưa có sổ đỏ, lại xảy ra tranh chấp giữa hai hộ đồng sở hữu ngôi nhà. Vì thế, nhà cổ đã thành... nhà hoang. Cỏ dại mọc tốt ngập ngang người từ cổng vào đến cửa nhà. Trong nhà, bụi phủ. Bàn ghế chỏng chơ. Tre gỗ, cây chống xếp đống ngổn ngang.


Bà Kiều Thị Thảo trong ngôi nhà xuống cấp sau trùng tu

Tiền tỷ tu sửa nhà cổ 
 
Ngày 29/8/2011, Sở VH-TT&DL Hà Nội có văn bản số 1619/VHTTDL-QLDS xin thỏa thuận báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ, tôn tạo 10 ngôi nhà cổ loại 1 trong di tích làng cổ Đường Lâm đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ngày 6/10/2011, Bộ VH-TT&DL có văn bản số 3235/BVHTTDL-DSVH thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật tu bổ 10 nhà cổ thuộc di tích làng cổ ở Đường Lâm. 

Ngày 10/10/2011, UBND thị xã Sơn Tây có văn bản số 934/UBND-TCKH chấp thuận điều kiện bố trí kế hoạch chuẩn bị đầu tư dự án: Tu bổ, tôn tạo 10 nhà cổ Đường Lâm. Chủ đầu tư là Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm. Tổng mức đầu tư dự kiến là 9.869 triệu đồng (hơn 9,8 tỷ đồng).
 
Ngày 28/10/2011, UBND thị xã Sơn Tây có quyết định 1856/QDD-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và kế hoạch đấu thầu công trình tu bổ, tôn tạo 10 nhà cổ Đường Lâm. Chủ đầu tư là Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm. Tổng mức đầu tư là 9.599.964.000 đồng (hơn 9,5 tỷ đồng), trong đó chi phí xây dựng là 7.878.352.000 đồng. Hình thức: Chỉ định thầu.
 
Sau đó, Cty CP Phương Anh là đơn vị trúng thầu 10 ngôi nhà cổ tại Đường Lâm. Trong đó, có nhà bà Nguyễn Thị Gan thôn Đông Sàng, tổng giá trị tu bổ, tôn tạo là 906.800.561 đồng.

Theo Ban Quản lý di tích làng cổ Đường Lâm báo cáo với Thanh tra thành phố Hà Nội, toàn bộ 10 nhà cổ trùng tu đã được nghiệm thu khối lượng hoàn thành và thanh toán A-B, bàn giao cho chủ nhà đưa vào sử dụng. Tổng giá trị nghiệm thu phần xây lắp là 7.717.937.566 đồng (hơn 7,7 tỷ đồng). Tổng giá trị thanh toán A-B là 6.288.896.566 đồng (hơn 6,2 tỷ đồng).

Nhà cổ thành... nhà hoang

Chiều 10/5/2016, PV báo NNVN có mặt tại nhà cổ của bà Nguyễn Thị Gan (tên thường gọi là bà Nhớn) thôn Đông Sàng. Trong vai khách du lịch tới thăm nhà cổ, sau khi cất tiếng chào, bà Gan xua tay: “Đây không phải nhà cổ. Nhà cổ phải sang làng Mông Phụ”.

Khi hỏi đây có phải nhà bà Nguyễn Thị Gan, chủ nhà xác nhận. Tuy nhiên, gia chủ nhất định không nhận đây là nhà cổ đón khách du lịch. Đặc biệt, khi PV chuẩn bị chụp ảnh, ghi hình ngôi nhà thì một người phụ nữ khoảng ngoài 30 tuổi lao ra cản trở quyết liệt.

Điều ngạc nhiên là, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Gan được ngăn đôi bằng tường vách tôn. Hỏi ra mới biết, đây là ngôi nhà đang trong diện tranh chấp giữa gia đình bà Nguyễn Thị Gan và bà Kiều Thị Thảo cùng thôn.

Bước vào phần diện tích ngôi nhà cổ do gia đình bà Kiều Thị Thảo quản lý, chúng tôi không khỏi cám cảnh trước thực trạng nhà hoang cửa ngỏ. Cỏ dại mọc tốt ngập ngang người từ cổng vào đến cửa nhà. Trong nhà, bụi phủ. Bàn ghế chỏng chơ. Tre gỗ, cây chống xếp đống ngổn ngang. Cột chính ngôi nhà mối mọt. Nhà cửa vừa tu sửa đã xuống cấp nghiêm trọng.

Thật đúng là nhà cổ thành nhà hoang!

Đưa vào tu bổ nhà cổ chưa rõ chủ sở hữu

Ngôi nhà cổ đang tranh chấp giữa hai gia đình bà Nguyễn Thị Gan và bà Kiều Thị Thảo vốn là nhà của ông Chánh tổng Kiều Văn Định đã được Nhà nước thu hồi toàn bộ nhà đất trong Cải cách ruộng đất năm 1956. Trong đó, có một ngôi nhà 5 gian chung mái để chia cho 4 hộ dân.

.

Hoang tàn nhà cổ

Năm 1988 và năm 1992, gia đình bà Kiều Thị Thảo mua lại 2 gian nhà của hai hộ gia đình ông Nguyễn Văn Quốc và bà Kiều Kim Đính (giấy mua bán viết tay có xác nhận của UBND xã Đường Lâm). 2 gian còn lại, gia đình bà Nguyễn Thị Gan mua. Còn 1 gian giữa là sử dụng chung của các hộ gia đình.

Năm 1998, gia đình bà Kiều Thị Thảo chuyển ra ở và sinh sống tại phố Mía (đường 32). Phần diện tích nhà cổ, gia đình đóng cửa không sử dụng.

Năm 2011, gia đình bà Nguyễn Thị Gan trình bày với Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đề nghị được tu bổ ngôi nhà bị xuống cấp. Dù gia đình bà Gan không có đơn, nhưng Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm vẫn nhất trí đưa ngôi nhà vào danh sách cần trùng tu, tu bổ.

Khi đơn vị thi công tiến hành dỡ mái gian nhà thì bà Kiều Thị Thảo mới được biết. Phản ánh với lãnh đạo xã Đường Lâm và lãnh đạo Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, bà Thảo được thông báo trong danh sách tu bổ 10 nhà cổ không có tên gia đình.

Ngày 2/12/2012, bà Kiều Thị Thảo đã làm đơn đề nghị xem xét giải quyết quyền lợi như gia đình bà Nguyễn Thị Gan và giải quyết việc tranh chấp phần diện tích sử dụng chung giữa hai gia đình. Cho đến nay, sự việc vẫn chưa được chính quyền các cấp của xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây giải quyết triệt để. Vì thế, cho đến nay, ngôi nhà cổ hạng 1, được Nhà nước đầu tư gần 1 tỷ đồng trùng tu, một nửa vẫn là nhà hoang!

Theo báo cáo của Thanh tra Hà Nội về kết quả xác minh đơn tố cáo của công dân ở thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây ngày 9/6/2015, đã khẳng định: Trong danh sách của Dự án tu bổ, tôn tạo 10 nhà cổ Đường Lâm được Bộ VH-TT&DL thẩm định báo cáo kinh tế kỹ thuật có tên bà Nguyễn Thị Gan, nhưng thực tế ngôi nhà cổ thuộc đồng sở hữu của 2 hộ gia đình bà Nguyễn Thị Gan và gia đình bà Kiều Thị Thảo.

.

Khi khảo sát, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm không kiểm tra trước khi phê duyệt phương án tu bổ dẫn đến ghi thiếu tên người đồng sở hữu ngôi nhà, gây thắc mắc trong nhân dân. Trách nhiệm thuộc về Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và UBND xã Đường Lâm.

Vấn đề đáng lưu ý ở đây là vì sao Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm và UBND xã Đường Lâm lại có sơ suất, bỏ sót người chủ đồng sở hữu ngôi nhà như vậy? Vì sao, gia đình bà Nguyễn Thị Gan không cần làm đơn mà vẫn được đưa vào diện trùng tu, tu bổ? Người dân thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm cho biết, lý do có thể là bà Nguyễn Thị Gan là mẹ vợ của Bí thư Đảng ủy xã Đường Lâm nên... ngoại lệ!

Tan hoang nhà cổ

Không riêng trường hợp ngôi nhà cổ đang trong diện tranh chấp giữa gia đình bà Nguyễn Thị Gan và gia đình bà Kiều Thị Thảo, xuống cấp ngay sau khi trùng tu. Ngôi nhà của gia đình bà Trương Thị Nụ, thôn Cam Thịnh, tu bổ cùng đợt cũng xuống cấp, gia đình đem làm nơi... nuôi gà!

.

“Các con tôi nói rằng đã phản ánh nhiều đến các cấp để quan tâm xử lý nhưng không thấy phản hồi. Để đảm bảo an toàn cho tính mạng các thành viên trong gia đình, sắp tới gia đình tôi sẽ tự tiến hành tu sửa. Đây là nhà của gia đình, chúng tôi không cần xin phép đâu”, bà Nụ chia sẻ.

Nghe những lời than thở của Nụ, PV lấy làm khó hiểu trước thực trạng tan hoang, xuống cấp của nhà cổ ở Đường Lâm như vậy. Được biết rằng, nhà tài trợ Nhật Bản đã cảnh báo sẽ rút đầu tư nếu như Việt Nam không giải quyết được an sinh cho người dân làng cổ. 
Chúng ta sẽ trả lời họ ra sao khi đứng trước cảnh nhà cổ thành nhà hoang như hiện nay?


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét